Bác
sĩ / Nhà văn Ngô Thế Vinh (1969)
Nhà văn Ngô Thế Vinh, cũng là một bác sĩ Y khoa và từng là
Y sĩ trưởng của Liên đoàn 81 Biệt cách Dù, có một lối viết văn không nhầm với
bút pháp các nhà văn khác: đôi khi nhìn như một bác sĩ, và đôi khi nhìn như một
người từ chiến trận đầy khói lửa mới về thành phố -- nơi đó, ông tham chiến
nhưng vẫn là người chữa lành các vết thương, ông ở vị trí gần gũi các chiến
binh nơi mặt trận và cũng tiếp cận các cấp chỉ huy của Quân đoàn để nhìn chiến
trường từ nhiều hướng khác nhau. Đó là một trong những lý do làm các trang sách
của Ngô Thế Vinh, ngay từ các năm trước 1975, đã đứng rất riêng biệt.
Nói như thế để thấy rất nhiều nhà thơ, nhà văn -những người
hiện diện cùng chiến tuyến tại các chiến trường Miền Nam trước 1975- có những
suy nghĩ độc lập, rất riêng tư chứ không phải mê mờ chủ nghĩa. Ngòi bút của họ
trong thời chiến tranh gay gắt ở Miền Nam không hề bị bóp méo để viết theo chỉ thị
từ các quan chính ủy, một chức vụ chỉ có trong quân đội Miền Bắc.
Đó là lý do, chúng ta thấy có thơ Nguyễn Bắc Sơn trong
bài thơ "Chiến Tranh Và Tôi" có những dòng không hề căm thù khi nhìn
người lính bên kia chiến tuyến, và bên Bắc quân hoàn toàn không có cái nhìn
phóng khoáng như thế, trích:
Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
xem chiến cuộc như tai trời ách nước
.
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
(Chiến Tranh Và Tôi - Nguyễn Bắc Sơn)
đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
xem chiến cuộc như tai trời ách nước
.
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
(Chiến Tranh Và Tôi - Nguyễn Bắc Sơn)
Hay như Phan Nhật Nam, một nhà văn và là sĩ quan Nhảy dù
trong các năm chiến trường gay gắt nhất trước 1975, nhìn chiến trận từ tuyến đầu
với một cách rất riêng và rất đa diện qua Dấu Binh Lửa, nơi từng dòng chữ nhiều
thập niên sau đọc lại vẫn còn vang tiếng đạn nổ dòn khi nhà văn cầm súng phóng
lựu M 72 đứng dậy, thế là VC bắn rách quần nhà văn họ Phan, trích:
"Tôi đem xác Khiêm về sau, mắt anh đã nhắm… Những
chiếc râu xanh lởm chởm ở cằm người chết linh động như của đời sống đang còn thở.
Nhưng anh chết thật. Rút quân ra ngày mai vào lại.
Quân vượt qua chiếc rạch nhỏ, dàn hàng ngang
lội thật nhanh, hết chiếc rạch đến bên kia là vườn cau, gắng lên! Ba người lính
lên bờ trước đứng dậy. Một loạt đạn nổ dòn… Hai bị thương. Tôi đang ở trong rạch
lúng túng băn khoăn, cả đại đội nằm trong nước bùn im lặng, một cây nhỏ lung
linh, người lính đeo máy nằm bên cạnh tôi trở mình, loạt đạn bay đến, những
nhánh dừa nước rơi tung tóe. Bực mình quá tôi nổi liều, cầm trái M.72 đứng lên…
Chiếc hoả tiễn công phá được phóng đi, một tràng đạn đáp lễ lại xé rách chiếc
quần… Đ.m… Hầm tụi nó phá không nổi! Hỏi ý kiến Đại uý Liên, tiểu đoàn phó. Cho
rút lui vòng tay phải đánh lên? Đồng ý. Tôi cho đại đội lui từng người một. Lẩm
bẩm chửi thề. Mẹ cha chúng mày còn một tí người cũng đòi dở chuyện. Vòng phía
phải thật nhanh qua khu vườn mía, bao quanh đánh vào, Việt cộng bỏ chạy để lại
ba xác chết nằm thẳng cẳng." (Nghĩ Về Một Kẻ Thù Kiệt Lực,
"Dấu Binh Lửa" -- Phan Nhật Nam, Tháng 3/1968. An Phú Đông – Gia Định)
Nếu là bút ký của nhà văn Miền Bắc, hẳn là đã giấu chi tiết
vài tên địch mà chận bước tiến cả đại đội phe ta, và hẳn là không ghi lại tiếng
chửi thề của nhà văn họ Phan trong cương vị sĩ quan chỉ huy đại đội Nhảy dù, và
cũng sẽ giấu chi tiết sĩ quan chỉ huy bị bắn rách quần. Nhưng văn học Miền Nam,
sự thực không che giấu đã hiển lộ trên từng trang giấy với bút pháp riêng từng
nhà văn.
Nhà văn Ngô Thế Vinh có bút pháp khác, cũng rất mực độc
đáo. Khi tả ông Tướng biên cương, Ngô Thế Vinh nhìn dưới con mắt y sĩ tiền tuyến
trước, suy nghĩ về bệnh tê thấp khớp xương
của ông Tướng, và rồi nhận ra ngay bên cạnh ông Tướng là một thiếu phụ đẹp
lộng lẫy trong tiếng cười nói ồn ào, khói thuốc và hơi rượu. Trích:
"Ông Tướng Biên cương tối nay đã thôi treo tay.
Như nhịp độ những trận đánh trên cao nguyên, chứng tê thấp khớp xương của ông
cũng trở lại với chu kỳ của mùa mưa và bệnh tình cũng bắt đầu thuyên giảm khi
bước sang thời tiết khô ráo. Ở buổi dạ hội hôm nay, ông Tướng mặc thường phục
và khoác thêm một chiếc áo rực rỡ cổ truyền của người Thượng. Dưới mắt thuộc cấp,
ông Tướng là hình ảnh của hào hùng và là sự cần thiết cho sự ổn định của vùng địa
đầu cao nguyên. Sau nghi thức đơn giản với đôi lời chào mừng, ông Tướng đã cùng
mọi người hân hoan nâng ly rượu mừng cho chiến thắng rực rỡ của Mùa Mưa. Tiếp
đó ông cũng là người đầu tiến bước ra sàn nhảy, cùng với một thiếu phụ đẹp lộng
lẫy, đi những bước thật bay bướm mở màn cho buổi dạ vũ. Âm thanh của những tiếng
cười nói ồn ào. Không khí dày đặc khói thuốc và hơi rượu mạnh. Nhạc sống và
khiêu vũ. Những người đàn bà dễ dãi." (MTOSG, ấn bản song ngữ 2020,
trang 22)
Hình ảnh tưng bừng trong buổi dạ vũ đó trái nghịch với
hình ảnh bi thảm khi Ngô Thế Vinh kể về những xác người chết nơi chiến trường,
nơi tác giả có những người bạn trúng đạn tới xóa tan mặt mũi, và cả xác một Hạ
sĩ quan thân tín của trúng đạn bi thương và lết vào bụi rậm nằm chờ chết. Nhà
văn Ngô Thế Vinh kể:
"Đưa ly rượu tới môi, tôi tự nhủ rằng hãy nghĩ tới
những người sống chứ không phải những xác chết. Nhưng vấn đề là làm sao để quên
đi. Cái hình ảnh kinh hoàng của chiến địa, hôi thối nồng nặc, chồng chất những
tử thi hai bên. Xác của những người bạn bị oanh kích lầm với thứ hỏa tiễn mũi
tên xóa tan cả mặt mũi. Xác của người phi công được trực thăng móc ở rừng ra,
héo rũ trên dây treo như cách người ta câu về những con thú. Cả đến người Hạ sĩ
quan thân tín của tôi trong bao năm nay trên khắp trận mạc cũng lại vừa chết
trước một ngày khi chúng tôi được lệnh về Sài gòn. Xác của nó chỉ được kiếm ra
hai hôm sau trong một bụi rậm khiến tôi hiểu rằng nó chỉ bị thương và bị bỏ rơi
lại bãi. Với sẵn cái bản năng mưu sinh và thoát hiểm, tuy bị đạn, nó đã cố lết
mình vào bụi rậm, sửa soạn một chỗ nằm chờ đợi được cứu hay nếu không cũng chu
đáo sửa soạn một cái chết. Lúc tìm ra, xác nó còn gối đầu trên ba-lô, còn chiếc
nón rừng được hắn úp lên ngực chỗ vết thương trổ từ sau lưng..."
(trang 23)
Nhiều hình ảnh nhân đạo hiện ra trong bút ký của Ngô Thế
Vinh làm chúng ta bùi ngùi khi đọc tới. Tiếng trực thăng bay tới gần sẽ làm chiến
binh Miền Nam vui mừng, nhưng sẽ gây kinh hoàng cho chiến binh Miền Bắc, và có
thể sợ tới đứng tim mà chết, như khi tác giả kể về một tù binh trẻ, bị thương
nhẹ, nghe tiếng trự thăng tới gần là kêu thất thanh "Anh" rồi chết.
Và xác tù binh này phải bỏ lại giữa rừng, khi quân Miền Nam rời chiến trường;
tác giả cố ý quên chỉ thị gài lựu đạn dưới xác để không có thêm vài xác trong rừng
nữa.
Trong "Hòa Bình Không Sớm Hơn" trong tuyển tập
"Mặt Trận ở Sài Gòn," tù binh đó, gốc Thanh Hóa, bị thương nhẹ, bị bỏ
lại hậu cứ vì đang lên cơn sốt rét ác tính. Y sĩ tiền tuyến Ngô Thế Vinh ra lệnh
y tá chăm sóc tù binh này, cho chích thuốc trợ tim và cầm máu, truyền nước biển,
cho một trung đội luân phiên cáng võng tù binh này về Quân Đoàn để sẽ khai thác
tin tức.
Khi ra tới nơi dọn bãi đáp cho trực thăng, tù binh trẻ
này được đặt nằm dài trên lớp cỏ mịn, chờ bốc về Quân Đoàn. Nhưng khi trực
thăng tới gần, tiếng cánh quạt trực thăng trong khi làm chiến binh Miền Nam vui
mừng, tù binh trẻ này kinh hoàng chết tức khắc. Ngô Thế Vinh ghi hiện tượng này
như sau:
"Tên tù binh được đặt nằm dài trên lớp cỏ mịn. Hắn
xanh xao cố mỉm cười khi nhìn tôi bước tới. Tôi muốn có phút chuyện vãn và làm
một cử chỉ chăm sóc hắn. Có tiếng reo mừng của đám lính tráng khi nghe đoàn trực
thăng từ xa tới. Ngay lúc đó không hiểu sao bỗng dưng tên tù binh ngồi bật dậy
và hốt hoảng kêu la. Có một cái gì đó khiến hắn trừng mắt ngạc nhiên và đầy vẻ
sợ hãi. Như không thấy, hắn chỉ kịp quơ tay về phía trước níu lấy tôi kêu thất
thanh một tiếng “Anh” rồi ngã rũ xuống và chết tốt. Tôi bàng hoàng kêu ngay y
tá Tụng và ngay cả chính tôi cũng đã làm mọi điều để cấp cứu hồi sinh hắn nhưng
vô hiệu. Tôi vẫn nghĩ rằng vết thương đó không đủ làm hắn chết mau như thế. Tụng
y tá thì tìm cách giải thích là tên tù binh đã chết vì bị “kích xúc”. Thêm một
danh từ chuyên môn cũng chẳng giải thích được gì thêm về cái chết bất ngờ và vô
lý đó. Tôi để ý là khi nghe tiếng vỗ cánh của đoàn trực thăng xà trên bãi thì vẻ
mặt hắn biến sắc và để lộ một vẻ sợ hãi khủng khiếp. Hình như đó là một thứ phản
xạ điều kiện của tột cùng sợ hãi của một người suốt bốn năm sống trong rừng sâu
mà nỗi ám ảnh đe dọa thường xuyên là các toán Biệt Kích với chiến dịch Diều Hâu
trực thăng vận. Trong khi cũng thứ âm thanh của những cánh quạt gió ấy thì đang
khiến đám lính tráng đói khát của tôi nhảy tưng lên như điên vì mừng rỡ sung sướng."
(trang 58)
Tù binh chết thì phải bỏ xác lại giữa rừng. Tác giả cố ý
quên một thói quen gài lựu đạn dưới xác người tù binh mới chết. Đoạn cuối
"Hòa Bình Không Sớm Hơn" viết:
"Khi đoàn trực thăng đã thực sự rời xa bãi, tên
Trung sĩ cận vệ thân tín lên tiếng nhắc tôi và cố nói to. "Em thấy là Hổ
xám quên." “Không, lần này không phải là tao quên.” Nó nhắc tôi việc gài một
trái lựu đạn rút kíp dưới xác người tù binh mới chết phải bỏ lại dưới bãi. Hơn
một lần địch đã hành động như vậy và gây cho chúng tôi tổn thất. Nhưng ở lần
này thì tôi lại nghĩ rằng cho dù có làm thêm một cạm bẫy xác nữa, gây thêm được
một vài chết chóc, không vì thế mà ngày mai Hoà Bình sẽ trở lại sớm hơn."
(trang 61)
Những đau thương của cuộc chiến không ngừng ở năm 1975.
Truyện "In Retrospect -- Nhìn Lại" kể về một cựu chiến binh Hoa Kỳ từng
tham chiến ở Việt Nam, đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đặc trách xây dựng phòng tuyến
McNamara từ trước Tết Mậu Thân, hai lần bị thương, nghiện rượu và hút cần sa
khi còn tham chiến ở VN. Anh này có tên là Gumber, được tác giả giấu tên thật,
giải ngũ nhiều năm, thất nghiệp vì cơ thể bị chiến tranh tàn phá. Trong truyện,
nhân vật Phan, một bác sĩ gốc Việt, chăm sóc bệnh nhân kia. Truyện kể về anh Gumber:
"Anh sống cô quạnh, một lần ly dị và không con. Sự
thể cô vợ rất sớm phải bỏ anh vì không chịu được tính nết hung hãn bất thường của
chồng cho dù họ vẫn còn thương nhau. Từng là lính cổ da, thuộc một trong những
đơn vị Thủy quân Lục chiến đặc trách xây dựng phòng tuyến McNamara từ trước Tết
Mậu Thân, cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam, hai lần bị thương, với số tuổi nay đã gần
50. Anh đã bắt đầu nghiện rượu và hút cần sa từ lúc còn rất trẻ khi mới qua Việt
nam. Giải ngũ, thất nghiệp từ nhiều năm và không thấy có một tương lai. Anh sống
qua ngày bằng số tiền trợ cấp tàn phế nhỏ nhoi. Tất cả đều liên hệ tới những mất
mát từ chiến trường Việt nam: chứng động kinh do vết thương sọ não. Anh đã từng
bị sốt rét ác tính, và cũng là người duy nhất sống sót của một tiểu đội mất
tích; tuy bị thương nặng ở bụng và chân do những miểng mìn claymore sau khi rơi
vào ổ phục kích đêm của Việt cộng ở một nơi xa xôi nào đó trong vùng cao nguyên
Trung phần Việt nam cách đây 27 năm. Cũng phải kể tới vết thương khác không chảy
máu Bloodless Wounds PTSD - hội chứng tâm thần sau chấn thương ở những năm sau
khi anh đã trở lại nước Mỹ." ("In Retrospect -- Nhìn Lại" -
trang 99-100)
Có một lúc, anh Gumber làm thiện nguyện cho chiến dịch
Stand Down chăm sóc các cựu chiến binh không cửa không nhà. BS Phan nhận ra anh
Gumber tích cực, năng nổ khi làm thiện nguyện
ở bệnh xá, trái với hình ảnh anh Gumber mấy năm trước, buồn bã, trầm cảm,
gây hấn, dễ nổi nóng, ưa than vãn, từng đôi lần cắt cổ tay để tự sát mà được cứu
kịp. Tuy nhiên, một thời gian sau, BS Phan được tin anh Gumber treo cổ tự sát.
Và bùi ngùi suy nghĩ, anh Gumber chưa phải là người lính Mỹ cuối cùng,
trích:
"Cho đến bây giờ trong ký ức Phan vẫn không thể
nào xóa nhòa cái hình ảnh rạng rỡ và khuôn mặt hạnh phúc của anh Gumber khi bỗng
chốc anh được thấy mình trở lại có ích, cho dù chỉ ngắn ngủi ở mấy ngày của chiến
dịch Stand Down năm đó. Lẽ ra anh đã không chết và cả sống hạnh phúc nữa nếu
anh thực sự được trở về nhà với một tấm căn cước và có cơ hội sống cho và sống
với người khác. Và anh Gumber vẫn chưa phải là người lính Mỹ cuối cùng chết
trong trận chiến tranh Việt Nam." (trang 107)
Điều độc đáo của tập truyện là "Mặt Trận ở Sài Gòn /
The Battle of Saigon" ấn hành cả song ngữ Việt-Anh. Hiển nhiên là Ngô Thế
Vinh có nhiều điều muốn thế giới Anh ngữ đọc về Cuộc Chiến Việt Nam --- trong
đó độc giả của anh có thế hệ trẻ gốc Việt và những người sẽ nắm quyền tuyên chiến
tương lai trên thế giới. Tác giả Ngô Thế Vinh không phải là người chủ hòa hay
phản chiến, bản thân anh là người tham dự cuộc chiến. Nhưng Ngô Thế Vinh cũng
không phải người chủ chiến hay phe diều hâu, bản thân anh quý trọng hòa bình và
kinh hoàng khi nhìn thấy chiến tranh tàn phá quê nhà và dân tộc anh.
Ngô Thế Vinh chọn vị trí viết sự thật, xa lìa tất cả chủ
thuyết. Tác giả nhìn vào những gì xảy ra trong cuộc chiến và kể lại để giúp dân
tộc anh, và giúp nhân loại tự vấn về những trận tàn sát trên quê hương anh. Chắc
chắn sẽ có những độc giả ứa nước mắt khi đọc tới một số hình ảnh tác giả ghi lại.
Về lời kể của Jim cho bác sĩ Phan nghe trong "Một Bức Tường Khác" những
ký ức không quên khi "bọn VC biển người từng lớp từng lớp nhào lên hàng
rào dây kẽm gia," hay về "Bọn tướng lãnh ở Lầu Năm Góc, liệu tụi nó
biết được là có bao nhiêu tân binh chết tức tưởi vì cây súng M16 kẹt đạn,"
để rồi chất vấn "tụi con buôn súng đạn ấy" và rồi Ngô Thế Vinh ghi lại
vào năm 1991:
"Jim sống mà như đã chết. Hắn thực sự đã chết các
đây từ 22 năm, cùng với Giấc mơ Mỹ quốc, và cả giấc mơ rất nhỏ bé được trở
thành thầy giáo, khi bước ra khỏi vũng bùn và máu của chiến tranh . Jim cũng
như đa số những người cựu chiến binh Việt nam được gọi là còn sống , nhưng họ
giống như những mảnh bom đạn vương vãi , thực sự chưa thoát ra khỏi trận địa Việt
nam. Liệu có còn thêm một bức tường thương khóc nào khác ở Hoa thịnh đốn đủ dài
để có thể ghi tên và vinh danh họ.
Phan cũng tự hỏi đến bao giờ, cả chính chàng
nữa mới thực sự thoát ra khỏi cuộc chiến tranh đã vào qúa khứ từ 17 năm rồi."
(trang 97)
Tuyển tập song ngữ "Mặt Trận ở Sài Gòn / The Battle
of Saigon" gồm 12 truyện ngắn, trong đó có truyện viết như bút ký, dày 500
trang, Lời Tựa do Nguyễn Xuân Hoàng viết với nhan đề "Ngô Thế Vinh Không
Có Khoảng Cách Giữa Tác Giả và Tác Phẩm," Bạt do Tạ Tỵ viết, lời nhận định
từ nhiều nhà văn trong đó có Nguyễn Mạnh Trinh, Đoàn Nhã Văn, Mark Frankland,
Tim Page, Phan Nhật Nam, Bùi Khiết, Hoàng Văn Đức, và một bài báo Bách Khoa năm
1972 nhan đề "Bách Khoa Đàm Thoại với Ngô Thế Vinh từ Vòng Đai Xanh đến Mặt
Trận ở Sài Gòn."
Nhà văn Phan Nhật Nam trong bài viết năm 2004 nhan đề
"Hòa Bình chưa hề đến, dẫu sớm, hay muộn... Nhân đọc Mặt Trận ở Sài
Gòn," được Ngô Thế Vinh dùng trong phần Bạt và Nhận Định, trang 213-218,
đoạn kết là lời nhà văn họ Phan viết cho nhà văn họ Ngô:
"Bạn Ngô Thế Vinh thân, mặt trận nơi Sài Gòn hóa
ra chưa bao giờ chấm dứt, và cũng không hề chấm dứt. Tình huống hung hãn, sự việc
ác độc mở rộng ra khắp Miền Nam, đến tận Miền Bắc, ở khắp nơi nào có mặt những
con người gọi là Người Việt (bất kể người Việt Nam nào) với những bi kịch riêng
tư (đúng ra là thảm kịch) không hề nói ra. Và hôm nay ở hải ngoại, nơi Tây
Nguyên với những người anh em thuộc các sắc tộc Rhadé, S’ tieng - Chốn bạn đã một
lần tiên kiến xót xa trong Vòng Đai Xanh khi bạn với tôi còn rất trẻ. Hoá ra,
Người Viết Văn không có một khả năng nào khác ngoài tấm lòng thấy trước toàn khối
Mối Đau."
Hai nhà văn Phan Nhật Nam và Ngô Thế Vinh, từng vào chiến
trường trong hai đơn vị thiện chiến, Nhảy Dù và Biệt Cách Dù, cùng nhìn lại cuộc
chiến đau thương như thế. Nơi đó, giấy mực của hai nhà văn này cũng chính là từ
các vết thương một thời quá khứ, và bây giờ vẫn còn đau.
Trong khi đó, một nhà báo Hoa Kỳ từ Tuần Báo Time ghi nhận
về tập truyện Ngô Thế Vinh, nơi trang 212-213:
"Vẫn liên tiếp xuất hiện những cuốn sách viết về
Chiến Tranh Việt Nam, tuy nhiên có rất ít sách đề cập tới quan điểm từ miền
Nam, từ góc cạnh của những người thất trận nhưng họ đã từng chiến đấu và tin tưởng
ở một nền Cộng Hòa miền Nam mới khai sinh. Ngô Thế Vinh qua kinh nghiệm của một
y sĩ trong một đơn vị Biệt Cách thiện chiến đã đem tới cho chúng ta những lý giải
và soi sáng về những tình huống lưỡng nan ngoài trận địa. Rồi ông cũng đề cập tới
cuộc sống hỗn mang ban đầu của một người tỵ nạn tạo dựng lại cuộc đời trong sự
xa lạ của một miền Nam California, với phấn đấu để trở lại nghiệp cũ giữa một cộng
đồng di dân gồm cả nửa triệu thuyền nhân với những khuynh hướng chánh trị phân
hóa đa dạng. Một bối cảnh như vậy hầu như hoàn toàn bị lãng quên trong văn học.
Người đọc sẽ thấy mình bị lôi cuốn vào tâm thức của một y sĩ tiền tuyến, của một
tù nhân trong các trại tù gulag và rồi đến một người tỵ nạn bị bật ra khỏi gốc
rễ được giải thoát để hội nhập vào một tầng lớp trung lưu Mỹ mới vừa hình
thành. Đọc Mặt Trận Ở Sài Gòn để cảm nhận lắng nghe nỗi bâng khuâng của một con
người vẫn gắn bó với những cội rễ tinh thần của một quê hương Việt Nam không thể
tách rời." (TIM PAGE, Time - Life, UPI free lance reporter)
Nhà văn Ngô Thế Vinh sinh năm 1941 tại Thanh Hoá,
nguyên quán Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học
Y khoa Sài Gòn năm 1968, từng là tổng thư ký rồi chủ bút báo sinh viên “Tình
Thương” của trường Y khoa Sài Gòn từ 1964 tới 1967. Khi gia nhập quân đội VNCH,
ban đầu Ngô Thế Vinh làm bác sĩ quân y của Liên đoàn 81 Biệt cách Dù. Sau đó
ông đi tu nghiệp ngành Y khoa Phục hồi tại Hoa Kỳ, về nước ông làm việc tại Trường
Quân Y Sài Gòn.
Trước biến cố 30/4/1975, Ngô Thế Vinh, sử dụng tên thật
làm bút hiệu, đã xuất bản 4 tác phẩm, trong đó nổi tiếng nhất là cuốn “Vành Đai
Xanh” ấn hành năm 1971. Sau 1975, Ngô Thế Vinh đi tù “cải tạo” ba năm rồi mới tới
Mỹ vào cuối năm 1983. Ông học tiếp ngành Y, rồi hành nghề bác sĩ tại Bệnh viện
Đại học SUNY Dowstate Brooklyn, New York. Ông còn là bác sĩ điều trị và giảng
huấn tại một bệnh viện ở miền Nam California. Ở Hoa Kỳ, ông vừa tái bản tác phẩm
cũ, vừa viết và ra mắt nhiều sáng tác mới, nổi bật là các tác phẩm ông viết về
sông Cửu Long: “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng (2001), “Mekong Dòng Sông
Nghẽn Mạch” (2007).
Tập truyện song ngữ Việt Anh do Văn Học Press & Việt
Ecology Press ấn hành, đang lưu hành trên mạng: https://www.amzn.com/1989993192 và các hiệu sách. Có thể liên lạc ở:
vanhocpress@gmail.com, vietecologypress@gmail.com,
Địa chỉ liên lạc qua thư: P.O. Box 3893, Seal Beach, CA
90740