Friday, November 30, 2012

KÝ ỨC SƠ SÀI

Nguyễn Anh Khiêm




11.

      Trước tiên, tôi thật lòng xin lỗi bạn bè quí mến cùng quí độc giả thân ái đã đón nhận mấy trang ký ức sơ sài này, nhất là các vị chịu khó comment với lời lẽ đầy thiện cảm. Đúng ra tôi đã phải trả lời từng vị ngay nhưng, ngặt nỗi, tôi vốn dốt nát về vi tính, không rành chút gì về trang web hay blog này khác. Vả lại, trang blog này của Đào Hiếu, thời gian qua, anh gặp đủ mọi phiền quấy liên miên, rồi họa vô đơn chí, tiếp đến một tai nạn đường phố ác nghiệt, còn sống là may, tôi không muốn quấy anh thêm nên đành để trôi qua mọi dịp phúc đáp. Nay tôi xin có lời tạ lỗi và vô cùng biết ơn những khích lệ quí giá mà quí vị đã bày tỏ. Cũng xin thú nhận lý do chậm trễ: đôi lúc thấy viết lách theo kiểu của mình thật vô bổ và phù phiếm nữa. Bao nhiêu chuyện trước mắt, không dám nói thẳng thì thôi, quanh co mãi không khỏi thấy mình tệ hại. Nhắc chuyện cũ không khỏi không so sánh với chuyện mới. Tất nhiên không phải chuyện cũ, người xưa nào cũng tốt đẹp hay ho hơn chuyện mới, người mới nhưng những điều tốt đẹp ta đang sống, nếu có, đều được đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà báo cung đình tụng ca kỹ rồi, mình chen vào cũng chẳng ích cho ai, điều này khiến có người bảo tôi không fair, hẳn là cũng có phần đúng. Như đã thưa, khi viết, lỡ gặp phải những chuyện “nhạy cảm”(nay đụng đâu cũng thấy nhạy cảm!) cứ phải loay hoay tìm ý tìm lời sao cho nhẹ nhàng hòa nhã, riết rồi đâm nản. Tôi vốn con người vô tích sự, chưa làm gì cho vẹn toàn, hồi nào cũng chỉ đóng một vai phụ trong mọi tình huống, không bao giờ giữ được một “lập trường” gì cho lâu dài, làm gì cũng bỏ giữa chừng là việc… ổn định nhất. Coi ra chỉ có lúc dạy cho học sinh tiểu học và cấp hai cách viết bài tác văn miêu tả này nọ là có kết quả nhất. Tôi đã tập hợp mọi thứ tính in một cuốn lý thuyết và thực hành để giúp các em học môn tương đối khó này nhưng nghe đâu chương trình giảng dạy cứ thay đổi liên tục, dường như không còn học tập làm văn theo kiểu ngày trước nên tôi lại có lý do chính đáng vất bỏ hết. Có lẽ cũng đúng. Phương tiện nghe nhìn ngày một tinh xảo, phong phú, miêu tả sự vật bằng ngôn ngữ đã tới kỳ cáo chung chăng? Những năm dạy học sinh giỏi văn của thành phố coi vậy mà vui. Muốn dạy gì tùy ý (điều này hầu như bất khả trong chế độ XHCN toàn trị), miễn thi học sinh giỏi đậu nhiều là được thù lao khá, có thể ăn phở buổi sáng trước khi dạy tiếp! Không cần biết chủ trương thi học sinh giỏi có phải nuôi gà chọi hay không, không liên quan tới mình, khỏi xét đoán mệt hơi, cứ kỳ khu dạy chúng viết văn miêu tả các thứ cho kha khá là ăn tiền, có gì không lương thiện đâu mà ngại! Nhớ có lần thầy trò phải tìm ý tìm từ cho đề văn tả buổi chiều yên tĩnh nơi một xóm quê, tôi thử cho các em tìm các từ có thể tả sự tĩnh lặng trong tiếng Việt, kể cả từ Hán Việt thông dụng (thật ra khó có thể xác định từ nào là “thuần Việt” mà không cãi nhau, có người cực đoan cho rằng rất ít từ gọi là thuần Việt). Ngạc nhiên thay, các em đã tìm ra một lượng từ vô cùng phong phú tả sự tĩnh lặng trong khi chưa tới mươi từ diễn ý ồn ào, náo nhiệt.* Ông Nguyễn Hưng Quốc nói người Việt Nam thích sự tĩnh lặng nên mê ao hồ hơn sông, thích sông hơn biển, hẳn vì vậy mà có nhiều từ tả sự yên tĩnh chăng? Chắc tổ tiên ta vậy chứ con cháu nay cuồng nhiệt hơn nhiều, cứ nhìn đám cưới và cả đám tang thì thấy liền. Bao giờ tiệc cưới cũng diễn ra trong ca hát vang lừng, những bài hát lời lẽ kỳ quặc, làn điệu như chẳng chút dính dáng gì tới âm nhạc, loa khuếch đại tối đa đến tức ngực, khách khứa nói chuyện với nhau như giữa những ngươi điếc, mong ăn quấy quá cho xong để thoát ra khỏi những náo động sát nhân, những thứ ca nhạc làm tăng huyết áp chết người. Đám tang nữa, trong xóm có người qua đời thì vô phúc cho những người còn sống, nhất là ông già bà cả, ba bốn đêm thức ròng nghe pê đê ca hát và thầy chùa tụng niệm với thanh âm vang dội thâu đêm, chẳng thiếu chi người “đứt bóng” theo. Chú tôi vô phước ngụ gần ngôi chùa có tiếng ở Gò Vấp, khuya nào cũng giật thót người tỉnh ngủ vì từ ba bốn giờ sáng nhà chùa bắt loa phóng thanh cực đại để thiên hạ tám phương bốn hướng được nghe tụng niệm kinh kệ như biện pháp giảng đạo hầu nhân rộng ảnh hưởng Phật giáo. Chính quyền thì chỉ “nhạy cảm” với chuyện tụ tập gọi là khiếu kiện đông người thôi chứ còn việc ai gây náo động khóm phường thì gần như không dây dưa tới họ, bổ béo gì mà động vào cho mệt. 
        Những ngày gần đây, cả nước bàn tán râm ran về chuyện bằng cấp giả mạo của một số (hay phần nhiều?) các quan chức chính quyền từ cao tới thấp, nào là học giả bằng giả, học giả bằng thật, học thật bằng dỏm…thiệt tình không hiểu thấu tại sao lại có thể có chuyện như vậy, đó là một vấn nạn…giả. Giả hay thật chỉ cần ba mươi giây sưu tra, ai xài đồ giả thì bị đuổi việc, bỏ tù, không có giảm khinh, ngoại lệ, tự nhiên giả thật không thành vấn đề nữa. Mọi điều lem nhem cứ tồn tại chẳng qua do nhà cầm quyền không thực tâm muốn giải quyết mà thôi. Lúc còn sinh viên đi quân sự học đường, chúng tôi nghe chuyện về một ông sĩ quan lên tới đại úy dạn dày trận mạc và đầy công trạng, được về làm giảng viên trong quân trường, an ninh quân đội sưu tra lý lịch, kể cả bằng cấp, lòi ra bằng Tú Tài giả, ông bị lập tức giáng ngay xuống Trung sĩ. Cũng như chế độ phong kiến, thời VNCH xấu xa chỗ nào không biết chứ chuyện bằng giả mà làm quan thật thì không làm gì có. Lại bỗng lan man nhớ tới chuyện thầy Nguyển Văn Trung. Cuối thập niên 1960 thầy lên làm Khoa trưởng Đại Học Văn Khoa Sài Gòn ít lâu sau khi đậu Tiến sĩ Văn chương ở Bỉ về. Không biết từ đâu mà sinh viên đồn đại lúc đi du học, thầy (hình như có mấy vị linh mục nữa) được đặc cách với một loại bằng cấp tương đương chứ chưa có bằng Tú tài II thực thụ, họ châm chọc thầy là “docteur sans Baccalaureat”. Tôi thấy dư luận có phần ác độc, Tú Tài I hay II cũng chỉ là thủ tục, nay thầy đã đậu tiến sĩ, đã chứng tỏ một học giả đầy uy tín, có ảnh hưởng lớn trong sinh viên, mấy tập Nhận Định và Lược Khảo Văn Học của thầy cũng đủ nói lên sở học uyên bác, tài viết lách thâm sâu…Mấy tờ tạp chí thầy chủ trương ảnh hưởng càng sâu rộng. Tờ Đại Học ở Huế một thời chiếm địa vị độc tôn, tờ Đất Nước ở Sài Gòn cũng đứng hàng đầu về biên khảo và học thuật, tờ Hành Trình quay ronéo chủ trương hòa hợp hòa giải của nhóm Công giáo cấp tiến thiên tả do thầy chủ trương nổi đình đám với những bài chính luận thúc đẩy phong trào phản chiến lên tới đỉnh điểm. Tập cours trình bày chủ nghĩa Marx giọng điệu khách quan không phê phán (sau in thành sách) gây ảnh hưởng khôn lường, tác dụng mười lần hơn báo đài của miền Bắc. Khuynh hướng thiên tả và có thiện cảm với MTGP của nhiều sinh viên lúc bấy giờ phần lớn cũng do học và đọc thầy Trung cùng các nhà văn Công giáo cùng nhóm. Thật bất ngờ, mỉa mai và cay đắng, không hiểu vin vào đâu, sau 1975, tôi nghe cán bộ giảng chính trị bảo nhóm Công giáo chủ trương Chủ Nghĩa Xã Hội Không Cộng Sản là bọn phản động, thầy Trung là CIA. Những nhà văn nhóm đó ở tù mút mùa, nghe đâu ông Thảo Trường ở tới mười mấy năm. Riêng tôi chỉ thấy thầy có công lao to lớn bao che đám sinh viên tranh đấu, thúc đẩy phong trào phản chiến một cách ngang nhiên. Xong việc rồi, thầy bị miệt thị, bị phủ nhận thật hết sức bất công. Tôi chỉ nói những gì tôi thấy, phán đoán sự việc theo hiểu biết của mình. Còn ông Thảo Trường thì chỉ có lỗi viết truyện ngắn quá hay tả những oan khốc của người dân bình thường, vô can và vô tội, bị chết chóc thảm thương trong chiến tranh tàn hại do cả hai phía gây nên.
      Ba tôi bỏ công chức hỏa xa về ngay từ những ngày đầu kháng chiến. Phải thừa nhận sau một trăm năm bị người Pháp cai trị hà khắc, người VN nào cũng chán ngán, ai có chút lòng với dân tộc cũng căm hận, nuôi ý chí chống Tây. Nghe đâu lúc học trường Pellerin, ông đã tham gia mấy cuộc biểu tình chống Pháp của học sinh và thanh niên Huế, bị mật thám theo dõi. Ông có lòng nhân ái, thương người nghèo vô cùng tận, ông theo CS ngay từ ngày đầu chắc vì đơn giản tưởng họ cũng thương người nghèo như mình. Có lần tôi về thăm quê, nghe một bô lão bảo ba tôi ngày trước nói với ông rằng mai sau cách mạng vô sản thành công, ai cũng có cơm áo, như so bó đũa bằng nhau hết, chẳng ai hiếp đáp ai (!). Tôi chắc ba tôi tin như thế thật. Em tôi hay kể lại chuyện đi coi gặt với ba. Năm 1956, ba được chính quyền Ngô Đình Diệm tha tù, ông đau yếu, chỉ làm được việc nhẹ, má nhờ em tôi và ba coi gặt vì bà bận lo gặt lúa như mọi người. Mấy đứa nhỏ và bà già mót lúa, thay vì “mót” thì họ lại nhào vô cắt lia lịa để “thu hoạch” của người khác về phần mình một cách bất chính. Cô em tôi la rầy họ thì ba bảo:
      - Kệ họ con, họ nghèo quá, con ngó chừng…má, để cho họ cắt ít bông.
      Sau mùa gặt đó, ba tôi qua đời, thời gian cận ngày ra tù nên được kể là liệt sĩ. Ba tôi chỉ có tấm lòng, “tư duy” thì rõ là nông nổi, cả tin, e rằng thua xa cụ thân sinh Đào Hiếu, cụ nhận thấy con gà ăn trên sân luôn tranh giành, bảo vệ cái mình sở hữu huống là con người, thành thử  không tin chủ nghĩa CS đúng. Nói cho có chuyện nói chớ trách ba tôi sao được. Đại trí như ông Trần Đức Thảo, ông Nguyễn Mạnh Tường, kể cả cụ Phan Khôi phần nào đó, cũng vậy thôi. Rồi đến phiên đám sinh viên phong trào đô thị bọn tôi sau này nữa, cũng vậy thôi.
        Ông nội tôi vốn bị coi như thành phần địa chủ khi Việt Minh lên cầm quyền. Miền núi Quảng Nam đất chật, có ba mẫu ruộng trở lên đã bị xếp vào hàng địa chủ (cho đủ thành phần bài bản giai cấp đấu tranh). Đúng ra cũng nhiều hơn ba mẫu nhưng ông tôi bán dần cho ba tôi theo học, chỉ đến năm đệ ngũ niên là đuối, phải xin làm công chức hỏa xa. Sau này tôi dạy học tại Rạch Giá thấy địa chủ ở đây sở hữu cả ngàn mẫu ruộng, nghĩ tới địa chủ của ông tôi mà tức cười. Chuyện gặt thuê ở nông thôn ngày trước phần nào chứng minh tính chất “đồng thuận” thật sự giữa người làm công và chủ ruộng. Không phải ông tôi là địa chủ mà tôi binh, tôi thấy thật ra, chủ ruộng không bóc lột được mà ngược lại, thường bị người làm công ép. Tới mùa, con gặt túa ra đồng gặt thuê, gánh lúa về nhà. Thỏa thuận là cứ đếm mười bó lúa thì con gặt lấy cho mình một bó. Miền Trung thời đó gặt lúa chỉ cắt phần bông đem về chất thành đống cho trâu đạp, đi vòng vòng quanh đống lúa thâu đêm cho đến khi hạt tách hết ra khỏi cọng rơm chứ không cắt tận chân rạ rồi đập cho rời hạt ra như miền Nam. Đêm thu quang mây, đi chơi với lũ trẻ trong làng về khuya, vành trăng khuyết lấp ló sau ngõ trúc vắng tanh, ánh trăng trong dải âm thầm trên mái ngói rêu lạnh, mảnh sân con im lìm mọi lúc giờ vang vang tiếng la trâu, con vật tội nghiệp thở phì phò nhọc nhằn vì cả đêm đạp lúa, nhưng  tự nhiên lòng cũng vui vẻ với không khí ấm cúng của ngày mùa. Nói mười bó ăn một bó nhưng thật ra không đúng. Bao giờ con gặt cũng lo thu vén, chăm chút cho bó lúa của mình, tỉa lá sạch bong, nhìn chỉ toàn thấy hạt, có người còn thủ theo dây lạt riêng dài hơn dây của chủ ruộng phát ra để bó được bó lúa ăn lớn hơn. Có lần ông tôi yêu cầu người thợ găt:
     - Nề, chú mi để bó lúa của chú mi lại, tau cho chú cứ lấy bốn bó kia đi, chịu không?
       Tất nhiên người thợ gặt không đồng ý. Như vậy rõ ràng người gặt thuê đã lấy đi ít nhất một phần ba lợi tức trong khi người chủ bỏ biết bao công sức, của cải (cày bừa, sạ cấy, cỏ rác, phân, nước, sâu bệnh…) vào đó gần nửa năm trời với bao rủi ro thất bát. Hãy chỉ ra giùm tôi chế độ nào, ở đâu trên trái đất này chia lợi tức cho công nhân nhiều hơn vậy đi. Tôi biết một ông chủ xí nghiệp may xuất khẩu ở Sài gòn thời kinh tế thị trường theo định hướng CNXH  thu nhập tỉ tỉ, sở hữu một sản nghiệp đồ sộ, một công nhân chúi mũi may mỗi ngày tám chín tiếng được ông trả cho một triệu hai tiền gọi là lương. Một ông chủ sở hữu gần nửa tá khách sạn ở Hội An cũng trả lương nhân viên triệu hai, nghỉ một ngày bị trừ đi một trăm ngàn! Cũng may, nhờ có chỉ đạo…“định hướng” này nọ người làm công mới được nhiêu đó!  
                    
    * Chú thích: Mấy từ chúng tôi tìm được là  Yên tĩnh, yên lặng, yên bình, yên ắng, yên vắng, yên  ổn, yên tịnh, êm ả, êm ái, êm đềm, êm vắng, êm ru, im lìm, im ỉm, im re, im khe, im trơ, im vắng, bình yên, bình lặng, bình tịnh, thanh tịnh, thanh vắng, tịnh lặng, bình ổn, tĩnh lặng, tĩnh mịch, tịch mịch, tịch liêu,u tịch, cô liêu, cô tịch, cô quạnh, quạnh quẽ, quạnh vắng, đìu hiu, hiu hắt, vắng vẻ, vắng tanh, vắng teo, vắng ngắt, xa vắng, vắng lặng, lặng tờ, lặng lẽ, lặng thầm, lặng trang, lặng ngắt, lặng thinh, lặng câm, âm thầm, âm u, tẻ ngắt, tẻ lạnh, lằng lặng, lẵng lặng…(tôi chắc còn có thể tìm được nhiều hơn, có khi cả trăm từ) .
    * Đoạn văn thầy trò chúng tôi khai triển sau khi tìm từ hôm đó như sau:
     Mảnh vườn rộng chừng vài công đất, chung quanh bao bọc một hàng cau suôn đuột, hương thơm ngào ngạt trong buổi chiều lặng yên thoang thoảng gió.
     Khoảnh sân con trước nhà nở rạng rỡ mấy lùm bông trang đỏ thắm, hàng bạch mai cạnh đó buông đầy gốc những cánh hoa trắng mỏng manh. Vườn có trồng vài thứ cây ăn quả thông thường, những cành bưởi sai trái la đà trên mương nước róc rách chảy lúc triều lên. Xoài cạnh hiên nhà đang độ ra hoa, bầy ong lưa thưa cứ lặng lẽ chờn vờn hết bông nọ tới bông kia. Gần bờ ao, khế chín vàng óng lủng lẳng đầy cành, rụng lềnh bềnh trên mặt nước, cây dừa nghiêng bóng trên làn ao trong vắt. Kế giếng nước, dàn mướp xanh rì bung nở mấy đóa hoa vàng lớn cánh, rù quyến đôi bướm sặc sỡ bay lượn nhởn nhơ, ngọn mướp nõn nà vươn ra in lên nền trời cẩm thạch đọt lá non đầy lông tơ trăng trắng. Cạnh đó, bụi ớt um tùm quả xanh quả đỏ chen nhau chi chít. Nắng chiều đã nghiêng nghiêng bên hông nhà, nhuộm vàng một phía thân cau, bóng ngôi nhà lặng lẽ ngả dài trên sân vắng. Khói đốt đồng phủ lên cây lá trong vườn một màn trắng đục như sương. Tiếng côn trùng ri rỉ dưới chân rào dâm bụt treo lủng lẳng chùm bông đỏ thắm như những chiếc lồng đèn nho nhỏ. Tiếng con nhái kêu chẹt chẹt vang xa bên bờ nước khiến buổi chiều quê thêm hiu quạnh. Con chim chào mào đậu lắt lẻo trên ngọn chuối hót véo von gọi chiều về. Xa xa, trên cánh đồng vắng lặng, dưới ánh chiều mập mờ, cánh cò trắng lẻ loi bay xiêu xiêu trong gió, sắp lẫn vào bóng đêm.
       Nắng đã tắt, bóng tối lan dần ra, khu vườn càng trở nên u tịch.
(còn tiếp)

NAK

No comments:

Post a Comment