Tuesday, October 29, 2019

CẮT DÁN ‘ĐOẢN THI MÙA THU’


Trần Thị Nguyệt Mai


Autumn Leaves. Watercolor Sketch

mùa thu
mùa thu
quán cà phê.
gió
người về
bóng
cành khô
quạ kêu
đàn bướm.
bay lên
những chiếc lá phong
khúc nhạc. xưa
có kẻ
viết bài đoản thi
bên hòn đá lớn
hành giả
dừng chân
trăng lên
chiều

TTNM


Sunday, October 27, 2019

ĐOẢN THI. MÙA THU


nguyễnxuânthiệp

Lá thu
Đoản thi. mùa thu

chiều
trăng lên
hành giả
dừng chân bên hòn đá lớn
viết bài đoản thi
có kẻ. ôm đàn
tấu lên
khúc nhạc. xưa
bỗng thấy. những chiếc lá phong. như đàn bướm. bay lên
tiếng quạ kêu
trên cành khô
bóng người về
quán cà phê. của gió
mùa thu
mùa thu

Autumn 2016


mùa thu và bếp lửa

chiều mùa thu
và một bếp lửa
để về
tôi đọc thấy. trên trang văn. của khánh minh. ngày nọ
nhưng chiều nay
thấy lạnh
hai tay. và mái tóc
tôi chợt ngộ ra
không. tôi không có một bếp lửa nào
một mái ấm nào. để trở về
mà chỉ là người hành giả
đi trên đường chiều
cô độc
một quán trọ
một ngôi chùa
bốn phương. nào thấy
thèm được vị thiền sư
tặng chiếc áo. và vầng trăng
thiền sư ơi
chiều rơi
chiều không lửa ấm


đi giữa những tờ kinh

tôi đi. giữa những tờ kinh
nắng. hong trên màu lá. úa
có tiếng ai gọi
trời hư vô. nghiêng bóng cây
chim ơi. chim. sao không về lại
mình tôi đi giữa những tờ kinh
còn nghe. tiếng gió. trên gác chuông. chùa cũ
vị sư già. đã rời đi
con bướm. hoàng hoa. trên phương trượng 
còn thức. đợi. người


buổi chiều. nghe tiếng ve ran

buổi chiều
đứng nhìn vầng trăng mọc sớm
bỗng nghe tiếng ve ran
trên ngọn sồi già
tưởng mình đang đứng
trước cổng khu vườn thời nhỏ
em có nghe tiếng ve
của thời thơ ấu ấy
khi anh và em. học cùng trường
em. cô gái nhỏ. đôi mắt đen. cổ tích
còn anh
húi đầu trọc
tắm sông. bẻ trộm bắp
chưa biết tới nỗi buồn
bao giờ
bao giờ
anh về lại. chiều xưa


bàn tay hái hoa mùa hạ đó.
mà nay đã quên vườn xưa*

khi hoa hồng không nở nữa. người ơi
và hoa đồng thảo rụng tàn
khi những chú ong vàng nghệ. với dáng nghiêm
bay về phía bên kia mặt trời
bàn tay hái hoa trong mùa hạ. nay
đã dừng lại. và sẽ nằm yên. biếng nhác. trong sắc ố. phai

vậy người ơi, xin hãy hái lấy. đóa hoa tôi

*Viết theo bài đoản thi của Emily Dickinson
*hứng bút theo ca từ TCS


cơn bão. và tách trà

và trong một tách trà nghẹn
vì tornado vừa qua oklahoma
(thơ đinh cường)

đinh cường ơi
nhớ những câu thơ bạn viết cho tôi
khi tôi vừa tới định cư. nước mỹ
ngày ấy. cơn bão. tornado. đi qua oklahoma
trong tách trà bạn đang uống
thoảng mùi hương bão tố
đêm chủ nhật. mới đây
tornado. cũng qua dallas
giữa lúc tôi đang cùng. hoàng chu. và các bạn
ngồi uống trà. nghe thùy linh hát. nhạc jazz. trong tiếng kèn saxo
nức nở
cây gãy. nhà bay nóc
tiếng người khóc trong mưa
ôi đời tôi. cường ơi. là hương trà trong cơn bão

khi ở thành phố garland
tháng 10 2019


bông hoàng lan. ngày ấy

bông hoàng lan
hái ở vườn chùa. ngày ấy
nay về đâu
mái tóc
chiều buông
trong tay người
cũng phai nhạt. hết sắc mơ

nhưng tôi. vẫn cám ơn
vẫn cám ơn
bông hoa
của chùa già lam
như những điệp khúc. piano*
của thầy. tuệ sỹ
NXT
(trong ‘Những Bài Đoản Thi’ sắp xuất bản)

*refrains pour piano







NỖI BUỒN CỦA LÁ


Đặng Mai Lan

Lá thu. Feuilles d' Automne

     Nhà đông anh chị em, nhỏ nhất nhà, nên những chuyện vặt vãnh đều dành cho Lá. Vì vậy, mỗi lần anh đến, Lá luôn là người ra mở cửa tiếp anh nếu như người anh muốn gặp đi vắng. Lần nào Lá cũng trả lời qua loa và chỉ chực quay đi. Chẳng bao giờ Lá mời anh vào nhà. Mà nếu như Lá có mời thì anh sẽ lúng túng, cả hai chắc chắn sẽ chẳng biết nói gì với nhau. Bởi anh nào có lớn hơn cô là bao lúc ấy.

     Lần đó Lá cầm trên tay một cuốn sách. Cầm một cách cẩn trọng, nâng niu. Anh thấy Lá để một tấm bìa làm dấu nơi trang sách mà cô đang đọc. Tấm bìa chỉ ló ra một phần nhỏ, đó là một tấm ảnh trắng đen. Anh hỏi, Lá đọc gì thế?
   - Tiểu thuyết.
   - Hay không?
     Lá lúng túng... Em không hiểu, nhưng ... em thấy hay và buồn lắm...

     Lá chưa biết trả lời sao cho đúng vì đó là một cuốn truyện Lá đọc khác hết những loại sách Lá đang đọc. Nó dẫn cô vào một vùng chữ nghĩa khác. Thứ chữ nghĩa làm Lá bay bổng, cuốn xoáy rồi rơi xuống đậu trên một nỗi buồn rất êm, rất mượt.

     Cuối cùng cuốn sách ấy đã về tay anh, không phải anh mượn sách để tìm cái không hiểu mà hay như cô nói. Thực lòng, anh chỉ muốn ngắm tấm hình dấu bên trong những trang giấy. Hình thuở Lá mười lăm tuổi, ngây ngô đứng trước sân nhà. Buổi trưa, nắng vỡ trên tóc, trên vai. Nắng làm hai con mắt cô nheo lại thật dễ thương, tội nghiệp.

     Cuối cùng, cuối cùng...

     Buổi ấy, cuốn sách đã theo anh về đơn vị, theo anh ra chiến trường và cùng anh biến mất ở một cánh rừng nơi vùng Tây Nguyên. Anh mất, cuốn sách mất và Lá cũng mất đi sự hồn nhiên ngày nào.
     Đó là những ngày tháng mà Lá biết thế nào là buồn bã, lạc loài. Lá vẫn nghĩ về cuốn sách, tự hỏi anh đã đọc hết chưa ? Tại sao anh lại mượn cuốn sách ấy ? Một truyện tình buồn nên mang một cái tựa không vui. ? Có lúc Lá lại nghĩ nó như một điềm gở cho sự chia ly của cô và người con trai ấy.

      «Khi người con gái đến được chỗ hẹn thì người con trai đã bỏ đi. Cô cũng nghĩ đến điều ấy vì đã quá trễ. Người con trai không còn có thể nán lại lâu hơn nữa để chờ đợi cô. Cô biết chứ, nhưng tự dưng cô vẫn muốn đến nơi đó dù chẳng còn chút hy vọng nào. Đến, chỉ để nhìn vào cái quán trống. Có thể nơi chỗ anh ngồi, trên vuông bàn thân thiết ấy còn dăm ba cái ly hoặc chỉ có một ly cà phê đã cạn và chiếc gạt tàn thì đầy ắp những tàn thuốc hút của anh. Còn cả hơi ấm hai bàn tay anh, hơi hướm anh trên vai ghế, nệm ngồi. Cô sẽ đứng phía ngoài, lặng lẽ nhìn vào. Rồi cô sẽ trở về nhà, không bằng một phương tiện giao thông nào khác. Bằng đôi chân cô sẽ chậm rãi đi qua những con đường đầy gió, đầy lá, đầy bóng tối mỏng mảnh vừa đổ xuống, xoá hết một ngày. Cô cũng sẽ đi qua một giòng sông, những ngã tư, ngã sáu.. những nơi chốn người con trai thường đi qua.. Cũng có thể người con trai đang đi qua lúc ấy. Những bước chân của hai người rượt đuổi nhau mãi mà chưa dừng lại trùng phùng. Cô sẽ như người con trai, lắng nghe cây lá reo vui, dế giun than vãn, và nghe sông gọi sóng bằng âm thanh của gió. Cô sẽ mang những âm thanh ấy vào giấc ngủ đêm nay. Mang theo hình ảnh gầy gò và lủi thủi như một tàng cây buồn, lặng lẽ trong khuya khoắt, bão, mưa. Người đàn ông yêu dấu của cô.
      "Như một cành củi nỏ, cháy nhánh đời điên mê... » *
      Lá nghĩ nếu như anh còn sống thêm nhiều năm nữa.. và dù đời sống vui hay buồn cô cũng sẽ có với anh những ngày ấm áp thơ mộng như thế. Tình yêu của cô vừa mới chớm đã bức tử chia lìa. Lá buồn bã, Lá thèm được như người con gái kia.. Nhưng cô sẽ đi về đâu, đến một nơi nào để tìm lại, thấy lại dấu vết của người lính trẻ ? Những cánh rừng nào anh đã đi qua ? Làm sao Lá có thể đến được. Đi ngang trại lính nằm ở ngoại ô thành phố chăng ? Cũng có một lần Lá đi qua đó, những cuộn dây kẽm gai đã làm tim cô ứa máu.

     Từ lâu, tôi đã có ý muốn viết một truyện ngắn với một nội dung như thế. Nhưng cho đến bây giờ nó vẫn chỉ là một ý định chưa thành. Viết gì ? Về mối tình thơ dại, bèo bọt mong manh trong thời chiến chăng ? Thường tình quá, phải có thêm một điều gì khác nữa. Tôi chưa tìm được điều ấy nhưng mỗi khi nghĩ đến truyện muốn viết, tôi lại nghĩ về cuốn sách.
     Thực sự tôi không còn nhớ gì về nội dung, hình thức bìa bản của nó ngoài cái tựa và tên tác giả. Tôi đã đọc hết cuốn sách đó chưa trước khi cho người lính trẻ mượn lúc anh chuẩn bị lên đường ra chiến tuyến ? Tôi cũng không nhớ nốt. Nên hình ảnh người con trai như một tàng cây mong manh, co ro buồn "dưới một vuông trời mù" *, cùng người thiếu nữ có đôi mắt làn môi và mái tóc bão bùng tâm hồn anh* mà tôi sẽ đưa vào truyện chỉ là hư cấu. Cái hư cấu được nẩy sinh từ những "Khúc Tháng Hai", những "Trên Ngọn Tình Sầu" mà tôi đã nghiền ngẫm sau này. Những lời hát, những câu thơ đã vẽ lên trí tưởng tôi một khung cảnh, một tình yêu, một khúc đời rất mộng, rất buồn. Người con gái trong truyện ấy tên gì? Thụy Châu, Huyền Châu? Nhất định phải có một người con gái. Tôi chưa định được tên cho nhân vật nữ này. Riêng tôi, truyện vẫn nằm sâu trong trí óc nhưng tôi đã gọi người thiếu nữ trong truyện của tôi là Lá. Cái tên có từ lúc tôi gặp được tác giả của cuốn sách tôi đọc năm xưa. Trước khi quen và gặp được ông, tôi đọc khá nhiều những tác phẩm của ông, đa số là thơ. Tôi theo dõi cả những bài viết về Tác Giả, Tác Phẩm do những bạn hữu, thân tình của ông viết ra.
     Người ta nhắc nhở đến những bài thơ cũ từ thập niên sáu mươi, bảy mươi và cho đến bây giờ nhưng tuyệt nhiên không hề có người nào nói đến cuốn tiểu thuyết ấy. Lắm lúc tôi tự hỏi, hay tôi nhầm. Ông chẳng hề viết ra cuốn sách có cái tựa như thế? Như tôi đã nói, mấy mươi năm rồi, tôi không còn tin vào trí nhớ của mình nữa. Nhưng làm thế nào có thể quên được cái tên ấy nhỉ ?

      Mùa hè năm đó, nhà thơ Du Tử Lê, tác giả của tiểu thuyết mà tôi đọc gần ba mươi năm trước qua Pháp cùng với hai nhạc sĩ là Từ Công Phụng và Vũ Thành An. Họ đã qua Đức trước đó và cùng ban tổ chức bên Đức đến Paris. Tôi được giao phần phỏng vấn DTL, giới thiệu một vài bài hát của hai nhạc sĩ Vũ Thành An và Từ Công Phụng do những ca sĩ nghiệp dư của Paris trình diễn. Chỉ một vài bài hát và phỏng vấn ông vài câu còn tất cả đã có một người M.C ở Đức phụ trách. Nên tôi dự tính là sẽ về Paris vào sáng thứ bảy, đến thẳng hội trường vì chương trình bắt đầu lúc ba giờ chiều hôm đó. Vả lại, tối thứ sáu mãi gần bảy giờ tối tôi mới rời khỏi sở làm. Thế mà vừa đặt chân vào nhà thì điện thoại reo. Đó là lần đầu tiên tôi nghe giọng nói của ông, giọng nói mà sau này gặp ông Phạm Phú Minh ở Cali ông có nói với tôi rằng, DTL mà nói thì con kiến trong tổ cũng phải bò ra nghe. - Có chút vấn đề, anh cần nói với ML. ML có thể lên gặp anh em ngay tối nay được không? Please..please!! Vấn đề gì, quan trọng cỡ nào mà sao tôi nghe giọng nói của ông lại rất dịu dàng điềm tĩnh? Vậy là con kiến ML đành phải ăn vội qua loa chút gì đó và cùng một người bạn gái khác vượt gần hai trăm cây số giữa đường khuya để về Saint Germain Les Corbeil, một làng nhỏ cách Paris khoảng ba mươi cây số. Nơi cư ngụ của nhà thơ Thụy Khanh. Một ngôi nhà xinh xắn mà ông cùng hai nhạc sĩ lưu lại trong những ngày ở Paris. Ngôi nhà này tôi đã đến rất nhiều lần, mà hình như đều đến vào buổi tối và lần nào tôi cũng bị lạc đường.
      Mười lần thì lạc cả mười. Tối đó chúng tôi cũng bị lạc. Chủ nhà cứ phải ngồi trực điện thoại để chỉ đường cho tôi. Và không biết tôi đã ngừng lại bao nhiêu góc đường để điện thoại hỏi thăm. Khi chúng tôi đậu xe trước sân nhà thì cũng đã mười hai giờ đêm. Mọi người, trừ nhạc sĩ Vũ Thành An đi ngủ sớm, còn tất cả đều thức và đang trò chuyện, bàn tán sắp đặt chương trình cho ngày mai. Tuy nhiên có một người, không biết tự bao giờ đã đứng trên thềm cửa đón chúng tôi. Ngoài chủ nhà, những người có mặt đêm ấy đối với tôi đều là người lạ. Tôi chưa gặp họ bao giờ luôn cả người đàn ông đứng chờ chúng tôi giữa bóng đêm. Dù chỉ thấy từ xa, không nhìn rõ mặt nhưng tôi biết chắc đó là ông, Củi Nỏ đang cháy đời điên mê với đốm lửa đỏ trên môi, giữa gió, sương, đêm hè tháng tám của năm 1999.

      Tôi muốn nhắc lại những con số của ngày tháng này vì sáu năm sau đó tôi lại có dịp cùng ngồi với ông trên một sân khấu khác. Người tổ chức buổi văn nghệ hôm đó là nhà văn Cổ Ngư. Anh mời tôi đọc thơ Du Tử Lê và cũng lại giới thiệu những bản nhạc phổ từ thơ ông, trong số đó có những bài của anh sáng tác. Tôi không hiểu tại sao Quang (nhà văn Cổ Ngư) lại chọn tôi. Tôi không tin là mình có một giọng hay, truyền cảm để diễn tả trọn vẹn những vần thơ tình, tuyệt của ông. Hay Quang nghĩ là tôi thân với ông ? Hình như tôi cũng chưa hề nói với Quang về một thứ tình thân nào của chúng tôi cả.

      Cho đến bây giờ, gom góp lại thì tôi quen ông khoảng gần 10 năm. Mặc dù, tôi không phải là người nhút nhát, ít nói. Ông cũng là một người khéo léo, mềm mỏng trong giao tế. Chiếc xe Rover nhỏ xíu của tôi đã đưa ông đi khắp cùng Paris. Đưa ông về Reims, thành phố tôi đang sống. Tôi và ông có rất nhiều thời gian, cơ hội để chuyện trò. Nhưng nếu kể về những câu chuyện, lời lẽ qua lại giữa tôi và ông có viết ra thì không biết sẽ được mấy câu ? Chúng tôi chỉ nói với nhau những điều cần thiết. Như buổi tối ông yêu cầu tôi về Paris sớm vì có chút vấn đề. Vấn đề mà sau đó tôi tự tìm hiểu chứ ông cũng không hề giải thích, chỉ ân cần dặn dò tôi phải nhắc đến người này, người kia trong phần giới thiệu của tôi.
      Từ những nhắc nhở, dặn dò nhỏ nhoi đó mà tôi nhìn thấy nơi ông một tấm lòng. Không biết phải gọi là gì ? Nó bao gồm sự tử tế, công bằng, lòng bao dung, tình nghĩa với những người ông quen biết. Đối với tôi, đó là căn bản đạo đức sống của một con người và đã đủ để tôi quý mến ông mà những thị phi gai góc, lời ong tiếng ve nhỏ nhặt hẳn có của đời thường không thể nào bôi xoá trong tôi cái nhìn tốt đẹp ấy. Lẽ ra tôi phải nói điều này với ông từ lâu lắm. Tôi phải cám ơn ông nữa, vì một chuyện làm tôi rất cảm động là trong ngày ra mắt sách của tôi, tôi được gặp một người bạn chí thân của ông. Người đàn ông đến mua sách, tự giới thiệu mình là Phạm Xuân Hy và cho tôi biết là Du Tử Lê đã nhờ ông đến tham dự, ủng hộ tôi. Ở một nơi xa mà ông vẫn nghĩ đến tôi. Tôi nhớ mãi điều này. Khi nhận lời Quang đọc thơ của ông. Tôi cũng lười, không liên lạc trước với ông. Chỉ âm thầm lo liệu bài bản của mình. Đúng ngày giờ, tôi mới đến chào ông. Bây giờ nhớ lại lúc tôi giới thiệu ca khúc "Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn", bằng những lời lẽ rất mượt mà dẫn chứng những hình ảnh đẹp trong giòng lục bát của ông. Thực sự khi đọc trong tôi chợt có một nỗi xúc động dấy lên. Tôi đã quay xuống nhìn ông lúc đó và nhận ra ông cũng đang nhìn tôi với một chữ " thank" rất nhỏ. Chỉ có thế, tàn cuộc rồi chia tay, chúng tôi chẳng nói gì thêm với nhau mặc dù cả sáu năm không gặp. Xem ra sự liên hệ giữa tôi và ông rất nhạt. Tôi tự hỏi: Có điều gì làm tôi ngại ngần không đến gần ông? ..Tiếng tăm ông lừng lẫy, bạn bè thân thiết của ông quá nhiều, cần gì con nhỏ chỉ viết được dăm ba truyện ngắn như tôi. Không đâu, tôi chẳng hề có thứ mặc cảm đó. Tôi chỉ tin rằng tuy tôi không hề biểu lộ bày tỏ một điều gì nhưng tự ông đã nhìn thấy những tình cảm tốt đẹp của tôi dành cho ông và ngược lại. Tôi tin, tin lắm. Tôi muốn gọi tên bài viết này là "Nỗi buồn của Lá ", vì lần đầu gặp tôi, ông nói tôi gầy như một chiếc lá. Chiếc lá đương xanh, chiếc lá chớm vàng, hay chiếc lá đã quắt queo khô, buồn rơi trên mặt đất. Với tôi, dù thế nào chiếc lá là một hình ảnh đẹp. Cũng chỉ là một câu nói rất thường nhưng Lá là một sinh vật mong manh, đáng yêu mà ông mang vào trong thơ của ông rất nhiều. Tôi cảm thấy vui vui và thầm cám ơn ông đã ví tôi bằng một hình ảnh đẹp như thế.

Cùng tôi, mưa xuống lưng đồi
Cây vui tay vẫy, lá mời hạt rơi
...
Chim cao bay lạ tiếng chì
Mái ngon hiên nặng lá thì thầm vui
...
Nghe tôi chiều cũng lên đồi
Cây chia nỗi nhớ từng ngôi lá tàn... *

      Đã có lúc tôi cười một mình tự hỏi, tự nhại lại những câu thơ của ông rằng. Lá là tôi hay lá cũng là ông? Tôi và, lá và, ông là một nhé! khi tôi đọc những câu:

"Tôi, chân buồn phố xá
Tôi, tay buồn lá khô..." *
...
Cây tôi mộng sớm ra ràng
Lá tôi thoắt đã bay dàn sân mưa*

    Còn bao nhiêu chiếc lá, bao nhiêu đời lá mộng mị buồn thảm trong thơ ông? Làm sao kể hết.

     Trước khi viết bài tôi có gửi e.mail cho ông. Tôi nói, ML sẽ viết về anh, về cuốn sách có tên là "Ngửa Mặt". Ông rất ngạc nhiên. Ông không ngờ truyện dài đầu tiên của ông sau rất nhiều năm hầu như bị lãng quên, mất tích bây giờ lại được tôi, một người không cùng thế hệ với ông ngó ngàng tới.
     Những lời lẽ đầy xúc động của ông làm tôi bối rối. Viết gì bây giờ? Chỉ như một đốm lửa lập loè trong trí nhớ đặc quánh sương mù. Chỉ là một kỷ niệm nhỏ lồng trong một kỷ niệm buồn thời tôi mới lớn và đeo đẵng tôi mãi cho đến bây giờ.
     Có thể nói cuốn sách ấy đến và đi ra khỏi đời sống tôi, để lại một nỗi buồn từ ngày ấy. Bonjour tristesse! Nỗi buồn Ngửa Mặt, nỗi buồn của những chiếc lá.

(Reims tháng 2/07 )
ĐML
_______
* Trích từ những bài thơ của Du Tử Lê 


Friday, October 25, 2019

… VÀ MƯA


nguyễnxuânthiệp

Melanie Safka

mưa
những cuộc tình mù
trong thơ tôi
thoảng mùi hương. bão tố

chợt nhớ lại
những ngọn nến trong mưa
ở woodstock ngày nào
cách nay đã năm mươi năm
khi melanie safka
hát
candles in the rain
chúng ta quá gần nhau
không khoảng cách
máu chúng ta, cùng hòa chung. trong một vết thương
hãy đưa cao. những ngọn nến. trong mưa
hippie. ma túy. bùn lầy. tự do. hơi thở. và hòa bình
bức tranh siêu thực

và mưa
em có cùng tôi. đi. trong mưa
cuộc tình mù. không ngọn nến

Mùa thu 2019
NXT

(trong ‘Những Bài Đoản Thi’, sắp xuất bản)