Saturday, October 5, 2019

NHỮNG CHIẾC LÁ. NHỮNG BÔNG HOA


Khuất Đẩu

Nhà văn Khuất Đẩu

NHNG CHIC LÁ

Nhà viết kịch Lữ Kiều, từng có lần muốn viết một vở kịch không lời. Bối cảnh chỉ có một chiếc ghế dài.
Màn một: Có hai đứa bé, một trai và một gái ngồi trên ghế, phía sau là những khóm cây xanh non. Âm nhạc trẻ trung, tươi vui.
Màn hai: Một chàng trai, một cô gái, cùng ngồi trên ghế, những khóm cây bắt đầu lớn lên, ra hoa. Rất nhiều hoa. Âm thanh có thêm, tiếng trống, tiếng kèn.
Màn ba: Chàng và nàng đã là hai người đàn ông và đàn bà. Âm thanh nỉ non réo rắt bởi tiếng violon. Những khóm cây trĩu quả.
Màn bốn: Một ông già, một bà già. Vài chiếc lá rơi. Rồi lá đổ muôn trùng. Lá phủ kín cả người họ, ngập tràn cả sân khấu trong tiếng nhạc trầm buồn của contre bass.
Vở kịch nếu được trình diễn, có thể coi như nghệ thuật sắp đặt và tên của nó là cuộc đời.

Cũng có một câu chuyện về những chai rượu như thế này:
Một nhóm bạn ở Mỹ trong thế chiến thứ hai, trước khi ra mặt trận, hẹn nhau ngày trở về sẽ gặp nhau một ngày nào đó, ở một nơi cũng nào đó, mỗi người nhớ mang theo một chai rượu để uống mừng.
Chiến tranh chấm dứt. Rất may là hãy còn đủ cả và không một ai bị thương. Họ gặp nhau rất vui, uống hết những chai rượu đã được mang tới.
Năm sau và nhiều năm sau nữa, họ vẫn gặp nhau, có cả vợ con, cùng uống mừng được sống thêm một tuổi.
Rồi có người chết, những chai rượu cứ ít dần đi. Sau còn hai, cuối cùng chỉ còn một. Người chủ của chai rượu buồn quá, không uống nổi. Ông ta dặn con, khi ông chết hãy mang chai rượu chôn theo ông.
Cũng vẫn là cuộc đời, vẫn là nghệ thuật sắp đặt, nhưng người nghệ sĩ dấu mặt kia chính là tạo hóa.

Những năm gần đây, bạn bè như những chiếc lá cứ rơi rụng dần. Cái chết của họ dù có tiếng khóc của vợ con, cũng chỉ gây nên một tiếng động rất khẽ như khi lá rơi chạm đất.
Cho dù nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được đưa tiễn đông đến hàng vạn người, hay cả ngàn người lặng lẽ đứng chào theo kiểu nhà binh nhạc sĩ đại tá Nguyễn Văn Đông, thì đối với cuộc tồn sinh cũng chẳng hơn gì nhạc sĩ Trúc Phương, chết trong đói nghèo và quên lãng.
Buồn là buồn cho những chiếc lá cứ rơi rụng dần, cho những chai rượu cứ ít dần đi. Nếu sau một trận chiến khốc liệt, chỉ còn một mình mình sống sót, thì đó là cái may hiếm có. Nhưng trong cuộc tồn sinh, nếu là chiếc lá cuối cùng, hay chai rượu cuối cùng, thì không còn nỗi buồn nào buồn hơn.
Vậy nên, giả sử 20 năm nữa mà vẫn còn sống, trong khi bạn bè đã về nước Chúa ráo trọi, thì dù cho chế độ này có tiêu tùng, cũng đâu có gì vui. Đâu có còn ai nữa để mà nâng ly chúc mừng. Một ly mình mà nhiều ly không thì uống để lam gì!
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, người viết rất hay về tuổi gió heo may, về già sao cho sướng, một hôm bàng hoàng nhận ra giờ mọi sự sao trở nên nhạt nhẽo, rồi lẩn thẩn tự hỏi xếp lại cái kệ sách này để làm gì, lục tìm những bức thư cũ, những bức ảnh cũ, cũng để làm gì? Suốt ngày ba tiếng để làm gì cứ gõ đều như tiếng kêu tích tắc của đồng hồ. Để làm gì?! Để làm gì?!
Thế, có nghĩa là đã tới lúc hết muốn sống nữa rồi, mới đó mà đã thấy mình đứng bên bờ huyệt chênh vênh. Cho nên nhiều người bảo sao mà muốn chết quá, là nói thiệt chứ không phải nói chơi.
Thế nhưng cắc cớ bảo những người muốn chết đó, thôi thì một hai ba chúng ta cùng chết, ai cũng bảo để coi lại đã, tưởng đã thu xếp xong xuôi từ lâu rồi mà hình như vẫn chưa, có vẻ như đâu đó còn có tiếng nức nở, ông ơi (hay bà ơi), ông chết đi thì tôi biết sống với ai!
Rắc rối là vậy đó. Con người có thể ví như chiếc lá, nhưng chết không như lá. Lá đổ muôn chiều nhưng con người thì xin đừng rơi rụng cùng một lúc.
27/8/2019


NHNG BÔNG HOA

Món quà dễ thương nhất mà thượng đế tặng cho loài người trên trái đất này, chính là những bông hoa.
Dù có người chồng tình nghĩa tặng vợ đến những 100 đóa hoa hồng để mừng sinh nhật  thứ 100 của nàng, thì cũng không sánh được với Thượng đế, khi ngài tặng cả tỷ tỷ hoa đủ màu đủ loại, không chỉ mùa xuân mà ngay cả mùa đông băng giá, không chỉ những miền đất tốt tươi mà ngay cả núi đá khô cằn hay sa mạc nắng cháy.
Ở đâu có một ít hạt bụi là có hoa. Ngay cả trên một thanh sắt cũ, cũng nở ra những nụ hoa trắng bé xíu mà những người con của Phật gọi là hoa Ưu đàm.
Giá như không có hoa, thì trái đất đâu còn được gọi là tinh cầu xanh, mà cũng chỉ là một trái cầu khổng lồ, xám xịt như mặt trăng hay đỏ rực như sao Hỏa. Và nhân loại khi đó chắc sẽ sống như những con trùn đất, làm gì có thơ có nhạc, và những con trùn cũng chỉ có thể tặng nhau một chút nước bọt dẻo quẹo, vậy thôi
Thế mới biết thượng đế vô cùng độ lượng và hào phóng.

Hoa là của Thượng đế, nhưng con người lại đặt tên cho hoa. Ấy thế, nên cùng một loại hoa, mà người Pháp gọi là rose, người miền bắc gọi là hồng, người nam gọi là hường, còn người Mohicain gọi là gì chỉ có họ biết thôi.
Thường, người ta chọn những tên đẹp nhứt, như thủy tiên là nàng tiên trong nước, dạ lai hương là hương đến trong đêm. Hay tùy theo đặc thù của hoa, như hoa hướng dương vì hoa lúc nào cũng hướng về phía mặt trời, hoa mười giờ vì hoa nở từ mười giờ...
Nhưng cũng có nhiều tên thật xấu xí, như hoa mõm chó, hoa cứt lợn, tệ hơn nữa còn có hoa thúi địt! Những loại hoa này chắc là do những người ăn nói cục mịch, đặt tên chẳng khác gì chỉ thẳng vào mặt hoa mà chửi. Thật tội nghiệp cho hoa.
Nhưng các nhạc sĩ khi đưa vào nhạc lại đặt tên một cách nâng niu, trìu mến, như hoa trinh nữ, bông cỏ may.
Các nhà thơ còn hơn thế nữa, từ một loài hoa dại, nhờ những bài thơ của họ mà nổi danh hơn cả hoa hậu, như hoa sim trong màu tím hoa sim của Hữu Loan, hoa ti gôn của T.T.Kh. trong bài Hai sắc hoa ti gôn.
Cũng có một loải hoa bị gán ghép với lãnh tụ khiến cho hoa phải mắc cỡ đỏ mặt như hoa sen trong Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ. Câu lục bát này được một cán bộ nào đó phịa ra là ca dao, chứ không phải ca dao thiệt. Vì nếu người bình dân nam bộ đặt ra thì họ sẽ hát như thế này: Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất là tên cụ Hồ! Chữ “có” và chữ “bác” rất gượng ép, rặt một giọng điệu tuyên truyền kiểu Lê Văn Tám.

Hoa vốn không có lời và tất cả đều đẹp, ngay cả hoa cứt lợn. Nhưng khi con người, nhất là người mình sử dụng vào một mục đích nào đó, thì hoa cũng bị biến đổi theo.
Như Kiều, khi còn phong gấm rũ là thì hoa khôi, đến lúc tan tác thì hoa giữa đường, và đến khi bị Hoạn Thư bắt làm nô tì, thì hoa nô, bình dân gọi là con sen, con ở. Và trong suốt 15 năm lưu lạc cô chỉ bán có mỗi một thứ trời cho, thứ mà Kiệt Tấn gọi là nụ hoa mướt rượt, nên để tránh cái tiếng con đĩ Kiều của cụ Ngô Tất Tố, cô được gọi là gái bán hoa.
Có một dạo, cả nước ồn ào vì muốn tìm một loài hoa để biểu trưng cho tổ quốc, gọi là quốc hoa. Có người đề nghị hoa sen, hoa cúc, hoa vạn thọ…ỏm tỏi cả lên. Đúng lúc đó, một vị tiến sĩ được coi như đại trí thức liền tung ra một trái bom, nổ tung văng miểng tùm lum: ngài Vũ Khiêu lớn tiếng đòi quốc hội lấy hoa mào gà làm quốc hoa!
Hoa mào gà thì tự nó chẳng có gì xấu, cũng chẳng có tội tình gì. Sở dĩ bị thiên hạ ném đá vì nó được dùng để chỉ cái của để dành của đàn ông, đã trở nên sần sùi vì bị bệnh lậu! Quốc hoa mà như thế sẽ trở thành quốc nhục!
Và hiện giờ, chẳng những cả nước Việt Nam anh hùng bất khuất, mà cả thế giới, nhất là tổng thống Trump của Mỹ đều phản đối cái xứ sở gọi là Tàu, tức Trung Hoa, về cái lưỡi bò và đường chín đoạn.
Trung Hoa là hoa nằm chính giữa, đẹp quá,  tự hào quá đi chứ, nhưng bị nguyền rủa tơi bời vì cái mộng bá quyền của tân hoàng đế họ Tập, muốn làm chủ biển Đông để rồi làm chủ cả thế giới.
Chữ hoa đẹp đẽ lại còn bị sử dụng một cách  hèn hạ, là làm bẩy để săn, như trăm hoa đua nở đã bẩy cả nhóm Nhân văn giai phẩm sa vào lưới, trói gô bọn họ đưa vào tù.

Hoa của tạo hóa ban cho, tất cả đều sống chung đề huề trên mặt đất. Dù cụ Nguyễn Du bảo hoa ghen thua thắm là nói vậy chứ hoa đâu có tính ghen. Cũng như hoa không hề ỷ hoa lớn bắt nạt hoa nhỏ, không hề đánh nhau mẻ đầu sứt trán. Không có một thứ gì trên đời này hiền như hoa, chịu chơi như hoa, phơi mở hết mình để cho con ong tỏ cả đường đi lối về. Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết chứ hoa, ngay cả đánh nhẹ lên đàn bà cũng không.
Thế thì, hoa có xấu, có ác cũng bỡi con người mà ra. Cái gì rơi vào tay con người cũng đều trở nên tội lỗi. Như trái táo của A dam, nếu không cắn một miếng thì đâu đến nỗi phải bị đày ra khỏi vườn địa đàng.

Dù vậy, trái đất có thêm hoa là một ơn phước lớn. Chẳng những hoa làm đẹp cho người mà còn biết cảm thông, biết an ủi dỗ dành. Như hoa nở vì người tù Tô Thùy Yên. Đóa hoa không tên ấy, cho dù không có mùi hương, vẫn là đóa hoa nhân ái nhất, không chỉ khép nép nở bên đường mà còn nở cả trong lòng thi sĩ.
Cảm ơn hoa đã vì ta nở.
Tôi cũng xin cảm ơn hoa, vì hoa mà tôi viết được bài viết này.
10/2019
KHUẤT ĐẨU

No comments:

Post a Comment