Friday, August 31, 2018

MỜI THAM DỰ


Chiều ‘Văn Chương & Hội Hoạ’
với họa sĩ  Lê Tài Điển và hai nhà văn Đặng Mai Lan
Phan Thị Trọng Tuyến

Hoàng Thị Bích Ti
Nguyễn Thị Thanh Bình cùng ba tác giả
hân hạnh mời quý vị và các bạn đến tham dự buổi tiệc văn nghê, ra mắt tác phẩm tại :

Vườn Tre - 3701 Terrace Dr Annadale.  VA 22003
Vào ngày-  Chủ Nhật 07/10/ 2018  từ 2.00 đến 6.30 pm.


 Đặc trách văn nghệ: Bạch Mai
Điện thoại liên lạc :
703-342-2198
Trân trọng.



Thursday, August 30, 2018

SÁCH MỚI


Trân trọng giới thiệu:

Hồng đăng tại Amsterdam

Tập truyện
Phan Thị Trọng Tuyến

Văn Học Press xuất bản, 8/2018
Bạt @ Trịnh Y Thư
Tranh bìa @ Lê Tài Điển
456 trang, giá bán $23.00

Tìm mua trên Amazon.com
Search Keywords: Hong dang tai amsterdam
Hoặc bấm vào đường dẫn sau:

https://www.amazon.com/Hong-dang-tai-amsterdam-Vietnamese/dp/1724574264/ref=sr_1_1?ie=UTF8&qid=1535057348&sr=8-1&keywords=hong+dang+tai+amsterdam&dpID=41KPb0YLxIL&preST=_SY291_BO1,204,203,200_QL40_&dpSrc=srch


… Cây cầu không-thời-gian nối liền quá khứ với hiện tại hiển hiện thật rõ ràng qua truyện Lửa phục sinh trong tập truyện. Quá khứ, hiện tại, người bỏ nước ra đi với cõi lòng nát vụn, kẻ ở lại vận dụng hết sức bình sinh của mình vùng vẫy bám chặt lấy mảnh đất, khóm rừng cũ kĩ trăm năm, tất cả chồng chéo lên nhau, đan xen vào nhau, cố gắng hòa giải, tìm kiếm một mẫu số chung nào đó, nhưng rốt cuộc chỉ bị xô giạt, cuốn hút vào những hướng lực đối nghịch để rồi bị nghiền nát trong đó và bi kịch tất yếu xảy ra. Là một người kể chuyện với cái “tâm” nhân ái của nhà văn, những truyện ngắn và truyện vừa của Phan Thị Trọng Tuyến tìm cách khai giải thân phận con người nhưng cũng lồng trong đó một luận đề hiện sinh cơ bản: Đời sống thực sự của cá nhân mới đích thực là cái cấu tạo nên “chân bản thể” của hắn.
Trịnh Y Thư

Description of the book on Amazon:

This book, Hong dang tai Amsterdam (The Red Light in Amsterdam) is a collection of novellas and short stories by one of the leading Vietnamese women writers in the modern time, Phan Thi Trong Tuyen. For her, nothing is more sacred than the beloved motherland, but, ironically, she has been exiled from it for most of her adult life. Perhaps, that is the reason why she chose to be a writer, a story teller, because, as manifested in the book, stories are for joining the past to the present, it’s like a bridge between the forgetting homeland and the real life in diasporas. The stories as told in the book are rich in details and full of emotion, depicting the flights from turmoil by Vietnamese women, who are struggling and trying to survive under the ferocious wheels of History and of modern societies.
Van Hoc Press


CÕI TRẦN AI VÀ DÒNG SỮA NGỌT LÀNH


Nguyễn Thị Liên Tâm
   
Tác phẩm của Elena Pucillo Trương

    Nếu những câu chuyện kể in trên từng trang sách khiến cho trái tim bạn rung động, thổn thức thì đó chính là tình yêu chân thực của nhà văn dâng tặng cuộc sống đã chạm vào trái tim biết yêu thương của bạn.
    Nếu tâm hồn bạn cũng vui buồn, đau khổ, hạnh phúc… cùng nhân vật trong truyện, thì chính nhà văn đã truyền cái cảm xúc ấy cho bạn bằng con chữ và tài kiến tạo cuộc đời cho các nhân vật qua lăng kính văn chương.
     Mười bốn câu chuyện kể về cõi phù sinh và tình người trong tập truyện ngắn “Vàng trên biển đá đen” của Elena Pucillo Trương đã làm được điều đó, đã lay động lòng người đọc bởi nhà văn biết cách khơi chảy dòng sữa ngọt lành trong tim mình và truyền cảm xúc ấy sang trái tim bạn đọc.

      A.Toltoy đã từng định nghĩa: “Truyện ngắn là một trong những thể tài văn học khó nhất… do ngắn nên khó hơn…Truyện ngắn đòi hỏi một công phu lao động lớn”. Nhưng Elena Pucillo Truong lại thích viết truyện ngắn bởi chị muốn lao động công phu… Bởi như thế, chị mới có thể quan sát, chiêm nghiệm, bóc tách, cắt lát những mảng nhỏ hiện thực củạ cuộc sống đang bộn bề quanh chị để đem vào trang sách, để cùng thương yêu, cùng phẩn nộ, cùng đau khổ, cùng hạnh phúc…với các nhân vật của mình.
Những tình tiết, chi tiết, nhân vật … trong mười bốn câu chuyện cứ lấp la, lấp lánh sống động như hình ảnh “sắc vàng” trong cái tựa đề của truyện. Tình yêu thương con người chính là vàng ròng, bởi, tình người đã nẩy mầm yêu thương như những hạt lúa, hạt bắp… tưởng chừng sẽ bị “thiêu chết” trên biển đá cao nguyên bỏng rát, nhưng nào ngờ, “màu vàng” ấy vẫn rực sáng mạnh mẽ trên những tảng đá đen nhấp nhô uốn lượn tựa sóng biển khơi.
      Tiếp nối những câu chuyện mang tính nhân văn sâu sắc trong “Bóng của ngày”, “Một phút tự do”, những câu chuyện  trong tập “Vàng trên biển đá đen” của Elena Pucillo Truong đều mang hơi thở thật thà của cuộc sống bộn bề đang diễn ra trước mắt chúng ta. Là không gian đá của Hà Giang, là Hà Nội, là chùa Bái Đính, là đất Sài Gòn, hay một vùng quê xa thẳm… Nhưng cho dù, bối cảnh câu chuyện xảy ra ở đâu, thì hồn cốt vẫn là viết về những vùng miền đất Việt với tình người, cách sống, cách suy nghĩ của người Việt, bởi chị là nàng dâu của đất Tây Sơn – Bình Định- là con gái của đất nước Việt mà chị đã yêu thương, gắn bó đời mình. Và đó cũng chính là nét độc đáo, ấn tượng của nữ nhà văn người gốc Ý này.
      
      Mỗi truyện ngắn tuy có đường nét khác nhau nhưng đều khắc họa thậm sâu về thân phận con người, về cuộc sống đời thường trong những hoàn cảnh cụ thể của nó. Và dưới góc độ quan sát tinh tế, đa chiều, Elena Pucillo Trương đã soi thấu những rung cảm mạnh mẽ, bung vỡ…của những con người cô đơn, tuyệt vọng. Họ bị bủa vây, bị rẻ rúng, bị lệ thuộc bởi đồng tiền chi phối và tình người tráo trở, lọc lừa, vô nhân tính… Nhưng may ra, đâu đó, vẫn còn chút ánh sáng lương tri le lói “cuối đường hầm” trong cõi trần ai này, mà chúng tôi muốn gọi tên là “dòng sữa ngọt lành”. Dòng sữa ngọt lành trong trái tim tác giả Elena Trương và dịch giả Trương Văn Dân. Dòng sữa ngọt lành của các nhân vật thiện lương trong tập truyện. Dòng sữa ngọt lành trong những con người có nhân cách đẹp sống cuộc đời đẹp xung quanh ta.
       Cách dẫn dắt truyện, cách đào xới tâm lý nhân vật (người Việt), cách diễn đạt ngôn ngữ…có thể xem là thế mạnh của nhà văn nữ Elena Trương, mặc dù chị là người Ý. Và có lẽ, cũng chính nhờ dịch giả Trương Văn Dân đã thổi hồn dân dã vào những câu chuyện đầy giá trị nhân văn.
       Trong mười bốn truyện ngắn được in trong tập, tôi rất ấn tượng với các truyện Con chim nhỏ trong lồngDải ruy băng màu tím.

Truyện thứ nhất Con chim nhỏ trong lồng.
      Hình ảnh bà mẹ già trong truyện ngắn đầu tiên mang tên “Con chim nhỏ trong lồng” là một người mẹ cô đơn, đau khổ tột cùng khi bị chính đứa con trai do mình tạo ra từ xương tủy, đã hành xử với mẹ hệt như cầm tù một phạm nhân. Bà mẹ đã cô đơn, lẻ loi biết bao trong ngôi nhà  một thời thanh xuân tràn đầy hạnh phúc của mình. Bà “sống mà như đã chết, sống như một kẻ lạ mặt trong chính ngôi nhà của mình”. Bởi bằng thủ đoạn tàn nhẫn và nham hiểm, nàng dâu đã cướp mất lòng yêu thương của con trai bà dành cho mẹ, rồi leo lên địa vị bà chủ, thay thế vai trò ấy của mẹ chồng trong chính ngôi nhà của mẹ. Tựa đề của truyện đã gợi lên sự tù hãm bủa vây số phận cô độc, trơ trọi của mẹ, hệt con chim nhỏ bé bị nhốt trong lồng.Vì điều gì? Chính vì tiền, vì của cải vật chất, vì lòng yêu thương bị xói mòn… mà người ta có thể bội bạc cả ơn nghĩa sinh thành một đời mẹ đã ấp iu.
   Tâm tình khốn khổ ấy được Elena Trương xuyên thấu tận ngõ ngách trái tim bà cụ để qua đó, phơi bày nỗi đau âm ỉ, đắng cay không kể xiết… về thái độ, cách hành xử của người con dâu đối với mẹ chồng, của con trai với mẹ ruột.
 Hình ảnh mẹ già vất vưởng, lạc lỏng trong đêm, đi dọc hành lang, tâm hồn luôn bị những lời bạc đãi của con cái ám ảnh, tựa như những mũi dao nhọn hoắt đâm vào tim khiến ta buồn đau vô hạn. Và chính Elena Trương đã tạo nên nỗi buồn ấy cho độc giả. Dưới ngòi bút phân tích tâm trạng nhân vật sâu sắc của nữ văn sĩ, có người làm mẹ nào không nhoi nhói tim đau? Bởi kết thúc truyện là gì? Con chim nhỏ xổ lồng, nhưng nó không đập cánh bay cao mà tự thả đôi cánh trụi lông xơ xác kia, rơi tự do trong không gian, chấp nhận kết cục xa lìa cuộc sống bằng nụ cười ngọt ngào nở trên đôi môi héo khô. “Con chim nhỏ trong lồng” ấy đã chọn sự giải thoát thân phận một cách đớn đau. Cõi tạm nhưng đầy nhức nhối. Dòng sữa ngọt lành trong trái tim nhà văn đã cho bà cụ chút môi cười khi buông tay từ giã cõi trần ai khốn khổ.

Truyện thứ hai: Dải ruy băng màu tím
      Con trai yêu quý vượt ngàn dặm xa, mưu sinh, quyết tâm  học tập vươn lên ở xứ lạ quê người để mong thay đổi cuộc đời. Nước Ý xa xôi chấp nhận anh, cưu mang anh nhưng nỗi buồn xa xứ, xa gia đình, nhớ thương cha mẹ cứ luôn làm trái tim anh thổn thức.  Ba mẹ nghèo khổ ở quê  nhà cũng luôn ngóng tin anh, nhớ thương không dứt về anh. Nhưng cũng vì đồng tiền mà con người ta có thể lạnh lùng, tàn nhẫn không báo tin dữ cho người con trai xa xứ về cái chết của cha mẹ để cướp trọn số tiền anh đổ mồ hôi nước mắt, ký cóp gửi về cho cha mẹ. Linh cảm tình yêu  ruột thịt đã thôi thúc anh về nước, để nhận ra nghịch cảnh trớ trêu và lòng người man trá. Vì tiền mà con người ta bán rẻ cả lương tri, bán rẻ cả linh hồn cho quỷ dữ.
     Tôi tin chắc rằng các bạn sẽ buồn rũ người khi đọc về nỗi đau cắt da thịt của anh con trai trong cái ngày về quê, bang hoàng nhìn hai nấm mộ trơ khô của đấng sinh thành . Và càng xót xa hơn khi tưởng tượng cảnh anh con trai mở “dải ruy băng màu tím” để lần giở từng phong thư cũ. Cõi phù sinh quả lắm nỗi đau lòng bởi thế thái nhân  tình điên đảo. Elena Trương đã tinh tế phân tích tâm lý nhân vật và nhìn ra nỗi đau dằn vặt của người con trai. Hình như trên “dải ruy băng màu tím” có lóng lánh những giọt sữa ngà trắng ngọt ngào an ủi con yêu.

Truyện thứ ba có tên Phía sau sự thật kể về: hai cụ già mải mê đánh cờ trong quán một người đàn bà trẻ mất lòng tin vào cuộc đời. Họ không màng tới thế sự quanh mình. Nhưng, cũng không ai ngờ tớ, một tình huống xảy ra ngoài dự đoán, hai cụ già có vẻ bề ngoài ốm yếu, bơ đời ấy đã dang tay giải cứu mẹ con người phụ nữ thoát khỏi sự khống chế của kẻ cướp khi họ đột nhập vào quán, bắt con gái và uy hiếp ngườì mẹ. Người Việt có câu: “Coi mặt bắt hình dong”, nhưng hình như trong trường hợp này lại không chính xác. Hình thức bề ngoài đã không nói lên được phẩm chất bên trong của con người. Dòng sữa ngọt lành có thể chảy lan đến những con người rất đỗi bình thường nhưng giàu lòng nghĩa hiệp như thế đó. Và tâm người viết rất thiện lương mới có thể nhìn ra vẻ đẹp từ bên trong lớp áo thô ráp, lạnh lùng của hai cụ già kia.

Búp bê bằng sáp là câu chuyện thứ tư kể về một người vợ đẹp bị người chồng xem như là búp bê để trang trí cho ánh hào quang danh lợi của mình. Người phụ nữ ấy bị cắt gọt, tỉa tót sao cho có một vẻ đẹp ngày càng lộng lẫy, hoàn hảo. Như là một con rối trong bàn tay người điều khiển,  một con rối xinh đẹp đầy hữu ích. Nhưng trái tim nàng thì đã ngày càng buồn đau, chai sạn, bởi nàng không còn chính là nàng nữa rồi. Nàng là một con búp bê được nặn bằng sáp. Nhưng búp bê thì rỗng, không có trái tim. Còn nàng thì mang trái tim của con người - của loài người, biết hỉ, nộ, ái, ố, lạc… nên đau thấu tim, đau thắt ruột gan khi nhận ra mình ngày càng xa lạ với chính mình. Nàng đã chọn một cái chết hết sức đau lòng. Cái chết ấy được chiêu tuyết bằng dòng sữa ngọt lành của trái tim tác giả. Bức tranh Hoa máu trên nệm trắng là hình ảnh cực kỳ xót xa nhưng là hình ảnh đẹp tuyệt vời cho sự giải thoát cuộc đời bế tắc của nàng.

Chút hơi ấm cuối cùng: là câu chuyện thứ năm kể về một người đàn ông vợ chết, con cái tranh giành nhà cửa, đẩy ông vào bệnh viện. Người đàn ông quá đau buồn, trốn vòng vây tê lạnh của bệnh viện để đi tìm cái chết ở một bờ biển vắng. Làm sao có thể tồn tại khi mà con cái trắng trợn cướp của cha mình những gì ông đã hạnh phúc mà có. Với ông, giờ chỉ còn hình ảnh người vợ dấu yêu với chút hơi ấm cuối cùng. Elena đã lột trái, phơi trần sự thật về những đứa con ngày nào đỏ hỏn trên tay ba mẹ, ba mẹ đã rút hết ruột gan nuôi nấng từng đứa con yêu dấu, vậy mà giờ đây, chúng lại dửng dưng, manh tâm đẩy cha đi vào chỗ chết.
  Ngòi bút hiện thực của Elena như cứa vào tâm tình của những người làm cha làm mẹ và khơi dậy trong ta lòng căm giận những đứa con bất hiếu, nhẫn tâm… đã bị nhiễm dòng máu độc tham tiền. Tất cả sự đảo điên ấy cũng vì tiền, vì vật chất phù du đó thôi. Giá trị hiện thực của truyện được đẩy lên cao độ. Và giá trị nhân văn “răn đời, răn người” cũng từ đó mà được người đọc cảm nhận một cách sâu xa.

Truyện ngắn thứ sáu mang tên Trên đỉnh núi thiêng: là hình ảnh và tâm trạng vượt qua chính mình của nhân vật xưng tôi mang bóng dáng của tác giả khi đến với đỉnh Yên Tử. Truyện hầu như nằm ngoài mạch chủ đề phơi bày sự vô ơn, lừa lọc, giả tạo, sống vì đồng tiền…và dẫn dụ lòng yêu thương của con người. Sự tịnh tâm, lạc quan, biết vịn vào lòng tin mà bước tới của nhân vật chính đã cho người đọc niềm tin yêu vào cuộc sống. Trên đỉnh núi thiêng, lòng người như được thanh lọc mọi bụi trần, để thấy mình bé nhỏ hơn trước thiên nhiên nhưng cao vời trên con đường mình sẽ bước tiếp. Đó  chẳng phải là dòng suối ngọt ngào trên đỉnh núi  thiêng đang chảy xuôi xuống, tắm gội cho chúng ta hay sao? 

Thư viết cho mẹ là câu chuyện thứ bảy viết bằng thơ, một bức thư vô cùng xúc động mà Elena Trương đã viết gửi cho hai người mẹ kính yêu, một đã sinh ra mình và một đã sinh ra chồng mình nhân lễ Vu Lan- ngày báo hiếu công đức sinh thành. Bức thư ghi lại những tình cảm tha thiết yêu người mẹ mang nặng đẻ đau ra mình và cũng đồng thời, thể hiện sâu sắc tình cảm của cô dâu ngoại quốc đối với người mẹ thứ hai (mẹ của chồng). Những từ ngữ rất ngọt ngào, rất Việt Nam, mang đậm nét đẹp văn hóa về tình yêu thương, sự báo hiếu với cha mẹ đã được Elena biểu đạt uyển chuyển, nhẹ nhàng, và đã chạm tới trái tim những người con yêu mẹ, dù là mẹ ruột, mẹ chồng hay mẹ vợ…
Với tôi- người viết những dòng nhận định này, tên gọi “mẹ ruột, mẹ vợ, mẹ chồng”, chỉ là danh xưng để chỉ rõ đối tượng kính quý mà ta nói tới. Còn tình yêu chúng ta dành cho các bà mẹ thì không thể phân định rạch ròi… Mẹ là mẹ thế thôi, dù là mẹ chồng hay mẹ vợ, khi các con một lòng kính yêu mẹ và các bà mẹ một lòng yêu thương các con Và có lẽ, mang tâm thức như thế, nên lời lẽ trong bức thư gửi hai bà mẹ của Elena Trương thấm đẫm nồng nàn tình yêu thương ngọt ngào. Tựa như dòng sữa ngọt mà các mẹ đã dành cho những đứa con yêu bé bỏng của mình.

Cuộc săn mồi: thuật lại câu chuyện một cô gái bị mẹ bán mình cho lũ đàn ông xa lạ nên hận đời và tìm cách săn mồi đàn ông để trả thù. Cuộc đời cô bé không an nhiên khi mẹ đã nhẫn tâm đẩy cô đến chỗ bất an khi giao cô cho lũ đàn ông quỷ ám. Elena đã phân tích tâm lý nhân vật cô gái với cách nghĩ, cách thể hiện… vô cùng sâu sắc, như chính tác giả là môt phần đời của nhân vật. Đó là cái tài của người viết truyện ngắn khi xây dựng hình tượng nhân vật. Và sẽ tự nhiên gợi cho người đọc cái nhìn cảm thông hơn về cô gái. Một phần xấu xa, đen tối trong mặt trái của lòng người, của cuộc đời được phơi bày khá sâu kỹ. Sự hận thù được nuôi dưỡng không đúng chỗ sẽ làm cho con người mù quáng, xấu xa… Dòng sữa ngọt nào sẽ chảy để xóa bỏ hận lòng? Hy vọng cô gái ấy sẽ biết dừng lại để sống vui, sống thiện, và không phải mệt nhoài với những toan tính lọc lừa.

Truyện thứ chín mang tên Cuộc hẹn ở sân ga, là cuộc hẹn của người vợ (cùng con gái nhỏ) đi gặp người tình của chồng để lăng mạ cho thỏa lòng tức hận, ghen tuông. Nhưng hình như trái với mong đợi, người vợ đã nhận lại “người chồng bạc bẽo, vong ơn” với sự rẻ rúng của người đàn bà kia. Và người chồng, đúng như dự đoán của người tình, đã quay về bên vợ, bởi thói vị kỷ, cuồng mê, chiếm hữu. Tình yêu trong anh ta đã bị mục ruỗng từ lâu, như một cái áo đã nhàu …Truyện mang giá trị như một sự  cảnh báo về lòng chung thủy đã bị quỹ dữ bám riết. Làm sao để được quay về, được tha thứ khi mà người đàn ông kia không có một tấm lòng hối lỗi chân thành? Đó chính là kết quả tất yếu mà những kẻ phản bội, vô thủy vô chung phải gánh lấy. Dòng sữa ngọt lành không dành cho những kẻ như thế.
     Giấc mơ thu ngọt ngào là câu chuyện về cô gái mười sáu tuổi và cây phong xinh đẹp… giữa cõi nhân gian với tình người thánh thiện. Như một phiên bản khác của Chiếc lá cuối cùng- O Henri, nhưng ở truyện Giấc mơ thu không có người họa sĩ giàu giàu lòng nhân ái, đã đội mưa gió để vẽ lên bức tường ngoài trời hình ảnh chiếc lá cuối cùng. Chiếc lá cứ  xanh mãi xanh trước mắt cô gái mang bạo bệnh, để khơi gợi lòng ham sống của cô gái, để kết cục, cô gái thì sống, còn người họa sĩ vì dầm mưa gió đã bệnh nặng mà từ giã cõi đời.
     Trong Giấc mơ thu ngọt ngào cũng có một một cây phong với những chiếc lá phong khô giòn đủ màu sắc: vàng, tím, đỏ tươi …để cho nhân vật mười sáu tuổi mỏng manh như chiếc lá kia mơ “được nằm nghỉ dưới bóng của bạn (cây phong) mà thôi, bởi bạn cũng là  người duy nhất hiểu được những sợ hãi của mình (cô bé).Và duy nhất đã không bỏ rơi tôi (cô bé)”. Và đó là cái cách mà cô bé sống lại, bởi cô đã “mơ là mình không thể chết”. Tình đời thánh thiện biết bao. Cây cỏ cũng có tình. Dù có khi “tình là sợi tơ mong manh”, nhưng “sợi tơ” ấy có lúc sẽ là dây đàn rung lên muôn điệu. Cho con người lại cảm thấy được yêu thương, được tắm táp trong  dòng sữa thơm lành từ cây cỏ xanh tươi, từ cuộc sống êm đềm. Cõi phù sinh đầy những mê lầm, cạm bẫy, man trá, bội bạc, nhưng cũng đầy ắp yêu thương. Nội dung truyện không mới nhưng diễn đạt thì mới, nhẹ nhàng trầm tĩnh nhưng thậm sâu về tình yêu và lẽ sống ở cõi trần này.
      Nhưng cõi người không chỉ có những tâm hồn trong veo, tinh khiết như cô gái trẻ thiết tha yêu cuộc sống trong Giấc mơ thu ngọt ngào, như hai cụ già trong Phía sau sự thật. Cái ác, cái xấu đã chực chờ để cưỡng hiếp tập thể một cô bé con: “Xõa tóc ra, mày sẽ lớn như một cô gái…”. Bầy lang sói đã giết chết cô bé, để bà mẹ khổ đau mòn mỏi chờ con về. Cả một đời đợi chờ, chờ đợi xé lòng trong vô vọng.
      Truyện kể rằng: tâm linh cô bé mong cho ai đó sẽ thấy hình hài đáng thương của mình để chôn cất, để mẹ điên lên và không còn chờ đợi trong tuyệt vọng nữa. “Đợi chờ” chính là câu chuyện đau lòng về một bà mẹ cứ thống thiết chờ đợi đứa con gái bé bỏng trở về mà không hề biết rằng con gái của mình đã bị lũ tàn ác hiếp tập thể và đã chết đau đớn, bỏ xác dưới dòng nước lạnh lùng… Cả một đời mẹ ray rứt tội lỗi, luôn tự quở trách mình chăm con không tốt.
Tất cả vì sự mê cuồng nhục dục của con người khiến cho cuộc đời của hai mẹ con chìm trong khổ đau và chết chóc. Thiên thần trẻ thơ đã đành phận chết, còn người mẹ suốt đời bị nhốt trong ngục tối tâm hồn. Dòng sữa ngọt nào sẽ tưới lên linh hồn của hai mẹ con cô bé?
Elena Trương đã làm điều đó: chiêu tuyết cho bà mẹ” hãy điên đi cho bớt khổ đau”, và gửi thông điệp cho những gã đàn ông xấu xa trong cuộc đời này: hãy dừng tay đi trước tội ác mê cuồng.

Truyện thứ mười hai mang tên Món quà đặc biệt. Đó là tấm áo cưới mẹ đã thêu chăm chút cho con gái ngày con về nhà chồng. Tấm nặng trĩu áo chất chứa yêu thương. Tình mẹ yêu con sánh ngang trời biển, hạnh phúc của con chính là hạnh phúc của mẹ đấy thôi. Truyện như một bản tình ca ngọt ngào về tình mẫu tử. Là lời nhắn gửi của Elena Trương: “Các con yêu thương, người mẹ nào cũng mong mọi điều tốt đẹp cho các con, nhất là khi con gặp được lương duyên, để con được mặc tấm áo cưới mẹ thêu cho ngày con về nhà chồng”. Bởi trong mỗi chúng ta phải đạt đạo mẫu tử như lời bài hát : “Mẹ là dòng suối ngọt ngào. Mẹ là nải chuối buồng cau. Là ánh sáng trăng sao…”*. Là tất cả yêu thương trong cuộc đời.

Vàng trên biển đá đen, một câu chuyện làm xúc động lòng người về tình yêu nghề nghiệp, tình thương học sinh của cô giáo dạy học ở vùng cao Hà Giang… Mỗi hạt lúa nảy mầm trên các hốc đá tai mèo khác gì “vàng tâm” trên biển đá đen.Truyện mang một thông điệp rất rõ rằng: “Hãy cứ yêu thương rồi sẽ nhận về những yêu thương”.
   Cuộc sống trên cao nguyên sỏi đá đầy khốn khó nên việc một cô giáo vùng biển lên dạy học và trụ lại nơi bản làng là  một “kỳ tích”. Chuyện vượt bao đèo dốc, núi rừng để đến lớp quả là khó nhưng quan trọng là cô giáo vẫn khơi dậy cho học sinh yêu con chữ, yêu con người (bạn bè và cô giáo) mà tìm đến lớp. Tình yêu nghề, yêu học trò khốn khổ lao đao vì mưu sinh của cô giáo trẻ khiến cho chúng ta, người đọc truyện cảm động biết bao. Thơm lừng dòng sữa yêu thương, và chính Elena Trương là người khơi dòng chảy cho từng nhân vật trong tác phẩm.

Câu chuyện cuối cùng trong tập là Dòng máu nhiễm độc. Đây chính là thông điệp mà Elena muốn nhắn nhủ mọi người: “Nếu bạn cứ lọc lừa, man trá, sống giả tạo… cuối cùng bạn cũng sẽ có người choán ngôi để hành xử như thế với bạn vì sống trên đời, ai có thể không già đi…”. Đừng khơi nguồn dòng máu nhiễm độc mà hãy cùng nhau khơi nguồn dòng sữa yêu thương.

      Mười bốn truyện, là mười bốn lát cắt về đời sống chân thực quanh ta với nhiều dạng người, nhiều vùng miền, nhiều tâm trạng phức tạp…Cõi  trần ai man man thiên địa ấy, dưới ngòi bút sắc sảo của Elena Trương, đã nổi rõ hai biểu hiện đỏ - đen của tim người.
Này là dòng máu hiền hòa trong trái tim con người, có thể ví như dòng sữa  đã chảy tràn mang đầy nhân hậu, yêu thương, chia sẻ, đồng cả…Đó là hình ảnh của người mẹ, của người cha, của những cụ già, của bao người trẻ… trong tập sách “ Vàng trên biển đá đen”.Nhưng những dòng máu nhiễm độc cũng không ngừng chen lấn, xô đẩy để mong cướp đi linh hồn của những kiếp người trôi nổi phập phù. Họ đã nhiễm độc dòng máu vô ơn bạc nghĩa  như đứa con trai và nàng dâu trong “ Con chim nhỏ trong lồng”. Họ bị nhiễm độc đồng tiền như anh con trai, như kẻ chiếm đoạt tiền trong Dải ruy băng màu tím, nhiễm độc sự giả trá của cái ác, cái xấu của đời sống nhân sinh…. Họ là những kẻ vô nhân tính như lũ quỷ cuồng mê nhục dục, như cô gái luôn mang tâm thế trả thù đời…
      Xin hãy dập tắt đi ngọn lửa xanh xao ma quái, hãy bớt đi những hành xử độc ác, gian ngoa, dối trá, lọc lừa, tham vọng…
      Xin mọi người hãy yêu thương con người như yêu chính bản thân mình để cùng nhau nhìn đời bằng đôi mắt rộng mở, thân ái, để nhân gian này bớt những điêu linh, bớt những muộn phiền đau khổ… Như Elena Trương đã thế, như Elena Trương đã xây dựng nên những nhân vật thiện lương để ca ngợi và xây dựng những nhân vật phản diện để lên án, để mong mọi người hãy tự răn mình và hãy thắp lên trong tim ngọn lửa yêu thương.

Cà Ty, ngày 25. 5. 2018
NTLT

*Bài hát Bông hồng cài áo- Phạm Thế Mỹ.

Tập truyện VÀNG TRÊN BIỂN ĐÁ ĐEN
Tác giả: Elena Pucillo Truong    
Trương Văn Dân dịch từ nguyên tác tiếng Ý        
                    (NXB Tổng Hợp tp HCM   -  Tháng 3-2018)


Wednesday, August 29, 2018

GIỚI THIỆU SÁCH


Trân trọng giới thiệu:
Jane Eyre
Tiểu thuyết
của nữ sĩ Charlotte Brontë [1816 – 1855]
bản dịch tiếng Việt @ Trịnh Y Thư

Công ti sách Nhã Nam (Hà Nội) xuất bản, 2016

544 trang, giá bán $23.00

Tìm mua trên Amazon.com
Xin bấm vào đường dẫn sau:

https://www.amazon.com/Jane-Eyre-Vietnamese-Translated-Trịnh/dp/6046983231


“Nhà văn đã cầm lấy tay chúng ta, dắt chúng ta đi theo con đường của bà, bắt chúng ta phải nhìn thấy những gì bà thấy, không bao giờ rời chúng ta nửa bước hay cho phép chúng ta quên mất sự hiện diện của bà. Cuối cùng, chúng ta càng lúc càng đắm chìm trong tài năng, sự mãnh liệt, sự phẫn nộ của Charlotte Brontë.”     – Virginia Woolf [1882-1941]


Charlotte Bronte