Thursday, November 13, 2014

VÂNG, ĐÃ CUỐI THU…



Nguyễn Thị Khánh Minh




Mưa sụt sùi như cô bé khóc dai suốt hai ngày, màu trời đất xám chì, ngồi đọc lại một bài viết cũ năm trước, khi miền nam Calif. tung trời bởi gió Đông Bắc đến nỗi phải đặt dưới tình trạng khẩn cấp, mới thấy năm nay trời đất bình yên hơn, dù cũng đang có bão ở miền Bắc Calif. Nhưng Một Chút yên bình cũng đủ để tôi tin những lời cầu nguyện... Rồi những tin đồn tận thế nữa, không hề chi, theo tôi đó là cơ hội để nhìn lại mình, để cảm được trọn vẹn hơn những mối tương quan, Người và Thiên Nhiên. Bạn thì sao, phần tôi, trước những tin như thế tôi thấy mình sống tha thiết hơn, hết thảy mọi điều. Tôi đang gõ tới đây thì vô tình nhìn lên màn hình TV quảng cáo, đang hiện hàng chữ “Hãy làm gì để cảm ơn trước khi quá muộn”. Vâng, tôi muốn nói tôi viết là một lời cảm ơn…
Dưới đây là bài tôi viết vào ngày 1 tháng 12 năm 2011, năm trái đất đầy những thiên tai, nhất là trận động đất lịch sử 11 tháng 3, ở Nhật Bản.
*

Đêm thứ Tư, đêm đầu tiên gió Santa Ana chạm mặt ở đây trên đường đi của nó, gió Đông Bắc thường đến miền nam Calif. mỗi cuối thu, thổi từ đất liền ra biển, trận gió mùa này nghe nói là trận gió lớn nhất kể từ mười năm qua và đã được cảnh báo là tình trạng khẩn cấp*, trên TV dặn dò dân chúng đủ điều để đối phó với những nguy hiểm có thể xảy ra. Tôi ra hiên nhà xếp những tượng Phật nhỏ và những chậu bonsai vào một chỗ an toàn. Trời lạnh lắm, trong cái bóng đêm đang hờm sẵn giông bão, tôi thấy yên lòng khi dừng lại nơi vệt sáng của ánh đèn đọng trên bàn chân tượng Phật ngồi, những ngón chân thanh thản, những ngón tay tạo nên hai vòng ấn quyết trầm lắng, bát phong** chỉ là một hơi nhẹ thoảng qua, lý gì đến ngọn quái phong Santa Ana, tôi cười một mình. Đấy là góc thềm, một góc tối, nơi những nếp áo đá của Phật lay động dưới bàn tay, là chiếc thuyền đưa tôi qua những phút giây chòng chành của tâm lẫn đời sống.
Tôi ở ngoài thềm cho đến khi chồng tôi mở cửa nói, minh điên không mà đứng ngoài trời tối lạnh vậy, cảm bi giờ… Gió xộc đến, như một người chạy tốc lên thềm một cách hốt hoảng, làm đám lá hoa vàng rộn lên đập vào nhau loạn xạ, những chiếc lá bé chỉ bằng ngón tay cái thế mà khi nguy nó cũng làm nên một âm thanh xao động cả thềm đêm. Phải chăng, khi có biến, người ta cũng phải xích gần lại nối cho tròn một vòng ôm để có sức mạnh của tình thương mà bảo vệ cho nhau? Tôi cảm thấy lạnh. Vào giường nằm, bên tai vẫn lào xào tiếng gió, lại nhớ đến một nhân vật trong truyện của F.Mauriac đọc từ hồi sinh viên, đoạn văn ông tả về một người đàn bà sống một mình trong một ngôi nhà giữa rừng thông đêm đêm nằm nghe gió, ám ảnh tôi mãi, đến nỗi hễ đêm có gió, là tôi lại nhớ đến hình ảnh cô đơn ấy, nghe được tiếng lao xao của gió khu rừng ấy…, trong tâm trạng buồn buồn, tôi kéo chăn sát vào người, mình thật hạnh phúc hơn nhân vật ấy nhiều vì được trôi trong tiếng gió đêm, dưới một mái ấm nóng hổi hơi thở gia đình. Rồi tôi ngủ lúc nào, không biết được trong đêm bị cúp điện.
Tôi đi qua đêm gió dữ cuối thu bằng một giấc ngủ say như thế.
Thứ Năm. Sáng nay con trai nói lúc mất điện nó thức dậy xách đèn đi khắp nhà, con thấy mẹ ngủ say nên không đánh thức mẹ dậy…, chưa kịp pha cà phê, tôi vội chạy ra thềm, nhìn xem gió đã làm những gì đêm qua, hiên nhà lung tung như thể cả tuần không được quét dọn, trước cổng cây bạch lê hầu như bị gió lặt hết lá vứt đầy trước cổng nhà, tràn cả ra đường, nó trơ cành như con búp bê bị một đứa bé giận dữ bứt hết tóc lòi ra cái đầu trọc vậy, cái trơ trọi như một báo hiệu đầu tiên của mùa đông đang đến, là thứ Năm đầu tiên của tháng 12.
Tháng cuối cùng của một năm, chỉ vài tuần nữa thôi, khi nhắc đến hôm nay, ta đã phải dùng đến chữ năm ngoái. Năm ngoái, năm kia, năm kìa… hồi 30 tuổi, hồi 20 tuổi, hồi bé xưa…, biết bao nhiêu hồi của vở kịch cuộc đời mình đã kéo màn khép lại, nhân vật chính vĩnh viễn không được ra diễn lần thứ hai. Thời gian như cuộn chỉ kéo dài ra mãi, bây giờ trên ống chỉ đã lơi vòng, chẳng mấy chốc chỉ còn cái lõi nhựa. Nói có vẻ như nuôi nuối năm tháng thanh xuân mình đã một đi không trở lại vậy, nhưng thật ra chỉ đôi lúc lòng chùng xuống theo bão trời như sáng nay, mới thế thôi...
Việc phải làm bây giờ là nhấp một hớp cà phê nóng rồi ra quét lá rụng đầy trước cổng nhà, và hưởng thụ cái phong ba của mùa thu đang dùng dằng chia tay này, khiếp thật, người đẹp có khác, chia tay thiên hạ bằng một trận gió ra trò thế!
Còn hơi sớm, không nắng và dự báo vẫn còn gió mạnh thổi về. Ngõ nhà im ắng, vắng hẳn người đi bộ. Nơi tôi ở sáng sáng người Việt mình, có người đi một mình, có cặp đôi vợ chồng, có hai ba bạn bè, tạo nên một không khí rất thân thiện cho khu nhà mobile homes này, nó toát hơi thanh bình và thời gian thì dường như đi chậm lại theo từng bước của những người đã vào cái tuổi biết quí và hưởng cái vốn thời gian còn lại ít ỏi của mình, lẫn vào đó, có tôi, thích lắm, cái nhịp trôi chậm chậm... Dường như đã đủ gắn bó để gọi nơi đang ở đây là ngõ nhà, đổi bao nhiêu bước buồn vui trăn trở để quen hơi một ngõ nhà? Ngõ nhà thân quá, thành quê…, Bao nụ cười, nước mắt vẽ nên những lối quanh quanh dẫn về một nơi gọi là mái ấm. Mới thấy ngậm ngùi cho những ai không có một con đường quen thuộc để đi, về, và một mái nhà để thao thức với hạnh phúc của mình. (ghi thêm, để hiểu rõ hơn nỗi homeless ở đây, xin đọc Khách Sạn 22 của Khôi An, giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2013, báo Việt Báo)
Tôi cầm chổi và cái hốt rác bước ra, ui, không chỉ trước nhà mình, mà lá đầy cả lối xóm, phải mà có một chiếc chổi tre nữa, thì chẳng khác nào đang đứng ở ngõ nhà ngày cũ với lá bàng rụng đỏ lối đi. Có tiếng chào trong trẻo của Gloria, ở phía đối diện, Good morning! Hai bàn tay giơ lên, nhìn nhau, và miệng thì mở hết diện tích cho nụ cười. Buổi sáng cũng theo đó rộng ra, bay lên..., gặp gió xô tới khiến tôi liêu xiêu, đàn lá như bị dí chạy hốt hoảng bay tung phía trước, tôi rùng mình quay vào, chợt, Have a nice day! Gloria lại reo lên, vẫy vẫy tay, tôi giật nẩy mình, luýnh quýnh, có lẽ chị ấy không nghe được tiếng đáp chào của tôi.
Người ở đây, tôi thấy tâm tình họ thật “mở”, chào hỏi rộn ràng, nụ cười thân thiện, có thể sau đó mất hút nhau, nhưng ngay cái phút lời thốt ra, miệng cười, thì đã trao nhau được cái hiện tại quí giá. Còn một cái cúi đầu, một tiếng chào nhỏ nhẹ, một cái mỉm cười, ừ, cũng là chào, nhưng không bật mở ngay cái sinh khí chào hỏi. Hồi nào đến giờ tôi vẫn thích cái đằm thắm đông phương, giờ, chắc phải thêm vào cái sôi nổi hồn nhiên xứ này, nên, tôi rất thích khi thấy mình đã lây, mỗi lúc gặp, khi tạm biệt Jane hay Gloria, tôi cũng đáp chào một cách sinh động như họ, làm phấn kích một ngày tôi. Tục ngữ mình có câu, “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Vừa lòng nhau, chẳng phải là trao và nhận cùng lúc đấy ư? Tôi đang bị trầy sướt bởi những lời chém đây..., lời nói, xin hãy làm nó như những nhịp cầu để mỗi bước qua mình mỗi đến gần yêu thương hòa ái. Đừng im lặng và cũng đừng chém nhau đau, bạn ơi, rồi ra tình cảm bạn sẽ trở lại hồn nhiên ban sơ như là chiếc lá, gió gọi thì lay…
À, lại nhắc đến gió, như vậy là đã qua một ngày một đêm với gió quỷ Santa Ana. Mới thứ Năm, tin thời tiết nói đến thứ Bảy gió mới thật sự chấm dứt.
Trời xám đục và những cành lá ngoài vườn không ngớt quệt vào cửa sổ kính. Cái khí âm u làm
mình dễ bị dụ vào tâm trạng cô đơn, mà một mình thì dễ bạn bầu với xa xôi, có những điều tưởng đã mất hút trong nếp gấp mịt mùng của thời gian lại hiện ra bay bổng trong một không gian rất thực, từ đó mon men đến miền viễn mơ của ngày mai, rồi biết đâu lại được mơ mộng. Mơ mộng, phải chăng là một yếu tính cần thiết để con người làm mới mình, làm hiền hậu lại mình, làm ban sơ lại mình, làm bớt đi sắc cạnh tua tủa của những mảnh tâm hồn đã bị sóng gió khổ đau mài nó bén nhọn? Để được tung tăng hạt bụi, cục đất ban đầu như người ta thường nói. Hạt bụi, cục đất ấy biết cái gợn chảy một dòng sông, biết rung động một cánh mây tan, biết tiếng cười tin cậy của đứa bé, biết cái đứt tay của người bạn, biết cái nóng hổi của hạt nước mắt, và, biết phẫn nộ… Mơ mộng để thấu biên giới của nỗi đau. Tôi mơ mộng để tôi còn được tin cậy vào những lời cầu nguyện, tin vào điều tốt đẹp đang tồn tại. Tin thì có sức để mạnh mẽ sống vui. Như trên tôi đã tâm sự, rằng phải nói, phải biểu lộ yêu thương, bây giờ tôi xin được thêm rằng, nên mơ mộng nữa, để mình được là chiếc lá non tơ, cục đất tinh khôi trong cõi bụi bặm này...
Như lời cầu nguyện cho hôm nay, mọi người và cảnh vật được bình yên trong cơn gió chướng, mừng thêm một ngày được chào hỏi nhau, và cho cả những ngày mai, dẫu có hay không xảy ra một cơn bão từ đến từ mặt trời, (theo dự đoán của NASA vừa rồi), có hay không một thiên thạch nào đó buồn tình đụng phải làm trái đất tiêu tùng, thì ta cũng đã có được trọn nụ cười với gia đình, bằng hữu, cũng đã thu gọn vào tâm một cách sảng khoái thơ mộng hình ảnh bốn mùa thời gian của cõi ta đã được tới và gọi tên nó là trái đất này.

Người bạn thân thiết ơi, cho tôi nói nhỏ, Vâng, đã cuối thu rồi, trong khí thu “mặt trời đi ngủ sớm”*** nghe nỗi nhớ như đêm, kề cận. Và, bạn ơi, không tình cờ đâu, hương thạch thảo từ trang giấy ép xa xưa đang bay về đậu bên thềm nhà tôi trong những cánh cúc sao tím, rưng rưng những mùa chờ đợi cho dù dòng sông thời gian trôi đi trôi đi… tôi vẫn ở lại, với một giấc mơ...

Vâng, trời đã cuối thu với gió đông bắc đang thổi.
Phải mặc thêm áo ấm, rồi nhân thể sắp xếp lại ngăn tủ, để trong tầm tay những chiếc áo mùa đông cho dễ lấy khi vội vàng, thành ra, cảm nhận thời gian trôi qua ở đây, đầu tiên đến từ việc sắp lại tủ quần áo theo mùa, mỗi lúc như thế lòng thấy ngùi ngùi vì cái nỗi quá nhanh qua đi một hạn kỳ của thời tiết. Nhưng chúng ta lại sắp có một khoảng thời gian đẹp nhất trong năm, theo tôi. Không khí của đoàn tụ đang nao nức toả ra từ những ô cửa sổ...
Và trong cái nguôi dần của Santa Ana Wind, tôi sẽ… Đi dạo mỗi tối nơi khu nhà này để đếm xem có thêm bao nhiêu nhà nữa trang hoàng đèn Giáng Sinh, thêm lần nữa, thưởng thức gió Đêm Đông vút cao niềm cô lữ trong giọng hát Bạch Yến, mỗi khi se sắt trở mùa, lại nghe bản nhạc này của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, lời, nhạc được Bạch Yến đẩy đưa tạo nên một khí khắc khoải ray rứt khiến mình như xa vắng hẳn đi, nao lòng khi mang tâm trạng của kẻ xa nhà đưa ánh nhìn lữ thứ qua những ô cửa sổ sáng ấm, thấp thoáng bóng người quây quần bên bàn ăn, cây Giáng Sinh to nhỏ ánh đèn. Cái không khí bùa ngải đến thế thì thôi…, mùi thịt nướng quanh quất ngõ nhà, tiếng chân gió khô quào mặt đường, tiếng mùa đông bổi hổi thở trên những ngọn cây. Tôi sẽ lắng mình cho thật nhẹ, thật trong để bay lên, kịp với hình ảnh của cô bé bán diêm vừa thắp trong đêm đông giá****
Theo tin tức, cuối ngày hôm nay, thứ năm, ngày 1 tháng 12 năm 2011, Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ, Michelle Obama sẽ thắp ngọn đèn đầu tiên trên cây Giáng Sinh ở Tòa Bạch Ốc. Tôi tin cây Giáng Sinh sẽ lấp lánh những ngọn đèn mơ ước, mỗi ánh sáng reo chuông một lời cầu nguyện,
mỗi nguyện cầu một viên thành. (1.12.2011)
*

Và ngày mai, ngày 1 tháng 12, 2012, không biết Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ có bắt đầu thắp cây nến đầu tiên trên cây giáng sinh ở Tòa Bạch Ốc như năm ngoái không?
Bạn nữa, nếu đang ngồi gần bạn lúc này hẳn là hơi ấm của một lời thì thầm sẽ mở cho tôi cõi thần thoại thời gian, tôi sẽ được chia với bạn ánh sáng nung nấu từ trái tim mãnh liệt của cô bé bán diêm, ngọn que diêm cuối cùng thành tựu một giấc mơ, cho tôi cảm nhận được đó là phút
giây hạnh phúc, thời khắc của vĩnh cửu.
Santa Ana,
cuối tháng 11, 2012
NTKM
(trong ‘Bóng Bay, Gió Ơi’ sắp xuất bản)

*TheoWikipedia, trận gió vào tháng 12, 2011 đã được cảnh báo “state of emergency”
**Bát Phong:Theo Kinh sách, Tám Ngọn Gió ảnh hưởng tâm thần con người: Lợi, Suy, Vui, Khổ, Vinh, Nhục, Khen và Chê.
*** thơ Xuân Diệu, bài Tương Tư Chiều, bữa  nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm…
****Cô Bé Bán Diêm, Hans Christian Andersen, nhà văn Đan Mạch, truyện kể, vào đêm Giáng Sinh, ngồi ở góc phố, lạnh và đói, cô đốt một que diêm để sưởi ấm, cô thấy một lò sưởi rất đẹp, khi que diêm tắt, lò sưởi cũng mất. Cô đốt que thứ hai, que diêm tắt, hình ảnh bàn tiệc với con ngỗng béo vừa hiện ra cũng tan đi, cô đốt một que diêm nữa, lần này thì bà cô hiện ra, cô sợ bà biến mất khi que diêm tắt, nên cô đốt cả hộp diêm. Sáng hôm sau, người ta thấy cô bé chết cóng bên cạnh những que diêm tàn, nhưng trên gương mặt còn in

No comments:

Post a Comment