Wednesday, November 12, 2014

XIÊM RIỆP



truyện ngắn Ý Nhi



    Bước ra khỏi cửa đền, chị nhìn thấy một người nằm dài dưới các bậc thềm, hai
tay đan nhau làm gối, mắt lim dim hướng lên ngọn tháp, nơi có khuôn mặt người đang
mỉm cười thanh thản và những họa tiết chạm khắc tinh vi trên đá. Thấy có bóng người
ngang qua, anh ta bật dậy, tay chắp lại trước ngực, cúi đầu, vẻ như xin lỗi về tư thế có
phần bất thường của mình.
    Chị bước vội, tránh những vũng nước nhỏ của cơn mưa đêm qua. Chị không có
nhiều thời gian. Sau hai ngày họp về một số vấn đề liên quan trong việc giáo dục trẻ vị
thành niên do Unessco tổ chức, chị chỉ có một ngày ở Xiêm Riệp. Người bạn Campuchia
đã vạch cho chị một chương trình tham quan khít khịt từng phút một. Chị phải chạy mới
có thể tạm đủ thời gian, người bạn nói, khi chia tay chị ở bậc thềm trước cửa hội trường.
Chị mua sẵn bánh mì, nước đóng chai và mấy trái chuối, để không tốn thời gian cho
những bữa ăn rồi lục tìm tiền lẻ mua cho đám trẻ bán dạo đang túm tụm dưới gốc bồ đề
lớn mấy bức bưu ảnh di tích Angkor, mấy chiếc vòng nhựa nhiều màu, mấy chiếc dây
đeo chìa khóa hình tháp rồi bứt khỏi chúng, trèo lên chiếc Tuk tuk đang đợi sẵn để đến
bảo tàng.
   22USD cho một vé. Chị cất cuống vé vào sổ tay ghi chép rồi đi men theo chiếc
cầu thang xoáy trôn ốc rộng rãi, sáng sủa, tinh tế. Đắm chìm trong vẻ đẹp của đền đài,
của cảnh trí, của những pho tượng Phật, những câu chuyện lịch sử...chị có cảm giác đang
đi lạc vào một nơi chốn kỳ lạ, một thế giớ huyền ảo, chìm trong làn ánh sáng âm âm
sương khói phủ che, miên man dẫn dắt. Cuối cùng, chị dừng lại chỗ trưng bày những bức
tranh Batik với vùng ánh sáng thực, chan hòa nắng hạ. Hầu hết các bức tranh đều vẽ
những cô gái với nét đẹp đặc trưng của vùng đông nam Á: da ngăm đen, mắt to, môi dày,
mặc những chiếc váy màu sặc sỡ, trông rất lạ. Giữa lúc người hướng dẫn viên đang giới
thiệu cho chị về nguồn gốc tên gọi Batik, về nghệ thuật thủ công truyền thống này, về các công đoạn bắt buộc phải trải qua, về các bức tranh làm theo phong cách Batik...thì có một người từ đâu đó đến nhập bọn. Anh ta hỏi, các sản phẩm Batik ở châu Á khác với châu Phi như thế nào. Nghe thấy một giọng Anh không thật Anh, chị tò mò quay lại, ngay lập tức nhận ra người đàn ông nằm dài trước đền. Chị mỉm cười gật đầu. Người đàn ông chắp tay trước ngực, khẽ cúi đầu đáp lại. Hơi ngạc nhiên về cách chào hỏi nhẹ nhàng, kín đáo, rất Campuchia của anh nhưng chị không hỏi, cũng không dừng lại. Chị còn quá ít thời gian. Vừa chạy xuống những bậc thang của bảo tàng chị vừa tự hỏi, làm sao mình lại nhận ra anh ta trong đám du khách đông đúc, đủ màu đủ vẻ ở thành phố nhỏ này nhỉ.
    Tại quầy bán đồ lưu niệm, chị tìm mua một chiếc lọ gốm làm bằng tay, khi nhớ
đến Vỹ. Mỗi khi có dịp đi xa Vỹ cũng thường mua những món quà nhỏ cho chị, lúc thì
chiếc túi, khi thì chiếc mũ, khi là chiếc vòng đá... Lần đi Ba Li vừa rồi anh đã mang về
một tấm vải Batik rất đẹp. Có thể vì vậy mà mình muốn tìm hiểu về nghệ thuật độc đáo
này, chị nghĩ thầm. Vỹ thì chỉ thích đồ gốm, nhất là những đồ gốm làm bằng tay. Các kỳ
nghỉ, anh dành gần hết thời gian lặn lội ra Thổ Hà, ra Bát Tràng, ra Hội An, ra Bàu Trúc
... để tìm mua sản phẩm gốm. Anh đặc biệt yêu làng gốm Bàu Trúc. Anh nói không thôi
về sự đơn chiếc, về sự không lặp lại, về dấu ấn của cá nhân trên mỗi sản phẩm. Vỹ bảo,
phải đến tận nơi đứng nhìn những người thợ nhào nặn đất, vuốt đất bằng tay, hoàn toàn
không có khuôn mẫu, không có bàn xoay... mới thấu hiểu hết vẻ đẹp mà họ tạo nên. Vỹ
có một cuốn album riêng chụp ảnh các nghệ nhân Bàu Trúc đang làm việc, ghi chú cẩn
thận từng tên người, từng công đoạn tạo nên sản phẩm. Vỹ đã mấy lần rủ chị đi Bàu Trúc
nhưng lúc người này rỗi thì người kia bận nên mãi mà vẫn chưa đi được. Nhà anh la liệt
đồ gốm. Chị cười, tiền của Vỹ biến thành đất hết cả. Vỹ không đáp, mắt chăm chú nhìn
hai chiếc bình có những vòng tròn treo hai bên như khuyên tai của phụ nữ vừa mua được
từ một cửa hàng gốm giữa lòng thành phố. Vỹ bảo, hình như người chủ cũng không quý
chúng, họ vất lăn lóc nơi góc nhà. Vỹ bảo, anh đã chạy ngang qua, không hiểu sao lại
quay lại, như có ai gọi mình vậy. Hai chiếc bình gọi Vỹ à, chị hỏi. Vỹ đáp, chính xác. Có
lúc chị nghĩ, ngoài mấy món đồ gốm ra hình như Vỹ chẳng quan tâm đến điều gì, đến
người nào.
    Chị vừa săm soi mấy chiếc lọ gốm vừa nghĩ ngợi về Vỹ. Rút cục thì mối quan hệ giữa
hai người là gì nhỉ. Là bạn, là đồng nghiệp thân thiết, là... Thôi, không nghĩ nữa. Chị đưa
chiếc bình gốm có hình đầu voi cho người bán hàng. Họ không sẵn tiền lẻ, lại không chịu
nhận đồng 2USD (mãi sau này chị mới biết người Khơmer coi đó là đồng tiền may mắn,
không dùng để mua bán), cô nhân viên phải chạy đi đâu đó lấy tiền trả lại nên khá mất
thời gian. Lúc chị bước ra khỏi bảo tàng thì đã quá trưa. Người lái xe tuk tuk quen, mang
bảng hiệu số 09 đã ngồi sẵn trên xe, ra hiệu chào chị. Chị đã chọn anh ta vì con số 9 yêu
thích. Người lái xe vui tính, hiểu về thành phố khá tường tận và sẵn lòng chiều khách, bất cứ đề nghị nào cũng được ok với một nụ cười hiền hòa.
   Chị vừa gặm bánh mì vừa liếc nhìn đồng hồ. Chỉ còn 4 tiếng. Chị có một cái hẹn
xem múa Apsara trong thành phố vào lúc 18 giờ. Chị hỏi, chừng ấy thời gian có kịp đến
núi Ku Len không. Người lái xe cười, đường ngắn mà, chỉ chưa tới 50 km. Đến thì không
vấn đề, chỉ sợ không đủ thời gian lên chùa Pang Thom. Đã đến Xiêm Riệp, không thể
không đến KuLen. Đã đến KuLen không thể không lên chùa. Chùa thiêng lắm. Đó là nơi
dân chúng tôi đi hành hương ai cầu xin điều gì cũng được như ý. Chị bảo, thật sao, tôi chỉ dám xin một điều thôi, rồi thúc dục người lái xe, cứ đi đi rồi tính. Ở Việt Nam chúng tôi có câu: Nước tới đâu bắc cầu tới đó. Chị đang tìm cách giải thích câu thành ngữ cho dễ hiểu thì người lái xe cười lớn, tôi còn biết câu Liệu cơm gắp mắm nữa. Anh ta bảo do một du khách Việt Nam dạy cho. Chị cười thầm. Biết đâu vị khách đó chẳng là Vỹ. Vỹ thuộc nhiều ca dao, tục ngữ Việt, chuyển ngữ rất uyển chuyển, hợp tình hợp cảnh khi giao dịch với khách nước ngoài. Mình bị nhiễm thói quen dùng ca dao tục ngữ từ lúc nào nhỉ. Chị lắc lắc đầu, xua đi những suy nghĩ mung lung rồi ra dấu nhắc người lái xe nhanh hơn một chút vì trời bỗng dưng sầm xuống. Các xe tuk tuk chạy ngược lại đã thấy che rèm hai bên để chắn gió.
   Đến Ku Len thì trời bắt đầu mưa. Mưa nhỏ, kiểu như mưa xuân ở Hà Nội. Chị hỏi
người lái xe, bây giờ có còn mìn trên đường không. Anh ta lắc đầu, mấy năm trước thôi,
từ mươi năm nay có đường mới nên nói chung là ổn rồi. Chị quyết định đi ngay, được
đoạn nào hay đoạn đó. Vỹ gọi chị là kẻ tham công tiếc việc, lúc nào cũng tất bật, đi như
ma đuổi, làm như trâu vùi. Rồi anh dài giọng, chậm lại, chậm lại, chậm lại. Chị đỏ mặt,
thì tôi chẳng chậm như rùa đấy thôi. Vỹ không hiểu câu đùa (hay cố tỏ ra không hiểu)
vẫn chúi đầu vào bản tin trục vớt đồ gốm từ con tàu đắm tại Bình Sơn, Quảng Ngãi. Thế
nhưng chị vừa đứng dậy, Vỹ đã vội vã ngăn lại, khoan, đợi một chút, xem hết bản tin rồi
mình đi ăn tối. Tôi vừa “tăm” được một chỗ cực hay. Tay chủ quán cũng mê gốm. Chị
thở dài, trong đầu óc tay này có những chỗ thật u tối. Rồi lại nghĩ, hay đầu óc mình có chỗ u tối nhỉ. Cô bạn thân từ hồi học cấp hai, chả mắng mình thuộc loại “ngu lâu khó đào tạo” đấy thôi. Chị bật cười. Người lái xe dặn với theo, đường trơn đấy. Chị quay lại, ra dấu cám ơn rồi trùm chiếc khăn mỏng lên đầu, quày quả bước đi.
   Mới đi một quãng ngắn mưa đã nặng hạt. Người ta ùn ùn quay lại chỗ các hàng
quán dưới chân núi, chỉ mình chị cố đi tiếp vì nghe thấy tiếng kèn, tiếng trống ở đâu đó.
Hóa ra, ngay sát chỗ chị đứng, có một túp lều che bằng vải bạt. Trong lều, một nhóm
người đang chơi nhạc với các nhạc cụ dân tộc. Dưới gốc cây lớn, bóng tỏa xum xuê có
mấy băng ghế gỗ đơn sơ và một người đang chăm chú lắng nghe. Chị nhẹ nhàng ngồi
xuống bên cạnh, cố không làm gián đoạn mọi việc. Giai điệu các bản nhạc đơn giản, có
lẽ đó là các bài dân ca quen thuộc của người Khmer. Sau mỗi bản nhạc ngắn, họ dừng lại
như chờ đợi. Người đàn ông vỗ tay, những người chơi nhạc vỗ tay đáp lễ, rồi một người
đàn ông mù đưa những chiếc CD ra chào bán. Sau khi nghe vài bản nhạc, chị cũng vỗ tay theo. Người đàn ông quay lại. Chị suýt kêu lên vì quá ngạc nhiên. Vẫn là anh chàng gặp trước đền Bayon và trong bảo tàng. Anh ta nói, giọng điềm nhiên như thể cuộc gặp của hai người bạn vậy, họ chơi hay quá, tôi không bỏ đi được. Rồi nói thêm, chắc chị biết, đây là những người đã bị sát thương vì mìn. Ngày trước khu vực này mìn nhiều lắm, dân bị vấp mìn hàng ngày. Quả thực, những người này đã chọn một cách kiếm sống thật sự đẹp. Anh mua 3 chiếc CD của nhóm nhạc, nói là sẽ tặng cho mẹ, cho một người bạn thân và tặng chị, người đang cùng nghe nhạc. Trên tay anh chị còn nhìn thấy cuốn Survivor
(Sống sót) của Chum Mey- một người may mắn thoát chết trong trại tù của Khơmer đỏ, là nhân chứng sống tại Bảo tang Diệt chủng Toul Sleng- vốn là một nhà tù, nơi giết hại hàng ngàn người vô tội. (Chị cũng vừa được tặng cuốn này trong hội nghị và đang mong có cơ hội gặp gỡ Chum Mey). Chị phân vân một chút rồi nhận món quà, tự nhiên nhớ ra đã hơn một lần mong Vỹ tặng cho mình một cuốn sách, một CD âm nhạc hơn là một lọ nước hoa, một chiếc túi xách... 
   Mưa mỗi lúc một to. Chỗ ngồi của họ đã bắt đầu ướt. Anh ta hỏi, chị định lên núi
sao. Chị gật đầu, hy vọng có một người bạn đường nhưng anh ta quả quyết, sẽ rất nguy
hiểm. Chị bảo, mai tôi phải rời đi rồi. Anh ta đáp, thì một ngày khác, một tháng khác,
một năm khác. Chúng ta có biết bao cơ hội. Chị đừng vội. Lại cái giọng của Vỹ đây, chị
nghĩ thầm khi quay trở lại chỗ bãi xe. Anh ta cho biết phải vội về Xiêm Riệp vì có
chương trình buổi tối ở đó. Thấy anh ta loay hoay đi tìm xe bus, chị mời anh cùng đi xe
tuk tuk với mình. Ngay lập tức, anh và người tài xế, như hai người bạn, trò chuyện sôi
nổi về giá cả, về thuế khóa, về mùa màng, về bầu cử.... Thấy chị có vẻ ngạc nhiên, anh
bảo, trong vòng mươi năm nay, năm nào tôi cũng đến nơi này. Ngắn nhất thì cũng vài
tuần lễ. Mà lần nào cũng tranh thủ đến Ku Len và xem múa Apsara. Tôi bị nghiện rồi.
Chị hỏi, anh đi du lịch à. Anh xua tay, không, tôi đâu phải triệu phú, tỷ phú. Tôi chỉ là
nhân viên của một tổ chức thiện nguyện thôi. Tôi cũng đã đến quê chị, chỗ những người
Stieng ấy. Bình Phước, chị hỏi. Anh đáp, đúng vậy. Tôi đã uống rượu cần, đã nghe họ
đánh chiêng, đã chụp rất nhiều ảnh các ngôi nhà Dài, nhà Ngắn, đã xem họ thả diều, đã
dự lễ cầu mưa, đã mua về một ít vòng chuỗi, hoa tai...Lần sau tôi sẽ đi Lâm Đồng, Đồng
Nai và tìm hiểu tộc Stieng tại đây. Người lái xe quay lại, ở Campuchia ư. Người đàn ông
bảo, vâng, có tài liệu nói vậy nhưng chưa xác định được nơi ở chính xác của họ. Thế ông
có thể giúp gì cho họ. Người đàn ông tư lự, cũng không có chi nhiều. Tôi lấy tư liệu về
báo cáo để tổ chức thiện nguyện có kế hoạch tài chính giúp họ khôi phục, gìn giữ bản sắc văn hóa, giúp đỡ họ xây trường học, trạm y tế...Chị chen vào, vậy là nhiều đấy chứ. Rồi không hiểu sao lại hỏi, anh giao dịch với họ bằng cách nào. Anh ta cười, thường thì có phiên dịch, đôi khi phải tự xoay xở, người ta vẫn gọi là ngôn ngữ body ấy. Người lái xe cũng cười góp chuyện, có khi cách đó lại hiệu quả nhất. Anh phẩy phẩy tay ra dấu cho xe chạy nhanh hơn một chút, người lái xe tăng tốc ngay. Thật hiệu quả, chị nghĩ.
   Họ về đến trước Angkor Museum thì đã 17 giờ 30. Cuộc chia tay vội vã. Người
đàn ông nói khi đến Việt Nam sẽ tìm chị. Chị nói cám ơn, hẹn gặp lại rồi bước đi, thấy
lòng có chút gì như sự bùi ngùi, quyến luyến, quay lại, người đàn ông vẫn còn đứng
nguyên chỗ cũ, đưa tay vẫy. Hình như còn kêu to lên một câu gì.
    Xếp gọn hành lý vào chiếc va-li nhỏ, thay quần áo, nhìn qua gương mặt mình
trong gương rồi chạy xuống cầu thang, gửi chìa khóa ở phòng tiếp tân, hẹn sẽ quay về
khoảng 22 giờ, chị bước ra phố, có ý tìm chiếc tuk tuk quen mà không thấy. Lúc chiều
quên hẹn. Có thể anh ta nghĩ chị đã kết thúc chuyến du ngoạn ngắn ngủi chăng. Vậy mà
vừa bước vài bước dọc hè phố, chiếc xe đã đỗ xịch trước mặt. Anh ta cười, tôi không bao giờ quên lịch tham quan của du khách. Họ làm du lịch xịn thật, chị nghĩ.
   Chị hơi ngạc nhiên khi thấy nơi có sân khấu múa Apsara cũng chính là nơi người
ta có thể ăn tối theo kiểu buffet. Còn sớm. Ở sảnh ngoài, mọi người lui tới tìm đĩa bát thìa đũa và đi vòng vòng quanh các bàn bày thức ăn, thức uống. Mãi đến lúc này chị mới thấy đói sau một ngày xuôi ngược. Chị lấy ít cơm chiên và ít rau rồi tìm một chỗ ngồi gần sân khấu. Trên sân khấu, các nhạc công đã ngồi sẵn nhưng có vẻ như buổi diễn còn lâu mới bắt đầu vì còn đợi khách. Cảm thấy có ai đó vừa ngồi xuống trước mặt nhưng chỉ đến khi đứng dậy định đi lấy ít trái cây và nước uống chị mới nhận ra anh. Anh ngồi chống cằm, hơi mỉm cười chào chị. Chị nhìn sững người đàn ông như thể anh vừa mọc từ đất lên vậy, mãi một lúc mới lắp bắp, anh cũng đến đây sao. Anh hỏi, tôi có làm phiền chị không. Không sao, không sao, chị vừa trả lời vừa đứng dậy, vẻ muốn rời đi. Anh bảo, chị để tôi giúp rồi đi nhanh về phía quầy thực phẩm, lát sau quay lại, đặt trước chị một đĩa trái cây và một ly nước tinh khiết lớn. Chị lí nhí cám ơn, tự nhiên muốn òa khóc.
    Tháng trước, cô bạn rủ đi coi thầy. Từ chối không được, chị đành đi cùng nhưng
tuyên bố chỉ ngồi “chầu rìa”, không tham dự. Cô bạn đang có chuyện trục trặc tình duyên chi đó, cứ hỏi thầy những câu rất ngớ ngẩn, kiểu như, người có nốt ruồi trên chân mày trái có hợp không, người tuổi tỵ có tốt không, người giọng thổ thì sao, đặt gương ở phòng khách có hại gì không, tường nên quét sơn xanh hay sơn vàng, nên dùng bếp gaz loại nổi hay loại âm, tháng này có đổi máy giặt được không... Chị nhịn không được, cười phá lên thì bị thầy mắng, cười cái gì, lo thân cô đi. Nói cho cô biết, tháng tới cô sẽ gặp người ấy. Nếu trong một ngày, cô gặp người đó 4 lần thì đích thị người đó là người của cô. Chị không dám cười nữa, bỏ ra ngoài nhìn mấy cái cây còi cọc chỗ góc sân nhà thầy để đợi bạn, lẩm bẩm, gặp 4 lần trong một ngày thì ăn nhằm gì. Một ngày mình gặp Vỹ mấy lần nhỉ, 3,4,5,7, thậm chí còn nhiều hơn ấy chứ. Cô bạn trở ra, không hiểu đã lĩnh hội được  những gì mà mặt mày tươi tỉnh, đưa tay dứ dứ trước mặt chị, bà nhớ nhé, tháng sau đấy, bốn lần đấy. Rồi hai người kéo nhau đi ăn lẩu mắm, vừa ăn vừa xuýt xoa, nước mắt ràn rụa. Chị đã quên lời phán của thầy, chính xác là đã không để tâm đến điều đó. Vậy mà...
   Họ ngồi im lặng, chìm mình trong tiếng nhạc, trong vũ điệu uyển chuyển, chậm
rãi, huyền hoặc của những nàng tiên cho đến khi buổi diễn kết thúc. Anh mời chị lên
sân khấu cùng các diễn viên để anh xin một bức ảnh kỷ niệm. Anh bảo, ngày mai tôi
cũng rời khỏi đây, ta có thể uống cùng nhau một ly café không. Chị đáp, pourquoi pas
(tại sao không ). Anh quay lại, sao chị biết tôi là người Pháp. Chị cười, vì cách nói tiếng
Anh của anh. Do công việc, tôi có nhiều dịp làm việc với các chuyên gia người Pháp
bằng tiếng Anh nên rất quen với kiểu phát âm của họ. Anh đáp, giọng chùng xuống, chị
chỉ đúng một phần thôi. Cha mẹ tôi người Croatia. Chị bảo, tôi biết một người Croatia rất
nổi tiếng tên là Davor Suker. Anh đáp, giọng vẫn tư lự, không hiểu sao cái xứ sở nhỏ bé
của tôi lại sinh ra được những con người tài ba đến vậy. Cha mẹ tôi yêu Croatia lắm, họ
thường kể cho chúng tôi về bờ biển Adriatic, về thành phố Split, về cung điện Diocletian,
về những hòn đảo, về các món ăn...Họ bảo Croatia là nơi đẹp nhất trên thế gian này.Vậy
mà họ đã phải ra đi. Cha mẹ tôi sinh tôi ở Pháp. Tôi là một người Pháp, gốc Croatia. Một
người sống trên quê hương mình sẽ không hiểu được chữ gốc này là như thế nào. Nó
ghê gớm lắm, nó níu giữ linh hồn mình. Có lẽ vì vậy mà tôi yêu những đất nước nhỏ bé,
những xứ sở nghèo khó, những mảnh đất chịu nhiều tai ương...Và, dễ gần gũi hơn với
cư dân những nơi ấy phải không, chị hỏi, có ý trêu đùa nhưng anh trả lời nghiêm trang,
vâng, tôi cũng nghĩ vậy rồi vẫn mải mê với những suy nghĩ của mình, chậm rãi bước, như
quên có người bên cạnh, trên con đường đã thưa thớt khách bộ hành.
    Đã đi qua rất nhiều quán café nhưng chị không dám mở lời, sợ phiền anh. Họ cứ
đi như thế, im lặng bên cạnh nhau, cho đến khi anh sực tỉnh, xin lỗi chị. Anh nhìn đồng
hồ, 23 giờ rồi, để tôi gọi xe đưa chị về. Chị xua tay, khách sạn của tôi ngay kia rồi, đi bộ
cũng được. Anh hỏi, mai chị bay chuyến mấy giờ. Chị nhìn người đàn ông, lòng chợt xao
xuyến, tôi bay trễ, anh đừng lo.Vẫn còn thời gian cho một ly café đấy. Anh cười, vâng,
tôi vô duyên quá, quên cả việc mình muốn làm.
    Quán café nhỏ, chỉ còn vài nhóm người ngồi ở góc xa. Anh vừa bước vào đã giơ
tay chào một người ngồi bên cửa sổ. Anh quay sang chị, anh ấy là người giúp tôi trong
công việc ở đây. Người khách bước lại bắt tay anh, hơi cúi người chào chị rồi hỏi, chị
Nina có khỏe không. Anh đáp, khỏe, cô ấy đã sang Bỉ rồi. Người khách cười cười, mới
đó mà đã mỗi người một phương trời. Thôi, tôi xin phép, ngồi cả buổi tối ở đây rồi. Hẹn
gặp lại.
    Anh gọi café đen cho mình và cafe sữa cho chị rồi quay sang, Nina là vợ
cũ của tôi. Hồi trước cô ấy cùng tôi đến đây. Cô ấy cũng yêu nơi này lắm. Nhưng cũng
như nhiều phụ nữ, cô ấy cần sự yên ổn mà tôi thì cứ rày đây mai đó, chẳng lúc nào yên.
Cô ấy bảo, thời gian phiêu lưu của cô ấy hết rồi. Với tôi, những chuyến đi không phải là
những cuộc phiêu lưu. Chắc chẳng ai có thể chia sẻ cuộc sống bất ổn này với tôi. Chị
không đáp, lặng nhìn đôi mắt màu xám sẫm trên gương mặt nghiêm trang và có phần mệt
mỏi của anh. Hình như đây là lần đầu tiên chị nhìn thẳng vào khuôn mặt này, lạ, nhưng
không có cảm giác xa lạ. Thoáng qua trong chị khuôn mặt điển trai, trắng trẻo của Vỹ.
    Họ uống cạn phần café của mình mà không ai nói gì thêm cho đến lúc chị về khách sạn.
    Tạm biệt, anh nói. Chị đáp, một ngày thật ngắn, rồi bước vào sảnh khách sạn, không
ngoái lại. Sáng hôm sau chị nhận được từ quầy lễ tân một cuốn sách của anh gửi lại, cuốn The Music of Chance của Paul Auster. Chị đã đọc bản tiếng Việt của Trịnh Lữ, với tựa đề Nhạc đời may rủi. Trước đó ít lâu là Trần trụi với văn chương và mới gần đây là Người trong bóng tối của tác giả này, cũng do Trịnh Lữ chuyển ngữ. Chị đã thầm cám ơn ông dịch giả thông tuệ vì sự lựa chọn của ông khi giới thiệu Paul Auster cho độc giả Việt.
    Cha mẹ là những giáo viên dạy văn tại một trường cấp 3 nên nhà chị có một tủ sách văn học khá lớn và chị đọc sách từ rất sớm. Khi cha mẹ mất, mỗi lần chuyển chỗ ở, chị lại lo đem toàn bộ số sách theo đến nơi ở mới. Hồi nhỏ chị vừa đọc sách vừa hình dung về những nhà văn viết nên chúng. Mỗi người mỗi vẻ, ai cũng đẹp, ai cũng khác biệt. Vậy mà khi gặp trực tiếp một nhà thơ chị từng hâm mộ thì mọi việc lại khác hẳn. Trong tiệc cưới của người chú, cha chị bảo, người ngồi đối diện với con là nhà thơ K đấy. Chị nhìn ông, một người gầy nhẵng, tóc cắt ngắn, áo sơ mi màu xám nhạt, đang trò chuyện vui vẻ với người bên cạnh. Chẳng có gì khác thường, cô bé hơi thất vọng. Không biết bố chị đã nói gì với K mà lúc tan tiệc, ông cúi xuống bên chị, cúi rất thấp, ngang tầm với cô bé rồi nói nhỏ, chỉ nên đọc thơ chứ đừng gặp nhà thơ cháu ạ. Nhiều năm sau, khi đã trưởng thành, chị vẫn nhớ đến giọng nói nhỏ nhẹ của ông, lời dặn dò hóm hỉnh của ông. Bản tiếng Anh Music of Chance trình bày khá đơn giản, chỉ có mấy vệt màu vàng, đen, nâu, trên nền trắng, tên tác giả và tác phẩm được viết rất nhỏ. Ở trang bìa lót của cuốn sách, chị nhìn thấy dòng chữ: Xiêm Riệp một ngày thật dài. HM (Hậu duệ của Henri Mouhot-người tìm thấy Angkor. Nếu không, sao tôi lại yêu nơi này đến vậy). Đây là lần đầu chị biết tên anh. Hai người không hỏi tên nhau trong những lần gặp gỡ. Chị tự hỏi, anh không biết nghề nghiệp, không biết tuổi tác, không biết nơi ăn chốn ở của chị, vì sao anh lại biết rằng chị thường đọc sách văn học và Paul Auster là một trong những tác giả mà chị yêu thích.
   Hay đơn giản chỉ vì anh không có cuốn sách nào khác, không có món quà nào khác trong va li của mình, ngoài cuốn sách này. Dù gì thì cũng là một bí ẩn khôn lường, chị chợt nhớ tới mấy chữ Trịnh Lữ dùng để nói về công việc của nhà văn, trong lời giới thiệu tác phẩm Trần trụi với văn chương. Trong cuốn sổ ghi chép của mình, chị đã ghi lại một số câu trong sách của Paul Auster ( chị viết tắt PA) như: Ai cũng có một người giống hệt mình ở đâu đó ...: Bất cứ cái gì chúng ta chạm tới- mọi thứ trên thế gian này đều có màu sắc riêng biệt của chúng ... Đồ vật, những vật vô tri, có thể diễn đạt tình cảm của con người...Chạy trốn vào một bộ phim khác với chạy trốn vào một cuốn sách. Sách bắt buộc ta phải có đi có lại với chúng, phải động não, phải tưởng tượng, trong khi ta có thể xem phim-thậm chí thích thú với nó-mà tâm trí vẫn hoàn toàn thụ động....Không có một thực tại duy nhất...không có một thế giới duy nhất mà có nhiều thế giới và chúng tồn tại song hành với nhau, thế giới và phản thế giới, thế giới và bóng thế giới và thế giới nào cũng được mơ hoặc tưởng tượng hoặc viết ra bởi một người nào đó ở một thế giới khác... thế giới kỳ dị này vẫn trôi lăn tiếp tục...Có lần tình cờ nhìn thấy, Vỹ kêu toáng lên, cái gì thế này. Đọc đi đọc lại mà chẳng hiểu chút gì. Chị giằng lấy cuốn sổ, đặt mạnh xuống bàn, chẳng nói chẳng rằng, chợt thấy Vỹ sao mà xa cách. Chị đã vào mạng để tìm đọc về ông. Bức ảnh chị thấy gần gũi nhất là bức PA xòe tay ôm khuôn mặt, vẻ đăm chiêu như đang nhớ tới một điều gì hoặc đang mơ một thế giới nào đó.
   Chị về nhà lúc 20 giờ thứ 6. Nghĩ mình có thêm hai ngày nghỉ, thấy lòng nhẹ nhõm. Sẽ có hai ngày để nhớ lại mọi điều xảy ra trong một ngày. Sẽ có hai ngày chắc chắn chưa gặp Vỹ. Chị chưa có tâm trạng để bắt đầu công việc, bắt đầu những gặp gỡ. 
  Trong hộp thư, thư phủ đầy màn hình. Chị lướt qua các tên người gửi, thấy có thư của Vỹ, của em gái và một lô những thư thăm hỏi, trao đổi này khác như  thường lệ, trong đó có mấy thư của ai đó chuyên gửi các đường link tải nhạc, và dừng lại ở một địa chỉ lạ ...@yahoo.fr. Chắc chắn của HM. Chị bắt đầu đọc thư em gái. Không có chi khẩn thiết, chỉ là những thông tin gia đình. Cha mẹ mất sớm, hai chị em vừa đi học vừa đi làm. Sau khi chị tốt nghiệp, muốn em học tiếp thì nó rẽ ngang đi lấy chồng, theo chồng về trồng cà-phê trên cao nguyên. Xem báo, xem TV chị thường để ý đến giá cà- phê và tất cả những gì liên quan đến cà-phe như thời tiết, giống cây, thuốc trừ sâu, phân bón...khiến Vỹ buồn cười, đôi khi bực mình. Em gái thì chỉ nhắc đi nhắc lại chuyên chồng con của bà chị. Rồi, chị bảo, năm nay nhé. Thế rồi hết năm này đến năm khác qua đi, nó đâm chán, chẳng nói nữa. Bức thư này chỉ báo tin sắp có em bé. Nếu chị kể chuyện gặp gỡ ở Xiêm Riệp với nó, nó sẽ phảy tay, tào lao. Thư của Vỹ viết từ lúc chị còn lang thang trên núi Ku Len: Đến TSN mấy giờ, có cần đón không. Chị mở hết các bức thư, đọc lướt qua nội dung, delete các bức thư gửi đường link tải nhạc (không biết của ai 
tại sao laị gửi cho mình) nhưng không mở thư của HM. Thường mỗi khi sắp nghĩ ra một
điều gì thú vị, một ý tưởng mới, chị bèn gác lại đó, bỏ đi nơi này nơi khác, làm việc này
việc nọ rồi mới quay lại. Cảm giác lúc đó rất lạ, mọi thứ đều phấp phỏng, mơ hồ trong
một nỗi vui dường như không nguyên cớ. Chị đóng máy rồi chạy xe đến chỗ cô bạn. Cô
ta đang nằm dài trên giường đọc truyện trinh thám, ngồi nhổm dậy, có gì vui à. Nhìn mặt,
biết là có hỷ sự. Thế mà, nghe chưa hết chuyện, cô ta đã té tát, dẹp cái trò lãng mạn vớ
vẩn của bà đi. Hồi nhỏ thì mê ông Andrei trong phim Chiến tranh và Hòa bình, cắt bao
nhiêu ảnh của ông ta dán đầy vào vở, bị cô giáo mắng cho. Lớn chút nữa thì mê cha
Ral, đi xem Tiếng chim hót trong bụi mận gai đến bảy lần. Tóm lại, từ hồi tôi quen bà, bà
toàn mê người trong phim thôi. Bà bao nhiêu tuổi rồi mà còn ngớ ngẩn vậy. Đàn ông, có
dịp tán tỉnh thì họ đâu có bỏ qua, mất gì lời nói. Vài câu vẩn vơ vơ vẩn đã xiêu lòng. Đặt
chân xuống đất đi cho con nhờ. Thế mà cũng đòi là nhà tâm lý cơ đấy. Cô ta dừng lại,
như để lấy hơi rồi bất chợt tuôn ra lời kết luận, những việc gì gì thì già lụ khụ mà chuyện
tình cảm thì như đứa lên ba. Chị chống trả có phần yếu ớt, nhưng đây là người thật, mà
có tán tỉnh gì đâu, lại còn đúng như lời thầy phán. Bạn hét lên, quên đi, sai toe sai toét bà
ơi. Tếch đi với đám khác từ bảy đời. Rồi vừa tấm tức khóc vừa lôi tay chị, ra phố đi. Tôi
đã nghiệm ra ẩm thực có vai trò đặc biệt trong việc giải sầu đó.
    Chị về nhà đã hơn 22 giờ. Chị mở túi xách, lấy cuốn sách và CD âm nhạc Khomer đặt lên giá sách. Mở va-li, lấy chiếc lọ gốm mua cho Vỹ đặt lên bàn, cạnh chiếc túi đi làm. Mọi việc được làm một cách cẩn trọng, nhẹ nhàng y như chuẩn bị cho một nghi lễ vậy. Chị mở sách, đọc mấy dòng nhưng đọc đến vài lần mà chữ vẫn không vào đầu.
    Không lần lữa được nữa, chị quyết định mở hộp thư. Trong hộp thư có một thư mới của Vỹ. Tối đi ăn phở Dần nhé. Thư viết lúc chị và cô bạn đang ăn bún đậu mắm tôm. Bún đậu, mắm tôm. Cả thành phố nhào đi ăn bún đậu, mắm tôm. Phố nào, ngõ nào cũng có bún đậu mắm tôm. Nhà hàng sang, quán nhỏ, quán vỉa hè đều có bún đậu mắm tôm. 
    Người giàu ăn một phần vài trăm ngàn. Kẻ nghèo ăn một suất vài chục ngàn. Nhưng dứt khoát là phải bún đậu mắm tôm. Cô bạn của chị coi trọng Mode. Quần áo, giày dép, đầu tóc, ăn uống đều in fashion. Lúc thì nhao nhao theo thiên hạ đi ăn bún cá rô đồng, khi lại ào ào ăn bánh đa cua, lúc lại rủ rê ăn lẩu nấm...Chị bị lôi vào cuộc một cách thụ động, bị bạn chê, bà cái gì cũng lỗi mốt, cái gì cũng đi sau thiên hạ. Chị viết trả lời Vỹ, còn mệt quá. Đầu tuần đi làm gặp nhé. Có quà Xiêm Riệp đấy.
   Thư của HM chỉ vỏn vẹn mấy dòng: Chị biết không, buổi sáng ở đền Bayon tôi đã được một ông thầy ngồi trong ngôi tháp tối om phán rằng tôi sẽ có một ngày tuyệt vời ở Xiêm Riệp. Tôi nghĩ ông thầy thật giỏi. Có dịp trở lại, tôi sẽ đến trả ơn thầy. Anh gửi kèm một tài liệu về người Stieng dài khoảng mươi trang. Bài viết ngắn nhưng đã khái quát khá đầy đủ về lịch sử, điều kiện địa lý, đời sống văn hóa, các tập tục, hiện tình của họ và những yêu cầu cụ thể cho cuộc sống hiện tại ... Người Stieng, người Stieng...chị tì cằm trên hai bàn tay xòe rộng ôm lấy khuôn mặt theo thói quen mỗi lần có chuyện cần nghĩ ngợi, vừa lẩm nhẩm mấy tiếng đó vừa cố hình dung khuôn mặt, vóc dáng, giọng nói, tiếng cười của HM nhưng mọi thứ đều mờ nhòe, các đường nét, các âm thanh thoắt hiện, thoắt biến, không sao nắm giữ được. Thôi, đi ngủ. Ngủ là giải pháp tốiưu vào lúc này, chị bật nói, nghe rõ giọng nói run run của mình trong đêm vắng. Khi di chuột đóng máy, chị nhận ra còn một attach files nữa. Chị không hiểu sao mình lại quên phần đính kèm này. Đó là bức ảnh chụp chị trong đêm Apsara. Trong ảnh, bên phải chị là một cô bé mặc váy hồng, chiếc nơ to trên tóc cũng màu hồng, bên trái là cô vũ nữ mặc áovàng. Cô vũ nữ này có lẽ là nhân vật chính của đêm diễn, cô có tiết mục solo và thường đứng ở vị trí trung tâm trong các điệu múa đông người. Giữa những vũ công áo quần,phấn son rực rỡ và những người hâm mộ đứng chật sân khấu, trông chị có vẻ đăm chiêu, mắt nhìn thẳng, không cười. Chị nhớ lúc ấy anh mặc áo thun màu nâu, cổ quàng chiếc khăn rằn của người Khmer, ngồi giữa rất nhiều người đang đưa máy ảnh lên cao. Hình như không lúc nào chiếc khăn rằn rời xa anh, chị nhớ lại. Chiếc khăn tựa như một luồng sáng vừa bật lên soi rọi hình ảnh người đàn ông cao, gầy, mặc áo thun nâu, cổ choàng tấm khăn ca rô đen trắng có khuôn mặt rám nắng luôn phảng phất nét cười hồn hậu và đôi mắt màu xám sẫm ưu tư. Nhưng chị chưa kịp lưu giữ thì hình ảnh đó đã tan biến trong khoảng không của tâm thức, không cách chi níu lại được.
   Trong giấc ngủ, chị thấy một người phụ nữ mặc váy áo dân tộc Stieng, đeo rất nhiều vòng chuỗi, ngồi trên một mỏm đá bên sườn đồi thưa thớt cây, hát đi hát lại câu hát ru: ngủ hỡi, ngủ đi để thành người khôn, ngủ hỡi ngủ đi để thành người khôn...Lời ru lúc gần lúc xa, khi rõ ràng khi lả đi trong gió. Chị nghĩ đó là mẹ mình. Chị muốn chạy tới, muốn gọi bà nhưng bà đã lặng lẽ rời xa, trên sườn đồi thưa cây chỉ còn lại mỏm đá trơ vơ và âm điệu lời ru ngân nga dịu dàng khi ngày xuống.
SG tháng 7 mưa/2013.
Ý Nhi

No comments:

Post a Comment