Tuesday, November 10, 2015

GIÁ ĐẬU



Lưu Na


Những cánh chim

Ngà đến Mỹ một ngày tháng 2 xám buồn, sau khi ăn cái Tết xa nhà đầu tiên nơi trại chuyển tiếp.  Cả gia đình ra khỏi máy bay chỉ với một vài túi xách hành lý, chả ai biết đi ngõ nào hơn là theo sau lưng dòng người cùng chuyến bay.  Nhưng ngay lối ra chỗ tiếp vào sảnh đợi đã có một nhân viên văn phòng tỵ nạn đón gặp và đưa cả gia đình vào làm thủ tục nhập cảnh.  Trong suốt gần 3 giờ ngồi nơi phòng giấy, Ngà cứ chực ói.  Khoảng không không màu sắc không thời gian trên chuyến bay dài ngang đại dương là đe dọa cuối cùng cho những kẻ liều mạng vượt biên, bởi những bất trắc trên biển dạy Ngà biết phận người mỏng manh, chỉ khi chân đặt trên đất bằng mới biết sống hay chết.  Và cái khoảng không mịt mờ đó cũng là vực thẳm, bởi giờ đây lại thêm một lần “định cư” mà không thêm được kinh nghiệm hay niềm tin nào vững chắc hơn là nỗi bơ vơ.  Ngà đã xa thêm, xa lắm lắm, đã dứt biệt kiếp đời xưa cũ, và không thể nào, dẫu là phép lạ, để có thể lộn kiếp trở về với Má, với chái bếp hè đường…  Khi thủ tục hoàn tất và mọi người đứng lên chuẩn bị ra ngoài, Anh Huân bất chợt bước lại gần ôm Ngà, cùng lúc bàn tay anh nhẹ ấp đầu Ngà vào vai trong tư thế vỗ về.  Nước mắt Ngà dâng ứa.  Má, má, giờ đây con không còn là ai nữa trong cõi mịt mùng.

Gia đình cô Châu _ ba chị em và hai chàng rể tương lai_ đem 3 xe đến đón người tỵ nạn.  Giữa cái hân hoan bùng vỡ của ý niệm thoát, thoát rồi, thoát hẳn, thoát hoàn toàn, còn mờ nhạt vấn vương cái thoát của một tấm hồn lìa khỏi xác, một trang giấy bị xé rời khỏi quyển sách ố vàng.  Ngà trôi nổi bồng bềnh trong cái lao xao của những hỏi chào, thấy mình nhẹ phơi như làn gió câm đang vù vù lướt qua khi xe nhập vào lòng đường xuôi chảy.  Trời xám lạnh và yên ả, đứng giữa đất mới mênh mông chỉ thấy một nỗi quạnh hiu rời rã.  Mỹ quá buồn.  Xe chạy nhanh như vậy đâu có ai thấy mặt ai nghe tiếng ai, đâu biết ai người quen lạ.  Những chiếc xe như đuổi theo nhau miết miết bất tận và mỗi chuyến xe tách lòng đường về điểm hẹn dường là một vĩnh biệt với cuộc đời.  Ngà muốn khóc với cái buồn vô hình quanh quẩn.

Căn nhà năm phòng được các cô thuê tạm cho cả gia đình 8 người mới và hai cô ở chung.  Xen giữa những giờ làm việc, hai cô thường cùng hai chú luân phiên lấy giờ nghỉ để đưa cả gia đình đi xin trợ cấp của chính phủ và làm thủ tục sức khỏe.  Hình như cả nhà chỉ có mợ không bị phản ứng dương với thuốc thử lao trên da.  Mãi sau bố nói Ngà mới tạm tin, rằng còn nhỏ đứa học trò nào cũng đã có chủng ngừa lao nên khi thử trên da đều cho kết quả dương tính, nghĩa là mỗi đứa phải lãnh 1 bình thuốc mấy trăm viên về uống độ 3 tháng rồi thử lại. 

Không thích chung phòng với ai, Hùng xung phong qua ở bên cô Châu cách đó vài căn, vì nhà cô đơn chiếc chỉ có hai mẹ con.  Ngà cứ ngay ngáy lo mọi người oán trách vì Ngà mà Hùng ra ở bên cô Châu, nhưng lâu dần Ngà thấy, chả ai nói chuyện với ai và cái chuyện Hùng đi ở một chỗ nào khác là việc quen thuộc với mọi người.  Hùng phải tỏ cho mọi người biết cái độc lập của mình dù kết cuộc thì vẫn phải nhận những lo lắng bồi đắp của mẹ cha, Anh Huân thì cứ điềm nhiên hưởng những chăm sóc mợ dành cho anh dù anh có thể tự thân lo được.  Nhiều lúc Ngà nghĩ, Hùng phải ương ngạnh thì mới sáng được lòng yêu con của bố, và anh Huân nhận những chiều chuộng của mợ như một cách làm vui lòng bà mẹ quê mùa.

***

Ngà im bặt sững sờ khi Huyền vùng vằng nói sẵng với Bố:

_Bố cứ nói con là phải vét tóc sau khi tắm, là tóc của bà Ngà. 

Mặt nó vênh váo đanh lại, mấy chữ cuối gằn mạnh như một cái tát vào mặt.  Ngà nhớ đã mấy lần bố cái đại vương nói Huyền trước mặt Ngà, giờ mới hiểu ra chính là ông muốn nói Ngà mà ngại tiếng.  Ngà buồn bã.  Ngà hiểu, ông ké né nên mắng tránh con, Huyền tức giận nghĩ mình oan.  Chỉ tại Ngà ngu không ý tứ, không hiểu ý người.  Ngà muốn nhận lỗi, muốn làm hòa, muốn phủi cái căng thẳng đó đi, nhưng cái hằn học của Huyền như một cú đấm thôi sơn của tay võ sĩ hạng nặng, nhắc Ngà rằng Ngà chẳng là ai chẳng là gì cả, bây giờ có xin lỗi thì chỉ hèn mọn thêm thôi.  Ngà không hiểu mặt mình ra sao khi cố ghìm nước mắt, chung quanh như có một khối nặng vô hình trùm lấp.  Ngà có còn gì, có ai đâu.  Ngà như cọng giá nẩy mầm từ hạt đậu gieo tạm vào lon sữa bò, cái rễ mỏng manh chả níu được đất, cái thân dòn nhỏ chả thành được cây.  Mà phải là một mớ thì cũng được một miếng và, chứ giữa trời bao la chỉ có một cọng cô lẻ thì nó có thể làm gì hơn là chết héo.

Ngà muốn vào phòng, nhưng vào phòng thì lại đụng Huyền vì hai đứa được xếp ở chung.  Đất Mỹ bao la tới nỗi Ngà không nghĩ ra được chỗ trú thân nào cho mình.  Nỗi tủi phận như sóng dồn trong lồng ngực, Ngà đành bước ra sân sau.

Chiều đã xuống, khi ánh nắng tắt thì trời trở lạnh rất gắt, gió như xuyên da mình.  Cái lạnh làm ai nấy co rúm trong lớp lớp quần áo, anh hùng hay tiểu thư hay đạo mạo oai phong vân vân thì những người tỵ nạn mới tới đều dúm dó trong một đống vải lùng bùng.  Ngà bật cười với ý nghĩ đất này kỵ anh hùng.  Mợ ra gọi Ngà, vào ăn cơm đi con.  Sự im lặng nhẫn nhịn của mợ có lúc như đồng lõa với “bạo quyền,” có lúc lại như làn nước trong xoa dịu những vết trầy trụa bỏng rát.  Nơi tính cách nhà quê của mợ Ngà lại thấy một sự chân thật cao sang: mình dám là mình, cũng như sự im lặng của mợ với chiều dài thời gian lại là sự khôn ngoan khiến mọi người tiếp xúc dần dà tin tưởng.  Mợ như thảm cỏ, những cọng mỏng manh sát mặt đất tuy nhỏ nhoi lại mang sức bật lớn lao gánh đỡ được sức nặng của mọi bước chân mọi khối khổ đau dầy từ mặt đất thấp lên tới trời xa thẳm.  Ngà thấy mình ngày càng quyến luyến người mẹ nhà quê ấy.

Mợ ngồi ở ghế cao nơi bàn bếp, phì phào điếu thuốc.

_Cả nhà cứ ăn đi, mợ ngồi chơi một tí, tắm rửa xong mới ăn.

Bữa cơm chộn rộn với những việc mua xe cho anh Huân đã thi xong bằng lái xe, việc tập cho Huyền lái xe.  Ngà chìm ngỉm giữa những bàn bạc lao xao, nhưng lại thấy được bình yên hơn là những khi mọi người cố gắng lôi Ngà vào vòng thân mật.  Nơi bộ bàn ăn sáu ghế này Ngà biết mình không có chỗ dẫu được mời chia ghế chung bàn.  Có lẽ bao giờ tìm được một chiếc ghế của riêng mình Ngà sẽ an tâm lựa một chỗ để cùng giáp mặt. 

Rửa bát xong Ngà lên phòng.  Những bước thang cuối sao khó khăn nặng nề, cánh cửa phòng, cái chốn trú thân của Ngà như lạnh lùng mỉa mai xua đuổi.  Anh Huân trong phòng tắm ló đầu ra.

_Ngà, vô phòng nói chuyện chơi.  Ngà đứng chờ anh, rồi theo vào phòng.

Anh Huân đã ngự lên chiếc giường đơn, ngồi dựa lưng vào tường.  Giường đặt sát tường bên dưới cửa sổ, cạnh giường là bàn học, đèn chụp trên bàn tỏa ánh vàng ấm cả căn phòng.  Anh với lấy cái bấm móng tay đưa cho Ngà.

_Mày cắt cho anh mấy cái móng tay. 

Hm, tui đâu phải đầy tớ của ông, Ngà nghĩ thầm vậy, nhưng cái thân mật hồn nhiên của anh Huân chợt biến cái đòi hỏi ấy thành một việc thân tình làm cho nhau.  Anh đưa bàn tay trái, xòe ngón út ra trước, lần lượt từng ngón, rồi lại xòe bàn tay phải ngón út.  Chỉ hai ngón là quen đà, Ngà làm ro ro rồi tới ngón trỏ bàn tay phải thì hụt.  Anh Huân cười khanh khách _ lóng tay ấy bị cụt nơi biển, Ngà đã quên.  Anh với quyển truyện trên bàn hỏi Ngà đọc chưa, Ngà liếc mắt: “Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Ngạn.”  Ngà gật đầu.  Anh ngồi co chân, ôm chiếc gối nơi bụng, Ngà cũng rút chân lên ngồi bó gối đâu góc với anh.  Anh Huân lật lật cuốn truyện, tìm một trang chỉ Ngà, cười sằng sặc: “trong diện giải trí thì khâu khiêu vũ là khâu được đánh giá là có giá trị nghệ thuật cao, anh ra phục vụ em một bản zum ba đi…  Hai anh em cười hả hê.  Anh Huân liếc mắt ra cửa, ngồi thẳng dậy, bàn tay đặt lên gối Ngà lắc lắc.

_Anh với chị Thu lậm lắm rồi.  Ngà dương mắt nhìn anh.
_Mày cũng biết, anh là trai mới lớn có biết mẹ gì đâu.  Dẫn dắt cũng là chỉ, rồi bây giờ hạ tối hậu thư nói không được, đòi đi lấy chồng.
_Chỉ bảo sao?
_“Thu thương Huân lắm, nhưng Thu biết Huân sẽ không thể lấy Thu.”
_Tại sao không được?
_Thì chị Thu có một đứa con rồi, mợ nói chồng cũ của chị có quen với gia đình mình.
_Mợ chỉ nói vậy chứ đâu có bảo không chịu?
_Nhưng người ta thấy mình vừa nhỏ tuổi hơn lại mới tới đây chân ướt chân ráo làm sao bảo bọc được một mái gia đình.  Chờ được anh ra trường thì bả già rồi.
_Là chỉ nói hay là anh nghĩ vậy.
_Chỉ nói cuối tháng này người ta ở tiểu bang khác qua giáp mặt, nhưng ở đời có những việc đâu cần phải nói rõ mình vẫn phải biết là sẽ vậy, như mày với thằng Hùng anh biết sớm muộn cũng chia tay.  Ngà chưng hửng.
_Tại sao?
_Thì mày với nó ở trên đảo gặp nhau là you you me me…
_Vậy thì sao chứ?
_Sao thì chẳng sao, nhưng người ta khó sống với nhau bền lâu khi ở mức khởi đầu đã thiếu cách xưng hô phải lẽ…

Ngà không biết trả lời sao.  Ngà không biết điều anh nói có đúng hay không, nhưng anh đưa ra cái chi tiết rất nhỏ nhặt ấy để nói đến một điều hệ trọng trong cuộc sống chung thì tối thiểu đã có chú ý nhận xét và suy nghĩ từ lâu.  Chỉ vài phút qua đi mà điều anh nói ra dường mỗi lúc thêm nặng, Ngà chợt thấy hoang mang và hổ thẹn trong lòng, cảm nghĩ mình đã quá ngu xuẩn và thờ ơ với mối tình mà chính mình đã từng xem như linh thiêng. 

Ngà rời rã về phòng.  Huyền đã vào giường, Ngà với tay tắt đèn bàn rồi cũng vào chiếc giường đơn của mình ở mé tường đối diện.

Ngà nằm thao thức, không dám trở mình sợ Huyền thức giấc.  Trong cái yên ắng của màn đêm Ngà tưởng như sự căng thẳng đang dần lấp đi bầu khí quyển của mình, sự căng thẳng không biết bắt đầu ở chỗ nào, tự lúc nào, nhưng giờ nó trương phình như sắp nổ tung.  Có lúc Ngà thèm ngu đi một chút để không thấy sự hằn học bực bội của Huyền, để không nhìn ra sự gượng nhẹ của bố mợ, để không cảm kích cái thân tình của anh Huân cũng như sự vui vẻ quí mến mà Hòa và Hưng dành cho Ngà.  Có phải sự tử tế của mọi người dành cho Ngà làm Huyền nổi sùng?  Ngà biết mình không thể nào hàn gắn một ác cảm, và tự ái tự trọng làm Ngà buồn hơn khi biết mình không có chỗ ở nào khác ngoài mái nhà này.  Má, con phải làm gì?  Nghĩ đến Má càng thấm thía nỗi cô đơn.  Từ lúc có ý thức đến giờ có giây phút nào mà Ngà không chống đối Má, và có giây phút nào mà mệnh lệnh của Má không trùm phủ Ngà _ để giờ đây Ngà thấy mình chới với, chới với với cái tự do gần như tuyệt đối, tới đỗi tưởng mình sắp chết ngộp.  Má, Ngà ước ao biết bao nhiêu được réo lại tiếng “con mời Ba Má xơi cơm” trong bữa cơm chiều.  Ngà thèm nhớ cái thói quen vụn vặt – khi Ba ăn cơm xong thì phải đứng lên rót một ly nước trà, gác một cây tăm ngang miệng ly, và lấy khăn mặt đưa tới cho Ba bằng cả hai tay.  Ngà những cho rằng khắt khe gia đình là sợi dây trói khô mình, nào ngờ khi tất cả được vất bung Ngà lại hết hơi tưởng như mình bị nuốt trọn vào cái bao la trống rỗng bất tận nơi này. 

***

Buổi sáng rộn ràng với tiếng nước rửa mặt, đánh răng, tắm, rửa ly chén; tiếng lèo xèo trứng chiên bánh mì nướng, tiếng lục đục giầy dép, sột soạt túi xách đeo vai; í ới hỏi đứa này xong chưa đứa kia đâu.  Anh Huân đứng nơi ngưỡng cửa tay cầm chìa khóa, quay lại nhướng mắt nhìn Ngà,

_Bộ hôm nay không đi học?
_Hôm nay em nghỉ, ra bưu điện gửi thư cho Má.  Gật đầu. 

Mọi người nhanh chóng ra xe, căn nhà vắng lặng trở lại.  Bố cũng thắng bộ, kêu với vào nhà “tôi đi đấu giá xe, bà cứ ăn cơm trước đừng chờ.”

Ông đi rồi Mợ cười cười nói với Ngà ôi xời, ai hơi đâu mà chờ ông già.  Cậu mày thì lắm thứ linh tinh lắm.  Ngà thấy vui sướng hả hê với cái tự nhiên của Mợ.  Từ nhỏ Ngà chỉ biết có gia đình mình, một bước lạc ra đời phải sống với người dưng mới khám phá nhiều điều thú vị.  Như gia đình này, chỉ có một ông bố một bà mẹ mà anh Huân, Hòa, và Hưng gọi cậu mợ, Huyền gọi Bố Mợ, và Hùng gọi Bố Me.  Ngà thì gọi lung tung, lúc Bố Mợ, lúc Bố Me, tùy theo lúc ấy đang có ai bên cạnh hay đang nghĩ tới ai.  Công việc trong nhà thì ai muốn làm gì thì làm, chả có chuyện giao khoán phân minh, vậy mà nhà cửa vẫn tươm tất gọn gàng.  Lạ nhất là chỉ 6 tháng sau, người cũ người mới đều tụ về nhà này như thuở đóng tàu vượt biên.

Thằng Thắng, thằng Hiếu, và chú Lộc, những tay bạn độc thân quen với Hòa nơi trường học, trên đảo, về ở share 1 phòng với Hòa và Hưng, mỗi anh đóng 200 bao ăn ở.  Gọi là thằng nhưng Hiếu hình như bằng hoặc hơn Ngà 1 tuổi, và chú Lộc thì dứt khoát phải hơn Ngà 3 đến 5 tuổi, nhưng chơi với Hòa thì phải bị gọi là “chú!”  Có lúc Ngà thấy thật hỗn loạn, nhưng cũng có lúc Ngà bớt thấy cô đơn vì biết chí ít cũng có kẻ tứ cố vô thân như Ngà.  Ăn ở đông mới thấy cái tài thu vén cũng như tháo vát của Mợ.  Bữa ăn thêm 3 người thì cũng chỉ nhỉnh thêm một chút thức ăn so với bữa cơm của gia đình, trong cái đông vui tụ họp người ta ai cũng nhường nhau một chút.  Anh nào đi học về trễ hết thức ăn thì cứ mà lục cơm nguội với xì dầu trứng chiên.  Tiền trợ cấp của cả gia đình cộng với tiền trọ của bọn học trò cũng không đủ chi trả cho căn nhà 5 phòng, với 4 đứa con ăn học xe pháo.  Bây giờ Mợ làm giò lụa bỏ mối.  Mỗi tuần một lần, anh Giang chở chị Thúy đến nhà phụ mợ làm giò.  Mấy chục pounds thịt heo xay Ngà đã ướp từ hôm trước được lôi dần ra cho Mợ xay nhuyễn, rồi chị Thúy gói.  Khi Mợ bắt đầu đặt bếp luộc giò thì Ngà thanh toán mớ phụ tùng làm giò.  Mỗi khi xong việc mợ đều ngồi vắt vẻo nơi ghế, tay cầm điếu thuốc miệng cười cười kể một điều gì đó vui vui “lúc nãy.”

Tắm rửa thay quần áo xong Ngà ra chào mợ rồi đi.  Nhớ về ăn cơm với mợ, nhà chả có ai.  Có lúc Ngà thấy bực sao mợ lại nhu nhược lôi thôi, nhưng tận cùng thì vẫn thấy như ngày một thương người đàn bà ấy hơn mà chả hiểu vì sao.  Ngà đi bộ ra đầu ngõ đón xe bus.  Chỉ chừng năm chặng dừng thì đến đường Hoover.  Ngà xuống xe ngó quanh, chả thấy cơ sở nào khác ngoài một tiệm sửa xe.  Ngà đánh bạo tới hỏi thăm chỗ thi bằng lái xe, họ chỉ đi về hướng Tây độ 2 khúc đường. 

Vừa đi Ngà vừa tưởng tượng buổi học hôm nay, buổi học ngày thứ Sáu Ngà thích nhất trong tuần.  Trường ESL có đủ mọi sắc dân và học thành nhóm tùy theo trình độ, mỗi ngày một môn: ngữ vựng, văn phạm, bài đọc, và đàm thoại xen với tập nghe.  Bài thử trình độ thì toàn là câu hỏi trắc nghiệm nên Ngà lướt qua rất nhanh, rút cuộc học 1 mình.  Riêng ngày thứ Sáu là ngày học chơi thì tất cả mọi trò đều vào chung phòng.  Cô Walter rất bảnh: áo sơ mi trắng có ren bỏ trong quần jean bó, giày bốt, xe Porsche, và rất kiên nhẫn.  Đều đều mỗi tuần cô khệ nệ mang máy turn table và một chồng dĩa đến để học trò nghe nhạc.  Mỗi bài hát cô chọn đều có lời in ra giấy để vừa nghe vừa đọc lời.  Hết nghe nhạc đến đọc thơ, cô in ra hai bài thơ và học trò mỗi đứa chọn một bài để lên đọc cho cả lớp cùng nghe.  Ngà ưng nhất bài thơ Common Dust nên xung phong lên đọc bài thơ ấy, em Peru vỗ tay om sòm “I like the way you say it!!”  Chú Chấn thì oách hơn hẳn, chú làm một bài thuyết trình về giáo phận chú đang sống.  Chú nói bằng thứ tiếng Anh tiêu biểu của thế hệ trước: chữ nào có “r” đều cuộn trong cổ họng, và các âm phụ cuối chữ đều được bật rõ thành tiếng ­_ that is thành dát i dzờ.  Cả cô giáo và học trò đều rất chăm chú, nhưng Ngà chỉ hiểu lõm bõm vì quá nhiều chữ chưa biết.  Khi chú về chỗ ngồi, Ngà nhìn vào nét mặt bình thản ấy mà cảm thấy một niềm tự tin tự hào kín đáo toát ra. 

_Sao chú biết nhiều thứ vậy?
_Úi giời, đánh giặc còn được, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ này.
_Woa, chú có đi lính?
_Ừ, lần sau tôi sẽ thuyết trình chủ đề phản chiến.
_Kỳ hông?
_Sao lại kỳ, cô Walter này không chừng cũng là một trong những người đó.
_Sao chú biết?
_Thì cổ toàn cho đọc thơ về tình người, cho  nghe nhạc tình yêu và nhạc phản chiến, mấy cái bài hát mà cô cứ ư ử hát theo đấy…
_Trời đất, bài nào đâu?
_ Bài “500 Miles,” “The Sound Of Silence,” mà, chắc cô không hiểu đâu.  Nheo mắt nhìn Ngà!!

Sự quả quyết của chú Chấn làm Ngà thấy nghèn ngẹn, Ngà nghĩ nếu còn hỏi tới e vỡ nợ nên gật gật rồi quay sang em Peru nói chuyện bài vở…

Đã tới DMV, Ngà chợt lúng búng không biết đây là sở hay là trường và cũng chợt nhận ra ở Mỹ có nhiều thứ nói trỏng bằng cái tên chứ không như ở Việt Nam: sở Bưu Điện, bộ Cựu chiến binh, rạp Quốc Thanh, vân vân.  Nói tiếng Mỹ cỡ nào họ cũng hiểu cả, Ngà điền đơn xin thi bằng lái, đóng $10, và được dẫn vào phía sau vách làm bài thi viết, vẫn cái lối đánh dấu abc.  Nộp bản trả lời xong Ngà bước ra ngoài chờ, cứ tưởng họ sẽ đọc từng câu trả lời để khoanh đúng sai, nào ngờ nhân viên lôi ra một bản mẫu có đục sẵn những câu trả lời chồng lên bài nộp, sai bao nhiêu câu chỉ một cái liếc mắt là đếm đủ.

Ngà ra về lòng phơi phới.  Cầm mảnh bằng tạm cho phép lái xe với người đã có bằng lái xe thực thụ ngồi cạnh Ngà chợt thấy buồn cười cho chính mình.  Ngà đâu có xe mà tập lái, mà thi lấy bằng.  Ngà tự hỏi là mình ghen với Huyền vì nó được bố chăm chú mua xe cho, được anh Huân chỉ dẫn thi lấy bằng, hay chỉ là tự ái vặt muốn chứng tỏ dù chỉ với riêng mình rằng Ngà cũng có khả năng như ai.  Nghĩ đến đây Ngà buồn rầu nhận ra, cuối một ngày Ngà vẫn chỉ là một kẻ tứ cố vô thân dưới bầu trời bát ngát nơi đây.  Nỗi quạnh quẽ như càng hiện rõ lúc Ngà ngồi một mình nơi bến chờ xe bus _ không gian như như những tấm lụa trắng bạch đang từ từ phơi trải, loang rộng, nhẹ nhàng dập dềnh quẩn quanh bao bọc một mình Ngà.  Ngà ngước mặt nhìn lên, trời ở đây cũng dường xa thẳm – như đất mênh mông hút mắt mỗi con đường.  Những bài hát cô Walter cho nghe như nhỏ giọt vào lòng.

Hear my words that I might teach you
Take my arms that I might reach you
But my words, like silent raindrops fell
And echoed in the wells of silence

Hãy vọng nghe lời nhắn
Hãy níu tay vói trao
Nhưng buồn sao
Lời gieo như tiếng mưa thầm
Âm vang mãi dội trong lòng giếng câm.

Ngà lẩm nhẩm những bài hát đã nghe, càng hát càng nhận ra cô Walter thích cho nghe John Lennon cũng như những bài hát về tình yêu, ca tụng lẫn tủi buồn.  I only apologize for being as they say, the last to know, it has to show, when someone is in your eyes…  Ngà nhớ tới lời chú Chấn.  Cô Walter có mất người thân yêu nào cho chiến tranh Việt Nam?  Cô có lỡ mối duyên tình nào vì cuộc chiến?  Cô nghĩ gì trước đám học trò tị nạn Việt Nam, những nguyên nhân sống của nỗi mất mát dẫu cho riêng cô hay của những người đồng xứ?  Buồn hận không là của riêng cho người thua cuộc.  Trước khi đến đất này Ngà cũng như chú Chấn, như muôn người miền Nam bại trận, chua chát vì Mỹ bỏ rơi miền Nam tới nỗi thua tan nát.  Nhưng ngày anh Huân, Hòa, và Hùng, trong độ tuổi 18 đến 26 phải ghi tên vào danh sách nghĩa vụ quân sự khi tới đất này, Ngà thấy mình khựng lại.  Mỹ cũng bắt nghĩa vụ quân sự?  Nghĩa vụ quân sự _ chỉ mới mấy năm ở với “người ta” mà Ngà không nhớ nổi trước 75 mình gọi là gì _ gọi là gì cũng mặc, nhưng đi lính thôi đã ngán rồi, mà đi lính xứ người thì sao cam.  Cô Walter và những ai ai trên đất nước thanh bình này, nếu phải tử biệt sinh ly cho một dân tộc một xứ sở nào xa lạ có vô lý và đau lòng lắm không?  Ngà có quyền gì buồn giận khi họ lên tiếng phản đối?  Ừ, thì người ta là người dưng khác họ, thôi xóa.  Nhưng những người đã nhảy núi, đã vào bưng cho lý tưởng của riêng họ mà chẳng ngó ngàng hay màng chi đến vạn cốt khô, họ là người mình đó thôi?  Đất trời mênh mang này có xóa được những vấn vương của kiếp mới vừa qua?  Nỗi vui vì đã làm được điều mình muốn chợt như hạt bụi vô duyên chưa thắm đã nhạt nhòa.  Ngà về, những bước chân sao mệt.

***

Tháng 9 trời sập tối rất sớm, những làn gió lạnh còn mang với nó nỗi ướt át thảm sầu.  Ngà ngồi trên giường đọc lá thư mới nhận được của Má.  Con đừng lo cho mẹ, mẹ vẫn đầu đội trời chân đạp đất thắng mọi gian nan…  Hôm rồi bốc mộ Ông và cậu, mới biết cậu bị một viên đạn vào đầu, từ sau ót trổ ra trước.  Một giọt nước mắt bỗng trào ra.  Cậu tử trận mấy mươi năm rồi, Ngà đã quên bẵng, sao giờ nghe Má nhắc lại chảy nước mắt.  Dân bốc mộ thiệt tài, họ cầm xương mà ước đoán được tuổi của người dưới mộ.  Ba mày vẫn khó chịu như xưa, không biết ông có bằng lòng cho em Châu “đi” để con có chị có em nơi xứ lạ.  Má, Má, con đã gửi bao nhiêu lá thư nói đừng có ai “đi” gì nữa, Má không nghe con bộ không nghe tất cả những người chung quanh có thân nhân vượt biên?  Má có biết hằng đêm con vẫn thấy mình lêu bêu trên đảo sóng đen vây bủa tứ bề và nỗi lo không đến được nơi nào làm điếng cả hồn _ con mãi khóc ngất rồi giật mình tỉnh giấc.  Má, Má, con nói bao nhiêu cho vừa là đừng có đi.  Má có biết con sống dở chết dở nơi này…  Ngà thẫn thờ.  Trong cái thực tại tăm tối nơi quê nhà có lẽ người ta thấy mỗi người vượt thoát được là mỗi ánh sao lấp lánh giữa trời đêm chứ không thể tưởng ra được những thương đau kinh hoàng nơi biển cả.

Anh Huân đã về, Ngà phụ mợ dọn cơm cho anh ăn.  Hùng và Huyền học luôn buổi tối, mong chóng xong 60 units để chuyển lên đại học 4 năm.  Ngà ước ao mình cũng có thể lăn mình ra mà học, nhưng nỗi ăn ở cứ canh cánh bên lòng _ Ngà không thể ở mãi trong nhà này, treo lửng lơ cái quan hệ dù đã chết vẫn không được phép chôn giữa Ngà và Hùng.  Đêm đêm, những khi giật mình thức giấc trong nước mắt Ngà vẫn lo ngay ngáy bị Huyền khiếu nại chuyện làm nó mất ngủ, nhưng có lẽ nó vẫn còn tấm lòng nhân ái của tuổi trẻ để biết dừng.  Anh Huân ăn xong ra vườn hút thuốc đợi Ngà rửa bát.  Hai anh em lại lọt tọt lên lầu để đứa nói đứa nghe cho thoát bung cái hăm hở dồn nén của tuổi trẻ trước cuộc đời đầy ắp đang mở ra.

_Anh ráng để năm sau sẽ lên trường Long Beach.
_Trường đó ở đâu?
_Thì ở Long Beach.  Tụi nó nói trường này dạy ngành kỹ sư cơ khí rất giỏi.
_Khó hông?
_Cái gì mà chả khó.  Liếc mắt, lại liếc mắt, nhìn ra cửa, nói tiếp,
_Chị Thu lấy chồng rồi.
_Lấy…?
_Thì cái ông ở tiểu bang khác qua đó.
_Chỉ có dọn đi?
_Chắc có.

Ánh mắt anh Huân thản nhiên sắc lạnh, nhưng màu mắt trong ấy dường toát một chút buồn như “hơi rượu cay.”  Anh Huân cười cười,

_Có nhỏ này ngộ lắm.  Tên Quyên, cao, tóc dài, rất sport.  Nó dạy anh đánh bi da Mỹ, mỗi lần cầm cơ mọp xuống nhắm tóc chảy xõa như bức mành tơ đen, đẹp hết biết.  Nó rủ đi bơi, đánh tennis, kêu anh chỉ bài cho nó ở thư viện, học xong thì rủ đi bar.
_Đi bar, bây giờ anh cũng ngon dữ.
_Thì nó dắt, mình chỉ việc đi theo.  Cười chúm chím vẻ đã đời.
_Tối nọ nó kêu ra quán cà phê ngồi tới khuya, dè đâu qua ngày mai nó xù đám hỏi với thằng bồ lâu nay.
_Ha, rồi anh tính sao?
_Tính cái gì, anh đâu có rủ rê gì nó đâu.
_Thì nó cứ đi với anh hoài vậy thì chắc là chê anh bồ của mình.
_Nó nói thằng đó rất thương nó, nhưng lâu dần hình như thấy hắn đần hay dở hơi gì đó. 

Anh Huân thản nhiên lập lại những điều đó, như gã hàng xóm ngồi trên cây cao ngó xuống nhà bên xem một vở kịch vui.

Ngà không biết nên nghĩ sao về anh Huân.  Anh vừa hiền lành vừa nghịch ngợm, vừa chừng mực vừa phiêu lưu, vừa mẫn cảm vừa lạnh lùng.  Và gẫm cho kỹ thì cả Hùng và Huyền cũng có tính cách như vậy, khác chăng là anh Huân chơi tới nơi, chơi thứ thiệt, trong khi Hùng và Huyền chỉ theo đuổi cái hào nhoáng áo quần cái đàn đúm ba hoa hơn là đi tới một điều gì.  Nhưng Ngà là ai lại trở thành một trạm giao liên cho mọi người trong nhà?  Một cô em gái lầm lì giữa lũ anh em trai không ai nói cùng ai, như từng ốc đảo …  Thằng Hòa muốn lên học USC cũng tới bàn với Ngà rằng nó nghĩ học dầu hỏa kiếm tiền ngon.  Nó rủ rỉ, em không học lái xe đâu, biết lái xe rồi ham chơi đàn đúm học lâu ra lắm.  Thằng Hưng thì đêm ngày cà rà chị Ngà coi nè, em lắc disco hết xẩy, nói xong cởi phăng áo rung rung nửa thân trên, vai lắc lắc sao cho bắp thịt nơi tay nơi vai nơi ngực run bần bật rồi cười khanh khách.  Cả thằng Hiếu, thằng Thắng, và chú Lộc nữa, họ đi học về vào bếp ăn cơm thì luôn nói cười với Ngà và im bặt khi Huyền xuất hiện.  Nhiều lúc Ngà cũng muốn được cái uy như vậy, nhưng lập nghiêm được vài ngày hay vài lần rồi đều thấy bứt rứt thấy mình thiếu hòa ái thân thiện với người, và rồi đâu lại vào đấy.

Có tiếng của Hùng dưới lầu, Ngà chạy xuống.

_Hi!
_Hi! Có cái thư thằng Tuấn phát xít.
_Ah, nó ở đâu?
_Texas, nó rủ “me” với “you” qua chơi
_Rồi “you” đi không?
_Chắc phải đợi semester break.

Ngà tưởng Hùng sẽ nói “tiền đâu mà mua vé máy bay,” nhưng trả lời vậy mới thực là Hùng, bởi tiền không có thì mợ sẽ có.  Vả, Hùng và Huyền đi học lãnh tiền grants, lấy student loans, làm cho chương trình work study trường cho để có tiền ăn học v.v... đều giữ cho mình, đâu ngại gì chuyện tiền bạc.  Hùng mua xe mới, Huyền sắm quần áo khăn quàng cổ giày bóp _ nhất nhất đều là đồ hiệu, trong khi anh Huân và Hòa đưa hết những gì lãnh được về cho mợ.  Ngà nhìn ngắm tính cách của mọi người và ngạc nhiên tự hỏi, điều gì mang lại thăng bằng cho gia đình này?  Sự ôn hòa nhẫn nhịn của mợ hay sự cần mẫn chăm lo cho vợ con của bố?  Sao mọi điều vẫn trôi chảy trong sự lỏng lẻo thiếu kỷ luật?

***

Năm giờ sáng Ngà thắng bộ ra bến xe bus.  Ngà đã xem kỹ cuốn cẩm nang đi đường của sở giao thông công cộng, muốn đến được sở làm phải đi 3 chặng.  Ngà cũng không biết mình có kịp đến sở lúc 7 giờ rưỡi.  Xe bus Wesminster chạy suốt con đường, nhờ còn sớm nên không phải dừng lâu ở mỗi chặng rước khách.  Nơi trạm trung tâm, Ngà lên một tuyến xe bus khác.  Trạm trung tâm đông như bến xe đò An Đông, xe đò lục tỉnh, đúng hơn, phải nói rằng lớn và đông người nhiều xe hơn rất nhiều.  Cái chuyện ở Mỹ người ta chỉ toàn đi xe hơi là chuyện tưởng tượng, chuyện hoang đường, tựa như cái tên Van de Kamp’s mà Ngà thấy in trên tường chợ Alpha Beta   chỉ là tên của một hiệu thực phẩm chứ chả phải “Vấn đề Campuchia” như Ngà đã tưởng trong suốt chuyến xe bus sáng nay và chỉ phát giác ra cái ngu của mình khi thấy giỏ của bà ngồi bên cạnh có hộp thức ăn mang nhãn hiệu ấy.  Xe bắt đầu chuyển bánh, những người chung quanh gà gật.  Có lẽ họ đã quen với cuộc đời này chứ không như Ngà lúc nào cũng dáo dác.

Ngà vào sở, đến phòng personel nhận việc.  Người supervisor dẫn Ngà đi vòng vòng _ đây là phòng ăn, đây là phòng họp, nhà vệ sinh, chỗ cô vừa ra là nơi giải quyết mọi vấn đề nhân viên.
Ngà ngỡ sẽ phải học nghề tập nghề vân vân, nhưng không, hắn dẫn qua một phòng khác để hoàn tất hồ sơ.  Chả biết bao lâu, chắc là lâu lắm, hắn trở lại dẫn Ngà vào khu làm việc.  Trước hết phải đi rửa sạch son phấn rồi mặc đồng phục bằng ny lông trắng.  Ngà bắt chước supervisor, tròng bộ áo liền quần vào xong thì xỏ boot ny lông, đội nón apollo thắt dây quanh cổ _ phi hành gia 86 pounds ngớ ngẩn bước vào phòng việc cách ly.

_Đây là “Thao,” có lẽ là đồng hương với cô.  Đây là Rosie, leader, đây là Emily, Margaret 

Ngà nhớ hết nổi.  Rosie đưa Ngà xuống cuối dãy bàn dài tựa như dãy bàn trong phòng lab trường trung học cũ.  Công việc hôm nay là đậy những cái nắp xanh dương, đỏ, vàng, xanh lá cây vào những cái ống nhựa trong dài ngắn lớn nhỏ khác nhau tùy theo lố hàng đã định.  “Thao” tà tà xán lại, cười cười.

_Việt Nam hả?  Tiếng của “Thao” cho Ngà biết mình nhỏ tuổi hơn.  Ngà đứng lên cho khỏi vô lễ, tay vẫn làm việc.
_Dạ, em tên Ngà.
_Gọi tôi là cô Thảo, chắc “you” cỡ tuổi con của tôi.  Hm, “you,” sẽ có rạn vỡ gì nữa không với tiếng xưng hô ấy?  Cô Thảo thăm hỏi vài câu rồi trở về chỗ của mình nơi đầu dãy.

BEENNNG…  Một tiếng kẻng chát chúa vang lên, Ngà giật mình ngó quanh, tất cả mọi người vùng chạy ra cửa!  Dòng người như bày ong trắng tìm lối thoát, đã có con lọt ra phòng thay áo bên ngoài.  Ngà ngó quanh tìm cô Thảo để hỏi chuyện gì xảy ra, nhưng nhìn từ sau tới chỉ thấy thấp cao, không thể thấy cô Thảo vì cô còn thấp hơn Ngà.  Trong tích tắc chỉ còn mình Ngà chơ vơ trong gian phòng mênh mông lạnh ngắt, màu trắng của bộ đồng phục như tan vào ánh sáng đèn nê ông, vào dãy kệ mạ kền sáng loáng, và nổi bật trên dãy bàn đen.  Ngà càng sợ, đâm đầu chạy theo ra chỗ thay đồng phục.  Khi Ngà ra khỏi phòng, cái bầy ong màu sắc ấy đang đổ vào một cánh cửa.  Lò mò vào tới được thì người đã ngồi đầy khắp mọi bàn _ giờ cơm, mạnh ai nấy xếp hàng hâm thức ăn.  Có bàn tay ngoắc ngoắc, Ngà xề tới _ đúng cô Thảo, tóc ngắn cười toác hoác.

_You có mang cơm không?
_Dạ không.  Thầm nghĩ, trời đất, đi làm công nhân chứ đâu phải đi làm ruộng mà bới cơm theo?
_Ngồi xuống đây, nhiều quá - ăn phụ tôi với, please.

Ngà thầm cảm động, lòng tử tế bày tỏ trong khiêm tốn và đơn sơ khiến Ngà nghĩ mình phải cám ơn cô hai lần, vì cả của cho và cách cho.

Cho đến 4 giờ rưỡi chiều, Ngà đã nghe thêm tiếng kẻng một lần nữa – thực ra nó là tiếng chuông reng như của trường trung học nhưng quá lớn và âm dội không thoát ra được building kín nên Ngà đã giật mình; hay Ngà bị tiếng kẻng ám ảnh?  Ngà tan sở đã có cô Thảo làm bạn, làm người hướng dẫn, và kiêm luôn tài xế khi cô biết Ngà phải lấy 3 chuyến xe bus mỗi lượt đi về.

Ngà vào nhà, mợ đang nấu cơm trong bếp.

_Sao, hôm nay con đi làm sao?  Nhắm được không?  Mày cứ ở đây với mợ, tụi nó đi học thì mày cũng đi học, tiền bạc ráng gom vào nhau mà sống chứ có gì mà con phải ngại.

Ừ, mợ không ngại nhưng con ngại.  Ngà tả mợ nghe một ngày nơi sở trong lúc phụ nấu cơm.  Khi mọi người đổ về cho bữa cơm tối, ai cũng hỏi thăm công việc của Ngà và bàn bạc tứ tung.  Ngà cũng nghe và trả lời loạn xị, lòng chỉ biết một điều – mình đã trở thành một thành phần khác trong thế giới nhỏ bé này, và, cũng vẫn một mình.  Tám tiếng làm việc thực sự thành gần 12 tiếng, bây giờ lê thân lên gác mới thấy mệt rã rời.  Một ngày đi làm mà tưởng mình lọt vào ma trận, hễ mở một cánh cửa thì lại ra một cánh cửa khác, tới một chỗ quẹo lại phải qua một chỗ quẹo khác, không còn biết lối nào cửa nào nữa mà về.  Má, má đã dọn hàng đạp xe về nhà chưa?  Em Châu chắc đang dọn cơm cho cả nhà.  Ngà thấy ngực mình thắt lại.


Đèn đuốc sáng choang, bếp núc tưng bừng rộn rịp.  Chị Toàn rửa thịt thái thịt kiêm luôn nấu cơm; chị Thúy rửa lá vo gạo; mợ chạy ra chạy vào chỉ chỗ lấy món này cái kia, ngồi nêm thau đậu xanh giã nhuyễn, ướp thau thịt ba rọi thái miếng; bố chở một đống cây gỗ xin được về đem chất sau vườn, đang loay hoay xếp những khối gạch vuông lại kê bếp.  Còn 3 tuần nữa là Tết nguyên đán, bố đã đóng sẵn những cái khuôn gỗ be bé xinh xinh bằng bàn tay để gói bánh chưng nhỏ giao cho chợ bán.

Nếp, đậu, thịt, mấy thứ đó dễ.  Dây lạt không có thì mợ dùng vải xé thành sợi để cột, cũng thông qua.  Lá gói bánh mới phiền.  Có những thứ chợ Việt Nam không có phải vào chợ Tàu mua, nhưng lá dong thì dứt khoát là không thể có.  Cứu tinh duy nhất là chợ Dân Tiếp Vụ _ một bó lá tre Thái Lan độ hơn 20 lá gần 4 đồng trong khi cái bánh chưng nhỏ làm ra bỏ mối 1 đồng cho nhà Kiên Giang bán $1.25, và hamburger chỉ 59 xu, xe bus 50 xu 1 chuyến.  Mọi tính toán chỉ trông vào sự khéo léo của mợ.
Bó lá mở ra ngâm vào nước độ nửa ngày cho mềm rồi dùng khăn rửa sạch, bỏ đầu đuôi cắt làm 3 khúc.  Khúc giữa rộng độ 8-10 phân được cắt dài hơn dùng làm lá góc, hai khúc đầu đuôi ngắn hơn để lót đáy đậy mặt.  Những tấm lá bản nhỏ cắt đều khúc làm lá dựng.  Chị Toàn gói một cái bánh làm mẫu cho Ngà xem xong thì bảo Ngà làm thử.  Ngà ngồi xuống sàn, bắt đầu đặt 2 sợi dây vải như chữ thập dưới khuôn.  Bẻ 2 tấm lá thành góc vuông đặt vào 2 góc đối nhau, thêm 2 miếng lá nhỏ che 2 góc còn lại, một tấm lá lót đè lên những tấm lá góc, rồi chêm lá dựng kín 4 cạnh khuôn.

Dúm một ít gạo màu xanh rải xuống, trải đều 1 cup gạo nếp đã ngâm và phơi ráo, đổ vào giữa 1 muỗng canh vun đậu xanh giã nhuyễn, đặt lên trên 1 miếng thịt rọi đã ướp, lại 1 muỗng đậu xanh phủ lên thịt, 1 cup gạo phủ lên tất cả, 1 dúm nhỏ gạo mầu rải đều, đậy 1 miếng lá vừa mặt, bắt đầu gập lá dựng xuống gói lại tấm bánh.  Ngà đã phải lúng túng vì 2 sợi dây để bên ngoài khuôn, phải gỡ khuôn rồi mới cột được bánh, và vục tay gạo đậu hơi mạnh nên bánh quá dày.  Cái bánh thứ 2 dây nằm bên trong cột dễ dàng nhưng chưa biết san gạo cho bằng mặt nên bánh méo mó.  Cái thứ 3 mợ bảo thôi mày ngồi luôn chỗ đó đi, tao cứ tưởng học trò chỉ biết quét dọn rửa lá là cùng.  Lúc lâu sau bố nói, 1 tiếng con Ngà gói được 43 cái.  Chị Toàn chị Thúy cười vui khuyến khích, Ngà liếc mắt thấy Huyền bậm môi, tiếng sau chỗ Huyền ngồi bánh chồng lớp lớp, hắn phủi tay đứng dậy lên lầu không một lời rằng nữa hay thôi.  Đến 10 giờ tối thì đã đủ 1 thùng bánh, bố nói để mai lên bếp, nhưng Hòa về bảo cứ nấu Hòa thức đêm học bài sẽ canh chừng bánh phụ _ mai mợ sẽ có bánh để giao.

Đêm lên đến giường Ngà không nằm thẳng được lưng, nhưng như có một niềm vui không tên chiếm ngự, Ngà đã ngủ một giấc đầu tiên không mộng mị biển đen.

Sáng Ngà ra cửa cô Thảo đã đậu xe bên lề chờ.  Ngà vào xe chưa ngồi hẳn cô đã hỏi có mang lunch theo?  Dạ có.  Không có cũng không sao, ăn với tôi, đồ ăn leftover nhiều lắm.  Đi làm công nhân ngày thứ 2 là đã biết thân phải mang theo đồ ăn thức uống vì mua ở xe truck vừa mắc vừa tốn giờ xếp hàng không đủ giờ ăn.  Ngày thứ 3 thì đã biết “không gì quí hơn đồ ăn của ngày hôm trước.”  Ngà vào chỗ làm, mọi việc sao hết nhanh quá và ngày lâu hết quá.  Ngà mong ngóng về nhà để gói 43 cái bánh chưng xinh 1 giờ.  Bây giờ ở xứ lạ, xứ người ta, thì Ngà lại được sống cái không khí của những ngày Tết xa xưa chỉ có trong sách vở: gói bánh chưng.  Bây giờ ở xứ tự do Ngà cũng không bực phải xếp hàng chờ vào quán ăn, miễn ăn được một miếng quê nhà, miễn gặp được càng nhiều càng tốt những người đồng chủng dù chỉ để nghe bá láp.  Cả phố Westminster Ngà chỉ biết có 3 tiệm: tiệm vải AA Mini và tiệm mỳ Lacai trên cùng góc phố, và tiệm phở 79 chỉ nghe đồn mà chả biết ở đâu.  Mỗi khi thèm lại phải đợi lúc anh Huân rảnh và có hứng mới rủ được anh đi cùng, bởi không có ai chở cũng chưa tệ bằng phải vào tiệm ăn một mình.  Trong nỗi đơn côi Ngà còn thêm cái thói rình xem bố đi đâu có đem tờ báo về để đọc ké.  Những lúc cầm đọc tờ báo tiếng Việt Ngà thường cảm nghĩ có ánh mắt diễu cợt của anh Huân đậu trên vai, cái bĩu môi thầm lặng của Huyền gắn sau gáy, bởi tất cả lũ người tỵ nạn đều lao vào kiếm sống kiếm chữ, ráng sao để nói tiếng Anh bằng Mỹ mà mình thì cứ lẩn thẩn ba cái chuyện quê nhà với tiếng Việt - thấy sao vớ vẩn vô cùng...  Cọng giá thiếu đất có lớn mạnh được thành cây đậu?

Tan sở về Ngà chưa kịp vào nhà thì gặp anh Việt ngoài sân.  Anh ghé chơi với anh Huân, nhưng hình như anh Huân chưa về.  Mợ đứng nơi bồn rửa bát ngó ra thấy anh Việt và Ngà thì ngừng tay ra mở cửa.  Mợ hớn hở bảo anh Việt vào nhà, nhưng chưa kịp ngó ngoáy thì xe anh Giang chị Thúy và xe anh Phú cũng vừa trờ tới.  Trong phút chốc, cái sân để xe trước nhà đầy tiếng cười nói chào hỏi, nền xi măng trắng xám dưới đất như cũng rung lên với những bước chân lao xao.  Anh Phú dắt theo một cô khá đẹp và có cử chỉ tự tin không e dè như những người mới đến.  Ngà chợt thấy lòng bâng khuâng _ sự có mặt của một người con gái khác như khẳng định cái chia cắt phân tán của gia đình anh.  Bao nhiêu ghe thuyền bao nhiêu chuyến đi và bao nhiêu những điều trắc trở ngoài tầm tay, bên cạnh cái mênh mông của biển dữ, chị Thư và đứa con gái nhỏ của anh vậy thôi là hết.  Mọi người tỵ nạn khi đến đất định cư cầm bằng đã đầu thai kiếp khác.  Giả mà anh Phú cũng làm mặt dày dẫn chị Thư và con gái theo “đi hôi” như cặp Giang Thúy thì gia đình đâu phải ly tán, cái giá của sự đàng hoàng quá cao phải không, anh Phú?

Giữa tiếng ồn ào chào hỏi, Ngà chợt thấy một bông hoa cúc dại tí teo như cái nút áo màu vàng mọc lên bên cạnh mép sân.  Cành hoa mỏng và thấp độ nửa gang nép một mình im lặng như vô cảm giữa không gian đầy tiếng cười nói, dưới ánh nắng chiều vàng óng hắt trên sân.  Ngà nghĩ cánh hoa kia không nghe không thấy không biết gì đến muôn vạn nỗi niềm của kiếp con người, và cũng không điều gì đọng đầy được làn gió thoảng lay.  Ngà chợt thấy mình đứng chơ vơ giữa sân, muốn bắt vào cái ồn ào, muốn chia một nụ cười một lời nói mà như mình đã hóa vô hình.  Ngà có gì để nói ngoài câu “em vẫn khỏe,” Ngà hỏi thăm người ta điều gì?

Ngà vào nhà, chị Toàn đã sắp sẵn gạo đậu.  Chị hỏi Ngà muốn ăn cơm với món gì, chị làm chỉ mươi phút là xong ngay.  Hình như chị thương hại Ngà cô đơn nhưng không muốn tỏ bày một thái độ có vẻ như là phe phái với Ngà nên chỉ biểu lộ bằng những chăm sóc lặt vặt.  Có nhiều lúc Ngà không hiểu sao mình muốn ứa nước mắt và chỉ lo chị Toàn nhìn thấy sự lúng túng của Ngà trong gia đình này.  Ngà lên phòng thay quần áo rồi ra sân mời bố vào ăn cơm.  Ông Ninh thủng thỉnh chùi dép lên tấm thảm trước cửa patio rồi rửa tay vào bàn.  Nhưng anh Phú nhẹ nhàng nói phải đi ăn sinh nhật.  So với bữa cơm năm trước nơi bếp nhà bố mợ, bữa cơm gắn kết xí phần của mọi người vào một chuyến phiêu lưu, thì bữa cơm nơi đất này đã là bữa cơm của gánh hát sau buổi diễn, khi phông màn nghiêng ngửa và đào kép đã “tả tơi phấn hương.”  Không biết có ai áy náy.  Không biết có ai ái ngại.  Ngà ăn cho lẹ rồi xà xuống bắt đầu gói tiếp những tấm bánh chưng nho nhỏ như tìm chút niềm vui tưởng nhớ quê nhà.  Lố bánh gói hôm qua cũng như giò lụa gói bằng giấy bạc trong lót plastic mỏng đã được cột dây ruy băng ny lông màu đỏ.  Mợ gói cho anh Phú mỗi thứ một ít vào túi và dặn tuần sau đến sẽ có bánh lớn.  Ánh đèn tuýp ngà ngà như hắt hiu trên thau gạo, đậu; những miếng thịt rọi ướp tiêu hành nước mắm nằm thõng thẹo trong thau.  Ngà sửa thế ngồi cho êm ả rồi quơ tay lấy khuôn.  Mợ và chị Thúy cũng lấy thịt xay Ngà ướp từ tối qua ra để làm lố giò mới. 

Khi nhà Kiên Giang lấy vừa xong mớ bánh thì điện thoại hỏi bánh cũng inh ỏi liền nhau, ai cũng được hẹn ngày mai ngày mốt.  Nếu có ai biết khôn đến sớm sẽ có bánh, ai đến sau sẽ được hứa hẹn cười cười. 

Mười giờ tối anh Huân về với một cành đào khá to trên tay.  Đào của trường đại học Long Beach, anh đã theo bạn thừa lúc tối trời vào sân chặt lén!!!  Cả nhà hỉ hả nhìn những cái nụ còn cuốn chặt như hạt bắp hồng thắm vô tư bám dọc cành nâu điểm những mầm lá xanh trong.  Sự sống nào có chờ ai đến kịp với nó hay không.

***
Hôm nay mùng một Tết, nhưng Ngà vẫn phải đi làm vì đã có nhiều người xin phép nghỉ từ trước.  Cô Thảo thì khác, cô phải để dành ngày nghỉ cho chuyến đi chơi của cả gia đình vào mùa hè khi các con nghỉ học nên cô cũng đi làm.  Cô tuyên bố ăn Tết weekend vì ai cũng bận đi làm, mình đi chúc Tết cũng phiền cho người khác!!!  Ngà thấy nửa tức cười nửa ngao ngán, những rường mối trọng đại của nếp sống bỗng như một chuyện vu vơ, ngày tháng của Ngà nơi đây chẳng còn biết đánh dấu bằng cái gì.   Buổi chiều, mợ đã bầy cơm nước hoa quả lên bàn thờ và thắp nhang xong.  Cành đào được ngự vào một cái lọ đồng giống vỏ đại bác khi xưa nhà Ngà cũng có một cái, đứng cạnh lò sưởi.  Ngà nhìn bố, ông cười cười:

_Mày có biết bố đi chợ trời với ga ra sêu rã cả chân mới tìm ra được nó đó.
_Ối giời, ông rỗi công thế.  Rồi chỉ hộp mứt trên bàn thờ mợ ca cẩm,
_Chỉ có vài cái mứt dừa và dăm ba cái kẹo thèo lèo đậu phộng rau câu mà “nó” giã mình 10 đồng!
_Việc cúng kiến thì phải có thôi, bà đừng có mà tiếc.
_Thì nói chơi mà nghe cho biết vậy.  Con Ngà mày ăn miếng bóng này mợ xào xem thế nào.
_Ngon, mợ.

Ánh đèn vàng quyện với khói nhang làm căn nhà trở nên ấm áp, nhưng Ngà ăn bát cơm thấy nghẹn bởi Ngà cũng có một nén nhang muốn thắp mà không có chỗ đặt bàn thờ.  Cái thủ tục nặng nề hằng năm làm gầy hao những bà mẹ hụt hơi những đứa con gái giờ đã cất đi, và mất một trọng lượng hằng mang trên lưng chính là điều làm Ngà thấy mình chới với.  Anh Huân không về ăn cơm chiều vì anh bận tham dự hội Tết của sinh viên tổ chức nơi trường.  Hùng và Huyền cũng  mất hút trong cuộc đời mới.  Tháng Giêng nơi đây là mùa Đông, trời tối rất sớm và khi xong bữa cơm chiều thì mặt kính cửa sổ đã bám đầy hơi nước đang chẩy thành những dòng vằn vện.  Cô Châu, cô Dung, và cô Mai đi cùng 2 chú đến chúc Tết bố mợ.  Ngà thấy trên mặt các cô niềm vui hân hoan được lập lại một thói quen ý nghĩa của người mình lại pha lẫn với chút e dè sợ bố mợ là bậc trưởng thượng khó tính cần phải giữ lễ nghi. 

Ngà lên lầu, để nguyên quần áo nằm xuống giường.  Căn phòng lạnh vắng như giúp Ngà cô đọng lại những hình ảnh tưởng tượng trong đầu.  Giờ này đã là mùng 2 bên nhà.  Nhà dưới chắc chắn vẫn đọng đầy hương khói và nền gạch từ trước ra sau vẫn đầy đất cát vỏ hạt dưa bởi Tết nhất thì không được quét nhà.  Má có lẽ chưa ra chợ vì còn phải làm cho đủ mâm cúng sáng chiều cho 3 ngày đầu năm.  Em Châu chắc theo bạn bè đi mừng tuổi thầy cô?    vào trung học Tân Định rồi thì phải.  Còn Hiển, nó làm gì, có lại gầy một cuộc rượu nào đó với mấy gã xóm trong?  Ngà lên đại học được một năm thì cái thói quen lâu lâu đàn đúm rượu chè của nó cùng những đứa dân phòng trong xóm như ngày một đều đặn hơn.  Chị Chi những ngày giỗ Tết thì cứ kể như phải cắm đầu vào bếp núc, giờ không có Ngà chị sẽ phải gánh luôn những việc rửa chén quét dọn.  Chị tội nghiệp nhất mà cũng có lẽ bình an nhất bởi chị yếu ớt hiền lành an phận.  Và anh Đặng của Ngà…  Ngà biết chẳng bao giờ còn gặp lại gia đình, nhưng anh Đặng theo tàu tuần duyên cuối năm 1974 và không có dịp về lại nhà, nên khi Ngà ra đi anh đã thuộc về quá khứ.  Ngà chỉ là người thứ hai bị gạch tên ra khỏi sổ gia đình. 

Hình ảnh gia đình nồng ấm mùi hương bỗng trở nên những khuôn phim rời rạc thờ ơ.  Căn phòng dường quá lạnh, Ngà co ro rút vào chăn rồi lơ mơ ngủ với giọt nước mắt chảy ngang xuống gối. 

Một ngày, đã qua.

***
Ngà vào nhà chưa kịp bóc lá thư mà Ngà đoan chắc là có tấm thẻ xanh của mình thì chợt nhận ra không khí nghiêm trang đèn nến khói hương. Giỗ của ai nữa đây? 

Ngà thò đầu vào phòng khách.  Một chiếc bàn lớn phủ khăn đỏ dựa vào lò sưởi, trên bàn có lư hương chân nến và tấm bản đồ Việt Nam đứng trên bệ lò sưởi.  Bố đứng nơi cửa patio đang “mời các bác vào chúng ta cử hành nghi lễ.”

Woa, woa.  “Các bác,” kể cả bố, mỗi “bác” một tấm áo vest khoác trên người nhưng không xỏ tay, lần lượt vào đứng đầy trước bàn thờ.  Bác Hoàng bước lên thắp hương, mọi người nghiêm trang khấn vái.  Rồi lễ, đại lễ, lên vai xuống gối.  Tản ra bàn uống trà bàn bạc rì rầm.  Ngà lủi vào bếp tìm mợ.  Bà thấy Ngà, cười cười nửa như thú vị nửa như mỉa mai châm biếm.  Ngà nhìn mợ,

_?????
_Giỗ tô..ô…ổ. 

Thấy Ngà liếc mắt ra phòng khách cách ái ngại, mợ cười một tiếng nhỏ rồi nói,

_Thì ông già muốn làm gì thì làm, mợ lo cơm nước cho các ông sẵn sàng thôi chứ không có hầu gì nữa cả. 

Bố chạy vào tất tưởi,
_Bà xem dọn bàn với chén đũa đủ chưa.
_Thì có gì cũng ở trên bàn cả rồi.
_Để con, mợ.
_Ừ, mày giúp mợ một tay.

Các ông bắt đầu rôm rả mời nhau, bố chạy ra chạy vào vẻ bận rộn thầm chút long trọng lại hơi bẽn lẽn trước cái chúm chím vẻ cười cợt của bà. 

Trà nước xong cũng gần 4 giờ chiều, “các bác” lần lượt ra về, trên hai vai lại khoác lên tấm áo vest không xỏ tay.  Ngà giúp bố thu dọn bàn và rửa bát.  Không thấy ông phủi tay sau bữa ăn như mọi lần mà cần mẫn quét nhà hút bụi vẻ rất “hợp tác.”

_Con ạ, hết lần giỗ tổ này có lẽ phải mời bác Hoàng đi chỗ khác chơi. 
_Sao vậy bố?
_Thì mới vừa đây ông ấy đưa ra lá thư gửi anh em bàn việc hoạt động.
_Thì sao chứ?
_Mà ổng dám ký “quốc trưởng…Hoàng.”
_Trời đất!!!
_Vậy nên mới phải tính chuyện xù ổng.

Nét mặt bố vương nỗi thất vọng bực mình.  Ngà thầm hỏi không biết nỗi thất vọng của ông với cái lộng ngôn của bác Hoàng lớn, hay nỗi thất vọng của Ngà lớn, khi Ngà thấy “các bác” bàn việc chống Cộng mà bác nào cũng khoác tấm áo y chang “bác Hồ” trước sân Ba Đình hay đâu đó chả biết mà Ngà vẫn hằng thấy trên phông khi qua các đường phố lúc còn tại quê nhà.  Ngà nghĩ cả bố và các bác đều không thấy cái nghịch lý khi rập lại hình ảnh của người mình muốn hạ bệ.  Dù tấm lòng thiết tha với quê nhà thì đầy ắp, nhưng cái bóng ma phong cách và ngôn ngữ của xã hội chủ nghĩa ngày đêm áp đặt lên mình như những vết mực lem hay những vết chàm trên thân thể tâm trí không dễ nhận ra để kịp thời xóa bỏ.  Như Ngà, Ngà vẫn hát những bài “cách mạng” rất thiết tha, bởi nó mang một phần tuổi trẻ của Ngà, những kỷ niệm với bạn bè thời mới lớn, những tình cảm mơ hồ loang như sương.  Cho dù chính kiến khác biệt vẫn như hàng rào kẽm gai không hề suy suyễn, Ngà vẫn thấy câu hát “rất dài và rất xa, là những ngày thương nhớ…” thực sự mang nỗi niềm lưu luyến, câu “anh lên xe trời đổ cơn mưa, cái gạt nước xua đi nỗi nhớ…” là nỗi ngậm ngùi rất thực của đôi lứa phải xa nhau. 

Nơi sở làm có những người chỉ vẽ, muốn “get along” phải “go along.”  Với xã hội sau 1975, người miền Nam nhất là lứa tuổi khờ khạo mới lớn khi phải đi cùng một đỗi đường dài với kẻ thù rồi cũng có lúc đồng cảm trên một số vấn đề thuộc tình cảm xã hội, và rồi cái chuyện cảm thông _get along_  nào có xa gì, như những giòng nước, khi nhập vào với một giòng khác cũng là khi nó đã rời luồng cũ để rồi lại phân rẽ đâu đó về sau.  Chính nơi phòng khách này đây khi Ngà và bố, hay đúng hơn là cả gia đình, dẫu đã sinh tử cùng nhau và mang một dấu ấn chung là tỵ nạn cộng sản, thì sự phân rẽ đã âm thầm ló dạng: bố không ngần ngại lao vào những việc liên kết với nhau làm một cái gì đó cho quê nhà, Ngà dẫu đồng thuận với bố lại xét nét nghi ngờ, và mợ cùng những người còn lại chỉ cười rằng chuyện tào lao.

Tấm thẻ xanh cồm cộm trong túi, Ngà nghĩ đến việc phải thi TOEFL, thi lấy bằng GED, vài tháng nữa phải làm đơn xin vào học trường đại học cộng đồng, và tháng 9 khi nhập học sẽ phải ra khỏi nhà này.  Những hạn định, ước mơ, toan tính… đời sống và tương lai của Ngà vẫn vật vờ như cọng giá bám hờ vào lớp đất mỏng trong lon sữa bò. 

Giá ấy có lớn được thành cây?

Lưu Na
11042015


No comments:

Post a Comment