Nguyễn
Xuân Thiệp
Ngày 29 tháng 11
tới đây kỷ niệm 13 năm George Harrison từ giã cõi đời. Người ra đi để lại dấu
chân cho những tấm lòng tìm về dù chỉ trong khoảnh khắc. Chắc chắn thời gian
không xóa mờ được bởi người nghệ sĩ ấy có một tài năng và tấm lòng đáng quý.
Vâng, Theo mình
nghĩ, trong The Beatles, George Harrisson là người sâu sắc và đáng yêu nhất.
Cho nên, ngày George Harisson qua đời, Nguyễn đã viết trên Phố Văn số 14 tháng 12 năm 2001:
“George Harisson, cây guitar của The Beatles,
vừa từ trần tại Los Angeles hôm thứ năm 29 tháng 11. 2001 sau bốn năm chiến đấu
với bệnh ung thư. Báo USA Today, số ra ngày 3.12 viết: Các fans của anh nghe
dội lên âm vang một cánh cửa đóng lại trên một thời đại huy hoàng đầy lý tưởng
sáng tạo. Với họ, cái chết của anh cũng như cái chết của một người thân trong
gia đình.
Báo chí cho
biết George Harisson là thành viên ít nói, dễ thương nhất của nhóm Beatles.
"Một gã Beatle trầm lặng," George Harisson cũng tự nhận mình như thế.
Anh tỏ ra khiêm tốn trước sự ngưỡng mộ của mọi người. "Thỉnh thoảng tôi có
viết một ca khúc, nhưng tôi không phải là một người sáng tác nhà nghề. Nói đúng
ra, tôi chỉ là một anh thợ làm vườn."
Thế nhưng,
mọi người đều yêu mến anh, say mê tiếng đàn guitar và những ca khúc anh đã viết
ra. Những người đang đi tiếp con đường của Harisson đều tỏ lòng ngưỡng mộ và
kính phục anh. Michael Jackson nói: "Tôi nghĩ đó là một tổn thất lớn cho
thế giới âm nhạc. Anh là người viết ca khúc tuyệt vời. Tác phẩm Something vẫn là bài hát đẹp nhất của
mọi thời." Elton John, trong buổi trình diễn hôm thứ sáu vừa qua tại New
Hampshire, đã hát bản Your Song để
tặng Harisson, như một ghi nhận về sự đóng góp của anh cho nền âm nhạc trong
những năm qua. Bob Dylan thì cho rằng
"Harisson như thể mặt trời, những bông hoa và vầng trăng, chúng ta sẽ
tưởng nhớ anh ấy mãi mãi." Các cựu thành viên Beatle, Paul McCartney và
Ringo Star, đều tỏ lòng thương tiếc người bạn một thời của mình.”
Vâng, gã
Beatle trầm lặng ấy đã ra đi. Vừa qua, kỷ niệm 7 năm ngày mất của George đã
trôi qua trong lặng lẽ. Ở đâu đó, chỉ những tâm hồn thủy chung đồng điệu là còn
nhớ đến chàng. Và bên một đống lửa nào đó người ta sẽ cùng hát “Here Comes the
Sun”: Ơi em. một mùa đông rất dài và cô
đơn và lạnh lẽo / như đã có từ nhiều năm nay / và rồi mặt trời lên / mặt trời
lên / anh bảo thế là tốt… Và có lẽ George bằng lòng như
thế.
Gã Harrison
trầm lặng ấy, con người dễ thương và nhân bản ấy, đã hơn một lần tự cho mình
không có gì ghê gớm, chỉ là người làm vườn, chăm bón hoa cỏ của nhân gian. Mọi
việc rồi sẽ qua đi, danh vọng không là vầng dương cuốn hút tâm ý của con người.
Chàng chơi guitar hồn nhiên, viết ca khúc cũng hồn nhiên. Khúc ballad Something trong Abbey Road một thời được
yêu thích, và Frank Sinatra thỉnh thoảng lại hát và cho rằng đó là tình khúc
đẹp nhất của nhân gian. Rồi tới My Guitar
Gently Weeps, If I Needed Someone và Here
Comes the Sun... là những lời tự tình yêu dấu với đời, là giấc mơ của cây
cỏ và người. Ca khúc cuối cùng ghi dấu
chàng với nhóm The Beatles là All Things
Must Pass. Mọi sự đều trôi qua. Cuộc đời như mây bay. Sau sự tan vỡ của
nhóm The Beatles, chàng lẳng lặng đi con đường riêng của mình. Có lúc chàng
chìm đắm trong trầm tư. Có khi xúc động trước nỗi đau khổ của nhân loại, chàng
tổ chức ca nhạc từ thiện, mở đầu cho hoạt động của nhạc rock trong lãnh vực
này. Năm 1971, thấy những người tị nạn Bangladesh chết đói trong những lều
trại, chàng kêu gọi các bạn như Bob Dylan, Eric Clapton… trình diễn quyên góp
cứu trợ. Và đó là Concert for Bangla Desh.
George Harrison cũng đã có lần tới Ấn Độ, cùng với John Lennon ngồi nghe sự im
lặng của dòng sông. Chàng đã đưa âm thanh cây đàn sitar vào âm nhạc, và đã mở
ra một hướng mới cho những người viết và chơi nhạc thế hệ sau chàng.
Trong mười năm
cuối cùng của đời mình, Harrisson sống xa ánh đèn sân khấu, Trong I Me Mine, cuốn tự truyện ghi chép những
biến chuyển của đời mình, George Harrisson viết: Tôi rất giản dị. Tôi không
muốn hoàn toàn đắm mình trong thương giới vì tôi là người thợ làm vườn. Tôi
trồng hoa và quan sát chúng lớn lên. Tôi không đi đến các câu lạc bộ để tiệc
tùng. Tôi ở nhà và ngắm nhìn sông trôi.
Giản dị, trầm
lặng, nhưng đầy cảm hứng nghệ thuật, George Harrison đã cùng với nhóm The
Beatles của thập niên 60, 70 tạo nên tâm
cảnh của một thời. Cả một thế hệ khóc cười theo họ, sống và yêu đương theo
phong cách của họ. Một nhà báo viết trên tờ Dallas Morning News: "Thức
dậy. Nhảy ra khỏi giường. Chải sơ đầu tóc. George Harrison đã chết. Bao nhiêu
người trên thế giới này khóc và chìm vào
cơn mơ khi họ nghe tin buổi sáng thứ sáu hôm ấy? Bao nhiêu người chụp vội lấy
băng nhạc Beatles đem lên xe vừa lái đi vừa nghe trong xúc động bồi hồi... Ban
nhạc The Beatles đã hình thành một thế hệ và sẽ còn tiếp tục. Họ để tóc dài.
Tuổi trẻ Mỹ để tóc dài. The Beatles chơi ma túy. Thanh niên Mỹ chơi ma túy. Khi
nhóm The Beatles hát "Chúng ta cần tình yêu," đám thanh niên tin vào
họ. Và tình yêu thì không có chiến tranh."
John Hendrx, Janix Joplin, Jim Morrison, John Lennon, rồi Harrison. Một
thế hệ đang qua. Bây giờ chỉ còn lại Ringo Starr và Paul McCartney.
Bây giờ đây,
những hồi ức theo nhau sống lại -những hồi ức bị chôn vùi dưới gần năm thập
kỷ... với nào là việc mưu sinh kiếm sống, hôn nhân và ly dị, sinh con đẻ cái,
sự trồi sụt của thị trường tài chánh và những đổ vỡ trong tình bạn. Nhưng bóc
những lớp vỏ ấy đi, những hòi ức thanh xuân sẽ sáng ngời trở lại. Còn nhớ chứ,
những đôi ủng Beatles? Những đầu tóc giả?
Những show truyền hình đầu tiên? Tất cả những ma lực này tạo ra Elvis,
rồi The Four Seasons, và những ngôi sao âm nhạc của Mỹ chiếm lãnh thế giới âm
thanh. I Want to Hold Your Hands, tôi
muốn nắm lấy đôi bàn tay của bạn, những ước mơ của tuổi trẻ đã được nói lên.
George
Harrison đã ra đi... Những người bình thường vẫn cảm thấy chàng rất gần với họ.
Trầm lắng và trầm tư, chàng gần với mặt đất và người, nhưng hồn chàng hòa trong
vũ trụ. Tro than từ xác thân chàng bây giờ tan trên nước sông Hằng, nơi chàng
đã đến đó một lần và chìm trong suy tưởng.
Tháng 12. 2008
Tháng 11. 2014
NXT
No comments:
Post a Comment