Tuesday, May 24, 2016

ĐỌC ‘ĐAN TÂM’, THƠ PHẠM NGỌC LƯ



Tô Thẩm Huy

 Đan Tâm. bìa trước

Đan Tâm. bìa sau

Nhà thơ Phạm Ngọc Lư

Phạm Ngọc Lư có mấy câu lục bát đọc lên nghe thất cả hồn:
Chiều nao nhất kiến hồng nhan
Chiều nay xác bướm bay vàng mộ hoa
Cái Trọng Ty thì lại :  Sao em không là hoa, Luống cải vàng vàng tươi, Chuyện tình buồn hóa bướm, Bay la đà chiều mưa.
Tôi ngờ là hai chàng thi sĩ đệ nhất anh tài thành Phú Xuân toa rập xô tôi ngã vào cõi mơ màng mộng mị của thi ca.  Chẳng còn biết đâu là cánh hoa, là cánh lá, là cánh bướm !  Kể từ nay mọi cánh bướm trên trần gian khi chết đi sẽ biến thành lá, rơi xuống luống cải vàng, rồi hóa kiếp sống lại mà bay la đà trong những buổi chiều mưa.  Kể từ nay những cánh rừng aspen lung linh lá vàng sẽ bay về trên mọi cánh đồng Việt Nam mỗi buổi chiều thu ươm nắng.
Nhất kiến hồng nhan ?  Giai nhân là ai từ một lần nhất kiến tương phùng mà chiều nay những cánh bướm vàng lại theo nhau chết, rơi đầy mộ hoa như vậy ?  Xin mời nghe Phạm thi sĩ kể:
Em từ tình sử bước ra
Y trang yểu điệu đôi tà mộng bay..
Thì ra là ả thuyền quyên xiêm y yểu điệu đến từ tình sử.  Nàng có phải là Mỵ Châu thả lông ngỗng bay trắng trời Nam Âu Lạc, mà ông Hồ Dzếnh bảo là: Người về ta mới nhớ ta, Yêu là thế ấy, mơ là thế thôi ?  (Phong Châu)
Hay nàng là Mỵ Nương của giọt lệ ngày sau rửa sạch oán hờn, mà ngày hôm nay vẫn xui ta ngồi:
Chờ nhau gác gió lầu mây
Nghìn đêm giọt nến rơi đầy trang thơ
Nghìn đêm sông lạnh trăng mờ
Trương Chi bạc tóc bên bờ Tương giang
Phạm thi sĩ đã bạc tóc, vẫn nghìn đêm cất tiếng hát bên sông lạnh, nhưng ả thuyền quyên của nghìn năm trước thì vẫn mãi mãi son sắc, mãi mãi là người con gái của buổi nhất kiến tương phùng.  Để?  Để những giọt nến, những giọt lệ của nhớ mong, mãi mãi rơi xuống nhạt nhòa những dòng thơ say đắm.
Anh Trần Hoài Thư gửi phóng ảnh trang báo Văn tháng 8 - 1974, đăng bài tác giả Lê Huy Oanh phê bình mấy câu thơ của Phạm Ngọc Lư
Uổng đời tôi một hòn đá vụn
Rớt vô tình xuống đáy sông tan
Cuốn theo tiếng hú hồn lẩy bẩy
Bay trên dòng nước xiết mang mang
Tội tình tôi chờ hái bụm mưa
Rửa vết thương sâu ngời lửa chảy
Chiều nay ai đập vỏ chai bia
Máu vọt lên giữa dòng nước xoáy.
là: ‘ngôn ngữ thơ hoàn toàn mới…mới vì hình ảnh và ý tưởng xuất hiện một cách đột ngột và bất ngờ, tạo cho thơ một không khí mơ ảo, có nhiều tính chất gợi cảm hơn là truyền cảm…’
Những nhận xét ấy quả là chí tình hợp lý.  Nhưng đọc thơ đôi lúc thật chẳng nên nghiêm nghị ngẫm nghĩ mà có thể đâm ra ngờ ngẩn ngơ ngác, mà nên để cho giòng máu tự do mà tự lưu, tự tống, tự cảm, tự dương, mà ào ào bắn vọt lên giữa dòng nước xoáy. 
Anh Phạm Văn Nhàn cầm tập thơ Đan Tâm đưa tôi, bảo: 
-  Anh đọc đi.  Chắc là sẽ thích.  Lư cũng là dân Hán văn.  Hai ông mà gặp nhau nói chuyện chắc đã lắm.  
Thoạt cái tựa đã thấy Hán rồi.  Đan tâm, tấm lòng son, cái lòng hiếu trung, chung thủy trước sau như một.  Đọc xong tập thơ thì lại thấy có lẽ không phải vậy.  Sao gọi là son ? Là đan, là đỏ ?  Hay đó là xích tử chi tâm?  Cái lòng của đứa trẻ mới sinh còn đỏ hỏn?  Cái tâm trong sáng của thiên thu vạn đại ?  Tấc lòng của Phạm Ngọc Lư là tiếng dội văng vẳng từ nghìn năm thiên cổ trước vọng lại, là tiếng thao thức ngân nga gửi vào thiên cổ nghìn năm sau.  tha phương nhật mộ.  Là một mình cưỡi con vịt trời theo ráng chiều bay về Đằng Vương Các ngồi uống rượu với ông Vương Bột mà:
Thâu lại hồ trường nơi biển Bắc,
Nhặt lên chén rượu cuối trời Nam,
Là:
Mấy năm đắp chiếu trùm mền,
Ngỡ là không nhớ là quên chuyện lòng,
Chuyện lòng ?
Mười lăm năm luống đoạn trường
Cần chi sóng nước Tiền Đường giải oan
Hay đó là chuyện:  
Ô hô thiên địa vô cùng,
Uống say mà khóc Đặng Dung - Thuật Hoài ?
Hay đó là chuyện Phạm thi sĩ đang ngồi bên bờ sông Thu Bồn, nhìn nước chảy đưa trăng ra viễn trùng, mà ngậm ngùi ?
Ngồi nghe lưu thủy hành vân
Mây trôi nước chảy bâng khuâng nhớ nhà
Mà thả hồn bay về Bồn giang phố khẩu:
Ngỡ mình Tư Mã Giang Châu
Rưng rưng cảm xúc cúi đầu thẩm âm
Mà:
Ngỡ hồn trôi giữa ngàn năm
Luyến lưu thanh điệu dùng dằng nước mây
Xin mời kim cổ so dây
Tri âm mượn khúc thơ này hòa âm
Thì cổ kim cũng phải luống dạ bùi ngùi mà cùng neo thuyền, so dây trên bến Tầm Dương:
So dây mấy tiếng ngân nga,
Chưa vào giai điệu đã ra hồn cầm,
Mỗi dây đàn, mỗi âm thổ lộ
Mỗi nỗi niềm sầu khổ khôn nguôi
Nhíu mày nắn phím đầy vơi
Bao điều thầm kín cất nơi đáy lòng
Sông trôi, trăng lạnh não nề
Một thuyền một bóng đi về lẻ loi
Đêm nay chợt mơ trời hội cũ
Hồng lệ hoen mộng thuở nào xưa (TBH, bản dịch của TTH)
Ông Bùi Giáng bảo muốn nói về một bài thơ thì nên làm một bài thơ khác.  This sĩ Tô Thùy Yên lại bảo việc thưởng ngoạn cũng là một biệt nhãn họa hoằn nào đó của tạo hóa.   Kẻ tiểu sinh này đã lâu lắm không còn làm thơ được nữa.  Chỉ đọc thơ mà lấy đó là niềm hạnh phúc.  Hoặc giả dịch thơ, thơ Tầu, thơ Tây, thơ Việt.  Xin lấy mấy câu thơ của cố Nhạc sĩ Thẩm Oánh:
Ta đứng hiên ngang nối đất trời
Tang bồng nhẹ gánh quẩy rong chơi
Trăm năm sự nghiệp cồn mây nổi
Thoảng cái danh hờ cũng thế thôi
mà dịch chơi ra Hán Việt:
Thiên địa mang mang ngã tự liên
Tang bồng nhất đảm chưởng trung khinh
Bách niên sự nghiệp phong vân tán
Nghịch lữ phù danh quải tịch miên
 Gọi là có mấy lời vị kiến tâm giao gửi tác giả Đan Tâm. 
Anh Phạm Ngọc Lư ơi, cái nam nhi vị liễu công danh trái khác nào là cái nắm cỏ bồng nằm nhẹ tênh trong lòng bàn tay.  Thì xin treo nó vào giấc ngủ lặng lẽ nơi cái quán trọ trần gian lạnh lẽo này.  Mọi sự rồi cũng sẽ tan biến vào cái cõi không cùng.  Còn gì đáng nói trên đời này chăng là cái tấc lòng tài hoa của anh gửi vào chốn không gian, thời gian mênh mang, dằng dặc !
Chơi hết tháng ngày chưa tương đắc
Tung hê cơm áo bất phùng thời
Uống nữa ngươi ơi
Một ngàn ly một lần xin cạn
Âm lạnh sông Hàn ơi
Chỉ còn ngươi…
Chỉ còn ngươi soi bóng ta thôi
Mãi mãi dòng sông Hàn sẽ nằm soi bóng Phạm thi sĩ.
Thì? Thì có định đi đâu cũng gượm lại đã.  Phải ngồi uống với nhau một cuộc mỗi người ba trăm chén.  Ba trăm thôi, một ngàn ly sợ say mất, làm sao ngồi nghe nhau đọc thơ Thanh Hiên, Quy Khứ? 
Thử hội tại hà niên?
Houston, Tiết Lập Hạ, 2016
Tô Thẩm Huy

No comments:

Post a Comment