nguyễn
xuân thiệp
Hoa phượng
Viết dưới bóng quê nhà
Trong bài tản văn thi Từ Một Bếp Lửa, hồi tưởng lại thời thơ ấu, mình đã viết những dòng
sau đây: “Có thể nói không gì ấm cúng, thân yêu bằng bếp lửa của mẹ. Nó là hình
ảnh của ấu thời tôi, và có lẽ cả ấu thời các bạn nữa. Và phải chăng mỗi khi cảm
thấy chới với trên đường đời, ta lại tìm về bếp lửa ngày xưa ấy. Tìm về để được
thấy an ủi, tin tuởng hơn, hầu cất bước đi tiếp trên con đường chông chênh của
kiếp người."
Đúng vậy, có một người cũng khởi đi từ một bếp
lửa như thế. Đó là nhà thơ Lê Văn Ngăn (bạn một thời của Nguyễn vừa mới ra đi.
Ôi , Ngăn ơi!) Bửu Ý cũng viết: "Lê Văn Ngăn ra đi từ "bếp lửa",
cái đốm lửa hồng là điểm giàu giữa một bức tranh từng nuôi nấng anh, luôn đeo đẳng
anh suốt dặm đường dài và nhắn nhủ anh sớm sớm quay về."
Quả có thế, Lê Văn Ngăn suốt cuộc đời mình
đã đi lại nhiều lần trên những con đường quen thuộc, và anh đã chọn Viết Dưới Bóng Quê Nhà. Anh lưu luyến
bên bếp lửa của mẹ, bếp lửa của quán cà phê chị Sáu ở Đà Lạt, ánh đèn trên
khung cửa sổ của nhà người yêu, hay cơn mưa khuya trên đường vắng, hay bóng
ngày trên ngọn bạc hà cao.
Như trên có nói, Lê Văn Ngăn là bạn một thời
của Nguyễn. Thuở ấy, những năm tháng ở Đà Lạt, có nhiều đêm cùng Ngăn đi lang
thang ở khu Hòa Bình, ghé vào quán cà phê hoặc quán rượu, mãi tận khuya mới trở
về căn nhà của Nguyễn trên đường Nguyễn Trường Tộ. Vừa đi, vừa đọc thơ. Có đêm,
không biết Lê Văn Ngăn hái từ đâu một cành dạ lý hương đem về phòng. Tới khuya,
mùi dạ lý tỏa nồng nặc, chịu không nổi, mình phải trỗi dậy, ném cành hoa ra
ngoài cửa sổ. Lần khác, Nguyễn từ những con đường đất đỏ đầy gió của Pleiku,
Kontum trở về, mang theo mười bài thơ vừa làm. Một đêm ở nhà Nguyễn Quang Tuyến,
lúc mọi người trong nhà đã đi ngủ, Nguyễn đọc cho Lê Văn Ngăn nghe mấy bài,
trong đó có Tôi Cùng Gió Mùa dài trên
trăm câu. Nghe xong, Lê Văn Ngăn kéo mình nhảy rào (vì cổng nhà Tuyến đã khóa)
ra phố lang thang. Trên đường đi, Ngăn chỉ nói một câu: Một bài thơ lớn không
thể chỉ gồm có bốn câu hay tám câu.
Thuở ấy, Nguyễn từng yêu những bài thơ phiêu lãng của
Ngăn: Ví Dụ Một Vẻ Tàn Phai, Bên Hồ Thủy
Ngữ, Con đường hoa khế, Mái Nhà... Ở những năm tháng thanh xuân ấy, thơ
Ngăn mạnh mẽ, bềnh bồng.
Đôi người bạn ở sau vườn dưỡng khí
Ngày thanh niên hoa khế rụng bên đời
Ngồi nhớ lại con đường không giới hạn
Nắng lòng tôi em đem áo ra phơi
Tôi về đây
đốt điếu thuốc nghiêng nghiêng chiều lửa đỏ
ngày trên cao
reo mấy ngọn bạc hà
Giờ đây, như mình đọc thấy trong Viết Dưới
Bóng Quê Nhà, thơ Lê Văn Ngăn như đằm xuống, lắng sâu hơn vào những hình ảnh
bình thường của đời sống. Ít nhiều, Ngăn đã tìm thấy ở đó sự an ủi và yên phận.
Một thứ hạnh phúc buồn.
Nhắc đến Lê Văn Ngăn mình vẫn còn một điều không yên trong lòng. Ấy là cách đây hơn nửa năm, Lê Thị Huệ của trang Gió-o nhắn cho biết Lê Văn Ngăn muốn xin địa chỉ của mình để liên lạc. Do bận việc và bản tính thơ ơ biếng nhác, mình cứ chần chừ cho tới một hôm đọc Thanh Niên Online thấy tin Lê Văn Ngăn bệnh nặng phải nhập viện. Mọi sự như vậy là đã trễ chỉ còn đọc lại trang thơ của bạn nói về một mùa hè và màu hoa phượng.
Hoa phượng những năm
chúng ta còn trẻ tuổi và hoa phượng buổi chiều nay vẫn nguyên một màu thắm tươi
dưới nền trời mùa hạ
Nhắc đến Lê Văn Ngăn mình vẫn còn một điều không yên trong lòng. Ấy là cách đây hơn nửa năm, Lê Thị Huệ của trang Gió-o nhắn cho biết Lê Văn Ngăn muốn xin địa chỉ của mình để liên lạc. Do bận việc và bản tính thơ ơ biếng nhác, mình cứ chần chừ cho tới một hôm đọc Thanh Niên Online thấy tin Lê Văn Ngăn bệnh nặng phải nhập viện. Mọi sự như vậy là đã trễ chỉ còn đọc lại trang thơ của bạn nói về một mùa hè và màu hoa phượng.
Hoa không đổi thay
như thể để chứng kiến người qua lại trên đường không ngừng thay đổi.
Cả em và tôi, chúng
ta đã không ngừng thay đổi
….
Trăm năm sau, chúng
ta sẽ không có mặt giữa người qua lại trên đường chỉ thấp thoáng vài dấu vết
trong màu hoa không thay đổi.
Hôm nay, giữa khi thunderstorm kéo qua bầu
trời, hoa hải đào như phượng nở đỏ ở thành phố Garland, Nguyễn xin gởi đến cái bóng của bạn mình ngày xưa những tình cảm quý mến của
người ở xa. Có bao giờ, Ngăn và Dao Ca về ngồi lại trên bờ biển Quy Nhơn, trong
đêm mơ hồ những ánh lửa cô đơn, đọc lại những câu thơ ngày nào. Và tưởng tượng...
gió mùa
gió mùa
thổi qua
thổi qua
thổi qua những biên thùy. rào cản
những ước định của người
những tấm lòng phân chia biên giới
những màu da
những dòng nước mắt
gió mùa
gió mùa
thổi qua
thổi qua
Viết ở quê người
Như
thế đó, chúng ta đều mơ một ngày không còn những bức tường, bờ rào, những cột mốc
phân chia giữa những bến bờ... Thế nhưng, cho tới ngày hôm nay, sự thù hận và
phân biệt vẫn còn, và những bàn tay gân guốc còn siết chặt cổ họng người.
Vâng. Cho tới ngày hôm nay, chúng ta đã bị
tách rời ra khỏi đất nước tới hằng chục năm và chưa biết tới bao giờ... Từ trên
những xa lộ của xứ người, mãi mãi còn nhìn thấy những cánh chim trời bạt gió.
Nhà thơ Cao Tần, tức Lê Tất Điều, dừng chân bên một bờ hồ đất lạ, viết:
Nói nghe coi này cổ thụ ven hồ
Kể từ những trăm năm dài đứng đó
Có gặp khi nào một kẻ xác xơ
Lòng sầu hận hơn kiếp người da đỏ
Những bài thơ viết trên đất người, ở những
năm tháng đầu của cuộc sống lưu vong tị nạn, hiện lên cả một trời uất hận và
tuyệt vọng:
Dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
Gánh sơn hà toan chất thử lên vai
Chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
Dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai
Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới:
Ta làm gì cho hết nửa đời sau?
(thơ Cao Tần)
Kẻ này với Lê Tất Điều có chút quen biết
xưa. Một đêm, trước Ngày Sụp Đổ Lớn, hai đứa nằm trên chiếc bàn ở phòng vi âm Đài
Tiếng Nói Quân Đội Sài Gòn, Lê Tất Điều cho biết ngày mai anh sẽ đưa cả gia
đình ra Phú Quốc tìm đường đi. "Chúng ta chiến đấu chống Cộng Sản gần hai
mươi năm như thế đã là anh hùng lắm rồi..."
Và Lê Tất Điều ra đi từ đó. Riêng kẻ này phải
hai mươi năm sau mới khóc giã từ màu phượng đỏ của thành phố Sài Gòn. Ở Mỹ, Nguyễn
biết Lê Tất Điều cư ngụ ở San Diego, vậy mà chưa một lần ghé thăm bạn. Tới đây,
khi có dịp, sẽ nhờ Nguyễn Đắc Điều đưa tới thăm nhau, để chỉ hỏi một câu: Hơn
ba mươi năm qua rồi, đã quên hết buồn chưa và hiện tại đang nghĩ gì, viết gì...
Với Nguyễn, khi "Nói với chim én ở San
Juan Capistrano" Nguyễn tưởng như mình đã quên hết buồn xưa
ngọn gió santa ana
thổi trên trí nhớ
của những chùm bông giấy
kêu. bằng hợp âm
san juan capistrano
ôi. chim én
đã về. dưới mái nhà thờ ngói đỏ
thành phố biển
san juan capistrano
như niềm vui của trời
Nhưng không, nỗi buồn vẫn còn đó, nhưng giờ
đây đã mở ra cùng thế giới
ôi. dallas
nơi tôi đã đến. đã ở hơn mười lăm năm. đã
viết
văn làm báo
và sẽ ra đi
vầng trăng trong cỏ rối
còn lại bao lâu. những bài thơ. lúc chia
tay
không ai vẫy chào. không giọt lệ
và buổi chiều. tiếng cười trên góc phố
tiếng cười
như thủy tinh. vỡ
dường như. dường như. rất quen
Có lần, Nguyễn viết: Tâm hồn tôi giờ đây
dường như không còn biên giới nữa. Tôi đã biết thích crawfish, pizza, steak ở
Trail Dust... Và yêu nhạc blues, bông hoa hippie, thơ beat... Cho nên Nguyễn lấy
làm hứng khởi khi đọc bài đoản văn của một người ký tên Đỗ. Xin trích một đoạn đăng
lại sau đây, để các bạn cùng chia sẻ.
... "Nếu bạn đến San Francisco, đừng quên cài một bông hoa lên mái
tóc..."
Hơn 40
năm trước, tay hippie cao kều Scott MacKenzie ngồi xếp bằng nghêu ngao ca khúc
danh tiếng này của John Phillips. Bông hoa ấy chính là những bông hoa năm cánh
màu vàng cam, biểu tượng của phong trào hippie đã từng tràn ngập trong giới trẻ
Mỹ và loang đi khắp thế giới...
Những
bông hoa hippie ngày ấy -than ôi- giờ đã lụi tàn: nó đã trở thành thì quá khứ của
một lịch sử không dài, nhưng dấu tích hippie vẫn còn được "bảo tồn" bằng
khu phố Haight-Asbury dài chưa đến một cây số. "Làng hippie" ngày xưa
nay trở thành con phố chen chúc các quán ăn Tibet, Cuba, cửa hiệu sách cũ, đồ
lưu niệm, quần áo mũ nón, đĩa nhạc, poster... của một thời vàng son. Và người
khách châu Á túi vải áo nâu dáng vẻ như một thiền sư đang chúi mũi vào giá sách
cũ kia biết đâu chính là một chàng hippie, chàng beatnik thuở nào đang tìm lại
ánh hồi quang một thời vang bóng? (Trích theo Đỗ Trung Quân. Tiền Vệ)
… Và
viết ở Caffe
Trieste...
NXT & Đinh Cường
ở Caffe Trieste. 2013
Caffe Trieste
có một lịch sử. Lịch sử ấy bắt đầu từ đâu, không quan trọng: từ cái anh chàng
thanh niên ngư dân nghèo Giovanni Gianni của vùng Trieste ở Ý, mười lăm tuổi đi
học hát opera, hay từ gã lau chùi cửa kính ở San Francisco những ngày đầu di cư
qua Mỹ,... Cái tên lịch sử này toạ lạc ở số 601, trên góc phố Vallejo/Grant, là
tiệm cafe expresso & cappuccino đầu tiên mở ở bờ biển phía Tây California
năm 1956 (nay vẫn còn hơi ấm hồi tưởng của cái bàn nơi Francis Ford Coppola ngồi
nhiều tháng trời đẽo gọt kịch bản The Godfather, cũng là nơi một thời từng trở
thành "phòng khách" của Jack Kerouac, Allen Ginsberg và những nhà thơ
beatniks bạn bè, nói cách khác, của cả một Beat Generation). Từ khi khai trương
cách nay hơn nửa thế kỷ, Caffe Trieste đã nổi tiếng với cách kết hợp từ phong vị
nước Ý cổ xưa, đến thơ ca Bohemien, âm nhạc và nghệ thuật. It has become famous across the world for its combination of essences:
Old Italy, Bohemian poets, art and music, and excellent Espresso. Caffe
Trieste đã đi vào nhiều tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ danh tiếng thế giới
như Czeslaw Milosz, Joseph Brodsky... Sau đây là Brodsky và Caffe Trieste:
Tôi đã trở lại góc phố Vallejo
và Grant như một tiếng dội
với đôi môi giờ đây
thích nụ hôn hơn chữ nghĩa
Ở đây chẳng có gì thay đổi.
Kể cả bàn ghế kể cả thời tiết...
(Joseph
Brodsky-Café Trieste: San Francisco, 1980).
Caffe
Trieste... Ông chủ Papa Gianni nay đã trên 85 tuổi. Năm 2006, Caffe Trieste
tròn 50 tuổi. Tất cả những nhà thơ danh tiếng (Tutti poeti -theo cách nói pha
tiếng Ý của Papa) thường ngồi đây, trong những đêm đọc thơ, trình diễn nhạc
jazz và nhạc cổ điển... Xưa vốn thế và bây giờ vẫn thế... Ngồi ở đây, trong hơi
gió biển từ vịnh San Francisco thổi về mà như nghe những tiếng động của nhịp bước
thời gian. Ôi, tiếng đàn thùng... Nguyễn những ước mong một ngày kia được ngồi ở
đó và viết bài thơ Caffe Trieste, tiếp nối Brodsky... Cũng là lãng du dưới trời
lưu xứ.
2010
Viết thêm sau khi đọc lại tháng 7.
2015: Cách đây 2 năm
(2013) Nguyễn và Đinh Cường đã tới Caffe Trieste. Cùng đi có Hải Phương và Quận,
Nguyễn Trí Minh Quang, cũng vào mùa hè nắng rực rỡ. Hỏi thăm Papa Giani còn hát
không, người trong quán trả lời chỉ thỉnh thoảng vào những dịp đặc biệt thôi.
Thế nhưng Nguyễn vẫn thấy ông thấp thoàng đâu đó trên những bức tranh và ảnh trên
tường và trên bàn ghế cùng hương cà phê thoảng bay.
Đọc tiếp: Ngồi ở
Caffe Trieste, trò chuyện với Brodsky
NXT
No comments:
Post a Comment