Đỗ
Nghê
Tĩnh vật. Thân Trọng Minh
Viết về tập thơ “đầu tay” của một người bạn thiết đã ngoài
tuổi bảy mươi ư? Chẳng khác nào viết về
mối tình đầu của một người ngoài chín mươi tuổi! Chỉ có Trời mới biết! Mà Trời có
nói gì đâu! Lặng thinh thôi. Lặng thinh như niệm này vừa dứt mà niệm kia chưa
sanh, giữa khoảng trống không mênh mông đó là cõi vô niệm. Đó cũng là cõi lặng giữa hai tiếng đập của tim, tâm thu và
tâm trương, khi chưa loạn nhịp. Đó cũng là cõi lặng giữa hai hơi thở, hơi thở
vào Ana và hơi thở ra Apana: “con đường độc nhất dẫn tới thanh
tịnh cho chúng sanh…” – Anapanasati -
mà tôi gọi là “Pranasati”… cho dễ nhớ trong thiền tập. Ở đó, phải ở đó, ta có
thể nhận ra bổn lai diện mục của chính mình.
Còn “bổn lai diện mục” của bạn tôi, Lữ Kiều Thân Trọng Minh
ư? Có khi tưởng anh là một bác sĩ tim mạch, thường lắng nghe tiếng lặng của tim
người; có khi tưởng anh là một họa sĩ, thường bày biện nơi này nơi khác; có khi
tưởng anh là người viết kịch, đóng kịch với những ngôn từ cay đắng, ngọt ngào, chanh
chua, khinh bạc… Cho nên nói về anh không dễ, dù chúng tôi là bè bạn thân thiết
của nhau đã hơn nửa thế kỷ dưới mái trường y khoa và trong cõi “văn chương”.
Nhưng hôm nay, ngoài tuổi bảy mươi, chàng bỗng dưng gom góp những bài thơ một
thuở như “chút nắng vàng giờ đây cũng vội” (TCS) để sẻ chia cùng bè bạn anh em.
Tôi biết viết gì đây khi chàng bảo hãy viết đôi dòng cho một tập thơ !…
Thân Trọng Minh làm thơ rất sớm. Những bài thơ tình đầu tình
cuối như bao nhiêu bạn bè trang lứa, bên bờ dòng Hương ngát xanh, nơi người ta
chẳng thể chẳng làm thơ, nơi có đường phượng
bay mù không lối vào(*), có người áo
tím qua cầu tà áo tím phai mầu …(**). Và tôi, may mắn được đọc thơ chàng từ
những ngày xa xưa đó.
Vậy mà, thật tình, với tôi chỉ đọng lại mỗi ba bài thôi. Ba
bài là đủ cho một thi sĩ!
Hãy thử đọc đi. “Người
bạn gái vùng giới tuyến” là một. Đó là một bài thơ, chàng cho tôi xem đúng
nửa thế kỷ trước, dưới mái trường Y khoa Saigon,
28 Trần Quý Cáp. Chiều đó sau giờ học, chúng tôi ngồi ở bệ gạch trước sân ngắm những
tà áo qua lại như thường lệ, chàng nhẹ nhàng đưa bài thơ. Tôi đọc và thấy mình muốn
khóc. Chẳng có gì là thơ cả đâu! Chỉ là một câu chuyện kể về một cô giáo ở vùng
giới tuyến ngày đó. Chuyện kể về một người con gái. Nhưng, vậy mà không phải vậy.
Hãy đọc đi trong tập thơ này.
Chàng không làm thơ đâu! Không có ý định làm thơ đâu! Chàng
chỉ kêu tiếng kêu từ cõi lòng tức tưởi, từ nỗi cay đắng xót xa, từ những phận
người, trên một đất nước giữa thời nhiễu nhương!
Chàng chỉ “thật thà kể chuyện”. Vậy thôi. Mà, bây giờ, nửa
thế kỷ đã qua, khi đọc lại, tôi vẫn còn thấy mình muốn khóc. Sau này, khi chàng
vùi mình vào với màu với cọ, bạc đầu với chữ nghĩa ngôn từ - như một lãng quên
- đã là một Lữ Kiều khác.
Bài thơ thứ hai, Tự thán, là những ngày lửa đỏ của chúng tôi ở
trường y, những buổi xuống đường, những ngày bãi khóa, không khí ngột ngạt oi bức
lạ lùng của những năm 65, lúc tôi viết những bài thơ Thư cho bé sơ sinh, Lời
Ru, Tâm sự Lạc Long Quân, Cổ tích về ngôn ngữ…
Hãy thử đọc đi.
Giờ không còn bè bạn/ Ta
một mình nơi đây/ Đưa tay mà vuốt mặt/ Mỗi ngày một lạ thêm…/ Những tưởng mình
anh hùng/ Ôm bom vào giữa trận/ Thương thay ta hèn hạ/ Ôm mặt khóc thương thân/
Hỡi ơi đời đã nặng/ Ta ngã đầu được chăng (1965)
Và rồi ở tuổi 60, một buổi sáng trong quán café vắng, chàng
ngồi né vào một góc khuất, che đi chút ánh nắng phà lên mặt, nhẹ nhàng nói về
những chiếc lá bàng vàng úa lắt lay trong bệnh viện Nhi đồng, nơi chàng vừa nhận
kết quả Anapath từ một người bạn…
Vẫn là một sự im lặng giữa hai chúng tôi. Không ai cần nói với
ai điều gì. Đây là bài thơ thứ ba: Những
chiếc lá cuối năm:
Lòng hư vô mà chiều cuối
năm
Chân đi theo bóng lá
rơi vàng
Ôi gió đời ta sao chẳng
lặn
Vẫn ngửa nghiêng hoài
chiếc lá khô
Một xác phàm thôi sao
nặng quá
Nặng cả hai vai, một
cuộc đời
Muốn gánh giùm em niềm
tuyệt vọng
Nhưng vết thương không
chia được cho người.
Bạn cũ gọi về trong
trí nhớ
Lá vẫn bay và ta cuối năm
Đôi mắt nhung đen, hàng lệ nhỏ
Thì thôi, lá chọn đất ân cần.
(2003)
Tôi nói bạn tôi
chỉ có mỗi ba bài thơ là vậy đó! Ba bài thơ đọng lại trong tôi, và với tôi,
cũng đủ cho một thi sĩ.
Bởi ở đó, ta thấy
được « bổn lai diện mục » của chàng !
Đỗ Nghê
(Đỗ Hồng
Ngọc, Saigon 11.2014)
……………………………………………
(*) Trịnh Công
Sơn (**) Hoàng Nguyên
No comments:
Post a Comment