Nguyễn
Xuân Thiệp
Một lần nọ lang thang
trên lưới, người viết tình cờ được trông thấy ngôi mộ của James Dean. Trước mộ,
ngoài những bông hoa còn có những hòn đá. Hỏi ra mới biết những hòn đá đó là
của các fans đem tới để tưởng niệm thần tượng điện ảnh của mình. Từ đó, trong
những bài viết tản mạn thỉnh thoảng Nguyễn cũng nói tới những hòn đá tiễn biệt
này. Gần đây, Nguyễn lại gặp những hòn đá như vậy trong cuốn phim Departures (Những cuộc lên đường) của
Nhật Bản.
A, Nguyễn yêu những
hòn đá biết bao. Và đôi lần cũng đã cất giữ những hòn đá nhặt được nơi này nơi
khác trên dặm trường nhân sinh. Ở Sông Hàn một lần hồi còn trẻ cùng bạn tới
thăm Thanh Sâm. Ở Cầm Khê khi đi đày vùng gió Mán mưa Tày. Ở Georgetown, DC,
khi cùng Đinh Cường đi uống cà phê La Ruche. Và gần đây, khi tới thăm phế tích
Maya ở Cancun, Nguyễn cũng đã mua một hòn đá cẩm thạch màu xanh hiện giờ vẫn
nằm trên bàn viết cạnh tấm hình con chim màu đỏ với hàng chữ “Believe in
Heavenly Things”. Ôi, những hòn đá kỷ niệm và tưởng niệm ấy nói lên nhiều lắm
về mối tình gắn bó giữa ta và người và cuộc đời này.
Nói về những hòn đá
để đưa người, Nguyễn nhớ lại cuốn phim Departures
-bộ phim từng mang về cho điện ảnh Nhật Bản giải Oscar “Phim nói tiếng nước
ngoài hay nhất” năm 2008. Trong phim cũng có nói tới những hòn đá gọi là
departures stones
Ở thời cổ đại,
trước khi phát minh ra chữ viết, con người tìm và trao những viên đá để bày
tỏ lòng mình. Viên đá có bề mặt nhẵn nhụi sẽ tượng trưng cho một tâm hồn bình
lặng, yên ả. Viên đá có bề ngoài thô ráp, xù xì sẽ ám chỉ nỗi lo lắng, bất an
trong lòng. Daigo –nhân vật chính của Departures- đã giữ bên mình một viên đá
như thế bởi đó là kỷ vật duy nhất người cha anh để lại trước khi ra đi.
|
Bắt đầu từ triết
lý về sự vô ngôn đó, Departures đưa người xem đến với rất nhiều cuộc
khởi hành mà nhân vật chính Daigo (Masahiro Motoki) phải chứng kiến trong đời.
Đó là cuộc khởi hành sang thế giới bên kia của những người chết mà anh phải làm
công việc khâm liệm.
Khai thác một đề
tài hết sức đời thường, giản dị, Departures đã khiến không ít người xem
xúc động. Phim do đạo diễn Yojiro Takita dàn dựng đã vượt qua nhiều ứng cử viên
sáng giá khác như Waltz with Bashir hay The Class để mang về cho
Nhật Bản một tượng vàng Oscar năm ấy.
Nếu có một bộ phim
nào đó nói về văn hoá Nhật và triết lý phương Đông một cách tinh tế và sâu sắc
thì hẳn nhiều người sẽ nhắc đến Departures. Hơn ở đâu hết, chúng ta được
chứng kiến quan niệm đề cao gia đình và lối ứng xử tình nghĩa của người phương
Đông. Những xung đột cha con, những ẩn ức về một gia đình rạn vỡ thuở thơ ấu đã
ám ảnh Daigo cho tới khi cậu trở thành một người đàn ông trưởng thành.
Daigo Kobayashi là
danh thủ đàn cello chơi trong một ban nhạc nhưng anh đã mất việc khi ban nhạc
này tan rã. Anh và vợ là Mika (Ryõko Hirosue) trở về quê nhà ở Tokyo và sống
trong ngôi nhà thời thơ ấu do mẹ để lại khi bà qua đời hai năm trước. Trước nhà
là tiệm cà phê của cha anh, năm anh lên sáu ông đã bỏ đi mang theo cô hầu bàn
xinh đẹp và không về nữa. Daigo mang mối hận cha trong lòng vì ông đã bỏ bê mẹ
mình. Tưởng như lòng thù hận đã chia cắt vĩnh viễn tình cha con nhưng đến khi
lật dở bàn tay cứng đờ của người cha trước giờ khâm liệm, vẫn thấy viên đá nhỏ
xíu cậu trao cho cha ngày nào, mọi xa cách bỗng dưng được nối lại, những kỷ
niệm bỗng chốc ùa về. Nghĩa tử vẫn là nghĩa tận. Không gì có thể chia rẽ được
tình cảm gia đình, tình máu mủ huyết thống.
Cùng với tinh thần
đó, Departures còn là một ẩn dụ đầy sâu sắc về ý nghĩa của sự sống và
cái chết ở đời theo quan niệm và triết lý phương Đông. Người phương Đông cho
rằng, chết không phải là kết thúc tất cả mà chết chỉ là khởi đầu cho một hành
trình mới sang thế giới bên kia. Chính vì thế mà cần phải chuẩn bị tẩy uế, thay
quần áo mới và trang điểm cho người chết trước khi lên đường. Công việc ấy đòi
hỏi không chỉ sự tinh tế, cẩn trọng trong từng hành động mà còn cần hơn hết là
tình yêu thương.
Daigo đã phải mất
một thời gian để làm quen và học cách làm tất cả công việc của mình với tất cả
tấm lòng . Mỗi cuộc tiễn đưa đều mang đến cho anh những trải nghiệm và bài học
mới về tình cảm gia đình. Có cuộc tiễn đưa trong im lặng, lạnh lẽo. Có cuộc
tiễn đưa trong cay nghiệt, cãi vả và có cả những cuộc tiễn đưa hồn nhiên, thanh
thản như một lời tạm biệt, chúc lên đường bình an. Daigo đã học cách vượt qua
nỗi sợ hãi tầm thường ban đầu để biết trân quý và nâng niu những điều mình có,
dù đó là người cha tàn nhẫn hay một gia đình không lành lặn mà anh đau đớn khi
nhớ tới.
Mặc dù nói về cái
chết, Departures không hoàn toàn mang màu tối tăm, u ám. Ngược lại,
người xem sẽ bắt gặp vô vàn khung hình tràn ngập ánh sáng và sự sống thiên
nhiên ở xứ sở hoa anh đào. Đó là những cánh đồng tít tắp chim sải cánh bay,
những khu vườn xanh mướt hay những đỉnh núi im lìm nằm quanh năm tuyết phủ.
Nhịp phim chậm và những khuôn hình tĩnh dường như níu người xem sống chậm lại,
thở nhẹ hơn cùng câu chuyện về những cuộc ra đi.
Đặc biệt, sự tinh
tế của người Nhật không chỉ hiện lên qua không gian chủ đạo màu trắng với cửa
gỗ kéo, đèn lồng đỏ hay nếp sinh hoạt tắm nước nóng. Sự tinh tế còn nằm trong
những ẩn dụ đầy sâu sắc về triết lý giữa sự sống - cái chết. Hình ảnh đàn cá
hồi bơi ngược dòng để tìm về nơi mình sinh ra rồi chết là một trong những hình
ảnh gợi nhiều liên tưởng trong người xem.
Với người viết hôm
nay, những hòn đá mà mình đi tìm, nhặt được, cất giữ và trao tặng người vừa là
những vật kỷ niệm vừa mang ý nghĩa tưởng niệm, trong tinh thần Tây Phương và
Đông Phương cùng gặp nhau trên một chặng hành trình. Cho nên tới đây có dịp Nguyễn
sẽ xin phép đặt một viên đá trước bàn thờ bạn Lê Uyên Phương, Nguyễn Xuân Hoàng
và Nguyễn Minh Diễm. Còn hai người nữa là Hà Thanh và Quỳnh Giao -những ca sỹ
tài sắc một thời và là bạn thân tình- Nguyễn cũng muốn gởi tặng mỗi người một
viên đá nhân sinh. Ôi, lòng ta mãi mãi vẫn nghĩ tới người và cõi đời này.
NXT
No comments:
Post a Comment