Monday, November 26, 2012

CHIỀU BÊN TÁCH CÀ PHÊ CÙNG NGUYỄN XUÂN THIÊP



                              MC Phan Dụy, NXT, Tô Thẩm Huy

ĐỌC LẠI TÔI CÙNG GIÓ MÙA
Tô Thẩm Huy

    Kính thưa quý vị, chiều hôm nay tuy chính thức là buổi giới thiệu 3 tác phẩm, một tập thơ, một tập đoản văn, và một tập thơ tái bản sau lần phát hành đầu tiên cách đây trên 10 năm, tập Tôi Cùng Gió Mùa, nhưng theo ý nguyện của tác giả thì chiều hôm nay cũng là dịp để chúng ta gặp gỡ, cùng ngồi bên nhau trong căn phòng ấm áp thân tình của Canvas, cùng nhâm nhi với nhau một vài chén rượu mà nghe ngoài trời đang lồng lộng gió mùa. Gió mùa? Sao gọi là gió mùa? Nó khác với gió bình thường, gió không mùa ở chỗ nào?  Xin mượn một câu hát của Bob Dylan để trả lời câu hỏi ấy:  The answer my friends is blowing in the wind, the answer is blowing in the wind.  
    Tác giả Tôi Cùng Gió Mùa đã nghe thấy gì trong những cơn gió lồng lộng ấy?  Có phải là những lời hô hào chúng ta nên chung sống thuận hoà, nên xử sự tốt bụng với nhau như Bob Dylan đã kêu gọi? Thưa không. Tôi Cùng Gió Mùa không giản dị như vậy, nó chan chứa tình người, chan chứa những thương nhớ thiết tha, ân cần, hạnh phúc. Xin nghe chính lời thơ Nguyễn Xuân Thiệp kể lể:
Gặp lại nhau
Tôi cùng gió mùa
Khi những chiếc lá khô lăn tròn trên mặt nhựa
Cuốn theo chút nắng cuối trời…

Này em, chưa đan xong chiếc khăn quàng cổ
Thì gió mùa đêm nay đã đến đầy phòng
Thổi rung liếp cửa
Em có nghe tình ta âm vang dưới bầu trời hun khói
Âm vang qua đồng cỏ tranh

Để đêm nay có người lục lại gối chăn trong hòm cũ
Tìm lại chiếc gương xưa
Để sớm mai
Hồng má trẻ con,
Se môi thiếu phụ
Để người đi xa một sớm quay về.

    Mùa ấy là mùa nào?  Có phải là mùa Thu mà có người đã bảo:  Thu về ta mới nhớ ra, Yêu là thế ấy, mơ là thế thôi. Hay có thể nào là Nay mùa mưa, mai mùa hạ buồn chăng?  Thưa nó lại có thể là một mùa không thơ mộng như lời Bùi Giáng, như thơ Hồ Dzếnh, không u uẩn như thơ Tuệ Sỹ, mà đôi khi lại là một mùa vương vất, day dứt những thống khổ, đau thương của kiếp người, của những con người trong nghịch cảnh vẫn giữ trong lòng một niềm tin rằng khi mùa đông đến chúng ta sẽ có lửa, sẽ có được ngọn lửa để sưởi ấm lẫn nhau: Xin mời quý vị nghe thêm một đoạn trong bài thơ ấy:
Gặp lại nhau
Tôi cùng gió mùa
Cho nên trong ly rượu chiều nay, uống bên quán lá
Có thêm chút cay đắng của giọt lệ nào
Và lời vi vu của nhiều hạt bụi…
Hỡi gió mùa
Đã đến trong cây,
Đã nói cùng với
Rằng ta yêu nỗi cùng khổ của kiếp người
Cả những điều tuyệt vọng
Rằng khắp nơi trên mặt đất mùa đông này thiếu lửa
Nhưng dưới mái tranh nghèo của quê hương ta chiều nay
Đã ấm lại tình hoa cỏ.
Gió mùa
Gió mùa
Thổi qua
Thổi qua
Qua những tầng cổ tích, những lớp đá ong, những rừng thạch thảo
Như tù và, như tiếng trống thành xưa vang động,
như tiếng độc huyền dưới những hạt mưa
Thổi qua,
Thổi qua
Một mình trên góc phố chiều nay
Tôi nghe gió mùa đi qua lục địa
Thổi qua những biên thuỳ, rào cản
Những mầu da, những dòng nước mắt
Gió mùa
Gió mùa
Thổi qua
Thổi qua
Giữa những bình minh, những hoàng hôn cười khóc
Ngươi đã nghe gì, thấy gì
Từ trong Thánh Kinh, và Nam Hoa kinh
Và triệu triệu những trang kinh vàng óng
Trên cây vô ưu
Và cành nhân sinh
Có con chim nào hót
Có không một chỗ dừng chân
Cho loài người. suốt cuộc hành trình. về nơi tĩnh lặng.

Hỡi gió mùa
Đã đến trên quê hương ta chiều nay
Để thêm một lần gặp lại
Xin hẹn cùng ta
Xin hẹn cùng người
Một mùa đông ấm lửa.

    Khi tập Tôi Cùng Gió Mùa ra mắt độc giả lần đầu cách đây hơn mươi năm, tôi cũng đã lên nói đôi lời giới thiệu với độc giả Houston. Tôi không nhớ tôi đã nói gì trong buổi ấy, ngoại trừ 2 điều. Một, là tôi yêu mến hình ảnh của tác giả qua tập thơ ấy.  Đó là hình ảnh của một con người còn giữ được cái chất thiên lương của kẻ sĩ phương Đông, điều mà người xưa gọi là xích tử chi tâm, là lòng trong sáng của đứa trẻ mới sinh ra, da dẻ còn đỏ, đỏ như mầu con chim cardinal, con chim hồng tước, không ngừng nhẩy nhót,  bay lượn trong thơ NXT.  Điều thứ 2 tôi đã nói là tập thơ ấy đã làm tôi nhớ đến một bài thơ của Pablo Neruda đăng trên tạp chí Văn vào đầu thập niên 70 khi Văn giới thiệu Neruda là người đoạt giải Nobel văn chương năm ấy.  Bài thơ ấy nay tôi chỉ còn nhớ mang máng hình như có tựa đề là Tôi Đi Bày Tỏ Nhiều Điều, và chỉ còn nhớ một ý duy nhất trong bài thơ ấy, là tác giả đã nghe thấy những thớ gỗ chuyển mình, chuyện trò kể lể, những niềm tin, những ngậm ngùi, hân hoan, buồn tủi. Ngày hôm nay, hơn mười năm sau, khi đọc lại Tôi Cùng Gió Mùa, tôi xin được nói thêm một điều, là đọc lại Tôi Cùng Gió Mùa tôi lại càng yêu mến ông hơn, và càng thấy rõ hơn là chúng ta nên đọc thơ Nguyễn Xuân Thiệp, vì hồn thơ ấy là tinh ròng những yêu thương minh triết, những giá trị nhân bản đẹp nhất của dân tộc chúng ta nói riêng, và của nhân loại nói chung.
    Và trong niềm tin ấy, niềm tin của một mùa đông ấm lửa sắp đến, tôi xin mời quý vị cùng nâng ly, ly rượu hay ly cà phê, và cùng với tác giả Nguyễn Xuân Thiệp lắng nghe những trận gió mùa ngoài kia đang ngân nga, đồng vọng

Houston, 27 tháng 10. 2012
TÔ THẨM HUY



No comments:

Post a Comment