Saturday, December 1, 2018

VÀI CẢM NGHĨ KHI XEM PHIM ‘MÊ THẢO THỜI VANG BÓNG’


Huyền Chiêu

Poster phim Mê Thảo

Phim Mê Thảo Thời Vang Bóng phỏng theo tiểu thuyết Chùa Đàn của Nguyễn Tuân , biên kịch Việt Linh, Phạm Thùy Nhân do Việt Linh đạo diễn thực hiện xong năm 2002 nhưng  mãi đến nay tôi mới được xem do tò mò sau khi đọc hai bài viết : “Chùa Đàn và Mê Thảo Thế Giới Của Hồn Oan”, “Lời Yêu Ngôn” tác giả Nguyễn Xuân Thiệp đăng trên Phố Văn Blog.

Tiếc nuối  đầu tiên là phim không mang tên “Chùa Đàn”  . Bởi theo tôi nhân vật chính của cuốn phim phải là cây đàn và câu chuyện về một cái chùa không thờ Phật mà thờ một cây đàn là  một câu chuyện lạ kỳ gây ấn tượng. Nếu tôi là đạo diễn thì phim sẽ không mở đầu bằng một chiếc xe lửa của thời hiện đại dưa khán giả đi lui về bối cảnh nước Việt năm 1920 mà là hình ảnh của một cái chùa có cô Tơ ni cô ngồi tụng niệm trầm mặc trước bàn thờ có  cây đàn  gợi mở  trí tò mò của khán giả.
Hãy nhìn Nguyễn Tuân cho kỹ. Ông là nhà văn rất  lạ. Đó là một nhà văn hiếm hoi  chuyên vẽ tĩnh vật. Ông luôn bắt độc giả nhìn thấu  linh hồn của những món đồ vô tri vô giác. Những “Chiếc Lư Đồng Mắt Cua”, “Những Chiếc Ấm Đất”, một “Ngôi Mả cũ”, “Một chén Trà Trong Sương Sớm” một  cây “Đèn Dầu Lạc” qua tay ông bng trở nên  biết nhảy múa, hát ca như trong phim của Walt Disney. Người tử tù đối với Nguyễn Tuân không quan trọng bằng “Chữ Của Người Tử Tù”, Chị Hoài không  làm ông say đắm bằng “Tóc Chị Hoài”
Cho nên hình ảnh Chùa Đàn không hiện diện trong bộ phim đối với tôi là một điều không thể được.
Và tất nhiên, Chùa Đàn phải có người xây nó. Cho nên ông chủ ấp Mê Thảo phải sống, sống trong  đau đớn dằn vặt, sống trong chiêm nghiệm lẽ đời,  sống trùng tu  bản ngã ích kỷ để cái chết bi tráng  của Tam, người “tử vì đàn” có ý nghĩa.
Tôi cũng dị ứng với cảnh để mua vui cho ông chủ Mê thảo, đám hát được mời về có  màn ông lão cỏng vợ trẻ đi chơi. Màn này đã  vô cùng nhàm chán  trên sân khấu  nước Việt.
Và nó chỉ có thể mua vui cho đám dân quê.  Trước nổi đau khổ của một ông chủ cao sang như ông Ngyễn, người sâu sắc như Tam không thể giải khuây cho chủ mình bằng một trò kệch cỡm như thế.Trong vỡ kịch Hamlet của Shakespear,để thử dò xét trạng thái của người chú  đã giết vua cha,  Hamlet đã mời một đoàn kịch có cảnh đôi gian phu dâm phụ âm mưu giết vua về diễn  trong cung . Một chi tiết đầy kịch tính.

Chi tiết Tam và Tơ có tình ý với nhau là thừa. Đối với hai nhân vật này tình yêu âm nhạc là giá trị của họ. Ngoài ra họ cũng là những người nghĩa khí. Tam  là con người biết ơn cứu mạng. Tơ  vì yêu chồng mà không hát  cho ai nghe từ ngày vắng tiếng đàn của chồng.
Dù sao phim cũng được dựng bởi những người hết lòng mê say ngôn ngữ điện ảnh.
Tôi khâm phục một người miền Nam như Việt Linh lại có thể tốn rất nhiều thời gian và công sức  cho bộ phim có bối cảnh ở miền Bắc thời cô chưa sinh ra. Việt Linh rất dũng cảm khi chọn một tiểu thuyết  không rõ ràng về tính tư tưởng cho đến nổi Nguyễn Tuân, tác giả của nó,  phải viết những lời phân bua ở lời Dựng dẩn đầu và Mưỡu cuối khi tái bản Chùa Đàn với tên “Câu Chuyện của Nước Độc”. Và cô đã phải tốn 10 năm để xin phép, để  tìm kinh phí, để  chuẩn bị một núi công việc cho bộ phim ra đời. Chưa hết khổ.  Phim xong năm 2002,  đến 2004  , phim mới được ra  rạp bởi diễn viên chính  Đơn Dương trốn ra nước ngoài.

Ngoài phần dựng cảnh, phục trang  rất  có hồn,  Việt Linh rất cao tay khi chọn các diễn viên nữ không phải là những giai nhân có nét đẹp búp bê. Cô Tơ, cô Cam đều mang nét mặt nặng nề , khắc khổ nhưng góc cạnh rất xi nê.
Rất  mong một ngày nào các nhà làm phim Việt thực hiện được những phim như Đèn Lồng ĐỏTreo Cao (The Red Lantern) của Trương Nghệ Mưu  hay Bá Vương Biệt Cơ  (Farewell my concubine) của Trần Khải Ca.
Trong thời đại sách in bị các  trò vui trên internet lấn lướt, phim ảnh vẫn không bị xuống ngôi và vẫn là những bí ẩn quyến rũ .

Đầu đông  2018
HUYỀN CHIÊU







No comments:

Post a Comment