Trịnh
Y Thư
Nhà văn Cung Tích Biền
Ảnh: TYT (2018)
Bơ vơ cái dấu chấm buồn lạnh, trên một
cõi quê nhà, đất thiếu máu, cạn tình.
Cung Tích Biền (Nghiệp chưa hề an nghỉ
– Xứ động vật)
1.
Đọc
Xứ động vật của nhà văn Cung Tích Biền
[Nhân Ảnh xuất bản, California, 2018], người đọc không thể không bàng hoàng,
kinh động vì những trang viết khốc liệt như được viết từ nỗi đau xé ruột và
lòng phẫn nộ tràn ứ, đầy dâng. Hiển nhiên, ở đây nhà văn viết không phải để giải
trí, mua vui. Suốt sáu thiên truyện mà tác giả gọi là “tân truyện” – ngoại trừ
truyện đầu, Mùi của gió mùa, một truyện ngắn riêng lẻ, kì dư các truyện khác đều
là tập hợp của nhiều tiểu truyện với nội dung liên kết nhau – người đọc không hề
tìm thấy một dấu vết hạnh phúc nhân sinh hoặc một nụ cười vui tươi nào, mà chỉ
bắt gặp toàn những đắng cay tủi nhục và đau đớn ê chề.
Bằng
giọng văn trần trụi cảm xúc, phối hợp với những biện pháp nghịch dị trong văn
chương, nhà văn đã rạch toác những vết ung nhọt khiếp hãi của xã hội đương đại
trên đất nước quê hương ông từ thời hậu chiến cho đến tận bây giờ sau gần nửa
thế kỉ thống nhất. Ông đã không ngần ngại gọi đấy là Xứ động vật hay một xứ sở
Toàn-Chuồng. Trong mắt ông, cuộc sống lầm than, những sự việc phi lí, những cảnh
huống oan khiên, những định mệnh oan nghiệt, những con người sống thừa, tất cả
là kiếp sống con người hôm nay trên dải đất tang thương đó.
Nhưng
xứ Toàn-Chuồng là gì? Bạn có thể hỏi ngược lại như vậy và nhà văn cho chúng ta
ngay câu trả lời:
Xứ Toàn-Chuồng “là
nơi trăng không mặt nước đổ vàng. Nó tối cái u minh hiểm ác, không dung chứa giấc
mơ nào.”
(Xứ động vật màu huyết dụ)
Những thế hệ lừa ngựa
đã biến thành sói, cực hung hăng trong hoang mạc đồng loại Toàn-Chuồng. (Xứ động vật màu huyết
dụ)
Tự
do, quyền cơ bản nhất của con người ở bất cứ nơi nào trên mặt đất, không hề hiện
hữu trong xứ Toàn-Chuồng:
Tự do đã bị thiêu hủy
ngay trong xứ “Toàn Chuồng,” vì lửa của một bức tường lửa thường trực che chắn
sự thật.
(Xứ động vật mưa hồng)
Ở
một đoạn văn khác trong truyện Xứ động vật mưa hồng, ông viết: “Tất cả hạnh
phúc trên nước non này, ngay hôm nay, đang ngự trị trên cái nền máu, trong vũng
máu hòa máu.” Câu viết như được chấm câu bằng cái chấm than to tướng. Những biến
tấu của ý tưởng chủ điểm này tràn ngập cuốn sách, mà tác giả có lẽ đã phải kinh
qua rất nhiều trải nghiệm thương đau để hoàn tất. Lời phát biểu như một câu nói
tâm tình của ông trong một cuộc phỏng vấn chứng thực điều đó:
[Viết]
là một thường-trực-trả-lời, trong hoàn cảnh Việt Nam hôm nay, phải là một
trung-thực-chịu-nạn.
Nhìn
từ góc độ xã hội, Cung Tích Biền phê phán gay gắt não trạng của cuộc sống bây
giờ, một căn bệnh dân tộc, một hội chứng tiềm ẩn, không ai tự nhận nhưng đầy dẫy
trong cuộc sống bình nhật bởi ai cũng mặc nhiên công nhận nó là như thế rồi, chẳng
làm gì khác được:
Không quan tâm tới nỗi
đau kẻ khác là hợp trào lưu, an toàn trong sinh hoạt quanh đây. (Mùi của gió mùa)
Nói
một cách công bằng, căn bệnh ấy ở không-thời-gian nào cũng có, và bất cứ xã hội,
công đồng dân tộc nào cũng ít nhiều có những kẻ chỉ biết “sống chết mặc bay, tiền
thày bỏ túi.” Căn bệnh thông thường ấy trở nên cục bướu ung thư di căn của đất
nước khi nó biến thành cái gì “hợp trào lưu” như lời nhà văn Cung Tích Biền
chua xót cất lên. Một khi cái xấu được mọi người công nhận là bình thường thì
nó trở nên cái đẹp. Một khi phi lí được xem là hợp lí thì nó trở nên chân lí.
Cách đây đúng 70 năm chính nhà văn George Orwell đã cảnh báo chúng ta điều đó.
Lúc tư duy trở nên hai chiều, chiều nào cũng đúng, lúc Hư ngụy là Sự thật, lúc
điều phi lí nghe thuận tai là lúc Đảng chiến thắng toàn diện, và con người vĩnh
viễn nằm trong quỹ đạo của Đảng. Đó cũng là lúc “Con cháu nhà cụ Gàn thật tuyệt
cú mèo. Trên mặt đất này, hôm nay, nếu thờ cái nạn nhân thì có mà hàng triệu
triệu. Thờ quách cái tội lỗi. Cái nguồn cội bao la gây ra tội…” như nhà văn
Cung Tích Biền viết trong truyện Mùi của gió mùa.
Xã
hội thì như thế, còn gia đình – cái đơn vị nền tảng của xã hội – thì sao?
Dưới
ngòi bút không sợ hãi sự thật của nhà văn Cung Tích Biền, cái đơn vị truyền thống
cơ bản của xã hội từ muôn thuở trước, giờ đây phá sản, tan nát, vữa thối như miếng
thịt thiu. Những sinh hoạt gia đình, lẽ ra phải đầm ấm, vui tươi, giờ đây chỉ
còn là những cuộc cãi vã bẩn tai, bẩn miệng. Gia đình ngày nay được chia thành
hai phe: cha mẹ là “Bọn Họ” và con cái “Bọn Nó.” “Bọn Họ” và “Bọn Nó” kình chống
nhau liên tục, luôn luôn trong tình trạng chiến tranh nóng lạnh. “Bọn Họ” dạy dỗ,
rồi nóng nảy mắng “Bọn Nó” nặng lời. “Bọn Nó” ngỗ nghịch, mắng lại rồi tự động
bỏ đi.
Nhà
văn nhận diện khá rõ “Bọn Họ” và “Bọn Nó” như sau:
Bọn Họ đấy, lịch sử
can qua, một đời dùng nhân mạng, thân phận riêng mình, có khi cả danh phẩm của
tộc họ, làm củi đun cho lí tưởng, chủ nghĩa. Ác nỗi, ngọn đèn lí tưởng, hấp lực
bọn thiêu thân ấy, nay chỉ còn là một Màu Đỏ hung hiểm và bệnh hoạn. Một cái biển
máu khô. (Một
phần khí hậu)
Bây giờ Bọn Chúng khá
mệt mỏi. Bị ủ kín dưới một lớp cỏ tranh chờ cháy. Bị đan lát trong đầu não những
răn đe không cần thiết, những tín hiệu lỗi thời. Nền giáo dục hôm nay cho chúng
những bữa ăn khá thịnh soạn nhưng chúng không thể ngửi trước khi cầm đũa nĩa.
Chúng đói mọi ngày. Khi thức ăn tư tưởng đã thiu thối từ nhiều ngày. (Một phần khí hậu)
Giới
trẻ sống không mục tiêu lành mạnh đã đành, họ còn lao đầu như con thiêu thân
vào những thú vui vật chất trụy lạc. Xíu Mại, một cô gái mười chín tuổi bốn lần
phá thai. Rồi xì ke, ma túy, không thiếu một thứ gì. Nền tảng đạo đức sụp đổ, mọi
giá trị truyền thống cao đẹp đều bị ném vào bãi phế thải:
Cả hệ thống, tim gan
phèo phổi ruột non ruột già, hôm nay nát nẩm. Cái này làm thối, chơi bẩn cái
kia. Hết thuốc chữa cái Tiền Đồ này rồi. (Một phần khí hậu)
Và
kết quả tất yếu là:
… có hàng triệu thanh
niên nam/nữ vừa nhú tương lai đã cạn lòng hết vốn ráo trọi. (Xứ động vật mưa hồng)
Nhà
văn không cần tìm kiếm nguyên do đâu xa cho thảm kịch bi đát gần như tuyệt vọng
đó. Ông thấy nó lù lù trước mắt mình – một nhận định tuy chủ quan và cảm tính
nhưng không xa sự thật:
… cái thời cuộc, cái
thế sự, nền giáo dục này, nó khiến bọn em không mất dạy cũng thành mất dạy.
Không hung dữ tranh giành, chúng cướp cạn ngay cái sống của mình… (Nghiệp chưa hề an
nghỉ)
Thời
cuộc, thế sự, giáo dục, v.v… là nguyên do gần, còn nguyên do xa là cuộc nội chiến
huynh đệ tương tàn kéo dài trên hai mươi năm, và sau đó người thắng cuộc đã xử
tội kẻ thua cuộc bằng những biện pháp dã man, tàn bạo như tù đày, bách hại,
phân biệt đối xử… bởi “bóng ma của thù nghịch đã thành tượng đài vĩnh cửu.” Người
sống bị đày ải đã đành, người chết rồi cũng không yên, mộ phần vẫn bị “bới ra,
giày xéo, bôi đen.”
Nó hiển thị một tàn
phá lương tri, Nó, cái ung bướu nguy nan, thù hận di căn, từ sau một cuộc nội
chiến kéo dài trên hai mươi năm. (Nghiệp chưa hề an nghỉ)
Chinh chiến qua rồi
nhưng bóng ma của thù nghịch đã thành tượng đài vĩnh cửu. (Xứ động vật mưa hồng)
Mộ người bị cách li
hương khói, cự tuyệt tưởng niệm. Sự an nhiên trong lòng đất Mẹ dành cho mỗi phận
người nay bị bới ra, giày xéo, bôi đen. (Nghiệp chưa hề an nghỉ)
Để
sống sót trong một xã hội như thế, lẽ đương nhiên con người phải sống hai mặt:
Để sống đúng theo
mô-đen thời thượng, là triệt để làm đời thường của một công-dân-chịu-phép. Là đội
trên cần cổ cái đầu “xã hội hóa” ra phố phường. Cả khi ăn giỗ kị ông bà ông vải,
khi dự tang lễ, khi đi bầu cử, cái-đầu-tập-thể này chính là cái nón bảo hộ. Thật
là cách thái ti tiện, nhưng rất hợp pháp, rất ư thích nghi cái khí hậu động vật. (Xứ động vật mưa hồng)
Phải làm sao mọi người
hiểu rằng trong đầu của anh là cái khuôn đúc cài sẵn, tư tưởng được phát đều chỗ
công cộng.
(Xứ động vật mưa hồng)
… chơi với cái thật
có khi anh giập mỏ, sặc máu mũi không chừng. Cứ chơi dỏm mà sống dài dài. (Xứ động vật mưa hồng)
Sống
hai mặt tạm thời giải quyết được những khó khăn trong đời sống thường nhật,
nhưng khi đêm về con người có liêm sỉ nghĩ gì khi soi gương nhìn vào chân diện
mục của mình:
Nhục mình hát ru, tự
lừa phỉnh để tiêu pha vô nghĩa cả sinh mệnh riêng mình… (Xứ động vật màu huyết
dụ)
2.
Những
nhân vật trong Xứ động vật là những
con người khốn khổ, sống như bóng ma dật dờ trong bóng tối tận đáy địa ngục trần
gian. Có lẽ đây là chọn lựa của nhà văn, bởi nhân vật trong văn chương là hình
tượng biểu cảm và cũng là bệ phóng cho bước đường suy nghiệm của người sáng tạo
ra nó. Đọc tập truyện này của Cung Tích Biền, bạn có thể dễ dàng liên tưởng đến
Anton Chekhov. Thế nhưng tôi không thấy sự đối sánh đó có cái gì tương đương. Cậu
bé Vanka của Chekhov còn có khoảnh khắc mơ mộng, chứ Tảo của Cung Tích Biền thì
sống và chết như một con chó ghẻ. Bác nông phu Yefrem của Chekhov tuy chất
phác, sùng đạo một cách ngây thơ nhưng chỉ bị gã Kuzma lưu manh, tinh quái gạt
mất ít tiền thôi, chứ không bị bọn vô lại đập lên đầu cục gạch đến mất mạng như
cụ Gàn. (Cái chết của cụ Gàn trong truyện Mùi của gió mùa còn là một ẩn dụ. Nó ám chỉ sự thua cuộc của
chủ nghĩa nhân đạo đích thực trước làn sóng bạo lực hung hãn, nơi sức mạnh dã
thú là lẽ phải.) Nhưng đọc Cung Tích Biền rồi nhớ đến Chekhov khiến tôi chạnh
lòng, chẳng lẽ người dân trên quê hương tôi đầu thế kỉ XXI này còn khổ ải hơn cả
nước Nga dưới thời quân chủ phong kiến Sa hoàng sao? Có thật vậy không?
Cung
Tích Biền xây dựng nhân vật không phải để tìm kiếm đối tượng cho sự đồng cảm.
Thật ra, ông không đào xới nội tâm của nhân vật. Đời sống nội tâm của của cụ
Gàn, của Tảo, của Liu, của lão Kiên, v.v… chỉ là những bức phác thảo đại cương
hay tấm phông làm nền cho sân khấu bi kịch. Nhân vật trong Xứ động vật đảm nhiệm
phần lớn vai trò biểu hiện. Trùng trùng những thân phận oan khiên, những kiếp sống
tối tăm, những chuyện đời phi lí, được bày ra, hiển lộ qua “khuôn mặt” và “hành
tung” của từng nhân vật. Sự biện giải nội tâm nhân vật, theo cách nhìn của triết
học, hay thuần ghi chép của sử gia, có lẽ chỉ dài dòng, làm khô cứng, hạ thấp sự
sáng tạo trong văn chương. Đối với nhà văn Cung Tích Biền nhân vật là để diễn đạt
cảm xúc phẫn nộ của mình trong một thế giới thù địch, trong đó cảm giác của ông
là mất mát toàn diện, bị tha hóa đến cùng cực. Nếu đồng ý như vậy, ta có thể gọi
mỗi nhân vật trong tập truyện của Cung Tích Biền là “phản nhân vật” và xem nó
như “Kẻ lạ” của Albert Camus. Camus xây dựng phản nhân vật “kẻ lạ” nhằm thăm dò
“cái trần truồng của con người khi đối diện với cái phi lí” như ông từng biện
biệt. Cung Tích Biền xây dựng phản nhân vật Xứ động vật nhằm lột tả bộ xương
khô sống của con người bên trong một khí hậu động vật. Phản nhân vật của Cung
Tích Biền không còn là person nữa, mà là non-person, không hiện hữu hoặc chỉ hiện
hữu thân xác chứ không có hiện thể, không có một chút quyền lợi nào, hoàn toàn
không có trọng lượng trong hệ xã hội loài người, bị ruồng bỏ, lãng quên, có lẽ
còn tệ mạt hơn những “con người thừa” của Dostoevsky.
Phản
nhân vật của Cung Tích Biền đều có những số phận hẩm hiu, bi thảm. Khúc trong Xứ
động vật vào ngôi không thoát nổi số kiếp oan nghiệt, như bị vướng phải lời
nguyền nghiệt ngã, cuối cùng cũng cầm dao chặt người tình của mình thành nhiều
khúc y như người cha đã làm lúc anh còn là đứa bé sơ sinh. Những hình tượng như
vậy tiêu biểu cho kiểu người buồn bã, thất thế, bị chà đạp, giẫm nát nhưng
không có năng lực, không có nội lực anh hùng để khắc phục môi trường áp chế
mình. Không tìm thấy lòng can trường nào trong những nhân vật của Cung Tích Biền
trong tập truyện. Sự can trường, nếu có, chỉ là lòng khao khát sáng mai thức dậy
vẫn nhìn thấy ánh nắng và hít thở khí trời. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách cao rộng
hơn thì đấy là những con người sống âm thầm mà không cúi đầu, không bỏ nước ra
đi, ở lại với quê hương vì yêu mồ mả, lịch sử tổ tiên, dù có thế nào cũng cố
gìn giữ căn gốc giống nòi. Phẩm hạnh ấy là từ một bản lĩnh sinh tồn, từ lòng
can trường chịu đựng khổ nhục. Là một hi sinh to lớn, một “thái độ anh hùng” đầy
dũng cảm.
Đặt
văn chương Cung Tích Biền vào ngữ cảnh triết học phi lí của Albert Camus có thể
bị xem là khiên cưỡng, bởi hiển nhiên có sự khác biệt tự thân rất lớn giữa hai
bối cảnh lịch sử, hai dân tộc, hai khao khát, hai trải nghiệm. Tuy vậy, ngoài mặt
phê phán xã hội, Cung Tích Biền còn có chủ đích cho thấy Xứ động vật là sự va
chạm giữa con người đi tìm kiếm những giá trị cố hữu và ý nghĩa đời sống với sự
bất lực của hắn trong một thế giới vô chủ đích, vô nghĩa, hỗn loạn và phi lí. Ý
thức phi lí không nảy sinh từ trí tuệ con người hay thế giới, mà từ bản chất nhị
đối của cặp phạm trù đó để “con người cá thể có thể liên tục thăm dò và tìm kiếm
cho mình một ý nghĩa nào đó cho cuộc sống.” Đứng trước quang cảnh đổ nát, điêu
tàn của quê hương mình sau Đệ nhị Thế chiến, Camus đưa ra hình tượng Sisyphus.
Tương tự như vậy, chứng kiến sự phá sản của đạo đức, luân lí con người và cuộc
sống phi lí trong xã hội, Cung Tích Biền muốn có một thái độ chống đối quyết liệt.
Nên hiểu rõ hình tượng thần thoại Hy Lạp Sisyphus của Camus. Khi bị hỏi phải
làm gì khi nhận ra sự thật phi lí của thế giới này, tự tử chăng? Camus đã cả
quyết trả lời: “Không! Phải nổi dậy chống đối!” Và đối với ông, Sisyphus tượng
trưng cho tinh thần kiên cường, không bao giờ thối chí bỏ cuộc.
Ở
Xứ động vật, những suy nghiệm triết học siêu hình nhường chỗ cho một mặt bằng
đau khổ nơi chúng ta trực diện với cái Có thật, Sự thật, cái Đã-là-như-thế. Những
tra vấn về bản thể hay hiện tồn tuy không là chủ điểm của cuốn sách, không là mục
tiêu cho tác giả truy tìm, nhưng bàng bạc đây đó, người đọc vẫn cảm thấy có những
“yếu tố siêu hình” hiện hữu, những “bóng-mùi”, những gặp gỡ âm dương, những
trăn trở về cái gì vô hình tướng, phi vật thể.
3.
Điểm
nổi bật trong văn chương Cung Tích Biền là tính nghịch dị. Những hình tượng nghệ
thuật, kể cả phong cách và thể loại, được ông kết cấu dựa trên huyễn tưởng, ngụ
ngôn, ngụ ý, thậm chí trào phúng, đôi khi. Trong lịch sử và lí luận văn học,
nghịch dị khi thì được xem là thủ pháp của tính hài, khi thì có chủ yếu làm bật
lên mức độ sắc sảo của sự châm biếm. Tuy vậy, ở Cung Tích Biền, nó được dùng để
nhấn mạnh tính táo bạo của hình tượng huyễn tưởng. Cung Tích Biền luôn luôn muốn
đẩy biên vực văn chương của mình đến tới hạn, và ông không ngần ngại sử dụng
nghịch dị để xây dựng một thế giới dị thường, phi nhiên. Cái thực và cái phi thực
ở đây trộn lẫn nhau, không gì có thể ngăn trở, cách li được. Người của hai nẻo
âm dương vẫn nói chuyện được với nhau, vẫn tâm tình, vẫn chia sẻ mọi ý nghĩ thầm
kín riêng tư như hai người sống. Mĩ học nghịch dị dường như không quan tâm đến
viện cớ khách quan, nó cũng gạt hẳn lô-gíc ra ngoài lề, nó đảo lộn tất cả mọi
hình thái cũng như trật tự thông thường của đời sống bình nhật. Tính biểu hiện
nhờ đó như được gia tăng, những ngõ ngách khác của nghệ thuật được thăm dò và kết
quả là một thực tại mới khai mở trong tâm trí người đọc.
Sử
dụng nhuần nhuyễn tính nghịch dị như một thủ pháp văn chương, một phương thức
biểu hiện khác của miêu tả nghệ thuật, nhà văn Cung Tích Biền đã mặc sức tung
hoành trong thế giới hư cấu mà không gặp một trở ngại nào trong lúc thuyết phục
người đọc những điều tác giả muốn bày tỏ trong thông điệp của mình. Tính nghịch
dị bàng bạc trong suốt tập truyện Xứ động vật, nhưng có lẽ ấn tượng nhất là hai
truyện: Xứ động vật vào ngôi và Xứ động vật màu huyết dụ.
Xứ
động vật vào ngôi thuật chuyện một người đàn ông giết vợ, xong chặt xác vợ
thành nhiều khúc nhỏ rồi bỏ trong bao bố đi rải cùng khắp thành phố. Hiển
nhiên, thông điệp của tác giả ở đây chẳng có gì khó hiểu, và chính ông đã viết
thẳng điều đó ra trong truyện: Sống nơi này, sống cách nào cũng là một cách chết.
Đấy là một thông điệp mặc dù bi thiết và đau đớn cùng cực nhưng nó cũng cực kì
mạnh mẽ, bởi nó liên quan đến cái sống, cái chết. Nó cần một truyện ngắn có sức
công phá của một quả bom tấn, và không có gì thích hợp hơn một tình huống nghịch
dị, khiếp hãi, khiến kẻ yếu bóng vía có thể thất đảm, kinh tâm lúc đọc. Nhưng
chủ ý của tác giả ở đây không phải là hù dọa trẻ em hay kẻ yếu bóng vía, ông chỉ
giản dị muốn tô đậm đen, càng đen càng tốt, thân phận những con người bình thường,
những con người chỉ mong ước một cuộc sống bình thường mà không bao giờ có được.
Cung
Tích Biền chọn hình thức nghịch dị, ngoài tự do hư cấu, ông còn yêu cầu phải kết
hợp các thái cực, ông đi xa trong bút pháp với mục đích phá hủy những hình thức
khô cứng, đóng khung ước lệ, vốn tồn tại nơi tư duy và hình thái hiện thực tả
chân, như có lần ông bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn:
…
Cực đoan, đẩy một sự kiện, một hiện tượng, từ một Sự thật đã rõ/có, đến tận
cùng mọi chiều kích có thể, không hoán đổi sự thật, trong cách dựng truyện,
khoác áo cho nhân vật... Nghệ thuật phải khác thói thường…
Nếu
truyện Xứ động vật vào ngôi là thông điệp phóng chiếu ngoại tại, là tiếng kêu tắc
nghẹn của kẻ đang giãy chết, thì Xứ động vật màu huyết dụ là cuộc độc thoại nội
tâm nhằm soi giọi chính bản ngã trong cuộc hành trình tìm về nguồn cội uyên
nguyên. Truyện thuật chuyến trở về làng quê sau bao năm xa cách của người đàn
ông tuổi xế chiều, và trên chuyến tàu ông già gặp hồn ma người vợ cũ vốn đã nằm
trong lòng đất lạnh từ thuở xa xưa. Nhờ những câu trao đổi giữa người và ma,
ông già biết ngôi mộ vợ mình nằm ở đâu và ông sẽ có mặt tại nơi đó nhân lúc cô
con gái của hai người (mà ông không hề biết mặt) làm lễ bốc mộ cải táng cho mẹ
mình. Yếu tố nghịch dị là rất thích hợp cho một câu chuyện như thế. Hình ảnh ma
mị, đối thoại u hiển, câu chữ lạnh lẽo, sắc gọn, miêu tả những hành vi quái dị
(người chồng ngậm đốt xương đen xỉn của người vợ), v.v… Tất cả tạo thành một
thiên truyện lạ lùng, hiếm thấy.
Đối
với người ngoại cuộc, một kẻ quan sát, thì những mẩu đối thoại giữa ông già và
hồn ma là một chuỗi những suy tưởng nội tâm của con người cả đời chạy theo ảo vọng
để rồi khi tuổi đời bóng xế, khi cuộc nghiệm sinh đã tràn ứ nỗi buồn nhân thế,
khi thành bại đều không còn mang một ý nghĩa nào đáng kể, thì hắn trở về, trở về
với hiện thể uyên nguyên. Đó là lúc hắn nhìn ra sự thật. Trở về khó khăn lắm, bởi
hắn phải chặt đứt, phải tách lìa, phải nhổ lên những giá trị lí tưởng xưa cũ mà
suốt đời hắn cho là chân lí. Nó khó khăn như lúc trợn trừng hai mắt nhìn thẳng
vào cái chết. Nó khó khăn như ngậm khúc xương người chết mà hai dòng nước mắt
chảy đầm đìa.
Quả
tình tôi rất muốn hiểu chủ ý của thiên truyện này là: hiện thể phải là cái gì
đi trước bản thể. Điều đó có nghĩa là sự quan tâm hàng đầu cho mỗi cá nhân là
chính cá nhân đó. Một con người (hiện thể) độc lập trong hành động, ý thức tự
thân và trách nhiệm với chính mình, không phải cái gì thuộc về danh hiệu, vai
trò, khuôn mẫu, định nghĩa, hoặc những phân loại ước định khác gán ghép lên cá
nhân đó (bản thể).
Một
trong những phân loại ước định đó chính là lí tưởng.
Như
chúng ta biết lí tưởng là cái gì thúc đẩy cách mạng. Phải có lí tưởng mới đi
làm cách mạng được, nhà văn Hermann Hesse bảo tất cả chúng ta đều có thể làm được
những điều siêu việt nếu lí tưởng của chúng ta bị đe dọa. Thế nhưng, oái oăm
thay, chính cái lí tưởng ấy phần nhiều đẩy chúng ta xuống hố thẳm. Người lí tưởng
là người chỉ nhìn thấy bầu trời trăng sao cao đẹp chứ không thấy cái trần nhà đầy
mạng nhện và bụi bặm. Hắn cố trèo lên đỉnh trời để tô điểm những vì sao chứ
không màng gì đến cái trần nhà dơ bẩn. Bởi hoang tưởng như thế, hắn nhân danh
lí tưởng của mình bắt những kẻ khác gò lưng làm thang cho hắn trèo. Sống dối
trá, hư ngụy với chính mình, hắn không hề cảm thấy tội lỗi, lương tâm không hề
cắn rứt, khi hắn xô đẩy người khác vào chỗ chết. Nietzsche bảo nếu người lí tưởng
bị tống cổ ra khỏi Thiên đàng thì hắn sẽ tự tìm cách uốn nắn lí tưởng của mình
cho phù hợp với Địa ngục! Đừng bao giờ nghĩ hắn có triển vọng thay đổi.
Nhà
văn Cung Tích Biền biết thế và ông không chút ngần ngại gọi những người lí tưởng
đó là bọn dã thú trong Xứ động vật:
Cái quan điểm xem con
người là phương tiện hay giải pháp, e rằng không nhân văn tí nào. Cứ lùa người
vào chỗ chết hàng loạt, cứ cứu cánh biện minh cho phương tiện, cái đó chúng ta
hình dung ra sức mạnh của một bọn dã thú. (Xứ động vật vào ngôi)
4.
Xứ động vật hiển nhiên là một cuốn
sách hàm chứa nhiều luận đề. Tác giả có cái nhìn cực kì bi đát về xã hội đất nước
quê hương, và trên những trang viết của ông, bình diện chính trị đã không thụt
lùi vào hậu cảnh đóng vai trò bức phông sân khấu, mà nhảy vọt lên đứng sừng sững
nơi tiền cảnh. Bút pháp này có lẽ không được chia sẻ bởi nhiều người cầm bút
khác khi họ quan niệm Lịch sử, với tất cả những động thái của nó – chiến tranh,
hòa bình, cách mạng, phản cách mạng, quốc vinh, quốc nhục – không được chen vào
can dự ngòi bút của nhà văn, không thể để nó trở thành đề tài cho nhà văn minh
họa, lên án hoặc biện giải những điều mình xác tín, cho dù đấy là Sự thật. Họ
cho rằng văn chương chẳng qua chỉ là cảm nhận về cái tương đối trong chân lí
con người, và họ yêu cầu tác giả đứng ngoài tầm nhìn của tác phẩm, tất cả mọi
tư duy hãy để người đọc định đoạt.
Cung
Tích Biền với cuốn Xứ động vật đã đi ngược lại xu hướng này. Tất cả những suy
nghĩ, cảm thức, ý thức của ông về những vấn nạn to lớn của đất nước, ông đem cả
lên trang viết. Không do dự đắn đo, không úp mở, không mập mờ. Nhân vật chỉ là
cái cớ. Cốt truyện, nếu có, chỉ là cái cớ. Nhân vật và cốt truyện ở đây chỉ giản
dị đan kết vào nhau thành những mảng rời đời sống, thường không có thắt gút, mở
gút, và thay vì tiến về một đoạn kết hay chung cuộc nào đó, nó lơ lửng rồi
buông rơi vào trạng thái anti-climax.
Tuy
vậy, cuốn sách cho thấy lòng yêu thương cao độ của nhà văn đối với kẻ đồng loại,
nhất là những người thuộc thành phần nghèo khổ hoặc bị đày ải do chính sách
phân biệt đối xử của nhà cầm quyền. Về điểm này, có thể xem Cung Tích Biền là
thừa kế của Chekhov. Cũng như Chekhov, ông không xem nhà văn là người diễn trò
giải khuây, giải trí. Nhà văn không phải là người tô vẽ cuộc đời cho đẹp hơn,
thi vị hơn, hoặc đội lốt hành giả ngoa ngôn, mà là người kí kết hợp đồng với
chính lương tâm mình để nói lên Sự thật với một tinh thần khách quan tuyệt đối,
không từ bỏ bất cứ Sự thật nào cho dù nó kinh khiếp, dễ sợ ngoài mức tưởng tượng
bình thường của mọi người xung quanh. Nhưng ông cũng nghi ngờ khả năng của văn
chương với những giới hạn không thể tránh của nó. Ông bảo:
Văn chương khó thể lột
tả tận ngọn nguồn, dẫn tới, chỉ ra chỗ di căn của hoạn nạn, hố thẳm của đọa đày
trong kiếp con người… Chữ nghĩa cổ kim chỉ mô tả cái vỏ của từng số phận con
người.
(Xứ động vật mưa hồng)
Và
trong một dịp trao đổi riêng, ông bảo tôi:
Thật
ra có phóng lớn, khuếch đại thế nào cũng chẳng diễn/miêu tả nỗi cái tình trạng
của hoảng loạn, mạt thế, trong xã hội Việt Nam hiện nay. Nó nằm trên, và ngoài
sức tưởng tượng lẫn hư cấu, trước bàn viết của một nhà văn. Việt Nam hôm nay, một
xã hội tan rã là chưa đúng nghĩa, phải là một dân tộc tự hủy diệt.
Nhà
văn có quyền đặt vấn đề mà không cần phải đưa ra đáp án cho vấn đề. Bởi thế, chỉ
giản dị “mô tả cái vỏ của từng số phận con người” thôi đã là một cung cách đáng
quý, một việc làm đáng trân trọng. Cung Tích Biền đã làm một việc như thế.
TRỊNH
Y THƯ
12.2018
No comments:
Post a Comment