Du
Tử Lê
Nhà thơ Đỗ Nghê – Đỗ Hồng
Ngọc.
Nhiều
độc giả (kể cả một số người có làm thơ), nói với tôi rằng, biết làm thơ và làm
được thơ là một hạnh phúc! Tôi nghĩ khác.
Với
tôi, trừ những người đến với thi ca như một thời thượng, làm dáng, hoặc, một cuộc
du ngoạn ngắn hạn thì; làm thơ là một lao động (tinh thần,) vất vả. Một thao
tác trí tuệ ngặt nghèo. Thường khi bất lực. Đuối sức.
Với
tôi, đó là một cuộc chạy đua việt dã không đích đến. Không bạn đồng hành. Khi đối
diện với bài thơ thì, chỉ có mình y, cùng lắm là… chiếc bóng.
Ngoài
ra, tôi chưa thấy một cá nhân bình thường, không bị một khuyết tật tinh thần
nào, lại ở được bền lâu, với thi ca. Tôi cũng chưa thấy một cá nhân thỏa mãn mọi
lãnh vực trong đời thường, có thể tạo được một hôn phối tốt đẹp với thi ca. Tại
sao?
Xin
thưa, vì căn bản, thi ca là đỉnh ngọn chênh vênh, nhọn, sắc nhất của định mệnh
bất toàn.
Vì
căn bản, thi ca là cõi trú đầu tiên và, cuối cùng của những tâm hồn bất an.
Những
sinh phần liu điu, cần sự cân bằng sinh-thái-tinh-thần…
Hiểu
như thế, với tôi, nhà thơ trước nhất, là người thợ đào bới để làm mới những con
chữ đã cũ, hoặc hình ảnh, chân dung những mảnh đời đã mất. Khi tìm được những hầm
mỏ chữ, nghĩa, những “trầm tích” gặp được ở độ sâu đủ thì, tôi cho, đó là lúc nhà
thơ sức thả mình, rớt xuống. Y hoàn tất cuộc đua việt-dã-trí-tuệ (một mình.) Y
hoàn tất trận đánh sinh, tử (dài lâu), với địch thủ trên cơ: Định mệnh. Y san bằng
mọi bất toàn. Y cân bằng sinh-thái-thân-tâm. Nhưng, đau đớn thay, đó cũng là
lúc, y thấy tận cùng vẫn là thất bại, hiểu theo nghĩa nào đấy – – Để rồi y lại
khởi sự một lên đường khác (?)
Trên
hành trình chữ nghĩa, ở đôi ba giao lộ, tôi may mắn được gặp một số bằng hữu.
Những thi sĩ. Trong đó, có Đỗ Hồng Ngọc. Thi sĩ.
Tôi
không chủ quan nghĩ rằng, Đỗ Hồng Ngọc, sẽ sẵn sàng chia sẻ những quan điểm của
tôi về thi ca và, đời sống: Chữ nghĩa và sự bất toàn. Khuyết tật và định mệnh.
Nhưng,
là người dõi theo hành trình văn chương của Đỗ Hồng Ngọc, trên dưới sáu mươi
năm qua – – Từ những bài thơ đầu đời, tới những bài thơ mới nhất trong thi phẩm
“Thơ Ngắn / Đỗ Nghê” (của năm 2017), tôi nghĩ, Đỗ Nghê / Đỗ Hồng Ngọc, thi sĩ,
không chỉ muốn hoàn tất cuộc đua việt-dã-trí-tuệ (một mình). Ông cũng không chỉ
muốn hoàn tất trận đánh sinh, tử (dài lâu,) với địch thủ trên cơ, định mệnh.
Mà, ông còn muốn trả ơn người, tạ ơn đời bằng chính những lao tác tinh thần,
song song với những lao động đời thường, với tư cách một bác sĩ, của ông nữa.
Ở
quá xa, tôi không thể tìm đến ông (như ngày nào), để ngả mũ chào ông: Một thi
sĩ. Tôi viết xuống, những dòng chữ này, như một lời xin lỗi, thi sĩ.
Hôm
nay, giữa thập niên 2010s của một thiên niên kỷ khác, tôi lại thấy tôi sẽ rất
không phải với họ Đỗ, nếu không sớm nói với Đỗ Nghê / Đỗ Hồng Ngọc rằng, cá
nhân tôi, cũng rất biết ơn ông với những trang văn xuôi đẹp như thơ, ông gửi
cho người, cho đời. Thí dụ “Gió heo may đã về”. Thí dụ “Già ơi… Chào bạn”. Thí
dụ “Nghĩ từ trái tim”. Thí dụ “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” cùng nhiều
nữa… và, mới đây: “Ghi chép lang thang”. (*)
Tôi
thích lắm tựa đề của tác phẩm của họ Đỗ. Ông gọi đó là những “Ghi chép lang
thang”, đúng nghĩa… lang thang – – Nơi trang 287 và 288 của tác phẩm này, khi
phải trả lời câu hỏi của độc giả Lê Uyển Văn, tác giả giải thích, ghi chép lang
thang, thực ra là những ghi chép không đầu không đuôi, kiểu “cà kê dê ngỗng”
trong lúc lang thang nơi này hay nơi khác. Ông chợt nghĩ, chợt nghe, chợt nhớ…
một điều gì đó có khi chỉ là mùi khoai nướng, có khi chỉ là mùi dĩa bánh căn,
mùi cá khô đuối xúc hột vịt…, thậm chí mùi phân trâu bò trên đường làng cũ,
nhưng cũng có khi là một câu nói đanh thép của nhà vua trong bảo tàng viện với
hàng trăm chiếc… thuyền thúng giăng ngang bãi biển La-Gi (1) một ngày lộng gió…
Cũng
trong 2 trang sách vừa kể, với bản chất khiêm cung, luôn chọn vị trí cách xa
ánh đèn sân khấu tiền trường, giấu mặt trước những lời khen dù chân thật của
đám đông, Hồng Ngọc đã viết thêm:
Tác
phẩm “Ghi chép lang thang” của ông, không phải là chuyện ‘văn chương chi sự’
mà, chỉ là những ghi chép riêng tư cho đừng quên với người tuổi tác.
Thế
rồi thế giới bỗng nhiên phẳng, người người trong nháy mắt có thể tâm tình trao
đổi cùng nhau, bèn cùng mò mẫm mà “tung” lên cho bạn bè gần xa khắng khít nhau
hơn. Ghi chép lang thang như vậy cũng chỉ là những cảm xúc bất chợt, không tính
toán, không… hư cấu. Mà thực ra ‘ghi chép’ cũng chẳng phải là “ghi chép”… Ông
nói:
“…
Có khi viết lách lăng nhăng dòm trông giống bài thơ mà không biết có phải thơ
không, hoặc có khi ngoằn ngoèo như một phác thảo… mà không biết phải họa
không”… (2)
Sau
này, được đọc nhiều bài viết của bằng hữu về cõi giới văn chương Đỗ Nghê / Đỗ Hồng
Ngọc, tôi thấy dường như quan điểm của tôi về văn chương của Đỗ Nghê / Đỗ Hồng
Ngọc, có nhiều phần nghịch với quan điểm của nhiều tác giả khác.
Thí
dụ nhà văn Nguyễn Lệ Uyên, khi viết về thế giới thi ca Đỗ Nghê / Đỗ Hồng Ngọc,
trong bài tựa đề “Khói trời phương đông”, đã ghi nhận rằng, Với hơn 30 tác phẩm
đã xuất bản từ năm 1967 đến nay, từ những bài tùy bút cho đến thơ, họ Đỗ luôn
trân trọng với chữ nghĩa. Ông không hề đùa cợt với chữ nghĩa, “lên gân” cho mọi
sự vật… Ông cẩn thận quan sát những hiện tượng quanh mình, trong chính cuộc đời
mình y như người thầy thuốc chẩn đoán căn bệnh cho bệnh nhân. Bởi vì căn bản
ông là một thầy thuốc yêu nghề, có lương tâm.
Vẫn
theo nhà văn Nguyễn Lệ Uyên thì, với hơn 30 tác phẩm đã xuất bản từ năm 1967 đến
nay, gồm nhiều thể loại: Thơ, tùy bút, tạp văn, y học và cả Phật học… không biết
nên xếp Đỗ Hồng Ngọc vào “hàng ghế” nào cho thật chuẩn. Nhà thơ, thầy thuốc,
nhà nghiên cứu, nhà văn? Đối với họ Nguyễn, vị trí nào cũng chính xác. Bởi những
gì Đỗ Hồng Ngọc viết, đã xuất bản và đến tay độc giả đều tròn đầy, khiến họ
thích thú đến bất ngờ. Vì ngoài cốt cách văn chương, những suy nghĩ của họ Đỗ về
các vấn đề xã hội, đời sống, không xa vời; nó gần gũi, quanh quẩn, ẩn núp đâu
đó quanh ta mà ta chưa thể nhìn thấy; chỉ đợi khi ông viết lên, đọc lại, ta mới
chợt thấy ra… Nó vẫn có đấy nhưng ta không nhìn thấy, không nghĩ ra được nhỉ?
Nhà
văn Nguyễn Lệ Uyên nhấn mạnh rằng, những điều bình thường cũ rích, trong đời sống,
nhưng qua ngòi bút của Đỗ Hồng Ngọc, chúng được “hóa giải, đã giúp ta từ bỏ
thói quen nhìn, nghĩ đời sống quanh ta, một cách hạn hẹp… bất cập – – Để từ đó,
ta có được cái nhìn cởi mở, thênh thang, không thiên kiến…” Nđd)
Là
một người sáng tác văn chương, họ Đỗ được nhà văn tên tuổi Nguyễn Lệ Uyên ngợi
ca là đã “hóa giải” phần nào chướng ngại tinh thần của người đọc thì, thành quả
đó, chẳng phải là một “hạnh phúc” đáng kể hay sao?
(Còn tiếp một kỳ)
DTL
________
Chú
thích:
(1) Bãi biển La-Gi,
thuộc tỉnh Phan Thiết (Bình Thuận), một thắng cảnh nổi tiếng ở miền Trung,
nguyên quán của họ Đỗ. Được ông nhắc tới rất nhiều lần trong thơ. (Theo
Wikipdia-Mở)
(2) Bài viết của DTL,
tựa đề “Đỗ Hồng Ngọc, như một lời xin lỗi” – – đã đăng trên Web Site,
dutule.com tháng 1 – 2015.
Nguồn:
https://www.dutule.com/
No comments:
Post a Comment