Sunday, May 6, 2012

Đáo để 

Lưu Na 


                                           Nguyen Dinh Toan. Photo Uyen Nguyen


Tặng Dương Hà

    Nghe người ta nói Nguyễn đình Toàn đáo để. Người ta đây có ca sĩ Quỳnh Giao, mà NĐT biết cô từ thuở còn nhảy dây, và người bạn trẻ Quốc Bảo còn trong nước; hai người này đã có bài nhắc cái đáo để của ông. Và còn vô số những bạn bè người quen đã ghé căn gác hẹp của ông. Họ rủ ông đi hội quán Lạc Cầm, đi phở Nguyễn Huệ, đi cà phê, đi xem văn nghệ, xem tranh, đi xem đồng hoa, đi biển, đi chợ Tết. Người rủ ông hát, người đòi tổ chức hát nhạc của ông, người đề nghị in sách, người đề nghị làm chương trình nói về ông. Có người đòi ông nấu cơm cho ăn (!), có ông quyết rủ NĐT đến nhà để “tôi hát cho ông nghe.” Không cần lợi lộc, không có lợi lộc gì cả, tốn tiền tốn công sức chỉ cốt mua vui. Họ có vẻ không sợ gì cái đáo để của ông mà dường như thích nữa, ai cũng từ giã ông với một tràng cười. Nhưng chung cuộc, chưa nghe ai cáo cái đáo để ấy ra sao. Chúng ta có tìm được cái đáo để đó nơi chữ ông đã viết không?




   Ông viết Bông Hồng Tạ Ơn, 234 đóa hồng tạ ơn những tác giả và nghệ nhân đã mang niềm vui, cái đẹp đến cho đời. Trong BHTƠ, “bản của Giang,” xuất bản lần đầu tiên năm 2006 chỉ có 190 tên, không biết tại sao Giang không lấy (!!!). Lần tái bản này ta vẫn có những tấm hình quí giá (hình Hoàng Giác, Châu Kỳ, Dzoãn Mẫn, v.v…) và thêm được một số những tên tuổi khác. Gom lại, bó hồng 234 đóa ấy là bộ sách 2 tập, 1000 trang, tặng cho tất cả chúng ta, cũng là lưu lại ít nhiều kỷ niệm cho lứa trẻ biết về một thuở đã qua. Có gì mà gọi là đáo để?
   Ông viết bằng trí nhớ, nhắc bằng lòng tri ân, cho nên không mặn mà chi tiết đời tư, và quan điểm của ông là “…tiểu sử của một tác giả chính là tác phẩm của ông ta (hay bà ta). Kỳ dư chỉ là những chú thích.” (quyển I, trang 221). Nhưng dù có muốn mặn mà cũng không tìm ra được tài liệu về những tác giả đã lui vào dĩ vãng, mà nói thật, tiểu sử thì cũng không hay cho bằng những chuyện bên lề, những giai thoại. Chán nhất là phần nói về các nhạc sĩ xưa, trong quyển I của bộ BHTƠ. Giới thiệu các nhạc sĩ ca sĩ, phần tiểu sử của họ cứ trụi như cọng, như cuống cành hồng, mà là cái cọng cái cuống đã tuốt gai cơ. Các tiểu sử ấy gom lại thì cũng thành một bó hàng trăm cái cọng trụi thùi lùi, ngán ngẩm!!!! Ở phần hai, viết về các văn thi sĩ thì có khá hơn, với những chuyện thu thập bên lề giúp mình hình dung được con người, hiểu thêm về tác phẩm.
   Như ông đã “thưa,” BHTƠ không có những phân tích nhận định có tính cách hàn lâm hay theo thể thức của một công trình nghiên cứu, và lại cũng có vẻ như không có hệ thống chọn lọc và sắp xếp gì hơn là viết theo vần ABC, như đó là cách để ông lôi trong trí nhớ của mình ra những cái tên đã chìm vào quên lãng, những kỷ niệm đã xa mờ. BHTƠ chỉ như một quyển sổ tay, ghi lại kẻo quên những điều muốn gìn giữ ghi nhớ. Nơi quyển sổ tay đó, có nhiều cái tên nếu ông không nhắc có lẽ không mấy ai ở thế hệ của ông còn nhớ, và thế hệ sau ông thì có thể nói hầu như không ai biết đến.
   Ngoài những cái tên, còn có những hình ảnh, chi tiết vui vui, thú vị.
   Trong phần nói về các nhạc sĩ có hình ảnh của Bùi công Kỳ “dùng gót đôi giầy bốt hất chiếc đàn ghi ta thùng dựa trên tường lên, ôm lấy, khẩy vài tiếng trước khi hát…” hoặc chi tiết về tay sáo Nguyễn đình Nghĩa tự làm sáo, và cả gia đình cùng hòa nhạc. Hay thú xưa nơi đất cũ: nghe hát xẩm trên đất Bắc; Nguyễn Hiền là một cuốn tự điển sống về người, việc và nhạc (quyển I, 275); Y Vân đã từng phổ nhạc truyện Kiều, được đài VOF thu thanh mà nay không biết có còn giữ được. Vân vân.

   Đó là những điều không tìm mà thấy. Lại có những điều nếu muốn tìm hiểu thì người đọc phải làm những nghiên cứu riêng từ những điều ông nói, bởi vì NĐT viết, phần nhiều là khơi khơi theo trí nhớ, và nếu có trích cũng không dẫn nguồn dù ông có liệt kê tài liệu ở cuối sách. Ông cũng không giải thích nhiều về những vấn đề kỹ thuật để làm gốc cho nhận xét của mình.
   Thí dụ như, viết về Tô Vũ: “[đại] khái, một ca khúc gồm 32 trường canh…Nhạc Tô Vũ đã được viết khác hẳn. Ông viết theo một phong cách riêng, không theo cái hình thức thịnh hành này.” (quyển I, 358) Tô Vũ viết khác thế nào, 48 hay 24 trường canh? Hay Vũ Thành có “lối kiến trúc âm thanh riêng” (qI, 473), mà riêng ra sao? Ông nói kiến trúc nhạc của Tây Phương nghiêm chỉnh (qI, 462), sao là nghiêm chỉnh? “Nhạc của Nguyễn Mỹ Ca có vẻ như xuất phát từ một cây dương cầm, nhạc của Lam Phương có nguồn gốc từ chiếc ghi ta phím lõm, còn nhạc của Trúc Phương là sản phẩm của một cây ghi ta thùng…” (qI, 404) Cứ khơi khơi vậy thôi, không tại sao cả, đừng hỏi sao!!! Dĩ nhiên những ai học nhạc, có nghiên cứu, đều tự trả lời được, nhưng nói khơi khơi như vậy có hơi vất vả cho đa số người không biết không? Nói thêm một tí thì cũng đâu rườm rà gì, nhưng kỹ thuật không phải là điều ông muốn chia sẻ.
   Cái ông muốn gửi gấm là một cách nghe nhạc một cách hiểu nhạc: loại nhạc nào hát ở đâu, có loại nhạc để thâu thanh có loại nhạc chỉ hay khi trình diễn. Cái ông muốn chia sẻ là sự phân biệt giữa cảm thông và rung cảm, là ý nghĩ âm nhạc giúp chúng ta “[biết] yêu lúc xa, và sống sao cho hết lúc gần.” Là nhạc Đức Huy trẻ trong ngôn từ, nhạc điệu; là nghe Lê Uyên Phương ông thấy “[nỗi] vui trong nhạc LUP phơi mở, nhưng cái buồn trong nhạc của ông bao giờ cũng được giấu đi một nửa,” và, LUP “đau những nỗi đau sắp sửa, buồn cái buồn chưa đến…” (qI, 218-219). Ông chỉ ra ý nghĩa của ca từ mà người hát đã không hiểu để hát cho đúng… Tiếng guốc trong Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương quan trọng vì âm thanh đó là một phần của Hà Nội mà chúng ta đã xa đã mất và muốn hướng về. Một Hà Nội mờ sương, thanh bình im ắng đến nghe được tiếng guốc khua vang, và lòng người lúc đó êm ả lắm nên nghe được cái reo vui trong tiếng guốc ấy. Cũng như bài Tiếng Xưa, “tiếc thay tài sao đành lỡ làng…” mà vì không hiểu chúng ta hát “tại sao”, rồi tam sao thất bổn thành tiếc thay vì sao đành lỡ làng. Lỡ làng thật!!!
    Như vậy, ông viết xuống những lời ca, trích thơ văn và những nhận xét của mình, với tính cách của một người thưởng thức có đôi chút hiểu biết về âm nhạc, với một hồn thơ, và bằng cách nói hững hờ mà sắc bén rất Nguyễn-Đình-Toàn. Những dòng chữ đó như những nét chấm phá chân phương, không phải là những nét vẽ tỉ mỉ, không làm nặng đầu rối óc. Nhưng những nét chấm phá đó khi buông ra làm mình phải ngó lại một hình ảnh, ghi nhận một cách nhìn mà dù đồng ý hay không vẫn lưu lại trong đầu mình khi đã gấp sách.
    Chẳng hạn nói nhạc Lam Phương có nguồn gốc từ cây ghi ta phím lõm dễ làm mình nghĩ là nhạc Lam Phương “cải lương” vì ghi ta phím lõm là nhạc cụ để đàn sáu câu. Hay những nét chấm phá về Phạm Duy. Chúng ta có lẽ ít nhiều không thích mấy về tư cách con người của PD, nhưng sự nghiệp và giá trị của nhạc PD là điều được dễ dàng chấp nhận. Vậy thì nói đến điều gì và bao nhiêu cho vừa? Nói rằng “hình như Nửa Thế Kỷ Âm Nhạc Việt Nam của họ chỉ có một nửa sức nặng. Nửa kia là Phạm Duy” (qI, 304). Xứng đáng. Nhưng, cũng trong cái cống hiến đồ sộ đó, trong những “nhăng cuội thiết tha” đó, “Phạm Duy viết cả những gì không đáng viết…”   Về cá nhân Phạm Duy, NĐT nói “[trong] đời sống ai muốn trở thành gì cũng được, Phạm Duy là một trong những nhạc sỹ có ý thức cao nhất của chúng ta…Ông đi hát, soạn nhạc, viết hồi ký, tán dóc…người ta có cảm tưởng những gì ông nói được thì ông làm được. Kể cả vài điều có thể làm cho một số người phải nhăn mặt.” Theo thiển ý, đa số chúng ta còn có một ý thức cao hơn cái ý thức muốn sao làm vậy, đó là ý thức nên hay không nên làm điều mình muốn, vì cái muốn thì vô cùng, cái có thể hay hợp lý hay đúng lẽ phải là điều ta ý thức và dùng nó để giới hạn cái muốn không biên giới. Có phải vì muốn gì làm nấy mà Phạm Duy đã viết cả những cái không đáng viết ? Nên có hay không một cách sống xứng hợp với những công việc và cống hiến của mình?
   Tương tự, nói về Văn Cao:
   “Riêng trong âm nhạc, phải nói, cái bóng của Văn Cao tỏa rợp khắp nơi…Ông giữ nhiều sự thật nhưng không nói ra…Những sự thật ấy Văn Cao đã mang theo xuống nấm mồ của mình…
    Chúng ta yêu nhạc của ông và sợ.
    Sợ vì nghĩ rằng, nếu một người đã im lặng trước sự thật của mình, e rằng cũng sẽ im lặng trước sự thật của người khác…” (qI, 428-429).
    Đọc những lời này không khỏi nghĩ đến câu thường nghe “im lặng là đồng lõa (với tội ác).” Đó có phải lý do NĐT viết những lời đã dẫn? Sự tinh tế không cho phép mình chọn lựa lúc nào nên lúc nào không, khi gặp Văn Cao NĐT đã thấy gì và nghe được những gì? Chúng ta sẽ ra sao nếu bị đứng ở chỗ Văn Cao? Câu hỏi cũ lại quẩn quanh đầu óc, những chuyện bể dâu đổi bao thân phận bao cuộc đời, có bao giờ chúng ta giải thích được với nhau? Thật buồn khi phải ước ao “[ước] gì chúng ta có thể nghe nhạc của Văn Cao (và nhiều người khác nữa) mà không phải thắc mắc một chút gì khác ngoài nhạc của họ…” và quả thật, “…không biết chúng ta nên quên hay nhớ kỹ hơn nữa mọi chuyện, để có thể sống với nhau…”(qI, 221)
   NĐT đã ghi nhận “chúng ta chưa có ai làm công việc phê bình âm nhạc một cách nghiêm túc. Chỉ có những bài báo đưa ra ý kiến thế này hay thế khác” (qI, 487). Những ý kiến thế này hay thế khác của ông về các tác giả, nghệ sĩ, nói chung không chỉ gợi cho mình một cách hiểu, một cách thưởng thức. Nó còn gợi cho mình một hình ảnh dẫu nhạt nhòa và mơ hồ không thể nói ra, nhưng khi nó đã định hình trong suy nghĩ của mình thì thật khó tháo gỡ. Đã nói là tạ ơn, những đóa hồng tạ ơn ấy phần nhiều đều đã tuốt gai, cốt dâng hương sắc. Phải nói rằng NĐT rất cẩn thận và chừng mực trong cách nói của ông; nếu có phải chỉ ra một sự gì không mấy vui, không mấy hay, ông thường giới hạn lời và cảm nhận của mình vào sự kiện, thí dụ là những dòng về con người Phạm Duy như đã trích ở trên.
   Với hơn 100 nhạc sĩ, NĐT chỉ nhắc tên khoảng 10 ca sĩ. Nhưng cái nghe của ông cũng vẫn tinh tế. Ông nghe được cái rung trong tiếng hát của Lưu Hồng, cái “sẵng” trong giọng của Tuấn Ngọc. Ông thương cảm với tiếng hát tài hoa bạc mệnh Ngọc Lan. Nhưng phần nói về Thái Thanh là những trang thú vị và cá biệt. Cá biệt ở chỗ với tiếng hát Thái Thanh ông chỉ ra cái hay ở đâu: ở cách nhấn câu nhả chữ, ở cái chất ca dao trong giọng hát, ở cách phát âm tiếng Việt của Thái Thanh. Thú vị ở chỗ, nếu đọc lại bài viết về Phạm Duy rồi đọc bài về Thái Thanh sẽ thấy dường như khi viết về nhạc sĩ Phạm Duy NĐT đã nghĩ đến ca sĩ Thái Thanh, và khi viết về tiếng hát Thái Thanh thì ông phải nghĩ đến nhạc Phạm Duy (dù ông đã nói, Thái Thanh hát hay nhạc của nhiều tác giả, không chỉ riêng nhạc Phạm Duy.) Những ghi nhận về Thái Thanh, tiếng hát và tầm ảnh hưởng, không chỉ là những lời sáo rỗng, ghép chữ, mà là những nhận xét trong liên tưởng với nhạc Phạm Duy.

   Xin đan cử:
   Với Thái Thanh: “Có thể nói âm nhạc Việt Nam biến đổi theo lịch sử đến đâu, có tiếng hát Thái Thanh đến đó…Máu lửa, chiến tranh, bom đạn…thấm nhập vào âm nhạc của chúng ta như thế nào, đều được phản ánh qua tiếng hát Thái Thanh.”
    Với Phạm Duy: “Những biến động của lịch sử, tình người, cái sống, cái chết, thiên nhiên, hoa cỏ,…đều đã được ông nói đến…Trong suốt nửa thế kỷ, bằng đủ mọi thể loại, Phạm Duy đã để lại cho chúng ta một bức tranh hoành tráng…Ông đã vẽ lại, kể lại, tất cả những khía cạnh hào hùng cũng như tang thương nhất của dân tộc.”
   Với Thái Thanh: “Tiếng hát Thái Thanh là ‘tiếng nước tôi,’ là tiếng tình yêu, là tiếng hy vọng, là tiếng chia ly, oan khổ.”
    Với Phạm Duy: “Ông đã vẽ lại, kể lại, tất cả những khía cạnh hào hùng cũng như tang thương nhất của dân tộc. Những nỗi thảm sầu và những phút giây hạnh phúc. Ánh sáng và bóng tối. Hân hoan và thất vọng.”
    Với Thái Thanh: “Thái Thanh được yêu mến nhất qua những bài dân ca…Mà là thứ dân ca xuất phát tự lòng người, từ những hoàn cảnh lịch sử, ước muốn chia xẻ, giải bớt oan khiên, phục hồi hy vọng…Những bài hát trở thành dân ca chứ không phải những bài dân ca có sẵn.”
    Với Phạm Duy: “Ông đã chinh phục người nghe trước hết bằng những bản dân ca…Viết dân ca, Phạm Duy không chỉ dựa hoàn toàn trên những cổ điệu rồi khai triển. Ông đã rút ra từ đó cái sức mạnh và vẻ đẹp, để viết thành những ca khúc của riêng ông, rồi tự nó trở thành dân ca.”
    Có thể thấy những tương ứng song song trong hai bài viết, về hai con người. Nghe ba chữ “tiếng nước tôi,” chúng ta nghĩ, chúng ta biết, đó là Tình Ca của Phạm Duy với tiếng hát Thái Thanh, không thể tách rời. Bản tình ca yêu tiếng nói dân tộc, yêu đất nước quê hương, và yêu người của đất quê đã được hát bằng tiếng hát có chất ca dao, nên NĐT nói tiếng hát Thái Thanh là “tiếng nước tôi.”
   Khi NĐT chỉ ra bề dày văn hóa và quá khứ (hát từ lúc kháng chiến) của tiếng hát Thái Thanh, ông dẫn ta đến một ý kiến thú vị: “Phải nghe Thái Thanh hát…để thấy tiếng nói biến thành lời ca thế nào, và được ca sĩ trả lời ca lại cho tiếng nói ra sao.” Phải ngẫm nghĩ một chút mới thấy ý kiến đó độc đáo. Tóm lại, bài nói về Thái Thanh là bài đặc sắc nhất trong phần I, viết về nhạc, vì NĐT đã giải thích về kỹ thuật, nghệ thuật để làm cơ sở cho nhận định, và gợi cho ta biết cái tương quan giữa ngôn ngữ, lời ca, và tiếng hát.
    Nhưng nói về nhạc mà không được nghe và cũng không có scores để đọc thì làm sao biết ý kiến thế này thế khác của NĐT cũng như những suy nghĩ ông đưa ra là khả tín và có giá trị? Những người của thế hệ về sau, ngoài chuyện biết được những dòng nhạc xưa, những cái tên sắp biến mất, những ca từ chỉ tìm được trong trí nhớ NĐT, có thể nào lượng định những ý kiến ấy không?

   Phần II nói về các văn thi sĩ có thể cho người đọc một câu trả lời.

   Với phần I về các nhạc sĩ, dường như ông chú trọng nhiều đến tác phẩm của họ, ông viết tiểu sử của họ bằng tác phẩm đã có; những ý kiến của ông đưa ra thường bao bọc bởi cái chất thơ lãng mạn nên không phô hết cái sắc, cái mạnh. Đến chữ viết, cái sắc mạnh ấy mới phơi bày, vì cuộc đời vốn có những điều không thơ; những ý kiến ấy tỏ rõ cả hai điều: suy nghĩ sâu xa và cảm nhận tinh tế. Lãng mạn chỉ là chuyện phụ. Ở phần II ông vẽ ra hình ảnh của các cây viết bằng trích dẫn tác phẩm và những gì người chung quanh nói đến họ, như những tấm gương xung quanh một con người. Ông mang lại cho ta nhiều câu chuyện thú vị về người ông nhắc đến; những giai thoại bên lề hay sự kiện mà ông đưa ra giúp ta hình dung được tác giả. Đọc những văn thơ trích dẫn, mình có cơ sở để đồng ý hay không với cảm nhận của ông về tác phẩm và hình ảnh của người được nhắc. Và những câu kết của mỗi bài viết đều gói lại hình ảnh một con người, một văn phong, một cá tính. Nếu nhìn lại, phần nói về nhạc như đưa ra cái cảm và phần nói về chữ như đưa ra cái nghĩ của NĐT. Cả hai phần đã được viết với cùng văn phong nhưng ở phần chữ, con người và cái sắc sảo của ông lộ rõ hơn.
   Sắc sảo chính ở cái nhìn của Nguyễn đình Toàn về mỗi con người, và đó là một cách để người đọc có thể lượng định giá trị và sự khả tín của những ý kiến thế này thế khác của ông. Thử đọc NĐT nói về những người mà ta biết, phần nhiều là văn thi sĩ hiện còn đang sống với chúng ta, hoặc ta cũng đã có thời nghe qua, nhắc đến, biết đôi con chữ, đọc vài tác phẩm. Như nói về Phan Nhật Nam, Phan quân của Võ Phiến, quyển II, 316-318:
   “Trong ông hình như có đến mấy con người: một nhà văn, một nhà báo, một nhà tư tưởng, và một người lính nữa. Họ đã cùng một lúc viết Mùa Hè Đỏ Lửa… Có vẻ như Phan Nhật Nam viết theo cái cách để mặc cho cảm xúc dẫn dắt. Ông lại có nỗi lo sợ ngôn ngữ không nói đủ những gì ông muốn nói. Nên nhiều khi ông phải nói vội, chưa hết hẳn ý này ông đã nhảy sang ý khác sợ quên, sợ thiếu, nên đọc ông người ta đôi lúc phải ngừng lại, đọc lại, để nắm bắt, tách rời những điều ông viết, để hiểu…” Không phải là Phan Nhật Nam của chúng ta đó sao: suy tư dằn vặt, tha thiết dồn dập, và sống động nóng hổi. NĐT đã cho ta một lý giải khả tín về Phan quân.
    Hay cái nhìn về Phan xuân Sinh, đó là chút đồng cảm giữa hai người cầm viết, giữa hai nhà thơ: “Chén rượu Phan Xuân Sinh uống với bạn bè trong cuộc gặp gỡ có cái gì đó tựa được rót ra từ chút tình còn sót trong lòng, chắt ra từ cái tình người xưa để lại, cái chết bỏ qua, cái vui chẳng trọn, cái buồn muốn xóa, cái còn, cái mất… Phan xuân Sinh không vịn vào thơ để đứng lên. Thơ của ông là để tạ ơn những chỗ vịn…” (qII, 320-322). Chúng ta có ai thấy được Phan xuân Sinh như NĐT?
   Với Bùi Giáng, “ông là một bài thơ lạc vận và đôi khi thừa chữ,” (qII, 17), với Hoàng anh Tuấn “ông nói gấp gáp, nói thao thao, nói với đối tượng, thì thầm với lòng mình, nói và làm thơ cùng một lúc…” (qII, 58). Với Mai Thảo, NĐT có cái nhìn của một người bạn tri kỷ dẫu chưa chắc họ thực có tình bạn tri kỷ ở ngoài đời. Ông nói đến Mai Thảo như chúng ta biết, nhưng với một hiểu biết sâu xa: “Thế giới thơ của Mai Thảo là thế giới người ta không nhập vào được. Đó là thế giới của riêng ông. Người ta có thể buồn cái buồn của ông nhưng không chia sẻ với ông được… Vừa kiểu cách vừa xóa bỏ kiểu cách. Không ai quen biết ông mà không một lần nhận được ở ông một chút tình cảm đặc biệt dành riêng cho mình, bằng lời nói, bằng cách ông đối xử. Nhưng đừng nhận là người thân của ông. Hãy để ông làm điều đó. Ông rất thành thật. Không kiểu cách. Người ta sẽ nhận ra như thế khi gặp lại ông đôi ba lần, và, cả khi đọc lại ông đôi ba lần.” (qII, 163-168).
   Những nhận xét của NĐT đại khái rất riêng tư, rất chủ quan. Nhưng viết là chủ quan. Chỉ tùy theo mức độ và khía cạnh cũng như cách nói, mà cái chủ quan biến thành unique_cá biệt, hay biến thành những nhận định thành kiến, thiếu trung thực, vân vân… Mỗi người chúng ta, tùy theo trình độ và sở thích mà tự tìm cho mình một kết luận.

    Trên có phàn nàn chuyện viết khơi khơi. Nhìn lại, thì mỗi nghệ sĩ (phần nhiều) chỉ được giới thiệu gói ghém trong 4 trang giấy, có phải vì nguyên thủy những bài viết ấy dùng cho chương trình đọc sách trên radio do Nguyễn đình Toàn và Hồng Ngọc phụ trách? Nếu đúng là vậy, thì với mười phút phát thanh, chuyện dẫn nguồn hay chi tiết kỹ thuật phải nhượng bộ cho những nét chính muốn nói về tác phẩm và con người. Mà cũng có thể, đó chỉ là cách ông muốn nói_khơi khơi; nhưng chính trong cái gói ghém, cái khơi khơi đó mà chúng ta được những bức ký họa bằng chữ không chỉ về tác giả cùng tác phẩm, mà còn về một thời văn hóa đã qua. Những nét ký họa đó tựa như tranh của bé Ký, rất riêng với đường nét là những con chữ NĐT dùng và hình ảnh là những gì NĐT thấy và nắm bắt ở chỗ ông đứng. Mà thực ra, không ai có thể viết khơi khơi một ngàn trang giấy mà không có một mảng tài liệu, một trọng tâm muốn nói, và một hệ thống suy nghĩ chín chắn. Cũng không thể nào che dấu suy nghĩ thực của người viết_cái phần không chủ tâm nói, cũng như khả năng thực sự của một ngòi viết. Có tác giả quanh quẩn chỉ toàn nói về mình, dù là cảm nhận hay kỷ niệm hay kiến thức. Có tác giả viết về người và việc như chỉ để khẳng định chính mình trong bức tranh vẽ ra. Có tác giả, dù rất nhiều tài liệu và bố cục chắc chắn lời lẽ chuẩn mực, không thể lôi độc giả theo với mình cho hết một ngàn trang. Với một ngàn trang giấy, ta thấy gì ở NĐT - bản lãnh của ngòi viết và suy nghĩ thực của một con người? Ông đã chia sẻ với ta những gì?
    Trước hết, có lẽ “văn” mới là đất ông chọn lựa để dàn trải, là nơi mà ông đã có bề dày sinh hoạt và kỷ niệm nên có nhiều điều để chia sẻ.
    Chẳng hạn chia sẻ quan điểm về văn chương, về việc viết lách, như gọi người yêu văn chương chữ nghĩa là bị trời hành, rằng “[nếu] thơ là nơi ẩn trốn của người làm thơ thì cùng một lúc nó cũng cho thấy đó là một nơi ẩn trốn không an toàn” (qII, 335). Hay nhận xét nhân vật tiểu thuyết xưa “đều là những người có thật” (qII, 143) và nhân vật tiểu thuyết nay rất cô đơn:
    “Trong chiến tranh, các nhân vật tiểu thuyết của chúng ta đã trải qua một thời kỳ cô đơn, hết sức cô đơn. Nhưng hình như đó là sự cô đơn người đọc và các nhân vật có thể chia sẻ với nhau…
    Cái cô đơn của các nhân vật trong các truyện của chúng ta hôm nay, có vẻ biến họ thành những ốc đảo khép kín.” (qII, 159)
   Rằng, truyện/tiểu thuyết của lớp trẻ trưởng thành tại hải ngoại “không còn là những cuốn truyện nữa [mà] gần như nó chỉ còn là cái cớ, một không gian để cho các nhân vật…không phải để sống với nhau nữa mà người nọ trở thành tấm gương để người kia soi chiếu lấy chân dung mình, tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống.” (qII, 63)
    Hay chia sẻ một cách viết: “không phải chỉ có văn tài là đủ… Muốn viết phiếm còn phải có kiến thức rộng rãi, đọc nhiều, nhớ nhiều, có cái nhìn tinh tế, óc phê phán nhạy bén, và nhất là, phải có duyên nữa.” (qII, 337)
    Những điều ấy rải rác trong toàn bộ sách, không cần phải ngẫm nghĩ kiếm tìm. Ở đây xin được góp vài nhận xét về điều phơi bày sau chữ viết.

    Ta biết NĐT viết BHTƠ là tạ ơn các tác giả nghệ sĩ, và để lưu giữ bảo tồn một bộ phận văn hóa, một giá trị mà chúng ta đang mất, vì bị xóa bỏ dập vùi. Nhưng khi viết về những người cũ những kỷ niệm cũ, thì sinh hoạt của văn nghệ sĩ của văn đàn báo giới trong cái thời gọi là độc tài tham nhũng thối nát và nhiễu nhương xưa đã hiện ra thật thắm tươi sống động, và thật sát với nghĩa trăm hoa đua nở. Có những bài viết, viết về một cái tên mà thực ra là viết về một thời quá vãng mà cái tên đó gợi đến, như nhà thơ Thái Thủy và chương trình thi văn tao đàn, như ông Thanh Tuệ nhà xuất bản gì đấy, như Phạm Huấn ngày trở lại Hà Nội giữa lúc đất nước bị chia cắt vì chiến tranh, Hà Nội huyền mơ, Hà Nội đã chết mà sống mãi trong lòng Nguyễn đình Toàn… Bức tranh xã hội thắm tươi đó đã trở nên loang lổ hoang tàn, “[trong] một điều kiện thời tiết nào đó, chỉ những thứ cây nào đó mọc được.” Phải chăng cây nào đó là “cây cộng sản” (chữ của Phan Khôi)?
    Ông nói đến Hồ Hữu Tường đã ở tù lâu dài trong từng mỗi chế độ mà ông (HHT) đã sống_ Pháp thuộc, đệ I và đệ II Cộng Hòa_ nhưng không chết; “ông đã chết sau khi cộng sản chỉ giam giữ ông một thời gian ngắn.”
    Ông nói về Nguyễn Chí Thiện với cuốn Hỏa Lò: “Người ta đã nói đến tâm lý nhàm chán đối với những cuốn sách nói về kinh nghiệm lao tù cộng sản. Đó là một điều có thật. Nhưng còn một sự thật thứ hai nữa, đó là chưa ai có quyền nghĩ như thế. Cộng sản đối với chúng ta vẫn còn đang là một thảm họa.” (qII, 198).
    Những trang viết cho Lý hoàng Phong cũng là viết cho tất cả văn nghệ sĩ còn ở lại, viết cho mình, với tất cả ngậm ngùi: “Người ta bị xóa bỏ và tự xóa bỏ, như một cách công khai chứng tỏ không muốn hiện hữu trong một xã hội như thế… đối với một nhà văn, không viết nữa đồng nghĩa với cái chết…” Lời ai điếu cho những người bạn xa, Lý Hoàng Phong, “xa xôi, bằng hữu của anh không về đưa anh được. Xin chúc anh yên nghỉ” hay Phan Nghị, “[những] người đã đọc ông từ mấy chục năm qua, ở nơi xa xôi này, xin cầu chúc cho linh hồn ông được yên nghỉ” là những giọt nước mắt, cho quê hương đã mất, cho bản thân mình không có ngày về.
   Ông cho rằng “[bao] nhiêu những cố gắng tốt đẹp đã bị xóa bỏ. Những giá trị bị xóa bỏ, vậy thì cái gì là giá trị?… Hình như người ta đã phải sống một đời sống không thể sống được nữa.” (qII, 248).
    Cái viết đó tỏ lộ một thái độ, một quan điểm. Chúng ta đứng bên nhau, chơi đùa đàn đúm, đọc nhau, khen chê nhau, nhưng không ai chịu giống ai, và mỗi người có một đất đứng, xã hội có đời của nó. Đó có phải là nhờ cái mà chúng ta ngày nay gọi là cơ chế?
    Quan điểm và thái độ của NĐT rõ ngay ra đấy, sắc mạnh nhưng không là mới hay duy nhất.
    Chỉ khi ông gợi cho ta thấy một điều gì đó nơi những con người mà ông nhắc đến, thì cái bóng đêm âm thầm quỉ quái mới vương vào lòng mình, gây nỗi hoang mang.
   Chưa có ai nói sợ Văn Cao vì Văn Cao im lặng trước sự thật của bản thân. Chưa có ai thấy “[tài] năng và sự tỉnh táo của ông [Vũ thư Hiên] khiến người đọc vừa khâm phục vừa sợ,” vì ông đã tồn tại được trong một xã hội mà chính ông đã nhận rằng nhìn đâu cũng chỉ thấy, không phải chỉ những chuyện đau lòng mà là một đời sống gần như không thể sống được, một xã hội mà con người bị bóp méo, bị vặn vẹo… Bản lãnh của ngòi viết NĐT chính ở chỗ gợi, chỉ gợi mà thôi. Ông không nói cụ thể trực tiếp một điều gì, như khi viết về Tô Hoài ông dẫn chính lời của Tô Hoài để ta thấy một con người, đại khái “…ông [Phan Khôi] chẳng coi tôi là cái đinh…Cái ông gia trưởng này không một bề…Ông không để mắt đến tôi, nhưng ông cũng hãi tôi chứ…” (qII, 375). Như khi viết về Trần văn Khê ông dẫn chính thái độ và lời nói của Trần văn Khê để mình buột miệng nói với mình sao nghe thấy quen quen, để mình tự hỏi mình, ông Trần văn Khê có họ hàng gì với Trần văn Thủy, có đồng liêu đồng chí gì với thầy Thích Nhất Hạnh hay chăng…, và rồi mình cũng sẽ thấy, thành công của Trần văn Khê đáng ca tụng nhưng xin ông cứ giữ lấy niềm hãnh diện ấy, một mình.
    Bản lãnh ngòi viết NĐT còn ở chỗ ông dám thô. Thô, có sao viết vậy. Có tên liệt kê chỉ một dòng rưỡi, tiểu sử: không biết, tác phẩm: không thu thập được. Thô, nghĩ sao viết vậy. Viết về nhạc thì lờ chuyện nhạc lý, cấu trúc, viết về văn thơ thì lại tỉ mỉ giải thích thuật ngữ, technique của nhạc (qII, 479). Đang nói chuyện Huy Cận xọ sang Thâm Tâm (qII, 97), đang nói Huyền Vũ trổ sang Mai văn Hòa (qII, 110), đang nói bài Hòn Vọng Phu nhảy sang Thằng Cuội, rồi lại trở về Hòn vọng Phu. Thô, nói lời dân dã “sao vậy hở Trời” (qI, 357). Cái thô đó dẫn mình đến một cái tinh tế: đó là những gì ông viết, ông viết với lòng xác tín, với sự bình thản, và với trọn tâm tình. Bản lãnh ngòi viết cũng chính là bản lãnh một con người, một người không nói về mình mà chỉ nhắc đến người, nhắc chúng ta để “[biết] yêu lúc xa, và sống sao cho hết lúc gần.”

    Nếu cho đó là đáo để, thì xin ông cứ đáo để thêm cho.  

Lưu Na
03/12/2012














No comments:

Post a Comment