Wednesday, November 14, 2012

CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH


Thơ bước theo chân




1

Tâm đã quen với những buổi chiều thứ bảy nơi đây. Ai khiến xui để chiều thứ bảy Tâm không có giờ học. Nếu phải đi học, Tâm làm sao có được những giây phút thật thân ái này? Cái phòng họp nhỏ của một tòa soạn, một nơi chốn rất bình yên. Phòng họp nhỏ của một tòa báo nhỏ. Nhỏ là bởi nó nằm khiêm tốn trong khu vực của một nhà sách lớn: nhà sách Đức Mẹ. Không mấy người biết đến tòa soạn nhỏ ấy. Nhưng không nhỏ chút nào, vì tòa soạn đó là nơi ươm mầm của cả một vườn cây lớn, vườn cây khắp miền Nam.

 Tâm hay tìm cho mình một góc phòng, giở những trang báo ra chăm chú đọc. Ly, cô bé “thầy cò”, một nữ sinh nhỏ bé luôn mặc áo dài trắng, cứ để yên cho Tâm như vậy, chỉ thỉnh thoảng hỏi han, rồi thì việc ai nấy làm.

Nhưng không lâu sau, chẳng có thể giữ được sự yên tĩnh như vậy. Mọi người đến đông dần. Xe đạp, xe gắn máy để chật cả mảnh sân sau. Rồi thì tự giới thiệu, hoặc giới thiệu nhau. Thế là quen nhau hết. Những nhân vật không ai “dám” không biết, chính là các anh phụ trách tờ báo, được gọi bằng những cái tên vắn tắt một chữ: Anh Quyên, anh Trinh, anh Hà, anh Vi, anh Cấp… Đến tòa soạn mà không gặp các anh ấy thì chưa phải là “dân Tuổi Hoa”. Vâng, vì đó chính là tòa soạn báo Tuổi Hoa.

Tâm vốn tính rụt rè, e lệ như hầu hết các cô gái gốc miền Trung. Tâm đến tòa soạn cũng do một “cơ duyên” chứ không hề cố ý. Một hôm Tâm cùng cô bạn đi tìm mua vài món hàng trang trí trong nhà sách Đức Mẹ để chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh, cái biển đồng khắc chữ “Tuổi Hoa” đập vào mắt Tâm, và Tâm kéo cô bạn đi vào. Cái tên báo không xa lạ, vì Tâm đã là một tên ghiền xem báo Tuổi Hoa, nhưng Tâm chưa hề đến gặp một ai bằng xương bằng thịt, nên tất cả như một bắt đầu rất mới mẻ. Và, thật đơn giản, chỉ sau vài câu chào hỏi, Tâm đã là “khách quen” của Tuổi Hoa.

Cái không khí rộn ràng của những buổi gặp mặt chiều thứ bảy khiến không ai còn rụt rè nữa. Có một chút “nể nang” trong cái thân mật ấy, lạ thật! Nhưng ai cũng ngầm biết, và giữ gìn cái “nể nang” ấy. Là bởi vì thỉnh thoảng có bóng dáng của các Cha, các Thầy đi ngang qua phòng. Họ ở các văn phòng riêng, nhưng có một mối gắn bó rất lớn, vì chủ nhiệm bán nguyệt san Tuổi Hoa là một vị linh mục, còn quản lý tòa soạn thì là một “frère”.

Ấy thế mà có một lúc, một giọng cười vang lên như một nét chấm phá đặc biệt trên một bức tranh tĩnh vật. Anh Vi nói ngay:
- Là Sơn đấy!
Mọi người nhìn ra cửa. Người thanh niên – chắc chắn là Sơn rồi – đi vào. Phòng họp bỗng rộn ràng hẳn lên. Sơn giở chiếc mũ “bê-rê” màu đỏ đặt lên bàn, và tay bắt mặt mừng cùng các bạn, cười nói huyên thuyên. Tâm lặng yên quan sát, thấy cũng vui vui vì sự có mặt của người thanh niên này.

Chuyện nổ dòn như pháo Tết. Tâm thấy mình dạn dĩ hơn nhiều so với lúc trước. Khi Sơn đến trước mặt Tâm, Ly nhanh nhẩu nói:
- Đây là chị Tâm, khách quen, khách ruột của Ly đấy!
 Sơn cười:
- Chỉ là của Ly thôi sao?
- Phải, vì Ly “trụ trì” ở đây hàng ngày mà!
- Chào chị Tâm.
- Chào anh Sơn.
 Và thế là cứ vui, cứ cười. Chuyện của những người làm văn nghệ học trò. Có người viết đã lâu, có người mới viết. Hỏi đến Tâm, Tâm ngập ngừng:
- Tâm chỉ biết đặt Ô chữ.
Sơn reo lên:
- Tôi cũng thích làm Ô chữ. Mở một tờ báo ra là tôi tìm ngay mục Ô chữ.
Anh Trinh cười:
- Nè, nói cứ như người vô tư. Lo mà gom góp bài vở, cuối tháng này tôi với “ông” hoàn thành tập thơ nhé!
 Sơn gạt đi:
- Chưa cần nói chuyện thơ văn lúc này. Để tôi bàn chuyện làm Ô chữ với chị Tâm đã.
 Tâm tròn mắt, thấy thú vị quá! Hai người chụm đầu làm Ô chữ. Người lính áo trận rằn ri và cô sinh viên sư phạm. Như hai đứa trẻ.

Cuộc họp tàn. Sơn tạm biệt mọi người để vào trại. Tâm giúp Ly kê lại bàn ghế. Bỗng chốc, Tâm lấy ra một phong thư. Nét chữ mực xanh trên bì thư, rất thanh tú, và không cần mở thư, Tâm vẫn như thuộc lòng những câu trong đó: “Từ Tâm, dịp này tôi vào Sài Gòn, mong sẽ được gặp Từ Tâm”. Đó là nét chữ của Thiên Thu.

Tâm len lén thở dài. Thiên Thu ơi! Bao giờ cho đến một cái chiều thứ bảy cho Từ Tâm được gặp Thiên Thu?

2

Tâm đến hơi trễ hơn mọi người. Tâm đứng ở sân sau, mà cũng nghe được tiếng nói cười rộn ràng đằng phòng họp. Vẫn là chiều thứ bảy. Tâm mở sợi thun dày ở yên sau, lấy cặp toan đi tới phòng họp, bỗng ngoái đầu về phía nhà in. Có một cái gì cũng rất rộn ràng ở phía ấy. Tâm nhớ ra là có nhiều lần mình muốn theo Ly xuống nhà in xem cho biết, nhưng thấy Ly bận rộn quá nên thôi. Tâm cũng không dám đi một mình, sợ làm như thế là “không phải phép”. Nhưng lần này, Tâm tự nhủ “Mình sẽ chỉ đứng ngoài nhìn vào thôi!” Và thế là Tâm đi về phía nhà in.

Tâm thấy rất rõ một giàn máy in đang rầm rập làm việc. Những trang báo lần lượt chồng khít lên nhau. Đàng kia là máy cắt, nọ là máy đóng bìa. A, và có mấy người thợ sắp chữ nữa cơ! Tâm reo lên thầm trong lòng như vậy. Họ chăm chú dán mắt vào những con chữ nhỏ xíu như cái đầu đũa. Tâm đã hiểu rồi! Hóa ra là để có những trang báo đẹp mắt và rõ ràng, đã có bao người làm việc tỉ mỉ như con ong cái kiến như vậy. Thảo nào có nhiều khi trang báo in thử đầy cả lỗi chính tả, từ đó có cô “thầy cò” là Ly mỗi chiều ngoài giờ học lại đến sửa từng chút để những người sắp chữ sửa lại. Tâm mỉm cười với vẻ thán phục.

Một người thợ sắp chữ nhác trông thấy Tâm, ông đến bên, hỏi:
- Cô có muốn vào xem không?
 Tâm đáp vội:
- Dạ có ạ! Cháu có thể coi một chút được không chú?
- Được chứ! Tôi thấy cô quen mà, cô đến đây hoài, cô thường dựng xe ở góc kia.
- Ô, chú biết vậy sao?
 Tâm cảm động, bước theo người thợ sắp chữ. Người ấy chỉ cho Tâm xem từng giai đoạn của việc ấn loát, từ lúc sắp những con chữ li ti trên các bản gỗ, cho đến khi hoàn thành một cuốn báo. Chưa hết đâu! Khi đã in bài xong, những người thợ lại phải gỡ các con chữ và trả về đúng hộc đựng, thí dụ hộc đựng riêng chữ “a”, rồi một hộc khác đựng chữ “á”, hộc khác nữa dành cho chữ “à”…Tâm đã cảm thấy thỏa mãn những ao ước bấy lâu.

Đến bên chiếc bàn gỗ lấm lem màu mực in đen thui, người thợ sắp chữ cầm một tập giấy lên, liếc nhìn rồi chậc lưỡi:
- Sắp tới, nhà in có thêm nhiều việc lắm đây! Sẽ có thêm loại sách Hoa Tím dành cho tuổi mới lớn, và lo in cho nhanh tập thơ chung của anh Trinh với Thiên Thu.
 Tâm giật mình, hỏi ngay:
- Thiên Thu hả chú? Thiên Thu có…
- Anh ấy mới cùng với anh Trinh xuống đây nè! Cô biết mặt anh ấy chứ?
- Dạ thưa không, cháu chưa hề gặp…
Tâm lén nhìn vào trang giấy. Ồ! Những dòng chữ mực xanh thanh tú. Nét chữ của Thiên Thu! Tâm vội vã chào người thợ sắp chữ rồi rảo bước thật nhanh về phòng họp. Thiên Thu đã đến! Đúng là anh đã về Sài Gòn. Và “mong sẽ được gặp Từ Tâm”. Ôi! Sao tự nhiên tim mình lại đập nhanh thế này? Tâm dừng lại một chút, hít thở thật sâu. Và như một học sinh không thuộc bài sắp bước lên bục gỗ, Tâm se sẽ mở cửa phòng họp.

Thiên Thu đâu? Tâm tự chế giễu mình, mình không hề biết mặt Thiên Thu mà! Thư từ văn nghệ qua lại, có ai yêu cầu gửi hình ảnh mô nà? Tâm nhìn quanh, chỉ những gương mặt quen thuộc mình đã biết. Thiên Thu đã đi rồi ư?

Tâm khẽ thở dài, chào mọi người rồi ngồi xuống cái góc quen thuộc của mình. Đầu bàn, anh Trinh nói lớn:
- Bây giờ Sơn đọc cho anh chị em nghe bài thơ mới nhất của Sơn đi!
 Tâm nghĩ thầm: “Mình đã không gặp Thiên Thu, đã không được gặp Thiên Thu”. Tai nghe lơ đãng, Tâm giấu một nụ cười buồn.

Và bài thơ của Sơn kết thúc với:

“…Từ đó con vào quân đội
 Mẹ ở quê nhà mỏi trông
 Biết đến răng chừ tiếp nối
 Bên mẹ năm tháng còn không?

Bây giờ mùa Xuân về đó
 Hồn thơ con trĩu nhớ thương
 Hẹn mẹ con về ngoài nớ
Một mai nắng ấm quê hương” (*)

Rồi những tiếng vỗ tay… Rồi Tâm giật mình. Bài thơ mới nhất! Bài thơ của Sơn. Nhưng giọng điệu của bài thơ không thể lầm với của ai khác. Là Thiên Thu! Ôi! Thiên Thu đó! Tâm bồi hồi. Tâm vỗ tay thật lớn. Một sự tán thưởng và vui mừng mà chỉ có một mình Tâm hiểu.

Cuối buổi họp, mọi người dần dần về bớt. Tâm ngồi ở một góc bàn. Phong thư có chữ mực xanh vẫn còn y nguyên trong cặp. Tâm len lén nhìn Sơn. Chỉ có một động tác đơn giản là đến nói với Sơn: “Thiên Thu ơi, Từ Tâm đây!” thế mà không mở lời được. Sao mình lại chẳng chịu nói ngay từ ngày đầu với anh Quyên, anh Trinh, hay anh Hà, anh Vi, hay Ly, rằng mình là Từ Tâm? Mình e ngại xưng một cái tên mà số bài thơ chỉ vỏn vẹn đếm trên đầu ngón tay? Hay mình tự cao? Hay mình còn mang cái tính nết e thẹn của một người con gái Đà Nẵng xuất thân từ một gia đình quá cổ kính? Tất cả đều đúng.

Rồi bỗng dâng lên một nỗi giận hờn. Cũng là tại Sơn nữa! Sao lại có người quái ác thế, chẳng chịu xưng tên ngay từ đầu? Ồ mà không! Sơn đã xưng tên thật của Sơn đó chứ! Chỉ là Sơn không xưng bút hiệu Thiên Thu mà thôi. Ôi chao cái thế giới thi văn học trò coi vậy mà cũng rắc rối gớm! Chắc có lẽ mọi người đã biết Sơn là Thiên Thu, chỉ có mình quen sau nên không biết. Trước mắt Tâm, Sơn là một “ông lính”, khiến Tâm hơi “ngán”. Nhưng Tâm cũng đã biết Thiên Thu là lính. Lính Nhảy Dù. Vậy mà hình ảnh Thiên Thu trong trí của Tâm có khác nhiều với Sơn đây. Có khi là do Tâm tô vẽ mọi chuyện theo ý mình, chứ Sơn vẫn là Sơn, vẫn là Thiên Thu bằng xương bằng thịt đấy thôi!

Không biết làm gì, Tâm lại mở một trang báo có mục Ô chữ. Bỗng thấy có Sơn đến ngồi trước mặt. Sơn nói rất tự nhiên:
- Tâm này, lại làm Ô chữ?
Tự nhiên Tâm hơi đỏ mặt. Tâm không dám nhìn Sơn, không dám nhìn Thiên Thu. Vâng, Thiên Thu làm thơ như người ta thở, còn Tâm chỉ biết đặt Ô chữ và có vỏn vẹn mấy bài thơ “con cóc”. Nhưng Thiên Thu có biết rằng Tâm đã rất yêu mến và thuộc lòng thơ của Thiên Thu?…

Sơn nói, như thể đã “nghe” được ý nghĩ của Tâm:
- Tâm nè, giải Ô chữ làm cho tâm người ta hiền hòa, có khi chẳng cần biết thơ văn là cái chi hết.
 Tâm hỏi nhỏ:
- Sao anh Sơn nói vậy?
 Sơn cười rất hiền:
- Tôi nghĩ sao nói vậy. Biết Tâm, tôi thích thêm một món: Ô chữ. Có lẽ lần này khi ra lại mặt trận, tôi sẽ mang một lô tạp chí có Ô chữ cho bạn bè cùng làm cho vui.
 Tâm hơi giật mình, nói khẽ:
- Anh Sơn sắp đi?
- Phải.
- Bao giờ…?
- Ngày mai.
- Ngày mai… ngày mai sao?
- Phải. Thứ bảy tuần tới tôi không còn được đến chơi với các bạn. Nhưng tôi sẽ về nữa mà!
- Anh Sơn nhớ về.
- Tôi sẽ về chứ, Từ Tâm!
 Tâm hốt hoảng. Sao Sơn lại biết mình là Từ Tâm? Trong tòa soạn vẫn chưa có ai biết.
 Sơn cười thân ái:
- Tôi nhận ra Từ Tâm ngay từ buổi họp đầu tiên. Tâm có ngạc nhiên không?
 Tâm vẫn tròn mắt nhìn Sơn, không hiểu. Sơn lại cười:
- Có gì đâu, chính nét chữ của Từ Tâm đã cho tôi biết, dù chẳng có ai nói, ngay cả chính Từ Tâm cũng không nói.
- Nét chữ?
- Phải, đây này, trên Ô chữ này!
- Ơ! Nhưng… nhưng chỉ toàn là những chữ cái viết in, đâu phải…
- Thì là những chữ cái viết in. Đâu cần cả một câu hay một bức thư. Từ Tâm không nhớ là Từ Tâm chẳng bao giờ viết hoa cả, mà chỉ viết chữ in ở đầu những chữ phải viết hoa hay sao? Vậy thì tôi chỉ cần nhìn thấy những chữ in này là nhận ra nét chữ của Từ Tâm ngay thôi. Nhất là cái chữ “T” in này, bao nhiêu lần Từ Tâm đã viết.
 Chúa ơi! Tâm thầm thốt lên. Bỗng hai con mắt cay xé. Cái gì như là niềm cảm động dâng lên dào dạt. Thiên Thu không bao giờ là kẻ vô tâm!

3

Lâu rồi quên lễ Misa
Vì đời quân ngũ đành xa tinh thần
Hôm nay cơn nắng bâng khuâng
Anh đi về phép thăm thành phố xưa
Hồn mong mỏi ước đợi chờ
Ngày mai phiên lễ sương mờ núi xa
Tưng bừng lòng nở trinh hoa
Anh đi dự lễ Misa rộn ràng (*)

Từ hôm hội ngộ với Thiên Thu, Tâm đã có thói quen ra cầu nguyện trước hang đá có tượng Đức Mẹ, bên hông nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Những buổi lễ chiều vang vang tiếng kinh cầu và những hồi chuông làm lòng người lâng lâng.

Vẫn là thứ bảy. Chiều. Những buổi họp. Ai khiến xui để chiều thứ bảy Tâm không có giờ học. Nếu phải đi học, Tâm làm sao có được những giây phút thật thân ái này? Cái phòng họp nhỏ của một tòa soạn, một nơi chốn rất bình yên. Phòng họp nhỏ của một tòa báo nhỏ. Nhưng không nhỏ, vì cái phòng họp này đã dung chứa những tình thân quá lớn. Những cây bút trẻ viết cho tuổi học trò, không huênh hoang tự thị, lúc nào cũng mang đến cho nhau sự đầm ấm. Chưa hết, còn có những cây bút mang áo lính, viết về đời lính, nhưng cũng hồn hậu lắm.

Và cũng là buổi chiều thứ bảy. Khi đó phòng họp không có một tiếng nói. Nhiều người đã đến và ngồi ở những góc quen thuộc. Họ nhìn nhau, lặng lẽ. Từ Tâm lại cũng đến ngồi ở cái góc của mình, nơi thường xuyên có những trang báo mở ra mục Ô chữ. Tâm cũng vẫn thấy những chữ in điền vào các ô trống. Nhất là cái chữ “T” in này, bao nhiêu lần Từ Tâm đã viết. Sơn ơi, là “Thiên Thu”, là “Từ Tâm” đó! Bao nhiêu bức thư với màu mực xanh. Người lính chiến bàn tay chai sần sương gió mà vẫn giữ nét chữ thanh tú hoa mỹ. Còn Từ Tâm thì chỉ thích viết chữ in thay vì viết hoa. Nhưng đâu rồi tiếng cười sang sảng vô tư, như chiếc gạch nối cho mọi người? Đâu rồi những bài thơ? Tập thơ Thiên Thu dự định in cùng với anh Trinh đang được “lên khuôn”. Tòa soạn đang vào mùa tăng cường độ làm việc, vì có thêm những sách truyện dài Hoa Tím, và có thêm những tập thơ như thơ của Thiên Thu. Tiếng máy in vẫn chạy rầm rập như nhịp bước quân hành. Tuổi Hoa có thêm nhiều bài viết về chiến tranh. Và có một trang báo dành đặc biệt cho một người-thơ-nhà-binh nằm xuống ở chiến trường Cam-Bốt.

Rêu phong lưng đá ngùi trông
Vết thương lở lói ẩm dòng tháng năm
Nghe ra rạn nứt âm thầm
Bóng miên dạng trắng hao tầm vóc sương
Và nghe giấc ngủ hoang đường
Tôi mơ mình bước trên đường hoang sơ
Trăm con kỷ niệm vỗ bờ
Chừ nghe ngày tháng trơ trơ cuộc lòng (*)

Mấy mươi năm sau, tôi, hay có còn ai, khóc thương anh không? Thơ vẫn bước đi theo chân anh. Thơ cũng sẽ ở mãi cùng tôi. Từ Tâm lặng lẽ gấp trang báo lại. Ngủ một giấc dài đi nhé, Thiên Thu!

(*) Trích từ những bài thơ của Trần Miên Trường



Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Tháng Chín 2012

(nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 54 – tháng 10 năm 2012)

No comments:

Post a Comment