Wednesday, November 26, 2014

TRƯA TUYẾT XUỐNG



Đinh Cường 


Tuyết trong Dr. Zhivago

Nước đá. Photo Duyên (Michigan)

Và tuyết đang rơi ngoài cánh rừng
qua khung cửa sổ nhỏ. trưa nay
những sợi tuyết trắng đầu mùa
tuyết rơi tuyết rơi như điệp khúc
một bản nhạc nào trong phim
Doctor Zhivago xem đã từ lâu lắm

những sợi tuyết trắng xuyên ngang
ngoài cửa sổ. trưa im như mẩu bánh
mì nguội  tách cà phê phin buổi sáng
mai ngày nghỉ Lễ Tạ Ơn con cháu về

Lễ Tạ Ơn . bao nhiêu mùa tuyết phủ
bao nhiêu mùa đông băng giá nơi này
vẫn thầm ghi nhớ nơi đất nước khác
còn cho bao mùa hoa nở rực tình người 

tuyết đầu mùa rơi trắng xoá ngoài kia
viết lời gì đi gọi là ghi trong thoáng chốc
thoáng chốc trong tôi. tìm con chim màu
đỏ gạch đâu rồi , nó bay đi đâu không thấy

nơi đây ngoài vài người bạn thân quý
thỉnh thoảng gặp nhau. qua lại cùng nhau
chỉ còn mấy con sóc hay đến xin hạt đậu
và mấy con chim hay đến làm tổ hiên sau

trưa nay một người ngồi nhìn tuyết rơi
như nói thầm cùng lòng mình. đất trời
vô cùng.vô lượng  tượng Phật ngồi như
nhắc nhở. hãy chan hòa tình thương yêu ...


Virginia, tuyết đầu mùa Lể Tạ Ơn
November 26, 2014
Đinh Cường   


TẢN MẠN BTCP. NHỮNG ĐOẢN KHÚC MÙA THU



Nguyễn Xuân Thiệp


Giang Hồ Trang ở Austin


Mùa thu Austin

Mùa thu thường gợi lên nhiều cảm xúc. Ở Phượng thành ngày nào, có người nhạc sĩ đã hát trên phiếm đàn: Nhìn những mùa thu đi / Anh nghe sầu lên trong nắng…(TCS)  Mới chỉ là nèt sầu lãng mạn. Thu Hà Nội cũng vậy, với những cây bàng đỏ rực. Có phải em là mùa thu Hà Nội / Ngày sang thu anh lót lá em nằm (TQL) Chao ôi, tới mức này thì lãng mạn đã lên tới cực điểm. Ở đây, trên nước Mỹ, mùa thu rực rỡ đến say lòng người, lá rơi và tuôn như suối. Vậy mà mình chưa thấy cô nàng nào nằm trên lá. Có chăng đây đó, trẻ con đùa nghịch hốt lá tung vào nhau như một trận mưa màu sắc. Nguyễn tôi yêu lắm cảnh này, cũng như yêu những cảnh sắc mùa thu nơi này nơi khác trên đất nước Hoa Kỳ. Vậy nên có những dòng tản mạn sau đây.   
  
Mùa thu Atlanta...

Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt.
Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa.
   Đó là ca từ bài Thu Hát Cho Người của Vũ Đức Sao Biển. Nguyễn tôi được nghe lại bài này qua tiếng hát Trần Trung Đạo giữa mùa thu vàng Atlanta cách đây cũng đã nhiều năm. Tới đây, Trần Trung Đạo qua Dallas ra mắt sách, e lại phải yêu cầu hắn hát bài này lần nữa.
   Bài hát hay, giọng ca ấm, trong âm hưởng mùa thu trên những vùng lá rực rỡ thật là tuyệt vời. Thật ra, kẻ này chẳng về thăm ai ở bến xưa cả mà chỉ mong gặp lại người của Những Dòng Sông Không Chảy mà thôi. Vậy mà cũng bồi hồi xúc động. Có lạ không chứ?
   Nhưng đây đang nói về Mùa Thu Atlanta kia mà. Vậy xin trở lại với đề tài.
   Năm ấy, khi Nguyễn cùng các bạn Nhật Hoàng, Đinh Yên Thảo và anh chị Phan Xuân Sinh đến Atlanta ngày 7 tháng 11, mùa thu với những sắc lá rực rỡ đã hiện ra khắp nơi. Quả không ngờ mùa thu Atlanta đẹp như thế. Có những cây rực đỏ. Nhiều cây vàng sẫm. Lại có cây chỉ một màu tím than. Và ngàn cây hợp xướng: lá bay như trẻ con đùa giỡn trên suốt dọc đường từ phi trường về khu phố người Việt. Đẹp nhất là sau nhà Đỗ Xuân Quang. Buổi sáng thức dậy xuống uống cà phê thấy rừng lá bời bời.
    Vậy mà, mới đây thôi, như nghe lời trong gió: “Hôm nay Atlanta lạnh lắm. Lá rụng đầy sân, cây khô cành run bần bật trước những cơn gió hồ như bất tận. Nhiệt độ xuống 30 F, lạnh lắm. Đi ra ngoài với chiếc khăn choàng... Lạnh ơi là lạnh.””
   Trở về lại Dallas phải tới hơn 10 ngày sau mùa thu mới hiển hiện. Còn nhớ mình có viết: Tới hôm nay, mùa thu mới thực sự ghé đôi cánh rực rỡ xuống Dallas. Đẹp tuyệt vời. Cây rạng sắc vàng nâu đỏ tím. Thật ra, năm nay kẻ này được chiêm ngưỡng sắc thu đến hai lần: lần trước, cách đây bốn tuần lễ ở Atlanta, và bây giờ ở nơi đây. Trong cảnh sắc lộng lẫy của mùa thu, lòng ai như cũng có chút tình, dù có thể là ảo, nhưng cũng đủ làm ta say. Vậy xin các bạn hãy tha thứ cho Nguyễn nếu vì mùa thu mà y bước đi có hơi loạng quạng một tí, lạc qua thế giới của những mộ bia mà người ta vẫn gọi là cõi tình.

Mùa thu ở Austin
   Nghe lời mời mọc dụ dỗ của anh chàng Ngu Yên, cả bọn gồm mười người đã vượt chặng đường dài trên ba tiếng đồng hồ để đến hồ Lake Travis ở Austin vào lúc trời đã tối lại thêm cơn mưa mù mịt. Vất vả thiệt nhưng quả đáng đồng tiền bát gạo. Phải nói cuộc Giang Hồ Hội kéo dài từ tối thứ Sáu 21 tháng 11 cho tới sáng Chủ Nhật 23 tháng 11 là điều khó xảy ra lần nữa. Anh chàng Ngu Yên và người đẹp Ngọc Phụng đã bỏ công (và của) ra lo tố chức một sinh hoạt cực kỳ vui, hay và hào hứng quá chừng. Ở đây xin mở ngoặc để nhắc tới bàn tay và tấm lòng của Phan Xuân Sinh. Tiếc rằng anh đã không tới dự được. Xin gởi tới anh lời chúc Happy Thanksgiving.
   Hôm ấy, có đồ ăn ngon (và phong phú), rượu ngon (tràn trề), chuyện trò hý lộng, nam thanh (trừ Nguyễn tui) nữ tú dặt dìu… Nguyễn mê nhất là những bài hát và giọng ca tiếng đàn trong hai đêm thứ Sáu vá thứ Bảy. Nhật Hoàng còn nhớ không, chúng ta đã được nghe từ các ca khúc tiền chiến đến nhạc Vũ Thành, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương sang nhạc sến và nhạc chế, cả những ca khúc một thời của Pháp và blues jazz Mỹ. Thật quý biết bao khi được gặp những anh chị trong gia đình Duy Trác. Đàn hay, hát hay và xử sự chân tình, đầy hiểu biết. Phải nói bốn cây guitar gồm Ngu Yên, Quang, Andy, Đức Duy… đã chơi ngẫu hứng xuất sắc. Và các giọng ca, làm sao nói hết…Những âm vang dội lên trong tiếng mưa rơi và gió lộng, ánh chớp xanh như gươm rạch xuống mặt hồ. Mà Nguyễn thì say lảo đảo cho nên xúc cảm đầy tràn tới sáng hôm sau. Có một điều cần thú nhận và tạ lỗi với quần hào: Mình là tên vô dụng nhất, chỉ có ăn, uống, ngắm hồ, nghe đàn, nghe hát và say… Đến như hai anh chàng Hoàng Định Nam và Trần Vũ kia còn biết lo dọn món ăn và hầu rượu, còn Nguyễn thì ôi thôi, càng nói càng thấy xấu hổ. Ở đây, chỉ xin nói lời cảm ơn. Cảm ơn tất cả mọi người đã cho kẻ này dự ké và hân thưởng mọi điều tốt đẹp.
   Bây giờ xin nói tới mùa thu. Mùa thu Austin chợt hiện dưới ánh đèn khi xe đi vào vùng hồ đầy những cây vàng lá. Đêm mưa có thunderstorm làm cây cối tơi bời nghiêng ngả, sáng hôm sau mở cửa nhìn ra thấy xác lá phủ kín ven hồ và rải thảm trên sàn gỗ ngôi nhà. Lá mùa thu ẩm nước mưa khiến lòng này chợt chùng xuống, nhớ về bài hát thuở xa xưa “les feuilles mortes”.
Oh, je voudrais tant que tu te souviennes,
Des jours heureux quand nous étions amis,
Dans ce temps là, la vie était plus belle,
Et le soleil plus brûlant qu'aujourd'hui.
Ôi, anh mong ước biết bao cùng em nhớ lại / những ngày hạnh phúc xa xưa khi chúng mình yêu nhau / thuở ấy đời đẹp hơn bây giờ và mặt trời cũng rực rỡ hơn ngày hôm nay
Lá rơi… lá rơi… vun thành đống / anh chẳng thể nào quên đâu em / lá rơi vun thành đống như kỷ niệm của chúng mình xen lẫn những niềm hối tiếc… Và gió đã mang đi tất cả
Anh chẳng thể nào quên đâu em / bài ca em đã hát. cho anh nghe /  bài ca mang hình ảnh của chúng ta / những tình nhân yêu nhau / nhưng rồi cuộc đời chia cách đôi nơi / thật nhẹ nhàng không gây tiếng vang nào cả / cuộc đời chia cách chúng ta / và sóng biển đã xóa đi dấu chân của đôi tình nhân tay đã rời tay
  
   Sáng thứ Bảy, nổi hứng mình theo Andy, Mỹ Hạnh, Thận Nhiên, Thanh Mai, Hoàng Định Nam và chị Nguyệt đi thăm một thắng cảnh khác. Ở đây có thác nước và mặt hồ yên ả. Và cũng ở đây mình gặp gỡ mùa thu rực rỡ không ngờ. Cả một rừng lá vàng, như trường thành như mây biển, nằm chen vào giữa vùng lá xanh và những tảng đá dựng. Đẹp và hung vĩ quá trời, không biết Thận Nhiên và Hoàng Định Nam có thu được tấm hình nào để mai mốt triển lãm không.
   Những ngày vui qua mau trong sắc thu hiển lộng. Chia tay nhau mà còn tiếng đàn tiếng hát bên tai và dự vị nồng thơm trên môi trên lưỡi. Chừng nào gặp lại nhau đây khi mùa thu sắp đi qua và đông tới.

Mùa thu, nắng tắt
   Mùa thu... Ôi mùa thu.
   Ở đây, thành phố miền đồng cỏ này, có những bình minh đầy gió, những buổi chiều nắng tắt. Ngồi nhìn mây xám đầy trời, không hiểu vì đâu Nguyễn tôi chợt nhớ tới những câu thơ của Maya Angelou:
Mùa hè của tôi đã đi qua
Những ngày vàng nắng đã tắt
Những bình minh màu hồng
khi thức giấc bên anh
giờ đây cũng chuyển qua màu xám
Và cuộc đời tôi bỗng hóa xanh xao
   Và rồi, theo một liên tưởng ngoài văn bản, mình nghĩ đến mùa đông của lá bàng màu đỏ gạch và tiếng dương cầm trong ngôi nhà đổ. Ở đâu đó cũng có hai người chia tay nhau…

   Anh chợt ngừng bàn tay gõ phiếm, nhìn ra ngoài cửa sổ. Nắng đã tắt, em ơi. Nắng đã tắt nhưng sự sống vẫn âm thầm trôi chảy ở đâu đó. Như trong thơ Seamus Heaney:
The riverbed, dried up, half full of leaves
Us, listening to a river in the trees
Nửa lòng sông cạn. lá rơi đầy
Ta nghe sông chảy xiết trong cây
(Huệ Trân)

   Phải rồi, nắng đã tắt để rồi về đậu trên hàng cây phong, và dòng sông đã cạn bỗng nghe chảy trở lại trong cây. Sự sống luân lưu không ngừng nghỉ. Vậy em ơi, buồn mà chi.
NXT…

NHỚ MỐT ÔNG TƯỚNG TÔI NGƯỠNG MỘ



Đinh Cường


Chân dung tướng Ngô Quang Trưởng. Đinh Cường vẽ


Qua đồi cát La Vang. Sơn dầu Đinh Cuong 


Tôi nhớ căn nhà
đi xuống mấy bậc cấp
phía sau
những khung cửa kính lớn
xuống mấy bậc cấp nữa
ra tới vùng  hồ rộng
có chiếc thuyền neo

nhớ trưa năm nào
người bạn mời đi thuyền chơi
tôi đứng cạnh ông tướng
ông tướng sao hiền vậy
uống cùng tôi ly rượu mạnh
ông phà thêm vài hơi thuốc

ông tướng một thời
ngoài vùng tôi ở
một thời khét tiếng đạn bom
cổ thành Quảng Trị
Huế mùa xuân Mậu Thân …

sao nay ông không nói lời gì
về chiến tranh
nhắc lại thời binh lửa
ông đứng nhìn mặt hồ tư lự

ông có giữ bức tranh sơn dầu tôi vẽ
qua đồi cát La Vang
với thiếu nữ và chiếc khăn
màu cát đỏ .bờm ngựa hồng
nay treo nơi vách lò suởi
nhà anh chị Nguyễn Tường Giang  

đêm nay cùng Nguyễn Tường Giang
và Nguyễn Tường Thiết
đi ăn cơm tối với nhau về
sao trên đường đêm
tôi nhớ ông tướng
tro rải trên đèo Hải Vân
ông tướng tôi luôn  ngưỡng mộ
và khâm phục. một con người nhân ái  .

Virginia, November 23, 2014
Đinh Cường

TẢN MẠN. CÀ PHÊ MỘT MÌNH. CÀ PHÊ TƯỞNG TƯỢNG



Nguyễn Xuân Thiệp


 

Café Tùng Đà Lạt


 Starbucks Coffee

Từ ngày Nguyễn tôi bước lẻ loi liêu xiêu giữa đời thì rất sợ ngồi quán cà phê một mình. Sau đây chỉ là đôi đoạn hồi ức như chút dư hương để sống lại một thời của thơ và tâm thức cô đơn.

   … Sáng nay, gặp lúc trời garland mù sương (hiện tượng hiếm thấy), và hình như có những giọt mưa rơi trên lá và tóc, bèn mặc quần dày, khoác áo ấm, quấn foulard quanh cổ, lên xe lái ra Starbucks ở chỗ ngã tư Shiloh-Arapahoh. Như ngày nào…
    Vâng. Như ngày nào… Mình ngồi trong quán với ly cappuccino. Bên ngoài trời vẫn mù sương. Mù sương… Mù sương linh hồn… Thơ từ đâu vậy cà, thơ ai hay thơ mình? Ngồi suy tưởng vẩn vơ, bèn tự hỏi trong đời hình như cũng đã nhiều lần mình ngồi quán, cà phê một mình. Huế rồi Sài Gòn, Đà Lạt, Pleiku… Huế của thời mới lớn, đôi khi có ngồi ở Lạc Sơn  nhìn thiên hạ, “nghễ” các cô đi qua dưới hàng phượng già. Sài Gòn thì ngồi ở Quán Chùa và cà phê Hân đường Đinh Tiên Hoàng, Dakao. Đôi khi ngồi ở Nữ Hoàng, yên tĩnh hơn. Nhắc tới những quán cà phê này thì Nguyễn Đình Toàn, Đinh Cường, Du Tử Lê nhớ hơn ai cả. Ở Đà Lạt thì có Tùng. Sáng, chiều và đêm khuya. Ở đó có tranh Đinh Cường và Vị Ý. Còn Pleiku? Bạn nào còn nhớ hội quán Phượng Hoàng và cà phê Dinh Điền? Kim Tuấn thì đã không còn. Diên Nghị, Tô Mặc Giang và Hoàng Khởi Phong lẽ nào quên được một thời lính tráng ở xứ “Pleiku gió lạnh mưa mùa”.
    A, Đà Lạt của mình và hiền nội, của Lê Uyên Phương, Đinh Cường… À quên, của Phạm Công Thiện nữa chứ -người đã viết Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn rất lãng mạn và thơ mộng –dù khung cảnh là Paris chứ không phải Đà Lạt nữa. Này, mình đọc lên và các bạn cùng nghe nhé.
   Hắn thổi những cơn mưa phùn qua khung cửa kính hiệu buôn thuốc lá và cà phê. Chỉ có đất Pháp này mới có những quán thuốc lá chuyên bán đủ loại thuốc hút, đồng thời bán phụ thêm cà phê và rượu đỏ: cà phê đen, rượu đỏ và thuốc bao xanh là ba dấu hiệu của đất Pháp: không có ba thứ này, nhất định nước Pháp sẽ không còn những cơn mưa phùn tháng tư. Hắn ngồi bên cạnh khung cửa kính, quán thuốc lá chỉ mang tên vỏn vẹn là tabac café express; quán thuốc nằm đối diện nghĩa địa. Chung quanh đều im lặng, thỉnh thoảng vài tiếng ho, tiếng cửa đẩy vào, tiếng gió rít vào từ những ngày quá khứ. Bây giờ là tháng tư? Thời gian là những tháng tư còn lại. Không, tháng mười rồi. Mưa bụi và lạnh, những cơn mưa phùn tháng mười ở ngoại ô Paris.
   Người ta nói, Phạm Công Thiện là nhà tùy bút xuất sắc. Đoạn văn vừa trích dẫn đã cho ta cảm nhận phần nào nét đặc sắc của túy bút Phạm Công Thiện. Bây giờ, mình muốn bạn hình dung quán cà phê Starbucks nơi mình ngồi nhé: Chung quanh là cửa kính, như quán Tabac Café Express nơi Phạm Công Thiện ngồi, nhưng có điều khác là ở đây không bán và không ai hút thuốc lá và cũng không có vang đỏ. Cho nên nếu còn trẻ chắc mình mê Tabac Café Express hơn. Nó lại còn đối diện nghĩa địa nữa, cho nên không khí của quán này phải nói là có sức hấp dẫn những tâm hồn cô đơn. Và Phạm Công Thiện ngồi uống cà phê một mình. Tất nhiên là vậy.
 

   Một thời ngồi quán cà phê tưởng đã khép lại với hình bóng quê nhà. Vậy mà sang Mỹ nơi đời sống như chuyến tàu tốc hành lao tới, mình vẫn kiếm ra nơi và thời giờ để ngồi cà phê một mình. La Madeleine, Café du Monde, Starbucks… Thường là ở Starbucks. Orange County, Virginia, Atlanta, Dallas, Houston… Nơi nào cũng có. Làm sao có thể quên được cà  phê Phố Cổ ở DC ngày nào. Nhiều năm trôi qua, trí óc mình vẫn còn mường tượng thấy sáng hôm nào mưa phùn bay bay trên phố. Đây, xin gởi đến các bạn chút hương cà phê trong Barnes & Noble ở Phố Cổ:
   Như thuở nào... Anh ngồi ở Barnes & Noble nhìn ra ngoài trời. Mưa phùn vẫn bay trên phố. Trong quán, những người đọc sách vẫn cặm cụi, cúi đầu trên trang sách. Và các nhân vật từ thơ, từ truyện và kịch cũng đang có mặt. Lại thấy Lara với chiếc áo ca-rô màu sặc sỡ, đầu trùm vuông khăn lụa, giống hệt như trong Doctor Zhivago. Và Jenny vẫn bé bỏng như sáng nào có nắng vàng dạo bước qua công viên, rồi gặp chàng họa sĩ trong A Portrait of Jenny. Giờ đây, có thêm Hoàng Tử Bé -Le Petit Prince- đang đứng xoay xoay quả địa cầu, nói: "Một lần nọ, tôi có đến thăm trái đất này và trồng ở đó một cây hoa hồng..." Và ai kia, có phải hóa thân của nữ lang từ thuở bạo Tần trong kinh kịch đang bước tới, đặt túi xách lên bàn, rồi kéo ghế ngồi đối diện. Hôm nay, nàng mặc chiếc áo dạ màu xanh đen có đọng những hạt mưa bay. Mắt mở lớn một bầu trời đêm đầy sao. Nữ lang mở lời: "Chắc chàng chưa quên. Thời trẻ ở thành phố ấy...Mưa phùn và cà phê trong quán, những bức tranh trên tường. Nhớ lời hẹn lúc chia tay, thiếp từ trong sách vở bước ra gặp chàng ở đây..." Và như thuở nào, nàng bưng ly cà phê lên uống, mắt nhìn trìu mến. Rồi kể chuyện gươm bay trong lửa đỏ, những câu hát qua đồi mây, mang lời dụ ngôn của gạch đá ngàn năm. Ly cà phê sắp cạn, thiếu phụ đứng lên, cầm lấy túi xách: "Sáng hôm nay mưa bay, như mưa viễn phố, thiếp xin từ biệt. Từ nay, bèo giạt mây trôi, duyên tri ngộ, biết đến bao giờ..." Rồi cũng như năm nào, nàng quay lưng, ra tới cửa nhìn lại, mắt mờ hơi mưa, và khuất dần. Mưa phùn vẫn bay trên phố. Chung quanh, trong quán sách, mọi người vẫn chăm chỉ đọc, ngồi yên như tượng. Nhìn lên, anh không thấy Lara đâu nữa. Jenny và Hoàng Tử Bé cũng không còn. Nhớ lại nhân vật nữ lang vừa chia tay, anh như còn thấy hiện lên trước mắt những giọt nước mưa trên vai áo và chút bọt cà phê còn vương trên khóe miệng ai. Mưa phùn vẫn bay trên Phố Cổ…"
 
Chiều ở Harvard Square. Tranh Đinh Cường

    Và đây, cà phê một mình ở Harvard Square, Boston.
theo chim. tôi đến đây. gặp boston
gặp bến cảng mù sương. ánh đèn. soi góc hè gạch xám
ôi. lou giờ đã xa. trăng gầy đỉnh whispering pine. hồn du thủ
và ly cà phê. trong trí tưởng. uống ở harvard square. với cái bóng của mình. và hoàng thị ngày xưa
không còn thấy. phố tàu. los angeles
mưa sương. mưa sương. cầu longfellow
   Trên đây là một đoạn thơ trong bài Chào Boston. Chào Bạn Bè viết cách đây đã nhiều  năm. Ỏ bài này, uống cà phê ở Harvatd Square chỉ là cà phê tưởng tượng. Thật vậy, ở một bài khác viết sau đó, Nguyễn cũng đã có nói: “Trở lại Boston lần này, người viết nhất định phải ngồi uống cà phê (mà cà phê một mình thôi đấy nhé) ở quảng trường Harvard Square (chứ không uống trong tưởng tượng như lần rồi), để nhìn lại những mùa thu đã đi qua trong đời mình. Và rồi sẽ đứng trên cầu Longfellow với nắng mùa thu mà đọc thơ của Apollinare: Sous le pont Mirabeau, coule la Seine / Et nos amours, faut-il qu’il en souvienne / la joie venait toujours après la peine… Dưới cầu Mirabeau / sông Seine chảy / và tình ta / liệu anh còn nên nhớ / niềm vui luôn đến sau nỗi buồn… Thế đấy, chưa chi mà dòng sông Charles của Boston đã biến thành dòng sông Seine của Paris và mình biến thành Apollinare để nhớ về Lou.

   Bên ngoài trời vẫn mờ sương

NXT.