Nguyễn
Thị Thanh Bình
Phùng Nguyễn & Nguyễn Thị Thanh Bình
Photo Phạm Cao Hoàng
Vâng,
tôi biết rất rõ câu trả lời chắc như bắp và môi cười nửa miệng hiền lành không
Don Juan đĩ thõa chút nào của anh: “Vì chuyện không thể khác được. Có gì đâu!”
Dường
như anh thích sử dụng câu nói huề vốn này, nhưng đó là chuyện lát nữa tôi sẽ nhắc
lại với anh sau. Nhắc lại cũng chỉ cho vui thôi mà. Lần cuối!
Bây
giờ tôi chỉ thấy có trời mới hiểu được tại sao anh lại quyết định làm một cú
“bye bye” trần gian, bằng một cái nhún vai gần như âm thầm tráo trở vào hôm ấy:
mười bảy tháng mười một năm hai ngàn mười lăm.
Phải
buổi trưa hôm ấy mới được thôi sao. Trong không gian quả là không thanh tịnh
chút nào của bệnh viện Mỹ “Adventist Hospital” đã vào trưa, ngầy ngậy những bước
chân dồn dập của những cô y tá tóc vàng mắt xanh và những mũi kim đau thấu trời.
Ở một nơi nằm trong một quận lỵ khá nhỏ, nên có lần anh bảo là “không khá được”.
Thì đúng là không-khá-được, khi anh đang có mặt ở đó mà người ta vẫn để anh sổng
đi bằng lối “exit” vần vũ lá bay hay mây bay cuối trời thế mới lạ.
Kể
ra cũng có chút gì xem ra không ổn thỏa và công bằng cho lắm, khi cô vợ nhỏ của
anh vừa hớn hở tưởng là anh đã OK và đến đón anh về ăn trưa mí nhau cơ mà. Tin
anh trốn thoát cuộc đời làm bạn bè bàng hoàng cứ tưởng như chuyện đùa, hay chỉ
là một trích đoạn trong một câu chuyện tưởng tượng sáng tạo của một nhà văn nào
đó.
Ơ
hay, không lẽ không còn một chọn lựa nào nữa để mà gây sốc trong lòng nhau
chăng. Đứng tim chứ không phải chỉ cố ý gây sốc không thôi. Có điều bạn bè đứng
tim thì còn được/bị hô hấp lại, còn anh đứng tim thì coi như mọi van tim đã hỏng,
và anh cần gì một chút thân xác đã quá mệt mỏi mà không nhẹ nhàng bay đi phải
không. Thôi thì cứ coi như vậy đi.
Đi
được vào giờ Ngọ, lúc mặt trời vừa đứng bóng lặng thầm giữa những tàn lá thu
rơi coi bộ khá lãng mạn, tôi ngờ rằng chuyến hành hương không định trước của
nhà văn Phùng Nguyễn bỗng có điều chi “lớn lao” hơn một hạt bụi. Một người tạm
gọi đã đi qua bể trầm luân cuộc đời cho dẫu không như một hành giả, một thiền
sư nhưng chí ít cũng đã để lại được dấu vết một chặng đường viết văn làm báo
xông xáo tài năng, trước khi bốc thoát bay đi như ẩn mật, bí mật của một hạt bụi
cuối thinh không.
Tiếc
là khi cõi văn Phùng Nguyễn càng ngày càng “bốc thoát” chính mình và khởi sắc
hơn trong mọi đề tài của thời đại chúng ta đang sống, nhất là đang không thể
không nhắc đến những sự kiện như thế và như thế bằng cách này cách khác. Khi
chúng ta đang thừa mứa tự do và không bị rào cản, không phải vậy sao.
Bài
viết cuối cùng “Mệnh Trời” của Phùng Nguyễn lồng trong một chút hội thoại phỏng
vấn, nhưng tổng thể được viết dưới dạng
một bài chính luận tâm bút. Như điềm báo không chỉ là thứ “mệnh trời” cho riêng
mỗi con người mà là con người Việt Nam trong chúng ta, và còn là những cảnh báo
con-đường-rồi-sẽ-đến của những kẻ ác. Để hơn bao giờ hết, chúng ta biết được giới
hạn của con người vốn bé nhỏ trước những bất lực bệnh tật già nua và không hề
có sự vĩnh cửu của quyền lực tham vọng nên điều còn lại mà tôi đọc thấy ở Phùng
Nguyễn chính là cái tâm hết sức chí tình với bằng hữu, với “tha nhân” quanh
mình để được làm người tử tế và đó cũng là những điều tôi muốn nhắc nhở thêm về
anh.
Đã
nói bọn nhà văn nhà thơ chúng tôi vốn có tâm đạo hiền lành. Tất cả cũng chỉ đến
với cuộc đời bằng một trái tim trong sáng, và văn chương cũng không ngoài mục
đích làm đẹp và phục vụ con người thế thôi. Bài chính luận “Bắt Trẻ Đồng Xanh”
của nhà văn Võ Phiến cũng đã viết với một tâm thể của một nhà văn chân chính và
một ngòi bút nhân bản, cốt đánh động vào lòng người nhiều hơn là lòng địch.
Còn
nhớ trong một bài phỏng vấn về “Những Suy Nghĩ Về Ngày 30/4” được người viết
bài này thực hiện với Phùng Nguyễn và rất nhiều bạn bè cầm bút khác, chính nhà
văn Phùng Nguyễn đã thổ lộ như sau: “Cám ơn đã sắp tôi vào nhóm những người cầm-bút-tử-tế.
Tôi nghĩ tiếp tục cầm bút một cách tử tế có thể tác động một cách tích cực lên
việc ‘băng bó viết thương chung’ của dân tộc.” Và có đoạn Phùng Nguyễn trả lời:
“Có những cái loa sẽ không bao giờ ngưng nghỉ việc phát ra tiếng ồn, đặc biệt
những vu khống nhằm bôi đen đối phương của mình. Những tuyên truyền láo khoét
mà tôi gọi là “nọc tôn văn hóa” này lâu ngày sẽ trở thành những thực tế lịch sử
không thể đảo ngược. Tôi cho rằng những vết nhơ văn hóa / lịch sử này cần phải
được lật tẩy và xóa bỏ.”
Vậy
đó, một nhà văn như anh đã không thể im lặng, và im lặng lắm khi chỉ sợ là đồng
lõa với những “vết nhơ” ấy. Điều này nếu có dịp chúng ta sẽ đi sâu vào những
bài tiểu luận nhận định của anh hơn.
Lúc
này thì tôi chỉ muốn trở về với tầng tháp (cổ) ký ức có anh và bạn bè trong những
buổi tiệc no lòng vì bàn bạc văn chương, hơn là ăn uống phủ phê. (xin mượn tạm
tựa đề Tháp Ký Ức rất ngộ nghĩnh của Phùng Nguyễn)
Tháp
Ký Ức được ráp lại mảnh cuối là lần gặp gỡ có những khuôn mặt mới gặp mà chừng
như thân quen kiếp nào của anh em Quán Văn. Nếu không, hà cớ chi nhà văn Nguyên
Minh đã có thể khóc nức nở khi nghe tin anh bỏ dở cuộc chơi văn chương còn dài
của chúng ta. Và nếu không, sao nhà văn Trương Văn Dân lại cảm tác ngay được
hình tượng chiếc lá thu phai vẫn còn đậm nét trong tâm tư, dù nhưng khoảnh khắc
gặp gỡ bên nhau có là bao!
Kỳ
thực “lũ” văn nghệ sĩ “đầu thai lầm thế kỷ” như chúng ta chắc chắn sẽ phải nắm
tay nhau tiếp tục cuộc hành trình đầy dự phóng sáng tạo. Viết, viết, viết và
không thể nào khác, như một tiêu phí thời gian một cách hữu hiệu và không chỉ
là một nhu cầu giải tỏa tâm lý ẩn ức của thời thế và thế thời phải thế, mà cầm
bằng khi nhà văn/nhà thơ ấy đi rồi, những dòng chữ sẽ để lại dù biết đâu phải đợi
đến ba trăm năm sau mới hay được ai là người khóc Tố Như, bạn nhỉ.
Coi
như Phùng Nguyễn đã bay, và bay khá cao. Chúng ta cũng chẳng cần cầu mong cho
nhà văn ấy một điều gì nữa cả, bởi rồi thì ai cũng phải tìm đến với một địa chỉ
mơ hồ như thế, sau khi đã hoàn thành mọi “sứ mệnh” mà cuộc đời hoặc chính mình
tự giao phó.
Phùng
Nguyễn đã ra đi quá nhanh, và có thể vẫn còn bỏ dở một vài dự định hoài bão
tương lai nào đó. Dự định thì chúng ta vốn có rất nhiều, nhưng thực hiện được
nhiều điều như Phùng Nguyễn đã làm tưởng cũng an ủi những biến bay dẫu bất ngờ
cũng là của một người coi như đã tạm xong hết những công việc phàm trần.
Hóa
ra vạt áo của thần chết chỉ quẹt ngang chúng ta, vào lúc chúng ta như chợt rơi
vào những cảm giác lơ đãng nhất.
Thảo
nào khi người đàn bà đi bên cạnh cuộc đời anh bỗng đến và bỗng không còn kiếm
ra chồng mình vừa có mặt nơi đây, mà đã lẩn khuất trong phút giây.
Trong
khi đó anh lại để cho thiên hạ tô son trét phấn, áo quần bảnh bao để làm gì, nếu
không là chuẩn bị đi dự dạ tiệc bù khú với đám văn nghệ sĩ cười vang dưới tầng
cuối địa ngục (hay tầng đầu thiên đàng?)
Chuyến
xe đò hiệu “Hoàng” đã mang nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đến với cuộc hẹn cùng anh
hôm nào hai người còn cười cười nói nói. Nhưng bây giờ cũng tưởng như ở một trạm
cuối, Quỳnh Loan của anh và bạn bè thân thiết vẫn còn tụ tập đông đảo nơi đây lại
phải tự hỏi chẳng lẽ chuyến xe cuối cùng đã về bến và mang anh đi thật rồi sao?
Rồi
sao và tại sao lại sớm sủa như thế. Không lẽ bằng bất cứ cách nào cũng như bất
cứ giá nào?
À
thì ra lúc này tôi mới hiểu câu trả lời rất ăn khớp với câu hỏi trong một trò
chơi “tại sao và tại vì” hôm nào của anh với tôi, và với cả bạn bè xung quanh.
Trò
chơi được đặt ra “chính bạn hại bạn” của tôi, giữa một đám bạn vui vẻ ồn ào ở
“hang động” nhà thơ Lê Bi.
Chúng
tôi chia ra hai phe, một bên của mỗi người sẽ đặt ra câu hỏi “Tại sao…” cho bất
cứ đề tài gì, và bên kia cũng sẽ có câu trả lời “Tại vì…”, được viết trên từng
tờ giấy nhỏ sẽ được xếp lại “bí mật”, và sẽ được đại diện của mỗi bên mở ra đọc
lên sau đó.
Nhóm
bạn hôm đó có đủ tham dự của những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học… như
Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc, Bùi Vĩnh Phúc, Lê Bi, Nguyễn Thị Ngọc Lan,
Nguyễn Thị Thanh Bình, Phùng Nguyễn…
Luật
chơi giao hẹn rõ ràng: nếu có hai vị nào đặt và trả lời thích hợp nhất sẽ phải
ôm nhau hôn một phát. Cũng may quên giao hẹn sẽ hôn kiểu gì (trong 36 kiểu?
Đùa!)
Câu
hỏi và câu trả lời được bầu chọn bất ngờ lại là của một nam và một nữ.
Cũng
không hiểu tại sao phút giây đó, tôi lại đưa ra một câu hỏi có vẻ ngây thơ cụ,
ngây thơ… vô số tội như thế: “Tại sao anh không lên nổi?”
Không
“ngụy biện” đâu, nhưng có lẽ vì có người vừa mới than thở, khi phải leo lên mấy
bậc thang thoai thoải của nhà Lê Bi. Câu hỏi không ngờ lại trúng phóc “tim đen”
Phùng Nguyễn.
Câu
trả lời của anh Phùng (sao lại đặt bút hiệu theo kiểu sắp tên của Mỹ, để viết
và yêu tiếng Việt: “Phùng Nguyễn” nhỉ? Quên hỏi rồi, tiếc chưa) lại trở nên
khít khao, ăn khớp với câu hỏi “tại sao” ấy của tôi.
Anh
Phùng Nguyễn: “Tại vì… chuyện không thể khác đi được!”
Vâng,
chuyện-không-thể-khác-đi-được! Chỉ có điều nhiều bạn bè hôm ấy, kể cả Nguyễn
Hưng Quốc bỗng biến thành “luật sư” biện hộ cho tội chạy làng của tôi để… giao
hẹn ban đầu được phá lệ trở thành một món nợ.
Cho
đến bây giờ tôi cũng chưa có ý đồ phải trả nợ đâu, nhất là trả nợ tình gần còn
chưa xong, ai dám trả nợ tình xa khi người đã thực sự đi rồi và đi quá xa(?)
Trời
ạ, sao nghe hỏa táng buồn quá. Ai sẽ bấm nút đưa Phùng Nguyễn vào chốn hỏa táng
và ai, hay một góc chùa sẽ giữ mãi những tro cốt, những cát bụi tàn tro rồi
thôi quên lãng?
“Lời
Cuối”, bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc. Xin nhờ Kim Tước hát ru Phùng Nguyễn đời
đời yên ngủ, như một lời tiễn biệt của bạn bè và những yêu dấu còn lại nơi đây:
Nguyễn
Thị Thanh Bình
No comments:
Post a Comment