Phan
Tấn Hải
Nhà thơ Phan Tấn Hải
Tôi
có một thói quen rất bình dân, là rất mực ưa thích những gì gọi là bình dân.
Chính vì như thế, tiếng Việt tôi sử dụng thường là bình dân, không có gì cầu kỳ,
kiểu cọ, chẳng hề sang chảnh ngữ ngôn cách điệu gì cả. Nói cách khác, chữ tôi
dùng rất mực nhà quê, ưa theo đám đông quần chúng.
Thí
dụ, tôi ưa dùng theo đám đông, viết là “hồi
ký” thay vì “hồi kí” và chẳng hề
có thì giờ để xem các nhà ngữ học tranh cãi về y hay i. Đời mình chẳng có bao
nhiêu ngày để sống, chẳng bận tâm những chuyện có thể là đã nằm ngoài tầm hiểu
biết của mình. Đất nước lại chẳng có một Viện Hàn Lâm ở cấp quốc gia để thống
nhất các chuyện như thế.
Thế
rồi cũng mệt với dấu gạch nối. Thí dụ, một số nhà ngữ học viết có gạch nối là “hồi-ký” – người khác viết là “hồi-kí” và độc giả trung bình cỡ như
tôi là khựng lại.
Sau
này, tôi quyết định giữ thói quen kiểu Mỹ là đi con đường ngắn nhất, đơn giản
nhất. Đó là, cứ viết “hồi ký” với y
và không gạch nối.
Khi
sử dụng mạng tìm kiếm, như khi vào Google, thì đa số đồng bào mình viết là “hồi
ký” với y và không gạch nối. Thôi thì, tôi tự nhủ, mình theo số đông, có ai mắng
mình ngu dốt thì mặc kệ. Đơn giản, tôi ở với đồng bào tôi.
Khi
đọc qua tiếng Anh, tôi nhận ra rằng một số chữ trong tiếng Anh viết kiểu Mỹ
khác với kiểu Anh. Thí dụ, chữ “danh dự”
hay “vinh dự” trong tiếng Anh kiểu Mỹ
(American English) viết là “honor” và
tiếng Anh kiểu Anh (British English) viết là “honour” – chẳng ai tranh cãi, chỉ trừ khi người viết có lựa chọn để
làm văn chương.
Tương
tự, tiếng Anh kiểu Anh viết là “accommodation”
thì kiểu Mỹ viết “accommodations”
(có s)
Kiểu
Anh viết “aeroplane” thì kiểu Mỹ viết
“airplane” (aero=>air).
Trong
khi đó, trong tiếng Anh, có chữ bị viết sai nhiều quá, riết rồi thành thói
quen. Thí dụ, chữ “minuscule” trong
tiếng Anh ban đầu gốc từ chữ “minuscula”
của tiếng Latin, nghĩa là “khá nhỏ hơn.”
Khi vào tiếng Anh, chữ “minuscule” lại
có nghĩa “rất nhỏ” và nhiều người liên
tưởng với chữ “mini” – thế là, viết
thành chữ “miniscule”… Thói quen này
kéo dài từ thế kỷ 19, thế là bàng dân thiên hạ dùng luôn kiểu nào cũng được, dĩ
nhiên trừ các nhà ngữ học mới biện biệt.
Có
trường hợp khác, chữ “strait-laced”
và chữ “straight-laced” – có hai nghĩa
là “nịt chặt” và “khổ hạnh”… Viết chữ nào cho đúng?
Theo
thống kê, có 34% người viết là “strait-laced”
và 66% viết là “straight-laced” – vậy
thì, nói kiểu giang hồ Sài Gòn là, tùy nghi nhen. Dĩ nhiên, các nhà ngữ học mới
thắc mắc, đời thường như tôi thì, cứ theo đa số.
Tới
ngay như chữ dùng trong khoa học cũng có trường hợp tùy nghi.
Chữ
“thanh quản” (dây âm thanh nơi cổ họng)
có 51% người viết là “vocal cords”
và 49% viết là “vocal chords” – và
nhầm lẫn có từ thế kỷ 18, khi nhiều người thấy chữ “vocal” lại nghĩ tới âm nhạc, dàn nhạc…
Vậy
đó, cũng y hệt như tiếng Việt, cứ kỵ húy triều đình, là thêm chữ mới hiện ra.
Do
vậy, tôi dị ứng với những đề nghị cách mạng tiếng Việt kiểu Tiến sĩ Bùi Hiền.
May
mắn, Bộ Giáo Dục & Đào Tạo từ tháng 11/2017 đã nói là không áp dụng kiểu chữ
đó.
Bản
tin VOV ngày 30/11/2017 viết, trích:
“Bộ GD-ĐT lên tiếng về “đề xuất đổi mới Tiếng
Việt” của PGS.TS.Bùi Hiền
VOV.VN -Bộ GD-ĐT
không đủ thẩm quyền và không có dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải
tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.
Ngày 30/11, Bộ GD-ĐT
đưa ra thông tin về đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó
hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung
& Phương pháp dạy - học phổ thông.”
Tuy
nhiên, nhà cách mạng ngữ học nào cũng có kiểu chuyên chính riêng, do vậy, TS Bùi Hiền không bỏ cuộc.
Hẳn là vì, công trình 40 năm nghiên cứu tiếng Việt đã làm TS Bùi Hiền tin là ông
sẽ có một ngày 30/4/1975 trong mặt trận tiếng Việt?
Báo
Dân Việt hôm 13/11/2018 có bản tin, viết:
“Đã có phần mềm chuyển đổi tiếw Việt, chỉ mất
3 phút để “biến hình” tác phẩm Sống mòn
(Dân Việt) PGS.TS Bùi Hiền cho biết, ông chỉ mất
vài phút để chuyển đổi tác phẩm “Sống mòn” của nhà văn Nam Cao bằng chữ cải tiến.
Sau khi hoàn thiện
nghiên cứu cải tiến chữ viết "Tiếw Việt" và công bố phần 2, PGS Bùi
Hiền - nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng
Viện Nội dung & Phương pháp dạy học phổ thông - đã thử nghiệm thực tế công
trình của mình với tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
Mặc dù bị "ném
đá" nhưng PGS.Bùi Hiền vẫn tiếp tục trình làng tác phẩm “Sống mòn” của nhà
văn Nam Cao bằng chữ cải tiến tiếng Việt.
“Nếu Truyện Kiều,
trong suốt 10 ngày, tôi phải mất từ 8-10 tiếng để viết lại 3524 câu thơ của đại
thi hào Nguyễn Du thì với tác phẩm “Sống mòn” tôi chỉ mất có 3 phút là chuyển đổi
xong một tác phẩm bằng chữ cải tiến”, PGS.Bùi Hiền cho hay.
Chủ nhân của công trình
cải tiến chữ viết tiếng Việt cho biết, ông đã sử dụng phần mềm viết chữ cải tiến
do cháu của ông nghiên cứu để tặng ông. Do đó, chỉ cần sao chép bất kỳ nội dung
nào vào phần mềm đó là ra văn bản chữ cải tiến.”(ngưng trích)
Bản
thân tôi vốn kém về ngữ học, do vậy xin dẫn ra nhà văn Đào Văn Bình trong bài
viết nhan đề “Cơn Ác Mộng Thay Đổi Chữ Việt,” trich như sau:
“…tôi dường
như sống trong cơn ác mộng khi nghe tin Ô. Bùi Hiền đưa ra đề nghị hủy bỏ loại
chữ Việt cũ và thay thế bằng loại chữ Việt mới. Dường như “đề nghị” được một số
“trí thức” kiêm giáo dục, nhà nghiên cứu trong nước tán thành và nó có nhiều cơ
may trở thành một thứ “quốc ngữ mới” cho
dân tộc Việt Nam.
Loại bỏ tất cả những
lý do mà Ô. Bùi Hiền đưa ra như: Hội nhập
với trào lưu tiến hóa của nhân loại, hợp lý, ngắn gọn, dễ học, dễ nhớ, xóa nạn
mù chữ rất nhanh, tiết kiệm thời giờ….tôi chỉ thấy những thảm họa:
- Ngay trong nước sẽ
chia đôi thành hai dân tộc, với hai chữ Việt khác nhau.
- Hải ngoại sẽ “sống
chết” với âm mưu triệt hủy văn hóa dân tộc này. Họ sẽ chống đối đến cùng và sẽ
đoàn kết lại thành một “mặt trận” để bảo vệ sự tồn vong của nền văn học Việt
Nam.
- Làm thế nào để 90
triệu dân tuân thủ lối viết kỳ quặc này? Chắc chắn làng trên xóm dưới, trong
công sở, công trường, nhà máy, báo chí, ký giả, truyền hình, quảng cáo, học đường,
phố chợ sẽ phải học “khẩn cấp” ngày đêm
để có thể thống nhất với nhau về loại chữ Việt mới này.
- Phải lập một khối dịch
thuật khổng lồ để dịch tất cả những tác phẩm của tổ tiên còn lưu trữ lại bằng
tiếng Việt. Thế còn những tác phẩm biên khảo, văn học, tiểu thuyết, thơ, kịch của
những nhà văn khác đang còn nằm trong thư viện, trên kệ sách thì sao? Nếu không dịch kịp thì chỉ vài năm, khi thế hệ
mới đã quen với “chữ quốc ngữ mới” sẽ không sao đọc được và hiểu được những gì
tổ tiên nó viết, như thế toàn bộ nền văn học Việt Nam bị hủy diệt.
- Thậm chí tiền bạc
in bằng chữ Việt cũ cũng phải đổi vì lớp “người mới” sẽ không hiểu tờ giấy bạc ấy
viết gì. Bia đá, tên của các ngôi chùa, miếu đền, các thắng tích viết bằng tiếng
Việt cũ cũng phải đổi lại. Giấy khai sinh, khai tử, hôn thú cũ cũng phải dịch lại
và phải đem ra tòa án thị thực.
- Để thi hành kế hoạch
quy mô và để 90 triệu dân tuân theo, ít nhất phải tuyển khoảng vài chục ngàn hoặc
trăm ngàn nhân viên gọi là ‘công an văn hóa” để truy lùng, bắt giam bỏ tù tất cả
những ai không tuân theo, tức “chống đối pháp lệnh của Đảng và Nhà Nước”…như thế
trại cải tạo sẽ mọc lên như nấm cho cuộc “Đại Cách Mạng Văn Hóa” này….”(ngưng trích)
Thế
đó, tôi tin rằng các nhà cách mạng ngữ học lúc nào cũng tuyệt vời thơ mộng. Họ
tin rằng “hồi-kí” có gạch nối là đúng, và cho rằng hễ theo truyền thống thường học
xưa nay (và cả Google) là trật.
TS
Bùi Hiền có kiểu làm thơ riêng, vặn vẹo trên các ký tự. Nhưng học thơ của ông mệt
quá, người xa quê và lớn tuổi như tôi đành chịu thua.
Ngắn
gọn, tôi đứng về phía nhân dân. Khi nào toàn dân nói và viết kiểu chữ mới, tôi
sẽ học theo chữ mới. Bởi vì, tôi viết cho đồng bào tôi đọc, không viết riêng
cho nhà ngữ học nào đọc.
PHAN
TẤN HẢI
No comments:
Post a Comment