Monday, July 13, 2015

HƠI THỞ LÀ CON BƯỚM TRẮNG TUNG TĂNG TRÊN CỎ...



Hoàng Ngọc-Tuấn & Phạm Công Thiện
               

Con bướm trắng

Trang sách

Hoàng Ngọc-Tuấn

Hoàng Ngọc Tuấn ghi lại một kỷ niệm với Phạm Công Thiện:

Phạm Công Thiện vừa nhẹ nhàng ra đi.*
Dường như anh đã biết trước lúc ra đi, và trong ngày cuối cùng của cuộc đời, anh dặn gia đình đừng làm tang lễ rườm rà, chỉ hoả thiêu. Chiều cùng ngày, anh cảm thấy mệt dần, rồi anh bắt đầu nhập định, và nhẹ nhàng ra đi...
Mười sáu năm trước, vào mùa hè năm 1995, trong một quán cà-phê nhỏ ở Glebe, gần trung tâm thành phố Sydney, có lần anh nói với tôi rằng những chữ luôn chập chờn như cánh bướm trong ý nghĩ anh là “nhẹ nhàng”, “im lặng”, “hơi thở”... Anh nói năm 1985 anh đã viết ra điều đó trong truyện ngắn “Khi chiều tới gió reo trên lá rừng phong”, một thứ tự truyện, với đoạn mở đầu: “Bình thản, bình tĩnh, thanh thản, thanh bình, yên lặng, trầm tĩnh, trầm lặng, dịu dàng, nhẹ nhàng, ông tự lặp đi lặp lại trong đầu và tìm cho ra hết tất cả những chữ đồng nghĩa với chữ ‘Ruhe’, xe lửa bắt đầu chạy chậm lại và ông nói thầm: ‘Trên tất cả đỉnh cao...’“

Mùa hè năm 1995, tôi thường xuyên đi uống cà-phê với Phạm Công Thiện. Gần như ngày nào anh cũng gọi điện thoại rủ tôi đi Glebe. Tôi lái xe từ Yagoona đến vùng đồi Earlwood để đón anh. Từ hiên nhà anh nhìn xuống đồi, tôi thấy một dòng sông nhỏ yên lặng chảy qua. Tôi nói: “Chỗ ở này rất tuyệt cho một nhà thơ.” Anh nói: “Thực ra nhà thơ ở chỗ nào thì cũng tuyệt, nếu có một dòng sông nhẹ nhàng chảy bên trong...”
Một hôm đi uống cà-phê với anh, tôi mang theo cuốn Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất của anh. Giở sách ra, tôi tình cờ đọc chương 31. Đọc xong, tôi nói: “Chương này tuyệt đẹp. Thích nhất là câu cuối: ‘Hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ...’“
Tôi đưa cuốn sách cho Phạm Công Thiện. Anh nói: “Chương này có thể đứng một mình như một tuỳ bút. Lấy câu ‘hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ...’ làm cái nhan đề...”
Nói xong, anh lấy cây bút ghi ngay lên khoảng giấy trắng trên đầu chương sách: hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ... Rồi anh ký tên Phạm Công Thiện, Glebe, 1995.
Bây giờ anh đã nhẹ nhàng ra đi. Tôi vẫn thỉnh thoảng đến Glebe uống cà-phê, đọc sách. Tôi sẽ không còn bao giờ gặp lại anh lần nữa, nhưng từ quán cà-phê tôi sẽ dõi mắt nhìn ra thảm cỏ. Biết đâu, một hôm nào đó, tôi sẽ bất ngờ trông thấy một con bướm trắng tung tăng trên cỏ...

Hoàng Ngọc-Tuấn
Sydney, 10/3/2011

*Phạm Công Thiện mất ngày 8 tháng 3 năm 2011 tại Houston, Texas.


Hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ...


Phạm Công Thiện

Tác phẩm ĐCHMĐHVTMĐ

Phạm Công Thiện viết trong một chương của cuốn Đi Cho Hết Một D$êm Hoang Vu Trên Mặt Đất:

Mỗi lúc quên hết sáng tác và sáng tạo thì sáng tác và sáng tạo lại hiện đến. Không cần tìm cảm hứng thì lúc nào cảm hứng cũng xuất hiện, mỗi lúc quên mình và viết và vẽ và sống. Càng sáng tác thì càng xa lìa đời sống thường nhật, nhưng đó chỉ là giai đoạn đầu. Càng tiếp tục đi sâu vào chu kỳ bí ẩn của sáng tạo thì lại càng trở về khám phá lại đời sống thường nhật, càng yêu đời, tha thiết với cuộc đời tầm thường, tha thiết với cái chết tầm thường, ngay đến tất cả lo âu sợ hãi cũng trở thành thơ mộng cần thiết. Những cử chỉ nhỏ nhặt nhất của đời sống mỗi ngày biến chuyển thành ra phép lạ tuyệt vời. Thực ra, chỉ là gọi ép, chứ không có gì là sáng tác, sáng tạo hay cảm hứng. Mình không bao giờ là tác giả; mình chỉ thụ động mở lòng ra phơi phới để đón nhận những quà tặng của thần linh; thần linh có hay không có, chẳng đáng bận tâm.Thần linh là tất cả những gì xa lạ, vượt qua mình; những gì vượt qua mình và không phải thuộc về mình mới đích thực là mình. Càng cố gắng giữ lại thì càng mất; càng muốn đi tới một cái gì thì càng không tới cái gì cả. Càng chán đời thì càng yêu đời; càng yêu đời thì càng cảm tạ cuộc đời và cảm tạ nỗi chết. Mỗi lần tâm thức được chuyển hoá trọn vẹn thì tất cả nghịch cảnh khó khăn nhất đều là thuận cảnh đầy thần linh di động. Nó đang mở lòng phơi phới với gió, chim, đất, trời, chiêm bao và thực tại. Tất cả mọi sự đều có ý nghĩa, nếu mình không còn muốn gì nữa. Chỉ một ý tưởng thoáng qua cũng đủ đóng khép lại cả một thế giới, và một thế giới khác được mở ra huy hoàng với một ý tưởng sáng rực. Phải thường trực lưu ý rằng tâm thức mình trống trải và trống rỗng, vừa trống rỗng vừa sáng rực. Sự rực ngời của tâm thức là điều không thể tránh được; trong đêm tối hoang vu nhất của đời người vẫn rực sáng tâm thức bất động, tâm thức thuỷ tinh, tâm thức lưu ly. Tâm thức không là cái gì cả; đó là sức mạnh khủng khiếp của tâm thức. Tâm thức là hư vô mà không phải hư vô, hư không mà không phải hư không. Những lúc mình mất đất đứng và mất hết tất cả thì hư vô lộng hành. Sống với hư vô là điều kiện tối thiểu để chợt nhận ra rằng tất cả mọi sự đều thơ mộng và cần thiết. Chỗ đi tới của cuộc hành trình vô tận là mỗi bước chân; chuẩn bị lên đường là đã lên đường; chưa lên đường là đã lên đường. Phát bồ đề tâm là đã thực hiện bồ đề tâm. Thực sự muốn thành Phật thì tức nhiên đã thành Phật rồi; trong đời sống, rất ít ai thực sự muốn cho đúng nghĩa. Chỉ thực sự muốn cho đúng nghĩa là lúc nào tâm thức hoàn toàn trống rỗng và rực sáng; lúc ấy, đạt tới ý muốn hay không đạt được ý muốn bỗng trở thành phù phiếm, vì chính tâm thức cũng là phù phiếm, mộng, huyễn, dương diệm, ảnh, hoá... Bầy quạ đen bay vụt từ tâm thức. Tâm thức là hơi thở di động; hư vô đang thở trên trang giấy. Nó ngồi viết, không cố gắng, không mục đích, không ý nghĩa. Nó không đi tìm hạnh phúc. Nó đang ngồi thở thanh bình, thở im lặng, thở gió, thở trái đất. Hơi thở không thuộc về ai cả. Hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ...
PCT
(Nguồn: Tiền Vệ)

No comments:

Post a Comment