Khuất
Đẩu
Tác giả đứng trước ngôi nhà gỗ ở
Điền Trang Thân Trọng.
Đương
lúc tôi ngồi gõ những dòng này, thì người bạn đồng niên và đồng cảm Kiệt Tấn
đang bay về Paris sau những ngày về thăm lại chốn xưa sông nước Cửu Long. Cũng
là lúc họa sĩ Thân Trọng đặt bút ký văn tự bán ngôi nhà nhỏ trên cao nguyên sau
khi đã bay trên khinh khí cầu qua những núi đá khô cằn ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Cả
hai đều buồn, và tôi cũng vậy, dù đã có một đêm rề rà chuyện xưa và chuyện nay
với một chai rượu quý X.O. Nỗi buồn của người già không như khói thuốc, không
như mây trắng bay, nó nằng nặng, cay cay nhưng lại có cái hậu ngòn ngọt của rượu
quý. Ấy là bởi, cho dù với cái rầu bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Kiệt Tấn cũng đã
ít nhiều sống lại với Đêm Cỏ Tuyết, Bến Đò Trao Thơ…và Thân Trọng, lúc đi xuống
đi lên một lần cuối con dốc thăm thẳm ấy chắc vẫn còn nghe lao xao bước chân
liêu xiêu của Đinh Cường và người bạn khốn khó thời tiểu học tên Anh, dù nay cả
hai đã không còn nữa.
Ngôi
nhà chênh vênh trên lưng chừng đồi ấy trông mỏng mảnh như một tổ chim, không
như ngôi nhà cố cựu bề thế chôn nhau cắt rốn ở xứ Huế, nhưng chủ nhân đã yêu nó
xiết bao.
Vào
cái thời mà “cái gì cũng rinh về Bắc ngay cả cây đinh”, để dựng một căn nhà gỗ
trên Đà Lạt, quả thực muôn vàn khó khăn. Anh chị đã phải lùng sục từng mảnh gỗ,
từng miếng tôn, từng cây đinh, từng tấm kiếng và đương nhiên phải “ba cùng”,
cùng ăn, cùng ở và cùng làm với những người thợ “đụng”, suốt cả tháng trời mới
tạm coi là “đường được”. Đường được thôi vì còn phải xẻ luống trồng cây, phải
có những cành hồng trĩu quả chín đỏ như trái tim, phải có cả vườn cà phê để xem
hoa nở trắng tỏa hương. Phải nhiều năm sau nữa mới có thể kiêu hãnh một cách thầm
kín mà gắn lên cái biển khiêm tốn “điền trang Thân Trọng” trước cổng vào.
Tôi
rất thích hai chữ “điền trang”, nó gợi nhớ những trang sách thượng lưu của
L.Tolstoi. Ở đó có một lão quý tộc rất khó tính, khi biết có một kẻ hợm hĩnh
xôn xao tới thăm, lão nhất định không cho gia nhân cào tuyết trên con đường dẫn
vào điền trang. Chủ nhân Thân Trọng cũng vậy, không thèm mời một tiếng người mà
mình không ưa vào nhà, dù anh ta đã đứng chôn chân trước cửa.
Khó
tính chứ không phải kiêu kỳ, cho nên những người bạn nghèo của anh, trong đó có
tôi, một đôi bận được anh đốt lửa trước sân trong cái se lạnh ngọt ngào của đêm
Giáng Sinh để cùng ngồi ăn khoai lang lùi, cua biển nướng, và nghe đàn mộc hát
chay.
Ở
đó, tôi đã gặp một Lữ Quỳnh tận cùng Mỹ Lợi mà rất Huế, một Nguyên Minh dù đã
hom hem nhưng vẫn còn nồng nàn yêu T., một Bửu Ý rất quý tộc mà không ôn mệ, một
Lê Ký Thương tuy đã xuống phố mà vẫn còn thơm mùi bã mía, và nhất là một Đinh Cường
rất xanh như tranh của anh, một màu xanh rất Đà Lạt.
Một
năm đôi ba bận, bằng hữu khắp nơi đến rồi đi, chủ nhân tiễn bạn rồi cũng khóa
trái xuôi về phố thị. Ngôi nhà còn lại một mình, đôi lúc đứng run rẩy vì mưa
bão, đôi lúc co ro trong mù sương. Hơn 20 năm qua, nó vẫn đứng lẻ loi như thế,
đứng để đợi chờ chủ nhân như con chó trung thành đứng đợi chủ suốt bao nhiêu
năm, nay đã được người Nhật dựng thành tượng đá.
Trong
khi chuyển tải thành lời Việt ca khúc bất hủ Come back to Sorrento, Phạm Duy đã
tìm được ba chữ tuyệt hay, là “nấm nhà buồn”. Ngôi nhà trên cao nguyên của Thân
Trọng đúng là nấm nhà buồn ấy. Tuy vậy, nó không buồn đến nỗi về đây chỉ để
nghe “tiếng hú hồn mê oan”. Mà còn về đây để nghe “giọt mưa đã reo trên thềm
nhà”, để nghe “những hoài âm xưa” vang vọng trong từng giọt sương, trong từng
cơn gió.
Trời
đang mưa. Mà mưa khá to. Đèo Khánh Lê sụt lở và trơn trượt đã ngăn bước chân
già nua run rẩy của tôi. Xin hãy uống giùm tôi một ly từ biệt ngôi nhà bằng hữu.
Tôi tin nó có một trái tim, và trái tim ấy đang nát tan, vì mai đây chủ mới sẽ ủi
cái “nấm nhà buồn” vô dụng kia để xây biệt thự hay khách sạn mà hái ra tiền.
Ngôi
nhà bằng hữu của tôi ơi, chắc bạn cũng hiểu rằng có sinh ắt phải có diệt. Bạn
được tạo dựng bằng gỗ ngo, nên chỉ một mồi lửa là bạn sẽ được bay lên. Bay lên
và tan biến vào cõi vô cùng. Tôi cũng vậy, chẳng còn bao ngày nữa, cũng sẽ phải
từ bỏ cái thân “tứ đại” này để đi về nơi “không có đâu”, một nơi không có trọng
lực, không có ánh sáng và cả bóng tối, nơi được gọi mơ hồ là “cõi quên”.
Với
chủ nhân, một người ưa suy tư như anh, tôi tin, khi đóng nắp bút lại chưa chắc
là đã xong, nhất định anh vẫn còn “hoài âm” nhiều về ngôi nhà đó. Đúng là anh
đang “về thu xếp lại”. Mà cuộc thu xếp nào lại không phải bỏ bớt đi nhiều thứ.
Bỏ một kỷ vật xa xăm từ thời thơ ấu còn buồn, huống hồ là bỏ cả một ngôi nhà.
Thì hãy cứ buồn đi vì đó là một nỗi buồn dài, rất tinh khiết và rất đẹp.
Tôi
cũng xin cảm ơn anh, vì nhờ đôi bận lên chơi, mà tôi cũng đã được ngôi nhà lặng
lẽ ôm tôi vào lòng. Tôi đã nghe ra tiếng thở dài và những tàn phai rơi rụng của
nó. Cũng như tôi đã từng nghe tiếng thét khi nhà tôi bốc cháy, dù khi đó tôi ở
rất xa.
Những
ngôi nhà, không ngờ người ta có thể yêu sâu dài đến như vậy, yêu hơn cả khi yêu
một người đàn bà đẹp.
Ninh Hòa, 14/12/2018
KHUẤT ĐẨU
No comments:
Post a Comment