Saturday, December 1, 2018

ĐỌC THƠ BẠN THƠ. ‘SƯƠNG KHÓI TRĂM NĂM’ CỦA VÕ TẤN KHANH


Đỗ Hồng Ngọc

Võ Tấn Khanh. Hình Internet

Có lần nhà văn Võ Hồng ở Nha Trang, trong một bức thư viết tay gởi tôi trên giấy pelure mỏng tanh nói: đọc lại văn mình “moa” thấy ngộ, còn thơ thì thấy ngượng!
Đọc thơ mình thì thấy ngượng? Võ Hồng giải thích cái gì mà anh anh em em, giấu không nổi nỗi lòng mình! Văn thì còn đổ tại bị vì bởi "hư cấu"!
Có một thời, các nhà thơ thường ký bút danh “rất nữ”, để được ưu tiên vì các ông Chủ bút vốn galant. Cái thời thật dễ thương đó chứ. Võ Tấn Khanh ký Tôn Nữ Hoài My, rất Huế…
Năm 2007, anh gom góp một số bài thơ để in thành một tập kỷ niệm, chia sẻ chốn bè bạn thân quen, và kêu tôi viết cho anh cái Tựa. Ừ thì viết.
Thân mến,
Đ HNG NGỌC.

Lắm nỗi không đành! viết cho ‘Sương khói trăm năm’
Thơ Võ Tấn Khanh, 2007

Thơ Võ Tấn Khanh như vậy. Không màu mè, hình thức. Chỉ là một thứ tiếng lòng thổn thức, trong lúc lỡ “ngậm ngùi ngợi than” mà thành cung điệu. Có người nói thơ anh “hiền” quá. Mà không hiền quá sao được, anh vốn đã vậy, vốn là vậy.

Gần bốn mươi năm trước có một nhà thơ nữ mang cái tên rất Huế là Tôn Nữ Hoài My có những bài thơ tình trên báo chí lúc đó khiến nhiều bậc mày râu khá ngẩn ngơ. Một hôm, nhà thơ “hiện nguyên hình” thành một trang “nam tử hán”, chính là Võ Tấn Khanh, chàng thư sinh hiền lành, nho nhã, có nét cười hồn hậu, giọng nói nhẹ nhàng như nước sông Phan Rang những mùa nắng cháy. Phải, chỉ những mùa nắng cháy không thôi, chứ mùa mưa lũ thì dòng sông lại trở nên ầm ào dữ dội, đôi lúc tràn bờ. Và, Tôn Nữ Hoài My dạo đó, Võ Tấn Khanh sau này đã có những bài thơ! Nàng thơ đã “hình hiện” cách nào đó, qua một cô My nào đó, quả thật đã làm cho người ta hoài nhớ khôn nguôi:
Tôi nào biết chim xa rừng nẻo lạ
Và trái hồng chín rụng xuống thiên thu
(Hoài My)

Lứa tuổi chúng tôi ai cũng thấm một câu ca dao từ thuở nhỏ: Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội/ Người xa người tội lắm người ơi! Võ Tấn Khanh không kêu tội lắm người ơi, anh chỉ kêu “rụng xuống thiên thu”. Cái gì rụng? Trái hồng. Thứ trái cấm của mối tình đầu đã lỡ.

Lạ, cái mối tình học trò đó. Khi người ta lớn lên, tưởng đã quên, đã nguôi. Nhưng không. Nó vẫn quẩn quanh, quẩn quýt đâu đó, thấm vào cây lá, vào núi thẳm sông sâu:
Cây nhớ lá đã đôi lần khóc gọi
Đường nhớ chân từng lớp cuội rang sầu
Chim nhớ bạn quẩn quanh từng cánh mỏi
Tôi nhớ người như núi thẳm sông sâu
(Hoài My, khi về lại)

Hình như cái xứ Phan Rang đó, cái xứ mà như người ta thường gọi là “gió như phang” mà “nắng như rang” đó có cái gì rất lạ, như sắc lại, keo lại trong tâm hồn những con người đã sống và lớn lên từ đó. Như những vết gạch khắn vào nhau của những tầng tháp cổ.

Xuống một chút thì biển. Lên một chút thì rừng. Thung lũng với những ngôi tháp ngàn năm phì phò hơi thở nóng, những mái chùa cong vút ôm lấy vầng trăng xưa, những cánh đồng nho nhỏ xanh mượt mạ tươi non và những cánh cò trắng phất phơ lặng lẽ hình như đã nuôi dưỡng những tâm hồn mộc mạc mà sâu lắng, chơn chất mà đắm say. Cây cỏ cứ quắt queo lại, củ hạt cứ quắt queo lại không ngờ nhờ đó mà đậm đặc hơn, nồng thắm hơn, ngọt bùi hơn. Hương tỏi, hương ổi, hương cau… ở Phan Rang đều rất lạ. Và rồi, những rặng nho, tầng tầng lớp lớp làm cho người ta dễ ngậm ngùi “cùng trông lại mà cùng chẳng thấy”…

Khanh viết về quê hương mình, về người mẹ tảo tần của mình thật đằm thắm thiết tha:
Nắng trưa rang cháy vườn cây
… … …
Bước xiêu khập khiễng mổ gà
Mắt leo lét chậm nhử, mồ hôi tan
(Đời mẹ)

Tôi thích chữ leo lét.. Mắt leo lét. Như một ngọn đèn khô. Hình ảnh sống động của bà mẹ quê miền gió cát bạt ngàn này. Và tôi cũng thích chữ chậm nhử, chậm ghèn. Ít ai đưa vào thơ những hình ảnh như thế. Nhưng với tôi, có lẽ méo mó nghề nghiệp một chút, nó lại rất thơ, nhất là khi viết về người mẹ. Bước chân xiêu vẹo, khập khiễng, còng lưng, nhấp nhô giữa trưa nắng cháy rang người, mắt leo lét, chậm nhử, để kiếm lấy trái bắp trái cà về nuôi con. Khanh như khắc mà không vẽ.

Cũng vậy, dòng sông Phan Rang hiền hòa, mùa nắng phơi trần những bãi cát cho trẻ con vọc phá, mùa mưa ập xuống những cơn lũ, cuốn phăng những mái nghèo ven sông là những hình ảnh đậm sâu trong thơ anh:
Ôi, Phan Rang đã nuôi ta từ tấm bé
Với dòng sông, bãi cát, con đường
(Khúc ly hương)

Rất thường đó thôi. Chẳng có chút gì là cầu kỳ, là thơ mộng! Vài nét bâng quơ. Nhưng phải là những người đã từng phen vọc cát ở lòng sông những ngày nắng hạ, những người đã từng quen lang thang trên những con đường nhỏ rợp bóng me, với tấm lòng hớn hở thênh thang tuổi xuân thì mới nghe hết được những điều giấu nhẹm bên trong.

Tôi đặc biệt thích bài thơ viết về ngôi trường cũ, “Duy Tân, ngày trở lại” của Khanh:
Mỗi bước run theo mỗi ngập ngừng
Từng viên đá cuội cũng rưng rưng
… … …

Còn ai nữa? Còn ai nữa bên song cửa lớp? Còn ai nữa rộn rã buổi trưa hè? Bởi “bầy chim sáo cũ không về nữa”. Thế nhưng không phải vậy. Bầy chim sáo thì không còn mà hơi hướm thì vẫn còn. Những vật vô tri vẫn luôn có một linh hồn.
Vẫn ghế bàn thơm hơi hướm nhau
Bàn tay vụng dại cánh thơ đầu…

Cũng có lúc nỗi đời trăn trở, vất vả, anh cũng muốn tính toan như bao người:
Cũng muốn như người reo thích chí.
Lọc lừa trăn trở bán lương tri

Nhưng rồi:
Nghiêng cốc chưa khô lòng đã cạn
Nghêu ngao lời đục rót canh chầy
Vầng trăng vàng những hồn xưa sáng
Có rủ nhau về vui tối nay?
(Độc ẩm)

Khi biết gần gũi “những hồn xưa sáng” thì khó mà người ta tính toan, đo đếm. “Một đời lận đận đo rồi đếm/ Mỏi gối người đi đứng lại ngồi” (Bùi Giáng).

Tới một cái tuổi nào đó, bỗng nhiên người ta ngộ ra nhiều điều:
Dẫu biết trăm năm là sợi khói
Nhưng lòng ta còn lắm nỗi không đành…
Chính cái “lắm nỗi không đành” đó làm ra thơ Khanh.

Võ Tấn Khanh làm thơ tự nhiên như hơi thở của dòng sông, của cánh đồng, lúc yên ả, lúc ầm ào, cứ tự nhiên tràn ra “như không thôi đi được” vậy. Tôi, người bạn anh gần bốn chục năm qua, một hôm bạn gởi cho tập bản thảo, bảo viết đôi lời. Viết cho bạn mình sao khỏi chủ quan? Thôi thì cứ chủ quan vậy.

ĐỖ HỒNG NGỌC.

No comments:

Post a Comment