Friday, July 10, 2015

NGUYỄN QUANG HIỆN, NHÂN DANH MỘT NGƯỜI LÀM THƠ…



nguyễn thỊ khánh minh


Tác phẩm của Nguyễn Quang Hiện

Trong tập thơ Sài Gòn Nơi Tôi Đã Vui Chơi Và Nhỏ Lệ*, trang 31, bài thơ “Gửi Nhà Văn John Steinbeck”, tôi đọc được những câu thơ khiến tôi phải ghi chú, nhủ lòng, chắc mình sẽ viết được gì đó về nhà thơ -mà mình đã thích từ hồi sinh viên- này,

… nhân danh tôi
một thanh niên Việt Nam bình thường
một người làm thơ
cho quê hương cho tình yêu cho cuộc đời
chào mừng ông, John Steinbeck…

Tôi chỉ muốn biết, nhân danh một chàng thanh niên Việt Nam, và nhất là nhân danh một người làm thơ, ngoài việc chào một nhà văn Mỹ nổi tiếng đến Việt Nam, xa hơn, nhà thơ Nguyễn Quang Hiện đã nhân danh tước-hiệu đẹp đẽ muôn đời ấy, nói gì về Quê Hương Tình Yêu Cuộc Đời?
Nội việc xếp phạm trù Tình Yêu ở giữa Quê Hương và Cuộc Đời trong câu thơ trên đã khiến tôi trực cảm, người làm thơ gắn bó cảm xúc vào hiện thực cuộc sống với cả ý nghĩa tâm linh của nó.
Và tôi cũng vào thơ Nguyễn Quang Hiện với trình tự tâm linh ấy, Quê Hương -Tình Yêu -Cuộc Đời, theo bàn tay chỉ đường rất cô đơn này.

NHÂN DANH MỘT NGƯỜI LÀM THƠ CHO QUÊ HƯƠNG

Tập thơ tôi có, là do nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, biết tôi thích thơ Nguyễn Quang Hiện (NQH), nên đã gửi cho. Hầu hết được tác giả viết trước 1975. Có Một Thời của báo Văn, rất được hâm mộ bởi giới trí thức, và lứa sinh viên trẻ trung vừa bước vào ngưỡng cửa đại học đang hồi ham chơi ham học như tôi. Nên cũng chẳng lạ, những nhà thơ, nhà văn, họa sĩ nào xuất hiện trên báo ấy thì không ít, được chúng tôi tán thưởng và kiêu hãnh đọc, tác giả NQH là một trong số ấy. Xin mở ngoặc, thời NQH viết, tôi chỉ mới ở tuổi thiếu niên, khi tôi ngồi chép bài thơ Đêm của NQH, tóc tôi dài thanh xuân. Lúc này đang ngồi gõ những chữ theo cảm xúc thơ NQH, tóc tôi đã chiều phai. Có lẽ được nuôi dưỡng dài thế, mà giờ rung động chín muồi, theo hồi ức thanh xuân của một người thơ, thời Sài Gòn của nửa thế kỷ trước. Ôi Sài Gòn cũng là bầu trời thiếu nữ của tôi…
Đêm, một bài thơ rất hiện đại, theo tôi hồi ấy, và cũng là bây giờ, nó mới mẻ vì toát ra được hơi thở xã hội thời đó, nó có nét phá cách ngang tàng buồn bã của tuổi trẻ bấy giờ, một tuổi trẻ vội vàng trong một xã hội gần như bị trộn lẫn mọi giá trị, khuôn thước cũ, trước cơn lốc chiến tranh đang từng ngày vây hãm đô thị, một tuổi trẻ không thể có một hoạch định lâu dài về ngày mai, nên ở họ, cái gì cũng tức-thì, yêu tức thì sống tức thì mơ ước tức thì, và tất cả gói trong một tiếng thở dài, trong sự chờ đợi không dừng, đó là không khí thơ NQH. Người thơ hoài vọng gì trong quê hương nghìn mảnh ấy, mà khiến tôi thấy như ông đang muốn trốn chạy và ngơ ngác giữa những bức tường trống hoác (kể cả niềm tin và sách vở).

em có cách nào với lấy bầu trời
bằng cánh tay ngắn ngủi
của cách mạng và những người nằm nghỉ mãi
kẻ phản bội và người anh hùng có lời giã từ:
chúng ta đã sống và đã chết
những ý nghĩ trong đầu thật vô ích
em ơi chúng ta có hai bàn tay chấm nhau
sự sống thì tan rã từng mảnh đất sợi cỏ.
(Ý Nghĩ Lúc Buổi Sáng, tr.11)

Một ngày của người dân đô thị, đã sống và đã chết, đó là một thứ hội chứng của chiến tranh. Vào cái thời chúng tôi vừa lớn lên được ngồi yên ả dưới mái trường, nhìn những người anh, người cha của mình ra chiến trận, bỏ thân ngoài chiến trường, với tâm trạng của một tuổi trẻ bứt phá, phản ứng lại những thế lực vô lý đang cuốn quê hương vào khói lửa, và có phải, cái ngã xuống ngoài trận địa nó cũng thảm bằng hơi thở hủy diệt từng phút giây trong cảnh thúc thủ của kẻ ở hậu phương, khi ý thức ra những cái chết như những ô gạch vuông hè phố?

… cho nhau những phút giây tiếc nuối
cho nhau con đường về các người vô tư
cho nhau nỗi chết trong quầng mắt…
(Cho Nhau, tr.53)

… các nẻo đường chật những gươm đao
người mẹ khóc con về bình yên
bước lầm lũi vào ban đêm phủ kín…

… thôi đã đủ những lời ca ngợi sự phi thường
những người ấy đã chết
như những ô gạch vuông hè phố…
(Thành Phố Hồi Sinh, tr.45)

bây giờ tôi đang nhìn qua cửa sổ
bầy lá non tự hỏi các anh đã về với lời hoan hô
lúc bấy giờ tôi còn mấy trang sách
những lúc ấy đang ôn lại quá khứ huy hoàng
phút giây sau cùng của cuộc đời bi thảm
vừa thanh thoát
họ cởi hết quần áo la to:
tôi là kẻ sống trần tục
cần tín ngưỡng và cần nước uống
các con cháu hô theo:
chúng tôi đều ham sống

lúc bấy giờ tôi thấy các học trò làm bài,
những ý nghĩ của chúng rất đơn giản
như tiếng động cơ xe cộ băng qua rồi lịm dần
(Ý Nghĩ Lúc Buổi Sáng, đoạn 3, tr.12)

Buổi sáng mà sao không khí u uất quá của tiếng xao xác bầy lá non, của tiếng xe lịm dần…, thời gian sáng lên chiều đi đêm xuống cái kiểu theo như nhà thơ thấy,

sáng thứ năm đời sống tiếp diễn
cõi âm thanh đan nhau từng sợi cố gắng điều hòa…
sáng thứ năm tỉnh dậy bình lặng
con đường ấy đưa tới một bi hài kịch
tiếp nối từ ngày trước

Khí thơ và hình ảnh đẩy tôi liên tưởng, Việt Nam ngày ấy như một sân khấu, và vở kịch một hồi dài hai mươi mốt năm, từng hạt nước mắt, từng hạt máu, từng tiếng cười, chẳng qua chỉ là một vở bi hài kịch, diễn viên thảng thốt mình là con vật lạ. Bài thơ này, tôi thấy rõ nhất cái u buồn thất vọng và chán chường của không khí thời chiến, ăn ruỗng tâm trạng thanh niên bấy giờ. Đám rước những linh hồn tan rã của kẻ sống chăng?

sáng thứ năm anh giống như một con vật lạ
đi về phía đó bởi cơn giao động thời sự
người đã chết và người đang sống nét mặt như nhau
các chiến sĩ ơi, anh chết trên bàn tay thù địch
hay giữa vòng hoa tung hô
rồi thì bóng tối khép đều trên mặt đất.
(Đám Rước Sáng Thứ Năm, tr.13)

Trong loạt bài tạm xếp vào thơ cho Quê Hương, theo tôi tiêu biểu nhất là bài, Gửi Nhà Văn John Steinbeck, như tôi đã trích ở đoạn đầu. Bài thơ là một lên án kẻ gây ra chiến tranh, nói chung trên trái đất này, không riêng gì cuộc chiến Việt Nam, bởi đây cũng có thể là tiếng nói hôm nay của người dân Iraq, Syria, Lybia…, tiếng nói chung của nạn nhân những nước bé mọn,

… nơi sức mạnh quyết chiếm ưu thế
nơi thuốc nổ lửa đỏ
nước mắt máu mồ hôi và âm mưu đan nhau dầy đặc
nơi cũng đầy những bản anh hùng ca
giữa ánh sáng ban ngày hay trong bóng tối
tôi xin nói Việt Nam có nhiều sự thật
không thể hiểu
và lẽ phải
xin tìm khắp nơi trên giải đất này
tìm trong thành phố đông dân
hay nơi đồng lầy hoang vắng
có thể nó ở trong trận đánh sặc máu trong sâu
có thể nó ở trong buổi oanh kích
trại tập trung của địch
… có thể lẽ phải ở giữa chúng ta
nhưng không cùng nhau thấy được.

… hoan hô sự viếng thăm của John Steinbeck sang Việt Nam
dù như một khách du thừa thì giờ
đi ngắm các kỳ quan trên thế giới
tôi xin giới thiệu thêm một lần
Việt Nam là một kỳ quan
của chịu đựng khổ đau
và bất khuất
(Gửi Nhà Văn John Steinbeck, tr.30-34)

Súng đạn đã im hơi trên quê hương chúng ta bốn mươi năm, nhưng trong tâm hồn người Việt Nam vẫn sờ sờ vết sẹo, cào lên còn thốn. Một cuộc chiến mà cả hai bên dòng sông Bến Hải muốn đi tìm một lẽ phải và sự thật cho những hy sinh của chiến sĩ thì đều ngậm ngùi cười xót. Người sống thì vẫn phải tiếp tục sống, và phải trả một cái nợ lương tâm -cái chết nào cho quê hương cũng phải được ghi ơn-. Đó là Sự, Thật nhất. Lẽ, Phải nhất, vì nó thuộc về lương tâm, về tính thiện của con người. Và nếu bạn muốn tìm biết về xã hội và nếp sống, cùng suy nghĩ của tầng lớp thanh niên trí thức thời chiến, thì thơ NQH là một lời trung thực nói với bạn về họ, một thế hệ thanh niên đầy lý tưởng, biết phản kháng, và cũng không thiếu trữ tình, mơ mộng. Tất cả, những nét rất đẹp, rất buồn, rất mất mát của thế hệ này. Tập thơ có giá trị vì cảm xúc thơ được nuôi từ khoảnh khắc hiện thực cuộc sống và người đọc thấy được khung cảnh, cảm nghĩ của thời đại tác giả. Xin cảm ơn NQH đã viết, nhân danh người làm thơ cho quê hương…
Tôi còn muốn nhắc đến một bài thơ nữa ở đây, Sự Anh Hùng Của Những Người Đang Sống, nếu đúng như tôi cảm thấy là nó được viết trên bước chân của người tù vào trại tập trung, thì đó là hơi thở tiếp nối sau cuộc chiến, phải vậy không, thưa tác giả?

rất có thể chúng sẽ nhả đạn nhưng chúng ta không hề sợ… tim chúng ta cùng một nhịp, không khi nào mọi trái tim cùng ngừng đập… có phải hôm qua ấy từng đoàn người lạnh lùng bước vào cửa ngục, tiếng lời ca ấu thơ còn vẳng trong lòng…
Và vì, … lệ đã nhỏ vì tình thương yêu rộng lớn, nên họ còn niềm lạc quan để sống sót, tin Mùa Xuân Ngày Mai và Ánh Sáng (tr. 26-27), … người người nhìn nhau muốn nói / rồi ôm nhau khóc thiết tha / hoan hô ánh sáng ban ngày / chúng tôi đã nhìn thấy mặt nhau qua đêm dài tăm tối… (tr.49)

NHÂN DANH MỘT NGƯỜI LÀM THƠ CHO TÌNH YÊU,

Một lúc nào đó của hơn bốn mươi năm về trước, cô sinh viên Luật những năm 72, 73, là tôi đây, đã xao lãng học bài, ngồi chép bài thơ Đêm của NQH vào một tờ giấy màu hồng lấy tình cờ từ một bìa sách. Từ ấy, nhớ mãi cái hình ảnh ánh sao, ánh đèn như ánh mắt của cô gái đi về ngõ tối / cuộc đời chảy miên man qua mắt nàng bằng nhiều mầu rực rỡ..., thật không gì thanh xuân cho bằng tiếng cuộc đời rực rỡ chảy miên man qua ánh mắt!
Lồng vào không khí quá trữ tình của Đêm ấy là nhịp buồn và xa của bước chân anh trở về trên con đường thẫm, và như là họ xa nhau, vì trong nỗi tan tác của lá cây cứ dần lìa thân thể họ đã thành chim du mục bay đi ôm trái tim lửa đỏ (quê hương?), và hẹn hò, … bao giờ chúng ta trở lại nhỉ em hãy hát bài tình ca hôm qua… Hôm qua là hôm nào, là giấc mơ chăng. Nên Đêm vừa hiện thực vừa siêu thực. Nên Đêm tân kỳ. Đêm là hơi thở bấp bênh của cuộc sống tức-thì, cái gần nhất để nương tựa là tình yêu họ đang có, và họ hưởng thụ trong trạng thái như nó đã, đang mất đi. Chữ và hình ảnh của tình yêu quyện nhau tận lãng mạn, tận ngây thơ, tận cảm xúc, như lời nhạc của Lê Uyên Phương vậy.

… khi buổi tối lần mò trở lại mặt đường, mọi người đều mang nặng hơi thở giã từ…
… như thế rồi chúng ta sẽ đi tới đâu,
không ai hiểu, chỉ mình anh hiểu sự có mặt của những chiều im lặng…
(Đêm)

… anh phủ mặt em bằng một nhánh hoa
ngồi bên nói, em hãy mỉm cười
… anh phủ mặt em bằng một nụ hôn
ngồi bên nói, ôi em hãy khóc!
… anh phủ mặt em bằng bàn tay anh
ngồi bên nói rằng, em hãy ngủ
… anh phủ thân em bằng cả thân anh
ngồi bên nói. Chúng ta mất hết
(Thần Thoại, trang 10)

Và tận mất mát, phủ mặt em bằng chiếc khăn vuông… thì chàng vẫn tin tưởng vào điều đẹp đẽ nhất: Em. Mà chàng đã gọi là, đóa hoa của năng lực đời sống, … em ngủ giấc êm hay đầy mộng mị / cuộc sống đằng sau đằng trước trong như pha lê… (Thần Thoại, tr.9), lời thơ như hạt nước mắt trong veo mà tôi muốn nó rơi trên bàn tay mình để ngắm nghía trong lúc chiều đang hoe vệt nắng trên thềm. Cái đã đến chưa đi, cái đi rồi chưa biệt, một ý thơ của Nguyễn Lương Vỵ, tôi thầm thầm … tại sao trước một nỗi chia xa như thế làm mình thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn trong phút giây mình đang thở?

… tiếng kêu xót xa hạnh phúc tuyệt đỉnh
của con sói chết bên sườn núi tuyết
lúc ấy tôi đang uống cà phê
và hạt lệ nhỏ xuống ly thủy tinh trong…
(Ý Nghĩ Lúc Buổi Sáng, tr. 10)

Và, tận quên lãng, … anh tưởng mình đã chết đi rất nhiều thế kỷ / ru mình vào ngủ mắt long lanh…

Lẫn vào trong tin thời sự, tin oanh tạc tới xôn xao buổi chiều, một đứa trẻ trần truồng, Hemingway tự tử hay đùa rỡn với đời sống, … nó vẫn tốt đẹp và thảm thiết, nó bình thường và nhẵn nhụi như mặt cát sa mạc…, thì, người yêu hiện ra như thể, đóa hoa của năng lực đời sống (Tin Thời Sự, tr.74). Rất kết hình ảnh này, nó hóa giải bầu khí thảm của chiều thành phố. Không cần chi sâu xa tự vấn mãi như cô Chi trong Nỗi Nhớ Không Tên, cứ như chàng, tự nhiên hít thở từ năng lực của đời sống kia, thì rồi cuối cùng cô Chi cũng phải nhận một cách không e lệ, không thuộc vào triết lý định nghĩa phân tích này nọ: em yêu anh bởi vì chúng ta cùng trong suốt (Nỗi Nhớ Không Tên, tr.97), thế thôi, giản dị như thiên nhiên, tri thức thơm tiếng nói thô sơ,

… tháng Giêng trời sâu vào mầu xanh
reo mừng hoài tiếng nói hạnh phúc…
(Cuộc Từ Thiện Tháng Giêng, tr.15)

núi hôm qua xanh lơ
hôm nay anh trở lại: tìm em
… buổi chiều hoa dâng hương
anh trở lại đây rồi
hãy để cho anh được nói: yêu em
… hãy cho anh nhỏ lệ bây giờ
… và cúi xuống: hôn em
(Bài Hát Buổi Tối, tr.50)

tháng Chạp thoáng một cơn sốt nhẹ
đêm ấy tri thức thơm tiếng nói thô sơ
vực sâu tìm mãi bàn tay em…
(Nhịp Ba Tháng Chạp, tr. 17)

… tôi chiêm nghiệm về giới hạn thời gian
… khi sự say đắm cháy vào đôi môi hồng đỏ
… và sống một ngày từ 7 giờ sáng
cuộc đời thiên đàng của người yêu em
(Thánh Chiến, tr.19)

A, gọi thánh chiến, vì chàng đang là tín đồ tìm vào đạo sống, nơi đó, chàng chiêm nghiệm khuôn mặt em, niềm đau khổ và hạnh phúc… (tr.18). Tôi thấy muốn cãi với nhân vật của NQH, tại sao cứ lý luận để đặt tên cho cảm xúc như cô Chi trước một nụ hôn, như tôi vật nhau với trí não trong cánh đồng lầy (tr.19), sao không đơn sơ đi theo tiếng bước chân đi tìm lời tình ca (tr.23)? Và nếu có một dạ vũ như vầy, tôi sẽ ngồi viết tay những thiệp mời,

… tôi phong vương cho tình yêu và bạn bè thân hữu
sau đó là một cuộc hội khỏa thân, chúng ta trút hết hóa trang của trí tuệ bịa đặt, sắm vai kẻ tình si ngây thơ nâng ly rượu ngọt hội hè ngửa cổ uống từng chén đam mê…
(Chiến Trận Tháng Giêng, tr.35)

Tôi cảm như tác giả cũng đã, đang, ở giữa trận chiến với lớp hóa trang trí tuệ bịa đặt, và kẻ gục ngã lại được xem là tử đạo, thì ngẫm ra ông cũng ghét cái vỏ bọc ngục tù ấy.

… tôi xưng tụng tôi những lúc hé mặt trời được ân sủng là đã sống dù sống lắc lư như cây cỏ được nhỏ một hạt lệ đêm nào cho ái tình mà khổ đau hay hoan lạc đều là lý sống của những người tử đạo… nhiều lần tôi muốn tuyên bố thắng cuộc như đã vượt ra khỏi vòng kiềm tỏa… (tr.36)

Chiến trận Tháng Giêng là cuộc chiến với những giáo điều, những triết thuyết trói buộc cái đơn sơ giản dị của nhịp đập trái tim, để được sống hồn nhiên con trẻ, là người đọc tôi cảm nghĩ thế.

… tôi có thật như mọi vật vô tri, trí tuệ là đứa trẻ tò mò nghịch ngợm… Can chi! Đã trở thành một tôi như thế thì nhẹ tênh mà đối diện với tất cả…

… trước mặt chúng ta có mặt trời, hãy tìm kiếm trong góc nhà góc bàn viết hay góc tủ áo hay giữa mười hai giờ trưa đất trời sáng choang nỗi niềm hoan lạc mỏng manh của bàn tay huyền dịu hay sức lửa của chiến trận đam mê. Nhân danh thượng đế lực lưỡng của những kẻ ham vui, chúng tôi phong vương cho Tình Yêu và Cuộc Đời (tr.39).

Kẻ ham vui này đồng nghĩa với trẻ thơ, với kẻ tự tước bỏ tất cả, không còn gì ngoài hơi thở vào ra phút đang là, để nhìn rõ cái đích thực nhất của Tình Yêu và Cuộc Đời không thông qua một định nghĩa, không vay mượn bất cứ một triết lý, hình thức giả tạo nào của tri thức, để đến với cái hoàn thiện của cuộc sống, thuần lương, giản dị. Tôi nhớ một câu của Thánh Tagore thường trực vang lên trong đầu, chỉ mong tôi chẳng còn gì nhờ thế gọi được người là tất cả của tôi (Lời Dâng, Đỗ Khánh Hoan dịch).

… nhạc khúc trữ tình đẹp mãi
này những cánh hoa rơi xuống
mặt cỏ mang đầy vết đi qua
cho anh được nói một lời
… một lời nói về tình yêu
kết thành ngôn ngữ mới
(Một Lời Nói Về Tình Yêu, tr.54)

Thế còn cần gì nữa những phù phiếm giả hình. Cảm ơn xưng tụng tình yêu đẹp đẽ, Nhân Danh Một Người Làm Thơ…
Tôi không biết có cần phải thêm tiểu đề Nhân Danh Một Người Làm thơ Cho Cuộc Đời như trên tôi đã phác bố cục của bài viết không, vì tới đây bỗng cảm thấy không cần thiết, bởi tất cả những điều nhà thơ đã nói cho Quê Hương, cho Tình Yêu, thì vô hình chung, nó đã thuộc về Cuộc Đời, mà dường như qua lăng kính này, người thơ chỉ nhận về những phản chiếu khắc khoải của ánh nắng chiều, của chia xa, và tiếng động của tàn phai thì lại âm vang một đám rước hóa trang những mặt nạ của cuộc đời…

… không, sáng thứ năm có một bầy quỷ đen
đi cùng đám rước với các vị thánh thiện
thế là tôi tham dự cuộc vui mặt nạ
… ôi đám rước cuộc đời
cuộc đời tôi thể hiện
… sự sống như muốn tan lịm dần
như tiếng động của cuộc rước sáng thứ năm mất hút…
(Đám Rước Sáng Thứ Năm, tr.14)

… cho nhau thành phố ánh đèn đêm bật sáng
buổi tối về hơi thở khoan thai
các cột đèn công viên tình tự
cho nhau sự lãng quên xanh mướt
chúng ta giã từ nhé giã từ.
(Kết Từ, tr.55)

… khi đi hoa rắc lối / trong lòng đất ấm đầy tình thương / là bàn tay và lệ nhỏ đầy… Cái chung cuộc là Tình Thương và nước mắt còn biết khóc thì sẽ bao nhiêu hoa nhân ái mọc lên trên trái đất này. Người ơi. Tôi thấy lòng dịu dàng quá khi đọc, em ơi đừng buồn như bầu trời đục / tôi còn nước mắt đủ làm ấm lá non (Hành Khúc Mặt Trời, tr.20)
… nắng hay mưa, buổi tối trăng hay sao / rồi ánh đèn vàng làm cuộc hành hương mới (Cuộc Từ Thiện Tháng Giêng, tr.16), và như thế trùng trùng thời gian người sẽ đi. Hạt bụi mỗi ngày mỗi nhìn mặt trời mới mỗi nghe hơi thở kiếp kiếp tương phùng.

… tôi sẽ trao lại cho mọi người / những vết đi buổi sáng buổi chiều / các mặt trời ban sớm mọc từ nhiều nơi / hai bàn tay đan thành mộng nhỏ / … có bước chân anh đi tìm đầy lời tình ca… (Hành Khúc Mặt Trời, tr.22-23)

Có phải hành khúc này là lời đệm song hành những bước chân đi dự ngày hội, hội cuộc sống nhiệm mầu?

kính chào cuộc đời
kính chào mọi người
hoan hô sự sống
hoan hô cuộc đời
(Hợp Xướng,1962. tr.68)

Santa Ana ngày 3.7.2015
ntkm

* Sài Gòn Nơi Tôi Đã Vui Chơi Và Nhỏ Lệ, tập thơ mới của Nhà Thơ Nguyễn Quang Hiện, Phố Văn Xuất Bản, Hoa Kỳ, Tháng 6.2015. Ngoài bài Đêm, thơ trích dẫn lấy từ tập này.
*Những thơ trích tôi dùng, dĩ nhiên để hỗ trợ cho cảm xúc chủ quan của mình, có thể sẽ đi ngoài chủ ý tác giả khi viết nó. Điều đó, tôi nghĩ cũng là lẽ thường, quyền của người đọc, thế thôi.


No comments:

Post a Comment