Thanh
Trúc & Ngô Thế Vinh
ở Nong Khai, cách đập Xayaburi khoảng 300 km. AFP
Hôm
29.10.2019 Lào bắt đầu cho vận hành đập
thủy điện Xayaburi và tiếp theo sẽ là con đập Don Sahong. Đây là hai đập thủy
điện nằm trên dòng chính sông Mekong, đã và đang gây rất nhiều tranh cãi giữa
Lào, Thái Lan, Cambodia cũng như Việt Nam ở hạ nguồn Mekong. Nguồn tin đáng chú
ý khác từ MRC Ủy Hội Sông Mekong cho thấy Lào đang chuẩn bị tham vấn dự án thủy
điện Luang Prabang có công suất 1410 MW, nằm cách thị trấn Luang Prabang khoảng
30 cây số. Nếu không có gì đột biến, đập Luang Prabang được khởi công xây vào
tháng 7/ 2020. Một chuyên gia sông
Mekong, bác sĩ Ngô Thế Vinh, tác giả hai
cuốn sách ‘Cửu Long Cạn Dòng – Biển Đông Dậy Sóng’ và ‘Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch’,
từng có bài tham luận về dự án Luang
Prabang liên quan đến Việt Nam, trình bày sự việc qua bài phỏng vấn bằng điện
thư do Thanh Trúc thực hiện.
THANH
TRÚC: Thưa ông, cách đây 12 năm, tức năm
2007, Việt Nam đã cho phép công ty quốc doanh PVPC / PetroVietnam Power
Corporation ký Biên bản Ghi Nhớ MoU với chính phủ Vientiane để đầu tư xây con đập
Luang Prabang lớn nhất của Lào. Như vậy có phải Việt Nam tự mâu thuẫn không khi
lên tiếng phản đối kế hoạch 9 con đập của Lào trên dòng chính Mekong? Cũng xin ông giải thích về bài viết mà ông đặt
tựa “Với Dự Án Luang Prabang Từ 2007 Việt Nam Đã Quy Hàng Chiến Lược Thủy Điện
Lào”?
NGÔ
THẾ VINH: Bấy lâu Việt Nam cũng đã từng bày tỏ mối quan tâm đối với những con đập
thủy điện dòng chính trên sông Mekong, từ Trung Quốc xuống tới hai quốc gia Lào
và Cambodia do những tác động tiêu cực
xuyên biên giới đối với Đồng Bằng Sông Cửu Long. Chính phủ Việt Nam đã từng kêu
gọi Lào “hoãn lại 10 năm” dự án đập Xayaburi và các con đập dòng chính khác. Và
gần đây nhất, chính Việt Nam kêu gọi sự quan tâm khai thác các nguồn năng lượng
tái tạo để thay thế cho thủy điện trong lưu vực sông Mekong, điều ấy có thể
giúp “bảo vệ và khai thác bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mekong, đồng thời
tránh được những ảnh hưởng tác hại tiêu cực trên đời sống các cộng đồng cư dân
ven sông.”
Hình 1: Cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch PetroVietnam Nguyễn Quốc
Khánh
và Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào ngày 13/6/2016.
Khuôn mặt trí tuệ không phải là Bộ trưởng Bộ Năng lượng
và Mỏ của Lào,
lại càng không phải Chủ tịch PetroVietnam Nguyễn Quốc
Khánh, mà là Viraphonh Viravong
người đứng thứ hai từ phải; so với các đối tác Việt Nam
thì Viravong là một người khổng lồ và cũng là đứa con trí tuệ kiên định về thủy
điện của quốc gia Lào. (1) nguồn: PetroVietnam 2016
Nói
thì như vậy, nhưng ngay từ năm 2007, có thể là sớm hơn, Việt Nam đã lập kế hoạch
xây nhiều đập thủy điện trên lãnh thổ Lào; trong đó có cả dự án đập Luang
Prabang lớn nhất trong số 9 con đập dòng chính trên sông Mekong của Lào với
kinh phí lên đến trên 2 tỷ USD, ước tính theo thời giá lúc bấy giờ. Và một Biên
bản Ghi nhớ / Memorandum of Understanding (MoU) về Dự án thủy điện Luang
Prabang đã được ký kết từ 2007 giữa công ty quốc doanh PVPC / PetroVietnam Power
Corporation và chính phủ Lào.
Tưởng
cũng nên ghi lại đây là PVPC đã không có một hồ sơ theo dõi tốt/good track
record, đã từng bị tai tiếng về các dự án thủy điện trước đó ở Lào, với các con
đập Xekaman 1 và 3 ở Nam Lào, sau khi hoàn tất đã không vận hành tốt và dẫn tới
hậu quả tác hại trên các cộng đồng cư dân trong vùng bị ảnh hưởng. (7)
Và
hơn ai hết, Hà Nội biết rất rõ ĐBSCL, một vựa lúa của cả nước và Việt Nam lại
là một quốc gia cuối nguồn, sẽ gánh chịu tất cả hậu quả tác hại tích lũy xuyên
biên giới từ những con đập thượng nguồn đối với nguồn nước, nguồn phù sa, nguồn
cá, và thêm thảm họa nước biển dâng do biến đổi khí hậu càng trầm trọng hơn nữa
khi thiếu nguồn nước ngọt đổ xuống từ khúc sông Mekong thượng nguồn. Xa hơn nữa,
khi không còn nguồn phù sa, ĐBSCL sẽ theo một tiến trình đảo ngược thay vì được
bồi đắp thì đang dần dần bị sụp lở và tan rã. Điều ấy khiến nhà báo Anh Tom
Fawthrop không khỏi kinh ngạc khi nghe tin chính phủ Lào vừa thông báo cho MRC
ý định tiến hành xây cất đập Luang Prabang mà Hà Nội là nhà đầu tư chính, qua
công ty quốc doanh PetroVietnam Power Corporation, một quyết định sẽ làm cho cuộc
sống của 20 triệu cư dân nơi ĐBSCL thê thảm hơn.
TS
Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi Khí hậu (Dragon
Institute – Mekong), Đại học Cần Thơ, người có nhiều năm sống gắn bó với vận mệnh
của ĐBSCL đã bày tỏ quan điểm phản đối mạnh mẽ dự án Luang Prabang, TS Lê Anh
Tuấn phát biểu:“Điều rất tệ hại nếu một Công ty Quốc doanh Việt Nam tham gia đầu
tư bất kỳ dự án thủy điện nào ở dòng chính sông Mekong. Sự kiện này phải được
xem là một hành động cực kỳ nghiêm trọng, dẫn nhanh đến sự hủy hoại hệ sinh
thái và cuộc sống ở Hạ lưu Đồng bằng Sông Cửu Long. Các quan chức Việt Nam đồng
lõa với quyết định hợp tác xây dựng dự án thủy điện Luang Prabang phải chịu
trách nhiệm lịch sử và chính trị với nhân dân Việt Nam”.
Nhưng
với giới quan sát am hiểu tình hình Việt Nam thì kể từ khi Hà Nội ký với Lào một
Biên bản Ghi nhớ – Memorandum of Understanding 2007 về dự án thủy điện Luang
Prabang, mặc nhiên Việt Nam đã bật tín hiệu đèn xanh đối với toàn chuỗi 9 dự án
đập thủy điện dòng chính trên sông Mekong của Lào. Chính phủ Lào đã rất khôn
ngoan hiểu rõ rằng từ năm 2007, trên thực tế – de facto, mọi phản đối của Việt
Nam nếu có cũng chỉ là chiếu lệ, nếu không muốn nói là rất trơ trẽn. Và ai cũng thấy rõ bấy lâu một nhà
nước Hà Nội luôn luôn bị chi phối bởi các nhóm lợi ích như thứ băng đảng Mafia
mai phục trong khắp các công ty quốc doanh, điển hình là PetroVietnam Power
Corporation vốn là một công ty của nhà nước với một lịch sử dài tai tiếng về
tham nhũng đưa tới nhiều vụ bắt bớ tù tội của các viên chức cao cấp của công
ty. Mọi kế hoạch, mọi dự án lớn hàng bao nhiêu ngàn tỷ từ trong nước hay đầu tư
ra tới nước ngoài, đều bị dẫn dắt bởi các nhóm lợi ích, phá nát nền kinh tế, bất
chấp quyền lợi lâu dài và sống còn của dân tộc và đất nước… nên có thể nói vì lợi
nhuận – không phải cho người dân Việt Nam, mà là giới cầm quyền bị lũng đoạn do
tham nhũng đã khiến Việt Nam bị khuất phục và quy hàng trước chiến lược thủy điện
của Lào.
THANH
TRÚC: Từ tháng 7/2019 Lào đã chính thức gởi
hồ sơ tới MRC Ủy Hội Sông Mekong liên quan đến dự án xây đập dòng chính Luang
Prabang, khi đó, ông đã gọi đây là “Con Domino Thứ 5”. Xin ông giải thích tác hại
‘liên hoàn’ của đập thủy điện Luang Prabang?
NGÔ
THẾ VINH: Từ 2010, tôi đã nhận định rằng nếu không trì hoãn được ít nhất một thập
niên, dự án Xayaburi như con cờ Domino đầu tiên đổ xuống, sẽ kéo theo những bước
khai thác ồ ạt các con đập dòng chính hạ lưu khác và hậu quả tác hại trước mắt
và lâu dài ra sao trên toàn hệ sinh thái Sông Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long
là không lường được. Xayaburi là con đập dòng chính đầu tiên vùng hạ lưu sông
Mekong, cách thủ đô Vientiane 350 km về phía bắc và cách con đập Cảnh Hồng /
Jinhong cực nam trong chuỗi đập bậc thềm Vân Nam của Trung Quốc 770 km và cách
cố đô Luang Prabang 150 km về phía nam. Xayaburi được coi là một trong số 300
con đập lớn của toàn cầu.
(1)
Tháng 05/2007 chánh phủ Lào ký kết với công ty Ch. Karnchang Thái Lan để thực
hiện dự án đập Xayaburi. (2) Tháng 11/2008 công ty AF Colenco Thụy Sĩ kết hợp với
toán tham vấn Thái khảo sát tính khả thi của con đập. (3) Tháng 07/2010 Chánh
phủ Lào chính thức ký kết hợp đồng bán điện từ đập Xayaburi cho Thái Lan qua
công ty EGAT / Electricity Generating Authority of Thailand. (4) Tháng 04/2011 Ủy Ban Liên Hợp Ủy Hội Sông
Mekong / MRC Joint Committee ra thông cáo báo chí là các thành viên chưa đạt được
một thỏa thuận để tiến hành dự án Xayaburi. (5) Tháng 06/2011 cho dù chưa có được
một đồng thuận thích đáng giữa các quốc gia thành viên, chính phủ Lào vẫn đơn
phương “bật đèn xanh” cho công ty Thái Lan CH. Karnchang triển khai dự án
Xayaburi.
Khởi
đầu một khủng hoảng tin cậy trong nỗ lực hợp tác vùng giữa các thành viên để bảo
vệ hệ sinh thái của con sông Mekong. Cũng là khởi đầu một vi phạm trắng trợn của
Lào đối với Hiệp Định Phát Triển Bền Vững Lưu Vực Sông Mekong 1995, đó là: “Các
quốc gia thành viên ký kết đồng ý là bằng mọi cố gắng phòng tránh, làm nhẹ hay
giảm thiểu những hậu quả tác hại trên môi trường… do phát triển và sử dụng Lưu
vực Sông Mekong.” Theo Điều 6 và 7 Hiệp Định Mekong 1995.
Hình 2: Luang Prabang sẽ là con đập dòng chính thứ 5 trên
sông Mekong lớn nhất
của Lào và điều rất nghịch lý: do công ty quốc doanh
PetroVietnam Power Corporation
là chủ đầu tư. Xayaburi, con Domino thứ nhất, con đập
dòng chính đầu tiên của Lào, bắt đầu
vận hành từ ngày 29.10.2019 trên một khúc sông đang thiếu
nước và cạn kiệt. Với 11 con đập
dòng chính trên sông Lancang-Mekong thượng nguồn, Trung
Quốc đã lưu trữ 42 tỷ mét khối nước, chiếm giữ trong các hồ chứa hơn 50% lượng
phù sa, sản xuất 21300 MW điện; riêng Lào cũng lưu
trữ 33 tỷ mét khối nước hàng năm và đang thực hiện giấc
mơ trở thành “Bình điện Đông Nam Á / S.E. Asia’s Battery” bất chấp hậu quả môi
sinh xuyên biên giới với hai quốc gia hạ nguồn
là Cambodia và Việt Nam. nguồn: Michael Buckley, Ngô Thế
Vinh cập nhật 2019
Đập
Xayaburi đã gây nên hiệu ứng Domino. Tượng hình là một chuỗi những con cờ
Domino được xếp thẳng đứng và khi quân cờ đầu tiên bị đổ xuống sẽ xô ngã con cờ
tiếp theo và cứ tiếp tục một chuỗi phản ứng dây chuyền như vậy cho tới con cờ
Domino cuối cùng. Xayaburi chính là con cờ Domino đầu tiên ấy, do không trì
hoãn được ít nhất một thập niên tới năm 2020, theo như khuyến cáo của Ủy Hội
Sông Mekong / MRC, đã kéo theo những bước triển khai ồ ạt của chuỗi những con đập
hạ lưu khác như: Don Sahong, Pak Beng, Pak Lay và sắp tới đây là Luang Prabang.
Và hậu quả trên hệ sinh thái sông Mekong và nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ rất
trầm trọng nếu không muốn nói là bi thảm.
THANH
TRÚC: Thưa ông, Gs Ts Vũ Trọng Hồng,
nguyên thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam, cho rằng yêu cầu dừng xây thủy điện đối với một quốc
gia ‘chỉ có rừng và nước’ như Lào là không thể được. Điều có thể làm là những đề
xuất nhằm giảm thiểu rủi ro cho Việt Nam, cụ thể cho Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Ông nghĩ sao về quan điểm này?
NGÔ
THẾ VINH: Có lẽ trước cả TS Vũ Trọng Hồng, cũng đã có một thành viên Việt Nam
lâu năm trong MRC và nay vẫn là một tiếng nói có ảnh hưởng trong Vietnam River
Network đã từng phát biểu như vậy, và còn cho rằng Lào là quốc gia nghèo nhất
Đông Nam Á, trong khi Việt Nam bấy lâu hưởng lợi từ nguồn phù sa con sông
Mekong với 2 triệu tấn lúa gạo/ năm, cùng với tôm cá xuất cảng, trong khi Lào
chỉ có ‘núi rừng và nước’ từ các con sông, do đó không thể ngăn Lào khai thác
thủy điện trên dòng Mekong chảy qua nước họ…
TS
Vũ Trọng Hồng đã khá thiển cận khi giản lược hóa cho rằng Lào là “một quốc gia
chỉ có rừng và nước” [sic] trong khi Lào có một nền kinh tế và một hệ sinh thái
với tài nguyên đa dạng hơn nhiều.
Chỉ
riêng với con sông Mekong vốn là mạch sống với nguồn cá phong phú nhất nhì thế
giới, cũng là nguồn protein chính của người dân Lào. Con sông cũng đem tới nguồn
phù sa cho một nền canh tác ven sông. Lào có một nền nông nghiệp tự cấp chủ yếu
là trồng lúa, với sản lượng tăng nhờ các giống lúa mới, với nguồn nước bơm tưới
từ con sông Mekong và một phần được cơ giới hóa. Lào còn có cả một di sản lịch
sử và văn hóa, một hệ sinh thái phong phú với những cảnh quan tuyệt đẹp, đây
cũng chính là động lực cho ngành Du lịch tăng trưởng nhanh chóng nhất. Chỉ
riêng năm 2015 đã có 4,7 triệu du khách tới Lào, đóng góp nguồn ngoại tệ rất
đáng kể, với dự trù vào năm 2020, chỉ riêng ngành du lịch cũng đem tới 1,5 tỷ
USD cho ngân sách Lào, chưa kể số công ăn việc làm để phục vụ lãnh vực du lịch.
Xây thêm những con đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong, nhất là với con đập Luang Prabang sẽ hủy hoại bao nhiêu
những sinh cảnh tuyệt đẹp chỉ có trên đất nước Lào, cũng sẽ hủy hoại luôn cả
khu Di sản Thế giới Luang Prabang đang hấp dẫn hàng triệu du khách – điều ấy có
nghĩa là Lào đang giết đi “những con gà
đẻ trứng vàng”.
Hình 3: Khu vực dự kiến xây đập Luang Prabang 1410 MW
trên dòng chính sông Mekong, phía bắc con đập Xayaburi,
chỉ cách thị trấn Luang Prabang 25 km; hình chụp khúc
sông Mekong chảy qua
địa phận cố đô Luang Prabang, đã được UNESCO công nhận là
Khu Di sản Thế giới / World Heritage Site
từ 1995, vốn được ca ngợi như một trong những thành phố cổ
đẹp nhất Đông Nam Á
thì nay Luang Prabang đang bị thương mại hóa và cả Hán
hóa. Canh tác ven sông với nguồn
phù sa sông Mekong là một phần nông nghiệp gia đình truyền
thống của người dân Lào.
Nguồn: photo 2000 by Ngô Thế Vinh
Về
rừng, các khu rừng nguyên sinh phong phú của Lào với bao nhiêu gỗ quý vẫn tiếp
tục bị tàn phá, từ 70% diện tích lãnh thổ Lào nay xuống chỉ còn dưới 40%, và
theo ghi nhận của WWF: phá rừng khai thác gỗ bất hợp pháp, có bàn tay đồng thủ
phạm của giới tướng lãnh tham nhũng Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội Nhân
dân Lào và sau đó gỗ được vận chuyển xuyên biên giới xuống cảng Quy Nhơn Việt
Nam để xuất khẩu, lợi nhuận lên tới bạc tỷ USD nhưng không phải cho người dân
Lào.
Về
nguồn nước từ con sông Mekong và các phụ lưu cùng với địa hình núi non giúp Lào
sản xuất thủy điện với số lượng lớn. Thủy điện là nguồn tài nguyên quan trọng ở
Lào, với công suất tiềm năng ước tính là 18000 MW. Rất sớm từ 1971 Lào đã có
con đập thủy điện Nam Ngum đầu tiên trên phụ lưu sông Mekong, hoàn thành năm
1971 với công suất ban đầu 30 MW sau tăng lên
155 MW, vừa cung cấp điện cho Lào vừa xuất cảng sang Thái Lan.
Từ
tháng 10/2014, các nhà máy thủy điện của Lào đã tạo ra gần 15,5 tỷ kWh. Trong số
này, gần 12,5 tỷ kWh được xuất khẩu, thu về hơn 610 triệu USD. Thị trường chủ yếu
của Lào là Thái Lan, Việt Nam. Hầu hết các đập đang hoạt động và đang xây dựng
của Lào nằm trên các phụ lưu của sông Mekong. Nay thì Lào đã hoàn tất thêm hai
con đập trên dòng chính sông Mekong là Xayaburi và Don Sahong.
Hình 4: Nam Ngum con đập thủy điện đầu tiên 1971 của quốc
gia Lào,
tấm biểu ngữ giăng ngang con đập đánh dấu 25 năm thống nhất
nước Lào 1975-2000.
nguồn: photo 2000 by Ngô Thế Vinh
Theo
trang web của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, hiện đã có 22 đập thủy điện đang hoạt động,
22 đập đang xây và hàng chục dự án được đề xuất. Thủy điện cung cấp những lợi
ích kinh tế đáng kể cho Lào thông qua việc bán điện cho Thái Lan, Việt Nam.
Kinh
tế Lào còn nhận được nhiều nguồn viện trợ phát triển từ IMF, ADB và các nguồn
tài trợ quốc tế khác. Không những thế, Lào rất giàu tài nguyên thiên nhiên, với
các mỏ than, vàng, bô xít, thiếc, đồng và kim loại có giá trị khác.
Một
nước Lào nhỏ bé, với tổng diện tích 236.800 km2 , khí hậu nhiệt đới gió mùa,
dân số ước tính năm 2019 là 7,1 triệu (chỉ khoảng ngót 1/3 dân số ĐBSCL), mật độ
29,5 người/ km2.
Theo
TS Phạm Đỗ Chí, chuyên gia kinh tế, từng nhiều năm sống ở Lào, đại diện cho IMF
/ International Monetary Fund rồi cố vấn cho ADB / Asian Development Bank của
chính phủ Lào thì, lợi tức bình quân đầu người của Lào 2017-2018 theo thống kê
IMF & WB [3/2019] nay đã cao hơn 3 bậc so với Việt Nam [trên cả Bolivia, Ấn
Độ rồi mới tới Việt Nam]. Một điều cần lưu ý, IMF & WB khi làm bảng thống
kê đã không bao gồm các đặc khu.
•
List of Countries by GDP (PPP) per capita, IMF & World Bank. (3)
Cứ
bảo rằng Lào nghèo nhất Đông Nam Á chỉ là một huyền thoại / một stigma cũ kỹ
gán cho Lào nay không còn đúng nữa. Kết quả thống kê kinh tế này chắc khiến nhiều vị khoa bảng Hà Nội ngạc
nhiên và giới lãnh đạo Việt Nam phải tỉnh ngủ.
[Cần
mở thêm một dấu ngoặc, nhìn về toàn cảnh địa dư chính trị, Trung Quốc đang dùng
Lào như một hành lang cho kế hoạch bành trướng Một Vành Đai Một Con Đường mở
sang Việt Nam, qua sự tràn ngập FDI / Foreign Direct Investment và các đặc khu
kinh tế ở xứ láng giềng này. Người Hoa hiện là thế lực chính chi phối nền kinh
tế Lào, với 13 đặc khu kinh tế của Trung Quốc, trong đó có Đặc khu Kinh tế Tam
Giác Vàng (GTSEZ / Golden Triangle Special Economic Zone) rộng 10.000 hecta,
khiến Paul Chambers Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Bangkok đã đưa ra nhận định: “Bắc Lào giờ đây bị biến
thành một đất nước Trung Quốc mới.” Một đất nước Lào đang bị Trung Quốc từng bước
Tây Tạng Hóa.]
THANH
TRÚC: Gs Ts Vũ Trọng Hồng bên VN còn khẳng
định dù không thể yêu cầu các nước ngưng xây đập thủy điện thì quan trọng là Việt
Nam phải chuyển chiến lược sản xuất nông nghiệp cũng như lo tích nước cho mùa
khô kiệt. Ông có nghĩ hai phương án đó khả thi đối với Việt Nam không? Ngoài ra
Việt Nam còn cần phải có chiến lược ra sao nữa để giảm thiểu tác hại?
NGÔ
THẾ VINH: TS Vũ Trọng Hồng đã từng là Thứ trưởng bộ NN & PTNT, khi khẳng định
không thể yêu cầu các nước ngưng xây đập thủy điện, không có nghĩa là thả nổi
cho Lào muốn làm gì thì làm, Lào phải tuân thủ những điều khoản cam kết trong
Hiệp Định Phát Triển Bền Vững Lưu Vực Sông Mekong 1995. Việt Nam có nghĩa vụ bảo
vệ Hiệp Định Mekong 1995 ấy vì sự sống còn của ĐBSCL với 20 triệu cư dân và
cũng là bảo vệ an ninh lương thực cho toàn vùng. Qua 4 dự án: Xayaburi, Don
Sahong, rồi Pak Beng, Pak Lay, sắp tới đây là Luang Prabang, Lào đã có những
hành xử đơn phương và độc đoán, bất chấp mọi mối quan tâm của các quốc gia
thành viên MRC khác.
Với
thái độ rõ ràng quy hàng Lào của Việt Nam, TS Vũ Trọng Hồng nay lại đổ hết gánh
nặng lên đầu ngót 20 triệu cư dân ĐBSCL, rằng: “phải chuyển chiến lược sản xuất
nông nghiệp cũng như lo tích nước trong mùa khô kiệt” [sic], cũng vẫn mấy khẩu
hiệu ấy từ giới lãnh đạo Bộ NN & PTNT lặp lại từ bao năm nay rồi, trong đó
có ông Vũ Trọng Hồng từng giữ chức vụ Thứ trưởng.
Nhưng
câu hỏi đặt ra là: chuyển đổi chiến lược sản xuất ra sao, thì vẫn là người dân
ĐBSCL phải tự thích nghi xoay xở. Còn bảo người dân phải lo tích nước cho mùa
khô kiệt; nhưng lấy nguồn nước ở đâu? Khi mà nguồn nước ngầm đã bị tận cùng
khai thác, đã sắp cạn kiệt gây nên thảm trạng đất lún; khi mà hai vùng trũng Tứ
giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười như hai túi nước thiên nhiên không còn nữa,
khi mà Biển Hồ như trái tim của Cambodia và ĐBSCL cũng đang thiếu nước do vào
mùa Mưa không còn nhịp đập lũ – flood pulse từ thượng nguồn để con sông Tonle
Sap có thể đổi chiều tiếp nước cho Biển Hồ…
Rồi
cũng phải kể bao nhiêu dự án gây hại của Bộ NN & PTNT như: công trình Quản
Lộ-Phụng Hiệp, Ngọt hóa bán đảo Cà Mau và công trình cống đập Ba Lai đều là những
thất bại hối tiếc. Điều đáng nói là sau những thất bại ấy, chẳng có ai nhận trách
nhiệm và cũng không có bài học nào được rút ra. Và cho dù đã có bao nhiêu tiếng
nói trí tuệ của các chuyên gia độc lập và uy tín từ ĐBSCL lên tiếng can gián, sắp
tới đây thêm một công trình mệnh danh thế kỷ: cống đập Cái Lớn-Cái Bé tốn phí
hàng bao nhiêu ngàn tỷ cũng sẽ vẫn tiến hành. Khi mà tiếng nói của các nhóm lợi
ích và giới chủ đầu tư quá mạnh khiến nghị quyết nào của chính phủ cũng chỉ là
trên giấy và đều rơi vào thế thất thủ chiến lược.
Hình 5: Đập thủy điện Xayaburi, con đập dòng chính đầu
tiên của Lào
hoàn tất và bắt đầu vận hành từ hôm 29.10.2019, đã gây
ngay hậu
quả khúc sông Mekong phía dưới con đập bị thiếu nước và hầu
như cạn kiệt,
và nạn nhân trực tiếp là cư dân các tỉnh bắc Thái và Lào
sống hai bên bờ con
Sông Mẹ / Mae Nam Khong, tên Lào Thái của con sông
Mekong.
[nguồn: RFA/ CK Power / AFP](5)
THANH
TRÚC: Trở lại Xayaburi, bất chấp mọi tranh cãi thì thủy điện Xayaburi đã hoàn tất và bắt đầu hoạt động từ hôm 29
tháng 10 này. Câu hỏi ở đây là trong bối cảnh mùa kiệt chuyển sang mùa mưa, vào
khi những đập thủy điện Trung Quốc trên thượng nguồn lo tích một lượng nước lớn
của Mekong, thì Xayaburi làm sao có đủ nước để vận hành?
NGÔ
THẾ VINH: Đối với toàn thể cư dân trong lưu vực sông Mekong thì ngày 29.10.2019
khi con đập thủy điện dòng chính đầu tiên Xayaburi của Lào bắt đầu khởi động quả
là một tin chấn động, giữa lúc khúc sông Mekong gần như cạn kiệt, và câu hỏi đặt
ra sẽ lấy đâu ra đủ nguồn nước để Xayaburi có thể vận hành chạy các turbines và
đạt toàn công suất?
Với
các con đập dòng chính phía cực bắc của Lào như: Pak Beng, Luang Prabang,
Xayaburi, Pak Lay… gần như hoàn toàn phụ thuộc vào dòng chảy của con sông Lancang-Mekong từ Vân Nam đổ xuống,
và do khúc sông Mekong phía bắc của Lào chưa được tiếp thêm nước từ các nhánh
phụ lưu lớn, nên khi Trung Quốc trữ nước cho các con đập của họ – trực tiếp nhất
là con đập Cảnh Hồng / Jinhong, chắc chắn Xayaburi sẽ không đủ nước để vận hành
và đạt toàn công suất thì rõ ràng đây là một đầu tư bất trắc của Lào.
Tình
trạng thiếu nước cũng xảy ra với con đập Don Sahong khi bước vào hoạt động cũng
trong cuối năm nay. Phải nói đây là một bài học nhãn tiền cho Lào trước khi
manh động lao vào thêm những dự án đập tiếp theo, trong đó có con đập Luang
Prabang lớn nhất mà chủ đầu tư lại là Việt Nam, một quốc gia cuối nguồn.
THANH
TRÚC: Có ý kiến cho rằng Trung Quốc đang
‘bắt chẹt’ được các nước hạ nguồn bằng ‘lá bài’ nguồn nước? Ông nhận thấy việc
phối hợp giữa các quốc gia đến nay có hiệu quả gì không?
NGÔ
THẾ VINH: Cách đây hơn một thập niên, khi viết về chuỗi đập Bậc thềm Vân Nam
trên nửa chiều dài sông Mekong nằm trong lãnh thổ Trung Quốc gây ảnh hưởng dây
chuyền xuống tới các quốc gia Hạ nguồn, tôi có nói tới khả năng về một cuộc chiến
môi sinh / ecological warfare, trong đó có cuộc tranh chấp vì nước, và hiểm họa
đó là có thật. Và nay với 11 con đập dòng chính trên sông Lancang-Mekong đã
hoàn tất, trong đó có 2 con đập lớn nhất là Nọa Trác Độ / Nuozhadu 5850 MW và
Tiểu Loan / Xiaowan 4200 MW đã hoạt động phát điện toàn công suất, có thể nói về
tổng thể Trung Quốc đã hoàn tất kế hoạch thủy điện với 40 tỷ mét khối nước dự
trữ trong các hồ chứa, ngăn chặn hơn 50%
lượng phù sa từ thượng nguồn, cộng thêm với các con đập thủy điện Hạ lưu Made
in China trên lãnh thổ Lào và Cambodia, đủ cho Bắc Kinh nắm quyền sinh sát toàn
lưu vực sông Mekong.
Đã
thế, ngay giữa 4 quốc gia Hạ lưu: Lào, Thái, Cambodia và Việt Nam trong mỗi kế
hoạch khai thác sông Mekong đều tiềm ẩn những mâu thuẫn sâu xa về quyền lợi, nếu
chỉ đứng trên quan điểm quốc gia hạn hẹp. Không dễ gì vượt qua được trở ngại ấy
nếu không có được một mẫu số chung – với
quyết tâm bảo vệ dòng sông như mạch sống cho toàn lưu vực – đó là một tinh thần
sông Mekong, với không khí đối thoại cởi mở dẫn tới sự tin cậy, để cùng nhau
toan tính từng bước thận trọng hướng tới phát triển bền vững cho toàn vùng.
Sông Mekong phải là sợi chỉ đỏ nối kết chứ không phải để hủy hoại xâu xé. Điều
mà Trung Quốc rất muốn là sự phân hóa chia rẽ giữa các quốc gia Mekong, Bắc
Kinh không thể bẻ gẫy cả một bó đũa nhưng lại dễ dàng bẻ gẫy từng chiếc, và hiện
trạng 3 nước anh em Đông Dương thì đã có 2 là Cambodia và Lào đang tách ra khỏi
Việt Nam để rơi vào quỹ đạo Trung Quốc.
THANH
TRÚC: Thưa, theo như ông biết, các chương
trình hỗ trợ từ Hoa Kỳ và Nhật cho hạ lưu sông Mekong phát huy được đến đâu?
NGÔ
THẾ VINH: Chương trình viện trợ của Nhật Bản cho vùng hạ lưu sông Mekong khá
liên tục trong mấy thập niên qua phải nói là rất đáng kể qua ODA / Official
Development Assistance, qua JICA / Japan International Cooperation Agency, với
các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng / infrastructures: hệ thống đường sá giao
thông, bệnh viện, trường học và cả những cây cầu lớn bắc qua sông Mekong như
cây cầu Lào-Nippon-Champasak (2000), cây cầu Kampong Cham (2001) – Cambodia,
cây cầu Cần Thơ ĐBSCL (2008), là những công trình lớn của Nhật từ Lào, qua
Cambodia xuống tới Việt Nam.
Về
phía Hoa Kỳ, từ sau Chiến tranh Việt Nam 1975, Đông Nam Á không còn là mối quan
tâm của Washington; mãi cho tới 2009 mới đánh dấu sự trở lại của Hoa Kỳ qua
Sáng kiến Hạ lưu Mekong / Lower Mekong Initiative 2020 của nguyên ngoại trưởng
Hillary Rodham Clinton, trong đó có cả một kế hoạch rất hay: kết nghĩa giữa hai
dòng sông Mississippi và Mekong, nhằm trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật và
phương cách thích nghi với biến đổi khí hậu ảnh hưởng trên hệ sinh thái của cả
hai con sông. Hai Ủy Hội Sông Mississippi và Mekong hứa hẹn sẽ cùng hợp tác để
thăng tiến những bước phát triển bền vững về thủy điện, đương đầu với lũ lụt và
khô hạn, điều hợp sử dụng nước và an toàn thực phẩm, cải thiện thủy lộ và cả
gia tăng trao đổi thương mại đường sông… Nhưng rồi cho đến nay đã qua 10 năm,
LMI 2020 đã không đạt được những bước tiến cụ thể, vẫn còn mang tính cách rất
tượng trưng với một ngân khoản đầu tư không tương xứng với tầm vóc của chính
sách và nhu cầu của các quốc gia trong lưu vực.
Mới
đây, ngoại trưởng Pompeo, trong Hội nghị cấp Bộ trưởng ở Bangkok tháng 8/2019
cũng nói đến cam kết của Hoa Kỳ và Nhật Bản trong việc hợp tác với các nước thuộc
lưu vực sông Mekong để đối phó với những khó khăn. Dự trù sẽ xây dựng mạng lưới
dẫn điện trong khu vực qua chương trình Đối tác năng lượng Mekong Nhật Bản –
Hoa Kỳ [JUMP/ Japan-U.S. Mekong Power Partnership], và phía Hoa Kỳ sẽ đóng góp
29,5 triệu USD. Chính phủ Mỹ cũng sẽ vận động với Quốc hội để cung cấp thêm một
khoản trợ giúp trị giá 14 triệu USD cho các quốc gia sông Mekong đối phó với tội
phạm buôn người, ngăn chặn việc buôn bán động vật hoang dã, và việc buôn lậu
thuốc phiện xuống từ khu Tam Giác Vàng. Đó là những chương trình trợ giúp mang
tính nhân đạo nhưng xét về giá trị chiến lược thì rất manh mún.
Hình 6: Cây cầu Kampong Cham dài 1,4 km với tổn phí lên tới
56 triệu USD,
khánh thành tháng 4/2001, cây cầu đầu tiên của Cambodia bắc
qua dòng chính
Sông Mekong, do Nhật Bản xây bằng khoản tiền viện trợ
không bồi hoàn.
photo 2001 by Ngô Thế Vinh
Nếu
so với nguồn tiền khổng lồ đổ vào từ Trung Quốc, có thể nói Hoa Kỳ chưa có khả
năng “đối trọng” với áp lực bành trướng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh. Trung
Quốc đang ở thế thượng phong trong lưu vực sông Mekong so với Hoa Kỳ trong nhiều lãnh vực. Và rồi
người ta không thể không tự hỏi: vị trí chiến lược của Hoa Kỳ hiện nay là ở đâu
trên Bàn cờ Sông Mekong và xa hơn nữa là trên Biển Đông? Thiếu thực chất chiến
lược, thiếu một chính sách liên tục và nhất quán từ phía Hoa Kỳ: đó là thực trạng
từ nhiều năm nay của Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong.
THANH
TRÚC: Là người nghiên cứu lâu nay về dòng
sông Mekong và từng đưa ra cảnh báo, ông thấy đâu là giải pháp để khơi dòng
Mekong trước những tắc nghẽn hiện nay?
NGÔ
THẾ VINH: Một ví dụ trước mắt cho nhà nước Lào, thủy điện Columbia (1) hiện
đang rơi vào bế tắc, dù trước đó đã trải qua mấy thập niên huy hoàng, nhưng nay
không thể ngờ lại sắp bị tê liệt vì những hệ quả hủy hoại trên hệ sinh thái, và
những chi phí ngày càng tăng, thu nhập giảm vì công nghệ cổ điển, lỗi thời.
Và
cũng để trực tiếp trả lời phần câu hỏi đâu là giải pháp để giải thoát dòng
Mekong trước những đe dọa sắp đến và tắc nghẽn thủy điện hiện nay? Đó chính là
nguồn năng lượng sạch từ gió và mặt trời,
đang như một khuynh hướng toàn cầu, phải kể cả “Vua Thủy Điện Trung Quốc” cũng
đang mạnh mẽ chuyển hướng từ nhiệt điện sang năng lượng tái tạo sạch gần như vô
tận này, mà giá thành lại rẻ khiến cho cả thủy điện bị thách thức, với cái giá
bảo trì chủ đầu tư phải trả quá đắt chưa kể thiệt hại về xã hội và môi sinh dân
cư lưu vực phải trả.
Và
theo ước tính của KS Phạm Phan Long, Viet Ecology Foundation, thì dự án điện mặt
trời nổi trên mặt các hồ chứa như đập Nam Ngum của Lào, Biển Hồ thiên nhiên
Tonle Sap của Cambodia sẽ là giải pháp rất
khả thi để thay thế các dự án thủy điện dòng chính như Pak Lay, Pak Beng, Luang
Prabang – Lào và Sambor, Stung Treng —Cambodia, và đây sẽ là một chuỗi các dự
án lớn mà KS Phạm Phan Long đề xuất, với nghiên cứu mở đầu mới được đăng trên
PV Magazine: “Can Nam Ngum solar replace Mekong hydro in Laos? (4) Ngay sau đó được phổ biến trên Mekong Eye
ngày 5.11.2019 như một diễn đàn lưu vực. Đây là tia sáng mới, có khả năng tạo
bước đột phá cứu dòng Mekong thoát thủy điện để con Sông Mẹ sẽ mãi là mạch sống
/ lifeline của bao nhiêu triệu cư dân Lào, Thái, Cambodia, Việt Nam trong vùng
Hạ lưu trong đó có Đồng Bằng Sông Cửu Long.
THANH
TRÚC: Thêm một câu hỏi cuối cùng có tính giả định, theo ông liệu Việt Nam có
dám mạnh mẽ hủy đầu tư và ngăn cản Lào xây đập Luang Prabang không?
NGÔ
THẾ VINH: Hủy dự án Luang Prabang và hoãn thêm 10 năm tới 2030, tất cả các con
đập dòng chính trên sông Mekong của Lào, đó là một thách đố cũng là cơ hội có
tính cách lịch sử, là tiếng nói của lương tri và là điều mà Hà Nội cần làm ngay
và phải làm.
Nhưng
với hiện trạng, không chỉ bị thao túng của các nhóm lợi ích, nhà nước Việt Nam
còn đang bị vây quanh bởi một đám cố vấn khoa bảng, nếu không bị mua chuộc thủ
lợi thì do không có tầm nhìn chiến lược. Như một điệp khúc họ cho rằng: khi
không thể ngăn được Lào xây các đập thủy điện thì Việt Nam buộc phải đầu tư xây
dựng đập Luang Prabang, bởi nếu không thì Trung Quốc sẵn sàng nhảy vào. Và khi
Việt Nam xây đập Luang Prabang sẽ chủ động được phần thiết kế, quy trình vận
hành, kể cả khả năng mua điện của Lào [sic] thay vì tiếp tục boycott / tẩy chay
cuối cùng để Trung Quốc hoàn toàn thao túng thủy điện Lào.
Đây
cũng là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Lê Công Thành và
là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam phát biểu trong cuộc Hội
thảo Tham vấn quốc gia về Dự án thủy điện dòng chính Luang Prabang của Lào
[4/11/2019] ở Sài Gòn. Ông Thành cho rằng: “Quyết định đầu tư của doanh nghiệp
Việt Nam vào công trình thủy điện Luang Prabang của Lào sẽ giúp chúng ta có thể
chủ động hơn trong việc tham gia ngay từ đầu vào quá trình lựa chọn phương án
thiết kế, thi công và vận hành công trình trên cơ sở điều tiết đa mục tiêu. Qua
đó, góp phần giảm thiểu được tác động của không chỉ công trình thủy điện này mà
còn của tổ hợp các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong.” (6)
Đây
là một hình thức ngụy biện nguy hiểm và cả sai lầm chiến lược vì đi ngược với
quyền lợi sống còn 20 triệu cư dân ĐBSCL và cả hơn 10 triệu dân Cambodia sống
quanh Biển Hồ. Rất sai về nguyên tắc, và
cả mâu thuẫn về đường lối chính sách. Bởi vì, với các điều khoản trong Hiệp Định
Phát Triển Bền Vững Lưu Vực Sông Mekong 1995, tuy Việt Nam và các quốc gia
thành viên không còn quyền phủ quyết nhưng Lào vẫn phải tuân thủ tiến trình
PNPCA ba giai đoạn: (1) Thủ tục Thông báo / Procedures for Notification, (2) Tham
vấn trước / Prior Consultation, (3) Chuẩn thuận / Agreement đã cùng ký kết, để
bảo vệ con sông Mekong như một mạch sống cho toàn lưu vực. Cho tới nay, ai cũng
thấy các quy trình tham vấn chỉ mang tính hình thức, thiếu minh bạch và không
hiệu quả, không quan tâm gì tới tiếng nói của các tổ chức xã hội dân sự và các
cộng đồng cư dân ven sông bị ảnh hướng. Tiếng nói cuối cùng vẫn là các nhà đầu
tư xây đập. Phải nói rằng vai trò của Ủy Ban Mekong Việt Nam đã rất thụ động và
mờ nhạt trong tiến trình tham vấn này.
Hình 7: Vẫn triền miên trong giấc ngủ mùa Đông, vẫn một địa
chỉ nghịch lý
trong bao nhiêu năm rồi, Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam, 23
phố Hàng Tre
Hà Nội nơi châu thổ sông Hồng, cách ĐBSCL 1600 km, khoảng
cách quá xa
để nghe được tiếng kêu cứu thống khổ của một vùng châu thổ
ĐBSCL đang chết dần.
Nguồn: tư liệu Ngô Thế Vinh, photo by LN Hà
Điều
đáng ngạc nhiên là trong chiến tranh, không điều gì mà nhà nước CSVN không dám
làm, như đã dùng lãnh thổ hai nước Lào, Cambodia như một hành lang chiến tranh,
xâm phạm chủ quyền của các quốc gia láng giềng. Vậy mà trong hòa bình, họ lại
là một nhà nước nhu nhược, không có quyết tâm chính trị để bảo vệ những quyền lợi
chính đáng của dân tộc. Để cho đất nước bị bán đứng bởi các nhóm lợi ích.
Việt
Nam có dám rút ra khỏi dự án Luang Prabang không? Đúng, đây là một câu hỏi giả định, nhưng
không phải là “không thể được,” khi đã có giải pháp Năng Lượng Tái Tạo / NLTT,
từ gió và mặt trời là thứ năng lượng sạch có khả năng từng bước thay thế thủy điện.
Với
một định chế chính trị như hiện nay, thì sẽ không phải là Ủy Ban Sông Mekong Việt
Nam, cũng không phải là một Bộ trong chính phủ, mà phải là quyết tâm của Bộ
Chính Trị Hà Nội, không phải chỉ để cứu ĐBSCL mà là với tầm nhìn chiến lược
vùng, buộc MRC thể hiện nghĩa vụ quốc tế đúng theo tinh thần Hiệp Định Phát Triển
Bền Vững Lưu Vực Sông Mekong 1995 và bảo vệ con sông Mekong như mạch sống cho
70 triệu cư dân trong toàn lưu vực, và cả bảo vệ an ninh lương thực của thế giới.
Tham khảo:
(1) Bàn về Dự án
Thủy điện Luang Prabang. PetroTimes 30.09.2016
https://petrotimes.vn/stores/newspaper_data/administrator/122016/30/09/1510_So_531_final.pdf
(2) Hydropower giant
Bonneville Power is going broke https://www.eenews.net/stories/1061110823
(3) List of Countries
by GDP (PPP) per capita, IMF & World Bank
http://m.statisticstimes.com/economy/countries-by-gdp-capita-ppp.php
(4) Can Nam Ngum
solar replace Mekong hydro in Laos? Phạm Phan Long
https://www.pv-magazine.com/2019/11/01/can-nam-ngum-solar-replace-mekong-hydro-in-laos/
(5) Laos’s
Controversial Xayaburi Dam on Mekong River Begins Operations
https://www.rfa.org/english/news/laos/xayaburi-dam-begins-operations-10292019175158.html
(6) Tham vấn quốc gia
về Dự án thủy điện dòng chính Luông Prabang của Lào 04/11/2019
https://baotainguyenmoitruong.vn/tham-van-quoc-gia-ve-du-an-thuy-dien-dong-chinh-luong-prabang-cua-lao-295309.html
(7) Save the Mekong
Coalition Calls for the Cancellation of the Luang Prabang Dam. https://www.rfa.org/english/news/laos/save-mekong-coalition-luang-prabang-10082019144557.html
No comments:
Post a Comment