Trương
Vũ
Chân dung Phùng Nguyễn. Trương Vũ vẽ
Tôi
nghe tiếng Phùng Nguyễn (PN) khá lâu, tuy nhiên chỉ thực sự có giao tình với
nhau từ đầu năm 2003. Thời gian đó, tạp chí Hợp Lưu ra chủ đề Yêu với sự tham dự
của 27 nhà văn. Trần Vũ nhờ tôi viết Bạt cho chủ đề này. Lúc đó, PN vừa mới nhận
chức vụ Chủ Bút của Hợp Lưu, đồng thời đóng góp một truyện ngắn cho chủ đề. Đọc
hết 27 sáng tác được chọn đăng, tôi đặc biệt chú ý đến Ca Bin của PN. Tôi đã viết như thế này về truyện ngắn đó:
Ca bin của Phùng Nguyễn
được viết với một cấu trúc rất lạ, một phối hợp của tân hình thức và hậu hiện đại.
Một bài thơ tiếng Anh với lời chuyển ngữ cố ý làm khác và cả một màn hình điện
toán đã được sử dụng thật thành công cho cấu trúc này. Truyện ngắn của Phùng
Nguyễn có khả năng mở đầu cho một phong trào viết truyện mới. Ở đây không có thảm
kịch. Nó lẫn lộn cuộc đời thực với cuộc đời trong mơ, đuổi bắt lẫn nhau, và người
đọc khó phân biệt được cái mơ và cái thực. Đó là cái đẹp tuyệt vời của một tình
yêu tự nhiên và rộng mở, không ràng buộc, không tự nhốt mình lại như trong một
ca bin.
PN
chỉ phụ trách Chủ Bút Hợp Lưu trong một thời gian ngắn. Từ đó, tôi không có nhiều
cơ hội liên hệ với PN nữa. Thỉnh thoảng có gặp nhau mỗi khi về thăm California,
hay liên lạc với nhau qua email về một số sinh hoạt văn học hay về đời sống của
một số bạn văn. Không trao đổi với nhau nhiều. PN rất thâm trầm, ít nói, hầu
như chỉ nói những gì cần thiết. Tuy nhiên, theo dõi bài vở trên các tạp chí văn
học, giấy hay mạng, hay qua những câu chuyện với bạn bè, tôi biết được khá rõ về
những đóng góp của PN cho văn học Việt Nam. Đặc biệt, đóng góp của PN vào nỗ lực
sáng lập tạp chí mạng Da Màu. Những ấn tượng tôi có về PN kể từ lúc tôi viết những
dòng đầu tiên sau khi đọc truyện ngắn Ca Bin, càng rõ nét.
Mấy
năm sau này, khi Quỳnh Loan nhận công việc mới ở Maryland, vợ chồng dời về đây,
chúng tôi mới gặp nhau khá thường xuyên, hiểu nhau hơn, và thân nhau hơn. Nếu
không có việc đi xa, PN có mặt hầu hết trong những họp mặt với bạn bè trong
sinh hoạt văn học nghệ thuật. Chúng tôi chia sẻ với nhau những ưu tư về văn học
Việt Nam, trong lẫn ngoài nước. Chia sẻ với nhau về những đóng góp cần có của
người cầm bút, của người làm nghệ thuật, vào những sinh hoạt liên hệ đến sáng
tác và phẩm chất của tác phẩm. Họp mặt bạn bè thường bao gồm những nhận định,
những bàn thảo, hay những tranh cãi về văn chương. Chẵng hạn, tranh cãi về ảnh
hưởng của Gabriel Garcia Marquez trong một số tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt
Nam hiện nay. Rất khó quên cách diễn đạt trầm tĩnh và sâu sắc của PN trong những
họp mặt như vậy.
Khoảng
cuối tháng 10 vừa qua, nhân có các bạn thuộc nhóm chủ trương tạp chí Quán Văn ở
Việt Nam, như Nguyên Minh, vợ chồng Trương Văn Dân, Lữ Kiều, Đoàn Văn Khánh, cùng
một số nhà văn, nhà thơ từ Boston và San Jose về thăm vùng DC, chúng tôi tổ chức
một cuộc họp mặt, khá đông, rất vui và thân tình,. Hôm đó, có cả người bạn thân
của tôi, Nguyễn Đình Vinh. Vinh cho biết rất cảm kích về đóng góp của PN trên
blog "Rừng & Cây" trên VOA và mong có dịp chuyện trò lâu với PN.
Tôi hứa sẽ mời cả hai đến nhà chơi một ngày nào đó rất gần. Ngày đó không bao
giờ đến!
Xế
trưa ngày Thứ Ba, 17 tháng 11 năm 2015, tôi nhận được báo tin của Nguyễn Quang
và Đinh Cường cho biết PN đã qua đời, vẫn còn nằm trong bệnh viện. Tôi bàng
hoàng, ngỡ ngàng. Tôi định sau khi đón thằng cháu ngoại ở trường về sẽ chạy
ngay vào bệnh viện thì nhận được điện thoại của Đinh Từ Bích Thúy. Thúy cho biết
bệnh viện chuẩn bị đưa PN xuống nhà quàn, không ai vào thăm được. Xót xa! Không
nói được lời cuối với bạn mình khi còn năm trên giường bệnh. Buổi gặp gỡ với
đông đảo bạn bè cách đây ba tuần là buổi gặp gỡ sau cùng với PN.
Sự
ra đi của PN quá bất ngờ với mọi người. Tuy nhiên, trong con người lặng lẽ, tế
nhị, sâu sắc đó dường như có một linh cảm nào. Như Nguyễn Minh Nữu đã khám phá
từ một bài viết của PN, Xuôi Dòng Ký Ức,
viết nhân ngày giỗ đầu của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (NXH). Trong bài, PN ghi lại
hình ảnh NXH tại một quán cà phê trong một gặp gỡ năm nào. Rồi, liên tưởng đến
một gặp gỡ với NXH trong tương lai. "... Ở đó, ông đặt mua không phải một mà hai ly cà phê, mang đến chiếc bàn
nhỏ ở một góc quán rồi bình thản ngồi xuống, không hề bồn chồn, chờ đợi. Bởi vì
tôi sẽ đến, như đã hứa. Tôi nhất định sẽ đến, không thể nào khác đi được." Và, khi tôi báo tin buồn
cho Nguyễn Đình Vinh, Vinh xúc động vô cùng, rồi hỏi tôi có biết bài viết sau
cùng của PN trên VOA tựa đề là gì không. Tựa đề của bài viết là Mệnh Trời.
Mệnh
Trời! Đành vậy thôi. Không thể nào khác đi được.
Trương Vũ
Maryland, tháng 11
năm 2015
No comments:
Post a Comment