Friday, November 9, 2012

Trần Thị Nguyệt Mai


Chúc Mừng TQBT 12 tuổi




Trong một bài tập đọc thuở tiểu học, tôi vẫn còn nhớ hai câu:

Thời giờ thấm thoát thoi đưa
Nó đi đi mãi có chờ đợi ai …

Quả thật, thời gian trôi qua quá nhanh. Time flies - bạn Mỹ nói vậy. Mới ngày nào tôi bắt đầu được giao cho nhiệm vụ “thầy cò”, đến nay đã được hơn một năm rồi. Từ số 46 đến nay là số 54, 9 số báo. Như bạn đã từng biết, Thư Quán Bản Thảo là một tạp chí văn học nghệ thuật phát hành bất định kỳ, chỉ để dành biếu tặng cho thân hữu và những ai còn tha thiết quan tâm đến văn chương miền Nam trong thời chiến, do nhà văn Trần Hoài Thư và các bạn của anh chủ trương. Tạp chí không bán, không nhận quảng cáo. Vậy mà nó vẫn sống được đến nay là 12 năm. Chuyện không thể tin nhưng có thật. Bởi nó được sự thương yêu quan tâm chăm sóc đặc biệt của anh chị Trần Hoài Thư và các thân hữu, nhất là anh Trần Hoài Thư, người chủ nhiệm kiêm chủ bút, kiêm ấn công kiêm đóng sách, cắt sách và khuân sách ra bưu điện gởi đến tay bạn đọc. Một người tuổi đời đã ở thời điểm “xưa nay hiếm”,  trong khi có lúc chứng bệnh Gout và bệnh Joint không ngớt hành hạ, để có những hôm đau nhức quá, anh đã đi không nổi, chân lê cà nhắc, phải bò, phải lết, phải dựa vào chị, và anh đã chia sẻ với tôi: “Anh sẽ cố gắng tập trung cho số báo này (số 51 ra tháng 4 năm 2012) và chắc lâu lắm mình mới làm số kế tiếp”. Vậy mà sau đó hai tháng, anh ra số kế tiếp (số 52 phát hành tháng 6 năm 2012). Tiếp theo, số 53 – tháng 8 năm 2012, chủ đề Tạp chí Văn – anh lại in tặng phụ bản “Truyện từ Văn” gồm những truyện ngắn của anh đã đi trên Văn dày gần 300 trang, với bìa bọc ngoài ép bằng phim láng (laminating book jacket cover) màu đen rất sang trọng. Lại một lần nữa, anh điện thư cho tôi: “Em nghỉ ngơi cho khỏe, anh sẽ ngưng một thời gian…” Nhưng rồi tiếng gọi văn chương thôi thúc, anh lại tiếp tục ra số báo này, số 54, phát hành vào trung tuần tháng 10, mà bạn đang cầm trên tay.

Lúc mới bắt đầu làm việc với anh, tôi chỉ thuần sửa chính tả. Lúc này còn đang là “lính mới”, quên từ ngữ tiếng Việt khá nhiều, nên tôi đã khá lúng túng, email liên tục cho chị Cam Li và cho anh (khi cả hai chị em đều “bí”). Nhưng có một kỷ niệm đáng nhớ khi làm số 46 – tưởng niệm nhà văn Doãn Dân, là có một đoạn trong truyện Bàn tay của Yến bị thiếu (chỉ là một đoạn trắng, đọc không thấy liên tục). Tôi copy và paste vào email để hỏi anh, thì thật bất ngờ, những hàng chữ hiện ra, câu văn rất hoàn chỉnh. Tôi bèn highlight màu đỏ đoạn này báo cho anh biết và anh cũng đã chia sẻ với độc giả ở ghi chú số (1) của bài Sống và Viết trong số báo nói trên.

Là “thầy cò” của một tạp chí văn học “đặc biệt” – “đặc biệt” vì bài vở, hoặc do tác giả cung cấp, hoặc do sưu tầm tài liệu và đánh máy lại, không thể tránh khỏi tình trạng “tam sao thất bổn”. Tôi không chỉ sửa lỗi chính tả, mà đã phải đọc từng chữ từng câu. Khi thấy ý tưởng không liên tục, là biết những chỗ nhảy dòng, bị thiếu một đoạn, là phải điện thư xin anh gởi bản PDF để đọc rồi điền vào những chỗ thiếu sót. Tôi sửa bản thảo kỹ như vậy, nên mất nhiều thời gian, và hình như điều này không làm cho anh vui, vì anh luôn muốn tôi thoải mái, đừng mất quá nhiều thời gian cho tờ báo mà số phát hành rất khiêm tốn so với tạp chí Văn hay Bách Khoa của ngày xưa. Nhưng bù lại, tôi được niềm vui đóng góp một phần thật nhỏ của mình trong việc giữ gìn di sản văn chương miền Nam.

Sau này, khi đã quen việc, anh cho tôi phụ đánh máy những bài ngăn ngắn, trình bày hình ảnh trang trong và cả bìa nữa (bìa số 52). Hai anh em làm, góp ý cho nhau, nhưng anh vẫn là người chính. Anh giỏi computer và có đôi mắt nghệ thuật. Bởi vậy, sau này, bạn đọc đều khen tờ báo trình bày rất trang nhã đẹp mắt. Nhân đây, tôi muốn nói lời cám ơn với họa sĩ Đinh Cường. Anh đã giúp tôi ý kiến và cho phép dùng tranh của anh để làm bìa cũng như trang trí tờ báo khi tôi cần đến.

Làm việc với anh Trần Hoài Thư rất vui vì tính anh cởi mở.  Tôi cũng được học hỏi nhiều điều. Có thắc mắc gì được phép hỏi anh hoặc tác giả. Như khi làm cuốn 49, số báo Giáng sinh và giới thiệu tập thơ “Sao em không về làm chim thành phố” của nhà thơ LâmVị Thủy. Tôi không hiểu “xếp tanh” là gì. Hỏi anh, anh cho biết từ gốc chữ Pháp “chef de train”, là nhân viên hỏa xa phụ trách tổng quát trên xe lửa. Cũng như khi đọc từ “nhảy diều hâu” trong các truyện của anh, tôi thắc mắc thì được anh giải thích: Nhảy diều hâu là một chiến thuật dùng trực thăng loại nhỏ bay nhanh, thả toán quân xuống đánh chớp nhoáng, sau đó trực thăng bốc lên. Như thể con diều hâu từ trên cao thấy mồi ào xuống chụp mồi...

Có khi anh em chúng tôi cùng trao đổi ý kiến về bài chọn đăng. Như số báo 49 chủ đề Giáng Sinh, anh có truyện ngắn “Nay Lát” và một truyện ngắn Giáng Sinh khác về người tù cải tạo. Anh hỏi tôi thích truyện nào hơn. Tôi thú thật với anh là truyện nào cũng hay và tôi đều thích. Nhưng tôi đề nghị anh đi truyện Nay Lát để độc giả hiểu được rằng trong khi mọi người bình an vui hưởng một Giáng Sinh đầm ấm bên gia đình thì có những người lính đang dầm mưa lạnh cắt da trong đêm tối truy kích địch để giữ yên vui cho hậu phương. Tôi cũng đã hỏi anh về truyện “Ban Mê Thuột, mùa cỏ may” trong số báo 50 rằng: “Sao anh cho người lính mới hai mươi mấy tuổi trông như ông già 60 mà không có một lời giải thích nào.” Anh nói có giải thích thì em và độc giả cũng không thể hiểu được đâu, nhưng anh cũng chiều ý tôi viết thêm một đoạn ngắn. Sau này khi có dịp đọc thêm nhiều truyện ngắn của anh, tôi đã hiểu được rằng đời lính rất gian khổ.  Nơi chiến trường, viên đạn kẻ thù không chừa một ai, đối diện với cái chết từng giây phút, có người lính nào giữ được nét thanh xuân và không già đi trước tuổi?

Thế hệ chúng tôi mang đầy vết sẹo
Vết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồn
Không phạm tội mà ra tòa chung thẩm
Treo án tử hình ở tuổi thanh xuân
(Trần Hoài Thư - Thế hệ chiến tranh)

Trong số họ, có những người cũng là người cầm bút, mà anh là một. Và, đã có những người vĩnh viễn ra đi, như các anh Y Uyên (tử trận ở Nora, Phan Thiết), Trần Như Liên Phượng (tử trận ở Chương Thiện), Doãn Dân (tử trận ở vùng hỏa tuyến), Song Linh (tử trận ở Mộc Hóa), Hoài Lữ Lữ Đắc Quảng (tử trận ở Bình Chánh - Gia Định) …

Trong cuộc chiến, họ đã “nhận án treo tử hình” để giúp cho người khác được sống, thì sau cuộc chiến họ bị mang tiếng là “ngụy”, bị bôi nhọ, trả thù một cách hèn hạ ở ngoài đời và trong tác phẩm văn học chiến tranh.
Nên bây giờ, trên tạp chí Thư Quán Bản Thảo do anh và các bạn chủ trương, anh đặc biệt muốn giới thiệu với độc giả những bài viết của những người lính trận miền Nam.  Anh muốn trả lại danh dự cho họ, không thể để họ bị chìm trong quên lãng, và cũng để giới thiệu với các bạn trẻ được sinh ra sau này về văn chương miền Nam đã có một thời như thế. Anh muốn nói lên sự thật, bảo vệ sự thật. Anh đã lên tiếng trước những dối trá, bôi nhọ hình ảnh người lính VNCH của nhà văn Bảo Ninh trong tác phẩm Nỗi Buồn Chiến Tranh. Trong đoạn cuối của bài “Đối thoại với một nhà văn”, anh viết:

Tôi cũng viết lai rai, và có trăm ngàn chuyện để viết về mấy năm làm Trung đội trưởng thám kích. Nhưng mỗi lần đặt bút lên là lòng tôi lại quặn đau. Tôi không dám kể hết về những gì mà chiến tranh đã gây nên. Tôi không thể không quằn quại khi khui lại, mở lại những sợi gân đã buộc chặt vết thương. Tôi sợ mang nỗi buồn cho con cháu tôi. Bởi vậy tôi phục anh vì anh dám mở toác loác cái vết thương. Tôi đã đau từng dòng anh viết. Tôi yêu văn nồng nàn chất liêu trai của anh. Anh quả là một nhà văn tài hoa chữ nghĩa. Có điều, một nhà văn có tài, không phải là tài ở những chuyện bịa đặt, để lường gạt những người ngây thơ nhẹ dạ, hay không có kinh nghiệm. Ông ta phải biết thành thật, cho chính ông, và độc giả của ông và cả kẻ thù của ông nữa. 

(Đối thoại với một nhà văn trong tập truyện Đại đội cũ, Trang sách cũ của Trần Hoài Thư do Thư Ấn Quán tái bản năm 2010)

                                                                                                                                                                
Ngày xưa anh là một chiến sĩ cầm súng thì ngày nay anh là một chiến sĩ cầm bút để nói lên sự thật, để mọi người được hiểu mà không bị mê hoặc hay ảo tưởng. Hằng ngày anh vẫn tiếp tục tìm tòi thử nghiệm sáng kiến để tiết kiệm tiền bạc, công sức và chia sẻ với mọi người trên trang blog của anh. Như gần đây nhất là việc tự động hóa việc ép phim loại lạnh (Cold laminating film automatization), dùng trong việc ép bìa sách bằng laminating film mà bìa không bị cong,vẫn phẳng láng như mặt kiếng, hay, how to reset belt on OKI C5300N… Nhờ vậy, những đầu sách do Thư Ấn Quán in ra vốn rất có giá trị về nội dung thì nay càng ngày càng đẹp hơn về mặt hình thức. Nó cũng giúp anh có sức chống chọi với nền kinh tế nhiều biến động hiện nay mà những tờ báo bán, hoặc đã phải thay đổi thời gian phát hành dài ngày hơn, hoặc không chịu nổi đã phải đóng cửa… Còn anh, tự tay chăm sóc mọi việc, “lấy công làm lỗ”, sách báo chỉ dành tặng biếu mà không bán, để đổi lại những niềm vui bất tận khi độc giả gửi thư ủng hộ việc làm của anh hay khen tặng một cuốn sách, một bài báo do Thư Ấn Quán xuất bản hoặc đăng trên Thư Quán Bản Thảo.

oOo

Cho tới hôm nay, tạp chí Thư Quán Bản Thảo đã tròn mười hai tuổi. Mười hai năm đã qua, hẳn anh và các bạn của anh khi khai sinh ra nó, đã không ngờ được nó có thể sống hùng và sống mạnh đến bây giờ, ngày càng có nhiều độc giả hơn, mặc dù báo không bán và không nhận một đồng tiền quảng cáo hoặc tài trợ từ bất cứ cơ quan hoặc cá nhân nào. Có nhiều người viết về anh, nhưng tôi thích nhất câu của nhà văn Nam Dao: “Nước chảy dễ gì trôi bóng chữ”. Vâng, thưa anh, thời gian sẽ qua, nhưng những đầu sách do Thư Ấn Quán xuất bản sẽ còn mãi. Ngay cả độc giả trong nước cũng đã biết đến anh và nhờ thân nhân của họ ở Mỹ đặt mua hai bộ Văn và Thơ Miền Nam, chứng tỏ ngày càng có nhiều người biết đến việc làm của anh “giữ gìn di sản văn chương miền Nam thời chiến”, mà một thời đã bị cho vào lửa đốt không thương tiếc, là rất đáng trân trọng, rất đáng khuyến khích. Bạo lực có thể giành được chính quyền, nhưng chính là lòng nhân ái mà những tác phẩm này nói lên sẽ thu phục lòng người vĩnh viễn. Dù không có mười hai ngọn nến thắp trên chiếc bánh sinh nhật, nhưng tôi tin rằng anh đang rất vui, rất ấm lòng với tình thương mến, ủng hộ của độc giả ở khắp nơi cũng như những thành quả mà Thư Quán Bản Thảo, Thư Ấn Quán và chính anh đã đạt được.

Chúc mừng sinh nhật của Thư Quán Bản Thảo và em cũng xin được chia vui với anh chị. Cầu xin Ơn Trên ban cho anh chị một sức khỏe tốt để tiếp tục đi trên con đường mình đã chọn.

Trần Thị Nguyệt Mai
21-9-2012

No comments:

Post a Comment