Friday, October 11, 2019

ĐỖ HỒNG NGỌC, THƠ VÀ THIỀN SONG SINH? Kỳ II


Du Tử Lê

Du Tử Lê & Đỗ Hồng Ngọc

Tôi cũng không quên mới đây, nhà thơ Phạm Chu Sa đã ghi nhận một cách chi tiết, chân tình về Đỗ Nghê – Đỗ Hồng Ngọc. Nhưng dù các bài viết về cõi-giới văn chương của ông, thâm trầm hay nhẹ nhàng, đơn giản thì, tự thân những bài viết ấy, cũng đã thắp sáng những thành tựu, hiểu theo nghĩa “hạnh phúc” mà Đỗ Hồng Ngọc đã đạt được.

Nhà thơ Phạm Chu Sa cho rằng, nhiều người nghĩ Đỗ Hồng Ngọc là một bác sĩ làm thơ, viết văn và gọi anh là bác sĩ-nhà văn (4).

Nhưng Phạm Chu Sa cho biết, ông vẫn thích gọi Đỗ Hồng Ngọc là “thi sĩ hơn là bác sĩ,” bởi vì Đỗ Hồng Ngọc có cốt cách thi sĩ trong con người bác sĩ.

Phạm Chu Sa kể rằng Đỗ Hồng Ngọc làm thơ và có thơ in từ thời sinh viên – tập “Tình Người” (xuất bản năm 1967), ký bút hiệu Đỗ Nghê. Mấy năm sau khi ra trường là “Thơ Đỗ Nghê” (in năm 1973). Tập thơ đã gây được tiếng vang trong văn đàn thuở đó. Sau này ông trích một số bài trong hai tập thơ trên in lại trong các tập thơ “Giữa Hoàng Hôn Xưa” (1993), “Thư Cho Bé Sơ Sinh và Những Bài Thơ Khác” (2010).

Bài thơ làm tựa chính “Thư Cho Bé Sơ Sinh…” Đỗ Hồng Ngọc viết năm 1965, khi còn là sinh viên y khoa thực tập tại bệnh viện Từ Dũ: “Khi em cất tiếng khóc chào đời/ Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười/ Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao kẻ cười người khóc/ Trong cùng một cảnh ngộ nghe em…/ Khi anh cắt rún cho em/ Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé/ Vì từ nay em đã phải cô đơn/ Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ… Thôi trân trọng chào em/ Mời em nhập cuộc/ Chúng mình cùng chung/ Số phận con người” (Một bài thơ đặc biệt vì dường như chưa nhà thơ nào viết về đề tài này).

Vẫn theo trí nhớ của nhà thơ Phạm Chu Sa thì đâu khoảng thời gian sau ngày ký hiệp định Paris (1973) ít lâu, họ Đỗ đã gửi tặng ông tập “Thơ Đỗ Nghê” mới xuất bản, in ronéo nhưng trình bày khá trang nhã. “Thơ Đỗ Nghê” bàng bạc khát vọng hòa bình và cả nỗi ám ảnh của chiến tranh, đã gây được tiếng vang trong văn đàn bấy giờ. Họ Đỗ ru con: “Ngủ đi con ngủ đi con/ Rồi ngày mai khôn lớn/ Cầm súng với cầm gươm.”

Và ông cũng ru người bạn đời (hay người yêu?) của mình: “Ngủ đi cưng, ngủ đi cưng/ Kề tai đây anh bảo/ Coi như mình chẳng có quê hương.”

Vẫn nhà thơ Phạm Chu Sa cho biết, hơn 20 năm sau biến cố Tháng Tư, 1975, Đỗ Nghê đã cho ra đời tập thơ “Vòng Quanh” – một “bút ký thơ” kèm những ký họa rất đặc biệt của chính tác giả vẽ lại những nơi chốn tác giả  đã đi qua như Huế, Hà Nội, Boston, Montreal, Bắc Kinh… Nhưng có lẽ ấn tượng nhất với họ Đỗ là Paris. Một tâm hồn thi sĩ như Đỗ Hồng Ngọc mà lạc lối tới Paris giống như… “trở về.” Thơ viết về Paris tựa viết về một tình yêu, sau bao chờ đợi… Có thể vì thế mà gần phân nửa tập thơ, là những tình khúc họ Đỗ dành cho Paris?

***

Để chấm dứt bài viết của mình, nhà thơ Phạm Chu Sa khẳng định: “Tôi nghĩ sau này người ta có thể quên một bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhưng người ta không quên Đỗ Hồng Ngọc thi sĩ.”

Không chỉ Nguyễn Lệ Uyên hay Phạm Chu Sa mà còn nhiều bằng hữu khác, ghi nhận về tiếng thơ Đỗ Nghê – Đỗ Hồng Ngọc như một thành tựu tốt đẹp, dẫn người đọc tới kết luận những người làm thơ, được nhiều người ưa thích, là những người có được cho họ niềm hạnh phúc tinh khiết trong cuộc sống thực tế chấp chới những khổ đau, bất toàn này.


Đa số bằng hữu của họ Đỗ cho rằng về hạnh phúc có được từ thơ, của Đỗ Nghê – Đỗ Hồng Ngọc khiến tôi thấy cảm nhận của tôi về những “lao động” thi ca của những người làm thơ có phần không đúng. Ít nhất cũng đối với Đỗ Nghê.

Tôi càng thấy sự “cường điệu hóa” (?) của tôi về hành trình của thi ca của Đỗ Nghê trong quá khứ là những nhận định thiếu cơ sở – tiêu biểu là thi phẩm mới nhất, có tên “Thơ Ngắn/Đỗ Nghê” của ông.

Tôi không muốn nói về những bài thơ ngắn của họ Đỗ, có xu hướng thơ Haiku của Nhật bản: Ngợi ca thiên nhiên hoặc tương tác giữa con người và vũ trụ,… đã hiện diện khá nhiều trong thi phẩm mới nhất của ông. (5)
Người đọc sẽ rất khó tìm thấy những bày tỏ bi quan, hoặc than thở, “vật vã” trong thơ Đỗ Nghê, nhất là với thi phẩm “Thơ Ngắn/Đỗ Nghê” mới ấn hành những ngày cuối năm 2017 này. Ngay cả khi tác giả viết về phần thịt, xương đã mất, như:

“Mỗi năm
Mỗi người
Thêm một tuổi
Chỉ mình con
Mãi mãi
Tuổi đôi mươi…”
(Bài “La Ngà 3” – 1990)

Hoặc tương quan với kẻ khác:

“Khi nhìn nhau xa lạ
Là rất đỗi thân quen
Khi nói năng vô nghĩa
Là thác reo trong hồn.”
(Bài “Không Tên”)

“Lá chín vàng
Lá rụng
Về cội
Em chín vàng
Chắc rụng
Về anh.”
(Bài “Lá”)

Hay ảnh hưởng của thiên nhiên, vũ trụ lớn vào vũ trụ nhỏ là cá nhân con người:

“Tuyết bay
Bay nhẹ
Phố tàu

Gió co
Ro lạnh
Phố
Đìu hiu
Theo”
(Bài “Tuyết” – Boston, 1993)

“Chiều thu
Nghe tiếng quạ

Giật mình
Nỗi xa nhà
Nhớ sao
Mà nhớ
Quá!”
(Bài “Thu” – Boston, 1993)

“Đất động ta cũng động
Sóng thần ta cũng sóng
Giật mình chợt nhớ ra
Vốn xưa ta là đất”
(Bài “Đất”)

“Nước xanh như ngọc
Sâu đến tận trời
Vốc lên một vốc
Ơi mùa Xuân ơi!”
(Bài “Tuyền Lâm”)

Ngay cả khi nhớ tới và viết về đứa con đã mất của mình, một tai họa khủng khiếp, ai cũng tưởng, Đỗ Nghê sẽ không thể vượt qua được. Nhưng, tâm thái của một hành giả: Hiểu thấu sống, chết… cách gì cũng không ra khỏi lẽ vô thường, họ Đỗ đã nhìn sự việc như một bài học tự nhiên đời sống mà thôi:

“Ba dạy con
Mỗi ngày
Một chút

Không bài học nào
Như ba đã học
Từ con

Nỗi mất!”
(Bài “La Ngà 5” – 1990)

Hoặc về người mẹ đã qua đời mình, ông vẫn có cái thanh tịnh lạc quan, của một tâm thức không còn trụ, bám vào mất còn:

“Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…”
(Bài “Bông Hồng Cho Mẹ” – 2012)

Hoặc:

“Mẹ tôi cứ vẫn cười cười như thế
suốt ba năm trên bàn thờ!”
(Trích “Nụ Cười Của Mẹ” – 2014)

Tôi cho những phong thái kể trên của Đỗ Nghê là phong thái của một hành giả đã khu trừ được cái tâm nhiễu loạn, nguồn gốc của cái “tôi,” để thong dong dạo chơi giữa vườn đời…

Tôi thấy trong Đỗ Nghê không chỉ có một thi sĩ mà, thi sĩ ấy, còn song sinh với một thiền gia nữa. Như thiên/địa, nhật/nguyệt, tuy hai mà, thực ra cũng chỉ là một thôi. (Du Tử Lê)

————

Chú thích:
(3), (4) Nguồn dutule.com
(5)Tôi nói Đỗ Nghê thơ ngắn Đỗ Nghê…“xu hướng” Haiku – Thể thơ ngắn của Nhật Bản chỉ có 17 âm tiết trong ba câu; vì, thơ ngắn của họ Đỗ không nhất thiết theo đúng quy luật này. Nhưng “thần thái” những bài thơ ngắn của ông, thì rất gần với tinh thần của thơ Haiku vậy.

Nguồn: https://www.dutule.com/

No comments:

Post a Comment