Lời Hát Xa Xưa Trở Lại
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Cello by Amedeo Modigliani
Phải nói là “Những
lời hát xa xưa của tôi” mới đúng. Bởi trong thời niên thiếu, trong những năm
tháng tuổi teen của tôi, những lời hát như đã gắn vào trong tâm. Thuở lên trung
học, tôi nghe lời anh cả “học Anh văn, tốt nhất là hát nhạc tiếng Anh cho
nhiều”. Mà với bất cứ ngôn ngữ nào cũng vậy chăng" Tôi nghĩ thế. Mấy anh
em cứ nghe radio và hát theo những bản nhạc mình yêu thích, rồi thì đi mua nhạc
về tập, mãi rồi thành một thói quen khó bỏ. Anh em tôi có cả một tủ nhạc thuộc
loại “top hits”. Còn chị tôi và tôi, có những đêm thức thật khuya, châu đầu lại
bên chiếc radio pin, sợ ba má nghe nên vặn rất nhỏ, có khi còn trùm mền lại đến
vã mồ hôi chỉ để nghe cho hết một bản nhạc.
Vậy thì cũng không
hẳn là chỉ vì thích học Anh văn. Đúng ra là mấy anh chị em thích nhạc. Thuở
ấy... tôi hay ôm cây đàn guitar hát những bản nhạc của The Beatles. Cả nhà ai
cũng nói là tôi mê nhạc “yeah yeah”. Mà “dé dé” thiệt! Nghe dễ thương lắm! Đa
số các bản nhạc “dé dé” chỉ có vài lời rất đơn giản, nhưng cô đọng, đủ nói lên
cái ý của cả bài, cộng thêm nét nhạc vui nhộn làm cho mỗi bản có một nét độc
đáo riêng. Mà không chỉ ban nhạc The Beatles, thời đó thịnh hành những ban nhạc
bốn hoặc năm người nổi tiếng khắp thế giới, trong đó có ban nhạc The Byrds mà
tôi cũng rất thích. Bản “Turn! Turn! Turn!” của ban nhạc này, lời lẽ đơn giản,
kết cấu mỗi câu như kiểu văn đối xứng của Việt Nam nên dễ nhớ và dễ thấm. Đây
là một trong những bài “nhiều lời” nhất mà đứa bé con như tôi thích và nhớ cho
đến bây giờ:
Turn! Turn! Turn!
(To Everything There Is a Season)
To everything - turn,
turn, turn
There is a season -
turn, turn, turn
And a time to every
purpose under heaven
A time to be born, a
time to die
A time to plant, a
time to reap
A time to kill, a time
to heal
A time to laugh, a
time to weep…
Sao mà đáng yêu
thế! Cái ý niệm “xoay” nhiều nghĩa, đen và bóng, khiến tôi thích dịch ra tựa
bài hát là “Xoay! Xoay! Xoay!”
Xoay! Xoay! Xoay!
Việc gì cũng có lúc,
có thời của nó
Mọi việc dưới trời đều
có kỳ định
Xoay! Xoay! Xoay!
Có lúc sinh, có lúc tử
Có lúc gieo, có lúc
gặt
Có lúc giết hại, có
lúc chữa lành
Có lúc cười, có lúc
khóc
Có lúc dựng xây, có
lúc đạp đổ
Có lúc múa ca, có lúc
than khóc
Có lúc ném những hòn
đá đi
Có lúc gom những hòn
đá lại
Có lúc chiến tranh, có
lúc hòa bình
Có lúc yêu thương, có
lúc thù ghét
Có lúc bạn ôm hôn
Có lúc bạn tránh né
Có lúc được, có lúc
mất
Có lúc xé nát, có lúc
vá khâu
Có lúc yêu, Có lúc
ghét
Có lúc dành cho hòa
bình, tôi thề, không quá trễ đâu!
Một cô nhóc, hát
những lời hát này, thấy thấm, nhưng thấy thấm một cách… rất ngây thơ. Tôi biết
gì là chiến tranh! Tôi biết gì là hòa bình! Tôi biết gì là cuộc sống! Tôi biết
gì là cõi chết! Ấy vậy mà hát say mê. Người ta bảo: “Những bản nhạc trong thời
niên thiếu sẽ in rất đậm trong cả cuộc đời của chúng ta”. Không tin, xin bạn cứ
thử nhớ lại.
Rồi đến những nhóm
nhạc hai người, thuở đó cũng một thời tôi yêu thích. Trong số đó, tôi say mê
với những bản nhạc của nhóm “Simon and Garfunkel”, hai người ca nhạc sĩ hát với
cây đàn guitar. Không chỉ riêng tôi đâu, mà hầu như ai cũng thích đôi song ca
này. Có lẽ vì những “tiếng lặng thầm” của họ nói lên được nỗi niềm khắc khoải
của cả một thế hệ đã quá quen với chiến tranh, với những câu hỏi chưa bao giờ
được giải đáp. Họ đã tự giải đáp.
The Sound Of Silence
Hello darkness, my old
friend,
I've come to talk with
you again,
Because a vision
softly creeping,
Left its seeds while I
was sleeping,
And the vision that
was planted in my brain
Still remains
Within the sound of
silence.
…
Tiếng lặng thầm
Chào bóng đêm, người
bạn cũ
Tôi lại đến chuyện trò
cùng bạn
Bởi một ảo ảnh đang
nhẹ len về
để lại hạt mầm trong
khi tôi đang ngủ
Và ảo ảnh ươm mầm
trong óc tôi, vẫn còn đó
trong tiếng lặng thầm
Trong những đêm thao
thức tôi cô đơn bước đi
qua những con đường đá
cuội
Dưới vầng sáng của đèn
đường
Tôi kéo cổ áo che giá
rét và ẩm ướt
Khi đôi mắt tôi bị một
tia sáng đèn nê-ông xoáy vào, xé màn đêm
Và chạm đến… tiếng
lặng thầm
Và trong ánh sáng trần
trụi tôi đã thấy
Mươi ngàn người hoặc
hơn
Người ta đang chuyện
trò mà không nói ra lời
Người ta nghe mà không
cần lắng tai
Người ta viết những
bài hát không có tiếng
Và không ai dám khuấy
động tiếng lặng thầm
Khờ quá, bạn không
biết đâu
Sự yên lặng như ung
nhọt nẩy lên
Nghe những lời tôi có
thể bảo bạn
Nắm lấy cánh tay tôi
sẽ vươn đến bạn
Nhưng những lời của
tôi, như những giọt mưa lặng lẽ rơi xuống
và vang vọng
trong bể lặng thầm…
Như vậy đó, nhiều
rất nhiều, những bản nhạc trong thời tôi còn nhỏ, thấm vào lòng, tự nhiên đến
nỗi tôi không còn nhớ nó là tiếng Anh. Khi buồn thì hát, cảm nhận cũng lớn dần
theo với tuổi tác của mình. Nhưng nói chung, tất cả đều nguyên vẹn.
**
Trong đời người, có
những bài hát đến với chúng ta trong những hoàn cảnh đặc biệt, và chúng ta nhớ
nhiều nhất, nhưng có khi không còn nghe lại. Và cũng có những bài hát chúng ta
biết trong những hoàn cảnh không có gì đặc biệt, nhưng có một ngày nào nghe lại
trong một bối cảnh khác thường, chúng ta sẽ thấy cảm động nhiều.
Tôi không nghĩ rằng
mấy mươi năm sau, tôi nghe lại hai bản nhạc trên, trong một dịp rất đặc biệt.
Qua màn ảnh ti-vi, tôi nghe lại những lời của “Turn! Turn! Turn!” nhưng không
phải với phần trình diễn của The Byrds, mà là qua lời nói của cựu Thị trưởng
Thành phố New York Rudy Giuliani… khi ông đọc bài diễn văn, mà thật như một
“điếu văn”, vì ông đang tưởng niệm những nạn nhân trong biến cố ngày 11 tháng 9
năm 2001:
“Việc gì cũng có
lúc, có thời của nó. Mọi việc dưới trời đều có kỳ định. Có lúc sinh, có lúc tử.
Có lúc gieo, có lúc gặt. Có lúc giết hại, có lúc chữa lành. Có lúc cười, có lúc
khóc. Có lúc dựng xây, có lúc đạp đổ. Có lúc múa ca, có lúc than khóc. Có lúc
ném những hòn đá đi, có lúc gom những hòn đá lại. Có lúc chiến tranh, có lúc
hòa bình. Có lúc yêu thương, có lúc thù ghét…”
Kẻ ngoại đạo như
tôi, nay đã biết đó là những lời từ trong Kinh Thánh.
Mà cũng rất giống
với ý niệm trong đạo Phật. Điều gì hiện có, đã có ngày xưa. Điều gì sẽ xảy ra,
đã xảy ra tự lâu rồi. Trong vòng xoay của thế giới, có những điều thật khó hiểu
nhưng đã hiển nhiên.
Và rồi thật xúc
động, tôi thấy lại Paul Simon.
Không có người bạn
Garfunkel cùng song ca bên cạnh, Simon ôm cây đàn guitar, đội chiếc mũ lưỡi
trai có in số 9/11, giản dị như ông đã từng. Simon 70 tuổi hát “The Sound of
Silence”. Không chỉ với những người sống đang hiện diện quanh ông, đang rơi
nước mắt nghe ông và hát theo ông, mà hồ như cả ba ngàn người bỏ mình trong
cuộc khủng bố cũng về chia sẻ với ông “tiếng lặng thầm”. Tôi thuở là bé con
hiểu lời bài hát này theo kiểu bé con. Tôi lớn lên nhìn thế giới với hai bộ mặt
của nó: náo nhiệt và sâu lặng. Mỗi người khám phá “tiếng lặng thầm” theo cách
của mình. Còn nơi đây, trên khởi điểm của những cái đã từng mất đi, “tiếng lặng
thầm” cất lên có một âm vang lạ thường của nó.
Khi con người còn
lấy sự đau thương của kẻ khác làm niềm vui sướng cho mình, thì mọi thứ tiếng
nói sẽ trở thành vô nghĩa. Chỉ còn lại một thứ. Tiếng lặng thầm. The sound of
silence…
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
No comments:
Post a Comment