Thursday, July 2, 2015

GÕ CỬA TRẦM TÍCH BIỂN



Ngu Yên cùng Đoàn Minh Đạo


Ngu Yên & Đoàn Minh Đạo

Thi phẩm Trầm Tích Biển

Đọc tập thơ của Đoàn Minh Đạo, Trầm Tích Biển, lòng không khỏi có đôi điều băn khoăn. Tôi biết thơ ông khá lâu qua mạng gio-o.com, nhưng chỉ mới gặp một lần tại quận Cam, khoảng hai năm trước. Sau buổi ăn chiều và ly cà phê, chúng tôi chia tay, ông để lại cho tôi ấn tượng một người làm thơ trầm tư và tử tế với văn chương. Một người có căn bản triết học, thơ của ông mang tư duy về đời sống với ngôn ngữ riêng vừa ngoạn mục vừa khó hiểu.
Đọc thơ ông thấy được sự cẩn trọng chọn lựa từ vựng và dàn trải câu cú. Không có nhiều tứ thơ lạ nhưng ngôn từ diễn đạt tứ thơ mang tính đặc thù của Đoàn Minh Đạo: nhiều từ ghép tạo ra từ mới; nội dung của từ có chiều sâu của ý; nét của từ có khi trí thức, có khi bóng bẩy; không khí của từ dựng nên mơ hồ, trữ tình và ít chạm hiện thực.
Ví dụ một đoạn thơ:
Thổ lộ cùng em tiếng vang tờ kinh khuya khoắt
Người hát mơ hồ thánh nhạc phố xưa
Thành phố Diêm Hồ
Chuông đổ hoang mang
Bánh xe lăn trên tuyết phủ ký ức thảo trang
Thời ra đi và thời trở lại
Thời gieo trồng và thời gặt hái
Thời ban phát và thời thu gom
Thời yêu đương và thời trả nghĩa…
     (Trích Thời Trút Mùa Hương.)

Người đọc có thể cảm nhận một tâm sự trong kỷ niệm, có khả năng cảm động nhưng lại trình bày một cách lãng đãng, không gần cũng không xa, tạo ra cảm giác chập chờn về những gì ông muốn nói. Nếu chú ý về những cụm từ chạy gập ghềnh và hoa sắc trong những câu thơ, đó là phong cách văn bản của ông.
Thay vì băn khoăn một mình, tôi có định email hỏi ông đôi điều ngắn ngủi về sáng tác và về lối vào thế giới thơ riêng của Đoàn Minh Đạo.

Ngu Yên:
Anh Đoàn Minh Đạo, anh có thể cho chúng tôi biết đôi điều về cách sáng tác riêng của anh, điều gì đã khiến anh chọn một loại ngôn ngữ thơ, mang sắc thái khác thường như vậy? Đây là một thử nghiệm? hoặc chủ trương? hoặc một quan niệm về ngôn ngữ thơ? Nói một cách khác, ý thức về ngôn ngữ thơ của anh là gì?

Đoàn Minh Đạo:
Cám ơn anh Ngu Yên, anh là người đầu tiên mà tôi nhận trả lời chuyện thơ văn. Vì tôi không tự coi mình là nhà thơ, dù trước đây tôi có làm thơ và chỉ giữ riêng cho mình. Với tôi giờ đây  được rãnh rỗi, cái thói quen ngày cắm đầu vào chữ từ tám đến mười tiếng đồng hồ không lành mạnh lắm, mỗi giờ phải ngưng để múa may thể  dục chút đỉnh. Vậy thì dù tôi không vịn câu thơ mà đứng dậy, nhưng quả thơ là cây gậy chống đột quỵ và tai biến của tôi lúc này. Để trả lời thẳng vào câu hỏi của anh là không cố ý mà tôi tự nhiên dùng “một loại ngôn ngữ thơ, mang sắc thái khác thường” theo ý anh!  Đời ta sống, cảm nhận và nhất là tư duy bằng ngôn ngữ (S.I. Hayakawa), vậy ngôn ngữ có nhất thiết chỉ là tiếng nói tương giao thường ngày hay hiện đại thôi không ? Khi thơ là ngôn ngữ về chính ngôn ngữ, tiếng nói của tiếng nói, cảm nhận trong thơ là “đa trạng” như đời sống, có nghiã trong một ngày cùng lúc chúng ta sống với ngôn ngữ của gia đình, của sở làm, của học đường, của thị trường, đường phố,…  ngôn ngữ văn học của Homer, Shakespeare, Nguyễn Du, Rumi, Goethe..hay Stevens, Hass, Walcott, Levine, Basho, Tô Đông Pha, Bắc Đảo, hay Bùi Giáng…..từ cổ đại đến hiện đại, từ Tây sang Đông thế thì mọi thứ ngôn ngữ cùng vang trong ta ở đây và lúc này. Cũng như ngôn ngữ Cung oán Nguyễn Gia Thiều vang lên trong cú phone của chúng ta tối qua! Do đó ngôn ngữ thơ tôi hình thành như một cố gắng cưu mang tiếng vang vọng đồng bộ giọng nói ấy trong mình.
Đoạn thơ anh đưa ra trên trong bài thơ cảm nhận về thời gian như nỗi khắc khoải muôn đời của con người ai cũng có lúc đối diện. Chúng ta tư duy về thời gian theo Heraclitus, St. Augustine, Bergson hay Heidegger, hoặc Einstein hay Hawking… có đôi lúc ta lắng theo thời gian Đông phương qua mùa tiết như  Xuân sinh Hạ trưởng Thu liễm Đông tàng.. riêng đoan thơ anh nêu trên nó vang trong nhịp tinh thần sách Giảng Viên Ecclesiastes như những biến đổi của đời sống mà anh đã biết, và tôi đưa vào đó chút sắc thái tình nghĩa gần gũi với ta. Xin cho phép tôi khỏi phải giải thích thêm về thơ mình.
Tôi rất thú vị với nhận định và cách nắm bắt của anh khi đi vào thơ của một người qua câu hỏi về ngôn ngữ thơ mà người đó sử dụng. Mark Strand Thi sĩ Công huân Hoa Kỳ 1990 khi nhận định về tính đặc thù của ngôn ngữ  thơ, theo ông dù cho đó là từ ngữ  bình thường qua bài thơ  nó cũng đã biến thành xa lạ. Trong bài thơ mọi từ đều quan trọng ngang nhau nó hiện hữu trong tiêu điểm tuyệt đối và có sức nặng hiếm khi đạt được trong tiểu thuyết. Từ ngữ trong tiểu thuyết phụ thuộc vào phần lớn hành động và xây dựng nhân vật để thúc đẩy cốt truyện diễn tiến. Trong bài thơ ngôn ngữ chính là hành động. Do vậy vì sao mà bài thơ kiến lập tức thời dù chỉ  mới trong  một đôi dòng mà người đọc kinh nghiệm có thể chỉ ra ngay liệu bài thơ mình đọc có đạt được mức lão luyện nào hay không  (That is why poems establish themselves right away - in a line or two – and why experienced readers of poetry can tell immediately if the poem they are reading possesses any authority).

Ngu Yên:
"....thơ là cây gậy chống đột quỵ và tai biến của tôi lúc này", lời nói này cho thấy anh đã nhận thơ là một phần đời còn lại. Liệu anh có nhận người đọc thơ như nhận thơ? Tôi hỏi câu này vì thơ của anh không dễ đọc. Thứ nhất, anh dụng ý rất nhiều trong từng câu. Có khi chen lấn những tư tưởng triết học, những nhân sinh quan Đông Tây; có khi lại ẩn dụ những sự tích, những câu chuyện "túi khôn nhân loại". Thứ hai, những câu thơ của anh không có tính liên tục, ít khi giải thích lẫn nhau. Kể cả khi nói đến những tình cảm thuần túy. Với hai điểm then chốt này, khiến cho người đọc mang cảm giác lạc lõng ngay khi đọc vài câu thơ đầu. Hơn nữa, đa số bài thơ của anh có khuynh hướng dài, nghĩa là quá khổ bình thường của thơ Việt, đã quen thuộc. Điều này càng khiến cho người đọc ngán ngẩm. Phải là một người yêu thơ mang cá tính tìm tòi đất lạ, du thám những nơi hiểm hóc, mới đọc thơ anh toàn bài, toàn tập. Tôi tin anh cũng dư biết điều đó.
Có lối đi nào dẫn vào cõi thơ của anh dễ dàng không? Hỏi một cách kỹ thuật hơn, Khi bài thơ đã hoàn tất và anh đã chọn để đưa đến người đọc, thông thường anh xây dựng bài thơ ra sao? Nếu một người đọc muốn thưởng ngoạn bài thơ của anh, nên bắt đầu từ đâu? Hoặc nên đọc thế nào? Anh nói trước, rồi tôi sẽ kể cho anh và độc giả, cách tôi đọc thơ của anh.

Đoàn Minh Đạo:
Nếu tôi nói mình làm thơ và không cần ai hiểu và cảm thông là nói dối và mâu thuẫn! Tôi chỉ tự giới hạn mình trong nhu cầu cảm thông ấy; nếu được vài người đọc và chấp nhận mình với sự rộng lượng cũng là quá đủ và may mắn. Ai chẳng muốn mọi người hiểu mình, thích mình, làm sao có được ? Nhưng nếu ta thử nghĩ trong tình yêu, khi chỉ có một người yêu ta thôi mà sao ta nhìn quanh thấy cứ như cả nhân loại yêu ta ! Vậy một cũng là quá đủ phải không ?  Như trên tôi xin miễn phải giải thích về thơ mình, thực tình có gì để giải thích. Còn đọc thơ thế nào là tùy người, tuy cũng có thể đưa ra vài cách đọc, nhưng tựu trung theo tôi cũng như nhiều người thì đọc thơ cần chậm rãi, không vội để có thể nắm bắt cảm nhận được ngôn ngữ. Nói vậy làm khó mình vì cũng lại ông Thi sĩ Công huân Mark Strand trên kia nhận xét trong thời buổi của fast food người ta nhai nuốt ngồm ngoàm mười giây một miếng thì làm sao tiêu thụ chậm lại được ngay cả với thơ hở trời ?
Anh hỏi tôi lối dẫn vào thơ thì tôi có thể thưa anh là mỗi người có cách và con đường của mình tôi không dám lạm bàn. Khi thói quen sử dụng ngôn ngữ qua nghĩa ngữ đã phủ lên hầu như mọi dụng công của nó thì thơ lại thõng tay vào chốn nhân gian này bằng cái mơ hồ của ẩn dụ, cái hàm hồ của nghĩa lý, cái lãng đãng phù phiếm nếu có thể nói vậy vì thơ cũng bất lực trước đứa trẻ đói như “Buồn nôn” của ông Sartre thôi. Nếu thơ dùng ngôn ngữ như một người dùng văn écrivant thì mọi chuyện đã đơn giản hơn nhiều, nhà thơ ở đây cũng giống nhà văn vì theo Roland Barthes trong khi người dùng văn tin rằng ngôn ngữ mình chấm dứt mọi mơ hồ, thiết lập một giải thích không thể đảo ngược, một thông tin không thể chối cãi thì trái lại nhà văn écrivain  hiểu rõ ngôn từ  tự nội do lựa chọn cũng như công việc, khơi mở tính hàm hồ dù tưởng chừng không lưỡng lự, ngôn ngữ ấy lại phô ra mâu thuẫn như  một khoảng lặng im ghê gớm khi giải đoán, vì vậy chẳng còn di ngôn nào hơn là phát biểu sâu sắc sau đây của Jacques Rigaut: Ngay cả khi tôi xác quyết, thì tôi vẫn còn tra vấn.(… alors que pour l'écrivain, on l'a vu, c'est tout le contraire : il sait bien que sa parole, intransitive par choix et par labeur, inaugure une ambiguïté, même si elle se donne pour péremptoire, qu'elle s'offre paradoxalement comme un silence monumental à déchiffrer, qu'elle ne peut avoir d'autre devise que le mot profond de Jacques Rigaut : Et même quand j'affirme, j'interroge encore." Roland Barthes, Essais critiques, « Ecrivains et écrivants ». 1960).
Theo tôi nghĩ không gì bằng tập thói quen đọc thơ mỗi ngày một chút dần dà cùng với tìm hiểu thêm ta sẽ nhận được những hân thưởng (enjoyments) mà thi ca sẽ cho ta. Joel Conarroe tác giả của  Six American Poets: An Anthology kể khi ở đại học một ông thầy khuyên sinh viên trong lớp là làm sao mỗi người hàng ngày cố gắng đọc một bài thơ, thậm chí vài dòng cũng được, và nếu giữ được luôn chắc cuộc đời chúng ta sẽ khác lắm. Do đó nếu đọc một bài thơ không cảm và chẳng hiểu và bạn không đủ kiên nhẫn với nó thì bỏ qua đi, vì nó không hiểu ta hoặc ta chưa cảm được nó. Đọc thơ mà thích ngay là một cái thú, còn giang hồ bao năm với thi ca, mà tự nhiên “phải lòng” một bài thơ thì bài thơ ấy phải đặc biệt lắm; chắc không có bài thơ của họ Đoàn này rồi. Rất cám ơn nhận xét và ghi nhận của anh. Thơ tôi không có gì rắc rối lắm đâu, nó như những mảnh sứ vỡ tôi gom lại và kết dính thành một bức tranh tường tòa nhà; có thể anh thấy thiếu liền lạc có tính mosaic  nhưng nhìn đại thể có chủ đ. Như khi tôi đọc:
Quả cau nho nhỏ,
Cái vỏ vân vân
Nay anh học gần,
Mai anh học xa

Mấy câu rao nam này có vẻ không liền lạc lắm, nhưng nó đẹp và ta cảm thấy như một Intro cho đoạn sau vô cùng hóm hỉnh phải không anh?

Anh lấy em từ thuở mười ba
Đến năm mười tám em đà năm con
Ra đường thiếp hãy còn son
Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng.

Vui thôi mà!

Ngu Yên:
Qua hai câu trả lời của anh, tôi nhận ra, anh rất khẳng định thơ khác với văn. Đã là người đọc, hầu như ai cũng đồng ý sự khác biệt này. Tuy nhiên cái khác biệt giữa văn và thơ là cái gì? Có phải là cái mà người đời gọi là "thi vị"; nói nôm na là "mùi thơ", nói kỹ thuật là "bản sắc thơ"? Nếu tôi hỏi anh, "mùi thơ" riêng hoặc "bản sắc " riêng của thơ anh là gì? Anh có thể giúp tôi tìm hiểu sâu đậm hơn không? Đừng ngại nói về thơ của mình, không ai có thể biết thơ rõ hơn tác giả. Nói về thơ mình không phải để khoe khoang mà để chia xẻ cùng những ai yêu mến thi ca, muốn tìm hiểu thơ anh. Trong tinh thần đó, hãy nói về thơ của Đoàn Minh Đạo, giúp cho ít nhất một người, là tôi, hiểu thêm thơ anh.

Đoàn Minh Đạo:
Chắc là anh không bắt tôi giải thích thơ mình đâu. Vì trước hết tôi không có khả năng đó, còn giả dụ như nếu có thì sau khi mày mò minh chứng , biện minh cho ý nghĩa nào đó của bài thơ mình viết sẽ không khỏi có bạn đọc bỉu môi cho là khéo vẽ chuyện, lại áo thụng tự vái mình nữa thì hỏng to! Ấy là chưa kể nhiều cái cung cách giới thiệu thơ hiện nay ta đọc có cảm tưởng lạc lõng hoặc rối rắm vì chẳng nói gì về bài thơ mà chỉ là xưng tụng nhau như anh thấy chẳng lợi ích gì. Cho nên bản thân tôi thích tìm đọc những biên khảo thơ có tính giáo khoa hoặc kinh điển hơn, để học hỏi sử dụng như một công cụ giúp mình tìm vạch cho mình một lối đi trong đường rừng văn học. Ngoài ra có những biên khảo thơ nhằm mục tiêu khác như khi Heidegger minh giải thơ Hölderlin hoặc Roman Jakobson cùng Claude Lévi-Strauss phân giải Les Chats của Baudelaire chẳng hạn; đó là cái nhìn triết học hoặc thi học có thể giúp số người chuyên môn, nhưng lại làm hoang mang người đọc thơ bình thường, chẳng lẽ mỗi bài thơ lại kết cấu, hàm ngụ ly kỳ đến thế sao? Nếu chưa cần, tôi nghĩ mình khoan đọc Elucidations of Hölderlin’s Poetry (Minh giải thi ca của Hölderlin) của Heidegger mà chọn đọc How to Read and Why (Đọc thế nào và tại sao) của Harold Bloom vì trong đây tác giả trình bày cách đọc qua những kinh nghiệm cụ thể của ông với một số sáng tác phẩm văn học giá trị cống hiến ta một mẫu mực đọc nghiêm túc.

Trong sáng tác tôi nghĩ nhà thơ thưởng rải ngôn ngữ mình ra như những viên sỏi đánh dấu đường đi, những sự kiện, những cảnh quan, những diễn biến… đây tiếng sáo diều của quá khứ, nọ cơn giao động của địa chấn, kia những bức tranh vẽ graffiti, và  này hương thảo rosemary ngày qua … một lối mòn mời gọi ta về quá khứ, đưa ta dồn dập vào bão lửa chiến tranh , cứ vậy đi mãi cho đến khi cùng đường trở về lại ngôi nhà của ngữ điệu gom lại hành trình ấy, những viên sỏi ấy, ngôn ngữ ấy là dấu vết nói theo René Char, nó mang cái riêng tư, cái làm cho ngôn từ ấy thành thơ như dấu vết sau cuộc ma sát của băng hà để lại bên sườn núi, dấu vết chứ không là vật chứng “Một nhà thơ phải để lại những dấu vết trên lối mình qua, chứ không phải là chứng cứ. Chỉ có dấu vết mới tạo được mộng mơ.” (Un poète doit laisser des traces de son passage, non des preuves. Seules les traces font rêver. René Char.) Vây đâu là vết đâu là chứng cứ, điều này là câu hỏi ám ảnh người làm thơ:

Cánh cửa mở toang sự sống
Bước chân nào qua ngưỡng nhân sinh
Tình yêu là bờ tường mênh mông ảo hóa
Đất đá trong ta một niềm thô phác
Thấm mộc mạc ngãi trầm
Ngưỡng mộ em nữ thần tư tế
Ai đã đóng lại khu vườn ngôi đền năm đó
Đầy dấu bay trên tường và cửa sổ trên cao
Em vút lên như cánh chim mầu nhiệm
Qua hết rừng Xuân lũng suối
Dung nhan lấp từng khoảnh khắc
Bất chợt lòng tím ngát ngàn mây
Những trưa ngày mênh mông
Khi mặt trời đứng trên thiên đỉnh
Con chim lửa băng giông tố điên cuồng
Trở về tìm nơi an trú
   (Trích Là Cuộc Viếng Thăm.)

Làm sao đuổi theo được con hỏa điểu thần thoại này, ngôn ngữ thơ che dấu hay xóa đi như đường bay và khi bắt được cánh chim thì đường bay cũng mất! Vây nói theo như Umberto Eco văn bản phải khơi mở cho người đọc nhiều ý nghĩa khác biệt. Trong khi đi tìm ý nghiã của văn bản ta đồng thời nhận ra tính đa dạng, mông lung của nó ngoài ý nghĩa mà tác giả mong muốn đặt định, điều này làm văn bản luôn sống động và phong phú. Đối với ông một văn bản sáng tạo như cái chai trôi dạt trên mặt biển được tác giả tung vào không gian đọc. Trong một văn bản sáng tạo như tiều thuyết hay thi ca nhà văn kiếm cách  nào để nói lên tính chất bất trắc của đời sống vậy (Un texte créatif est comme « une bouteille à la mer » que l'écrivain jette dans l'espace de la lecture. Dans un texte créatif, comme un roman ou un poème, l'écrivain cherche à « représenter la vie dans son inconsistance ». Umberto Eco et l'art de la création littéraire).Vậy thưa anh, tôi nghĩ sách vở và trường học đã cho ta những kiến thức cơ bản có công năng giúp ta mở ra những chân trời mới riêng tư của mình khi đọc văn bản, trước cái lung linh biến ảo của sáng tạo thì đâu là cách hiểu đúng? Trước cái mênh mông đa dạng đó ai dám cả quyết mình đã nắm được sự thật thưa anh Ngu Yên? Dù chỉ là sự thật của một văn bản ?  Đáng lý ra nếu phải giải thích một bài thơ thì không gì hay hơn như thi sĩ Bùi Giáng là hãy làm một bài thơ khác, cũng đúng thôi mà !

Ngu Yên:
Thật ra, đây không phải là bài phỏng vấn, chỉ là một cuộc chuyện trò, trao đổi ngắn qua emails, sau khi tôi đọc tập thơ của nhà thơ Đoàn Minh Đạo. Tôi tạm dừng cuộc trao đổi "thi vấn" này ở câu hỏi cuối cùng: Xin anh giải thích tựa đề Trầm Tích Biển?

Đoàn Minh Đạo:
Thưa anh giản dị thôi vì đó là tên một bài thơ trong tập. Trong lúc tôi đang chuẩn bị cho in tập thơ thì lại trùng vào dịp kỷ niệm 40 năm biến cố 30 tháng Tư. Một trong những hệ lụy của sự kiện này là cuộc vượt thoát tìm tự do lớn lao và bi tráng nhất trong lịch sử dân tộc. Như anh thấy bìa tập thơ là bức tranh Vượt thoát của nữ họa sĩ Ann Phong cùng triển lãm ở Little Saigon trong dịp này, chị đồng ý cho tôi dùng ảnh làm bìa sách. Ngoài sự mến mộ đối với tài năng của họa sĩ Ann Phong thì tình cờ tôi cũng chia sẻ trong thơ tôi hai thông điệp lớn trong hội họa của chị là tôn vinh Tự Do và bảo vệ môi trường sống. Hiện nay thời gian cũng tạm đủ để mọi tình cảm và suy tư của chúng ta lắng xuống như những trầm tích của biển; trong tâm cảm này chúng ta cần trả về cho lịch sử diệm mạo chân thực của nó để vững lòng bước tới không mặc cảm vì một tương lai tốt đẹp của dân tộc. Cám ơn anh về cuộc trao đổi này.

Xin cảm ơn anh Đoàn Minh Đạo đã đưa tôi thăm viếng quanh lề cõi thơ Trầm Tích Biển. Những người bắn cung giỏi nhất trong lịch sử nhân loại đều có thể bắn trúng hồng tâm và tim người khác nhưng chưa hề có ai tự bắn trúng tim của mình. Ngược lại, người làm thơ, phải bắn tim mình trước khi làm tim người khác chảy máu. Điều này không có gì bí mật nhưng khó làm. Vì vậy, một trong những cách đọc thơ là tìm đến những giây phút thi sĩ tự bắn trái tim mình để chia xẻ những ý tưởng và cảm xúc của tác giả. Nếu chia xẻ được tâm trí của thi sĩ trong một bài thơ, tức là trái tim người đọc trở thành hồng tâm bị bắn trúng. Tôi tìm đến đọc thơ qua căn bản trúng tim.
Thơ có thơ khó hiểu, thơ dễ hiểu, thơ khó cảm và thơ dễ cảm. Không hẳn lúc nào những cặp thơ này cũng đi chung với nhau nhưng thông thường phải hiểu rồi mới có thể cảm được. Gặp bài thơ khó, chẳng những phải đọc nhiều lần và mỗi lần đọc nên từ tốn và yên tĩnh. Thật ra, không cần phải hiểu toàn vẹn bài thơ vì có những chi tiết, những đoạn thơ mang nhiều ẩn ngữ hoặc tứ thơ ẩn dụ, khó chiết giải. Dễ hiểu nhất là đọc "hình ảnh" trong câu thơ và "hình ảnh" phối trí của bài thơ. Hình ảnh dễ thấy dù tưởng tượng, hơn là ý tưởng vô hình. Hình ảnh dễ gây xúc động trực tiếp hơn là chữ nghĩa. Dễ cảm nhất là lắng nghe tiếng nói của thi sĩ nói với họ, không phải nói với người khác. Tự nói với mình bao giờ cũng thành thật hơn; khi có niềm đau, sẽ cảm động hơn; khi có nỗi niềm sẽ sâu sắc hơn.
Đừng nhắc nữa màu quỳnh nở rực lan can mùa Hạ
Đừng đợi nhau dưới mái hiên mưa
Đừng cất vang âm điệu xưa lời tình ca cũ
Đừng rở lại bài tình thơ một thủa thảo trang
Đừng hoang mang về tình yêu định mệnh
Đừng quên phong lữ thảo rợp đỏ lửa tình
Đừng xóa phấn tử đinh hương hoang dại bên đường
Khi yêu thương ta chỉ còn là nỗi nhớ.
            (Trích Trầm Tích Biển)
Và tôi đến với thơ Đoàn Minh Đạo trên lối đi này.

Ngu Yên 
Houston ngày 8 tháng 5 năm 2015.


No comments:

Post a Comment