Bài học từ vị nữ tu
Cao Hành Kiện
Bản dịch Trà Nguyễn
Anh muốn kể
cho nàng nghe chuyện ngụ ngôn bút-ký đời nhà Tấn. Chuyện nói về một vị đại tư
mã uy quyền hách dịch và một ni-cô ăn mày đến dinh ông ta xin bố thí. Theo nghi
lệ, người gác vào báo với quản gia; ông này ra lịnh cho vị ni-cô một chuỗi tiền;
nhưng cô không nhận và nói muốn gặp người cho của. Người quản-gia báo lại ông tổng-quản,
ông này ra lịnh cho kẻ hầu lấy một nén bạc cho vị sư-cô và đuổi đi bảo đừng bao
giờ trở lại nhưng sư-cô cũng từ chối không nhận và nằng nặc đòi gặp quan tư mã,
nói rằng ông ta đang gặp trở ngại và cô đến để giúp đỡ đặc-biệt cho ông. Vị tổng-quản
hết đường chọn lựa đành phải trình lên thượng quan và được lịnh đưa ni-cô vào
tiền sảnh.
Vị đại tư
mã nhìn thấy mặc dù áo quần bụi bặm dơ dáy, người nữ tu có phong-thái tao nhã
không giống như phường đê-tiện đội lốt tôn-giáo giả hiệu đến để gạt gẫm. Ông hỏi
lý do tại sao cô đến. Cô chấp tay chào rồi thối lui đáp:
“Nghe tiếng
đồn ông giàu lòng nhân-từ nên tôi đến từ xa, đặc-biệt để làm lễ thất tuần cho
bà cụ vừa mới mất, đồng thời cầu-nguyện trời phật giúp ông may mắn”.
Nghe nói vậy,
quan tư mã sai tổng quản dọn một phòng trong nội-điện và bảo người làm chuẩn-bị
một bàn hương án trong đại sảnh. Những ngày nối tiếp sau đó, trong nhà có tiếng
đập gỗ liên hồi từ sáng đến tối. Vị đại quan cảm thấy thơ thới.
Ngày qua
ngày, lòng nể trọng của ông đối với ni-cô càng gia tăng. Tuy nhiên, truớc khi
thay nhang vào mỗi buổi trưa, ni-cô nhấn mạnh cần phải tắm gội trong hai giờ đồng
hồ cho người được thanh-khiết. Ông bắt đầu suy nghĩ: các cô vãi thường đầu trọc,
cũng là những người đàn bà bình thường, tại sao phải tốn thì giờ chăm sóc tóc
tai, trang-điểm mặt mày. Sự tắm rửa cốt để tẩy sạch cái tâm trước khi thay
nhang, tại sao lại mất thời-gian quá lâu? Vả lại, khi cô tắm ông nghe tiếng vốc
nước, phải chăng cô quậy nước đùa nghịch mà chẳng tắm rửa gì cả?
Mối nghi hoặc
lớn mạnh trong đầu ông ta.
Qua ngày
hôm sau, trong lúc đi dạo trong sân ông nghe tiếng đập gỗ bỗng dưng dừng lại,
thay thế bằng tiếng nước đổ. Ông biết ni-cô sẽ thay nhang sớm nên đi vào phòng
chờ đợi. Tiếng vốc nước mỗi lúc một to hơn, kéo dài một lúc lâu và không dừng lại.
Sự nghi ngờ đã vượt quá mức khiến ông bước xuống cầu thang và đi ngang qua cửa
phòng cô vãi xem thật hư thế nào. Cánh cửa khép hờ có một chỗ nứt. Ôâng rón rén
đến đặt mắt nhìn vào trong, thấy ni-cô ngồi quay mặt ra cửa, cởi hết quần áo,
ngồi trần truồng, chân xếp bằng trong bể nước và đang dùng hai bàn tay vốc từng
bụm nước đổ trên người. Mặt cô hoàn toàn biến đổi. Sắc diện cô rực sáng hơn mọi
ngày với hàm răng trắng đều đặn, mà hồng, chiếc cổ như bạch ngọc, vai mịn màng
và hai cánh tay tròn lẳn.
Thật là một
sắc đẹp tuyệt vời! Ông vội vã trở về phòng với ý định họa lại chân dung người sư
nữ. Nhưng ông nghe tiếng dội nước trong phòng cô vẫn tiếp tục. Tiếng nước lôi
cuốn ông phải đến nhìn lại lần nữa. Ông trở lại hành lang, bò nhẹ đến cánh cửa
nín thở dán mắt trên kẽ nứt nhìn vào. Những ngón tay thon dài của cô đang xoa
nhẹ trên ngực trắng như tuyết và mỗi bên được điểm hồng với một nụ hoa đào.
Vùng da thịt đó vun cao lên và một đường sống hấp dẫn chạy từ rốn cô đổ xuống.
Quan tư mã quỵ xuống gối, lặng người. Ngay sau đó ông thấy ni-cô cầm một chiếc
kéo đâm thật mạnh vào lổ rốn làm cho một tia máu đỏ bắn ra. Ông hết sức
kinh-hoàng nhưng không dám hành động vội vã và nhắm mắt lại không dám nhìn tiếp.
Một lúc sau, tiếng nước dội lại bắt đầu; ông tập-trung tinh-thần vào cặp mắt
thì thấy đầu cô đẫm đầy máu, đôi tay cô cử-động nhanh nhẹn kéo ruột mình ra đặt
trong bể nước. Xuất-thân con nhà tướng từng kinh-nghiệm chiến-trận, đâu dễ dàng
gì quan tư mã ngất xỉu. Ông lấy bình tĩnh nhìn thật kỹ. Vào lúc này mặt nữ tu
có những dòng máu chảy xuống, mắt cô sụp và hai hàng lông mi khép lại với nhau.
Cặp môi trắng bệch run nhẹ như thể cô đang rên rỉ; nhưng khi lắng tai, ông chỉ
nghe tiếng nước lách tách.
Cô kéo từng
khúc ruột non mềm nhũn ra trong tay đầy máu ra rửa sạch, gỡ cho bớt rối rồi quấn
chiều dài đoạn ruột trên cổ tay. Cô phải mất một thời-gian khá lâu để làm việc
này và sau khi rửa ruột sạch sẽ, cô nhét lại ngăn nắp trong bụng. Sau đó cô
dùng một chiếc vá múc nước rửa tay, rửa ngực, đầu cổ, bụng dưới, phần kín giữa
chân, hai chân, bàn chân và rửa cả từng ngón chân. Công việc tắm rửa xong xuôi,
cô trở lại một người toàn-diện. Đại tư mã rời gót, trở về đại sảnh đứng cạnh
bàn thờ đợi cô. Một lúc sau, cánh cửa mở ra và ni-cô xuất hiện với tràng hạt bồ
đề trên tay. Cô khép nép trong chiếc áo nữ tu tiến đến bàn thờ đúng vào lúc cây
nhang trong lư hương vừa cháy tàn làm rớt tro xuống. Một lọn khói đen bốc lên rồi
biến mất, cô bình tĩnh thay cây nhang mới.
Vị đại
quan như vừa ra khỏi cơn mê, hãy còn bị kích-động nên bắt buộc phải hỏi cô cho
rõ lẽ. Cô không cử động, bình-thản trả lời: “Nếu tướng quân có ý nghĩ tiếm-đoạt
triều đình thì tình-trạng sẽ như thế đó!” Nghe điều này vị thượng quan đầy
tham-vọng đã sắp đặt kế-hoạch lật đổ ngôi vua không giữ được lòng bất mãn. Nhưng
ông biết suy nghĩ nên không dám hành-động
sai lầm rồi vẫn giữ tư-cách của một vị quan trung-thành như cũ.
Câu chuyện
nầy là một lời cảnh cáo chính trị. Nếu đoạn cuối được thay đổi, nó sẽ trở thành một chuyện ngụ
ngôn đạo-đức chống lại sự si mê sắc dục. Câu chuyện cũng có thể trở thành một
bài học tôn giáo để khuyến khích người đời trở về với Phật giáo.
Câu chuyện
cũng có thể được dùng như một triết-thuyết áp-dụng trong xã-hội để uốn nắn đạo-đức
của những người quyền-hành cao-cấp và dạy họ rằng mỗi ngày họ nên xét lại phẩm-hạnh
cá-nhân. Nó cũng dạy cho người đời hiểu rằng sống là đau khổ và chỉ cho họ biết
sự đau khổ đó do tự họ tạo ra. Câu chuyện cũng có thể được khai-triển thành nhiều
lý-thuyết tế-nhị, tùy theo người kể chuyện giải-thích nó.
Người đề xướng
câu chuyện về ngài đại tư mã cũng có họ, có tên nên các tài-liệu tham-khảo,
sách cổ và các công trình nghiên-cứu lịch-sử mới được thực hiện ghi chép lại.
Nhưng anh không phải là sử gia, không có tham vọng chính-trị, không ao ước trở
thành chuyên-viên triết-lý phật-giáo, không đi giảng đạo cũng chẳng muốn trở
thành một khuôn-mẫu toàn-thiện.
Điều làm
anh thán-phục là tính-chất thuần-khiết cao-siêu của câu chuyện. Mọi cách giải-thích
đều không quan-trọng, anh chỉ muốn người ta kể đi kể lại câu chuyện đó bằng
ngôn-ngữ của loài người.
T.N.
5/2001
*Tựa do người dịch đặt
*Trích
chương 49 trong tác phẩm Linh Sơn gồm 81 chương của Cao Hành Kiện, Nobel văn chương
2000.
chia sẽ của bạn rất bổ ích!
ReplyDeleteThu Hằng – Tư vấn viên
-------------------------------------------------------------------
• Xem chi tiết về Quay phim cưới phóng sự tại TP.HCM
• Hoặc Quay phim cuoi phong su tai TP.HCM