Tuesday, November 10, 2015

TẢN MẠN BTCP. BÔNG CÚC TRẮNG. HOA POPPY ĐỎ. VÀ NHỮNG NGƯỜI LÍNH TRỞ VỀ…




nguyễn xuân thiệp 


                                                                               Cúc trắng

Hoa poppies tưởng niệm

Sắp tới ngày Cựu Chiến Binh-Veterans Day, Nguyễn tôi xin được cùng các bạn nghĩ về chiến tranh và những người lính trở về sau cuộc chiến.

Ngày Veterans Day 11 tháng 11 là ngày nước Mỹ tưởng nhớ các chiến sĩ đã một thời chiến đấu trên các trận địa. Vào ngày này có những nghi lễ đặc biệt diễn ra tại nghĩa trang Arlington National Cemetery ở Virginia, với phút im lặng tưởng niệm rồi đặt vòng hoa trên mồ các tử sĩ của Thế Chiến I, Thế Chiến II, Chiến Tranh Triều Tiên, Chiến Tranh Việt Nam… Ngày Veterans Day cũng là ngày Remembrance Day của Gia Nã Đại và Ngày Armistice Day của Châu Âu
Veterans Day có xuất xứ từ Ngày Đình Chiến 11 tháng 11 năm 1918. Ngày ấy, tiếng súng ngừng im trên các chiến trường Châu Âu và lớp lớp những người lính hân hoan trở về đoàn tụ với gia đình. Vâng. Sau chiến tranh, những người lính trở về. Trong nỗi mừng vui gặp lại những người thân yêu và cuộc sống náo nức đã bao năm đứt đoạn, còn có chút xót thương ngậm ngùi -xót thương và ngậm ngùi về nỗi thanh xuân bị tàn rơi trong lửa đỏ và những bạn bè đã nằm xuống. Từ sau Thế Chiến I, trên hành tinh này, nhiều cuộc chiến tranh nữa đã đi qua -Thế Chiến II rồi Chiến Tranh Triều Tiên và Chiến Tranh Việt Nam, và…
Những cuộc chiến tranh dần dịu lửa
Người về nghe câu chuyện dòng sông
Reo vui ấm nước bên đồng cỏ
Uống chén trà thơm. thức đợi trăng 
  
   Vâng. Tưởng là như vậy, tưởng rằng đời sẽ mãi bình yên. Nhưng lịch sử không ngừng chuyển động. Những cuộc chiến tàn đi rồi lại bùng trở lại trên hành tinh của con người. Những người lính năm xưa trở về rồi lớp lớp những người lính khác lại ra đi. Cho tới ngày hôm nay, nhiều chiến binh Hoa Kỳ vẫn còn có mặt đâu đó trên sa mạc nắng cháy Iraq hay trên những dãy núi khô cằn của đất trời Afghanistan. Chúng ta nghĩ  đến họ, và cho dù cuộc chiến mang ý nghĩa gì đi nữa, thì sự hy sinh của người lính cũng không thể bị lãng quên.

Daisy girl

    Nói tới chiến tranh, chúng ta thường nghĩ ngợi rất nhiều điều. Trước hết là biểu tượng của cuộc chiến. Có nhiều biểu tượng, trong đó gây ấn tượng và cảm xúc nhất là hình ảnh cô bé trên cánh đồng hoa cúc trắng. Nguyễn tôi đã có lần nói đến cái video clip này, và nay nhân Ngày Cựu Chiến Binh sắp tới, xin trích lại một đoạn của bài viết: Daisy Girl hay Peace Little Girl, là tên người ta gọi cô bé với những cánh hoa cúc trắng. Bé xuất hiện trên một video clip tuyên truyền chính trị (Classic Political Ad). Video clip này đươc dùng cho chiến dịch tranh cử Tổng Thống của L.B. Johnson năm 1964. Nó bắt đầu với hình ảnh một bé gái thật dễ thương đứng trong đồng hoa, tay cầm một bông cúc trắng, chung quanh bé nghe có tiếng chim hót. Bé bứt từng cánh hoa và thong thả đếm từ 1 tới 10. Nhưng vì chưa thuộc lòng thứ tự các con số, bé đếm lộn và đôi khi lặp lại, nghe thật ngây thơ và dễ thương. Nguyễn nhìn em bé trên cánh đồng hoa cúc, bật nói như nói với hư vô: Người ơi, khi những cánh cúc màu trắng rụng xuống, thế giới an lành sẽ khép lại, để rồi bùng lên âm thanh và cuồng nộ. Mà đúng như vậy: Em bé đếm tới con số 9 thì một giọng đàn ông đếm ngược lại (count down) 10, 9, 8... cho đến 0. Và khi em bé gái ngước cặp mắt ngây thơ nhìn lên thì chỉ một giây sau bom nguyên tử nổ.
    Đẹp và ấn tượng. Nguyễn nghe nói phiên bản mới của tác phẩm này do những người chống chiến tranh Iraq đưa ra vẫn là hình ảnh bé gái bứt những cánh hoa cúc trong khi lời người xướng ngôn viên vang lên như từ cõi A Tỳ: 'Cuộc chiến với Iraq. Có thể nó kết thúc sớm. Có thể không. Có thể rồi đây nó sẽ lan như lửa cháy rừng.' Hỡi ôi.

                                                                         Hoa đầu súng

   Hỡi ôi! Chiến tranh, dù ở đâu và bất cứ thời nào, cũng là điều không ai muốn có. Tuy nhiên, đôi khi phải chấp nhận nó, để bảo vệ mảnh đất của cha ông, hoặc vì tự do và phẩm giá con người. Chiến tranh Việt Nam chẳng hạn. Nó phải có để chống lại cái ác và một thế giới không phải của người. Ít ra đối với kẻ này và bạn bè một thuở từng đi trên những con đường sạn đạo của quê hương. Sở dĩ phải cẩn thận rào đón như thế vì Nguyễn sắp nói tới một tấm ảnh được xem như biểu tượng chống lại cuộc chiến có người Mỹ tham dự trên đất nước chúng ta. Tấm ảnh được đặt tên là “Flower Power” (Hoa trên đầu súng - Nguyễn xin được gọi như thế) của nhiếp ảnh gia Bernie Boston chụp một thanh niên chống chiến tranh đang cắm những bông hoa vào đầu súng của những người lính lính Vệ Binh Quốc Gia (National Guard) trong cuộc biểu tình ngày 22 tháng 12 năm 1967. Bernie Boston lúc bấy giờ đang là phóng viên ảnh cho tờ Washington Star. Ông xách máy tới ngồi trên một bờ tường ở ngay lối vào điện Pentagon. Một toán vệ binh quốc gia đang tiến vào giữa rừng người biểu tình, nòng súng sẵn sàng nhả đạn. Bỗng một thanh niên có mái tóc vàng thật đẹp cầm một bó hoa bước lên đứng trước nòng súng của các vệ binh, thong thả cắm từng bông lên nóng súng của họ. Boston đang ngồi ở vị trí thuận lợi trên bờ tường cao, liền đưa máy bấm. Tấm ảnh được đăng lên báo và lập tức nổi tiếng thế giới, giúp mang về cho Boston giải Pulitzer về ảnh báo chí. Nhiếp ảnh gia Bernie Boston qua đời ở Virginia năm 2008 nhưng tấm ảnh Hoa Trên Đầu Súng đã đi vào lịch sử.
   Chiến tranh luôn luôn là cơn ác mộng. Nhưng cơn ác mộng đó không thể kéo dài và những giấc mơ không thể chết. Ý sống con người luôn vươn dậy. Vậy, cùng với những cánh hoa cúc trắng và những bông hoa đầu súng, do liên tưởng gợi lên, Nguyễn muốn nói tới những bông hoa poppies nở như một niềm tin và hy vọng trên những cánh đồng Flanders của nước Bỉ vào một sáng mùa xuân trong Chiến Tranh Thế Giới lần thứ nhất. A, những bông hoa poppies của năm 1915 ấy:
Trên những cánh đồng của xứ Flanders. hoa poppies nở
dập dờn. giữa những mộ bia. từng hàng từng hàng
đánh dấu nơi chúng tôi yên nghỉ. và trên bầu trời kia
những con sơn ca vẫn dũng cảm cất tiếng hót, và bay qua
tiếng hót chìm trong tiếng thét gầm của tiếng chiến trận dưới kia

   Sau chiến tranh. những người lính trở về. Đúng vậy. Nhưng có những người lính mãi mãi không về. Như tác giả bài thơ trên, Trung Tá Quân Y Sĩ John McCrae, đã chết ở chiến trường nước Pháp trước khi bài thơ được truyền tụng. Như những người lính có tên trên Bức Tường Đá Đen.
   
    Sau chiến tranh. những người lính trở về
    Chúng ta nhớ lại khung cảnh của cuốn phim The Last Time I Saw Paris có Van Johnson và Elizabeth Taylor đóng vai chính. Đó là sau Thế Chiến 2, trên quảng trường của Paris. Dân chúng nô nức kéo nhau ra đường đón những người lính từ các mặt trận trở về. Nụ cười và lệ mừng vui đổ ra trong ngày ấy. Và người ta hôn nhau, bất kể quen lạ. Chính trong khung cảnh đó, một cuộc tình nở ra, giữa một cựu chiến binh Mỹ (nguyên là nhà văn) và người thiếu nữ Paris kiều diễm. Nhưng rồi, như mọi chuyện tốt đẹp giữa đời, kết cục của nó là đổ vỡ. Người thiếu nữ chết và nhà văn cựu chiến binh về Mỹ, để rồi nhiều năm sau trở lại, đứng trên cầu nhớ về Paris ngày giải phóng và cô gái mình đã yêu thời trẻ.
   Một người có tên là Jeff, anh là cựu chiến binh của chiến tranh Việt Nam, vào năm 1993 đã đến thăm Bức Tường Đá Đen ở Washington để được gần anh bạn Eddie ngày xưa của mình. Jeff để lại một gói thuốc lá, một can bia, một hộp thịt bò, và những dòng chữ ghi lại những gì hai người bạn đã cùng trải qua với nhau trong chiến tranh. Một cựu chiến binh khác có tên Michael L. Murphy, có mặt ở chiến trường Việt Nam những năm 1967, 1968, 1969, đã viết những dòng sau đây: "Tôi nhắm mắt lại và bỗng thấy mình trở về chiến trường xưa. Tôi như hít thở được cái không khí của vùng đất này. Rồi tôi mở mắt ra. Ôi, bao nhiêu là tên người. Tất cả đều còn trẻ, cũng như tôi vào cái thời xa xưa ấy. Trẻ với bao nhiêu giấc mơ, hy vọng. Việt Nam như chảy tràn qua tôi..."
   Sau chiến tranh. những người lính trở về. Có khi còn chiến tranh nhưng người lính cũng trở về, vì thương tích hoặc hết hạn kỳ phục vụ. Như người lính tên Mike trong cuốn phim The Deer Hunter (Kẻ Săn Hươu). Mike trở về nhưng không ai nhận ra anh. Hay nói đúng hơn, anh trở về như một kẻ xa lạ. Cái giấc mơ Mỹ ngày nào không thuộc về anh nữa, anh không còn đất đứng trong cái thực tại ấy nữa. Rốt cuộc, anh trở lại "chiến trường xưa" để tìm các bạn của mình, và gặp lại họ ở... cõi âm.
   Sau chiến tranh, những người lính trở về. Những người lính của chúng ta, thương thay, như người lính Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, chia tay nhau dưới cơn mưa rừng cao su An Lộc, để rồi trở về "gặm một khối căm hờn" trong căn nhà đèn không thắp sáng. Hay những người lính của Sư Đoàn 18 Bộ Binh chiến đấu ở giờ thứ 25, và rồi rã ngũ trở về, một thời gian ngắn sau bị dồn vào trại cải tạo. Hay như người lính của Lâm Chương. Sau chiến tranh, đi tù cải tạo về, anh lên rừng trồng bắp trồng lúa, sống cùng vượn khỉ. (Lên Rừng Thăm Bạn) Hoặc giả như người lính của Lê Minh Đức, sau chiến tranh trôi giạt tới tận Mexico City, lấy vợ Mễ, sinh con Mễ, nhưng mỗi năm tới ngày 30 tháng Tư lại đem bộ quân phục xếp thẳng nếp ra nhìn lại. Võ Hoàng, bạn thân của nhà văn Tưởng Năng Tiến, đã định cư yên ổn ở Mỹ, một hôm nghe trời nổi gió, bỗng từ Mỹ trở về lại, lao vào một cuộc chiến mới, thầm lặng và cô đơn, rồi chết ở rừng núi Thái Lan. Như vừa qua, trong Ngày Họp Mặt dưới bầu trời Dallas, nhiều anh em đã bàng hoàng xúc cảm, khi chia tay đã hẹn ngày gặp lại dù biết sẽ rất xa, rất xa. Hay như tôi như anh, bây giờ ở đây, có khi nhìn hoàng hôn rớm máu ở chân trời mà lòng đau quặn thắt.
   Sắp tới ngày Cựu Chiến Binh, xin anh em dành đôi phút cùng nhau tưởng nhớ những người lính năm xưa hiện nay đã tản lạc khắp nơi, trên trần gian và dưới lòng đất.
NXT


No comments:

Post a Comment