Friday, December 4, 2020

ĐỌC ‘VÒNG QUANH’. THƠ ĐỖ HỒNG NGỌC

Minh Lê
 
Thi phẩm Vòng Quanh
 
Một ngày rất xưa, cách đây đã hơn 20 năm, tôi đứng trong hiệu sách Nguyễn Huệ với cuốn sách thật mỏng trên tay có tựa: “Đỗ Hồng Ngọc – Vòng quanh – Thơ” (nhà xuất bản Trẻ 1997). Phải nói ngay rằng tôi không có duyên, cũng không có nợ với… thơ. Cầm sách lên chỉ vì tò mò, bởi tôi rất thích văn Đỗ Hồng Ngọc. Đọc xong vài bài, tôi quyết định khiêng về nhà để đọc cho kỹ. Đọc xong rồi, mỗi lần đọc lại, vẫn tủm tỉm cười.
 
Như bài Affiche (trang 16) tả cô gái tuyệt trần trên bảng quảng cáo trong hành lang xe điện ngầm ở Paris:
 
“Có kẻ nào táy máy vẽ chơi
Bôi đen chiếc răng làm cô sún
Có kẻ trời ơi vẽ vời lên rún
Làm cô cựa mình…”
 
Từ đó về sau, mỗi lần thấy quảng cáo có cô gái đẹp, là tôi lại nhớ tới đoạn thơ này. Một cô gái đẹp răng…sún, lại đang cười mím chi vì…nhột, chà chà, dễ thương tới mức đó làm sao quên được! Bài “Ở bảo tàng sáp Grevin” (trang 60) có chuyện còn ngộ hơn:
 
“Tưởng người thiệt
Chào, không nói
Tưởng người sáp
Sờ một cái!”
 
Vỏn vẹn 12 từ, còn ngắn hơn một bài haiku của Nhật, vậy mà thành nguyên một câu chuyện, thậm chí như một bộ phim. Trước mắt tôi có một thi sĩ tha thẩn trong viện bảo tàng, nhìn ngắm tượng và người. Không biết do tượng qúa giống người, hay do người giống…tượng, mà thi sĩ nhìn tượng thành người, nhìn người thành tượng? Suy thêm tí nữa, tượng và người khác nhau ở chỗ có… hồn, cho nên thi sĩ nhìn nhầm như vậy, kể cũng…đúng! Bởi đâu có thiếu tượng có hồn, người lại không có? Thiệt dí dỏm, duyên dáng mà sâu sắc, từ tuy ít mà ý ở ngoài lời.
 
Bài “Ở Montmartre” (trang 48) tả phố nghệ sĩ ở Paris, nơi nghệ thuật thấm đẫm trong không khí và những con đường lát đá nhấp nhô:
 
“Con đường là một dòng sông,
Sóng lăn tăn gợn vỗ quanh ghế ngồi…
Ta nhìn xuôi ngược ơ hay
Những làn gạch sóng lắt lay cõi người…”
 
Có lẽ phải một lần đã tới Montmartre, nhìn các họa sĩ say mê vẽ tranh, nghĩ tới Picasso, Renoir và Van Gogh từng ở đây, rồi nhìn lên nhà thờ Sacré-Cœur hình trái tim trắng muốt ở trên cao, mới cảm được ý tưởng về “sông” và “sóng” của thi sĩ. Cuộc đời như một dòng sông nhiều sóng, sóng to sóng nhỏ, rồi cũng chảy về biển. Dù khó so sánh, nhưng nếu cho tôi chọn, tôi thích hình ảnh dòng sông này hơn là hình ảnh “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi” của nhạc sĩ Trịnh.
 
Nhân nói tới nhạc, thơ Đỗ Hồng Ngọc có nhạc, họa, lại có văn:
 
“Ngõ cũ
Ao xưa
Vầng trăng bạc
 
Lầu văn
Gác tía
Bước chân son.”
(Văn Miếu, trang 42)
 
Nhạc nằm trong tiết tấu 2-2-3, trong thanh điệu trắc trắc – bằng bằng- bằng bằng trắc của đoạn 1 đối xứng với bằng bằng – trắc trắc – trắc bằng bằng của đoạn 2. Họa tới từ những nét bút rất thoáng vẽ nên cảnh vật, từ bối cảnh bên ngoài “ngõ, ao, trăng” đến mảng hình chính “lầu văn, gác tía” và tâm điểm “bước chân son”. Văn nằm trong ý tưởng ở trong và ở ngoài từ ngữ, người đọc tự thấm và… tự hiểu. Cũng có bài, thi sĩ nói thẳng tưng, kèm theo một nụ cười tinh nghịch:
 
“Chiều thu
Nghe tiếng quạ
 
Giật mình
Nỗi xa nhà
 
Nhớ sao
Mà nhớ
 
Quá!”
(Thu, trang 34)
 
Quạ – quá, vần cũng chỉnh mà nghĩa cũng chỉnh. Sao các nhà soạn sách của chúng ta không đem bài thơ này vào chương trình lớp 1 cải cách nhỉ, khỏi phải khổ sở sửa tới sửa lui truyện của người khác cho mệt óc?
 
Ngày xưa, Phật giơ cành sen lên, ngài Ca Diếp mỉm cười vì ngài đã ngộ. Tôi, vốn rất không có duyên nợ với thơ, nhờ cành sen “thơ Đỗ Hồng Ngọc” mà ngộ ra một chút về thơ. Mà cũng cùng những bài thơ đó, cái “ngộ” của tôi bây giờ đã khác 20 năm trước. Xin cám ơn thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc!
 
MINH LÊ
Suối Tiên 11/2020

No comments:

Post a Comment