Trung
Trung Đỉnh
Tác phẩm Trương Văn Dân
Những tai họa thế giới và giấc mơ Việt Nam
Tôi vốn là người mang sẵn tính cực đoan, kể từ thời nhỏ,
thích cái gì, yêu cái gì, muốn cái gì
cũng cứ theo đuổi bằng được. Lớn lên, nhất là thời trẻ, chừng hai ba chục tuổi,
đã thế, còn hơn thế nữa! Trong các mối quan hệ xã hội thông thường của tôi rất
dở, chỉ vì cái tính cứng quèo, gặp
ai, cái cảm giác ban đầu mà có gì đó gợn lên trong lòng không thích, thế là y
như rằng, ngay sau đó và đa số mãi mãi, ít khi lấy lại được thăng bằng. Có những
người, trong giao tiếp chung họ rất lịch lãm, rất tốt, nhưng tôi gặp hay gặp
tôi, chẳng hiểu vì sao, đến cả chuyện mời nhau điếu thuốc hay chén nước tôi
cũng không bình thường được… Đến khi ngoài sáu mươi, bây giờ đã trên bẩy mười, thì hình như cái thói ấy nó
không những không giảm, mà lại còn có vẻ
gia tăng. Tất nhiên, nó chỉ gia tăng với những “đối tượng” mà tôi ghét trước
đây, giờ thêm vào là khinh, là không thèm… nhìn mặt.
Đọc sách cũng thế. Hồi trẻ, đọc
không chọn lọc, miễn là cứ sách văn học
là đọc. Thời thanh thiếu niên của thế hệ chúng tôi, ở ngoài Bắc, học
sinh “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa
tươi đẹp” thì có sách đâu mà chọn lọc. Quanh đi quẩn lại sách thiếu nhi Việt
Nam có mỗi “dế mèn phiêu liêu ký” viết
về con vật là đọc say mê, đọc đi đọc lại, đọc tái đọc hồi, thêm nữa có mấy cuốn
“Đội du kích thiếu nhi Đình Bảng”, “Cuộc
đời chìm nổi của chú Kíp-Lê” hay “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn
Huy Tưởng. Sách nước ngoài của Liên xô, Trung Quốc thì có: “Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Carích và va li
a”; “Dôi A và Su Ra” hay “Đống lửa trong rừng”. Dông dài thế vì mấy tháng
nay tôi đọc cuốn tiểu thuyết “Trò chuyện
với thiên thần” của nhà văn người Italia gốc Việt. Tôi chơi và thân với anh
cũng trên dưới mười năm nay. Anh thuộc dạng người mà tôi gặp cái là quý và tin cậy ngay, gần như không có màn rao đãi,
xã giao. Đến cái hôm, trong câu chuyện tình cờ của hai anh em, tôi bảo bên
Ý tôi mê nhất truyện ngắn của Alberto Moravia và đặc biệt sau 1975 tôi đọc mê mẩn
cuốn “Cuộc chiến tranh ấy và…” của
tác giả nữ, Oriana Fallaci, là phóng viên chiến trường Italia, theo tôi là cực
hay. Nó hay nhất là chân thực. Bà ta là người trong cuộc, không theo lối viết nghiêng về phía bên này hay phía bên kia,
nhưng chính kiến thì rất rõ ràng, đầy chất nhân văn và đặc biệt là chống chiến
tranh… Qua câu chuyện ấy, tôi mừng là anh Dân
cũng đã đọc và cũng rất thích, thậm chí là rất “mê” tác giả này. Chúng
tôi chia sẻ với nhau khá nhiều và đồng cảm trong quan niệm sống. Một người được
học (anh Dân), được đọc rất nhiều, lại giỏi ngoại ngữ. Anh học ngành y dược, một
ngành học rất nghiêm cẩn và kĩ lưỡng, còn một người là tôi, một tên lính cộng
quân Bắc Việt, học thì ít mà bươn chải thì nhiều, mê văn chương, đọc sách dịch,
viết lách tài tử, làm và sống kiểu gì cũng không niêm luật bài bản. Đọc sách lấy
sách văn học cổ điển làm bài học, làm chỗ dựa, làm chuẩn. Lấy các cụ cổ điển
làm gương, mê cách sống của ông Đốt, ông He – Minh- Uê; Văn học Việt ta thì mê
chất hóm chất dân gian của ông Nam Cao, ông Vũ Trọng Phụng…Tôi bày tỏ, chia sẻ
với anh Dân thế, anh không có phản ứng
gì, chỉ cười cười, cuối các cuộc đàm đạo thường trước lúc chia tay, anh Dân bảo,
anh Đỉnh… khôn. Chả biết thế là khôn hay dại, nhưng ông Trời ông ấy ki bo lắm,
ông ấy chỉ cho mỗi người một tí ti thôi. Ai “khôn” thì biết mà giữ lấy, nuôi dưỡng
cho nó trưởng thành…
Nay đọc cuốn sách dày gần 400 trang
khổ 16x24, chữ nhỏ, thấy bìa đề là tiểu thuyết, háo hức “bập” vô, cả trăm trang
không thấy “mùi” tiểu thuyết theo quan niệm cũ của tôi đâu cả! Nhưng đọc thì thật
hấp dẫn, đọc mê mải, không buông ra được. Buông ra rồi phài mở lại, đọc lại, lần
mò, tìm kiếm, nghe ngóng và tiếp tục khám phá: Đọc, ngừng, nghĩ, đọc, ngừng,
nghĩ, không phải sách công cụ, sách giáo dục dạy dỗ trẻ em, không phải sách triết
hay tình cảm, trinh thám… càng không phải thứ tiểu thuyết có mang mấy chức
năng, với nhân vật chính, nhân vật phụ, có cốt truyện rành mạch, tác giả phán gì, nhân vật nói gì, ý tưởng nêu cái gì,
viết về vấn đề gì, hay tả, hay kể chuyện gì có tích có trò. Không! Tuyệt đối
không! Không có các thứ ấy nhưng có tất cả! Tôi tự thấy mình phải xem lại mình.
Viết cả dăm cuốn sách, đoản thiên thiểu thuyết, trung thiên tiểu thuyết và… trường
giang tiểu thuyết, người ta gọi mình là nhà văn, nhà này nhà nọ, bây giờ đọc
anh Trương Văn Dân, thấy trong cuốn sách “Trò
chuyện với thiên thần” hội đủ cả, thật lòng thấy ngượng: Anh Dân, từ ngày
chơi với anh đến giờ, chưa khi nào tôi thấy anh tự xưng mình là nhà văn. Cũng
chưa bao giờ thấy anh nhận mình là hội viên hội này hội nọ. Anh cắm cúi viết.
Anh viết không vì viết để lấy danh, lấy tiền nhuận bút hay nhắm “để đời”. Yếu tố
cần đầu tiên của tiểu thuyết là cuốn hút người đọc. Đọc một cách thân thiện như
những người thân trò chuyện với nhau, ngang hàng không đẳng cấp, hay nói ngang
bằng, sổ thẳng, không có trên dưới trong ngoài cao thấp, ba là ba, con là con,
bạn đọc là bạn đọc. Cuốn sánh đề thể loại “tiểu thuyết” không thể đề thể loại
truyện hay thể loại khác được. Các yếu tố của tiểu thuyết được tác giả “khôn
khéo lạng lách” trong khu rừng ngôn ngữ
tiếng/chữ Việt thật tinh vi, linh hoạt và thật điêu luyện. Cái thông điệp mà
tác giả đã nói trắng phớ ngay rằng: “NHỮNG TAI HỌA THẾ GIỚI VÀ GIẤC MƠ VIỆT
NAM”. Việt Nam ơi! Người đang đứng ở đâu? Câu hỏi cũng là câu trả lời! Bởi vì
ta mở ti vi lúc nào cũng thấy/nghe các cổ
động viết gân cổ hát “Việt Nam ới! Việt
Nam ơi!” mà thực ra ta chả thấy cái đích đâu cả. Mỗi trận bóng đá là một cuộc
chơi nhất thời. Mỗi giải thể thao cũng là một giải, một mùa nhất thời. Tác giả
nói với Thiên Thần: “Ba chẳng thể giúp con tránh được nỗi đau và những việc làm con xé
lòng… nhưng ba có thể khóc cùng con và cùng con nhặt nhạnh, để hàn gắn lại những
mảnh vỡ. Ba không thể và không muốn nói con là ai, con phải sống như thế nào,
dù thực tình mà nói, ba mong ước là con được sống bình an để chiêm nghiệm cuộc
đời chứ chẳng cần phải giầu sang xuất chúng để sống trong bi kịch do mình tự tạo.
Ba muốn chấp nhận như con đang là, muốn được là người bạn của con. Người mà con
có thể tuyệt đối tin tưởng và không bao giờ sợ sẽ thay lòng”.
Trong tiến trình văn học, tất yếu
các thể loại luôn luôn được các nhà văn mỗi thời thay đổi theo quan niệm của thời
đại mình, kể cả hình thức và nội dung. Cánh cửa luôn luôn mở rộng và các nhà
sáng tạo cũng không ngừng chịu thỏa mãn. Cái đích luôn luôn ở phía trước và
các nghệ sĩ không bao giờ chịu ngồi im với những gì các nhà sáng tạo đi trước
đã khai phá. ĐỔI MỚI VÀ ĐỔI MỚI. Không đổi mới, không chịu ở mức trung bình tức
là không chịu thua, không chịu bó tay chấm com, tức là không chịu ngồi chờ… chết!
Xét cho cùng chỉ có mỗi cụ Cổ Điển
là không thay đổi cụ được. Cổ Điển là nền tảng, là rường cột, muốn thay đổi đến
đâu thì thay đổi, nhưng không qua nhà cụ,
không thấm nhuần sức vóc và tài năng bài bản của cụ thì thế nào ta cũng lâm vào
lệch lạc, đi đứng chệch choạc không bước tiếp được.
Thế mới biết ở đời vẫn có một con đường
tuyệt đối. Tuyệt đối đúng, tuyệt đối hay, nhưng tuyệt đối không suy chuyển
không thay thế được.
Xin chúc mừng anh Dân, chúc mừng “Trò chuyện với thiên thần” đã và đang
được bạn viết bạn đọc đón nhận.
T.T.Đ
Hà Nội 10-2020
*Nguồn:
Bài đã đăng trên báo Văn Nghệ HNVVN số 49 (5/12/2010). http://baovannghe.com.vn/nhung-tai-hoa-the-gioi-va-giac-mo-viet-nam-1-2-21928.html?fbclid=IwAR2GzomMvqVcLrJxLLM4vyRIMXwqzTTPpYapGLh_YQalArLoH0KQxLYm5n8
No comments:
Post a Comment