Nguyễn Anh Khiêm
7.
Những năm cuối thế kỷ trước, có lần tôi
được dự một buổi hội thảo về thơ thiếu nhi do hội nhà văn và hội giảng dạy văn
học thành phố tổ chức (cái hội sau này tôi không chắc nhớ đúng tên nhưng đại
loại liên quan đến việc giàng dạy văn thơ cho học sinh phổ thông, không thấy
hoạt động gì nhiều, đã lâu không còn nghe nhắc tới). Người giới thiệu và điều
khiển chương trình là một nhà thơ nay tôi quên mất tên ông, chỉ nhớ ông nói
giọng Bình Định hay Quảng Nam gì đó và dường như ông là nhà thơ “chuyên” về thơ
thiếu nhi. Ông nói rất lâu về sự cần thiết phải “đẩy mạnh” phong trào làm thơ
cho thiếu nhi vì theo ông, thơ thiếu nhi hiện rất yếu và thiếu.
Gần cuối buổi hội thảo đó, (nói hội thảo
là kiểu nói quen dùng chứ e không đúng, vì tới phiên mình, diễn giả nào cũng
lôi bài viết sẵn trong túi ra đọc, hết người này đến người khác, không có gì là
thảo hết). Tôi cũng được nói 15 phút, yêu cầu chính là mọi người muốn biết thơ
trong sách giáo khoa cho bậc tiểu học tác dụng ra sao đối với thiếu nhi trong
trường học phổ thông, “chất lượng” thơ như thế cao hay thấp…Tôi không có bài
viết sẵn, chỉ mấy ý đơn giản, nhận thấy sao thì báo vậy. Thơ thế nào thích hợp
với thiếu nhi theo”tiêu chí” hiện nay, công nhận rất khó, thơ vừa hay vừa thích
hợp cho thiếu nhi càng khó vì ít quá.
Có điều tôi không tin ta có thể động viên
mọi người viết thơ cho thiếu nhi được. Những bài “sáng tác” trong tinh thần
động viên đó, nếu có, cũng vội trôi qua mau như nước dưới cầu mà thôi. Thơ
trong sách giáo khoa không phải hoàn toàn dở nhưng vì có vẻ phải chia đều cho
nhiều tác giả, thậm chí chỉ vì ông lớn nên được trích giảng, bất chấp giá trị
thât thế nào, do vậy phần nhiều thơ đó chỉ lưu lại một vùng trắng nơi tâm thức
trẻ thơ. Chúng quên rất mau những bài thơ được học.
Thực tế đó rất dễ kiểm chứng. Trẻ con cảm
nhận hay dở không thua người lớn mấy, những bài nội dung minh bạch, mục đích
yêu cầu cụ thể nhưng diễn đạt vụng về, gần với vè thì dù có bắt học thuộc lòng
nghiêm khắc tới đâu, thời gian ngắn sau đó, các em cũng quên ngay.(nhưng
nếu vè thật thì ít quên hơn, tại sao? Phải chăng đúng vè thì cũng có cái
duyên riêng?). Không phải việc của mình nhưng tôi cũng xin đề nghị nên bỏ bớt
chương trình ngữ pháp, thay vào đó, tăng cường dạy thơ cho học sinh phổ thông.
Biết đâu học thơ chính là một cách học…ngữ pháp! Đừng sợ thơ khó, trẻ con
“hiểu” thơ không phải qua ý mà qua cảm nhận về ngôn từ, về hình ảnh, về âm
thanh của từ của câu nữa.
Tôi kể lại rằng có lần tôi đọc đoạn thơ
khó của một tác giả hiện đại cho lớp học sinh giỏi văn rồi hỏi các em nghĩ gì
về đoạn thơ đó. Một trong các em trả lời rằng không hiểu lắm về nội dung nhưng
em thấy hình ảnh và lời thơ rất đẹp và gợi tả, muốn ghi để đọc lại nhiều
lần.*Ai cũng biết truyền thống văn nghệ không gián đoạn, lâu bền và dễ nhận
thấy nhất của dân tộc ta là thi ca, (bà tôi không biết chữ Nôm, chữ quốc ngữ
nhưng hiểu và thuộc không biết bao nhiêu ca dao). Ngôn ngữ chúng ta nghèo danh
từ diễn đạt các khái niệm trừu tượng nhưng mặt khác, rất giàu từ ngữ đầy ảnh
tượng tả hình trạng sự vật và cảm xúc của nhân quần (nhà văn Võ Phiến gọi là
cảm từ). Mà ai cũng biết ảnh tượng là yếu tính nổi bật nhất của thi ca. Cho nên
ngôn ngữ dân tộc ta rất …nên thơ.
Học giả Đặng Tiến có nói đại ý rằng thơ
là con đường dễ hơn hết khơi gợi được mỹ cảm, kể cả đạo đức nơi tâm hồn trẻ em.
Cũng không nên sợ thơ khó, trẻ em không hiểu. Chúng tôi được học Cung Oán Ngâm
Khúc từ năm lớp sáu, lớp bày. Lúc bấy giờ mặc dù thầy có giảng nhưng cũng
chỉ hiểu lỏm bỏm phần từ ngữ (chẳng hạn) thệ thuỷ, cổ độ, thu phong, tà huy,
phong trần, sơn khê, tang thương, ảo hoá, phù sinh…Nhưng khi đọc cả câu thơ,
vẫn “cảm” được nội dung của chúng. Phải chăng nhờ những động từ, tính từ gợi
hình đi theo các từ chữ Hán?(ngồi trơ cổ độ, đứng rũ tà huy…)Hay âm thanh của
từ? Hay âm nhạc nơi câu thơ? Chắc là tất cả. Nên chi đừng lấy nội dung dễ dãi,
mục đích yêu cầu cụ thể làm chuẩn mực chính khi chọn thơ trích giảng.
Tôi có nhắc tới một nhận định của Thanh
Tâm Tuyền về nội dung thơ để dẫn chứng (Tất nhiên lúc đó tôi không dám nói tới
tên ông mà chỉ nói “một nhà thơ”) và để chấm dứt, tôi mượn lời nhà phê bình
Đặng Tiến ( tôi vẫn không dám nói tên mà chỉ nói một nhà phê bình, kể ra tôi
cũng lo sợ hơi quá trong trường hợp này!): “Tâm hồn Việt nam, phần óng ả nhất,
được dệt bằng thơ. Chút tơ lòng nọ liệu nay còn bền chặt chăng?”, tôi nói thêm
rằng còn bền hay không trách nhiệm ở nơi các nhà sư phạm đừng xem thơ chính là
những bài giáo dục công dân.
Sau đó, nhà thơ Bùi Chí Vinh lên diễn
đàn, tôi cũng vui nghe ông bảo hoàn toàn “nhất trí” mấy điều tôi vừa trình bày.
Đến nay đã cuối thập niên đầu TK 21, mọi sự cũng chẳng có gì khác. Cả núi báo
chí giấy tờ sách vở đã viết về cải cách giáo dục, e rằng cũng sẽ còn tiếp tục
kêu gào trong vô vọng vì những người gọi là có trách nhiệm vẫn trơ như đá và
nhất là vững như đồng trên chiếc ghế quyền lực. Chỉ tội cho những người lạc
quan, ngây thơ và kém hiểu biết (như tôi) mới kỳ vọng nơi ông bộ trưởng này rồi
ông bộ trưởng khác trong vai trò cải cách, không dám nghĩ rằng phài cải cách
nền chính trị trước rồi sau mới có cửa cho đồi thay giáo dục. Nay tôi xin trích
lại đoạn văn của Thanh Tâm Tuyền vừa nhắc trên đây hòng làm rõ thêm ý
kiến của mình:
THẰNG CUỘI
Thằng
Cuội ngồi gốc cây đa
Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên
Ông thì cầm bút cầm nghiên
Ông thì cầm tiền đi chuộc la đa
“ Mấy
câu ca ngờ nghệch này chắc chắn thằng con tôi sẽ thuộc rất mau như bố nó thuở
bé. Nó sẽ đọc khi đùa chơi, nó sẽ nhớ mãi cùng với hình bóng chập chờn của
thằng Cuội. Để đến một ngày nào khi đã lớn bỗng nó nhận ra như tôi hôm nay là
những câu ca của tuổi nhỏ trong suốt, tự nhiên kia nay thật mờ đục, tối nghĩa.
Tôi đã tự hỏi cái ý nghĩa kết hợp thống nhất sáu câu lục bát trên là gì? Nếu
thằng con tôi bắt tôi giảng cho nó hiểu, tôi sẽ phải bịa đặt ra nhũng chuyện gì
cho “hợp lý”.
Nhưng thằng con tôi nó chẳng hỏi han gì
cả. Nó lắng nghe tôi đọc, nó lặp lại từng câu và nó sung sướng. Tôi không cần
phải giảng vì nó đã hiểu. Nó đã hiểu theo lối của nó, như tôi thuở bé đã hiểu
vậy. Chúng tôi, hai bố con nhìn nhau, đã hiểu mấy câu ca ấy như thế nào? Không
nhiều nhưng thật đủ. Thằng Cuội đón đứa trẻ chăn trâu ngồi tựa gốc cây đa”ời
ời” kêu cha trong khi mẹ nó cưỡi ngựa đi mời quan viên: Mấy ông quan viên làm
cái gì, cuội không hiểu, tôi không hiểu và thằng con tôi không cần hiểu. Chúng
tôi chỉ cần “hiểu” là thằng Cuội không có cha mẹ ở gần, thằng Cuội bị bỏ rơi,
thằng Cuội lủi thủi suốt đời dưới gốc đa. Thằng Cuội là đứa trẻ bất hạnh.
Chính cái hình ảnh ấy của thằng Cuội đã
xoá sạch trong lòng những đứa trẻ hình ảnh thằng Cuội ‘dối trá”.” ( Tạp Ghi, Thanh
Tâm Tuyền, Chiêu Dương ấn hành, Sài gòn 1970)
Như vậy, xem ra thơ hay có phần không
phải vì ý tứ rõ ràng mà vì thơ đó khơi gợi được trong ta những nỗi niềm khác,
hình ảnh khác, cõi miền khác.
Nói cho công bằng, chẳng ai dám bảo không
có thơ hay về ý. Mấy câu thơ xuôi của Tô Thuỳ Yên sau đây không phải hay ví ý
tưởng tân kỳ sao?
-Tôi
là Tô Thuỳ Yên là thi sĩ là người chép sử tương lai.
Vốn học hành dang dở nên ra dứng bờ cuộc đời ngó xuống hư vô khi mùa hạ
đốt bừng lên những hàng đuốc phượng.
-Có khi cô đơn tôi xoè bàn tay gầy guộc ra xem thử chỉ nào bất hạnh.
Và Thượng Đế có chăng.
- Tôi chết rồi đây hơn một nửa những ngọn nến của đời mình tôi đã thổi
tắt hết từ lâu.
Hoạ chăng còn chút hơi thừa.
Nói đến tứ thơ, xin bàn thêm đôi điều thô
thiển. Đành rằng ai không từng buồn nhưng bọn phàm nhân mắt thịt như tôi mỗi
lúc cũng chỉ biết kêu lên”buồn quá” rồi thôi. Thi nhân cũng hay diễn ý buồn,
mỗi người mỗi cách, nhưng theo tôi, xuất sắc nhất trong văn học Việt nam chỉ
mấy câu thơ này (chắc chắn tôi chũ quan):
Sầu
đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê
Nguyễn Du
Tuổi
già thêm bệnh hoạn
Kháng chiến thấy thừa ta
Mối sầu như tóc bạc
Cứ cắt lại dài ra
Phan Khôi
Đêm
qua băc Vàm cống
Mối sầu như nước sông
Chảy hoài mà chẳng cạn
Cuốn phăng kiếp bềnh bồng
Tô Thuỳ Yên
Cùng là buồn nhưng cách diễn ý mỗi người
mỗi vẻ, kiểu nào cũng so sánh đầy hình tượng, cụ thể và riêng tây. Hỏi có cách
gì tả mối sầu dai dẳng không bao giờ dứt đạt hơn thế không? nhất là hai tác giả
sau: độc sáng, tối ưu, giản dị mà mới mẻ lạ lùng. Nguyễn Du buồn cho thân bóng
lẻ loi câm lặng của một hàng thần lơ láo. Cụ Phan tiết tháo, cô đơn, buồn trong
những tháng ngày thừa và tật bệnh của một kiếp dư sinh trên núi rừng chiến khu
tây bắc. Tô Thuỳ Yên viết những câu thơ bất hủ trên đây lúc mới mười tám mười
chín tuổi nơi quê nhà, (Sài thành hoa lệ?) Cớ gì mà anh sớm héo sầu quá
đỗi vậy, Tô quân!
Về thơ cho thiếu nhi, nhớ có lần tôi cho
học sinh giỏi lớp 5 đọc bài thơ sau:( Tôi ghi lại bài này theo trí nhớ trong
cuốn “ Le Francais par la radio “ của đài phát thanh Pháp Á hồi thập niên 1950,
được dịch sang Pháp văn).
HÁI SEN
Em
nhớ mùa sen nở
Em cùng chị ra ao
Chị bảo em bưng rổ
Chị đi trước, em sau
Hôm sau lúc ra chợ
Để bán rổ hoa sen
Rằng chị ơi hãy nhớ
Mua em bánh với kèn
Đến nay mùa sen nở
Chỉ mình em hái sen
Chẳng có ai ra chợ
Mua cho em bánh, kèn
Bên đầm sen lại nở
Nhưng chị đã theo chồng
Em bâng khuâng hồi nhớ
Thuở cùng chị bẻ bông
Trần Văn Hai
(Chắc tôi quên một khổ, khổ tiếp sau khổ
đầu, nói chuyện hái sen, người chị không cho em xuống đầm vì sợ chân em lấm
bùn, tôi nhớ ý nhưng quên hết lời thơ, độc giả ai biết xin vui lòng bổ sung,
xin đa tạ).
Tôi nhớ giáo sư Meillon đại ý cho rằng
đây là bài thơ tuyệt vời , tứ thơ giản dị, cảm xúc chân thành, tâm tình trong
sáng như nước trong nguồn chảy ra, nỗi buồn của em bé xa chị tưởng như nhẹ
nhàng nhưng vô cùng sâu lắng khiến người đọc rưng rưng cảm động.
Tôi
cũng lưu ý để các em được rõ, trước đây không lâu, không gian cách trở là một
bi kịch của cõi nhân sinh trong xã hội nông nghiệp lạc hậu. Người chị trong bài
thơ lấy chồng rồi có thể đi biền biệt. Núi sông cách trở, đi lại khó khăn tốn
kém, có thể vì nghèo, vì gia đình nhà chồng khe khắt…nàng không dễ gì và sự
thật, có người không bao giờ được một lần về thăm lại quê hương, cha mẹ. Ta vẫn
nghe người xưa bảo thà tử biệt còn hơn sinh ly. Ta hình dung em bé ôm nỗi nhớ
ngồi thẫn thờ bên bờ cỏ. Phải chăng niềm đau của em không khác gì nỗi tiếc
thương mất mát người thân trong cái chết?
Trong khi tôi nói, cả lớp cứ ngoái nhìn
em nữ sinh ngồi nơi bàn gần cuối lớp, em áp mặt trên hai cánh tay khoanh đặt
trên bàn, thổn thức. Cuối giờ tôi đến hỏi han, em rụt rè đáp:
- Thưa thầy, chị con đi vượt biên, mất
tích ngoài biển.
8.
Ngay những năm đầu sau 75, đời sống vật
chất, tinh thần của lớp người cũ hoàn toàn suy sụp. Những hy vọng và tin tưởng
ban đầu mau chóng tan vỡ lặng tờ như bong bóng xà bong. Cuộc phân tranh nam bắc
dằng dai ác nghiệt, đẫm máu và nước mắt, nay tới hồi kết thúc mà mình vẫn sống
sót, dù bị thiệt thòi tới đâu, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Hầu như mọi người đều
nghĩ đất nước sạch bóng ngoại nhân, dẫu cọng sản hay chế độ nào cai trị, khắt
khe tới đâu rồi ra cũng chịu đựng được, bởi lẽ cùng là “đồng bào” cả. Sống sót
là phước lớn rồi. Ăn muối cũng…sướng.
Nhưng rồi té ngửa hết. Sự đời đâu có
đơn giản vậy. Mọi giá trị vật chất, nhất là tinh thần, đảo lộn dữ dội tới mức trước đó, không
ai đủ trí tưởng tượng để có thể hình dung . Nhà giáo chúng tôi cũng đi từ ngạc
nhiên này đến chưng hửng khác. Ngôn từ thì lạ lẫm, danh xưng nghề nghiệp, các
bậc học, các danh vị, cách thi cử, học sinh đậu rớt… đều khác lạ. Không lạ sao,
nội chuyện gọi cấp hai bậc trung học phổ thông là phổ thông cơ sở, tại sao? Anh
Trần Phong Giao hỏi tôi dịch sang tiếng Pháp chẳng hạn thì dịch sao, tôi nói
không biết. Cách chấm bài thi cũng lạ nữa. Bài nghị luận văn chương của thí
sinh càng giống sách giảng văn (do bộ phát hành) chừng nào thì điểm càng cao
chừng nấy. Cách chấm bài văn cũng độc đáo. Thang điểm chặt chẽ tới từng chi
tiết, thí dụ thân bài có ba ý lớn, ý một gồm ba ý nhỏ, mỗi ý bao nhiêu
điểm… Còn dạy thì tất cả tập trung dạy
thế nào để học sinh “nắm” sách giáo khoa thật “nhuần nhuyễn” là dạy giỏi. Đi
thi mà lý luận, thậm chí chép đúng sách giảng văn thì cũng là giỏi văn. Tổ chức thi tốt nghiệp
phổ thông vô cùng rình rang, nặng trịch về hình thức. Số ký danh của thí sinh
phải đánh số thay đổi vị trí ngồi từng
buổi, giám thị ngồi sai vị trí thì bị phê bình. Hội đồng chấm cũng đầy những
quy định nhiêu khê, mệt mỏi. Tất cả những bày đặt rườm rà đó để dẫn tới kết quả
gì? Đó là học sinh năm nào cũng đậu gần 100%. Sở dĩ “gần” là tại có em… bịnh
hoặc bị tai nan, (xe cộ chẳng hạn). Mấy chục năm rồi vẫn thi như thế và đậu như
thế. Không lạ sao? Đã biết học sao cũng đỗ, thôi thì “phân quyền” cho trường
phổ thông lên danh sách học sinh “đạt yêu cầu” cho đỡ hao tốn tiền của, ham gì
tấn tuồng thi cử chiêng trống rình rang chẳng chút lợi ích cho ai! Cũng không
thể không ngạc nhiên khi thấy mãi cho đến hết mười năm đầu thế kỷ 21 mà chuyện
thi trắc nghiệm, chuyện phân ban ở bậc phổ thông cũng vẫn còn ì ạch trong thử
nghiệm và …tập huấn. Nghe đâu đã tốn mười mấy tỷ đồng mà vẫn chưa thực thi
được, trong khi miền nam đã phân ban từ trước 1960 và thi tú tài trắc nghiệm
trước 1970, chẳng nghe nói tập huấn và thử nghiệm hồi nào.
Thời gian này các giáo viên được lưu
dụng cũng quen dần ngày 20 tháng 11, bắt đầu nhận quà của học sinh không ngượng
ngùng như những năm mới mẻ sau 75. Thiếu thốn, cơ khổ quá rồi thấy học sinh
biết ơn bằng quà cáp, bao thư…cũng tự nhiên. Đâu biết tư cách ông thầy, do đó
cũng tự nhiên dần dần mất trắng. Một lần nghe con gái tôi kể cô giáo chủ nhiệm
của lớp nó nhắc công khai, các em có cho cô áo dài thì cho vải này…màu nọ… Con
nhỏ cũng biết phàn nàn: “cô kỳ thiệt”. Chẳng bù ngày trước, tết đến, thầy nào
vào lớp cũng móc bóp cho tiền học sinh mua bánh kẹo ăn tất niên, cho nhiều, ăn
phủ phê, dư tiền làm quỹ lớp. Thầy dạy trường tư thì xem sổ sách tìm em nào học
giỏi giúp đỡ bằng cách đóng học phí cho em đó, có khi giấu tên, văn phòng chỉ
việc báo cho em biết có người giúp em học phí rồi. Một truyền thống tốt đẹp nay
đã tuyệt đối bị loại bỏ là hằng năm, cứ sắp hè y như rằng các hãng buôn, thương
gia, các tờ báo lớn, thầy cô đều tự nguyện đóng góp tiền bạc, phẩm vật giá trị
để gởi đến các trường phát thưởng, chỉ thiếu sót một điều là không có…giấy
khen. Học sinh lãnh thưởng có khi phải về bằng cyclo vì quá nhiều từ điển, sách
vở. Nói ngay cũng phải thôi. Lương thầy cô bấy giờ quá khiếp. Sơ sơ giáo học bổ
túc dạy tiểu học lương khởi điểm 4800 đồng , trong khi lương cán bộ xây dựng
nông thôn và miền núi chỉ 600 đồng (vàng 500 đồng/chỉ). Cũng chẳng hiểu cớ gì
chính quyền hồi đó coi trọng ngành giáo quá đáng vậy nữa (trước 1965). Nhưng
những năm tháng này hẳn là hào quang cuối cùng của những ngọn pháo bông chót
của ngành giáo dục, bởi lẽ sau đó chỉ
liên tục những thoái trào. Cho đến những năm sau 75 thì kết thúc hành trình để
xuống tận đáy xã hội. Hoàn toàn có thật, đi đâu ai hỏi hồi này làm gì, nói vẫn
còn đi dạy học, tự nhiên thấy ngượng ngùng, thảm hại. Ông thầy bị xã hội miệt
thị, giễu cợt thậm tệ. Tới thăm người bạn đồng nghiệp, cụ thân sinh anh nhìn
chúng tôi cười ái ngại: “Sĩ đáo cùng thời sĩ giáo nhi”. Người xưa đã phán vậy, chẳng
trật đường nào. Ngoài mươi năm lóe sáng bất thường, phải chăng ngành giáo dục
đã được trả về với giá trị thật của nó? Thế thì chỉ nên tự trách mình thôi.
Nghe đâu bên Mỹ nghề giáo cũng là the last choice của thanh niên mà. Hồi này
mang túi xách đi lạng quạng trên lề đường thường bị người ta hỏi:
-Gì đó ông thầy? Có gì bán không? Đi xe
đạp láng cháng trên phố, bị đứa nhỏ qua mặt hất hàm hỏi:
- Đi gì kỳ vậy ông…thầy?”
Thầy tuốt hết. Nghèo hèn, tả tơi là thầy.
Quờ quạng, vụng về…cũng thầy. Mà đâu có sai. Nhà tôi có gì coi được liền bị các
bạn đồng nghiệp người Bắc hỏi mua, tất nhiên nếu mình không bán thì thôi, khổ
nỗi, mình cũng muốn bán. Bán rồi oán giận vu vơ. Lúc đầu là xe Suzuki, sau là
tủ buffet, quạt để bàn rồi “tất yếu” đến quạt trần, cuối cùng là…nấu khoai mì
chở xuống trường nhờ mấy cô căn tin bán giùm lớp đêm bổ túc văn hóa. Có lần tôi
về Hội An thăm nhà nghe cô em của người bạn là giáo viên tiểu học kể rằng trong
giờ dạy, lợi dụng lúc học sinh làm bài, cô “tranh thủ”…lặt rau muống, bà hiệu
trưởng nhìn thấy nhưng vẫn làm ngơ vì một lát bà được lấy phần rau già cho heo.
Lần về này tôi cũng ngạc nhiên thấy một banderole giăng ngang đường Lê Lợi thị
xã Hội an “Thằng trời đứng qua một bên, để cho thủy lợi đứng lên làm trời.”
(Cho đến trận lụt “lịch sử” 2009 thì thủy lợi làm trời thật, trời xả nước hồ
thủy điện gây nạn hồng thủy, nhấn chìm nhà cửa, ruộng nương; lúa má, heo gà
trôi giạt trong làn nước dữ đỏ ngầu chưa từng thấy bao giờ). Ở Sài gòn bọn tôi
cũng đi làm thủy lợi nhưng không thấy câu này, chỉ nghe truyền nhau câu đối
chơi chữ “Ra kinh thấy kinh sợ kinh”. Em tôi dạy tại một ngôi trường nhỏ chơ vơ
bên bờ sông Thu bồn, ngó mông qua bên kia, bãi cát trắng bát ngát nối tiếp bờ
liễu xanh rờn vẽ một vệt đậm tới tận chân làng xa. Chắc nhạc sĩ Hoàng Nguyên
ghi lại cảnh này trong một khúc hát đẹp nhất của ông: Ngày anh ra đi, rặng liễu chưa xanh màu, mà nay bên sông liễu khuất bến
giang đầu, mười mấy năm qua rồi, còn gì đâu…còn gì đâu…
Em tôi kể, có lần đang giờ học, thình lình
nghe tiếng nổ ầm giật thót người, bỗng các em trai trong lớp đồng loạt, đứa
chạy ra của lớn, đứa thoát ra cửa sổ. Cô hốt hoảng không hiểu chuyện gì. Chúng
lao mình xuống sông bắt cá, vì có người đánh cá bằng lựu đạn, chúng nhào xuống
bắt hôi. Cô thấy chuyện kinh khủng quá, đang giờ dạy, chúng thoải mái mưu sinh
kiểu đó, có đứa chết đuối thì chính cô chịu trách nhiệm. Cô yêu cầu hiệu trưởng
mời phụ huynh, ai cũng hứa sẽ la rầy chúng. Một bà tỏ ra thông cảm với nỗi lo
của cô giáo, cũng ngỏ ý xin lỗi nhưng không quên nói thêm:
- Mà thưa cô, cũng tội nghiệp cô hỉ, hắn
bắt được một xâu cá dài cô nghe!
Cũng có đửa lên khỏi nước trở về lớp, áo
quần ướt nhẹp, đưa xâu cá trước mặt cô cười cười:
- Em cho cô nè.
Đã đành rằng mỗi thời, mỗi xã hội đều có
chữ nghĩa riêng phản ảnh học thuật, văn
hóa, cách cai trị… của chính quyền thời đó, không ai hơi đâu bắt bẻ chuyện chữ
nghĩa, danh từ, có điều không khỏi lạ tai khi nghe, ví dụ, dạy thêm cho học
sinh kém thì nói rặt chữ Hán phụ đạo, (không thấy gọi giáo viên chủ nhiệm là
đạo sư), ngạch trật là biên chế, bài soạn là giáo án, chuyện bịa, tưởng tượng, thành hư cấu,( thời
gian lâu tôi mới hết khó chịu với chữ này, cái gì mà cấu cấu…nghe ghê!), vào
lớp thành lên lớp, tiêu chuẩn thành tiêu chí, lưu dụng là lưu dung (tôi e người
đánh máy văn thư quên bỏ dấu rồi chữ đó trở thành…pháp lệnh chứ lưu dung ở đây
có nghĩa gì?) . Không khỏi ngỡ ngàng lần đầu nghe kiểu nói như pháo nổ rất chất
lượng, cú đá có chất lượng cao, học sinh báo cáo…quân số, đi ăn đặc sản, bão đổ
bộ vào đất liền (chắc lúc ngoài biển bão đi tàu thủy). Cho đến những năm đầu
thập niên 80, chuyện chữ nghĩa cũng vẫn còn gây hiểu lầm lôi thôi. Lê H.Dũng
bạn tôi dạy hóa có tiếng, một hôm ông cán bộ người bắc dẫn con đến xin học, ông
bảo:
- Xin thầy giáo cho con tôi đăng ký học
thêm.
Ông thầy thong thả:
- Tôi là thầy chớ không thầy giáo chi hết,
bộ ông nói thầy giáo để phân biệt với thầy cúng, thầy tụng, thầy bói…hả? Ông
dẫn cháu về đi, lớp hết chỗ rồi.
Người miền nam nghe ra trong chữ thầy
giáo, cô giáo có ý xách mé, khinh miệt trong khi ông phụ huynh nọ hiểu theo
nghĩa bình thường (cũng như chữ ý đồ, miệt trong hiểu theo nghĩa xấu). Chắc ông
cũng ngạc nhiên sao ông thầy lại phản ứng bất ngờ như vậy. Ngược đời một nỗi,
ngôn ngữ mới đầy chữ Hán nhưng hầu hết giáo viên miền bắc “chi viện” hầu như
không ai viết được chữ Hán, từ già tới trẻ. Bà hiệu phó chuyên môn trường tôi
tên Bích, một hôm ngồi nói chuyện với năm ba người tại phòng giáo viên, không
biết bà lỡ lời hay sao, nói mình có biết chữ Hán chút ít, Nguyễn V Thanh, anh
giáo viên trẻ có tiếng đớp chát, hỏi
thẳng ngay:
- Tên chị là Bích, bích là hòn đá xanh,
bích là ngọc, là màu xanh, là bức tường…tên chị là chữ nào, chị viết thử…
Bà hiệu phó lúng túng :
- À…à… lâu quá, tớ cũng quên.
Có một chuyện khiến không thể quên được
anh này. Năm 78, 79 gì đó, cuộc bầu cử quốc hội hay có khi hội đồng nhân dân,
diễn ra rất rầm rộ. Các ứng cử viên gồm nhiều thành phần, kể cả một bà nào đó
trong ngành vệ sinh đô thị, một ông thương binh cụt tay. Buổi học tập bầu cử
rất trang nghiêm, giáo viên chỉ ngồi nghe, thấy ai cũng “tài đức vẹn toàn”,
cũng được Măt trận Tổ quốc giới thiệu đàng hoàng, đâu ai dám có ý kiến gì nhưng
riêng Thanh đưa tay xin “phát biểu”. Mọi đôi mắt đổ dồn về anh, tôi nghĩ bụng
không biết tay này định giở trò gì. Anh nói chầm chậm:
- Ai cũng biết nghề nào cũng cao quí, quét
rác cũng phục vụ nhân dân rất thiết thực, tôi rất ủng hộ nhân vật này, nhưng
riêng đồng chí thương binh cụt tay…
- Thanh có vẻ ngập ngừng không dám nói hết
ý. Bà hiệu trưởng giục:
- Anh nói tiếp đi!
- Dạ, tôi chưa “nhất trí”, tôi thấy cụt
tay rất bất tiện, làm sao…vỗ tay được?
Đám đông bùng vỡ trận cười nhưng bà hiệu
trưởng dập tắt ngay:
-Thanh không được phát biểu linh tinh,
đây không phải chỗ anh châm chích nghe chưa!”
Vẫn còn những tiếng cười khúc khích nho
nhỏ đâu đó.Tôi nghĩ thế nào Thanh cũng bị lôi thôi nhưng sau đó mọi sư vẫn êm.
Kể ra bà hiệu trưởng này cũng biết chấp nhận chút hài hước, không lấy gì làm
nghiêm trọng. (Nhưng cũng có một chuyện nói lên bà là một con người khác.Thời
gian này quân đội VN chưa tràn qua Campuchia, cuộc cách mạng vô sản đẫm máu của
Khơ Me đỏ gây kinh hoàng cho thiên hạ, giáo viên trường tôi cũng bàn tán xôn
xao. Trong một buổi học tập chính trị, bà nghiêm khắc nhắc nhở mọi người rằng
không được phê bình đảng bạn, bạn có hoàn cảnh của bạn, ta không hiểu thì không
được phép bình luận.). Nhưng Thanh vẫn chứng nào tật nấy. Lúc bấy giờ còn lệ
trực cơ quan, cứ mỗi đêm hai người. Có lần anh ghi vào sổ trực: “Tối qua không
có “sự cố” gì, ngoại trừ con chó bên dòng tu cứ sủa… linh tinh suốt đêm, không
tài nào ngủ được.” (Chắc anh cố tình
dùng lại từ linh tinh của bà hiệu trưởng). Lại một lần khác: “Đêm qua có “sự
cố”. Vào lúc 2 giờ sáng, tôi đi vệ sinh, bất ngờ gặp tên chắc- là- ăn-trộm nhảy
từ bờ tường xuống cái thịch, tôi hoảng hồn nhìn nó, nó cũng hoảng hồn nhìn tôi,
rồi đồng thời hai bên đều quay lưng bỏ chạy”. Thời gian này ăn bo bo gãy răng,
Thanh ngồi chơi chỗ phòng hội đồng, dùng thước gõ đều đều vào bàn theo kiểu gõ
mõ tụng kinh:
- Tàn nhẫn… vô nhân đạo…hết gạo còn bo
bo…bó bo bò bo…bó bo bò bo…bó bo bò bo…”
Những thiếu thốn vật chất cũng không
lường nổi. Cả vựa lúa miền tây nam bộ không hiểu biến đi đâu. Gà qué, heo quéo,
gạo thóc… tràn ngập hang cùng hẻm tận vừa mới đây chứ có lâu la gì, tự nhiên
sao bỗng dưng hiếm như chả phụng nem công. Tất cả giao thương trao đổi đều bị
chặn đứng. Như nha phiến, một ký gạo cũng không lọt qua được trạm kiểm soát Tân
hương tỉnh Tiền giang. Cha vợ tôi từ Gò công lên Saigon thăm con, xách trong
giỏ đệm năm ký gạo nấu cháo cho các cháu, qua trạm Tân Hương không những bị
tịch thu mà còn bị “quản lý thị trường” mắng nhiếc, đe dọa cụ già như kẻ trộm
cắp. Cụ có tiếng cứng cỏi mà cũng rưng rưng :
-
Thiệt lạ quá, ba chưa từng nghe nói chớ đừng nói thấy nhà cầm quyền nào
ngang ngược, nghiệt ngã với dân vô lý vậy bao giờ. Chính sách gì mà lạ đời quá
đỗi vậy con? Ngày trước thằng Tây cai trị chỉ lúc cấm rượu là hơi tầm bậy,
ngoài ra nó chỉ phạt người chặt cây núi cấm, phạt người bán cá lóc có trứng…coi
ra nó lo cho dân mình đó chớ?
Sách báo nhắc tới giai đoạn này chất
thành núi, chẳng cần phải gợi lại. Có điều trong cách nhắc lại thời “bao cấp”,
thời “ ngăn sông cấm chợ”, ai cũng có cảm tưởng như đó chỉ là một “sự cố” từ
trời rơi xuống, không ai gây ra cả, chẳng ai chịu trách nhiệm hết. Bất quá cũng
chỉ nói tại…duy ý chí, ai duy ý chí thì không biết rõ. Ơi những ông quan nhỏ
quản lý thị trường ngày nọ, nay chắc có người lên làm quan lớn nhờ thành tích
của mình, đêm nằm còn nhớ chăng chính mình đã tích cực đóng góp cho “ một mùa
địa ngục” trên quê hương đã thanh bình, đúng ra phải dễ dàng được cơm no áo ấm.
Cũng khó quên vụ chữ cái cải cách trong giáo dục thời đó- nỗi hổ ngươi khó
nuốt- cũng từ trời rơi xuống, chẳng có ai ra lệnh cả. Chuyện cũng chỉ là
…chuyện nhỏ, chỉ liên quan tới một ngành nghề, vậy mà “lịch sử” vẫn không thấy tên
người chủ trương, trường hợp này chắc cũng tại duy ý chí rồi tiếp đến duy
(trì)… giấu giếm.
9.
Sau
ngày…đứt phim, lớp Việt-Hán chúng tôi còn lại ở Sài Gòn không mấy mống. Năm 69
ra trường mỗi người đi một tỉnh. Từ đó tới nay có người chưa gặp lại. Nhớ ngày
chọn nhiệm sở, ai cũng được xem trước danh sách các trường mình có quyền chọn.
Tốt nghiệp đợt đầu trên 10 tên, tôi tuy cũng đậu đợt đầu nhưng kế áp chót nên
trường gần nhất có thể nghĩ tới cũng phải cách Sài gòn trên hai trăm cây số.
Thật công bình. Ba bốn năm trời cứ nhờ bạn bè ghi cours rồi trốn đi dạy trường
tư kiếm tiền, chữ Hán chữ Nôm lộn tùng phèo, nay giã biệt trường tư buồn nẫu
ruột, lại phải tính quãng cách Sài Gòn bằng đơn vị trăm cây số, chẳng còn mơ
chuyện dạy thêm dạy bớt, cũng đáng đời, gieo chi gặt nấy, ăn trước nhịn sau.
Cũng tự an ủi, thủ khoa, á khoa như Lê V Bảy, Lâm H Tài cũng phải đi tận Long
An, Biên Hòa, ngày ngày cong lưng trên xe gắn máy…coi cũng không thọ mấy. Xem
ra không ai uất ức điều gì. Nhiệm sở công bố minh bạch, ai đậu cao thì được
microphone xướng danh lên chọn trước theo danh sách từ cao xuống thấp với sự
chứng kiến của các quan chức cao cấp Bộ Giáo Dục, Viện Trưởng Viện Đại Học
Sàigòn kiêm Khoa Trường Đại Học Sư Phạm, Giám đốc Nha Nhân Viên, Giám Đốc Nha
Trung Học v.v… Sự Vụ Lệnh của mỗi tốt nghiệp sinh được viết sẵn đầy đủ chi tiết
cá nhân cần thiết với tư cách là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp đến tham dự lễ
chọn nhiệm sở. Tất cả nhiệm sở có nhu cầu tiếp nhận giáo sư về dạy học được Bộ
Giáo dục qua Nha Nhân viên và Nha Trung học gởi về trường trước ngày qui định
khoảng 2 tháng để mỗi tốt nghiệp sinh có thời gian và cơ hội tìm hiểu nhiệm sở
nơi mình sắp chọn. Thí dụ Ban X có 10 tốt nghiệp sinh ra trường thì danh sách
dành cho Ban X có đến khoảng gấp đôi nhiệm sở được đề nghị để tạo sự thoải mái
trong việc lựa chọn. Sau khi danh sách nhiệm sở được niêm yết, mọi người rủ
nhau hợp lại để thảo luận, chọn lựa. Thủ khoa cho biết ý kiến trước và tuần tự
từng người sau đó kế tiếp nhau lựa chọn, hoán đổi cho nhau theo mọi thỏa thuận
riêng một cách công khai. Thường có từ 2 đến 3 nhiệm sở cách Sài Gòn khoảng
trên dưới 30km dành ưu tiên cho mấy người đậu hạng cao. Ngoài ra các nhiệm sở
khác được phân bổ khắp các tỉnh thành, nhất là các tỉnh thành phía nam có
trường trung học đệ nhị cấp. Trước khi dự lễ bổ nhiệm, mọi người đua nhau đi
khảo sát trước một số nhiệm sở mình sắp nhắm tới, sau đó về trường cho các bạn
biết quyết định mới của mình để cùng nhau điều chỉnh lại cho khớp. Do đó mỗi
người phải dự phóng trước 2 hoặc 3 nhiệm sở để tùy cơ ứng biến. Huỳnh
Mạnh định chọn một ngôi trường ở Bạc Liêu, rủ Quang, Tài và Giáo cùng đi đến
nơi xem trước thực địa thế nào. Cả bốn đi Honda đến tận nơi, vào văn phòng
trường, ông Hiệu trưởng người cao to, lực lưỡng, tên Hồ V Trai ra tiếp. Ông ta
tự giới thiệu là giáo sư ban Vạn vật (Về sau lên thanh tra trung học, sau 75,
chắc có hoạt động hay cơ sở CM nên được giữ chức vụ gì đó cũng kha khá tại sở
giáo dục TP HCM). Trên đường về, Mạnh than thở:
- Tui thì
nhỏ con, thấp bé, Hiệu trưởng người to đùng, thấy sợ quá. Cho kẹo cũng không
dám sống chung với ông này.
Thế là Mạnh tiếp tục đi thăm dò vài trường
khác trước ngày quyết định chính thức.
Địa điểm tổ
chức lễ chọn nhiệm sở là trụ sở Viện Đại Học Sàigòn tại Hồ Con Rùa đường Duy
Tân cũ, nay là Văn phòng 2 Bộ Giáo dục và Đào tạo và tên đường được đổi
là Phạm Ngọc Thạch. Danh sách gọi lên chọn nhiệm sở theo thứ tự các Ban.
Bên Nhân văn chọn trước và bên Khoa học chọn sau, dẫn đầu là Ban Việt Hán, rồi
đến Ban Sử Địa, Ban Anh văn, Ban Pháp Văn … sau đó đến Ban Toán, ban Lý Hóa,
Ban Vạn Vật… (Ghi chú: Trước 75 gọi tên là Ban, tương đương vói bây giờ gọi là
Khoa. Thí dụ trước kia gọi Ban Anh Văn, sau 75 gọi Khoa Ngữ văn Anh, tương
đương với thuật ngữ Department of English). Trong sân Viện Đại học Sàigòn, tốt
nghiệp sinh được phân bổ mỗi Ban đứng một hàng. Ban có số tốt nghiệp nhiều nhất
là vài chục, thậm chí như Ban Toán hay Ban Pháp Văn chỉ có 5 hoặc 7 sinh viên
đạt yêu cầu tốt nghiệp. Tốt nghiệp sinh theo tuần tự được microphone gọi tên
lên trước mặt Hội đồng phân bổ nhiệm sở và nói lên tên nhiệm sở mình quyết định
chọn. Sau khi nghe xong, ông Chủ tịch Hội đồng yêu cầu người Thư ký Hội đồng
viết tên nhiệm sở vào khoảng trống chừa sẵn của tờ Sự Vụ Lệnh bổ nhiệm một cách
công khai trước mặt mọi người. Hoàn tất công đoạn bổ nhiệm một Giáo sư Trung
học Đệ Nhị Cấp, một công chức chánh ngạch hạng A, có bậc lương tương đương với
Phó tỉnh trưởng phụ trách hành chính (Ghi chú: một số tốt nghiệp sinh QGHC được
bổ nhiệm làm phó quận trưởng, theo thời gian thăng chức lên làm phó tỉnh trưởng. Trường hợp này ngạch trật
của phó tỉnh trưởng không hơn gì ĐHSP. Những năm về sau mới đặt ra điều kiện Cao học hành chánh
mới được bổ nhiệm làm phó tỉnh trưởng. Thậm chí có trường hợp như Lâm Tuấn Anh,
tốt nghiệp Cao học hành chánh nhưng chỉ được bổ nhiệm làm phó quận trưởng. Phim
cũ vừa đứt thì liền được làm Bí thư phường 5 Quận 10, và … chết rồi). Đại diện
Bộ Giáo dục sẽ ký tên chứng nhận sự bổ nhiệm và đóng dấu vào Sự Vụ Lệnh này.
Ngày chọn nhiệm sở và được nhận Sự Vụ Lệnh bổ nhiệm cũng chính là ngày được
nhập ngạch Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp chính thức. Sự vụ Lệnh này sẽ được hợp
thức hóa bởi một nghị định của chính phủ. Thời tổng thống Ngô Đình Diệm, không
có qui chế Thủ tướng, nghị định bổ nhiệm
thay thế Sự Vụ Lệnh này do Bộ Trưởng Phủ Tổng thống ký, những chính phủ sau nhà
Ngô đặt ra Phủ Thủ tướng, do đó nghị định nhập ngạch và thăng trật do Bộ Trưởng
Phủ Thủ tướng ký. Có một điều hết sức công bằng và hợp lý là hai người
bạn cùng tốt nghiệp chung một ban, sau khi nhận được sự vụ lệnh, được quyền
công khai xin Hội đồng cho phép hoán đổi nhiệm sở. Ông Chủ tịch Hội đồng yêu
cầu viên Thư ký Hội đồng, gạch ngang tên hai nhiệm sở cũ của 2 tờ Sự vụ lệnh,
viết tên hai nhiệm sở xin hoán đổi lên phía trên dòng chữ cũ vào hai tờ Sự Vụ
Lệnh của hai người cùng thỏa thuận xin phép hoán chuyển, ký tên xác nhận và đóng dấu vào dòng chữ được
điều chỉnh. Tất cả Hội đồng tôn trọng ý kiến đồng thuận của cả hai đương sự,
không thắc mắc, không gây khó khăn cho người nào, vì lúc bấy giờ tất cả tốt
nghiệp sinh Đại học Sư phạm đều là công chức chánh ngạch hạng A với chỉ số
lương 470, cao hơn chỉ số lương của tốt nghiệp sinh Quốc gia hành chánh là 430,
và cao hơn chỉ số lương của cả Kỷ sư Bách khoa Phú Thọ.
Các giới
chức Bộ Giáo Dục luôn công tâm, minh bạch trong hành sử, trong bao nhiêu năm
trời chưa một lần bị điều tiếng xấu gì. Ra trường rồi thì cứ hai năm thăng trật
một lần, vùng mất an ninh thì một năm rưỡi. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm hoàn
toàn về những chậm trễ hoặc sai sót về hồ sơ thăng trật của giáo sư. Từ Bộ Giáo
dục, hồ sơ này phải chuyển sang Phủ Tổng Thống hoặc Phũ Thủ Tướng để ký nghị
định bổ nhiệm hoặc thăng trật. Bộ Giáo dục chỉ được ký nghị định bổ nhiệm và
thăng trật cho giáo viên tiểu học và giáo sư trung học đệ nhất cấp.
Tôi về
Rạch Giá một phần cũng do Đào Hiếu, bà chị anh lấy chồng công chức ở ngay phố
chợ, sẵn sàng nhường tôi căn gác xếp - những năm đó không hiểu sao nhà cửa ở
Rạch giá khó hết biết, hình như người ta chỉ xây nhà vừa đủ ở, không bao giờ
kinh doanh cho thuê nhà thì phài. Chị làm dâu Rạch giá, cũng có chuyện cười ra
nước mắt. Một hôm rửa rau xà lách, chị quen kiểu ăn ngoài Trung, cứ phứt nhỏ
cộng rau ra chứ không để nguyên lá, bà mẹ chồng vốn là chủ đất giàu có hồi
trước rất gay go, hỏi chị mày là người miệt ngoải sao không lấy chồng ở ngoải,
lấy người…Việt Nam làm gì mà cái gì cũng khác. Nghe đâu chị có thưa lại là ảnh
ra tận Bình Định cưới con chứ con có vào Rạch Giá kiếm ảnh đâu. Có vậy mà bà cụ
cũng nói chị trả treo. Đúng là “lấy
chồng xa xứ bơ vơ một mình” cũng tội thân gái lắm thay.Thật ra tôi có thể chọn
chỗ gần Sài Gòn hơn, nhưng là trường
quận hẻo lánh, thường ăn pháo kích hoặc trên đường từ Sài Gòn đến trường, có
bữa ngồi chao dao ven bờ cỏ đợi lính mở đường vừa bị đắp mô đêm trước, tương
lai không có gì sáng sủa nên tôi đành nghe lời Đào huynh.
Số phận đưa đẩy làm sao, sau 75 tôi hằng
năm chứng kiến cả mấy trăm giáo viên ra trường, cũng thi tốt nghiệp nghiêm túc,
cũng treo bảng kết quả các thứ nhưng treo cho biết chơi chứ không có chuyện tự
chọn lựa nhiệm sở, mọi sự đều do phòng tổ chức cán bộ quyết định. Tân giáo viên
do vậy năm nào cũng chạy chọt tán loạn. Nhiều lần tôi nghe ông hiệu trưởng nói
rằng quan điểm giai cấp không chấp nhận quyền chọn trường theo kết quả học tập,
học giỏi cũng tốt nhưng để…tham khảo thôi. Tôi thật tình không hiểu tham khảo
là gì và để làm gì và càng không hiểu quan điểm giai cấp trong trường hợp này
là gì, coi bộ trừu tượng quá lắm. Có những điều mình thấy đơn giản, dễ hiểu
theo lẽ công bằng bình thường nhưng thật ra lại bất công theo chuẩn mực mới,
chắc tại mình kém trí năng, kém lý luận (theo lối ngang phè của ông Lénine) nên
đâm ra cứ thắc mắc lấn cấn, bận lòng chuyện thiên hạ một cách vô duyên.
Chọn trường
trại xong xuôi trong khuôn viên Viện Đại Học Sài Gòn, chiều đó không nhớ vì
việc gì, chúng tôi kéo nhau vào trường tán dóc. Cả đám cười ngất đọc trên bảng
treo dọc hành lang đông người qua lại, ai đó viết bằng phấn trắng rõ mồn một,
chữ to đùng: “Người nào nhận sự vụ lệnh đi vùng mất an ninh nhớ ghé nhà Trần M
Đức lấy giấy phép của MTGP”. Trần M Đức làm tỉnh cười mỉm chi nhưng coi bộ lo
âu lung lắm, dòm dáo dác quanh sân trường, khều tôi nói nhỏ:
- Ngài bôi lẹ giùm tui đi, cảnh sát chìm lềnh
khênh, cha Tài chơi ác chớ không ai vô đây hết.
Đúng
ra Lâm H Tài không ác nhưng cà rỡn bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Ấy vậy mà
khoảng năm 67, 68 chắc do Trần M Đức hay Tô T Thuỷ thuyết phục hay xúi dại, anh
bỗng dưng là Chủ tịch Ủy Ban Sinh viên ĐHSP chống đi quân trường hay chống đi
quân sự học đường gì đó. Chính mắt tôi thấy Vũ Đ S Biển vịn thang cho anh treo
câu khẩu hiệu dài thoòng căng ngang trong sân trường ĐHSP Saigon : “Cực lực
phản đối quân sự học đường, từ ngày… sinh viên ĐHSP quyết tâm chỉ đến trường
với thường phục”. Tôi khều nhẹ Tài hỏi nhỏ:
- Hăng vậy?
Tài tĩnh bơ:
- Lo cho cái thân trốn lính của tao là
chính, đấu tranh cái cóc khô gì. Tao cứ bị tụi nó gọi đi lính hoài nên phải la
làng để tự cứu mình thôi. Đi lính lúc này là tiêu.
Đúng là Tàu lai bằng hai Tàu thiệt. Thấy
phong trào chống quân sự học đường “lên” quá, Huỳnh Mạnh tưởng bở, đến báo với
trường tư chỗ y dạy thêm trong dịp hè cứ xếp thời khóa biểu như bình thường để
kiếm tí tiền bỏ túi cho sướng, xong rồi về trường hoan hỉ hỏi lại LH Tài một
lần nữa cho chắc ăn:
- Bộ khỏi đi quân sự học đường thiệt hả
anh Tài?
Tài tròn xoe mắt:
- Treo khẩu hiệu thì cứ treo, la làng thì
cứ la, nhưng làm quá, chơi thiệt chống lại nó, nó cúp chuyện quân sự học
đường mà bắt đi Thủ đức luôn thì chết mẹ!
Nghe xong, ngay lập tức, Huỳnh Mạnh bỗng
trở nên Huỳnh Yếu …xìu, hắn ta hoảng lên phóng xe chạy thục mạng về
trường tư trả lại thời khóa biểu, từ chối giờ dạy.
Tôi
hỏi Tài:
-Tên
nào viết khẩu hiệu mà chữ nghĩa bay bướm vậy?
Tài kể:
-
Nguyễn Thế Cường đó, tao đến nhà nó dụ nó đi uống cà phê, kè nó vào Đại học xá
nhờ nó viết cho mấy chữ. Nó bảo:
- Bố tiên nhân, tao có dây dưa gì tới chuyện
tranh đấu của bọn bay đâu mà bắt tao viết khẩu hiệu các thứ, tao được hoãn dịch
mà, đâu cần đấu tranh làm cái chó gì. Thằng anh tao (đang làm ở Nha Động viên)
nó mà biết chuyện, nó giết tao ngay.
Nói
vậy nhưng rồi cũng cặm cụi ngồi viết cho xong để làm vui lòng bạn bè.
Phải công nhận những năm học sư phạm là quãng đời vui đáng nhớ nhất, học bổng
ba tháng đủ mua xe Vélosolex (thứ xe gắn máy mà đèn xanh không chịu chạy, đèn
đỏ không chịu dừng nhưng là mode lúc đó). Phần lớn đứa nào cũng dạy giờ trường
tư, tiền xu rủng rỉnh, chẳng muốn ra trường xa Sài Gòn. Gặp nhau đùa nghịch chòng
ghẹo, có khi chọc cả các thầy nữa. Có một lần thầy Lê Xuân Khoa vắng mặt bất
ngờ vì công vụ, cả lớp nhao nhao mừng rỡ được nghỉ học, đứng ngoài hành lang
trên lầu tán gẫu. Người nào đó rủ đi ăn bún bò chỗ đường Nguyễn Huệ gần toà Đô
chánh (thuở đó cả Saigon chỉ có vài tiệm bún bò Huế chứ không tràn hê bún bò
Huế, mì Quảng, đè bẹp hủ tíu Nam kỳ thấy rõ như ngày nay), chị Quách Thị Trang,
thủ quỹ lớp, mở hầu bao kiểm tra xong, ra lệnh:
- Được rồi, đi thì đi.
Ngay lúc đó, Lâm H Tài thoáng thấy thầy
Huỳnh Cư, giáo sư dạy ban Sử Địa xách cặp ra về ngang qua sân trường. Anh ta
nhớ “thù” xưa, lúc thi tuyển vào ĐHSP, thầy Cư làm giám thị, gần hết giờ mà Lâm
H Tài vẫn ra hiệu xin thêm giấy viết lia lịa, ông thầy bực mình quát:
- Anh kia, nhanh lên, thi làm thầy dạy học
chớ làm Tổng thống đâu mà viết dữ vậy! Hết giờ rồi, coi lại bài, nộp lẹ đi!
Tài mất hứng, quằm rằm, ghim chuyện này
trong bụng. Xong cử nhơn Văn khoa, đã có chứng chỉ hành nghề giáo sư tư thục
anh vẫn thi vào ĐHSP để…trốn lính chớ có định làm tổng thống tổng khậu (đầu
bếp) gì đâu. Cả khối tên trong lớp cũng trong tình trạng đó: Ng V Hai có bằng
Cử nhơn giáo khoa triết, Lê V Bảy có bằng Cử nhơn Việt Hán, Ng Đ Tiến, Ng V
Quang, Lê B Nam cũng đậu cử nhơn, đang là giáo chức dạy trường công, tốt nghiệp
Quốc gia sư phạm, cũng thi vào đây vì lý do lính tráng. Vẫn không quên mối hận
xưa, Lâm H Tài bụm tay hét lớn xuống sân trường:
- Ông già đầu bạc.
Rồi mau lẹ thụp đầu xuống vọt nhanh đến cầu
thang. Cả lớp bỗng tán loạn ngồi thụt xuống để lánh mặt, mấy chị chạy nhanh vào
trốn trong phòng học, Trí quýnh quáng bò theo Tài trông chẳng ra làm sao. Thầy
Cư từ dưới sân nhìn lên hành lang không một bóng người,có vẻ muốn quay vào tìm
thủ phạm nhưng một thoáng ngập ngừng rồi quay trở lại nhà xe, mặt có sắc giận.
Tình hình êm, cả lớp bu vào lên án Lâm H Tài…vô trách nhiệm, chơi mà để ai chịu
thì chịu. Chán nhất là mấy chị không nói gì tới chuyện bún bò nữa. Bọn tôi khác
xa tuổi trẻ thời nay ở chỗ hầu như không ai biết nhậu, thậm chí café cũng chỉ
vài người, chỉ chuyên trị…soda chanh mà có lần Trần M Đức bảo dở nhất thế giới
(ý anh soda ..khó uống hơn nước nấu chín bình thường chắc). Giải trí bằng
cinéma, mua máy thu băng nghe nhạc cổ điển, cứ nửa tháng một lần chờ báo VĂN
phát hành để đọc thơ Tô Thuỳ Yên, thật sự “đỉnh cao muôn trượng” của thi ca VN
hiện đại; đọc “Ung thư” của Thanh Tâm Tuyền, thưởng thức một thứ văn xuôi Việt
ngữ tân kỳ, đột phá, độc đáo không cùng. Chúa nhật hay kéo nhau ra vùng quê đi
picnic, thích nhất là đi chơi vườn trái cây Lái Thiêu lúc bấy giờ còn xanh mịt
ngút ngàn. Con đường nhựa nho nhỏ từ thị trấn Lái Thiêu đi Búng vắng tanh, lọc
cọc mấy chiếc xe bò chở củi và nông sản lăn chầm chậm theo nhịp đời thong thả.
Hai bên đường trải rộng những vườn cây yên ả, thấp thoáng bên giếng nước những
thiếu nữ rửa rau, vo gạo cạnh gốc khế cổ thụ đung đưa quả xanh quả đỏ. Nhan
nhản trên bờ đầm nước trong veo, cong cong theo đường nhựa, nở rạng rỡ những
chùm hoa trắng lớn cánh la đà trên mặt nước. Bên kia sông mới thật sự
xanh rì vườn cây trái sum sê, nhiều nhất là măng cụt và dâu dây, cây trên trăm
tuổi vẫn xanh mướt um tùm, thân gốc đầy những khối u quái dị. Trời chưa tắt
nắng vườn đã líu lo tiếng chim chào mào gọi chiều về, chẳng mấy chốc lặng chìm
trong âm u tịch mịch, nhàn nhã lạ thường. Tô Thùy Yên hẳn đã viết về xứ này
trong mấy câu thơ tình lừng lẫy:
Ve kêu như biển lâng lâng dậy
Xô giạt hồn anh mộng chập chờn
Ngủ chín giấc chiều trên xác lá
Tàn măng âu yếm đắp thân đơn
Cây cỗi càng sưng vết chặt lồi
Chờ nhau cho đáng kiếp chờ thôi
Tuổi già gom lại bao thương tưởng
Như cuối vườn chiều mót củi rơi.
Và đẹp biết bao hình ảnh:
Mùa hè, em bới tóc lên cao,
Môi ửng son và má chớm đào
Ngày nghỉ về vườn thăm họ ngoại,
Lòng như con sáo trong ca dao.
Em mặc bà ba ra bến nước,
Đưa tay khỏa nhẹ nhớ thương nào,
Đến nay, lòng ấy còn xao gợn…
Mùa trái cây nào hái tặng nhau.
(Mùa hạn- Thơ tuyển)
Không biết vì mê cảnh vật đó từ thời thanh xuân hay sao mà đến lúc về hưu, Lê V
Bảy mua cuộc đất bên bờ sông lập vườn trồng hoa lan để bán. May cho anh hoa lan
chỉ hút dưỡng chất trong gió và sương, không lệ thuộc gì đất và nước nên mảnh
vườn đó vẫn còn tồn tại. Tôi ghé thăm anh , chẳng còn thấy hoa trắng đung đưa
bên dòng nước, mùi tanh tanh phảng phất khắp mặt đầm đục lềnh bập bềnh rác
rưởi, sầu riêng xác xơ ủ rũ, măng cụt còn lá nhưng không trái, chỉ vài
cây mận dễ tính trổ bông trắng loe hoe. Con đường nhỏ năm xưa nay là đại lộ
phẳng lì, nơi đua tốc độ của mấy yên hùng xe gắn máy đêm đêm đem tuổi trẻ đầy
sinh lực đùa vui với thần chết. Cứ lao vào cơn điên công nghiệp hoá mù quáng,
tự huỷ, chẳng cần phải thông minh gì, người nào cũng có thể hình dung được năm
mười năm nữa dòng nước đó sẽ “ Tanh nồng như máu chết”(TTY)và vườn tược cây
trái là huyền thoại của một thuở xa xưa.
Bọn
chúng tôi hồi đó hầu như biết rõ tư tưởng, khuynh hướng chính trị của nhau
nhưng mặc kệ hết. Ai ưng làm gì thì cứ làm. Một bữa, Nguyễn T Cường (Bắc kỳ di
cư) chở Trần M Đức (là VC, ai cũng biết) trên xe gắn máy, bất ngờ, Cường ngoái
cổ hỏi:
- Ê, Đức, mày có phải chính hiệu VC không
đó?
Chẳng lẽ người bị hỏi thẳng thừng công
nhận, thấy hơi kỳ nên hỏi lại:
- Mà VC thì sao?
Cường cười:
- Chẳng sao, mai mốt tao sẽ kể với con tao
là đã từng chở một tên VC thứ thiệt sau xe.
Họ cư xử với nhau trên tình bạn và bạn bè
là trên hết. Ai làm gì thì chịu trách nhiệm lấy hành vi của mình. Phải chăng
nền văn hóa nào thì tạo ra con người đó? Điều này liệu đúng chăng khi có người
kể chuyện LDH, lúc còn sinh viên, buổi chiều đi lơ ngơ trên đường phố Qui nhơn
thì được người bạn học cũ, lúc bấy giờ đang là phó ty cảnh sát, đang lái xe
jeep, gọi lại bảo:
- Ê, H, mày đi đâu lơn tơn đó? Tụi nó đang
lùng bắt mày dữ lắm, dọt lẹ lên đây tao nói cho nghe.
Anh ta chở LDH đến tận mấy chục cây số
phía nam Qui Nhơn rồi bảo:
- Mày cứ đi chừng cây số đến chỗ chân núi,
đồng chí của mày đầy nhóc trong đó, chắc mày dư biết rồi, dọt lẹ đi, lò mò trở
lại Qui nhơn là tàn đời mày nghe.
Sau 75 không lâu, LDH lên làm quan lớn,
người bạn cảnh sát đi cải tạo mút mùa, có người biết chuyện nhắc lại, ông quan
cách mạng bảo:
- Nó là bạn cũ nhưng có tội với nhân dân
thì phải trả nợ thôi.
Lâm H Tài còn kể một chuyện liên quan tới
Trương V Khuê, nghe xong đố mà không buồn đời. Khoảng 68, 69, phong trào sinh
viên bị khủng bố. Bên Văn khoa được thầy Nguyễn Văn Trung bảo bọc, bên Sư phạm
thầy Trần Văn Tấn cũng có giúp đỡ nhưng không an toàn bằng. Vin vào luật tự trị
đại học, các sinh viên hoạt động chính trị vẫn trốn được trong khuôn viên
trường, cảnh sát không được quyền vào bắt bớ. Họ dường như biết rõ ai đang trốn
nên chặn các lối ra vào, theo dõi quyết liệt, ra khỏi cổng trường là bị tóm
ngay. Trương V Khuê không thể trốn mãi vì càng lâu càng bất tiện và nguy hiểm
nên người ta phải tổ chức đưa anh ra bưng. Trần M Đức tới tìm Lâm H Tài lúc anh
ta đang ngủ trưa, cậy anh này làm một việc khó. Đức nói:
- Khuê đang hết sức khó khăn, không dám ra
khỏi khuôn viên trường.
Tài hỏi tại sao, Đức nói:
- Khuê bị vây nhiều ngày rồi, bây giờ chỉ
có anh làm được việc này, vì bấy lâu nay anh chẳng làm gì nên chẳng ai để ý đến
anh. Anh giả bộ đến thăm ai đó ngoài vòng rào trường, đi theo ngõ Trần Bình
Trọng chạy dọc theo sân banh, thẳng vô con hẻm rồi quay đầu xe lại chờ sẵn, Khuê
sẽ leo lên nóc nhà của ông lao công trường ở phía sau nhà gởi xe, anh không bị
để ý đâu mà sợ, nên rất dễ thực hiện việc này cứu Khuê. Khi anh vừa quay đầu xe
lại, Khuê sẽ từ trên mái nhà thấp sẽ nhảy xuống, anh chở nó thẳng về khu Cây da
sà thì có người đến đón.
Không phải
người hoạt động hay cảm tình viên gì nhưng nghĩ chút tình bạn với Đức và bạn
cùng trường với Khuê, Tài đã hoàn thành “mission impossible” một cách xuất sắc!
Không nói quá, anh đã cứu mạng Khuê.
Sau năm 75, lúc Tài vừa ra trại cải tạo,
phải làm đơn trình Ban Chỉ huy công an phường: “…nay tôi xin được tạm trú
tại…nhà tôi” trong thời gian chờ được bố trí đi kinh tế mới theo chính sách
nhân đạo của đảng và nhà nước. Tình cờ, cháu anh làm tài xế cho cơ quan xếp Khuê,
đưa Khuê đi công tác bên Campuchia, hỏi có biết Lâm H Tài không thì ông này
nhíu mày suy nghĩ một hồi mới hơi gật đầu rồi làm thinh luôn như không muốn đá
động gì tới nhân vật mang tên Tài đó nữa.
Đôi lúc nghĩ vơ vẩn không hiểu nổi chúng
tôi có phải là “the lost generation” như người ta thường nói về lứa tuổi mình
không. Giống như người già cả lãnh đạm trước chuyện đời, bọn chúng tôi cứ vất
vơ vất vưởng, kiểu như người ta nói mất phương hướng. Chủ nghĩa Hiện sinh của
Jean Paul Sartre nhiều ít cũng ảnh hưởng lên tuổi trẻ có học. Chủ nghĩa Marx
được giáo sư Nguyễn Văn Trung và Trần Văn Toàn giảng dạy công khai ở Đại học
Văn khoa tác động không nhỏ đến khuynh hướng thiên tả trong đám sinh viên.
Nhưng điều dễ nhận thấy nhất dường như ai cũng chỉ lo thân, mặc kệ chuyện đời
tới đâu cứ tới và ước gì ta có thể “đứng ngoài những giọt máu rơi”. Nói phần
đông sinh viên đều thiên tả thì cũng không đúng. Mỗi lớp chừng một vài người
thật sự theo MTGP, một số ít có thiện cảm nhưng kính nhi viễn chi. Đa phần còn
lại thì không quan tâm tới chính trị, chỉ mong ra trường đi dạy yên thân; ít ai
công khai bày tỏ “lập trường” thân Mỹ bao giờ, nhưng cảm phục và chịu ảnh hưởng
văn hóa Mỹ, nhất là mê phim Mỹ thì có. Rạp Lê Lợi cạnh trường Văn Khoa chiếu đi
chiếu lại những phim kinh điển, là nơi ăn dầm nằm dề của đám sinh viên Văn
khoa, có người xem đi xem lại phim Vacances Romaines, Les Dimanches de la ville
d’Avray, Tant qu’il y aura des hommes… hàng chục lần. Phim của David Lean,
Arthur Penn, John Boorman được hâm mộ vô kể. Cho tới giờ này tôi nghĩ chưa ai
làm phim littéraire qua nổi David Lean và cũng chưa ai làm phim suspense hay
hơn Arthur Penn hoặc John Boorman. Xem Toshiro Mifune và Lee Marvine trong phim
Duel dans le Pacifique, tôi nhớ tới già tài đạo diễn của Boorman, không hiểu
sao người ta ít nhắc tới ông quá. Phim ảnh ngày nay lạm dụng xảo thuật vi tính,
càng lúc càng bạo lực và dữ dội nhưng tinh ý chút sẽ thấy ngay vẻ giả tạo.
10.
Thời gian
qua, vài người bạn hỏi tôi vì sao suốt tất cả các kỳ KUSS đều trích nhắc thơ Tô
Thùy Yên với lòng ưu ái có vẻ sâu nặng. Các bạn đã thắc mắc thì tôi phải trả
lời. Nói thẳng ngay đọc thơ Tô Thùy Yên rồi thì đọc thơ ai cũng không còn thấy
hay nữa, đây là điều tai hại cả đời tôi không khắc phục được nên đành chịu thua
thói xấu đó của chính mình.Thật ra nói cho rõ, cho rạch ròi vì sao mình thích
thơ người này rồi đâm ra ngại đọc thơ của ai khác là chuyện khó giải bày. Thích
là một chuyện, nói đâu ra đó vì sao mình thích tất phải cắt nghĩa thơ đó ra thì
gian nan biết chừng nào, hầu như chuyện bất khả, bởi lẽ chẳng ai có thể giải
nghĩa rõ ràng thơ ai được, dù là trong chừng mực tương đối. Nhưng nếu không thể
nói gì thì mình chẳng qua chỉ ngụy biện, hoặc tệ hơn, chỉ ngụy thôi chứ có biện
gì đâu!
Vậy nên tôi
sẽ cố gắng nói đôi điều những cảm nhận của mình về thơ Tô Thùy Yên. Tôi chẳng
phải nhà phê bình, sở học vốn nông cạn, kiến thức sơ sài, biện luận chẳng bằng
ai, dám bàn về thơ mà lại thơ Tô quân là liều lĩnh. Nhưng chẳng đặng đừng. Thôi
cũng đành chớ biết làm sao!
Ngày trước đã có lần anh bảo:
Coi như đi quyền trên Mai hoa thung
Nên tôi biến chế hoài những bí tự
Xếp thành những bài thơ tối tăm
Đưa ra ánh sáng trần gian những u ẩn linh hồn
Tôi thích những bài thơ “tối tăm” đó từ
ngày biết võ vẽ đọc thơ, mới chết. Thành thử, ở đây, tôi chỉ cốt cố làm sáng tỏ
đôi điều nỗi đam mê chủ quan của mình với vài người bạn đã hỏi chứ không có
tham vọng gì hơn. Tất nhiên còn có ai thông cảm thì đó là điều vô vàn phước
hạnh.
Trong dịp phát hành tập Thơ Tuyển ở Mỹ,
Tô Thùy Yên có nói: “Một dân tộc, một ngôn ngữ, trong bất cứ thời đại nào,
không sản sinh được lấy một thi sĩ tài hoa kiệt xuất, xứng đáng là một thành
phần ý thức của thời đại đó, chắc chắn ngôn ngữ đó đang là một ngôn ngữ khô
cằn, cứng chết, chắc chắn dân tộc đó đang lâm vào tình trạng báo động của một
cơ nguy thoái hóa, tan rã. Sự hấp hối của hồn thơ ở một dân tộc đồng nghĩa với
sự hấp hối của lịch sử ở dân tộc đó”.
Thi sĩ “tài hoa, kiệt xuất, xứng đáng là
một thành phần ý thức của thời đại” theo tôi, chính là anh, anh là đại diện
xứng đáng nhất cho lớp thi nhân của dân tộc ở thế hệ anh. Làm thơ bằng chữ quốc
ngữ, trước anh, không ai sánh được, sau anh càng chưa có ai và với bao khốn đốn
triền miên của văn học và Việt ngữ trong hơn ba thập niên vừa qua mà ai cũng
thấy, hoàn toàn có nguy cơ không bao giờ còn ai nữa. Ước gì tôi chỉ bi quan và
hàm hồ. Một người quen nói với tôi rằng nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có bảo người nào
chỉ nói trổng không thơ Tô Thùy Yên hay là nói hỗn. Điều này không rõ thực hư
nhưng nếu cô nói thế cũng không có gì quá đáng, bởi vì quả thật, thơ anh ở trên
chữ hay một trăm lần. Từ những ngày đầu mới đăng báo, tôi đã cảm nhận tài thơ
anh trác tuyệt, hồn thơ bát ngát, thi giới thì mênh mông, chủ đề đa dạng và
phong phú, nội dung tư tưởng vô cùng súc tích, cấu trúc câu thơ tròn trịa,vững
chắc, toàn bài thì gần như bài nào cũng là tác phẩm lớn hoàn chỉnh; chữ nghĩa
thì lúc nào cũng tinh diệu và linh diệu, không có từ nào là thừa, là “hà rứa” –
chữ của Phan Khôi - xác đáng và mới mẻ tới tận cùng dù rằng tứ thơ đôi lúc gần
xa thoảng ý ca dao của muôn đời trước hoặc hơi hám từ Đường thi xa lắc.
Nhiều nhà phê bình đã chỉ ra chủ đề bao
trùm toàn bộ thơ ca Tô Thùy Yên là tính chất hư không của cõi sống, sự vô vọng
trong tìm kiếm ý nghĩa kiếp nhân sinh, những vấn nạn triền miên về hiện hữu và
những bí hiểm của cõi vô hình.Vì vậy, Bùi Vĩnh Phúc nói thơ anh nhằm tả cái
“vinh dự lầm than của kiếp người”. Còn anh thì thú nhận mình luôn “Nghĩ tới bao
điều thầm lặng lớn” mặc dù vẫn biết: “Trí ta không đủ lực đo lường”. Đọc thơ
anh, không ít lần ta gặp hình ảnh nhọc nhằn của con còng xe cát: Biển đông đã
một ngày xe cát…Bãi bùn trơ trẽn thủy triều lui/Con còng ẩn nhẫn bò quanh
quẩn/Càng nhẹ tênh trên cõi ngậm ngùi. Con còng Tô Thùy Yên mải mê ẩn nhẫn,
quanh quẩn kỳ khu xe cát trên cõi ngậm ngùi - thì cũng như Sisyphe của Camus cả
đời bị đọa đày, lầm lũi xe hòn đá nặng lên đỉnh núi, chúng ta còn nhớ. Ngoài
ra, thơ anh luôn bày tỏ nỗi ám ảnh về thời gian, cái chết, lịch sử (các chế độ
chính trị từng cai quản đất nước), sự biến thiên (lẽ đời dâu biển), con người
cô đơn, hành nhân thất thểu, chiến tranh tù đày, tuổi thơ mất hút, danh phận
hẩm hiu, thời thanh xuân khốn đốn vì chinh chiến…
Khó lòng kể đủ các chủ đề, chủ điểm đó
cũng như dẫn chứng minh bạch, chỉ cần chịu khó đọc anh ta sẽ dễ dàng nhận ra.
Có điều ngạc nhiên, dường như thiếu vắng chủ đề tình yêu trong thơ anh.
Nhưng trước khi nói chuyện tình yêu, ta
thử nhớ lại chuyện làm thơ của anh. Rất sớm sủa, anh có vẻ xem thường hay ít ra
cũng không hào hứng mấy chuyện văn nghệ, chuyện thơ ca. Phải chăng thơ phú trên
đất nước thời anh sống là chuyện phù phiếm, không chút gì xứng đáng?
Tôi
muốn đi khắp nơi
Vì chẳng định đi đâu
Tôi làm thơ
Vì chẳng biết làm gì
Ôi giá gặp thời
Được làm thơ bằng những từ ngữ êm đềm
Gần im lặng nhất
Mà bây giờ cũng chưa phải lúc
Được làm thơ
Một lần khác, anh tỏ bày:
-Tôi định một ngày gần đây sẽ thôi làm văn nghệ tôn giáo của những anh
hùng bất lực
Về dạy trường làng già có tiền lương hưu trí chết có quan tài nước mắt
vợ con
Và anh làm thật. Bẵng đi thời gian lâu
không thấy thơ anh nữa. Mãi sau này, anh vẫn giữ giọng đó trong bài Anh Hùng
Tận:
Mấy kẻ gặp nhau nào có hẹn
Nên gặp nhau không giấu nỗi mừng
Ta gạn dăm lời thơ tặng bạn
Dẫu từ lâu bỏ việc văn chương
Hai câu sau sao nghe khinh bạc rẻ rúng
thi ca chữ nghĩa quá chừng. Tôi hơi dài dòng để thấy rằng làm thơ thôi anh đã
ngại thế huống hồ là mang tiếng làm thơ tình. Lúc bấy giờ, Sài Gòn lưu truyền
một giai thoại. Nhà thơ TTT nhận xét về thơ của một tác giả rất nổi tiếng trong
lãnh vực thơ tình, rằng thơ ông này chỉ là thứ thơ kẹo mứt (confiserie
poétique). Lời nói tới tai tác giả, ông giận dữ, không nhìn mặt TTT, nghe đâu
tới suốt đời.
Ít nhất là cho tới 1975, Tô Thùy Yên chưa
bao giờ viết trọn một bài nào dành cho tình yêu. Bài thơ có nhan đề “Chuyện
Tình Người Lỡ Vận” thật ra ta có thể nói đó chỉ là “Chuyện Người Lỡ Vận” vì rõ
ra chẳng thấy tình đâu. Yêu gì mà ngay trong khổ thơ đầu anh đã bộc bạch “Ta
làm trò tung hứng trái tim chai” và tiếp đó, bình thản nói tới thứ hạnh phúc
tình ái phù du:
Biết đã trễ nên không thèm hối hả
Cuộc tình này như chút đỉnh khoan dung
Của định mệnh cũng có lần nới thả
Hạnh phúc này như sóng rã trên sông
Anh
tính toán thiệt hơn, giọng rẻ rúng:
Thà làm kẻ si tình hát điên loạn
Hơn làm người thành đạt thời nhiễu nhương
Bài thơ kết bằng câu: “Nghề ngông cuồng
tập mãi cũng thành quen” chứng tỏ tình ở đây chỉ là cái cớ để tay cuồng sĩ lỗi
lạc gửi vào lời oán trách thân thế dở dang cùng tháng ngày nhiễu nhương, ly
loạn.(Khổ thơ thứ tư có câu “Chí lớn đành đốn sập đốt ra than” khiến nhớ ca dao
“Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than”). Cũng có một đoạn thơ khá dài trong bài
Chiều Trên Phá Tam Giang nhắc tới tình yêu, nhưng phần lớn nói về nỗi nhớ của
người nữ, lặp đi lặp lại nhiều lần câu “Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi”,
dường như nuối tuổi hai mươi nhiều hơn thì phải. Và kết đoạn đó như sau:
Thấy
tình yêu như vận hội tàn đời
Để xé mình khỏi ác mộng
Mà người đàn ông mê tưởng suốt thanh xuân
Ôi tình yêu, bằng chứng huy hoàng của thất bại!
Đúng ra, không phải bao giờ anh cũng nói
tới tình yêu cùng một giọng như thế. Bài Vườn Hạ xây dựng trên chủ đề hoài niệm
tuổi thơ - cánh diều đã băng mù khơi tuyệt tích - với tất cả bồi hồi, dịu dàng,
thơ mộng, (chắc TTY không ưa chữ này!) khổ chót là những câu thơ tình đẹp nhất,
đau đớn nhất (mà tôi đã có dịp trích trong kỳ trước) “Cây cỗi càng sưng vết
chặt lồi”, sao vậy? Phải chăng nỗi nhớ vẫn mãi đọa đày và những chấn thương
trong tâm tưởng ngày nào cho tới tuổi già xiêu đã chẳng bao giờ lành lặn? “…cho đáng kiếp chờ”
là một lời rủa như nói lẫy, hờn dỗi, nghĩa cay đắng hơn nỗi đợi trong ca dao
“Chờ em biết tới bao giờ/Vạc kêu sườn núi trăng mờ đầu non” nghe nhẹ nhàng đằm
thắm hơn hẳn. Hình ảnh và từ ngữ hai câu cuối: tuổi già, gom lại, thương tưởng,
cuối vườn chiều, mót củi rơi…toàn là từ và hình ảnh của tàn tạ, phôi pha, buồn
thương bất tận. Ngoài ra, trong những bài thơ đậm chất triết lý, nặng vẻ siêu
hình, ta vẫn bất ngờ gặp những đoạn, những câu thơ làm sao không hiểu chính là
thơ tình đích thực hoặc ít nhất, cũng khiến ta se lòng vì một thứ tình ý mông
lung, bâng khuâng, rất khó định hình:
Khép mắt cho hồn bay dịu vợi
Mà yêu đến khóc, đến u mê
Để khi mở mắt ta nhìn thấy
Cả cuộc đời ta có đáng chi
Ôi những con đường đến tự đâu
Một lần gặp gỡ ngã tư nào
Rồi trong vô hạn chia lìa miết
Có cuốn theo mình bụi của nhau
Theo tôi,
khổ thơ này là những dòng thơ tình buồn và đẹp nhất trong thi ca hiện đại. Ta
đã không biết gì con đường nào đưa ta đến cõi đời này thì cũng đâu biết con
đường dong ruổi nào ta một lần gặp nhau và rồi cũng chỉ để “chia lìa miết” và
tình chỉ là khoảnh khắc lưu giữ chút bụi của nhau chứ nào có còn gì khác?
Những câu
thơ sau đây phải chăng là những vần thương nhớ u sầu ngậm ngùi bất tận:
Suốt bến sông này hoa trắng nở
Cỏ cây lưu gió khóc mơ màng…
Chẳng hẹn mà sao vẫn đợi nhau?
Nước xưa về tận chốn giang đầu
Thăm hỏi con chim màu sặc sỡ
Lời ca u uất giấu nơi đâu?
Chiều chiều, lớp lớp mây tiền sử
Quần tụ bên trời gợi nhớ nhung
Ta gửi mỗi ngày một sợi tóc
Cầu may cho trận gió kinh thiên
Có ai bên cõi vô cùng tận
Bắt gặp lòng ta bay đảo điên
Hỡi người cố cựu trong trời đất
Khi nước tràn sông có nén tâm?
Thơ đượm màu sắc siêu hình, thần bí, trí
thức, chủ đề cao siêu này nọ cũng chẳng là gì nếu thủ pháp nghệ thuật không
khiến người ta nể sợ tài năng quan sát, cấu tứ, phối chữ cùng phong cách diễn
đạt, tức thi pháp thơ – theo kiểu nói mới - của tác giả. Tỉ như đôi mắt nạc
người phàm ta chỉ thấy đá chỉ là đá, thì cát là cát, nước là nước, bùn là bùn
nhưng TTY lại thấy khác, cách thấy khác của anh biến những ý đó thành TỨ THƠ
độc đáo: cát hôn mê, nước miệt mài
trôi, bãi bùn trơ trẽn thủy triều
lui, Mười năm, đá cũng ngậm ngùi
thay!…Những nhóm từ cùng kiểu như thế xuất hiện nhan nhản trong thơ anh với tần
số rất cao, rất gợi tả, là một sáng tạo chỉ có một, chưa có người thứ hai làm
được trong thi ca Việt ngữ. Những đoản ngữ này, nhiều nhất là ngữ danh từ, Vd:
Châu thổ mang mang, đảo chếnh choáng,bờ
bãi hỗn mang, cát hôn mê, giấc suông đêm rỗng, đống lửa man rợ, cát loạn muôn trùng, nắng kim khí
chảy, miếu cỏ lạnh ma hoang, làn nước
biển xanh lơ mộng…Kế đến là ngữ động
từ, Vd: vây trắng bốn bề, miên man thổi, miệt mài trôi, độc thoại lời
kinh ánh xanh, trùng tu từ thịt xương rêm, qua bãi lệ rào, nghe tan ngoài ngõ những phù vân, nằm nghe tiếng dế khuya, trôi chìm xa
vợi đường thiên cổ…và ngữ tính từ: thăm
thẳm sầu, lạ sóng nước, tịch mịch
mùi, buồn ngây chân tay, hiu hắt nỗi
không tên, mịt mùng gió lửa, bạc
nhòa cuối mây, nguôi thầm một lỡ duyên, bời bời nỗi sậy, rách như gió, vui nốn náo trời,
thốc tháo biển...
Đành rằng những loại đoản ngữ thì ngôn
ngữ nào lại không có và cũng đâu ít người sử dụng chúng trong tiếng Việt, nhưng
ở đây, chỗ khác và hơn nhau là do cách kết hợp sáng tạo, chọn từ tinh tế, bất
ngờ, có khi cả ba nhóm từ trên hòa quyện nhau trong một khối khiến tứ thơ thành
tân kỳ, ngôn từ trở nên mới mẻ, cô đọng, tối ưu. Ta cũng thấy động từ trong thơ anh hiếm khi
đứng một mình, hình như bao giờ anh cũng khổ công tìm kiếm một tính từ đắc địa
nhất đi theo nó, nếu không thì ít nhất cũng một động từ khác để bổ nghĩa. Ví
dụ: Mầm cỏ ngoi ngoi lên rạo rực/Con chim chèo bẻo hót lanh chanh…Tàu chuối xác xơ reo ngất ngất/ Nỗi đời bi thiết xé lưa tưa, Hòn ngói lia bay bay mặt nước, Dòng sông tới biển nức tuôn, tuôn, Mưa ôm choàng đất khóc thương mong/ Ngọn đèn thắp đợi
đã rền hoa/Cổ vương oan khuất…Những
câu đảo ngữ gọn gàng, chắc nịch làm biến đổi nhạc điệu câu thơ cách tinh vi:
Lờn rờn bóng lá đong đưa nắng/Thảm thiết dây leo quấn quít cây, Mùa đông bắc
gió miên man thổi…
Ta còn thấy
không vật thể nào là vô tri trong thơ TTY, gần như tuyệt nhiên không, điều này
liên hệ đến chuyện vận dụng triệt để các phép tu từ tỉ dụ, nhân hóa, tượng
trưng… của anh. Chẳng hạn, nói đến đá – phải chăng TTY bị ám ảnh đá - có thể kể
ra: Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay, Thức
dậy đi nào gỗ đá ơi, Ôi đá địa cầu vần vụ mộng, Đá chẳng đá nào lên tiếng với,
Đá bạc rền tan nước mắt hồng, đá nổi lau nhau, thân đá địa đầu mù, Đá ở
lại/Thiên thu mòn mỏi giấc phiêu bồng, Ôi những thân đá tiên tri già hôm mê vạn
đại/Đứng rải/Đường ta đi, Ta cũng khóc một chiều nào/Ôm chầm lấy đá, Đá cũng
làm thinh không có chuyện…
Đặc biệt bài Đá Mộng:
Nhìn đá, ta định chừng đá ngủ.
Phải chăng đá giú mộng trong lòng?
Tại đây, đá sống lâu đời nhất,
Đá rõ điều ta muốn rõ không?
Và đây là
cát: Cát loạn muôn trùng xóa dấu chôn,
cát hôn mê, Cát trôi nhăn nhíu, Cát bụi nặng tình liên đới cũ, Gió cát không
nguôi khóc dãi dầu...
Còn cây lá thì tràn đầy ý thức:
- Mầm
cỏ ngoi ngoi lên rạo rực
- Lá cành sáng rỡ sắc hồi xuân
- Trên đồng ngọn cỏ tranh khom mỏi
- Thảm thiết dây leo quấn quýt cây
- Đóa hoa buông cánh khi tàn hương
- Tàu chuối xác xơ reo ngất ngất
- Ngưỡng mộ cây xương rồng gắng gượng
Thân trần đứng lẻ giữa đồng trơn
- Đám cây bật gốc chờ tan xác
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?
- Ôi lũ cây gầy ven bãi sụp
Rễ bung còn gương cuộc tồn sinh...
Dường như thiên nhiên thảy đều có ý thức
và linh hồn, như cơn mưa trong bài Mùa Hạn:
Mưa ôm choàng đất khóc thương mong.
Mưa báo tin vui chạy sáng đồng.
Mưa đuổi bắt gào reo hớn hở.
Mưa mừng trẩy hội nước trăm sông.
Vạn vật trong thơ anh bao giờ cũng trong
trạng thái sống và động và đầy ý thức:
Thủy
triều sôi, mây xôn xao, Nước xưa về tận chốn giang đầu, Dòng sông u hiển trôi
vô lượng, Dòng sông hiền triết chảy vô tâm, Nước mây buồn bã chợt quên trôi,
Thời gian mất trí trắng vô âm, Dòng ngày tháng trắng chảy lơ mơ, Chân mây rách
đỏ vết thương dài, Trời đất bào thai cựa cựa nhanh, Đóa hoa buông cánh khi tàn
hương, Cửa não nề, bản lề khô kẽo kẹt hôn mê... mặt trời thì xao xuyến mọc và mặt trăng thì chỉ mọc
riêng cho anh “Mọc lại cho ta thuở xế tàn”
rồi mai kia “Trên mồ ta trăng phải lang
thang”…
Khó mà quên những con vật luôn hiện diên,
chim, cò, sáo… bay, kêu suốt trong thơ TTY: Chim
đã bay quanh từ vạn cổ/Gió thật xưa, mây thật già nua, Ta về như bóng chim qua
trễ, Di điểu qua sông xẽ luống sầu, Núi xa, chim giục giã hoàng hôn, Níu cánh
chim bằng qua biển gió, Con chim nhào chết khô trên cửa, Con chim động giấc gào
cô đơn, Thấy nhành ớt động bóng chim quen, Con chim lạc bạn kêu trời rộng, Con
chim thần thoại mắt khoen sâu/Giật mình như đã ngàn năm ngủ/Giũ bụi lông, cất
khản tiếng gào, Nửa khuya một tiếng chim ai oán/Ghé hỏi thăm thần trí bỏ quên,
Con chim nào đậu khóc suốt ba sinh, Ác điểu ngày đêm gào xáo xác, Con chim bói
cá trong tàn tối/Soi vĩnh hằng xanh rợn mặt hồ, Khắc khoải chim kêu ngày tận
tuyệt/Ai trầm luân đó có về qua, Khắc khoải chim kêu đời khổ nạn rồi sau
mới đến Khắc khoải chim kêu mùa xóa giải, Cò: Chiều mập mờ xiêu lạc dáng cò, Con cò lặng ngẩn lắng hơi thu…, gà: Gà lay tỉnh một mé rừng hư định… chó: Con chó tung tăng giỡn bóng mình, Chó tru
thăm thẳm ngây thiên địa… chuồn chuồn: Chuồn
chuồn vui đậu trên nhành lúa/Để lại
bay đi lúc kịp buồn/Con chuồn chuồn đó thong dong quá/Mùa hết còn bay dõi dõi
theo… dế: Đây rồi chú dế giang hồ
ấy/Vẫn hót say sưa dưới cỏ buồn, Đêm tối im ru lời thủ thỉ/Bên hè có tiếng dế
ca ran…Con cá lia thia của TTY luôn bị đá bại: Cảm thương con cá thia lia bại/Có sót huy hoàng cũng xếp vi…
Nghệ thuật
thơ TTY xây dựng cũng không ngoài mấy phép miêu tả lớn của văn chương nhân loại
như tỉ dụ, nhân hóa, tượng trưng… Ai
cũng biết so sánh và nhất là nhân hóa rất dễ rơi vào chỗ tầm thường dễ dãi,
nhạt nhẽo. Nhưng tôi chưa thấy anh một lần rơi vào cái bẫy dễ dãi đó. Sống
trong một thời bế tắt, bất lực và vô vọng, anh viết:
Tôi cam tâm làm thằng thất chí
Đóng cửa nằm nhà
Căn nhà không có ghế bàn như ngục thất
Những bức tường như những tấm gương soi
Thật không
thể có cách nào khác tả nỗi dằn vặt nội tâm kín đáo mà lại cụ thể hơn, xác thực
hơn được. Ai cũng thấy đất nước chỉ có một con đường săt độc đạo nhưng mấy ai
nhìn ra “con đường sắt dài xương sống quê
hương”, cũng như thay vì nói xứ sở khô cằn, sỏi đá thì lại bảo những bờ cát thau, những trái núi chì.
Thử ghi nhận cách so sánh độc đáo trong khổ thơ tả nắng trên đảo Trường Sa:
Ngày, ngày trắng chói chang như giũa
Ánh sang vang lừng điệu múa điên
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu giòn như tiếng nứt hoa niên
Và đây đó
mấy kiểu so sánh rất lạ bắt nguồn từ những
quan sát tinh tế va trí tưởng tượng phi thường: Cô tịch bưng ồn như máu tuôn, Ta ngó thấy thùy dương gãy rũ/Từng cây
như nỗi bất an già, Ta ngó thấy rào chà cản nước/Từng hàng như nỗ lực lao đao,
Con đường đáo nhậm xa như nhớ (Hình như Nhất Linh cũng có lần tả đóm lửa
trong chiều muộn trên cánh đồng như nỗi nhớ xa xôi đang mờ dần, hay nhưng không
mới bằng).Tài tình nhất là phối hợp nhuần nhuyễn các phép tu từ ẩn dụ, nhân
hóa, tượng trưng… để tạo ảnh tượng thi ca, mới mẻ và mạnh mẽ: Xứ sở những cây dừa phù thủy xõa tóc hú
cuồng phong, Chân mây rách đỏ vết thương dài, Hừng đông như một làn da phỏng,
Mùa hè cọ xát điên kim loại, Lượn sóng trên ghềnh nhọn rách tơi… Thử đọc
những câu thơ vết theo phép tỉ dụ điển hình này ta mới thấy tài năng cấu tứ và
khổ công kiếm chữ tạo hình của tác giả:
Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này
Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Ta về như sợi tơ trời trắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Ta về như nước tào khê chảy
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ
Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đã trổ bông
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông
Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuở trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta
Tôi đã chỉ
sơ lược cố gắng lắp bắp bằng thứ ngôn ngữ nghèo nàn, diễn ý lủng củng, thiếu
tính chuyên nghiệp và chẳng có gì uyên bác nên chỉ nói được phần nhỏ lòng
ngưỡng mộ của mình đối với thơ Tô Thùy Yên.
Lê Thị Huệ từng nhận xét: “Người đàn ông biết những chữ ông viết xuống
là những tạ canh dưỡng sinh. Chúng là những con chữ nặng nghìn tạ ơn nghĩa nhân
gian trổ mã ra cánh đồng và bàn viết dành riêng cho ông…Quỷ có thể xướng thi.
Thượng đế có thể xóa tất cả ván cờ và làm lại. Nhưng người đàn ông thi sĩ lủng
lơ viết xuống tuyên bố là mình hiện hữu…Tô Thùy Yên biết ông là một thi sĩ sống
và làm được những điều mà bọn âm binh quỷ sứ cùng Im Lặng Lớn kia không làm
được…Thơ Tô Thùy Yên cưu mang được sự vĩnh cửu của thi ca…Ông là một tay chơi
chữ cừ khôi. Một thi sĩ xào chữ tuyêt vời đã để lại cho đời những câu thơ lừng
lẫy”.
Bùi Giáng, giai đoạn dài trước khi qua
đời, rõ ràng không tin gì vào chữ nghĩa nữa. Ngôn ngữ Việt hiện đại, nói như
Nguyễn Khải, dùng để che đậy, nói dối chứ không phải để giao tiếp, hoặc giao
tiếp bằng che đậy. Bùi Giáng cũng thấy ngôn từ bất lực, chữ không còn nghĩa
hoặc nghĩa ngược nên coi như vô phương dụng ngữ, giống như giận cá chém thớt,
ông bắt đầu đùa giỡn, thơ tá lả đụng đâu làm đó, đụng đâu tặng đó, chữ nghĩa cố
tình dễ dãi hoặc lung tung, ông bỡn cợt thi ca, ngôn ngữ cho tới ngày chết.
Tô Thùy
Yên, dù sao, không vậy. Trong bài nói tôi có nhắc trên kia, anh tin tưởng: “…Một dân tộc muốn duy trì bảo vệ hữu hiệu
chính mạng sống của mình, đầu tiên phải triệt để duy trì bảo vệ một thứ thiết
thân duy nhất không thể bị tước đoạt, bị mất mát, đó là ngôn ngữ của mình. Một
dân tộc có thể tạm thời mất tất cả sông núi của mình, mất tất cả những gì mình
kiến tạo, nhưng chẳng bao giờ được để mất ngôn ngữ của mình. Do đó, hầu hết
những gì mà dân tộc ta chắc chắn còn có thể lưu truyền được cho hậu thế đều
mang tính chất khẩu truyền , qua phương tiện ngôn ngữ, được bảo toàn đời đời
trong ký ức của tập thể. Và thơ vốn là phần tinh hoa tuyệt vời nhất, là sự
thăng hoa hồn nhiên nhất của ngôn ngữ một dân tộc. Cũng bởi thơ vận hành sống
chết với ngôn ngữ nên thơ là hình thái nghệ thuật đầu tiên của con người khi
con người chưa có gì cả trong tay, cũng như thơ chắc chắn sẽ là hình thái nghệ
thuật cuối cùng khi con người không còn gì nữa trong tay…Với ngôn ngữ, thơ
chính là nơi giữ gìn bất khả xâm phạm cái hồn mộng chung trường cửu của một dân
tộc, và qua đặc thù của từng thời đại, thơ làm sinh hiện hiển linh cái hồn mộng
chung đó trong tâm khảm của mỗi con người mãi còn chan chứa bao nhiêu là tình
tự thiết tha thâm sâu nguồn cội. Với ngôn ngữ, thơ là đống lửa ấm cúng sum vầy
của một dân tộc không khứng chịu chia lìa, không khứng chịu thất tán. Với ngôn
ngữ, thơ đích thực là quê hương chắc chắn không xa rời, không mất mát. Với ngôn
ngữ, thơ trợ giúp chúng ta được còn là một dân tộc xứng đáng, được còn là con
người xứng đáng.”
Tôi tin rằng, qua thơ của mình, Tô Thuỳ
Yên đã cứu tiếng Việt. Nói vậy, xa gần cũng như tôi đồng ý với Phạm Quỳnh:
“Truyện Kiều còn tiếng ta còn”. Ai cũng rõ văn học chúng ta, ngôn ngữ chúng ta
đang trong một thời đốn mạt kéo dài hiếm thấy trong lịch sử. Đọc thơ anh để còn
nuôi một niềm tin vào chữ nghĩa của tổ tiên và hồn thơ của dân tộc. Riêng tôi,
thơ anh đã an ủi tôi khi buồn bã, nâng đỡ tôi vui sống tuổi xế chiều.
(còn tiếp)
NAK
No comments:
Post a Comment