Saturday, May 21, 2016

NHÀ SƯ, KHÁCH VIẾNG CHÙA, DƯỚI TRĂNG ĐỌC TRÀ OÁN


nguyn trung dũng


 Tranh Haiku. Basho under banana tree

Từ phải: Nguyễn Trung Dũng & Vợ

Xe qua ngã tư Dầu Giây, ở đoạn này, hai bên đường là rừng cao su. Rừng với những cây cao su được trồng ngay hàng thẳng lối, lá vào mùa này màu đỏ quạch, màu của mai cua luộc. Từ đây đến Phan Thiết, khoảng cách ước chừng hai chục cây số. Khúc đường xe đang qua đầy những lỗ ổ gà, lồi lõm, mặt lộ nứt nẻ, vì thế xe nhồi xóc, động cơ khua lộc cộc, tài xế điều khiển chiếc xe buộc phải giảm tốc độ để cho xe chạy chầm chậm ở đoạn đường đang đi. Đến xế trưa, xe chở những người khách đi viếng chùa mới tới được chân núi. Núi đó có tên gọi là Trà Cú. Từ chân núi đi lên phía trên, có đoạn là đường mòn nhỏ và hẹp, có đoạn quanh co khúc khửu chỉ đủ cho một người đi. Cây rừng đầy gai và chằng chịt ở hai bên vách. Lá của cây cối phủ kín ở phía trên. Nhìn lên, chẳng ai còn thấy bầu trời. Bốn bề cảnh vật im ắng. Chỉ nghe có tiếng chim đỗ quyên chốc chốc lại kêu nghe buồn bã. Khi khách viếng chùa đã lên đến đỉnh núi, khách nhìn thấy đằng xa phiá dưới là biển. Tiếng ì ầm của sóng vỗ vào bờ dội lại nghe rõ từng đợt. Mỗi đợt sóng trắng xóa ùa tới rồi lại rút ra khơi để lại nơi bờ mép biển những bọt trắng chuyển động, ở xa, người ta nhìm tưởng như một đàn chim hải âu vừa mới đáp xuống, cánh chưa kịp khép lại. Từ chân núi chạy dài tới thảo nguyên là một vùng rừng với màu tối của lá cây và màu xám của những đụn mây từ biển đùn về. Một con đường xe chạy bò ngoằn ngoèo, lúc giấu mình khuất trong rừng cây, lúc hiện ra như một con rắn bò trườn. Và đoạn quốc lộ ở dưới tầm mắt nhỉn, xe cộ thường ít qua lại, ngoại trừ các xe đò chở khách buôn ra biển Phan Thiết, xe cần cẩu và vận tải kéo “rờ mọc” chuyên chở cây rừng. Tít sâu trong vùng hiểm hóc, nghe người ta đồn hình như có vài trại nhốt tù. Thường chẳng mấy người thấy xuất hiện bóng những người tù đó, nhưng dân địa phương thì quả quyết có trại tù nhốt tù cải tạo thật.

Đêm ở núi Trà Cú, trăng sáng như ban ngày. Người khách vãng lai ngủ không được bèn thức dậy rồi lững thững bước tản bộ quanh sân chùa. Nơi trai phòng, sư trụ trì cũng trằn trọc thao thức, bèn trỗi dậy để ngồi uống ly trà. Khách đang đi ngoài hành lang, chợt nom thấy ánh đèn leo lét trong phòng bèn dừng lại. Khách đưa mắt ngó nhìn cũng đúng lúc sư trụ trì ngẩng lên nhác thấy:- “Nam Mô A Di Đà Phật. Khuya rồi, khách quá cảnh viếng chùa sao không ngủ?”- “Bạch sư cụ,” khách vãng lai nói, “bởi ánh trăng khuấy động giấc ngủ, bẩm khuya rồi nhưng không ngủ được cũng do có điều thắc mắc suy tư.”- “Mời khách vào dùng chén trà. Cơ duyên mà hội ngộ đấy thôi.”- “Kính tạ tấm thịnh tình quý báu của sư trụ trì. Xin được vô phép.” Khách bước vào, ngồi xuống, rồi từ tốn nâng ly. Nhà sư lặng lẽ nhìn khách rất bằng lòng.- “Nhiều đêm bần tăng thường ngồi độc ẩm dưới trăng. Ánh sáng của Đạo, ánh sáng của Trăng đồng lúc đẩy hồn ta ra khỏi lớp vỏ của Xác, bay bổng vào cõi minh nhiên, hư tĩnh của Trời và Đất. Cõi đó rộng rãi, bao la, mênh mông và bát ngát, trong sáng và tinh khiết vô cùng, không gì sánh được.
Rơi vào tầng hư vô đó, hòa nhập vào khí chân như.” Sư trụ trì lại nâng ly, nhấp trà:- “Khách uống đi. Đây là cây trà chùa trồng, tuyệt không bán. Trà lấy giống ở Bảo Lộc, thứ quý, hương uống lạ, vị chát nhưng không đắng. Ấy là do sương rừng, khí núi, âm dương của mặt trăng mặt trời.” Khách đón ly trà, vừa uống vừa cảm tạ nhà sư:- “Bạch sư cụ.”, lát sau, khách lưỡng lự một lúc rồi hỏi, “Sớm qua, Phật tử vô tình nhác thấy trên bức vách nơi thư phòng có treo một bài thơ, bèn tò mò lén đọc. Chẳng hay xuất xứ của bài thơ đó ra sao? Ai là tác giả viết ra nó?” “Bài Trà Oán”. Sư nói. “Đó là một bài thơ hay. Từ xưa đọc thơ, ta chỉ thấy các thi nhân ca tụng cái thú uống trà, ngắm trăng, vịnh cảnh, chứ chưa hề thấy ai nhàn ẩm mà ai oán cả. Kẻ viết bài này, bần tăng hội kiến một lần duy nhất. Khách chỉ là người vãng lai xa lạ, viếng chùa tá túc qua đêm rồi ngày hôm sau từ giã xuống núi. Người đàn ông đó dáng dấp nho nhã, đã đứng tuổi, tính trầm lặng, vẻ điềm đạm qua cung cách ăn nói, cử động. Đêm trăng, bần tăng và khách ngồi đối ẩm đàm luận đạo pháp. Khách tỏ ra am hiểu tận tường kinh sách của nhà Phật, thấu suốt cái triết lý cốt lõi của Đạo, nhân đó mà chuyện trò ý hợp, tâm đắc. Và, đêm đó, khuya khoắt, trước khi cáo từ, khách tá túc đã trao tặng bần tăng bài thơ “Trà Oán”. Chỉ tiếc có điều lúc đọc vài đoạn bần tăng thắc mắc chưa được giãi ý, kiếm khách lạ, khách đã rời chùa, xuống núi từ lúc sáng chưa rõ mặt người.”
Sư ngừng nói để nhấp trà, rồi ngước lên nhìn vầng trăng như để suy nghĩ:
“Bài thơ rất dài, bần tăng không thể nhớ hết được. Là kẻ tu hành, bấy lâu nay ta chỉ nhuần nhuyễn kinh nhà Phật, đọc những trang sách đại từ đại bi. Đêm đó, đọc những vần thơ ai oán, những đoạn thơ thống khổ của khách thập phương vãng lai, ta cảm được cái cõi trần gian địa ngục của kiếp người. Đọc đi đọc lại, mỗi lần đọc, hồn ta bứt rứt không yên, thảng thốt như rơi xuống nơi chín tầng ngục tối. Đây, khách hãy nghe những đoạn như sau:

“Xưa ai bơi thuyền trên sông Hằng
Nghiêng lẳng rải chùm hoa nhiệt đới
Lềnh bềnh trôi màu tro nhục thân
Trong nồi trà chiều nay sóng sánh
Cũng nổi lên vài nụ hoa cam
Bạn bè ta ngồi quanh xúm xít
Chiều đã tàn chiều đi chưa hết

Đây bữa trà trong thành đá xanh
Ngồi uống trà dăm ông mặt nghệ
Râu hàm lởm chởm cỏ đồi tranh
Tóc buông lùm xùm tợ bờm ngựa”

  Uống trà trong thành đá xanh, thực tình ta không hiểu nơi đó là nơi nào. Và tại sao lại có một buổi uống trà kỳ lạ như thế. Uống một nơi chẳng mấy thoải mái mà kẻ ngồi dùng trà cũng không khoan khoái, ung dung. Như thế quả là khó hiểu.”
 Vẫn lặng thinh, khách chỉ ngồi chống cằm, vẻ mặt tư lự. Nhà sư lại đọc:

 “Ngồi lại đây quanh nồi trà thơm
Như người xưa ngồi trong động đá
Đức Đạt Ma cùng với chúng tăng
Dâng trà hoa trước giờ thiền tọa

Ngồi lại đây quanh nồi trà thơm
Hãy nhớ nhé cánh trà oan khổ
Bạn bè hái từ trên núi xanh
Cất giấu qua bao tầng địa ngục..”.

 Khách đăm chiêu suy nghĩ, nét mặt hơi biến sắc. Cảm thấy ngừng lại để thắc mắc sẽ làm giảm sự thưởng thức, sư bèn say sưa đọc tiếp những đoạn tiếp theo:

 “Hồn ta nay như cụm trà hoang
Lá sần sùi gội đầm mưa nắng
Hạt từ gieo oằn đỏ cành sâu
Lại trổ bông bên sườn thung lũng”

 Thấm giọng bằng một ngụm trà, khi chén trà đã được đặt lại trên bàn, sư lại đọc:

 “Chén trà chiều nay vàng hoàng hôn
Chén trà chiều nay cho đồng bạn
Đã cùng ta đi suốt sử xanh
Đã cùng ta bơi qua bỉ ngạn
Ai khôn thiêng chìm nổi khúc sông
Ai trăng khuya mênh mang đầu núi
Hãy về đây trong chén trà oan

Hơi trà đẫm hơi may xáo xác
Nghiêng ly trà mắt chiều xẩm đục
Hỏi bạn hiền vì sao ông buồn
Phải chăng ngày xa ngoài dặm cỏ
Hay mùi trà cứng vị nước nguồn
Tẩm trong nước một loài hoa ác
Hơi trà thấm hạt mưa lất phất...”

Đêm đã gần sáng. Nhà sư hình như vẫn không hay:

 “Bữa trà muộn chiều hoang xây xẩm
Điểm điểm hạt mưa đầu xóm thôn
Ngày đã tàn cơn giông u uất
Chén trà chiều lòng ta mang mang
Lửa hoàng hôn huyễn sầu trong mắt
Nhìn ra chim bay chim bay
Ôi cửa biển giờ này đóng sp
Sóng thần phù từng đợt lặng im
Óng ánh trong ly màu sen ngát
Hương trà còn như hơi thu tàn
U khốc đó giờ đây thấm ngọt
Bây giờ ta hiểu ra thiên thu

Bây giờ như bao giờ nhớ lại
Bữa uống trà trong động đá xanh
Nước trà ánh lên màu hổ phách
Dòng sông nào không là sông Hằng
Hãy thả những cánh hoa theo nước
Hãy rắc tro tàn từ nhục thân
Rồi cất tiếng cười trên ngọn sóng
Ôi hồn ta trôi theo sông Hằng
Hồn ta chiều nay là sông Hằng”

Gà rừng bắt đầu gáy. Khách nghe tiếng thở dài của nhà sư. “Ta chưa từng đọc bài thơ uống trà nào lạ lùng như thế. Uống trà trong động đá xanh, lòng oán thán, tâm thống khổ, hẳn người đó là một ẩn sĩ?”
Nghe thế, khách mới lên tiếng:
“Bạch sư cụ, xin được thưa. Kẻ thiện nam này sở dĩ có thể hiểu được phần nào ý và lời bài thơ, có lẽ nhờ đã bị sống trong hoàn cảnh đó”.
“ Tốt lắm. Tốt lắm.” Nhà sư hoan hỉ. “Xin giãi bày cho nghe. Có thế, bần tăng mới vỡ những điều chưa rõ, mới thấu triệt nội dung của bài, hiểu được cái hay của nó”.
 Vâng theo lời sư trụ trì nói, khách mới từ tốn đi vào câu chuyện kể lại:

 “Pháo đánh xuống Bộ Tổng Tham Mưu là cứ điểm cuối cùng của quân đội miền Nam, giai đoạn mở đầu và cũng là giai đoạn kết thúc của cuộc tổng công kích vào Sài Gòn của bộ đội quân miền Bắc. Cổng chính của dinh Độc Lập bị xe tăng của cái gọi là quân đội “giải phóng” ủi sập. Kể từ đó, lá cờ đỏ màu máu có ngôi sao vàng năm cạnh bay trên nóc tháp, thì chế độ miền Nam chính thức cáo chung. Tướng, Tá, sĩ quan kẹt lại được lệnh tập trung đi vào trại tù cải tạo. Năm 76, thanh lọc rồi phân loại, một số anh em sĩ quan ở lại trại Long Giao, một số bị chuyển trại ra miền đất Bắc. Năm 1979, cuộc chiến giữa Việt Cộng và Trung Cộng xẩy ra ở vùng biên giới, đe dọa các tỉnh Lai Châu, Lào Kay, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái, tù giam nhốt các trại thuộc các vùng đất đó được phân tán và di chuyển xuống lãnh thỗ miền Trung. Qua hai đợt chuyển trại, T6 ở Nghệ Tĩnh có trên ngàn tù nhân nhập khám.T6 thuộc huyện Thanh Chương, đất Nam Đàn, tỉnh Nghệ Tĩnh. Nằm sâu trong một vùng hẻo lánh khuất nẻo, đất đai khô cằn, làng bản vắng vẻ, dân cư thưa thớt. Đồi với những ngọn đồi được trồng trà hoặc bỏ hoang cho cây rừng mọc. Ở sau trại tù, dưới tầm mắt nhìn, đấy là dãy núi đá màu xám xịt. Bằng cốt mìn để phá đá, tiếng nổ long trời, mảnh miếng sắc cạnh văng tung tóe. Có khi mảnh miếng bay về tận nhà trại, rớt loảng xoảng trên mái tôn. Đá núi sử dụng xây tường xung quanh nhà tù, vách các phòng giam, sàn nằm cho tội nhân thay giường ngủ. Đá núi cũng còn được công nhân đến lấy rồi dùng xe tải đưa về thành phố. Đấy, bạch sư cụ, “bữa uống trà trong động đá xanh” nó là như vậy. Còn ở tù, lấy đâu ra trà mà uống phong lưu như thế. Chả là trong số họ, có người làm ở đội trà. Những người được cử đi hái trà, lưng đeo gùi, chọn búp lá đúng tiêu chuẩn mà ngắt. Đủ số lượng, đội đem về trại nộp vào kho. Lấy cắp trà, nếu bị phát hiện, tù không tránh khỏi bị kỷ luật. Nhẹ thì kiểm điểm. Nặng cùm giam. Vậy mà, họ vẫn sấy được trà lấy cắp để cất giữ uống lâu ngày. Sấy lén như thế có kẻ đi báo cáo, tất bị trừng phạt.
Bởi vậy:

“Ngồi lại đây quanh nồi trà thơm
Hãy nhớ nhé cánh trà oan khổ
Bạn bè hái từ trên núi xanh
Cất giấu qua bao tầng địa ngục”

“Bạch sư cụ. Xưa nay, kẻ uống trà thường thư thả và nhàn nhã mà ngồi thưởng thức chén trà, lặng lẽ ngắm vầng trăng khuya khoắt, cùng bạn bè ngâm vịnh thơ phú, chứ mấy ai khổ ải, u khốc bên chén trà trong cái cảnh này bao giờ đâu.”
Khách lặng đi không nói thêm nữa. Rồi bỗng cất giọng:

“Bữa trà muộn chiều hoang xây xẩm
Điểm điểm hạt mưa đầu xóm thôn
Ngày đã tàn cơn giông u uất
Chén trà chiều lòng ta mang mang”

Khách đứng dậy cáo biệt và nói nhà sư đi nghỉ. Xế chiều, khách mới thức dậy, hai mắt còn cay. Khách lững thững thả bộ ra mé sau chùa, đứng ở sườn núi ngó về hướng biển. Ở đó, nhìn về phía trước, khách thấy đại dương, nhìn về bên trái, thấy thành phố Phan Thiết, nhìn về bên cánh phải là rừng và núi. Đỉnh núi, mây và sương mù che phủ. Cây cối mất dấu. Cảnh vật nhòa nhoẹt. Đường xe chạy, đi sâu vào miệt rừng, khách biết ngả đó sẽ tới trại Z.30C. Một trại nhốt tù mà trước đây khách bị giam giữ.
Nơi đó, óc não còn hằn vết toàn cảnh. Những rãnh nét khứa trên đá, sâu và đậm, ám ảnh khách như một cái bóng đuổi bắt mình dưới ánh trăng khuya.Trại Z.30C trước đây nằm sâu trong một vùng rừng núi. Đất gò mối được ban, cây cối bị chặt, nhà láng được cất dựng, biến nơi hoang vu cùng cốc làm nơi giam giữ tù. Chu vi vòng rào rộng. Phân giới trong và ngoài bằng một hàng kẽm gai. Bốn góc trại là chòi gác có công an mặc sắc phục cầm súng đứng quan sát trên chòi cao. Nằm lọt trong khoảng đất của trại, nhà cất trên mười mấy căn. Mái lợp tôn thiếc.Tường vách ván gỗ. Từ cửa chính mỗi phòng giam, cuối là nhà cầu, giường sạp phân hai bên. Tầng giường nằm phía trên, tầng giường nằm phía  dưới, chia thước tấc ô nằm cho mấy chục người tù. Đêm, khi bóng tối quánh đặc, vùng trại tù biến mất. Đấy chính là cõi địa ngục nơi trần gian mà mỗi lần chợt nghĩ đến, khách lại thấy rùng mình. Bóng chiều đã tắt. Nắng thoi thóp. Giữa cảnh im lặng tịch mịch, tiếng chuông ngân nga nơi chánh điện nhắc khách về chùa.

Dáng núi xa dưới tầm mắt đã mờ nhạt, biến hình dưới lớp mây và sương mù. Nhìn lên cao, ngôi chùa cổ, kiến trúc xưa, mái phủ rêu, tường vách ố vết, lẫn khuất sau những cây cối già nua tuổi tác. Những cây đại thụ đó dễ có ngoài trăm năm, đứng đó nhẫn nại, ngạo nghễ với các thân gốc sù sì, vỏ da ghẻ sẹo, cành nhánh khô mốc.Từ những bậc thang lát gạch màu đỏ mai cua, lối lên cao vòng vèo, hẹp ngang, dẫn khách tới sườn núi đá bằng phẳng phía sau chùa. Ở đó, khách thấy tượng Phật Thích Ca nằm dài, đầu gối trên bàn tay mở rộng, mắt ngước lên khoảng trời cao và xanh. Dưới thấp sườn núi, có một bức tượng nữa nhỏ hơn. Căn cứ theo lời sư trụ trì, vị đó là Sư Tổ, người khai sinh và sáng lập ra chùa này. Khởi đầu, Ngài lên núi, xuất thế để tu luyện cốt nhục, hướng tâm dõi về Đạo. Ngài uống nước suối, ăn trái rừng, ngủ trên đá, dốc tâm tầm Đạo. Núi hồi đó hoang dã. Thú rừng thường xuất hiện, nhưng sợ vía Ngài, gặp thì lảng tránh. Ngài khuất phục được tâm con cọp dữ đã sống lâu năm ở núi này. Mỗi lần, Ngài thiền định, cọp thường về nằm ngoài cửa hang coi chừng canh gác.

Vào ngày cuối đời, trước khi vị Sư Tổ cảm thấy kiệt sức, Ngài tắm rửa chay tịnh, rồi vào ngồi trong động đá, tĩnh tâm đợi viên tịch.
Viên tịch rồi, con cọp suốt ba ngày chỉ nằm phủ phục bên xác Ngài, không ăn, không uống, cho tới khi tắt thở. Về sau, có người lên núi, gặp xương cốt của vị Sư Tổ và ông Cọp ở trong hang, bèn xây cất chùa miếu, lăng tẩm để thờ cúng.

Khách trở về phòng, thu xếp hành trang. Đêm nay, khách sẽ rời chùa, vì hồi chiều, khách đã thấy con tàu neo ở ngoài khơi.
NGUYỄN TRUNG DŨNG

[*những đoạn thơ trong bài là thơ của  nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp]
  

No comments:

Post a Comment