Tuesday, September 24, 2019

NGHĨ VẨN VƠ, CUỐI ĐỜI. BÀI I. QUÊ HƯƠNG TÔI XỨ DÂN HỜI


Khuất Đẩu

Tháp Hời. Bình Định

Quê tôi, một miền quê thuần nông, nghèo nhưng không đến nỗi đói, nằm cạnh sông Kôn, con sông lớn nhất tỉnh Bình Định chảy qua thành Đồ Bàn với rất nhiều huyền thoại.
Từ hiên nhà nhìn ra, sáng chiều và ngay cả trong những đêm tối trời, tôi vẫn thấy tháp Bánh Ít ở trước mặt, như hai búp măng non mọc lên từ lòng đất.
Xa hơn về phía tây, vượt hẳn khỏi những lũy tre ở quê ngoại, là tháp Cánh Tiên rực vàng trong nắng sớm và đỏ thắm trong những buổi chiều tà.
Bên kia sông, cái bóng đồ sộ của một ngọn tháp không rõ tên ở xã Nhơn Thành lại in xuống nước rực rỡ như một khối ngọc khổng lồ.
Và khi đi vào cửa ngõ thành phố Qui Nhơn, lúc nào tôi cũng có cảm giác tháp Đôi như hai anh em song sinh dễ thương đang đứng đón chào.
Như vậy, bốn mặt đông tây nam bắc ở quê tôi đều có tháp. Tháp thờ những ai không biết vì trong lòng tháp trống không chỉ có những mảnh gạch vỡ và những con dơi bay lượn. Nhưng trong cảnh điêu tàn hiu hắt ấy nó vẫn không mất đi cái vẻ thiêng liêng rất hùng vĩ.

Những ngọn tháp đều xây trên những ngọn đồi thấp nhỏ, thuở ấy hãy còn hoang sơ lắm. Nhìn từ xa, trông giống như bầu vú của một người mẹ đang nằm mà tháp là cái núm be bé xinh xinh cho các con bú mớm.
Sự liên tượng ấy càng làm cho những ngọn tháp trở nên thân mật, gần gũi chứ không bí hiểm xa lạ.
Có vẻ như người xưa chung sức chung lòng, xây tháp là để ngợi ca cuộc sống bất diệt, chứ không phải vì sự bất tử của các pharaon như kim thự tháp ở Ai Cập.
Họ đổ mồ hôi, nhưng không đổ máu. Họ ca hát và nhảy múa sau khi hoàn thành chứ không khóc than rên rỉ dưới đòn roi.
Những ngọn tháp vì vậy hãy còn vươn lên mạnh mẽ dưới trời xanh, dù rằng những chủ nhân thật sự đã phiêu tán tận đâu đâu.
Dù là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng tôi chỉ thấy ngậm ngùi chứ không dám tự hào. Vì những ngọn tháp đó là của dân Hời, đâu phải của ông cha tổ tiên tôi.
Cũng như tháp Eiffel là của người Pháp, tháp Big Ben là của người Anh, tượng Nữ thần Tự Do là của người Mỹ…Những di dân bất đắc dĩ người Việt cho dù nhận những nơi ấy làm quê hương thứ hai, cũng không thể và không nên tự hào. Con cháu họ 500 năm sau chắc vẫn còn thao thức tự hỏi quê hương đích thực của mình ở đâu?

Lần theo vết xe của lịch sử, tôi kinh hoàng nhận ra kinh thành Đồ Bàn, cách đây trên 500 năm, (1471) đã bị vua Lê Thánh Tôn cho quân lính san bằng, để lại ba mươi vạn thủ cấp và bắt đem đi hai mươi vạn nô lệ.
Có thể các nhà viết sử thời ấy đã thêm thắt thổi phồng để làm vừa lòng nhà vua. Nhưng dù thế nào, cũng đến non một nửa dân Hời bị bắt và bị giết. Vị vua được coi là anh minh nhất hóa ra là một kẻ xâm lược tàn bạo.
Sau cuộc chinh phạt, về nước vua liền xá tội cho các tù nhân bị án tử, đưa họ vào đất Đồ Bàn đầy những con ma không đầu, coi như tha chết nhưng lại bị lưu đày biệt xứ. Họ rất có thể là ông cha tổ tiên xa xôi của tôi.

Hình ảnh những thân người gầy còm, cổ mang gông chân mang xiềng, kết lại thành từng chùm, lê lết qua đèo qua phá, nhiều đêm lướt qua tâm trí tôi như những oan hồn trong thập loại chúng sinh của thi hào Nguyễn Du.
Cũng có thể, ông cha tổ tiên tôi là những dân nghèo từ các ruộng đồng chiêm trũng, từ những vùng sơn cước hay từ những miền nắng gió bão bùng ở châu Hoan châu Ái, bị vua quan ép buộc phải rời bỏ quê hương để vào nam khai phá vùng đất vừa mới chiếm được.
Họ cũng giống như những cư dân ở các thành phố miền nam bị chính quyền CS đưa đến các vùng rừng thiêng nước độc với mỹ danh rất kêu là đi kinh tế mới.
Số phận của ông cha tổ tiên tôi phải nói là cực cùng bi thảm. Không kể chết đường chết sá, chết bờ chết bụi, chết sông chết biển, nếu đem được tấm thân tàn tới được Đồ Bàn còn tanh mùi máu, thì còn phải chết vì đói, vì bị dân Hời nửa đêm mò tới cắt cổ để trả thù.
Trong số hàng vạn những con người cùng khổ ấy may ra chỉ còn sống sót được vài ngàn người. Suốt ngày, dưới cái nắng cháy da cháy thịt hay trong cái lạnh thấu xương họ phải chôn lấp những xác chết đang thối rữa, thu nhặt những  xương trắng phơi đầy đồng, rồi từ đó làm ra hạt lúa củ khoai, sống còm cõi trong nỗi nhớ quê da diết.
Đồ Bàn xưa cũng như Sài Gòn nay, một khi đổi chủ là bị thay tên đổi họ. Đã không còn là Chà Bàn của Chế Bồng Nga mà là Quy Nhơn biên trấn xa xôi của dòng họ nhà Lê, rồi của chúa Trịnh*.
Nhờ Trạng Trình mách bảo, Nguyễn Hoàng đã xin vào Hoành sơn, trở thành chúa Nguyễn chia đôi bờ cõi bắc nam. Được các hậu duệ chiêu dụ, các nhân tài miền bắc lần lượt trốn vào nam, biến Quy Nhơn trở thành nơi đất lành chim đậu. Trong số đó có Đào Duy Từ người đã xây lũy Thầy và lũy Trường Dục bên bờ sông Gianh và Hồ Phi Phúc lập nghiệp ở  Tây Sơn thượng đạo, sản sinh ra Tây Sơn tam kiệt.
Khi đại binh của vua Quang Trung tiến ra đất Bắc, chắc thế nào cũng có cháu con của những người tù biệt xứ . Dù đã trải qua bao đời, nhưng cái giấc mộng về thăm cố hương cũng vẫn còn, nếu không muốn nói là cháy bỏng hơn bao giờ. Có lẽ nhờ vậy mà cuộc hành quân trở nên thần tốc: chỉ mới 5 ngày mà đã vào đến Thăng Long. Được bước đi trên đất cố đô giữa lúc máu quân thù chảy thành sông, xác thù chất thành gò, trong khí xuân thơm mùi thuốc súng, là cả một thoáng huy hoàng của họ.
Tôi nói một thoáng, vì sau đó Tây sơn sụp đổ, đất Qui Nhơn lại máu chảy đầu rơi còn hơn cả lúc vua Lê chiếm được Đồ Bàn.
Thành Quy Nhơn lại bị đổi tên thành Bình Định và ấp Tây Sơn của Nguyễn Huệ bị đốt phá san bằng, chỉ sót lại một cây me con nay đã trở thành cổ thụ.
Nguyễn Ánh và triều Nguyễn sau đó đã tiến hành một cuộc trả thù tàn khốc và dai dẳng. Ngoài việc truy lùng những danh tướng như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và tất cả những ai cầm giáo theo Tây Sơn, còn cấm tiệt không được ai nhắc nhở đến họ.
Mãi 200 năm sau, bà tôi vẫn phải sợ hết hồn khi đứa cháu nhỏ là tôi, lúc học bài sử đã “rống” lên thật to: vua Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh…
“Gọi là ngụy chớ sao dám gọi là vua”, bà tôi khẽ khàng dặn cháu.
Cái từ “ngụy” đầy hận thù và khinh miệt ấy sau này được bên thắng cuộc tròng lên đầu lên cổ bên thua cuộc, xuất phát là từ đó.

Khi tôi được sinh ra và lớn lên, cái nỗi đau nhớ quê của tổ tiên cũng đã phai mờ dần. Và dân Hời cũng không còn một người nào sinh sống ở đất Đồ Bàn nữa. Nhưng cái tiếng Hời vẫn không mất đi. Nào hời hời khi mẹ ru con, nào ma Hời, mả Hời, vàng Hời, giếng Hời…
Tuy chưa hề trông thấy những con ma Hời sờ soạn dắt nhau đi như Chế Lan Viên đã thấy, nhưng tuổi thơ tôi vẫn luôn ám ảnh về bóng dáng của dân Hời. Tôi như thấy họ đang đóng gạch xây tháp, xuống sông lấy nước đi thành hàng dài, và mỗi lần soi mặt xuống giếng vuông của họ, tôi đều giật mình tưởng chừng như họ đang trốn núp đâu dưới đó…
Một đôi khi, có một vài người da nâu thẫm, mặc toàn đồ trắng, quấn khăn trắng đến các phiên chợ ngồi bán thuốc làm bằng rễ cây. Họ cười nói chào mời, nhưng trong đôi mắt họ vẫn chất chứa một nỗi buồn sâu thẳm, nỗi buồn của những kẻ đã bị cướp mất quê hương.

Không ai viết lại được lịch sử, có nghĩa rằng, không ai có thể thay vua Lê trả lại thành Đồ Bàn cho họ. Nhưng sao không ai dám, như chính phủ New Zealand và Australia có một lời xin lỗi chân thành với thổ dân, vì ông cha họ đã tàn sát và xâm chiếm đất đai bạt ngàn của người bản xứ.
Chẳng những chúng ta nợ họ một lời xin lỗi, mà còn chịu ơn họ đời đời.
Chịu ơn những ngọn tháp, những tượng Chàm. Chịu ơn những những nỗi buồn và cả những nỗi nhục.
Để không bị như họ, chúng ta phải rút ra bài học mạnh mẽ hơn.
Rằng, đừng khóc cho quê hương, mà phải đứng dậy.
Lúc này, khi bọn Tàu phù đang lăm le xâm chiếm vùng trời vùng biển nước ta, ai có súng thì dùng súng, ai có dao thì dùng dao. Ai không có gì hết thì xuống đường và già như tôi, thì dung bút.

KHUT ĐU
5/9/2019
*Thành phố Qui Nhơn hiện giờ nằm cách thành cũ Đồ Bàn khoảng hơn 20km.

No comments:

Post a Comment