Monday, December 21, 2020

GIỚI THIỆU TRUYỆN DÀI BIỂN LỤA CỦA HOÀNG THỊ BÍCH TI

 
Trân trọng giới thiệu
BIỂN LỤA
truyện dài
HOÀNGTHỊ BÍCH TI
 
 

Sách dày 246 trang
Gi á $18.00
Nhà xuất bản Văn Học 2020
 
Sách được bán trên hệ thống Barnes & Noble
theo đường dẫn:
https://www.barnesandnoble.com/w/bien-lua-hoang-thi-bich-ti/1138411024?ean=9781666206159 
Email: hoangthibichti@gmailcom 
 
BIẺN LỬA BAY LÊN PHƯỢNG HOÀNG TRONG BIỂN LỤA CỦA HOÀNG THị BÍCH TI
 
lê giang trần
 

Do nhận công việc layout sách nên tôi được biết truyện dài BIỂN LỤA của nhà văn Hoàng Thị Bích Ti. Tác phẩm này đã được nhà xuất bản Văn Mới, California in lần đầu năm 2007, nhưng tôi lại không có duyên biết đến. Tôi phải đọc lướt qua, chỉnh sửa những lỗi đả tự nếu có, đó là trình tự công việc. Và thật bất ngờ, tôi đã bị lôi cuốn theo dòng truyện, thế là một công hai việc, tôi thưởng thức trọn vẹn truyện dài “Biển Lụa.”

Ba nước ở Đông Dương là Việt Nam, Lào, Cam Bốt sau khi làm thuộc địa của Pháp, đều trải qua sự cai trị của chủ nghĩa cộng sản. Chấm dứt chiến tranh, thân phận nữ giới của ba nước này là một “đại bi kịch.” Ở tuổi thiếu nữ, trong một gia đình nghèo nàn, đã có thể cô bé ấy sẽ nhận chịu một cuộc đời khốn nạn, thê lương, bi thảm, nếu bị bắt cóc, bị cha mẹ bán, hay kể cả bị dụ dỗ đến thành phố “làm việc.” Mạng lưới quốc tế săn lùng gái tơ, trẻ vị thành niên, đổ xô tìm đến các nước nhược tiểu này truy lùng, vì giá cả “bèo” mà “hàng” lại tốt. Ngay cả nước Trung Hoa “vĩ đại” dưới chế độ cộng sản cũng không ngoại lệ, lớp dân nghèo bần cố nông nhanh chóng trở thành nạn nhân, một thị trường béo bở. Mãnh lực đồng tiền không những mua được mạng con người, còn hấp dẫn quyến rũ những cô gái nghèo nhẹ dạ, ham tiền, sẵn sàng đánh đổi thân xác thanh xuân để mong có được một cuộc sống vật chất huy hoàng. Tự ngàn xưa đến thời “hiện đại” đều rập khuôn như thế. Ngoại trừ một con người cam chịu sống có nhân phẩm, hầu hết đều có thể sa ngã bởi tiền bạc và danh lợi cám dỗ. Tuy nhiên, có những trường hợp biệt lệ, như truyện Kiều, nàng Kiều phải vì hiếu bán mình, xã hội hiện tiền vẫn có những người con gái chân yếu tay mềm, dùng tấm thân ngà ngọc của mình bán đi để cứu vãn một gia đình đang quá nghèo đói. Cung cấp cho vở kịch đời những nỗi bi hài vô cùng tận.

Hoàng Thị Bích Ti may mắn đã được cùng gia đình ra đi, thoát khỏi đất nước khi người cộng sản thành công tiến chiếm miền Nam Việt Nam ngay từ những tháng ngày trong năm 1975. Sang Mỹ, cô được học hành đến nơi đến chốn, và còn là một nhà văn. Những thông tin bi thảm về số phận của những con người này đã được Hoàng thị Bích Ti tạo dựng thành một truyện dài, tuy khiêm tốn về chiều dài câu truyện. Và chỉ quy chiếu đặc biệt vào nạn buôn người, đánh động lương tri nhân loại, hay tối thiểu là lương tâm của những bậc “trí thức đồng hương.” Mặc dù nhà văn thời văn minh không làm việc “văn tải đạo” như thời xa xưa của Đông phương, tuy

nhiên, những tác phẩm được trao giải văn chương, hầu hết đều giàn trải chứa chan tính nhân bản, là một sắc thái đặc thù của loài người.

*

Tại sao tôi bị cuốn hút vào trong hồn truyện? Việc này làm tôi nhớ đến “Tháng Ba Gãy Súng” của nhà văn Cao Xuân Huy, một truyện dài cũng có độ dầy khiêm tốn, nhưng ngay đêm tôi được anh bạn thân Huy tặng quyển sách mới in ra lò, tôi đã đọc một hơi suốt đêm đó không ngừng nghỉ, xếp lại quyển truyện thì ngoài trời đã sáng. “Biển Lụa” là truyện khiến tôi đọc như vậy. Hoàng Thị Bích Ti với Biển Lụa đã áp dụng một thủ pháp, một lối văn phong tuôn tràn cuồn cuộn như dòng sông phăng phăng phóng mình trong cơn bão táp đang cuồng nộ bất tận, con thuyền bị nó lùa đi vừa căng thẳng vừa bất ngờ trải qua những khúc khuỷu khi dòng nước vượt qua mà không biết sông sẽ đưa thuyền về đâu.

Biển Lụa là câu truyện về cô gái tên Như Ý, cái tên người mẹ đặt và rất hãnh diện khoe với anh chàng Việt kiều tốt bụng đã biếu bà số tiền bù cho gánh bún bò lúc bà vấp té ngã đổ: “Như Ý là tâm Như Ý, là ngọc Như Ý...” Để rồi cái tên có dụng ý của tác giả hóa ra mai mỉa cuộc đời cô gái này, bởi vì tự cô đã chọn cho mình một “định mệnh” khi cha mẹ cô rơi vào cảnh nghèo khổ cạn kiệt, người cha vốn là một cựu quân nhân của miền Nam, lại vừa đạp mìn mất đôi chân khi tháp tùng theo đoàn người săn trầm tận rừng sâu. Cô nhận 500 ngàn tiền vay trước từ một mụ đầu nậu buôn người sang Đài Loan, tin vào lời hứa hẹn đường mật, cô để số tiền to tát này lại cho nhà mình, sáng tinh mơ ấy, cô gái xinh đẹp thanh xuân này dứt áo bỏ nhà ra đi, nghĩ rằng chỉ mất 3 năm đi làm “lao động nước ngoài” sẽ kiếm được một số tiền có thể giúp cha mẹ mình có một cuộc sống tươm tất, không còn nghèo khổ nữa. Từ đây, cuộc đời cô trở thành cô gái giang hồ, nói trắng trợn là sẽ trở thành cô gái điếm.

Và trước khi biến thành “con đĩ thập thành” như cô tự biếm, cô đã phải trả giá mấy tháng trường làm “nô lệ tình dục”, do cặp vợ chồng người Đài Loan sống bằng nghề đánh cá ở một thôn xóm vắng tanh, họ qua xứ Việt, bỏ ra 3,700 đô la mua cô gái này từ bà VN đầu nậu, trên danh nghĩa kết hôn, mang cô về nước họ làm vợ cho lão già cụt đôi chân là cha của gã đánh cá. Nhưng rồi bà vợ hung dữ của hắn một hôm đồng ý để cho tên chồng luôn thèm thuồng cái thân xác cô gái trẻ VN, gạt cho cô uống thuốc kích dâm rồi chở cô vào nơi sông vắng cho một âm mưu chiếm đoạt bất chính.

Xin ghi lại vài đoạn thủ pháp của nhà văn diễn tả cảnh ngộ này, để thấy tài năng văn bút:

“... Sóng vỗ nhẹ mạn thuyền sánh vánh. Thuyền chòng chành. Ly nước trà nóng và bãi sông rộng đã băng qua khi nãy khiến cho toàn thân tôi rã rời, nóng bức. Mồ hôi rịn ra trên sóng lưng. Sóng nước lăn tăn. Da thịt lăn tăn như những giọt máu trong người đang trào ra theo từng lỗ chân lông. Tựa vào mạn thuyền, tôi ngã đầu đón từng cơn gió sông đưa tới. Sóng vỗ thì thầm mời gọi. Da thịt tôi như đang bốc cháy. Bứt rứt. Sao mà nóng bức. Tôi thèm những giọt nước mát ghê gớm! Tôi muốn cởi bỏ quần áo, thèm được ngâm mình dưới dòng sông ... Hắn nhẹ dìu tôi xuống chiếu. Tôi ngoan ngoãn nằm xuống. Tay chân rũ rượi. Mắt mở thao láo. Bàn tay hắn vuốt lên tôi. Hai bàn tay như hai cánh quạt. Rờn rợn. Mát. Hắn cầm bộ quần áo trên người tôi đứng lên. Tiếng ghe nổ dòn lách tách. Tôi uốn mình rên khe khẽ. Đôi chân rộng mở. Tay vuốt ve lên lớp da thịt đang lấm tấm mồ hôi. Vuốt ve. Như con mèo đêm liếm từng khoảng lông mềm ướt của nó... Gió lùa vô khoang. Gió thênh thang quanh chỗ tôi nằm. Tôi ôm tôi trong tay. Hình như thuyền đang trôi...”

“Trăng. Trăng rằm. Trăng đổ những tia sáng vàng lênh láng xuống dòng sông. Nước lấp loáng. Người đàn ông ở cuối khoang thuyền đang múc những gàu trăng xối xuống thân thể hắn. Từng vạt nước lấp lánh. Loang loáng. Bóng hắn chập chờn trong ánh sáng. Đẹp làm sao! ... Tôi thèm được tắm trong vũng trăng với hắn. Nóng. Nóng. Nóng. Tôi ôm tôi. Da thịt phập phồng. Môi tôi căng. Ngực tôi đầy. Thịt da mềm ướt. Đôi chân tôi trải dài trên chiếu. Đôi cánh tay là bạch tuộc. Vươn lên. Mời gọi. Quấn quýt. Một giọt nước rớt xuống. Da thịt mừng rỡ. Một giọt khác tiếp nối. Chảy loang. Rạo rực. Từng giọt. Từng giọt. Tiếp nối. Thấm vào da. Thấm vào tôi. Êm ái. Rười rượi mát. Gió lùa trên thân thể tôi. Người đàn ông nằm lên gió. Người đàn ông nằm lên tôi. Thân hình ướt sũng. Tôi ướt sũng. Cái bóng mát chập chờn ôm quấn lấy tôi. Như con lươn trôi lướt trên mặt bùn ướt. Như nước mát của dòng sông. Tôi rướn lên mời gọi. Mời gọi. Hai cánh tay chơi vơi, ôm quíu cả dòng sông. Hòa mình trong nhịp nước, tôi trôi. Trôi. Trôi. Bềnh bồng ra biển lụa...”

Sau một thời gian do được vợ đồng tình cho hắn tìm mụn con trai với Như Ý cuối cùng cũng đi vào bế tắc. Họ vội vàng bán Như Ý cho bọn buôn người. Cô vui mừng tưởng thoát khỏi cảnh địa ngục, bất chấp sẽ trôi dạt về đâu, và để rồi không ngờ từ đây phải bán thân trên xứ người.

Đến khoảng quá nửa truyện, tác giả cho thêm một nhân vật xưng tôi, đó là cô gái tên Lệ, con của người hàng xóm tên Tiến, là bạn thân của ba Như Ý. Hai nhà này đã cùng nhau đi “vùng kinh tế mới” nhưng cuối cùng họ phải trở về thành phố Huế, sống lây lất còn hơn chôn đời nơi vùng hoang vu chưa khai khẩn. Ông bạn kia mang 2 con là Lệ và Nam đi vượt biển. Lệ bị bọn hải tặc Thái bắt mang về bán cho tú bà ở một vùng quê nghèo. Sau đó lại qua tay bọn buôn người rồi bị bệnh Sida và cuối cùng bị thủ tiêu mất xác. Gia đình Như Ý về lại Huế và tạm dung trong một khu nghĩa địa, nhưng luôn sống trong hồi hộp bất an vì sợ bị giải tỏa. Khi Như Ý bị đưa về sòng bài tại M. thì bất ngờ gặp lại Lệ.

*

Hoàng Thị Bích Ti không nhẫn tâm đến độ xô đẩy định mệnh nhân vật Như Ý vào con đường độc đạo bi đát. Xuất hiện bất ngờ một thanh niên Việt kiều từ Mỹ về VN mang theo một số xe lăn hiến tặng cho những người tàn phế mất đôi chân, điển hình như ba của Như Ý. Anh là người bất chợt nhìn thấy cảnh một bà quẩy gánh bún bò bán dạo ở thành phố Huế, chạy trốn khi công an đến ruồng, bị vấp té đổ tan nồi niêu, đã tốt bụng móc túi lấy trọn số tiền đang có biếu cho bà, mong bù lại gánh bún, giúp cho buổi cơm chiều hôm đó của gia đình này được ăn một bữa dạ yến. Và, cũng thật bất ngờ, một anh chàng thuộc loại “Mã Giám Sinh” người Việt gốc Hoa, tên Wang, từ Mỹ sang Đài Loan có việc gì đó, rồi đi đến chốn bán hoa, gặp nàng Như Ý, giữ kè kè nàng suốt 2 tuần, cuối cùng chuộc nàng ra khỏi động mãi dâm, mang nàng sang Hoa Kỳ cho sống cùng, hưởng thụ được một thời gian sống trên nhung lụa bạc tiền, ngập tràn nhục dục.

Tác giả cũng thơ mộng tặng cho Như Ý một chàng họa sĩ tên Khoa, dù chỉ là một anh chàng không đẹp trai, nhưng có “trái tim ấm áp”, nói theo kiểu phim Đại Hàn, khởi đầu như một tình bạn, không gian là Nữu Ước với biển, công viên, trời mưa, đêm, sương mù. Chàng tỏ lời mơ ước kết hôn với nàng. Nàng âm thầm mua 7 bức tranh của chàng họa sĩ nghèo, chàng khám phá ra nàng là vị Mạnh Thường Quân, cảm thấy bị thương tổn, lánh mặt. Ngày Mã Giám Sinh Wang để lộ việc sắp thành hôn với nàng thư ký Angela đẹp như tiên nga, cũng là ngày Như Ý đội mưa đi lang thang rồi dẫn chân đến nhà Khoa, cánh cửa mở, đêm đó nàng giơ lên cái bao cao su rồi nói em muốn làm vợ anh đêm nay. Chỉ một đêm, sau đó không chi tiết nào tiến tới cuộc phu thê.

Gã Andy bạn của Wang, đến dự dạ tiệc, nhận ra nàng làm điếm ở thành phố Mẹ, “triệt buộc” nàng bằng con số $1,500 đô cho một đêm say. Cuộc trao đổi diễn ra ngay trong lúc tâm hồn Như Ý đang tan nát vì Wang:

“... Thứ đàn bà như em, ngửi thấy mùi tiền thì lo mà cởi quần đi cho rồi! Bày đặt chung tình có mà chết đói! Con đĩ trước sau gì cũng là con đĩ. Anh có thể trả em nhiều hơn nó! Đêm nay, nó đã có Angela rồi, em không thấy sao? ... Ngàn rưỡi nhé! Em vui vẻ đồng ý thì lấy một ngàn rưỡi, còn không thì cũng chả có xu nào đâu. ... Em nghĩ coi, tụi nó say hết rồi! Chỉ có trời mới cứu em ra khỏi tay anh đêm nay...”

*

Giống như một định lý “ắt có và đủ”, bất ngờ của đoạn kết sẽ không hài lòng người đọc. Châu thân ngà ngọc của cô gái Như Ý nhiễm HIV, vị bác sĩ lẽ ra nên tiết lộ với nàng sau khi nàng đã về lại Huế, dù chưa biết chỉ là chuyến về thăm cha mẹ hay sẽ có ý định ở lại bên song thân. Tiền bạc hiện có sau khi rời bỏ Wang đủ cho nàng sống ung dung, cha mẹ thì nàng đã chu cấp có một cuộc sống ấm no. “Ít ra, lần về gặp mặt này là cuối cùng, và dù nàng có quyên sinh đi nữa trong lòng cũng mãn nguyện.” Có thể đây là suy nghĩ cá nhân tôi thương cảm cho nhân vật trong trường hợp tác giả không ban cho nàng ân huệ một chung kết “có hậu.” Với thông tin trước một ngày lên đường trở về quê hương đã làm Như Ý xé vụn vé máy bay rải xuống mặt biển và nàng cũng bỏ đi ý nghĩ quyên sinh trầm mình vào lòng đại dương. Trên đường về, chiều mờ tối. Một gã ngồi trong xe gọi khi nàng đi ngang, và sau khi kỳ kèo ngã giá 175 đô, nàng đồng ý không chút do dự, nuối tiếc.

“... Tôi đi vòng qua bên kia, mở cửa xe, leo vô ngồi băng sau. Gã đàn ông đưa tiền cho tôi, lui cui bò qua ghế. Tôi cầm cuộn tiền, bỏ vô túi, ngửa người vô lưng ghế. Trăng đã lên. Trăng Ma Cau. Màu trăng quen thuộc. Lòng quặn lên. Tôi cúi xuống, sành sỏi cởi quần....”

Câu truyện đóng lại bằng cái kết mở đầy bi thương. Có thể, nàng muốn trả cho dứt cái nghiệp làm “đĩ thập thành” như nàng từng mỉa mai cuộc đời mình và cũng không có chút thương hại nào đối với kẻ mua dâm.

*

Biển Lụa tập trung vào thân phận của những cô gái điếm nên có ngôn ngữ diễn đạt những biểu tượng tính dục hay tình dục và khả dĩ của bộ phận sinh dục. Tác giả đã khéo để chữ nghĩa không mất tính văn chương, không khiêu dâm dù thượng cấp, thản nhiên nói về nó, không tránh né như thế giới văn chương dùng chữ “thanh” diễn về cái “tục.” Tôi tin rằng bạn đọc đứng đắn nhận chân rõ ràng tính văn chương của tác phẩm và cũng là bút pháp tài ba của tác giả.

Ngoài ra, cũng đừng thắc mắc thời gian tính trong truyện. Tác giả không cần thiết tính toán cho khớp, cứ tự do bay nhảy từ bối cảnh không gian hay thời gian này sang một không gian khác: từ hiện tại trở về mảng quá khứ nào đó, lại sang một không gian quá khứ khác, về lại một mảng không gian ở hiện tại gần, nhảy đến hiện tại đang là, rồi phóng ngược về một quá khứ thật xa...

Ma Cau được nêu danh như một nơi ăn chơi quốc tế chứ không rõ ràng là cô gái điếm trong truyện bị đưa sang đó hành nghề. Hay ở đoạn nàng về từ Mỹ, dĩ nhiên là khi sang Mỹ mới có tự do để về thăm nhà, nhưng thời gian ghi là 3 năm sau khi nàng bị bán qua Đài Loan. Truyện không nêu bao năm ở Đài Loan và thời điểm nào Wang đưa nàng qua Mỹ. Cũng không cho biết Như Ý khi nghỉ học ở nhà làm lụng với cha mẹ lúc mấy tuổi, rồi đi khu kinh tế mới, rồi quay về Huế, đi làm ở tiệm tóc, sau đó bỏ nhà vô Sài Gòn làm gái bán bar một thời gian rồi mới bị bán sang Đài Loan, nhưng phải chờ đợi mấy tháng về giấy hôn thú, đi học Hoa ngữ... diễn biến cứ dồn dập không ngừng và không nhất thiết có chùm thời gian nằm trong khung không gian. Thời gian là không khí của câu truyện, không gian đôi khi lại là thời gian xảy ra những biến cố. Nghĩa là, tác giả không muốn bạn đọc phải bận tâm làm gì đến cái thời gian tính, trôi lăn theo dữ kiện đủ nín thở rồi!!!

Hai nhận xét trên là phong cách đặc biệt của truyện dài “Biển Lụa”. Thật ra người đọc bị cuốn chìm vào một “Biển lửa” thì đúng hơn. Tôi cảm thấy bị lạc lối chết trân trong một cánh rừng đang bốc cháy, chỗ này cháy, chỗ kia cháy, nhìn chỗ nào cũng cháy, không thấy có hướng để thoát thân, con thú bị vây hãm cất lên tiếng hú bi thương. Nhưng nếu bạn từng đọc truyện Harry Potter, bạn sẽ thấm thía, con phượng hoàng vụt hóa sinh bay lên từ lớp tro của chính ngọn lửa thiêu rụi nó vừa tàn. Ý tôi muốn nói rằng, ngọn lửa của câu truyện vừa thành đống tro tàn thì vụt bay lên, hiển hiện một phượng hoàng xinh đẹp, một tác giả rực rỡ, đó là Hoàng Thị Bích Ti.

LÊ GIANG TRẦN
(Little Saigon, ngày 16 tháng 11, 2020)

No comments:

Post a Comment