Thursday, November 8, 2012

KÝ ỬC SƠ SÀI

Nguyn Anh Khiêm


Kỳ IV
 
3.
      Thời gian học văn khoa nhàn nhã tôi lang thang tìm chỗ dạy. Sài Gòn đầu những năm 60 còn là một rừng cây êm ả. Những buổi trưa tan trường Đức Tin số 6 Mạc Đỉnh Chi, đi dưới tàng cây dầu nghe tiếng cu gáy râm ran tưởng như tiếng chim gáy chốn quê nhà ngày cũ. Đường Phùng Khắc Khoan kế bên với hai hàng me tơ lá già xanh sẫm, lá non màu đọt chuối chen nhau từng mảng, lâu lâu mới có chiếc taxi hai màu xanh trắng chạy qua, con đường lại trở về tĩnh lặng , gần như không một bóng người. Con chim sâu màu vàng nghệ treo ngược đung đưa dưới cành lá thanh mảnh tìm mồi, thỉnh thoảng buông tiếng hót dài vi…i…xào…ào…nghe ra một điệu buồn kêu than vì cuộc mưu sinh vất vả.
      Ôi, những hàng me Sài Gòn của ông Bình Nguyên Lộc:
      Me đẹp với thân cây đều đặn, không cao lỏng khỏng như dầu, không lùn tịt như sanh, đẹp với vỏ cây cằn cỗi gợi nhớ những cội tùng già bên chùa cổ trên một sườn non, với rêu xanh mơn mởn bám trên vỏ sạm đen, đẹp như hòn non bộ dày sương dạn gió. Tàng me không thưa, không xơ rơ như tàng sầu riêng, không dày mịt như măng cụt. Vốn nó đã đẹp ngoài thiên nhiên rồi mà trồng trên vỉa hè đá, bên cạnh những ngôi nhà xi-măng cốt sắt, khô, nóng, và buồn thì nó lại càng đẹp hơn biết bao! Ôi, những hàng me Chợ Cũ, những hàng me phố Gia Long, những hàng me phố Tản Đà giao nhành rợp bóng. Những hàng me bầu bạn của người đi bộ về trưa. Những hàng me tò mò dòm vào các cửa sổ tư gia, gởi vào đó những lá me nhỏ li ti trên tóc cô gái bé, những hàng me tàng xanh sậm quyến luyến tiếng dương cầm của ai từ của sổ vọng ra.”
      Hình như tôi có đọc đâu đó sau này, nhà văn SN chê cây me, cho là thứ cây thô lậu, tầm thường; trong khi ông Bình Nguyên Lộc đồng ý: “Me, cái tên nghe thô lỗ, cộc cằn, chẳng chút cao nhã như thanh tùng, anh đào” nhưng “chưa chắc thanh tùng, anh đào đẹp bằng me, nhất là me Sài Gòn.” Dường như cái gì ông BNL khen thì ông SN chê. Người ta, vốn rộng lượng với thiên hạ nhưng có lúc cũng hẹp với đồng nghiệp. Có lần tôi nghe Lê Ng Đại nói giỡn ông này che ông kia lại để lãnh phần nhu yếu phẩm! Tôi có “chủ quan” nghĩ bậy, xin hương hồn người đã khuất lượng thứ.
      Văn xuôi Việt Nam, những đoạn hay tả cây cối, hoa lá có thể trích giảng cho học sinh tiểu học và cấp 2 xem ra hiếm hoi. Đoạn tả hoa súng của Đinh Gia Trinh thâm trầm sắc màu đạo đức, lời văn bóng bẩy nhưng diễn đạt cầu kỳ, đoạn tả hoa phượng của Xuân Diệu trong tập  Trường Ca lời văn lộng lẫy, âm điệu nhịp nhàng nhưng ý tưởng kém phần cụ thể; riêng đoạn này xuất sắc vì văn phong giản dị, từ láy gợi hình, phép nhân hóa sử dụng tài tình, tự nhiên. (Đọc mà nhớ Sài Gòn ngày cây cối chưa bị tàn sát hàng loạt, nhớ xe mỳ tàu Chợ Cũ thơm lừng dứới bóng me mát rượi).
      Biết cái hay của đoạn văn đó, may mắn sao tôi gặp được người quen đang tham dự vào việc soạn sách giáo khoa cải cách, tôi nói với anh nên đề nghị cho trích  giảng bài đó. Gặp lại, anh nói:
      - Xong rồi, sẽ có bài Những hàng me Sài gòn của BNL.
       Tôi mừng.  Chẳng dây dưa gì bài này bài nọ trong sách giáo khoa nhưng nghe thế tự nhiên tôi cũng mừng. Sách phát hành, mở ra xem, thấy chỉ có một đoạn ngắn ba bốn câu, đề bài là “Những hàng me” cụt ngũn. Trời đất, “Những hàng me” thì khác xa “Những hàng me  Sài Gòn” chứ? À ra vậy. Người ta …né chữ Sài Gòn, ghét chữ  Sài Gòn vì chữ này gợi tới một thời Sài Gòn xưa cũ chăng? Hèn gì mấy năm trước, nghe ông tường thuật đá banh cứ nói đội Cảng Thành phố Hồ Chí Minh một cách dài dòng thay vì chỉ nói Cảng Sài Gòn cho lẹ. Ông ta không biết Cảng Sài Gòn là tên riêng, Cảng Sài Gòn của thành phố Hồ Chí Minh, (nếu muốn nói đủ). Tò mò, tôi lật ra xem  mấy cuốn Tiếng Việt của bậc Tiểu học thử “cải cách” tới đâu so với sách cũ. Trước hết và dễ thấy  hơn hết là những cái bìa sách rất khác, khổ in khác, sắp xếp các chủ đề, chủ điểm cũng khác; giấy tốt hơn và giá …mắc hơn. Sách bỏ đi khái niệm từ ngữ, ngữ pháp, thay vào đó là luyện từ và câu, chắc là tránh tên gọi môn học  gây cảm giác nặng nề. Văn thơ được sao lục giảng dạy hầu hết lấy lại từ sách cũ. Tât nhiên cũng có bài mới nhưng đặc điểm chung là chia đều mỗi người một hoặc hai bài. Hình như được trích in vào sách giáo khoa là một vinh dự lớn, một quyền lợi hay chứng thực cho giá trị tác phẩm của tác giả đó chăng? Có lần tôi nói chuyện này với  Đào  Hiếu, Đào quân cười bảo thì cũng như phân phối cho công nhân viên theo tiêu chuẩn nửa ký thịt, mười ba ký gạo. Xem thử một bài học thuộc lòng trong sách Tiếng Việt lớp Ba:
      Rừng cây trong nắng.
      Trong ánh nắng mặt trời vàng óng, rừng khô hiện lên với tất cả vẻ uy nghi tráng lệ. Những thân cây tràm vươn thẳng lên trời như những cây nến khổng lồ.  Từ trong biền lá xanh rờn, ngát dậy một mùi hương lá tràm bị hun nóng dưới mặt trời.  Tiếng chim không ngớt vang xa, vọng mãi lên trời cao xanh thẳm.
                                                                                 ĐG
                                                                                               
      Đoạn văn trên đây nhiều khuyết điểm quá. Trước nhất là ý. Nói ánh nắng mặt trời là thừa. Nắng mà không từ mặt trời thì là gì? Nói rừng khô rất dễ hiểu lầm rừng cây khô, có lẽ nói khô ráo sẽ ổn hơn. Mà rừng khô thì có gì  uy nghi tráng lệ? Tưởng thành quách lầu đài thì mới tráng lệ uy nghi chứ? Tác giả so sánh thân cây tràm như những cây nến khổng lồ e không thích đáng. Có lẽ ông chịu ảnh hưởng Xuân Diệu trong Phấn Thông Vàng chăng? (Chín mười cây cau song song vụt lên giữ ánh sáng trên đầu như những cây nến khổng lồ), nhưng có “giữ ánh sáng trên đầu” thì mới so sánh được với cây nến khổng lồ, còn ở đây, cây tràm với tán lá xanh rì  làm sao so sánh như vậy cho được? Rồi cách dụng ngữ nữa. Đoạn văn chỉ có bốn câu ngắn mà lặp đủ bốn lần từ TRỜI, câu nào cũng có trời, hai lần lên trời, hai lần mặt trời, đọc nghe vụng về, chướng tai…quá trời! Lỗi không ở nhà văn, nhà văn dù giỏi cũng có lúc sơ sót vì nhiều lý do. Lỗi thuộc người trích tuyển không cẩn trọng, không biết chỗ dở chỗ hay. Nghe nói việc đổi sách giáo khoa được tổ chức khoa học, ban bệ đàng hoàng lắm và tiền cũng nhiều lắm. Còn nhiều điều trong sách có thể nói tới, nhưng thôi, không phải chỗ. Buồn một nỗi nghe đồn sắp đổi đợt mới, tất nhiên là tiền của dân. Chữ nghĩa, giáo dục xứ này coi vậy mà mắc tợn!


4.

      Ngôi trường Đức Tin nói trên do hội thánh Tin Lành sở hữu, khuôn viên rất rộng nhưng cơ sở đó mới chỉ là hai dãy phòng học nấp dưới bóng cây dầu, lớp Đệ Tứ là cao nhất. Tôi thấy hội thánh Tin Lành vốn nghèo, muốn xây nhà thờ thì quyên góp dâng hiến lâu dài, khó khăn, dường như không có chuyện “Mỹ tới đâu thì lo xây nhà thờ trước rồi đem xe bọc thép và máy bay ném bom đến sau.”
      Đạo Tin Lành có vẻ bị mang tiếng oan vì đa phần giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam truyền giáo là người Mỹ. Xây trường học có vẻ còn khó khăn hơn, họ không chủ trương kinh doanh trường tư như Công Giáo hoặc kinh doanh bệnh viện tư như hệ phái Cơ Đốc. Do vậy kế hoạch xây trường cứ nằm hoài trên giấy cho tới lúc bị Cách Mạng tịch thu.
      Trên khuôn viên đó còn có nhà thờ Tin Lành Pháp nhìn ra đại lộ Thống Nhất. Ngôi nhà thờ này nhỏ nhắn nhưng kiến trúc rất Tây, đẹp một cách đơn giản, đầy thần sắc . Sau 1975 bị dùng làm hộp đêm hay dancing gì đó, còn trường Đức Tin thì bị đập phá để xây một rạp hát “hoành tráng”. Lịch sử, ngoài chuyện “lên cơn dữ bất thường” (TTY) còn biết mỉa mai nữa, mỉa mai tới bến.

      Lúc này, tôi còn được giới thiệu dạy tiếng Việt cho Hội Ngữ Học (Summer linguistics institute) ỏ số 5 đường Sương Nguyệt Ánh. Họ thuê ngôi biệt thự nhỏ làm trụ sở, ở xúm xít mỗi gia đình một phòng. Họ có vẻ nghèo. Báo chí sau 75 ám chỉ phần lớn họ là CIA. Tôi hoang mang. Có dịp gần gũi, thấy họ sống rất đạo đức, ăn uống đạm bạc. Tôi được mời ăn cơm mấy lần, thấy họ chia nhau một đĩa cá thu chiên, một thố xúp đậu trắng lỏng như canh của VN, một tô khoai tây nghiền, hũ beurre đậu phộng, một đĩa lớn đu đủ xanh luộc trộn sauce mayonnaise, một đĩa bánh thuẫn có bán nhiều ở Sài Gòn, có khi thứ bánh mì mềm, họ không thích bánh mì kiểu Pháp. Tôi còn nhớ tên mấy người như ông bà Haupper, ông bà Grekinson, ông Grekinson cao dong dỏng và thư sinh như Anthony Perkins, thổi sáo miệng tài tình, bắt chước tiếng chim hót líu lo nghe mê tơi, miệng ông có duyên như miệng Steve Mc Queen. Mới đây, tôi nghe ai đó nói có một giáo sư ngữ học Mỹ được mời thỉnh giảng ở Đại học Hà Nội tên Grekinson, không biết có phải ông này không.
      Học với tôi lâu nhất là ông Fippinger, từ lúc ông mới qua VN đến khi ông nói được tiếng Việt, gần hai năm, nếu tôi nhớ đúng. Ông nói trôi chảy về câu kéo thôi chứ ngữ điệu (intonation) và nhất là thanh điệu (ton) chưa đạt. Về thanh điệu, nói như cụ Nguyễn Hiến Lê, chắc ông phải ăn hết mấy chục thùng nước mắm rồi mới nói đúng, rõ là ông không còn dịp ăn được nhiều nước mắm nữa. Ông phát âm khó khăn những câu đại loại như: “Chị Phụng bị bịnh nặng quá”, các thanh nặng thành huyền, thanh sắc thành ngang -không dấu- nghe rất tức cười, câu này nữa:” Hồi này chúng tôi bận, ăn uống qua loa cực khổ lắm” thành ra “hồi này chúng tôi bẩn, ăn uống qua loa cức khô lắm”. Ông hay lộn phụ âm đầu nữa, ví dụ thung lũng ra lung thũng, dùng sai động từ một cách... sáng tạo như con muỗi ngồi trên mặt anh kìa, than chín hồng rồi, bắt nồi lên, gió thổi nón chạy trên bãi cỏ, tôi có thể rô ti cà phê... Một người nào đó trong nhóm này hỏi tôi:
       - Vì sao người Việt mấy anh gặp nhau không bắt tay nhau mà tự bắt tay mình?
      Tôi ngạc nhiên:
       - Hồi nào?
       - Thì tự bắt hai bàn tay lại, rung rung trước ngực chứ còn gì?
      Tôi bật cười nhận ra đúng. Kỳ chưa, chuyện mình làm hằng ngày mà vẫn không thấy, người ngoài lại thấy với nhận xét hài hước, bình thường ta vốn quan sát kém vậy sao?
      Tôi nhớ mãi những buổi sáng kê ghế dưới bóng cây dầu học tiếng Việt với ông Fippinger. Đường Sương Nguyệt Anh ngày đó đẹp và tĩnh lặng nhất Sài gòn. Đứng ở đầu này ngó mông cuối phố thấy như một đường hầm cây xanh hun hút. Hai hàng thân dầu dày khít mọc song song như hai bức tường xám dựng đứng và cao vút trên kia, vòm mái xanh bằng lá đan nhau dày mịt. Có lẽ đã hình thành từ lâu lắm nên lòng đường không mấy rộng rãi. Cứ nhìn những gốc cây to tới mấy người ôm ta cũng cảm nhận được đâu đây hồn xưa của phố cũ. Lề đường không được bằng phẳng vì bị mấy chiếc rễ cây vạm vỡ núng lên nhấp nhô. Tàng dầu không tỏa rộng nhưng nhờ trồng khít nhau nên bóng mát vẫn che rợp. Từ ngoài đại lộ nắng chói quẹo vào, ai cũng nhận ra làn không khí mát mẻ khác thường chan hòa khắp nơi và nắng ở đây chỉ còn là những sợi tơ vàng mỏng manh chiếu những đóm loang lổ trên mặt nhựa bóng loáng. Đầu mùa hè, những cánh dầu màu nâu quay tít trong gió, xoay tròn tưng bừng một điệu luân vũ thật lâu trên không sau lúc lìa cành. Chúng len qua cửa sổ, rơi bất ngờ trên bàn học như nhắc nhở sự có măt kỳ diệu của thiên nhiên giữa chốn đô thành san sát cửa nhà, tấp nập xe cộ. Nhà trên phố lúc đó còn giữ nguyên vẻ xưa, kiểu biệt thự cũ thời Pháp, trước cổng che rợp lùm dây leo hoa tím hay giàn bông giấy ngũ sắc lộng lẫy xiêu xiêu trong gió.
      Đường Sương Nguyệt Anh may mắn nay vẫn còn đủ hai hàng cây nhưng cảnh sắc khác xưa nhiều lắm. Nhà cửa đồ sộ, tráng lệ nhưng toàn xi măng khô nóng lạc lõng vô duyên, ô tô đậu chen chúc chẳng còn một khoảng không để thở, người đi bộ tràn xuống lòng đường, thật khó khăn mỗi khi muốn băng ngang qua lộ. Còn ở đâu miền xanh bóng cây, để ta đến đó ngồi trưa nay, dường như hơi mát trong vòm lá, có chất men làm ta thoảng say.(Tô Thuỳ Yên)
     
       Nhà văn Võ Phiến có nói đâu đó rằng mỗi thành phố có một thứ cây tiêu biểu lưu lại nơi du khách nhiều kỷ niệm hơn các cây khác, Sài Gòn với cây dầu. Chắc kể được cây me nữa. Đà Lạt đặc sắc thông xanh nay cũng chỉ còn là thành phố xi măng cốt thép, thật không thể tin nổi. Cậu tôi cứ nhắc chuyện ngày còn Pháp cai trị, đốn một cây thông nhỏ về làm cây Noel bị phạt vi cảnh đến một tháng lương công chức. Khó tin đó cũng là sự thật. Nhắc tới cây cối trồng trên phố, vẫn chưa quên hàng phượng rực rỡ trong nắng hè trên bờ sông Hàn Đà Nẵng bị thuốc khai quang hủy hoại trong chiến tranh, nay chẳng thấy trồng lại. Phượng mà trồng ờ Sài Gòn là tội nghiệp nhất. Ngay bên kia đường chỗ Hội Ngữ Học ngày trước, ai đó trồng cây phượng xen giữa hai gốc dầu, cây phượng tội nghiệp sinh ra không đúng thổ ngơi, lớn không nổi, lại bị bóng dầu che kín, cành nhánh cứ tán ngang ẻo lả, rủ xuống la đà, chưa bao giờ nở được cánh hoa đỏ báo hiệu mùa hè. Hội An cũ cũng nhan nhản phượng hồng, mấy năm sau bắt chước Hà Nội trồng nguyên một con đường hoa sữa dày mịt, mùa hoa nở, tưởng thơm tho nhưng nhiều quá hóa ra thối hoắc, phải vội vàng chặt bỏ.
      Lại liên tưởng tới xóm quê cuối những năm 50 đầy thanh bình, nề nếp. Từ làng đi khoảng một cây số là đến bìa rừng với ba ngọn đồi chắn ngang gọi là Núi cấm, tức cấm chặt cây. Ai chặt phá sẽ bị phạt giam, tịch thu dao rựa (vì dân nghèo không có tiền), lệnh cấm rất nghiêm, hiếm có ai vi phạm. Rừng xanh ngút, mỗi mùa một mùi hương hoa dại khác lạ, chim muông đông đủ, khe suối dồi dào, dòng chảy hiền hòa hiếm khi nổi giận, không nghe từ “lũ quét” bao giờ. Con suối chảy ra Núi cấm đó dạy cho chúng tôi lòng yêu quí thiên nhiên, chứng kiến bao nỗi hân hoan hạnh phúc của một thời tuổi thơ diễm ảo mà đám con cháu của chúng tôi ngày nay không bao giờ biết tới.
      Lũ chúng tôi, năm bảy đứa thiếu nhi, mỗi đứa một mo cơm, nhà ai có mắm cái cá cơm ngon thì đem theo một ve nhỏ, không cần mang theo thức ăn, sẽ câu cá, bắt ếch đá dưới khe nướng rồi giằm mắm làm thức ăn, nói ếch đá vì phải lật mấy hòn đá lên, chúng mất nơi ẩn nấp dù có nhảy nhanh và xa tới đâu cũng vẫn bị tóm, thịt chúng dai và ngọt như đường. Chúng tôi câu theo dòng suối, càng lúc càng đi sâu vào rừng, có đoạn phải trèo lên khỏi vực sâu khó khăn mới đi tiếp được. Con suối đó tổ tiên chúng tôi đặt tên Khe Gành, nhiều nhất là giống cá xanh thân ánh bạc, không lớn lắm, chỉ bằng chừng hai ngón tay nhưng khôn và... láu cá vô cùng. Đừng hòng câu được hai con trong cùng một vũng nước. Bất ngờ thả câu xuống sẽ mau chóng giật được con đầu tiên ham ăn và không bao giờ lừa được con kế tiếp mau lẹ rút kinh nghiệm, mặc dù chắc chúng cũng đói bụng và thèm của lạ như con đã dính câu. Hình như chúng có tổ chức chỉ đạo đầy từng trải nên chỉ thiệt hại chút ít lúc ban đầu. Muốn kiếm thêm cá bảo đảm bữa trưa thì phải đi tiếp, ẩn nấp cẩn thận, thình lình quăng câu xuống, có thể bắt được một con và không có con thứ hai, đừng nấn ná mất công, phải đi chỗ khác. Điều lạ là vượt qua bao nhiêu vực sâu, trèo lên gần tới đỉnh vẫn có cá bơi loạn xị trong lòng suối, không biết lũ cá lên tới thượng nguồn bằng cách nào và lên cao thế làm gì cho vất vả. Dòng suối hoang sơ, lâu lâu mới có bọn nhỏ chúng tôi câu cầu vui, không hiểu sao bọn cá nhỏ thông minh, kinh nghiệm và hiểu đời tới vậy. Mặt trời trên đỉnh đầu, chúng tôi dừng nghỉ bên tảng đá, nhóm bếp nướng các thứ.
      Những bữa cơm đạm bạc dưới bóng râm trong tiếng nước chảy róc rách vì sao cứ đeo đuổi cả đời ta? Những cánh hoa rừng tinh khiết đung đưa thơm lừng bên suối với lũ bướm nhởn nhơ chấp chới trong nắng lóa cứ đọng hoài trong ký ức, bọn nhỏ chúng tôi nói là bông chùm gởi, đâu biết đó là những thứ lan rừng thanh quí mà ông Nhất Linh săn tìm vất vả và đặt tên chữ Hán cầu kỳ ở suối Đa Mê.
      Hôm tôi về thăm, mấy hòn núi cấm như mái đầu ghẻ chốc, cây cối trơ trụi, chỉ còn là những đồi cỏ tranh day buồn trong gió đìu hiu. Đất xám bày ra lồ lộ khắp núi đồi quanh thung lũng. Dòng suối vẫn còn chảy nhưng chỉ là một mương nước nhỏ, đá cuội bị lũ dữ cuốn trôi, lùa từ sườn đồi lấp đầy mấy thửa ruộng ven rừng, không còn canh tác được. Mỗi năm đá sỏi càng lấn tới phủ lấp ruộng cày. Núi, quả thật không còn phải núi nữa. Không có đạn bom của thực dân đế quốc nào có thể tàn phá quê hương bằng tự dân ta trong thời gọi là độc lập. Độc lập thì hả hê nhưng nó lại mang theo kè kè bao nhiêu cái độc khác coi bộ cũng... độc địa bội phần. Ta không đủ trình độ cai trị dân chứ chẳng lẽ ta ác với dân, với thiên nhiên, núi rừng châu báu hơn kẻ ngoại nhân sao?
      Mấy năm trước tình cờ xem phim, Charlton Heston trong vai một nhà ngoại giao Anh đầy lòng nhân ái bị giết tàn bạo ở Afghanistan. Anh quốc lìa bỏ, trả độc lập cho họ tự cai trị. Từ đó thôi thì đói kém tứ bề, loạn lạc khắp chốn, luật pháp bị chà đạp, văn minh thì được bảo là đồi trụy, bạo lực lên ngôi bền vững, dân chúng mặt mày hớt hơ hớt hãi âu lo thường trực. Mãi cho tới giờ này, hơn nửa thế kỷ sau, không những vẫn thế mà còn tệ hơn. Xứ đó nghe nói cũng có tới mấy ngàn năm “văn hiến” chứ đâu có  mới vài trăm năm lập quốc ngắn ngủi như Hoa kỳ.


5.
      Vào học SP, tôi sợ không rảnh nên xin nghỉ chỗ Hội Ngữ Học, chỉ giữ lại vài buổi tối dạy tiếng Việt cho một ông thiếu tá bác sĩ Mỹ ở Bệnh viện 3 Dã chiến trong phi trường Tân Sơn Nhứt, tên Thomas Benton. Chiến tranh lúc này gần như đạt đỉnh điểm ác liệt, Sài Gòn liên miên bị pháo kích, rạp hát, chợ búa thỉnh thoảng bị đánh chất nổ, xe lửa bị đặt mìn.

      Chuyến xe lửa em đi trúng mìn bật tung như    con sâu
      Như con sâu nhỏ mọn trợt chân trên cuống lá trơn lùi
      Vậy là em đã chết
      Em đã chết em đã chết
      Ngoài miền trung
      Xứ sở những cây dừa phù thủy xõa tóc hú cuồng phong
      Những bờ cát thau, những trái núi chì
      Con đường sắt dài xương sống quê hương
      Em đã chết lẽ nào em đã chết
      Em nào có biết gì đâu
      Vậy sao em lại chết
      Chết trên xe lửa trúng mìn chết vô tình cho lịch sử (Tô Thùy Yên).

      Tình hình chính trị cũng hỗn loạn không kém, việc nước được tháo khoán cho quân nhân, bọn tướng tá bất lương kết bè kéo cánh gây đảo chánh, chỉnh lý liên tục tranh giành quyền lực hệt những vở bi hài kịch có quá nhiều diễn viên hề lố bịch, lắm lúc xem như trò đùa. Thomas nói với tôi:
      - Đêm nào anh thấy máy bay trực thăng lên xuống nhiều trên phi trường thì khỏi đến dạy, họ chở lính Mỹ bị thương về, tôi bận mổ xẻ, tôi sẽ trả anh phân nửa số tiền hai giờ anh thực dạy.
      Tôi nói:
       - Không sao, ông bắt buộc phài nghỉ, tôi thì đâu có dạy mà lấy tiền.
       Ông vẫn nói:
      - Không nên, phải… fair một chút, fair là gì anh?
       Tôi nói:
      - Công bình.
      - À, phải công bình một chút.  Ông bảo.
      Từ đó, hễ thấy trực thăng lên xuống nhiều là …tôi khỏe! Có lần ông dẫn tôi vào phòng mổ xem ông làm việc, tôi cũng bận áo blouse màu xanh như ông, bữa đó vài người bị thương, nặng có, nhẹ có, đều Mỹ đen cả. Họ la khóc như trẻ con chứ không dũng cảm như lính tráng trong phim ảnh. Ngay từ những ngày đầu, ông đã than với tôi về sự vô ích của chiến tranh, đại khái ông nói dân tộc VN khá bất hạnh, nhiều ít cũng giống như cuộc nội chiến của Hoa Kỳ, ông không thấy lý do gì chính đáng để Mỹ phải trực tiếp tham chiến, ông luôn miệng mong chiến tranh sớm kết thúc…để đem cô vợ VN xinh đẹp về Mỹ.
      Ông tỏ ra lo lắng vì chưa cưới được cô này. Cô là tiểu thư yểu điệu, ái nữ của một gia đình quí tộc gốc Huế, ông nói người VN trưởng giả còn “phân biệt chủng tộc” hơn Mỹ nữa, cha mẹ nàng cứ ngăn cản cuộc hôn nhân vì sợ thiên hạ đàm tiếu con gái mình là me Mỹ, một từ khá khinh miệt thời đó.
      Miền Nam lúc này đã là một xã hội thực dụng, bấn loạn trước làn sóng nửa triệu quân Mỹ và đồng minh ập vào nhưng chuyện lấy Tây lấy Mỹ vẫn bị khinh thường chứ không đến như lấy Đài Loan, Đại Hàn trong thời CS vẫn được xem là vinh hạnh. Dân miền Nam gọi lính Mỹ là thằng,  sau này họ ngạc nhiên nghe dân Bắc gọi người Nga là ông Liên Xô, gọi các viên chức chính trị ngoại quốc là ngài. Chỉ gần đây, đi tập thể dục ngoài công viên, tôi mới nghe mấy ông cán bộ về hưu gọi bằng thằng Gorbachov. Tiếng Việt rối rắm chuyện đại từ nhân xưng, chuyện  phân chia từ loại, cấu trúc câu…chẳng giống ai khiến các nhà ngữ học không tiếc lời mắng mỏ nhau. Không mắng nhau là gì, có lần tôi nghe ông Cao Xuân Hạo bảo:
      - Chúng nó bắt chước văn phạm các nước Châu Âu, mà bắt chước cũng không ra hồn, có hiểu ngữ pháp Việt Nam là gì đâu anh, chúng nó đọc sách của tôi có hiểu gì đâu, chúng dốt lắm!
      Chẳng là ông đến trường chúng tôi, chán nản thấy chúng tôi vẫn dạy thứ ngữ pháp ông hằng công kích, tôi không rõ “chúng nó” của ông là những ai nhưng chắc không thể không có mấy nhà giáo ưu tú, nhân dân gì đó chuyên soạn sách giáo khoa cho bọn tôi dạy, có khi cả những nhà ngữ học không theo kiểu của ông cũng nên. Ngược lại, có lần tôi được nghe nhà phê bình văn học tiếng tăm ĐT ca tụng các nhà ngữ học miền Bắc, đại khái ông nói sau Nhân Văn Giai Phẩm, trí thức xuất sắc của họ không làm văn nghệ được nên quay ra nghiên cứu ngữ pháp, đội ngũ đông đảo, rất uyên bác, chuyên ngành hẳn hoi chứ không mằn mò, tự phát . Ngành này miền Nam chỉ loe hoe, khá nhất là hai ông Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê nhưng không bài bản mấy.
      Ông ĐT, ông Hạo đều là các bậc thức giả, nói vậy hay vậy, bọn thợ dạy chúng tôi chỉ răm rắp theo pháp lệnh sách giáo khoa, gặp lúc bị quay (chẳng hạn sao sách này nói mấy tiếng đó là cụm từ, sách kia bảo từ ghép, sách giáo khoa bảo chim chóc, cây cối , bạn bè là từ ghép trong khi tự điển bảo là từ láy…) chúng tôi chỉ còn biết nói các anh chị chỉ nên theo sách giáo khoa là đủ, đừng hỏi lôi thôi- làm như mấy cuốn ngữ pháp kia là của…bọn xấu.
       Né dạy văn thơ Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa, dạy ngữ pháp tưởng khỏe nhưng vẫn bực mình vì đọc những dẫn chứng gượng gạo người viết đặt ra cho phù hợp với quy tắc đã phát biểu, trong khi “nhân dân” không nói hoặc ít nói như vậy; phải lo tránh xa những vấn đề rất thiết thực, nhiều khi nằm gác tay lên trán không khỏi không thấy bẽ bàng. Phải chi lương lậu nhiều nhặn gì cho cam. Cái thời thật khó lắm thay! Nhớ người bạn Quảng nam – Nguyễn Công Thuần – viết mấy câu thơ vịnh Kiều trước khi bỏ dạy:
       Bán mình không để chuộc cha,
       nuôi thân không đủ đời hoa ê chề,
       suy đi tính lại mọi bề,
       trả quách son phấn trở về làng xưa.
       Nghe đâu về quê xưa cũng không xong, anh trôi giạt vào Sài gòn làm công nhân của một công ty chế biến khô mực (cùng “nghề” với nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, người ta nói có lúc ông phụ trách phơi khô mực, bị kẻ gian ăn cắp hoài nên mất việc). Điều đáng ngạc nhiên là những vấn đề từ ngữ, ngữ pháp phức tạp còn tranh cãi vẫn được giảng dạy kỹ từ cấp tiểu học.
      Trẻ con trên dưới 10 tuổi đã phải biết các khái niệm như từ ghép phân loại, từ ghép tổng hợp, từ láy âm láy vần, động từ làm định ngữ, bổ ngữ, câu đảo vị ngữ (cha đẻ kiểu nói rất quái hằng ngày trên TV: “Hôm qua ở Hà nội đã diễn ra lễ ký kết…”); câu đặc biệt (là những câu không thể phân được chủ ngữ – vị ngữ, tức hầu hết các câu tục ngữ phương ngôn, tức lời nói đầu môi của nhân dân – theo ông Cao Xuân Hạo – ông còn nói ngôn ngữ một dân tộc mà câu đặc biệt nhiều hơn câu bình thường thì quá… đặc biệt). Đây là một câu hỏi khá tiêu biểu trong một kỳ thi giỏi văn lớp 5: “Em tìm tiêu chí để phân loại các từ ghép sau đây thành nhóm, hãy đặt tên cho mỗi nhóm: bánh nếp, bánh ngọt, bánh gai, bánh rán, bánh nướng, bánh mặn”.*
      Dạy chu đáo vậy nhưng hình như người ta chỉ gặt hái được những hư hao. Học sinh vẫn viết câu sai, từ tiểu học tới đại học. Làm gì có chuyện càng học nhiều ngữ pháp càng viết sai, câu khô ran, cứng ngắc nhưng xem ra tình hình đúng như vậy mới quái lạ.
      Tất nhiên một số ít vẫn viết đúng, viết hay nhờ…trời cho. Một thứ ngữ pháp dù uyên bác, chuyên nghiệp tới đâu khi đem ra giảng dạy chỉ đạt được kết quả ít oi, hoặc đáng ngạc nhiên hơn, một thứ effect ngược thì cũng là thứ ngữ pháp đáng ngờ. Còn chưa nói công trình nghiên cứu đồ sộ, công phu vậy mà không gây được chút ảnh hưởng nào trong xã hội lại càng quái lạ hơn. Cứ nghe cách nói tiếng Việt tùy tiện kinh hoàng hiện nay thì ai có từ tâm tới mấy cũng phải oán giận những kẻ có trách nhiệm về học thuật, giáo dục, ngôn từ của dân tộc.
      Năm khi mười họa xem TV, thấy người ta đọc thì còn đỡ phần nào, nhưng khi buộc phải nói vói nhau thì bất cứ ai có học hành đôi chút cũng thấy tiếng Việt bị tàn phá, rơi vào hỗn loạn hơn lúc nào hết. Hay tại cái thời triết học bị xuyên tạc và suy tưởng độc lập bị chế độ toàn trị triệt phá và quét sạch khỏi đầu óc con người, không cần suy tư, chỉ cần “quán triệt” giáo điều thì tìm tòi phát tiển ngôn ngữ để làm gì?
      Cái gì mà các nhà chính trị từ cao tới thấp “phát biều chỉ đạo” lúc nào cũng chỉ có mấy “từ khoá” như nỗ lực, phấn đấu, bức xúc, hoàn thành, trăn trở, mạnh dạn… câu thì chỉ hai ba “câu khoá” như “Không được để… phải hoàn thành…phải đẩy mạnh….Xem ra nói đi nói lại chưa tới một trăm từ! Các MC, biên tập viên, bình luận viên thể thao… phải như những tấm gương soi cho cộng đồng về ngôn từ trên TV thì muốn nói kiều gì cũng được, cùng một tiếng khi đọc âm này, lúc đọc âm khác, nói sai bậy mà mặt mày đầy tự tin phát ghét. Có thứ tiếng Việt nào trong lịch sử mà nông dân chỉ cần nói: “Bưởi rất ngon nhưng thiếu đất, trồng không đủ bán”, đến phiên quan chức sẽ thành ra “Chất lượng bưởi rất là đạt nhưng diện tích nuôi trồng là không nhiều vì chưa có hướng phát triển đúng đắn nên khả năng tham gia thị trường là còn hạn chế”.
      Tôi không thể tin vào thính giác già nua của mình khi nghe một ông đại uý công an giao thông thay vì chỉ cần nói “đụng xe ngoài ngã tư” thì thành: “Các phương tiện xung đột tại giao lộ”, phải chi ông mỉm cười một chút là tôi khoẻ vì nghĩ ông giỡn thôi. Báo chí thì chính thức từ lâu nói “thành viên trong gia đình”, “tham gia giao thông”…lạ thật đó. Kinh hoàng nhất là BLV bóng đá. Nghề đó phải nói nhanh và càng gọn càng hay nhưng sao ngược lại mới lạ đời. “Sức khoẻ anh ta vẫn dồi dào” hoặc “anh ta vẫn rất khoẻ” thì thành ra “Sự sung mãn về thể lực ở anh ấy là rất lớn”, “Anh ta chạy cực nhanh” thì bảo “Tốc độ chạy của anh ta là rất lớn”, “Anh ta có kỹ thuật khéo léo” thành ra “Anh ta đã sở hữu những phẩm chất kỹ thuật rất là tốt”, “Đội A thay người” thì lại nói: “Đội A có sự thay đổi người”. “Cú đánh đầu vừa rồi là của A” tức “A vừa đánh đầu”, lại “đánh đầu chiến thuật” tức chuyền banh bằng đầu. Chiến thuật ở đây là gì? Luôn luôn nói “Thời gian còn lại là không nhiều” trong khi chỉ cần nói” sắp hết giờ”. Sao người ta say mê từ “là” quá trớn trong khi từ này cấm kỵ trong tiếng Việt ngày trước, nhất là không được đặt trước tính từ làm vị ngữ, bổ ngữ vì nó thừa thải, dở tệ. Cũng không thiếu hài hước khi nghe các từ ngữ phát sinh theo nhu cầu bẻ quẹo tin tức như “nới rộng biên độ giá xăng” tức xăng tăng giá, “điều chỉnh chỉ số giá tiêu dùng” tức tăng vật giá, “khiếu kiện đông người” là biểu tình, “ngưng việc tập thể” là đình công, “nông dân có khó khăn” là nông dân điêu đứng, “chi tiền chưa đúng đối tượng” là ăn chặn tiền tết của người nghèo…
      Những nhà học thuật, họ tỏ ra uyên thâm, sắc sảo mọi bề, chẳng hiểu vì cớ gì không nhìn lại đôi chút kết quả việc mình làm mà thay đổi chương trình, thay đổi não trạng trong việc trích tuyển tác phẩm, nội dung văn thơ trích giảng. Cái gì cũng chăm bẳm rằng chỉ văn học của phe ta là giá trị, đáng học, rồi ra chỉ thu hoạch một “mùa gặt trên hư không” mà thôi.
      Lũ chúng tôi, suốt thời kỳ trung học, có học giờ ngữ pháp nào đâu, đó chỉ là những câu hỏi cho có vào cuối bài giảng văn, học sinh không kịp soạn thì thầy cũng không la rầy gì. Thế nhưng lên đến lớp 11, 12 chúng tôi chỉ mắc lỗi về ý tứ trong các bài nghị luận, hiếm khi thầy phàn nàn về lỗi từ ngữ, ngữ pháp. Không phải lúc đó trẻ con thông minh gì hơn bây giờ – dân tộc càng ngày càng khôn lanh hơn chứ – nhưng có lẽ nhờ chương trình chỉ chú ý dạy thứ tiếng Việt thực hành cốt rèn luyện cho trẻ em dùng từ ngữ đúng và viết trôi chảy các kiểu câu tiếng Việt thông qua các văn bản có giá trị thật về văn chương. Văn thơ thật sự có giá trị nghệ thuật, cái gì là tinh hoa của văn chương Việt nếu được trích dạy đúng lúc sẽ ở lại hoài trong tâm hồn trẻ, lời hay ý đẹp, mỗi ngày một ít, sẽ thấm dần trong các em, cách diễn đạt đặc trưng của ngôn ngữ dân tộc trong các áng văn thơ đó đâu khó khăn gì mà không gây được ảnh hưởng trên các em, rồi các em sẽ viết sáng sủa mà không cần phải học ngữ pháp quá nặng nề, vô bổ, mất thì giờ.

*Chia ba nhóm từ ghép:
Danh từ + danh từ : bánh nếp, bánh gai
Danh từ + động từ : bánh rán, bánh nướng
Danh tứ + tính từ   : bánh ngọt, bánh mặn

6.
      Đã mấy năm tôi không có dịp ghé lại chỗ Hội Ngữ Học, không biết họ đã soạn xong cuốn Tự điển  Anh-Việt-Ca Tu hay Việt-Anh-Ca Tu, tôi không nhớ chắc, cuốn sách lúc còn dở dang đã dày hơn tự điển Petit Larousse rồi. Ca Tu là bộ lac người thiểu số lớn nhất Quảng Nam, lúc còn bé, tôi vẫn hay thấy họ đi thành hàng vào các thôn xóm người Kinh giao thương đổi chác, vai mang gùi, tay cầm cây lao nhọn, ánh mắt ngờ vực, cái nhìn hiện rõ niềm u ẩn và sâu thẳm của núi rừng. Họ có tập tục đâm trâu rất rùng rợn, tôi đã từng được xem trong dịp Tết, con trâu bị cột vào cây cọc lớn, chạy lảo đảo vòng vòng quanh cây cọc, chảy nước mắt như khóc trước khi và cả trong khi bị đâm từng nhát lao cho tới chết, trò này gần giống đấu bò của Tây Ban Nha, nhưng đấu bò có vẻ “công bình” hơn chút đỉnh, ít ra còn cho con bò chiến đấu chống lại một cách hạn chế để nó đỡ uất ức chắc, hình như con trâu Việt nam nhẫn nhục đợi chết chứ không dũng cảm bằng con bò bên Tây thì phải.
       Một buổi chiều ngồi chơi trước nhà, tôi thoáng thấy có người Tây phương nào thập thò ngoài cổng, tôi bước ra nhìn, ngạc nhiên nhận ra ông Fippinger. Tôi mời vào và hỏi ông đến có việc gì. Ông nói:
     - Lâu không gặp, tôi đến thăm anh, luôn tiện cũng có chút chuyện muốn nói, một chút thôi. Tôi nói:
     - Không sao, tôi có bận rộn như mấy ông đâu, cứ ngồi chơi nói chuyện lâu lâu.
      Đôi mắt ông mở to hiền hậu, lúc nào như cũng sợ người khác phiền hà, vẻ lương thiện, thực thà hiện ra trong từng lời nói, cử chỉ. Gương mặt ông tỏ rõ nét đẹp đạo đức toàn bích ít  người có thể đạt tới. Cũng như  người ta  nói gương mặt Greta Garbo đã đạt tới điểm đỉnh sự trong sáng, kiều diễm của người nữ mà nhân loại có thể vươn tới. “Một chút chuyện” của ông khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng. Ông nói:
     - Anh còn nhớ mấy năm trước một lần đi Singapore tôi có mua giùm anh cái tape recorder nhỏ?
       Tôi nhìn ông, vẫn chưa hiểu chuyện gì, tôi bảo rằng tất nhiên tôi nhớ. Lúc bấy giờ chưa có cassette, chiếc máy thu băng nhỏ đó là thứ quí hiếm. Ông nói một cách rụt rè:
      - Gần đây tôi mới được biết hàng hoá đem về qua phi trường đều phải đóng thuế, tôi nghĩ anh nên đóng thuế cho chính phủ, rồi Chúa sẽ cho lại mình tuỳ theo cách của Ngài.
      Tôi giải thích cho ông hiểu rằng hàng lẻ  xách tay qua phi trường thì được miễn lệ phí theo luật quan thuế lúc bấy giờ, không có gì mờ ám cả. Ông bảo  ông có biết điều đó nhưng nghe nói nhiều người lợi dụng chuyện này để kiếm lời, mỗi lúc nhớ lại ông không được bình an. Tôi tự nhiên cảm thấy xấu hổ, ngượng nghịu.Trước mặt ông, tôi trở thành tên trốn thuế chỉ với một món tiền nhỏ mọn chẳng bõ bèn gì.Tình thế kỳ quái khiến tôi không thể nói gì hơn đành hứa với ông tôi sẽ làm theo ý muốn của ông. (chiếc máy ghi âm đó đã sắp hư, sửa đi sửa lại mãi rồi!). Hẳn là “bức xúc” dữ lắm ông mới khổ công tìm tôi tận hang hẻm Sài gòn để nói chuyện này. Làm sao mà chính phủ của người ta trong mắt dân chúng tuyệt vời tới vậy, tôi thật không khỏi lấy làm lạ. Không rõ ông có biết chính phủ đang cai trị chúng tôi rất khác chính phủ của ông hay sao.Thì ra sống đúng luật vẫn chưa phải đạo đức, tiêu chuẩn đức lý của mấy ông này cao quá. Giống như cô em gái tôi thuyết phục tôi đi nhà thờ, tôi bảo tôi ngại lễ nghi, thờ phượng, vốn tôi thiên về…vô tổ chức. Tôi sống đạo bằng cách cố ăn ở ngay thật, không chủ tâm chơi xấu ai…cô em tôi nói thẳng rằng sự công bình và lương thiện của tôi chỉ như tấm giẻ rách trước mặt Chúa mà thôi. Hồi nhỏ, tôi ở với ông bà ngoại, theo đạo Tin Lành, thỉnh thoảng mới chạy qua nhà nội, hai nhà cách nhau có một lối đi cây cối um tùm, đêm hè đom đóm  bay lập loè trong ngõ giếng, tôi tưởng tượng như ánh ma trơi. Ngày lễ Tết, ông nội tôi, mỗi khi cúng quảy, khấn vái ông bà tổ tiên, tôi hay đứng sau lưng ông làm bộ tịch chòng ghẹo khiến không khí  nghiêm trang, sùng kính vơi nhẹ đi, vì tôi là cháu nội đích tôn được ông cưng chiều, cũng có thể không tin mấy về cúng bái, chỉ làm theo lệ, nên ông chỉ cười hiền, cốc nhẹ vào đầu tôi  mắng thương:
     - Mẹ họ mi!
      Sao bỗng dưng nhớ quá tháng năm ông bà cha mẹ còn đông đủ, hôm nào ráng chiều đỏ rực trời tây, bà nội gọi đến bất ngờ cho ăn mỳ Quảng cá tràu với nước lèo ít ít, nhưn loe hoe mà sao ngon thấm tận ruột gan, cảm giác đó sau này không bao giờ gặp lại. Ký ức tôi vẫn hằn sâu những buổi chiều cuối năm êm ả, tĩnh lặng như chiêm bao trong ngôi làng nhỏ bên chân núi, gió mùa đông bắc se lạnh xao xác bên vườn chuối âm u, trăng mọc sớm trên ngọn đồi thấp phía đông chiếu một vệt ánh vàng run rẩy lung linh trên  đầm nước ven làng. Nhớ ngày ông nội tôi bệnh nặng sắp qua đời, ba tôi công tác kháng chiến ở xa, tuổi nhỏ tôi hiếm khi được ở bên ba, má tôi nhắc nhở:
     - Con phải năng đến thăm ông, ông còn không bao lâu đâu.
     Tôi một phần ham chơi bắn chim, bắt dế gài bẫy chụp, đào trùn đặt ống trúm bắt lươn, một phần nghe nói ông sắp mất, tự nhiên đâm sợ sệt nên ít đến với ông. Khung cảnh nhà nội tôi lại đồ sộ, cây cột nhà ôm không hết vòng tay, bàn thờ tổ tiên âm u khuất tối khiến tôi càng ngại đi ngang đó vào buồng sau thăm ông. Năm kỉa năm kia, mỗi lúc phải lên nhà trên cao nghệu vắng tanh lấy vật gì do ai đó sai bảo, tôi khổ sở cầm theo cây roi mây, quơ liên tục sau lưng đuổi tà ma khi quay trở xuống nhà dưới, tim đập thình thình, kinh khiếp nhất là ngọn đèn dầu phụng trên tay bất ngờ phụt tắt, chạy nháo nhào va đầu vào cột vẫn không kịp thấy đau. Ông nội, dường như hiểu tâm lý sợ sệt nơi tôi nên có bữa gọi lại nói, giọng đã hơi thều thào:
     - Con có thấy người ta đang cưa ván đóng hòm cho ông không? Răng con ít vào thăm ông? Con nề, ông chết rồi thì cũng như cục đất, không thành ma cỏ chi đâu. Mà giá như có cái chi linh thiêng thiệt thì ông thương con cháu, phù hộ giúp đỡ con cháu chớ ai lại làm ma bắt con cháu đâu mà sợ.
       Ra khỏi buồng ông, tôi vừa đi vừa lấy tay áo quẹt nước mắt. Không lâu sau, ông tôi qua đời, tháng chín mưa lụt xối xả từng cơn phủ trắng núi rừng một màu tang tóc, xôi nếp mới đám tang ông thơm lừng trong nhà ngoài ngõ. Không hiểu thừa hưởng nét tâm lý nào, của ai, vì ba má tôi cũng là đảng viên trong thời kháng chiến chống Pháp, nhưng sao đến phiên tôi, khi phải sinh hoạt trong các hội đoàn, tổ chức này nọ, bao giờ tôi cũng ngượng ngùng, không nghiêm trang và tự nhiên nổi. Tôi không quên một lần may mắn được dự lễ kêt nạp Đảng với một không khí thiêng liêng không ngờ ở một trường PTTH (thiêng liêng còn hơn làm  phép Báp Têm, vì khi ông mục sư nhận đầu tín đồ xuống khỏi mặt nước, dù rất nhanh nhưng vẫn có người bị ngộp nên hơi buồn cười một chút). Đảng viên mới là bà hiệu phó gốc Sài gòn đi tập kết trở về, bao nhiêu năm gian khó trên đất Bắc, khát vọng được vào Đảng nung nấu quá mức hay sao mà đến lúc được thề thốt trung thành với Đảng, bà khóc rũ rượi, gần như té xỉu vì xúc động, không nói nên lời, tôi thì ngồi im như tượng, cảm giác lạnh lạnh cứ chạy suốt sống lưng.                                   
    Tôi nói một câu để khều nhẹ ông Fippinger chơi:
     - Chúa Jesus ghét bọn thu thuế lắm  phải không?
      Ông cười cười bảo:
     - Chuyện đó ở một hoàn cảnh khác.
Ông khoe vừa đi Quảng Nam về và được gặp người Cà-Tu thiểu số, nhiều người trong bộ tộc nói được tiếng người Kinh nhưng với cách riêng. Tôi hỏi:
      -Ông nói cách riêng là sao?                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        
     - Chẳng hạn họ luôn đặt tiếng “cái” chứ không tiếng nào khác trước các danh từ, thí dụ như cái sông, cái làng, cái chữ, cái ruộng, cái rẫy, cái bụng, cái buồn, cái vui…
     - À, tôi biết chuyện này, mấy ông giáo làng quê tôi mỗi lúc mắng đám học sinh quen thói dùng từ CÁI đặt trước danh từ thường bảo rằng mi nói (viết) như mấy thằng Ca Tu, chi cũng CÁI.
      Thành thật xin lỗi đồng bào Ca Tu, tôi chỉ nhắc lại chuyện cũ. Người Việt tự cao và kỳ thị ít ai sánh kịp, dường như tưởng mình văn minh hơn người, ngon lành hơn da đen, hơn Ả Rập, thậm chí gần đây có mấy học giả sử gia nào đó chứng minh tổ tiên người Việt còn văn minh hơn Hán tộc. Chưa thấm, ta còn kỳ thị ngay với chính đồng bào mình nữa. Bạn tôi, chị Lương Kim Loan, vốn người Long Xuyên, tôi hỏi ở Mỹ chị có bị kỳ thị gì không, chị bảo:
     - Nói không hề bị kỳ thị e không đúng hẳn, có lẽ cũng có mà kín đáo lẻ tẻ lắm, phần lớn họ tế nhị hơn xa mình, cứ so sánh là mình thấy ngay, anh coi, tôi ở Long Xuyên, năm nào đó đồng bào mình ở Cao Miên bị “cáp dùn” chạy về lánh nạn, mọi người nhìn với nửa con mắt, coi khinh và xua đuổi ra mặt, thậm chí tránh thuê mướn họ làm việc gọi là”lao động giản đơn” nữa kia. Họ bồng bế lếch thếch ngơ ngác ngay trên đất nước mình, giữa đồng bào mình, coi thảm hại quá, nói thật, chữ đồng bào sao mỉa mai lắm nghe anh, y như mình nói nhiều tới cái gì là mình  không hề có điều đó vậy nghe, nên chi mình được đối xử tử tế như vậy thì chẳng nên đòi hỏi gì hơn.
      Trở lại chuyện chữ nghĩa, bây giờ thì khỏi lo, người Kinh đã học tập nhuần nhuyễn từ CÁI của các bạn Ca Tu rồi. Cứ ngồi trước TV vài phút sẽ thấy “tần số” cao ngất của tiếng này. Tôi từng nghe một quan chức giáo dục thành phố nói:
     - Những cái người giáo viên đó họ có cái bức xúc vì họ có cái khó khăn của họ, cái lo lắng của họ là rất lớn, chúng ta phải có cái quan tâm và có cái giải quyết thích đáng”(!)
       (Thật ra tôi ghi…gọn hơn lời nói của ông, vì lẽ khi nói, lúng túng kiếm không ra chữ, ông cứ lặp lại cái…cái…cái…bộn hơn nhiều).Thấy chưa, quan chức phụ trách giáo dục ở đô thị văn minh bậc nhất đã bỏ xa các bạn trong chuyện dùng chữ này rồi còn gì. Cách ăn nói thời còn lạc hậu, chưa “tiến bộ” như ngày nay coi ra chẳng cần CÁI với CÓ dữ thần vậy. Có thể diễn ý thượng dẫn chỉ với nửa số từ: “Những giáo viên đó quá lo lắng và bức xúc, chúng ta phải chú ý tìm cách giúp đỡ để họ bớt khó khăn”. Nhiều hướng dẫn viên du lịch nói một câu thì đã có gần phân nửa số từ là từ CÁI, làm sao nghe cho lọt! Các anh cứ thử một lần bỏ hẳn TẤT CẢ TỪ CÁI đó đi sẽ thấy nghĩa của câu vẫn không hại gì mà lời nói lại nhẹ nhàng hơn nhiều.Có lần tôi còn nghe người ta nói “ Chúng ta đã có …cái bầu (cử) nghiêm túc”. Không tin được! Trong những câu chuyên gẫu với bạn bè, ai đó lưu ý ông Nguyễn Tuân cũng hay dùng từ CÁI, nhưng chúng ta thấy ông dùng trong một văn cảnh khinh bạc, không ai bắt chước, cạnh tranh được, gần như CÁI là “hàng độc”, độc quyền của riêng ông.
    Chiều đó đám mây đen u ám về chuyện thuế má tan đi phần nào khi chúng tôi nói về chữ nghĩa với chút ít hào hứng. Lúc này tiếng Việt của ông đã khá hơn nhiều, có thể nói với ông vài đặc điểm của ngôn ngữ này. Chẳng hạn tiếng đứng trước danh từ trong Việt ngữ chính là một thứ mỹ từ làm đẹp lời nói nếu ta dùng có ý thức. Từ CÁI nghĩa rất rộng, rất chung chung, gần như đặt vào đâu cũng được do vậy mất tác dụng miêu tả. Thay vì nói CÁI, Tổ tiên chúng tôi đặt trước danh từ những tiếng vô cùng biến hoá, tuỳ theo hình trạng của sự vật, ví dụ gương mặt, vẻ mặt, bộ mặt, bản mặt (Trưa đi ra phố mua gương, vế soi bản mặt dễ thương của mình- Nguyễn Đức Sơn). Má thì má, môi thì làn môi, vành môi, vành tai, cánh mũi, lồng ngực, bờ vai, ngọn đồi, quả đồi, chỏm núi, trái núi, dãy núi, rặng núi, ngọn núi, sườn non, cánh hoa, đoá hoa, thậm chí đoá trăng (Thấp thoáng sườn non ngày mới chớm, một đoá trăng tàn lẩn lút bay, mùa hiu hắt thổi hoang vu quyện, lòng ta quạnh vắng như cỏ cây – Thanh Tâm Tuyền), mây thì đám mây, tầng mây, dải mây, vầng mây, sợi mây, cụm mây, dòng sông, con suối, ngọn thác, túp lều, ngôi nhà, toà biệt thự, nỗi lòng, nỗi nhớ, niềm vui, cõi đời, nền độc lập…Câu thơ của Tô Thùy Yên viết về cây dừa trên đảo Trường Sa: “Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp, suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi”, nếu thay chữ NỖI bằng CÁI thì còn gì chăng? Diệu kỳ thay chữ nghĩa!
          Một trong những cách tàn phá tiếng Việt hữu hiệu và nhanh chóng nhất là tìm mọi cách DANH TỪ HOÁ động từ, tính từ, tức là những thuật từ của nó. Nhiều người đã nói, nói rõ nhất là nhà văn Võ Phiến, ông cho rằng Việt ngữ cốt lõi diễn ý bằng động từ, tính từ, đặc biệt các tính từ láy. Tìm cách biến động từ, tính từ ra danh từ là từ bỏ sở trường, chọn sở đoản, nghĩa là lìa bỏ ưu thế, đặc điểm vượt trội nhất của mình để chọn cái mình yếu kém nhất. Nhờ nói bằng động từ, tính từ mà tiếng Việt sinh động, tươi tắn, vô cùng gợi tả, tràn đầy vẻ tượng hình và cảm xúc. Nòi bằng danh từ, tiếng Việt trở nên vô hồn, như chỉ còn cái xác, dài dòng mà lại khô cứng, chán ngắt. Nếu diễn ý bằng động từ, viên chức giáo dục trên chỉ cần nói: “Những giáo viên đó gặp khó khăn, họ bức xúc và lo lắng quá nhiều, chúng ta phải quan tâm giải quyết…” như thế có vẻ Việt ngữ hơn, đâu cần phải CÁI nhiều vậy? Nghe người ta nói trên TV, cả trên BBC, thú thật tôi buồn bã tiếc nuối BBC của Xuân Kỳ, Xuyến Như, Nguyễn Phúc, Hồng Liên… ngày trước, mới đây thôi chứ có xa xôi gì, sao tiếng Việt ngày đó sang trọng, tế nhị, hóm hỉnh tới vậy. Ngày đó người ta chỉ nói “họ gặp nhau” chứ đâu có nói chướng kỳ “họ có cuộc gặp”, chỉ nói “tôi nhận định rằng…” chứ đâu có nói “tôi có cái nhận định rằng thì là …”. Thủ phạm chính khiến lời nói chúng ta trở nên vụng về, luộm thuộm, dài dòng phải chăng do thói quen tai hại hay tại nghèo nàn về “tư duy” đến nỗi lúc nào mở miệng cũng đeo chữ CÓ trên môi, luôn phải đặt CÓ CÁI trước động từ rồi LÀ sau động từ. Thì đây: Tôi có cái suy nghĩ là…tôi có cái khẳng định là…ta phải có cái quan tâm là…ta nên có cái nhìn lại là…ta nên có cái thông cảm với….Luôn luôn vậy. Nói thêm… chết liền!  Tôi biết mình nói gì cũng chẳng qua như chó sủa lỗ không, tuyệt vô âm vọng, người ta cũng sẽ độc quyền chiếm diễn đàn tha hồ kênh kiệu nói “Hôm qua, đã diễn ra lễ…chị X, anh Y đến từ Hà nội…ta có cái dân chủ của ta…” Phải chăng tôi chỉ là kẻ thành kiến, lạc hậu, ôm khư khư quan niệm cực đoan, không chịu chấp nhận việc pha trộn cách diễn đạt có tính toàn cầu, cứ nói lảm nhảm về đặc trưng này nọ? Đã tới lúc Anh ngữ hoá, Âu hoá tiếng Việt rồi sao? ( Nói hoá hoá khiến nhớ tới mấy từ bê tông hoá, ngọt hoá…đúng là cẩu thả hoá, khổ quá!). Nhưng thầy cô dạy văn giỏi, sẽ dạy những gì và cách nào? Có nói gì về đặc điểm nghệ thuật diễn ý của tiếng Việt không? Có bảo các em hãy học tập cách diễn đạt của nhà văn này, nhà thơ nọ hay nói học vậy biết vậy, nay ta phải hiện đại hoá tiếng Việt bằng cách cứ học tiếng Việt người ta nói trên TV là mẫu mực, cụ thề nhất? Rồi học sinh giỏi Việt văn là giỏi những gì? Hoang mang quá. Thôi, hãy xem những từ láy tác dụng thế nào trong bài thơ ngắn của cố thi sĩ Thanh Tâm Tuyền một chút để tâm hồn ta thơ thới phần nào:
                Mưa bay lất phất gió căm căm
                Đường lầy trơn nhà cửa tối tăm
                Ẩn đâu lũ trẻ mặt lem luốt
                Co ro đứng xem tù qua thôn

                Vác bó cuốc nặng bước loạng choạng
                Về trong xây xẩm buổi tàn đông
                Lạnh lẽo nhà ai không đèn lửa
                Ảm đạm lòng ta, chiều cuối năm.                                
                     (Chiều cuối năm qua xóm nghèo).

(còn tiếp)
NAK



No comments:

Post a Comment