Nguyễn
Xuân Thiệp
Café Tùng Đà Lạt
Starbucks Coffee
Từ ngày Nguyễn tôi bước lẻ loi liêu xiêu giữa đời thì rất sợ ngồi quán cà phê một mình. Sau đây chỉ là đôi đoạn hồi ức như chút dư hương để sống lại một thời của thơ và tâm thức cô đơn.
… Sáng nay, gặp lúc
trời garland mù sương (hiện tượng hiếm thấy), và hình như có những giọt mưa rơi
trên lá và tóc, bèn mặc quần dày, khoác áo ấm, quấn foulard quanh cổ, lên xe
lái ra Starbucks ở chỗ ngã tư Shiloh-Arapahoh. Như ngày nào…
Vâng. Như ngày nào…
Mình ngồi trong quán với ly cappuccino. Bên ngoài trời vẫn mù sương. Mù sương… Mù sương linh hồn… Thơ từ đâu
vậy cà, thơ ai hay thơ mình? Ngồi suy tưởng vẩn vơ, bèn tự hỏi trong đời hình
như cũng đã nhiều lần mình ngồi quán, cà phê một mình. Huế rồi Sài Gòn, Đà Lạt,
Pleiku… Huế của thời mới lớn, đôi khi có ngồi ở Lạc Sơn nhìn thiên hạ, “nghễ” các cô đi qua dưới hàng
phượng già. Sài Gòn thì ngồi ở Quán Chùa và cà phê Hân đường Đinh Tiên Hoàng,
Dakao. Đôi khi ngồi ở Nữ Hoàng, yên tĩnh hơn. Nhắc tới những quán cà phê này thì
Nguyễn Đình Toàn, Đinh Cường, Du Tử Lê nhớ hơn ai cả. Ở Đà Lạt thì có Tùng. Sáng,
chiều và đêm khuya. Ở đó có tranh Đinh Cường và Vị Ý. Còn Pleiku? Bạn nào còn
nhớ hội quán Phượng Hoàng và cà phê Dinh Điền? Kim Tuấn thì đã không còn. Diên
Nghị, Tô Mặc Giang và Hoàng Khởi Phong lẽ nào quên được một thời lính tráng ở xứ
“Pleiku gió lạnh mưa mùa”.
A, Đà Lạt của mình
và hiền nội, của Lê Uyên Phương, Đinh Cường… À quên, của Phạm Công Thiện nữa chứ
-người đã viết Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn
rất lãng mạn và thơ mộng –dù khung cảnh là Paris chứ không phải Đà Lạt nữa. Này,
mình đọc lên và các bạn cùng nghe nhé.
Hắn thổi những cơn mưa phùn qua khung cửa
kính hiệu buôn thuốc lá và cà phê. Chỉ có đất Pháp này mới có những quán thuốc
lá chuyên bán đủ loại thuốc hút, đồng thời bán phụ thêm cà phê và rượu đỏ: cà
phê đen, rượu đỏ và thuốc bao xanh là ba dấu hiệu của đất Pháp: không có ba thứ
này, nhất định nước Pháp sẽ không còn những cơn mưa phùn tháng tư. Hắn ngồi bên
cạnh khung cửa kính, quán thuốc lá chỉ mang tên vỏn vẹn là tabac café express;
quán thuốc nằm đối diện nghĩa địa. Chung quanh đều im lặng, thỉnh thoảng vài
tiếng ho, tiếng cửa đẩy vào, tiếng gió rít vào từ những ngày quá khứ. Bây giờ
là tháng tư? Thời gian là những tháng tư còn lại. Không, tháng mười rồi. Mưa
bụi và lạnh, những cơn mưa phùn tháng mười ở ngoại ô Paris.
Người ta nói, Phạm
Công Thiện là nhà tùy bút xuất sắc. Đoạn văn vừa trích dẫn đã cho ta cảm nhận
phần nào nét đặc sắc của túy bút Phạm Công Thiện. Bây giờ, mình muốn bạn hình
dung quán cà phê Starbucks nơi mình ngồi nhé: Chung quanh là cửa kính, như quán
Tabac Café Express nơi Phạm Công Thiện ngồi, nhưng có điều khác là ở đây không
bán và không ai hút thuốc lá và cũng không có vang đỏ. Cho nên nếu còn trẻ chắc
mình mê Tabac Café Express hơn. Nó lại còn đối diện nghĩa địa nữa, cho nên không
khí của quán này phải nói là có sức hấp dẫn những tâm hồn cô đơn. Và Phạm Công
Thiện ngồi uống cà phê một mình. Tất nhiên là vậy.
Một thời ngồi quán
cà phê tưởng đã khép lại với hình bóng quê nhà. Vậy mà sang Mỹ nơi đời sống như
chuyến tàu tốc hành lao tới, mình vẫn kiếm ra nơi và thời giờ để ngồi cà phê một
mình. La Madeleine, Café du Monde, Starbucks… Thường là ở Starbucks. Orange
County, Virginia, Atlanta, Dallas, Houston… Nơi nào cũng có. Làm sao có thể quên
được cà phê Phố Cổ ở DC ngày nào. Nhiều
năm trôi qua, trí óc mình vẫn còn mường tượng thấy sáng hôm nào mưa phùn bay
bay trên phố. Đây, xin gởi đến các bạn chút hương cà phê trong Barnes &
Noble ở Phố Cổ:
Như thuở nào... Anh
ngồi ở Barnes & Noble nhìn ra ngoài trời. Mưa phùn vẫn bay trên phố. Trong
quán, những người đọc sách vẫn cặm cụi, cúi đầu trên trang sách. Và các nhân
vật từ thơ, từ truyện và kịch cũng đang có mặt. Lại thấy Lara với chiếc áo
ca-rô màu sặc sỡ, đầu trùm vuông khăn lụa, giống hệt như trong Doctor Zhivago. Và Jenny vẫn bé bỏng như
sáng nào có nắng vàng dạo bước qua công viên, rồi gặp chàng họa sĩ trong A Portrait of Jenny. Giờ đây, có thêm
Hoàng Tử Bé -Le Petit Prince- đang
đứng xoay xoay quả địa cầu, nói: "Một lần nọ, tôi có đến thăm trái đất này
và trồng ở đó một cây hoa hồng..." Và ai kia, có phải hóa thân của nữ lang
từ thuở bạo Tần trong kinh kịch đang bước tới, đặt túi xách lên bàn, rồi kéo
ghế ngồi đối diện. Hôm nay, nàng mặc chiếc áo dạ màu xanh đen có đọng những hạt
mưa bay. Mắt mở lớn một bầu trời đêm đầy sao. Nữ lang mở lời: "Chắc chàng
chưa quên. Thời trẻ ở thành phố ấy...Mưa phùn và cà phê trong quán, những bức
tranh trên tường. Nhớ lời hẹn lúc chia tay, thiếp từ trong sách vở bước ra gặp
chàng ở đây..." Và như thuở nào, nàng bưng ly cà phê lên uống, mắt nhìn
trìu mến. Rồi kể chuyện gươm bay trong lửa đỏ, những câu hát qua đồi mây, mang
lời dụ ngôn của gạch đá ngàn năm. Ly cà phê sắp cạn, thiếu phụ đứng lên, cầm
lấy túi xách: "Sáng hôm nay mưa bay, như mưa viễn phố, thiếp xin từ biệt.
Từ nay, bèo giạt mây trôi, duyên tri ngộ, biết đến bao giờ..." Rồi cũng
như năm nào, nàng quay lưng, ra tới cửa nhìn lại, mắt mờ hơi mưa, và khuất dần.
Mưa phùn vẫn bay trên phố. Chung quanh, trong quán sách, mọi người vẫn chăm chỉ
đọc, ngồi yên như tượng. Nhìn lên, anh không thấy Lara đâu nữa. Jenny và Hoàng
Tử Bé cũng không còn. Nhớ lại nhân vật nữ lang vừa chia tay, anh như còn thấy
hiện lên trước mắt những giọt nước mưa trên vai áo và chút bọt cà phê còn vương
trên khóe miệng ai. Mưa phùn vẫn bay trên Phố Cổ…"
Chiều ở Harvard Square. Tranh Đinh Cường
Và đây, cà phê một
mình ở Harvard Square, Boston.
theo chim. tôi đến
đây. gặp boston
gặp bến cảng mù sương.
ánh đèn. soi góc hè gạch xám
ôi. lou giờ đã xa.
trăng gầy đỉnh whispering pine. hồn du thủ
và ly cà phê. trong
trí tưởng. uống ở harvard square. với cái bóng của mình. và hoàng thị ngày xưa
không còn thấy. phố
tàu. los angeles
mưa sương. mưa sương.
cầu longfellow
Trên đây là một đoạn
thơ trong bài Chào Boston. Chào Bạn Bè
viết cách đây đã nhiều năm. Ỏ bài này, uống
cà phê ở Harvatd Square chỉ là cà phê tưởng tượng. Thật vậy, ở một bài khác viết
sau đó, Nguyễn cũng đã có nói: “Trở lại Boston lần này, người viết nhất định
phải ngồi uống cà phê (mà cà phê một mình thôi đấy nhé) ở quảng trường Harvard
Square (chứ không uống trong tưởng tượng như lần rồi), để nhìn lại những mùa
thu đã đi qua trong đời mình. Và rồi sẽ đứng trên cầu Longfellow với nắng mùa
thu mà đọc thơ của Apollinare: Sous le
pont Mirabeau, coule la Seine / Et nos amours, faut-il qu’il en souvienne / la
joie venait toujours après la peine… Dưới
cầu Mirabeau / sông Seine chảy / và tình ta / liệu anh còn nên nhớ / niềm vui
luôn đến sau nỗi buồn… Thế đấy, chưa chi mà dòng sông Charles của Boston đã
biến thành dòng sông Seine của Paris và mình biến thành Apollinare để nhớ về
Lou.
Bên ngoài trời vẫn
mờ sương
NXT.
Trên đây là một đoạn thơ trong bài chào Boston. Chào bạn bè viết cách đây đã nhiều năm, Ở bài này uống cà phê ở Havartd square chỉ là cà phê tưởng tượng.
ReplyDelete............................
thép hòa phát | thép hộp mạ kẽm