Thursday, May 3, 2012


nguyễn thị thảo an
xem phim tiếng ‘chim hót trong bụi mận gai’



   Rồi thể nào cũng có một lúc nào đó trong cuộc đời, con người ta không có lần tự hỏi  “Con người từ đâu tới?”, “Chúng ta sống để làm gì?” Có thể cho tới ngày nhân loại bị tận diệt có lẽ con người cũng không thể trả lời được những câu hỏi của chính mình.
   Sống để làm gì? Ai mà biết! Nhưng con người ta vẫn cứ sống đã. Sống. Và yêu lấy cuộc sống.
   Có lần tôi đọc ở đâu đó, “Cuộc sống của con người có hai nỗi khổ: một- là sống mà không có  một tham vọng nào, hai- là đã đạt được nó.”
   Ông Erich Fromm, một nhà tâm lý xã hội học người Đức, cho rằng, “Tham vọng là cái máy nghiến nát tất cả các sức lực, thời gian của con người.”
   Thế thì phải sống như thế nào? Vô tri như cây cỏ. Hay cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người phải dùng hết cuộc đời để đuổi theo một mục đích nào đó.
   Và hình như chưa có một tác phẩm nào nhấn mạnh đến tham vọng của con người như cuốn Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai của nhà văn Colleen McCullough.



    Câu truyện dựa trên một truyền thuyết nói về một loài chim tên là Thorn Birds. Loài chim được sinh ra, lớn lên chỉ để hót. Âm điệu của nó ngọt ngào du dương làm mê hoặc muôn loài. Nhưng để tiếng hót được cao vút và ngân xa như vậy loài chim phải hứng chịu một sự đau đớn chí mạng. Nó phải tìm ra một bụi mận gai và chọn cái cành gai dài, nhọn nhất mà đâm mình vào. Tiếng kêu đau đớn lìa đời lúc đó sẽ trở thành tiếng hót tuyệt vời nhất trong cuộc đời của nó. Chấp nhận cái chết chỉ để hót lên một khúc ca? Phải chăng còn có một điều gì đó cao cả, đáng quý hơn giá trị của cuộc sống? Trong tác phẩm “Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai”, hình ảnh loài chim này sống dậy qua những nhân vật sống động trong truyện: cha Ralph, Meggie, Frank, bà Fiona,...
   Năm 1983, tác phẩm được chuyển thành bộ phim truyền hình với tên đề The Thorn Birds. May mắn, tôi xem phim trước khi đọc truyện. So với nguyên tác tiểu thuyết, truyện phim được biên kịch ngắn gọn, dễ hiểu và lôi cuốn hơn.
   Bối cảnh xảy ra ở xứ Drogheda, miền New South Wales, Úc vào cuối năm 1920. Câu chuyện bắt đầu từ một ngày Giáng Sinh. Hình ảnh đầu tiên là cảnh Cha Ralph lái chiếc xe kiểu xe Jeep cổ lổ xỉ của những năm đầu thế kỷ. Xe băng băng qua những cánh đồng cỏ ngập vàng màu cỏ cháy. Những cành cây không lá nổi bật dưới trời xanh. Những đàn cừu trôi mình trong nắng. Những con kangaroo lẩn mình xa xa dưới buổi chiều tàn. Nắng nóng, khói xe, bụi đường bám đọng lên tấm áo chùng làm vị linh mục Ralph de Bricassart từ xứ Ái Nhĩ Lan biệt phái về đây nhuốm vẻ phong trần.
   Cha Ralph- vị linh mục trẻ, một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, lịch lãm, thân thiện và tế nhị với tất cả mọi người. Hình ảnh một vị linh mục mẫu mực, dấn thân, băng đồng lội suối đến làm thánh lễ cho những giáo dân xa xôi là những hình ảnh ấm cúng, tuyệt vời. Cha không phải đem ánh sáng và tình yêu Thiên Chúa đến, mà còn đỡ tay cho họ trong mọi công việc đồng áng, chung vai gánh vác những khó khăn hay tai họa thường ngày. Đến nỗi người ta không thể tưởng tượng một ngày nào giáo xứ Drogheda lại không có Cha. Cha đến như một thứ ánh sáng tâm linh. Nhưng mà, ở trong tim bà Mary Carson, (vị nữ chủ nhân của trang trại lớn nhất vùng Drogheda) nó ở lại như một thứ ánh nắng lưu cữu trên cánh đồng mênh mông mùi cỏ cháy.
   Không biết tự bao giờ, bà Carson nhận ra Cha Ralph chính là người đàn ông lý tưởng mà cuộc đời bà mơ ước. Trở ngại lớn nhất chính là thời gian. Bấy giờ gặp nhau thì quá trễ. Bà có thừa thông minh, tiền bạc, quyền thế. Nhưng tất cả không thể mua được tuổi trẻ. Một trái tim sôi nổi, tha thiết không xoay ngược được chiều giòng máu chảy. Tình yêu dù nồng nàn đến đâu cũng không thể làm tươi thắm lại màu da. Bà oán Chúa đã bắt một tâm hồn trẻ trung còn căng đầy nhựa sống phải trú ngụ trong một cơ thể già nua. Ước mơ nếm trải một thứ tình yêu thật sự trên đời suy ra cũng đâu phải là một điều đáng trách. Bà yêu Cha, hay quyến rũ Cha, chấp nhận vai trò xấu xa của Satan trong kinh thánh. “Khi Satan quyến rũ Chúa là vì yêu Chúa hay hận Chúa?”
   Tình yêu của Mary Carson là một sự thách đố nghiệt ngã trước số phận. Không ai có thể xoay ngược thời gian. Vậy có cách nào thay đổi được cách nhìn của Cha Ralph? Điều đó lại dường như bất khả đối với một người đã yêu và dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Nhưng Mary Carson là một người đàn bà thông minh, sắc sảo. Bà hiểu rõ Cha Ralph như nhìn thấy chính mình. Cho dù Cha yêu Chúa, bà cũng vẫn có cơ hội. Bởi vì yêu Chúa hay yêu một người đàn bà, thậm chí là yêu một điều gì đó thì có gì khác? Cái đích có thể thay đổi nhưng hấp lực của tình yêu bao giờ cũng giống nhau. Ai nắm được tham vọng của người khác thì sẽ điều khiển được họ. Mà có một vị linh mục nào trên đời không muốn khoác chiếc áo Hồng Y?
   Sau khi vẽ ra hình ảnh Đức Hồng Y Ralph de Bricassart của xứ New South Wales sẽ đăng quang một ngày không xa lắm là những hình ảnh có thật, bà Carson gợi trong lòng Cha Ralph một tham vọng- Cha sẽ là người thừa kế tài sản của bà để phục vụ Chúa. Đó là tấm vé đi vào tòa thánh Vatican an toàn nhất. Muốn thế, Cha phải cải thiện quan hệ với bà. Mối giao tình đó sẽ bền chặt không cách chi mà chặt đứt được.
   Nhưng liệu đó có phải là con đường duy nhất để phục vụ Chúa tốt nhất? Bà Carson cũng không phải là kẻ dễ chịu. Những kẻ cưỡi ngựa giỏi đều là những người cầm roi thạo. Bà không bao giờ để Cha Ralph thong dong với niềm hy vọng vừa gieo. Mary Carson còn có một người em ruột tên là Paddy Cleary. Bà đón cả gia đình họ về để phụ giúp cai quản nông trại. Trong ngoài đều rõ, người thân duy nhất trên đời của bà Mary Carson này sẽ là người thừa kế hợp pháp nhất. 

   Gia đình Paddy là một gia đình nông dân cần mẫn. Ông Paddy, một người đàn ông thật thà như đếm. Bà Fiona, xuất thân trong một dòng họ cao quý nhưng vì lỡ có con riêng mà phải chấp nhận lấy chồng dân dã. Frank, con riêng của bà Fiona, nóng tính nhưng rất yêu mẹ. Bob, Jack, Stule những đứa con trai thạo việc đồng áng, ngoan ngoãn. Mọi sự sắp xếp của Mary Carson được coi là hoàn hảo nếu không có một sự bất ngờ ngoài dự tính. Nó làm cho kế hoạch của bà như chiếc xe lửa chạy trật đường ray. Đó là sự xuất hiện của Meggie. Meggie là một đứa con gái độc nhất của gia đình người em họ. Cô bé có gương mặt ngây thơ và sáng như trăng. Đôi mắt của nó cứ như hai vì sao nhỏ, mà nhìn vào người ta có thể thấy ra một thế giới khác. Nó có sức lôi cuốn, khát khao và thôi thúc.
Nếu có ai tin vào số mệnh, ắt hẳn người ta sẽ tin vào một thứ linh cảm được báo trước. Cái giây phút đầu tiên mà Cha Ralph nhìn Meggie và Meggie ngước nhìn Cha. Cả hai đều có một cảm nhận. Cuộc đời họ sẽ có những buộc ràng không sao tháo gỡ được. Đó là ngã rẽ của định mệnh? Hay người ta phải gọi nó là gì? Nhưng từ giờ phút đó Cha Ralph đã quên béng mất những niềm hy vọng vừa mới lóe.

    Khi Cha Ralph đưa cả gia đình Paddy về nhà. Lần đầu tiên nhìn thấy đứa cháu gái, xinh xắn, thông minh, bà Carson bỗng dưng e dè. Bà mơ hồ cảm thấy có điều gì bất ổn. Thật vô lý khi nghĩ nó là một thứ tình địch tí hon. Nhưng mà, thật đáng ghét khi nó gọi bà bằng bác. Trước mắt nó, bà tự nhiên cảm thấy da dẻ bỗng héo hon, môi khô và ánh mắt phút chốc chùng đi mấy nếp.
   Sự thân mật tự nhiên của Cha Ralph với con bé Meggie làm bà đâm khó chịu. Mà lạ chưa, ở Cha Ralph hình như tự dưng đâm ra có một khoảng cách. Cái mầm hy vọng bà gieo vào lòng Cha có lẽ sẽ trở thành cái mầm lúa lép. Hình như nó chẳng thể mọc. Hay là chính Cha cũng quên khuấy đi rồi.
   Mọi linh cảm mơ hồ của bà Mary Carson chẳng mấy chốc đã trở thành sự thật. Con bé Meggie đã nghiễm nhiên thành tâm điểm không thể thiếu trong phần đời trần tục của Cha. Tình bạn của nó và Cha Ralph là một thứ tình bạn vong niên, đầy trong sáng. Có điều gì vui sướng hơn khi Cha cõng nó trên vai, dạo khắp cánh đồng. Hay những lúc cùng nó bám trên lưng ngựa để đuổi bắt chiều tà. Kể cả những việc nhỏ nhặt như đi vắt sữa, cho gà ăn, tháo nước mương nó và Cha đều chia sẻ với nhau những điều thầm kín nhất. Với Meggie, Cha Ralph cao cả như một vị thần. Cha hiểu hết mọi việc trên đời và luôn luôn bảo vệ cho mình. Với Cha, tâm hồn Meggie là những ngọn gió luôn luôn mới. Cái nắng hôm nay không phải là cái nắng hôm qua. Gần nó, Cha thấy bao nhiêu điều mới mẻ. Nó lấp đầy sự cô đơn, trống vắng trong lòng Cha.
   Điều thiếu sót lớn nhất là Cha không thể dạy nó yêu Chúa như Cha. Hình như trong các câu truyện trong kinh thánh, những người đàn bà yêu Chúa đều phải nhìn vượt qua cái bóng người đàn ông ở gần mình. Từ hồi còn nhỏ Meggie đã yêu Chúa qua Cha. Đã nhiều lần Meggie từng rón rén bước vô nhà chứa lông cừu để rình bắt gặp Chúa. Trong trí óc nhỏ nhoi Meggie luôn tưởng tượng Chúa ngự trị khắp thế gian, Chúa hiện hữu như là Cha hiện hữu. 

    Rồi thời gian cứ như những cơn gió vô tình lướt qua trên những cánh đồng ở Drogheda. Bà Mary Carson ngày càng già đi. Cô bé Meggie mấy năm sau đã trở thành một thiếu nữ. Cha Ralph vẫn là một vị linh mục đầy phong độ. Nhưng tình bạn vong niên thời thơ ấu của Meggie giờ đây đã biến thành tình yêu. Không có người đàn ông nào trong mắt Meggie vượt qua được cái bóng của Cha. Nhưng đối với Cha Ralph, tình yêu Thiên Chúa ví như ánh mặt trời, còn Meggie chỉ là một đốm lửa nhỏ. Mặt trời đem lại sự sống, nhưng tình yêu là những tia lửa phát sáng tự thân. Nó mang đến sự ấm áp trong đời sống cho nhân loại. Không có tình yêu, con người sẽ lụi tàn vô tri như cây cỏ.
   Sự nghiệt ngã chính là sự chọn lựa.
   Bà Mary Carson là hình ảnh con chim tới chết vẫn chưa cất lên tiếng hót.
   Cha Ralph, Meggie đau khổ vật vã cả đời trong sự lựa chọn.

   Nhưng mà tại sao phải chọn lựa?
   Có phải con người hết sức ngu ngốc khi tự đặt quanh mình quá nhiều rào cản?
   Qua câu truyện, người ta tin, nếu được sống lại, nhân loại sẽ toàn đi trên những con đường thẳng.
   Nhưng mà, Thượng Đế thông minh, Ngài đâu cho ai có cơ hội xóa bàn làm lại.
   Có phải không? 

Cho tôi lại ngày nào
Trăng lên bằng ngọn cau
...................................
Cho tôi lại chiều Hè, tôi đi giữa đường quê
Hai bên là hương lúa, xa xa là ngọn tre
Thấp thoáng vài con nghé
Tiếng nước dưới chân đê
Tôi mê trời mây tiá, không nghe mẹ gọi về
Cho tôi lại nhà trường, bao nhiêu là người thương
Cho tôi lại một mùa, mưa rơi buồn ngoại ô
Đêm đêm đèn trong ngõ soi sáng mảnh tim khô
Cho tôi lại còn nhiều cho tôi lại tình yêu
Cho đi lại từ đầu chưa đi vội về sau
Xin đi từ thơ ấu, đi vui và bên nhau
Trong tim thì sôi máu, khóe mắt có trăng sao
.............................................................
Cho đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau
Cho đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau (*) 

Tháng 12/2010
ntta 

(*)Nhạc phẩm Kỷ Niệm của Phạm Duy
Phim "Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai" do đài truyền Hình Úc sản xuất năm 1983 bản DVD phụ đề tiếng Việt có bán ở các tiệm Video Việt Nam hải ngoại.

No comments:

Post a Comment