Friday, July 31, 2015

THƠ QUỲNH. HOÀNG XUÂN SƠN




Thơ Quỳnh
bài cộng hưởng

đã nghe rồi âm hưởng
thơ chàng truyện ngắn em
sáng trên trời mưa thấp
cuốn đi những bực thềm

sấm sét trong vườn khuya
chim gù nghe lạc lõng
còi xe rúc qua xóm
cỏ hoa động lòng từ
dải đất buồn sân đứng
nhìn nhau thuở vịt gà
nghe rồi. nghe cộng hưởng
mộng mị người, giấc ta

ngợi ca nàng

nàng ở trên am miếu vô thường
áo lục xiêm hồng ngát ngát nương
nàng ở trên cây bòng cây khế
nàng. bông thùy hạnh của nghìn phương
nàng ở đâu ta chưa hề gặp
mà trăng sáng quá buổi sinh từ
đàn xanh biển thúy trầm châu ngọc
tuồng chữ bay rời trên ý hư

hoàng xuân sơn
trích Thơ Quỳnh bản thảo
đăng ở Văn Học số 86, tháng 6/1993

GÃ BIẾT CHỮ NHƯNG CHỮ KHÔNG HỀ BIẾT GÃ



Phí Ngọc Hùng


                                                         Phố cổ Hà Nội. Tranh Bùi Xuân Phái

Tô Hoài. Nguyễn Sáng vẽ

Trong làng xóm văn chương ai chả hay biết là đã làm văn hóa thì phải có văn chương, một tác phẩm hay là có văn có truyện. Một truyện ngắn hay là truyện khó viết, không phải ai cũng viết được. Thêm nữa, chỉ một dúm chữ không thôi nhưng vẫn có hồn, có cốt tráng qua nét văn chương. Chữ đẻ ra chữ, có khi chỉ phảy vài nét, mà tóm lược được thần thái, lột được hết hồn vía của nhân vật, tình tiết. Chữ để đọc. Gã nhai văn nhá chữ, nhá chữ chứ không nuốt chữ. Thế mà gã cũng chẳng biết. Chuyện là đắp chữ vá câu thì gã cắc củm có một vốc chữ, lại mắc bệnh từ ám, nói cho ngay gã biết chữ nhưng chữ không hề biết gã. Chữ để viết. Vậy mà gã cũng không biết. Chẳng qua số gã ruồi vì không một ngày theo học Trường viết văn Nguyễn Du.

 Chả là bấy lâu nay gã đau đáu với văn chương, vì vậy gã phải đi tìm thầy để ăn mày chữ nghĩa. Gã ghé quán bia hơi ở Phố Huế mà ông dế mèn gọi là bia bơm. Ông thường ngồi ở đấy nhưng gã đến lại không gặp. Gã biết chữ nhưng chữ không hề biết gã bèn lò dò đến trụ sở Hội nhà văn ở 65 đường Nguyễn Du, để hỏi và được trả lời thầy dậy chữ đang ở nhà viết hồi ký.

Gã tạt qua để học viết chữ.
Im ắng…Bước lên bậc tam cấp…
Gã gõ cửa và hỏi:
- Có ai ở nhà không?

Ông dế mèn  thò đầu ra:
- Đi vắng rồi.

***
                                                                Chân dung Nguyễn Tuân

Tháng sau có nhút nhít thì giờ, gã tìm Ông ấm đất  để kiếm ông dế mèn.
Gã trộm nghĩ muốn đi vào làng xóm văn chương nên ghé vỉa hè ồn ào, mắt gã đảo tít như rang lạc thì gặp ngay ông ta thật. Trước mặt ông ấm đất là một đĩa lạc rang, một chai rượu cuốc lủi và một đĩa thịt chó. Ông vẫy gã lại gần và rỉ rả chuyện ông từng được một ông sư đãi một bữa thịt chó độc đáo. Thịt chó ướp gia vị, đặt vào giữa bông sen, bó lại, đem đồ cho chín dừ. Món ăn vừa tục vừa thanh, vừa có vị chát của nhựa sen vừa có hương thơm của hoa sen thế mới hay. Gã nghĩ bụng, thịt chó mà cho vào toà sen thì…chó thật.

Lấy cái ba toong đập đập vào cạnh bàn kêu đĩa tiết canh cho gã. Rồi hỏi gã vác xác đi đâu thế!. Gã nhúm nhím là vừa ghé Hội nhà văn tìm ông dế mèn, tới nhà cũng không gặp nên mò tới đây.
Ông ấm đất chép miệng bồ bã:
      - Cậu tới đó làm đếch gì cho nhọc sức, nhìn chung đám hội nhà văn ấy, họ viết như đang lè nhè giữa một đám chén chú chén anh. Họ nhai chữ những miếng to tướng, vừa ăn vừa nhằn ra nham nhở, chẳng nghệ thuật vị nhân sinh tí ti nào. Cứt láng giềng thì thối, cứt đầu gối thì thơm, thế là họ vãi cứt vào mặt nhau. Họ đội khăn đống áo dài vái nhau như tế sống, bốc thối nhau.
       Thì đấy, Nguyễn Huy Thiệp gọi họ là bọn vô học. Cụ tiên chỉ Nguyễn Tuân được thể nước ao mà vỗ lên bờ, cụ viết truyện tiếu lâm đăng trên báo Người Hà Nội: “Có một ông nhà văn nọ dựng chuyện khơi khơi các nhà văn nước ta “50% là vô học. Bị phản bác, ông ta xin lỗi ngay vì sai thì phải sửa và mau mắn sửa sai là 50%...có học”.

Ông cười đánh hậc một cái và tiếp rằng một đĩa tiết canh đánh giỏi là “tiết canh xâu lạt” treo lên được. Gã càm ràm không hiểu tiết canh xâu lạt là…chó gì thì ông đã rề rà:
      - Cậu làm văn mà sao ngu thế! Làm văn phải biết quan sát. Thí dụ, nhìn lề đường có bao nhiêu cây me, cây sấu, cây gạo, cây bàng? Nhìn cái nhà biết cửa chính, cửa phụ, cửa thật, cửa giả. Làm văn giỏi là biết quan sát và kể chuyện. Viết văn tức là kể một câu chuyện. Tất nhiên, trong quá trình kể, có rất nhiều tình huống, nhiều chi tiết vụn vặt như đĩa thịt chó với rau thơm là… lá húng chó, là lá mơ trong Nam bộ gọi là…lá thúi địt.
      Và ông cười lủng lẳng:
- Ông dế mèn nói đi vắng vì ngỡ cậu đến ve con gái ông ấy!

Khuôn mặt gã như bát tiết canh sũng nước, lúc này gã quan sát gương mặt nửa thực nửa hư của ông, cái mặt của những cư dân nghĩa địa vì cũng sắp gần đất xa trời. Gã lậu bậu với ông là gã muốn viết truyện ngắn, mà chữ nghĩa nông choèn, văn vẻ nhắm khi tối như hủ nút. Ấy là chưa kể cái tai tệ nạn là đang bí lối, bí rị…đề tài.
Ông bổm bảm:
- Giả sử cậu bảo tôi viết về ‘’Rượu’’. Thế là sẽ có truyện ngắn với nhan đề ‘’Cái chai’’. Hình ảnh sinh động làm nên tư tưởng, chứ không phải tư tưởng tạo ra...cái chai.
Ực cốc cuốc lủi một cái tót, chống cái ba toong, ông khật khừ:
- Hay nhất là đi thực tế trại bồi dưỡng sáng tác Quảng Bá gặp ông dế mèn đang dậy văn ở đấy. Mỗi người một khác: Tôi viết ký. Ông ta viết truyện ngắn.

Móc cái điện thoại cầm tay bấm số ông dế mèn. Cái máy kêu tít tít. Vì hoài bão chết tiệt, vì túng truyện viết để hóng cái viết nên gã đèo ông ấm đất đi tìm ông dế mèn.

***
     
Bùi Xuân Phái. Nguyễn Tuân. Văn Cao

       Đang phóng nhanh, gã giảm tốc con @ còng, phía trước có người ngồi vệ đường chăn bò. Gã thắng xe sát cạnh: “Cho hỏi thăm, Trại bồi dưỡng sáng tác Quảng Bá gần đây không?”. Người chăn bò vểnh vành nón lên nhìn. Hai con mắt sắc, sắc lẹm, hiện rõ sự dò xét, cân nhắc. Mắt như thế gì cũng biết, không gì qua mắt được. Ông ấm đất nhận xét và nói nhỏ thật nhỏ với gã: “Ấy là ánh mắt của ông dế mèn”. Gã lặp lại câu hỏi: “Thưa ông, tôi…” - “Anh tìm ai nhẩy?” - “Tìm ông dế mèn... nhà văn.” - “Các anh mua văn à?” - “Không. Chỉ học văn thôi” - “Đất nước ta nhiều trại văn lắm, Trại sáng tác văn học Đồ Sơn này, Trại dậy văn Tam Đảo này, Trại viết Đà Lạt này, Trại bồi dưỡng sáng tác Vũng Tầu này, v…v…” -  Gã biết chữ nhưng chữ không hề biết gã hỏi: “Vậy trại bồi dưỡng nằm ở đâu?”. Người chăn bò chỉ về phía xa xa: “Đấy, một dãy xanh xanh tre lá ấy.” - “Có đường vào không, thưa ông?” - “Đi một đoạn nữa sẽ thấy bờ đê thì rẽ trái vào.”

      Ngồi sau lưng, ông ấm đất vừa xỉa răng vừa nói chuyện nhậu văn chương với gã:
- Ông dế mèn bảo dậy văn chả khó gì, na ná như mổ lợn, thao tác chính là lọc phần thịt, để trơ ra phần cốt tức cái nội dung của tác phẩm. Cậu học văn nên học mổ lợn hay học theo cái bệnh của nhà văn, nói như Nietzsche, là: Không viết lên được gì nếu không dựa trên trích dẫn từ kẻ khác. Tính sáng tạo viết lách chẳng qua là sự nấu nướng những gì có sẵn thành một món ăn mới. Đó là một quá trình dàn dựng sự kiện nhân sinh vào một mâm cỗ ngôn ngữ. Ẩm thực là một quá trình văn hóa chuyển hóa từ nấu nướng là thịt, là cá, là gạo và bày biện món ăn với thật nhiều gia vị.

Như cậu biết đấy, người Việt ở bắc thì ưa viết văn, người trung thì làm thơ, người nam thì viết báo. Người bắc viết văn mang cái bệnh đểu, “sâu sắc”, “ẩn dụ”, bóng gió, nói cay, nói đắng, lấy cái gia vị của gừng, của ớt làm cái ngon miệng. Vì thức ăn chả có gì, như một chén cơm sống trộn tỏi với nghệ. Vậy mà người đọc cứ ào lên khen hay.

Gã nổ máy, phóng vút, để lại một làn khói vn vơ trên khóm mai vàng. Gã im lặng lái xe, gã đảo mắt về phía trái để kiếm con đường vào làng, nhưng chạy mãi vẫn không thấy! Gã chợt nhận ra…một dãy xanh xanh tre lá ấy ở phía sau lưng mình.
Bèn nói: “Quay xe lại, hỏi lần nữa xem sao.” Ông cau mày: “Cái thằng mặt lợn đó cũng đếch biết đâu!”. Gã quay xe, chạy ngược lại để gặp người chăn bò. Người chăn bò vẫn còn ngồi đó. Gã rà xe lại hỏi: “Không thấy con đường nào cả!”. Ông ta mắt e dè, nhưng đầy láu lỉnh, ma mãnh: “Anh hỏi gì nhẩy! Anh phải đi ngược lại như thế này chứ.” - “Vậy đi như thế này đúng chưa?” - “Đúng.” - “Nhưng con đường rẽ vào làng... Xin lỗi, trại Quảng Bá nằm phía tay nào?” - “Ban nãy tôi chỉ anh phía tay nào?” -  “Phía tay trái.” - “Vậy là tay trái.” - “Nếu thế, trại nằm bên này đường, đâu phải bên kia?” - “Anh muốn bên này à? Ừ bên này đường.” - “Ông có phải người làng Quảng Bá không?” - “Anh hỏi gì nhẩy!”.

Búng cái que tăm cái tách bay thật xa, ông ấm đất phẩy tay thêm mắm thêm muối:
- Dân trung mang cái thi ca vớ vẩn biến thành cuộc đời với ý chí đi làm cách mạng hay vào chùa tu. Các nhà tu, chính trị gia chỉ là các nhà thơ thất chí với cuộc đời. Xứ càng khổ càng nhiều thi sĩ hiện sinh.
Còn dân nam ưa nhậu ở các quán cóc. Khi nhậu say lên là dân nam ta nói chuyện làm báo. Vì báo chí là một kiểu nhậu khác: Nhậu…văn chương.
Nếu văn chương bị bày biện vụng về trên các mâm cỗ quá tràn ngập đồ ăn chưa được nấu, sống sượng. Sự tiêu hóa của người đọc sẽ bị ngộ độc hay bội thực. Bây giờ vẫn còn như thế, nhìn đâu cũng thấy  “văn học”, kể cả những gì rất là “vô văn học”. Trở lại để trích dẫn Nietzsche lần nữa: Con gà mà đẻ nhiều thì trứng sẽ nhỏ đi. Cái dở của văn chương ta là nhiều chữ quá mà chẳng nói lên được điều gì!.

Gã lại phóng xe, chạy quá năm phút vẫn không thấy hai bên có bờ đê nào! Gã bực dọc: “Thằng cha chăn bò chơi xỏ mình! Em nhớ là...là…”. Gã bỏ lửng câu nói, la lên: “Đằng trước có phụ nữ rồi. Hỏi phụ nữ là chắc cú.” Gã nhìn thấy đằng trước có một phụ nữ mặc đồ chàm, dắt một con nghé đi gặm cỏ. Gã rà rà con @ còng, và thắng lại: “Chị, cho hỏi thăm trại Quảng Bá nằm chỗ nào?”. Chị ta ngước nhìn vào mắt hai người. Gã giật mình. Ánh mắt nhí nhoáy của chị ta đầy ma mãnh của người chăn bò ban nãy. “Quảng Bá nào?” - “Trại bồi dưỡng ấy mà” - “Không có trại nào ở đây sất cả”. Gã chập cheng: “Thế, chị biết ông dế mèn không?” - “Nhiều ông dế mèn lắm.” - “Dế mèn ranh mãnh?” - “Ranh mãnh cũng nhiều lắm.” - “Dế mèn viết văn đó?” - “Văn ở đây cũng nhiều lắm.”

      Ông ấm đất đập đập vai gã bã bời:
      - Cậu nên học quan sát theo ông dế mèn để viết văn. Ở vườn nhà ông có một cái núi non bộ lớn, ông nuôi cá, nuôi khỉ, nuôi bồ nông, cò, vạc... Cứ xích chân, xích cổ vào hòn giả sơn. Tôi thấy ông cứ đứng hàng giờ quan sát các con vật và thỉnh thoảng lại phát hiện ra một điều gì lạ ở chúng, như chân con vạc nó thế nào đấy, hay con khỉ lại biết chơi trò thủ dâm...
       Hay nói khác đi, như Henry Lewis Mencken chỉ vẽ: Mấy ông nhà văn viết văn là thủ dâm với chữ nghĩa, ông ta tự làm sướng, làm khoái cho chính mình đấy thôi. Mệt!

Ông vừa dứt lời gã bực bội vọt xe. Đột dưng ông ấm đất reo lên như ấm nước sôi: “Có bờ đê rồi.” Nghe thế, nhìn sang hai bên. Quả nhiên, bên trái có một con đường nhỏ, lát bê tông xi măng dẫn vào nơi,,,xanh xanh tre lá như người chăn bò vừa rồi chỉ. Gã rẽ xe vào. Gió nam gió nồm quét mặt đường sạch tưng. Nhưng khi đã vào làng, đường sá chỉ là đường đất. Đường ngắn, hẹp, liên tục rẽ trái, rẽ trái... Hai bên đường liên tu bất tận những tre tàn tàn tre toả bóng. Gió nồm gió nam giày vò những cành tre kêu ken két. “Quái! Làng vắng hoe, chả thấy người.”. Ông ấm đất nói, giọng chắc nịch, làm như mình đã từng sống ở đây: “Họ đi làm đồng cả rồi. Đây đúng là làng Quảng Bá.” - “Sao biết?”, gã hỏi. Giọng ông ngang ngang: “Bệnh thằng chăn bò đấy!” - “Là gì?”. Ông nói như chọc vào tai gã: “Là nó đã lây sang anh mà anh không hay! Mà này, anh có nhớ đường ra khỏi làng không?”. chạy xe chậm. Chó sủa vang. Nhà nào cũng nuôi chó. Chúng phóng ra cả đàn, nhỏ, to, đực, cái đều có...Chúng không đuổi theo, không bỏ nhà chạy rông. Ông bảo: “Đi ra ngay khỏi làng. Nhiều chó quá” - “Bác chỉ em đường ra nào?”.

 Ông ấm đất đánh trống lảng, giọng dậy văn dài, văn ngắn:
       - Tôi chịu ông dế mèn dậy văn trên mặt bằng văn học chính quy. Ông đăng đàn phát biểu: Người viết nào cũng tìm cách tiến từ truyện ngắn sang truyện dài. Dừng lại ở truyện ngắn, sợ không phải là nhà văn. Thực ra truyện dài chưa chắc đã khó. Họ viết như phóng ngựa chạy, chẳng rõ mặt mày gì cả. Nhưng họ chưa biết bố cục. Viết dài một chút, độ ba trăm trang trở lên, tôi cảm thấy có những phần đã phải độn rồi. Độn, lấy cái nọ đỡ cho cái kia, ko nhau đi. Mệt!

Ông dế mèn thích truyện ngắn. Ông cho rằng truyện ngắn là một thể văn tập cho người viết, viết từng cái ngắn là vừa sức hơn cả. Chỉ với truyện ngắn, là nơi người ta có thể thử tìm phong cách cho mình. Người ta mới biết tận dụng từng câu, lo săn sóc từng chữ, rèn luyện đến việc dùng từng dấu phẩy, dấu chấm.
 Đã có nhiều cách định nghĩa về truyện ngắn, nhưng nếu nói nôm na với nhau, đưa ra một định nghĩa thì truyện ngắn chính là cách cưa lấy một khúc đời sống. Ở đây, có thể nói ngắn gọn, nói trực tiếp. Cái ngắn thích hợp với cuộc sống nhanh bây giờ.

      Đường có nhiều lối rẽ, hơn nữa tầm nhìn bị tre che khuất. Ông ấm đất than: “Chạy mãi thế này, hết xăng phải đổ nước mất”. Gã hô hoán “A! có thằng bé cõng em đằng trước kìa.”. Thằng bé khoảng mười hai tuổi, đen nhẻm, đang địu đứa em thò lò mũi xanh. Gã thắng xe và tắt máy. Thằng bé lõ mắt nhìn con @ còng. “Cháu cho bác hỏi...” - “Hỏi gì?” - “Cháu là con ông dế mèn phải không?” - “Không.” - “Ông ta là gì với cháu?”. Thằng bé láo liên nhìn gã: “Ông ta là người nên cháu không biết.”. hỏi: “Thế cháu biết gì?” - “Bò”. Gã đâm nghi nghi vì ông dế mèn rất thích chuyện loài vật, như bò chẳng hạn. Bèn hỏi tiếp: “Nhà cháu ở đâu?” - “Xa lắm.” - “Xa là ở đâu?” - “Làng bên kia, hai bác cứ lội bộ tàn tàn, tìm cái xe bò nào đó mà nhảy lên. Xe bò tự hành không có chủ đâu!”. Gã đực ra, thằng bé tung tẩy: “Xe bò chở rơm, rạ trong làng ra. Người ngoài này đón. Xong, chỉ cần dắt nó đến đầu đường, thả ra, tự khắc nó kéo xe về lại nhà!”.

      Đường xa ướt đất, ông ấm đất được thể thêm đũa thêm bát:
      - Ông dế mèn có lúc chủ trương viết những truyện không rắc rối như trên. Hay nói khác đi là truyện chẳng cần có cốt truyện. Và viết càng nhạt càng hay, có lần ông nói với tôi như thế. Nhưng đừng quên, đừng viết theo thị hiếu của người đọc mà bắt họ đọc những gì mình viết. Phải hé lộ những điểm thắt nút, gợi mở những gì sắp sẩy ra, những chi tiết tinh tế. Viết sao cho người ta đọc văn mình, đọc đi đọc lại, vẫn thấy hay. Có truyện đọc lần đầu hay. Đọc lại không thấy hay nữa. Văn phải đọc đi đọc lại…Cứ theo Nguyễn Công Hoan thì: Viết truyện tức là bịa. Nhưng phải dựa trên chuyện có thật, thật quá thì khô cứng nên phải hư cấu. Hiểu theo nghĩa là…bịa như…thật.

Nghe chuyện bịa cứ như thật lẵng nhẵng quá thể, gã nói với ông ấm đất: “Bác với em hút thuốc thư giãn nhá.”. Ông gạt phăng: “Nhá nhem gì, biến đi”. Và tiếp: “Lão chăn bò, con mẹ dắt con nghé, cả đến thằng bé kia đều là người làng thổ tả Quảng Bá này “. Ông chỉ gã: “Kìa... Có ông già kia kìa... Vào nhà hỏi trẻ nhỏ, ra ngõ hỏi ông già...”. Lúc này, một cụ già chọt gậy bước tới. Lưng cụ khòm, đeo kính lão, đầu ngước lên trông như con đà điểu. Gã dựng xe, bước xuống: “Thưa cụ, cho hỏi thăm nhà ông dế…” - “Dế nào?” - “Dế mèn có râu đó.” - “Dế nào mà chẳng có râu. Ông dế này có râu nhưng cạo nhẵn thín rồi” -  “Sao vậy?” - “Phát tâm Bồ Đề đi tu!”- “Sao? Cụ nói sao? Đi tu rồi à?” - “Tu hú rồi.” - “Chùa nào vậy?” - “Chùa nào có giời biết!” - “Xin cám ơn cụ”.
Cụ già gật đầu, chấp nhận lời cảm ơn, và chọt gậy, lững thững đi tiếp ra khỏi làng. Gã biết chữ nhưng chữ không hề biết gã ngước mặt lên dòm thấy con tu hú có hai con mắt to như đeo kính lão, giống như con đà điểu lưng còng đang đậu trên ngọn tre.

Nhìn theo cụ già, ông ấm đất nhăn mặt tắp lự:
- Ông dế mèn một lần nói với tôi thì đường ra khỏi làng này đây cũng dễ thôi. Dễ hiểu như tiếng Việt trong sáng. Sao cứ bịa ra những tiếng khó hiểu. Nhiều chữ họ không hiểu: Tại sao gọi là “bát đàn, bát sứ, bát kiểu”. Ông ta rất chú ý học chữ. Ông chê nhiều người viết văn bây giờ thiếu chữ và dùng chữ rất ẩu. Tiếng Việt ta có chữ “ăn nằm” rất hay, tránh nói thô. Ông phân biệt “mồm” với “miệng”. Nói “miệng” sang hơn nói “mồm”. Nhưng mồm miệng thì lại khác. Cờ nhà chùa thì phải gọi là cờ “điều” chứ không phải là cờ đỏ, sơn đen thì phải gọi là sơn “then”, quần đen thì phải gọi quần “thâm”. A! Chữ…

      Mặt gã vẫn lặng như nước ao tù. Ông dắng dả.
- Chữ như cái búa. Không có chữ, không tạo ra hình ảnh đập vào đầu người đọc. Cuối cùng phải tìm từ, tìm chữ đích đáng để diễn đạt. Một bài viết hay là có được một hai từ đích đáng kết tinh được cái hiểu, cái ý của mình. Đó là cái thần của bài viết.

Đột ngột, gã đuổi theo ông cụ: “Cụ biết chú bé cõng em kia là con ai không?” - “Nó là con ông đánh xe bò”. Cụ trả lời, chân vẫn cứ đi mà không ngoái lại, mồm miệng í a: Nà bò cỏ ống… Nà bò cỏ ống…. Gã trở lại chỗ ông ấm đất và nhúc nhắc cái đầu…

Ông cười khịch khịch, gật gật đầu:
- Ông phát hiện rất tinh những nhược điểm của người viết: Như văn Anh Đức là thứ văn cải lương, có lúc viết anh hùng là “hùng anh”. Nguyễn Khải dựng nhân vật theo lối ghi chép rất sáng tạo, nhưng văn chưa thoát được lối biền ngẫu. Nguyễn Đình Thi xa đời sống, nên mắt không chọc thủng được tờ giấy để nhìn vào hiện thực. Thi tả cảnh chùa có cây bạch đàn. Xưa làm gì có bạch đàn ở chùa! Thơ Hoàng Cầm là thứ vàng mã trang kim. Thơ Kinh Bắc diêm dúa, lượt là xiêm y xanh đỏ, thực chất không có gì. Họ chỉ lo sản xuất cho nhiều, còn sống thế nào cũng được, cốt sao cho khoẻ, cho sướng. Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi...là như thế. Còn Tô Hoài thông minh, nhưng thẩm định xoàng, dậy văn ở trường Nguyễn Du với những lời dậy và giảng cứ lợn cợn và bốc mùi thoang thoảng của những thứ kiến thức chưa tiêu đã cũ mèm.

Gã lại nổ máy xe, rẽ trái. Gặp một chị phụ nữ đi ngược chiều, ôm bó rau muống. Gã dừng xe. Chị phụ nữ nhìn chăm chăm vào hai người, mắt chị ta lộ ánh mắt dò xét, cân nhắc như ông chăn bò. Gã vén môi: “Chị cho hỏi thăm nhà ông dế?” - “Dế nào?” - “Dế đi tu.” - “Nhiều dế lắm.” - “Dế mèn đó.” - “Bỏ mẹ! Thế là đi tu rồi.” - “Tu chùa nào?” - “Chùa Một Cột.” - “Ối giời! dế mèn đi tu à?” - “Đã bảo đi tu rồi mà.” - “Mà chùa Một Cột ở đâu?” - “Ai biết đó là đâu!”. Gã biết chữ nhưng chữ không hề biết gã hỏi tới nữa: “Chị cho hỏi thăm đường ra khỏi làng?” - “Đi mãi thì ra.” - “Chúng tôi muốn ra đến con đường xi măng bê tông.” - “Thế thì đi theo hướng mặt trời.” - “Nếu đến chiều mặt trời lặn không ra được thì sao...” – “ Thì thôi.” - “Xin cám ơn.” - “Chuyện nhỏ mà.”

      
Đợi chị rau muống đi khuất. Ông bày mực tàu giấy đỏ bên phố đông người qua:
       - Theo ông dế mèn thì Lưu Trọng Lư giờ hết thời rồi. Tài năng cũng chỉ có một thời thôi. Người ta viết có thời, hồn thơ có thời, có một lúc nào đó thôi. Như ông Lư ngày xưa làm thơ mới chân thật, có hồn thơ, sau này chẳng còn nữa. Nhiều người như thế. Thơ Huy Cận, thơ Tố Hữu giờ chỉ còn là thơ thù tạc. Nguyễn Huy Thiệp giỏi viết cái ác nhưng cũng sắp cùn rồi. Phạm Thị Hoài trí thức, lại muốn làm ra vẻ dân dã...Ông dế mèn đọc cả những cây bút trẻ. Ông cho là bọn này viết được. Nhưng thiếu một cái gì đó. Thiếu chữ của riêng mình, thiếu phong cách. Họ viết mới đấy. Nhưng rắc rối, khó hiểu. Chưa mấy hay. Bọn trẻ nói chung kiêu, ngông, bất cần đời như Nguyễn Tuân.

Lúc này đã đúng ngọ. Gã lái xe về hướng mặt trời, nên xe chạy lạc bố nó mất. Nhưng gã không lạc. Ông ấm đất nhắc khéo: “Cứ đâm đầu chạy vào trung tâm làng, lẽ tất yếu là phải…ra khỏi làng”. Gã biết chữ nhưng chữ không hề biết gã lau mồ hôi trán: “Cứ rẽ trái, rẽ trái mãi”, ông nhắc: “Rồi cũng ra khỏi. Nhớ trái... Nhớ trái suốt nhá...”

      Khi không ông ấm đất cười khùng khục chuyện ông dế mèn:
- Ông ta bia rượu, gái ghệ chẳng kém ai, có 7 con. Vợ cứ đẻ sòn sòn. Tôi thì rất ghét người đẻ nhiều, vô kế hoạch. Đi đâu ông cũng tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch. Tôi bực với ông ấy: “Sao đẻ lắm thế?”. Ông ta có câu trả lời rất lạ là: “Sướng con cu mù con mắt”. Rồi cười nhạt nhách: “Vì vợ tôi nó xấu”. Tôi không hiểu được ý ông muốn nói gì. Ông dế mèn lại hay đánh vợ. Quái thật! Chả lẽ vì vợ ông ấy…xấu! Hỏi ra ông ấy tống cho một câu gọn lỏn: “Ông không biết chứ đánh vợ xong, nó chiều lắm”.

      cứ rẽ trái, rẽ trái một chặp là ra khỏi làng thật. Nhưng không gặp con đường bê tông xi măng, mà tiến vào một nghĩa địa. “Gã bảo: “Chạy luôn vào nghĩa địa. Nghĩa địa lúc nào cũng bên ngoài làng. Khỏe quá!”. Đây là một nghĩa địa nhỏ, cả hai thấy một bà đang vái hương nơi ngôi mộ mới xây. Gã dựng xe, cả hai đi bộ lại. Gã biết chữ nhưng chữ không hề biết gã hỏi bà: “Vợ ông dế mèn mới chết tháng trước, có chôn nơi đây không ạ?” - “Ông dế mèn?”. Bà vỗ vỗ trán: “À, đúng là chết rồi! Tội nghiệp” và tiếp: “Không biết ông ấy học ở ai đó cầm bút viết chữ như cầm búa gõ vào đầu người ta để tạo cái của nợ gì ấy. Rồi chính ông búa vào đầu ông chết tốt!”. Rồi lắc đầu: “Không chôn ở đây.” - “Thế ở chỗ nào?” - “Qúy ông hỏi gì?” - “Hỏi để thắp nhang. Mà mộ ông dế mèn ở đâu” - “Chôn ở phía vợ.” - “Phía vợ ở đâu?” - “Ai rỗi hơi!” - “Cám ơn bà.” - “Ờ ”.

      Ông cằn nhằn: “Láo thật! Láo đến thế thì thôi, đến chết rồi cũng không chịu chỉ cho người ta cái mộ”. Gã cãi nhắng: “Ông dế mèn chưa chết, biết mộ đâu mà chỉ”. Ông ấm đất cười đánh bịp một cái như con bịp bịp gáy: “Cậu làm văn mà sao ngu thế! Làm văn phải biết quan sát. Cậu không thấy bà ta xấu lắm à! Bà ta là vợ ông dế mèn đấy”.
      Ông ấm đất có cái cười khinh đời, khinh mạn. Cái cười của ông không phải nụ cười, mà chỉ là sự nhăn răng, nhăn nhó:
- Nhưng nghiệm ra thấy ông dế mèn tinh đời, tinh như ma vì nói: Bọn văn xuôi chúng tôi rất dại, chỉ có bọn làm thơ là khôn. Sự thật quả có thế. Mấy ông văn xuôi thường hay bị đánh như Nguyễn Tuân (Phở, Tình rừng...), Nguyên Hồng (Con hổ ở suối Cát), Nguyễn Huy Tưởng (Một ngày chủ nhật), Tô Hoài (Mười năm), Nguyễn Khải (Đối mặt)...
Bọn thơ thẩn, phần lớn là quan chức được đảng tín nhiệm như Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi. Sau là Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa...

Từ nghĩa địa thoáng đãng, tầm nhìn không vướng lũy tre nữa, gã thấy con đường bê tông xi măng nằm phía bên trái. Cả hai thở phào, lôi thuốc ra hút để thư giãn. Khi bà đi ngang qua, gã hỏi: “Bà về ạ?” - “Ờ.” - “Nơi đây có phải là trại không?” - “Không trại, mà chỉ là làng” - “Làng tên gì?” - “Trại nào?”. Nghe vậy, ông ấm đất vỗ đét vào đùi gã: “Không có làng Quảng Bá. Tiên sư cái thằng dế mèn chết rồi mà vẫn còn nói láo!”. Gã lạc quan thấy rõ: “Dám cái nghĩa này là trại bồi dưỡng sáng tác Quảng Bá lắm ạ!”.

Đột dưng ông ấm đất đột gầm ghè ông dế mèn:
      - Trời phú cho ông dế mèn có khả năng sống trong nước đục, sống giữa những cái nhờ nhờ, tối tối mà vẫn sống được. Giữa đời sống, ông ta xoay sở có chục khuôn mặt khác nhau, táo tợn một cách kín đáo, để ý từng tí một, tinh tế trong những cái vặt. Trong văn nghiệp, ông nhẩn nha kể mọi việc, ghép chuyện nọ với chuyện kia, không thuyết phục ai, ấy thế mà lại đọc được. Cái chất văn của ông nó nằm trong một cái gì ẩn dưới câu văn, ẩn dưới chữ nghĩa. Là sự kiện, là con người với những vui buồn. Ông mang khuynh hướng dân gian, nhưng nặng về bản năng, thiếu lý tính. Nhưng truyện ông viết sau 1975 là chỗ sắc sảo, lọc lõi của ông. Nhất là sau 1986 với hồi ký mới thực sự là ông dế mèn với: Chiều chiều, Cát bụi chân ai, Ba người khác...

Ông ấm đất đột biến vặc gã: “Thôi, quên cái trại bồi dưỡng sáng tác dấm dớ ấy đi. Giờ tôi phải vào làng kiếm đĩa thịt chó cái đã...” rồi thả bộ bước một và rẽ trái vào làng một mình.

Gã nổ máy xe. Đám gà tre trong mấy cái mộ đất giật mình nhao lên một lượt kêu “tác…tác…”. Nhưng con @ còng lại kêu “tít…tít…”, và tịt máy chắc vì hết xăng!

***
      Gã biết chữ nhưng chữ không hề biết gã xục giày rời nghĩa địa. Mặt nặng như đeo đá vì đi mãi, chỉ thấy con đường vắng hoe. Trời đất ánh lên những tia hấp hối của ngày. Cuối cùng cũng xuất hiện một đốm đen phía cuối con đường. Gã tăng tốc, chạy. Nhưng chỉ mươi bước thấy sức lực tuột xuống hai chân. May cho gã, đốm đen quả thật là một chiếc xe bò. Đúng là xe bò chở rơm, rạ trong làng ra như thằng bé chỉ và chỉ cần dắt nó đến đầu đường, thả ra, “tự hành” nó về làng. Con bò bước còn chậm hơn gã. Gã đu lên nằm ngửa trên sàn xe. Cái túi kê làm gối. Mùi phân và nước đái bò ngợp vào mũi. Nao nao buồn tênh. Nắng đang dần lịm. Gã giơ tay vẫy vẫy chào…một dãy xanh xanh tre lá. Và nói lớn: “Chào!” Đoạn gã hôn “chụt” vào bàn tay mình rồi quăng bàn tay ra xa...

      Gã nghe thoảng mùi khói trầm. Trên cái sàn xe bò lung linh một bó nhang đỏ quạch. Có ai đó vừa đốt nó lên. Nhà đóng cửa. Đèn đã tắt. Bầy chó sủa hực hực. Ông đánh xe bò quay lại bật quẹt để che gió hút thuốc. Gã sững người vì hai con mắt sắc, sắc lẹm. Hay là gã chăn bò ngồi bên vệ đường hồi nãy. Thế nhưng gã thấy gần gũi vì ông này ma lắm, ma đến tận xương thịt. Mà ma sống cao tay không biết sợ người là gì nên có mắt ở mọi nơi. Mà dám ở trên xe bò này lắm a! Cái quẹt máy nháng lửa. Gã bắt gặp đôi mắt ve vé, nhỏ, dài và hẹp của ai đó.…
     Bất chợt gã mừng rỡ hỏi như reo: “Ông…”.

     Ông vẫn cái tật nhấm nháy mắt:
- “Hà…hà…chú bảo không ma sống sao được. Sau vụ Nhân văn, tội tôi còn to bằng mấy tội bọn ấy, thế mà chúng nó đều phải đi cải tạo tận Lào Cao, Yên Bái. Còn tôi cứ ở Hà Nội làm đến Bí thư đảng uỷ Hội Nhà văn. Phải là ma để mà sống chứ!.

       Ông đốt thuốc, gương mặt lập lòe như di ảnh. Ông dịch sang một bên: “Ngồi đây cho vui”. Và hỏi: “Đi Hà Nội?” – “Vâng” - “Đi làm ăn?” – “Thăm bạn” – “Phố hay ngõ?” – “Phố” – “Phố nào?”. Gã đang hâm hấp đến Trường dậy văn Nguyễn Du, tới cơ sở văn hóa cực kỳ xung kích là Hội nhà văn. Cả hai đều ở đường Nguyễn Du, cụ Nguyễn Du bị tra tấn hơi kỹ thì phải, gã nghĩ thế. Sáng tai họ điếc tai cầy, thế nên vừa nghe hỏi, gã lúng búng: “Nguyễn Du” – “Đến đâu?” – “Đến Trường dậy văn Nguyễn Du” -  “Xa vấy”.

       Ông tháo ống cống: “Trước tôi dậy ở đấy, trường được thành lập qua sự mô phỏng Học viện văn học Gorki của Liên Xô. May mà họ không gọi là viện văn học…mà là trường dậy văn”. Ông rị mọ tiếp: ‘’Dậy khỉ gì, rồi sinh ra cái quái thai là Hội nhà văn, vì họ thiếu ngoại ngữ, họ chỉ có hai cửa sổ ngó qua Trung Quốc và Liên Sô. Họ chịu ảnh hưởng của Trung Quốc là lẽ đương nhiên rồi, xưa nay vẫn thế. Họ quên là Đừng vác trên vai mình con khỉ của người khác.
       Vẫn chưa tha, ông hỏi gã: “Hồi nào đến giờ chú lên truờng mấy lần rồi?” – “Lần này nữa là một trăm” - “Hà…hà…Vậy là có ghệ ở đấy rồi!” - “Không, em chỉ đi thăm ông bạn văn để ăn thịt chó, uống rượu cuốc lủi” – “Ai vẩy” – “Ông ấm đất”.

Con bò bước ngoằn ngoèo như vệt trâu đái. Xương hông nhô lên. Đầu cúi gục. Ông dế mèn trườn tới vỗ vào mông. Thuận tay lấy chai bia hơi bên đùi mở nút và nói:
- Vậy hả! Vậy thì chú hãy coi chừng. Cáo cụ đấy. Ông này thì tôi biết quá! Rất khó chơi, rất kiêu ngạo, ngông nghênh quá lắm. Không bao giờ nói yêu ai, mến ai bao giờ. Ghét ai thì ghét ra mặt, nói thẳng, nói công khai rất ác. Tôi nói thật đấy…Đấy!”.

       Vui chuyện, gã biết chữ nhưng chữ không hề biết gã cũng theo ông tháo ống cống là gã đang học văn, nhưng viết truyện chẳng ra chuyện với câu đọng chữ thừa. Ai chả biết khâu viết văn là đục chữ đẽo câu, vậy mà gã vẫn câu thừa chữ thiếu. Chả là gã thiếu “lãng mạn văn hóa” thế nên văn vẻ cứ nhạt nhạt thèo lèo như nước ốc ao bèo làm sao ấy.
Ông dế mèn ngửa cổ chai tu, khà một cái, khẽ đánh mắt:
- Vậy thì chú cứ viết ký như ông ấm đất ấy đi. Có người hỏi ông làm thế nào để viết ký cho hay, không nhạt. Ông ấm đất cho rằng phải có vốn văn hoá, vốn kiến thức. Kiến thức lịch sử, địa lý. Viết văn học sử thì không phải cứ có tài liệu nhiều mà đủ. Phải viết có hồn. Có tài liệu và có hồn.
Còn bọn mới thì chả có tài liệu gì, cứ phóng ý ra thôi. Rồi vận dụng các ngành nghệ thuật. Mà nói chung thì nghệ thuật nào chẳng phải vay mượn nghệ thuật khác để thể hiện. Như không chỉ tả mặt mà còn tả cái gáy, cái vai, tả người cúi xuống, cái mông cong lên, bóng lên, là vô tình đã phải vay mượn điêu khắc rồi.

     
Ông hươu vượn nhiều lắm. Lâu lắm... Gã không nghĩ mình ngủ trong lúc nhắm mắt, khi mở mắt ra đã thấy ngoại thành. Xe bò xuống dốc. Phía sau những mái nhà im ngủ.
      Một mình ngồi lặc lè ở phía trước, ông vẫn khề khà nói chuyện với chai bia bơm:
- Lại có người nhận xét ông ấy viết tùy bút lan man, trộn lẫn thời gian không gian, chuyện này sọ qua chuyện kia, không phải không đúng. Nhưng kể chuyện là lan man vì bài văn đâu phải bản báo cáo mà phải có các mục 1, 2, 3. Cũng không phải bài thơ Đường luật có đề, thực, luận, kết....Lan man là hiện tượng. Nó không có hại gì về bố cục. Viết tùy bút đưa ra kết luận rõ ràng, dứt khoát. Có cách viết không kết luận, để tự người đọc kết luận lấy. Tôi thích lối thứ hai này của ông ấm đất.
Vẫn theo như ông ấy: Viết văn tức là kể một câu chuyện…Nhưng người kể chuyện không nên có giọng điệu giảng giải, không nên hướng dẫn cho độc giả. Mà cần tôn trọng sự thông minh và khả năng thẩm thấu tác phẩm theo cách riêng của họ. Bằng cách người viết cần viết một cách thông minh hơn mình…thông minh.

      Cái đầu gã lắc đều theo nhịp xe. Xe chạy vặt. Lâu lâu lại dừng lúc ông dế mèn vãi đái. Gã ngủ chập chờn. Gã vẫn để cái đầu gập ghềnh theo bánh xe bò. Chán. Chấm hết. Gã suýt bật tiếng thở dài. Ông lại giở cái điếu cày ra hút. Khói thuốc có mùi tanh nhiều hơn khét. Hai bàn tay ông ta khum lại thật cẩn thận, be chặt đốm lửa và ve ve mắt liếc sang gã. Gã giật mình, khép vội mắt lại. Với mô-típ ông này, chỉ cần bật ra câu hỏi đại loại như ngã ba, rẽ trái là có chuyện. Không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chỉ có giời biết. Chó dại từng mùa người dại quanh năm, bỗng khi không gã buột miệng nói ông ấm đất đang chiếu trên chiếu dưới ở trong làng với con khoang, con mực.

Thế là ông dế mèn lậu bậu mắt, miệng luận về ông ấm đất với chiếu hoa một cõi:
- Vậy sao! Ông khí khái và khảnh ăn. Không tạp uống như Nguyên Hồng. Tôi thấy vậy, chẳng có biết đúng không. Nói dại chứ tôi thấy ở ông ấy có một cái gì rất cổ điển, không phải chỉ trong văn mà trong lối sống, tác phong sống. Ông không chỉ viết văn cho đẹp mà còn sống đẹp nữa. Chất cổ điển chính là ở chỗ đó. Tôi nói thật đấy…Đấy.

Trong vỏ não là một khoảng trống không. Đôi khi gã cố nhắm mắt chỉ là để tránh cái háy háy con mắt của ông dế mèn. Gã vén mắt thấy cái điếu cầy gục gặc theo đầu con bò. Cuối cùng, gã ngủ nốt. Một giấc ngủ khô. Trong gió thoảng nghe mùi phân và mùi khói thuốc. Trời mù. Gió mát. Gã ngồi dậy. Bên đường có nhà le lói đỏ đèn qua cánh cửa khép hờ. Ông dế mèn nhảy khỏi xe, bước thẳng về phía ngôi nhà nọ.. Một con chó hực lên. Ông gõ cửa và hỏi : “Xin cho hỏi đi Hà Nội rẽ trái phải không?”. Có tiếng làu nhàu: “Hà Nội nào?” – Và tiếp: “Hà Nội chừng bao nhiêu tuổi?” – “Một ngàn năm”.

Ông Hà Nội ba đời uống nước máy nhong nhóng mắt với gã:
- Viết ký, tùy bút phải đọc nhiều như ông ấm đất. Thượng vàng hạ cám, đọc tuốt. Đọc xong phải có cái ý của mình, ghi lại. Có chỗ phải đánh dấu vì hay, để đọc lại. Đó là kinh nghiệm viết. Viết truyện, phải có nhân vật. Nhân vật truyện không bị gò bó trong không gian, thời gian. Ký không bắt buộc phải có nhân vật, hay đúng ra chỉ có bóng dáng của nhân vật. Nên nhân vật không cần có lý lịch rõ ràng. Ký ghi sự việc, ẩn ẩn hiện hiện thoáng một tý hình ảnh một nhân vật nào đó như…ông ấm đất đã từng. Không có tài không viết ký được. Tôi nghe láo quáo ở đâu đó nói ký là truyện ngắn, không đúng.  Ông A. France, nhà xuất bản bảo ông viết truyện ngắn. Ông trả lời: “Tôi làm gì có thời giờ viết…truyện ngắn”.

      Gã căng mắt nhìn đêm tối mênh mang, đi thêm chút nữa nghe tiếng chó sủa. Từ xa, có một đốm sáng mông lung. Ông dế mèn sục vào đốm sáng như con thiêu thân. Đốm sáng lay lay nọ phát ra từ ngọn đèn, treo đu đưa dưới mái hiên một căn nhà bên đường. Một người đàn bà đang sàng cái gì đó trong sân. Ông đánh tiếng. Người đàn bà bước ra. Con chó nhũng nhẵng sủa. Ông hỏi: “Phố Trần Hưng Đạo ở đâu” – “Nhiều Trần Hưng Đạo lắm, đợi vào hỏi đã”. Một người đàn ông để ria mép, ngậm píp, cầm ba-toong theo bà đi ra. Bà quay lại nói với ông này: “Có người hỏi thăm ông Trần Hưng Đạo“.

      suýt giật mình cái thót, ông đây trông rất quen quen…Mà quen quá lắm. Gã dòm thấy ông quen quen đang lắc đầu, đờ đẫn cười và to nhỏ với ông dế mèn:
- Ừ thì như ông đã biết đấy…Chẳng ai có dũng khí được đâu, kể cả Phan Khôi, và tôi. Chẳng sợ rượu vào nói cà khịa, phiền, thế nên tôi đã nói với ông: “Không phải tôi sợ nói sai mà sợ nói đúng mới gay go!”. Tôi vẫn được tiếng là ngang bướng. Vậy mà…

Vậy mà lần uống rượu với Đồ Phồn, tôi khóc: “Tôi được như thế này là vì biết sợ”.

      Trời sáng hẳn. Ông dế mèn tấp vào gốc cây bên đường vẩy vẩy làm một bãi thật to.
      Xong, tay lần xuống nhay nhay đáy quần và trở lại xe. Ông hỏi gã: “Đêm qua chú ngủ ngon không?”. Mắt dòm xa thấy một ngã ba, không biết rẽ trái khúc nào, gã thấy ông rối như gà mắc tóc, nửa như nói một mình, nửa như hỏi: “Đây là đâu ta?”.
     Tất nhiên gã biết chữ nhưng chữ không hề biết gã…không biết. Ông dế mèn lấy chai bia bơm quay trở lại với ông quen quen vừa rồi. Cả hai cùng ngồi xuống gần rặng chuối bên hè. Ông quen quen tay đang cầm chai cuốc lủi, tay vỗ vỗ đầu con chó nằm cạnh. Ông cười khặc một cái chó khạc xương và nói với ông dế mèn: “Tôi từng được một ông sư đãi một bữa thịt chó độc đáo. Thịt chó ướp gia vị, đặt vào giữa bông sen…”

      Gã thiếp đi. Con bò kéo chiếc xe vào thành phố lúc nào gã cũng chẳng hay. Bên ghế đá công viên có người phu quét đường đêm đêm nghe tiếng đại bác vọng về…

***
Xe vào đến Hà Nội, trời không mây nên càng rối. Gã ngại lạc mất chiếc xe bò, sẽ lạc luôn cả đường. Nhưng quả thực con bò đã biến mất, như thể một cỗ xe ma. Như ông dế mèn vừa biết mất như con ma sống, ma đến tận xương thịt. Gã căng óc nhớ có ngã ba không? Theo gã  thì…không. Nhưng biết đâu với con bò lại khác! Rút điện thoại hỏi con bò. Màn hình lóe lên, một tiếng bíp nhỏ, rồi tắt ngấm, rồi lóe lên. Trên màn ảnh, con bò đang bước ngoằn ngoèo…. Số là vì gã vừa được bổ xung văn hóa đầy ấn tượng, bước theo vệt trâu đái của con bò, gã đột biến tư duy ra đã làm văn hóa thì phải có văn chương. Tan trọn vẹn vào đêm giữa ban ngày trên cơ sở văn hóa cực kỳ xung kích này, gã hội chứng ra với một cuốn sách hay là có văn có truyện. Vì vậy chân gã cứ thung thăng mà bước theo văn mà không bị vướng vào câu. Tay gã cứ tự do vung vẩy theo truyện mà không ngại va vào chữ. Thế là êm. Vậy mà đã 8 giờ hơn.
Miệng gã lủng bủng ngay ngã ba đường giữa lòng phố thị: Mày đúng là thằng rồ hoa mướp.

      ***
Gã quan sát bên lề đường nhà ông ấm đất cây nào là cây me, cây sấu? Nhìn cửa nào là cửa thật, cửa giả. Rồi chả hiểu nghĩ sao gã móc cái điện thoại cầm tay bấm số ông ấm đất. Cái máy kêu tít tít. Từ lề đường Trần Hưng Đạo nhìn lên nhà số 90 ở trên tầng 3, gã biết chữ nhưng chữ không hề biết gã gọi vọng lên như gọi đò sang sông. Không ai trả lời.

Ắng im. Gã bò lên cầu thang để khoe chữ…
Gã gõ cửa và hỏi:
- Có ai ở nhà không?.

Ông ấm đất thò đầu ra:
- Đi vắng rồi.

                                                                         
Thạch trúc gia trang
                                                                                            Thu tận, Nhâm Thìn 2012
                                                                                           Ngộ Không Phí Ngọc Hùng  

Nguồn: Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Hưng Quốc
Nguyễn Danh Lam, Ngô Phan Lưu, Tchekov,
Nguyễn Đăng Mạnh, Vương Trí Nhàn, Hoàng Ngọc
Hiến, Nguyễn Huy Thiệp và một tác giả khuyết danh.