Đỗ Hồng Ngọc
Tranh thiền Lê Ký Thương
Gate, gate, pāragare, pārasaṃgate! Bodhi-Svāhā!
LỜI NGỎ
Người ta nói đúng. Mình đang ở tuổi nào thì đó là cái
tuổi đẹp nhất, không thể có tuổi nào đẹp hơn! Một người 40 mà cứ tiếc mãi tuổi
20 của mình, một người 60 mà tiếc mãi tuổi 40 thì đến 75 họ sẽ tiếc mãi tuổi
60… thật là đáng thương!
Tôi nay ở tuổi 80. Thực lòng… đang tiếc mãi tuổi 75!
Thấy những bạn trẻ… trên dưới bảy mươi mà “gato”! Mới vài năm thôi mà mọi thứ đảo
ngược cả rồi. Bây giờ có vẻ như tôi đang lùi dần về lại tuổi ấu thơ, tuổi chập
chững, tuổi nằm nôi…
Vòng đời rất công bằng. Chỉ còn cách tủm tỉm cười một
mình mà thôi!
Cái tuổi đẹp nhất của đời người theo tôi có lẽ ở vào lứa
65-75. Đó là lứa tuổi tuyệt vời nhất, sôi nổi nhất, hào hứng nhất… Tuổi vừa đủ
chín tới, có thể rửa tay gác kiếm, tuyệt tích giang hồ, “nợ tang bồng trang trắng
vỗ tay reo” (NCT), nhưng cũng là tuổi có thể lại vướng víu, đa đoan nhiều nỗi,
để một hôm ngậm ngùi ta là ai mà còn khi giấu lệ/ ta là ai mà còn trần gian thế?
(TCS)
Nhớ hồi ở tuổi 55, mới hườm hườm, tôi ngẫm ngợi, ngắm
nghía mình rồi lẩn thẩn viết Gió heo may đã về. Đến 60 thì viết Già ơi… chào bạn!
như một reo vui, đến 75 còn… ráng viết Già sao cho sướng?… để sẻ chia cùng bè bạn
đồng bệnh tương lân. Nhưng 80 thì thôi vậy.
Đã đến lúc phải “về thu xếp lại” rồi, bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội”… rồi đó
thôi!
Khi viết “Gió heo may đã về”, tôi cảm xúc từ nhạc Trịnh,
nên đã mượn những ca từ của anh làm tiêu đề cho mỗi chương sách. Trong Lời bạt
cho cuốn sách này, Trịnh Công Sơn đã viết: “… Bạc đầu có phải đã chớm già
không. Theo tôi, bạn Đỗ Hồng Ngọc ạ, đó chỉ là thay đổi một màu tóc… Tôi nghĩ rằng,
không có già, không có trẻ, nói với một người trẻ, tôi già rồi em ạ là vô lễ”.
Thế rồi, đến một hôm kia, anh đã lại viết:
“Ôi phù du/
từng tuổi xuân đã già/
một ngày kia đến bờ/
Đời người như gió qua…”
Tôi nhớ mãi lần đến thăm anh ở phòng Săn sóc đặc biệt
Bệnh viện Chợ Rẫy năm đó, trông anh như một tàu lá chuối khô, dán sát giường bệnh,
tôi bỗng ngộ, những câu chữ anh viết trong ca khúc thì ra đã đến từ một cõi nào
khác, xa xôi, một “mặc khải”, một “phó chúc” nào đó, chớ không phải từ tấm thân
tứ đại ngũ uẩn mong manh này. Cho nên khi viết những dòng này, hôm nay, tôi lại
nhớ người bạn nhạc sĩ họ Trịnh và lại mượn những ca từ của anh như một đề dẫn…
Những dòng viết này góp nhặt từ những trang nhật kỳ rời,
từ những ghi chép lang thang không ngày tháng, rải rác nơi nọ nơi kia, chỉ để sẻ
chia cùng bè bạn thân thiết, những bè bạn
cùng trang lứa, cùng tâm trạng.
Rất riêng tư, và rất chủ quan…
Thân mến,
ĐỖ HỔNG NGỌC
(Saigon, 2.2019)
……………………………………………………………………………………..
1. Cát bụi tuyệt vời…
“Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi,
Để một mai vươn hình hài lớn dậy?
Ôi, cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi…”
(TCS)
Cái hình ảnh lấy cát bụi vo thành môt cục rồi thổi vào
đó một hơi dài để vươn vai lớn dậy làm người thì thật là thú vị. Thú vị ở chỗ
nghĩ cho cùng, cái thân xác cát bụi kia một hôm trở về làm cát bụi thì đã là
chuyện dĩ nhiên, đương nhiên, tự nhiên, sao còn sanh sự tào lao chi cho mệt. Có
điều để cái “cát bụi tuyệt vời…” này trở thành “cát bụi mệt nhoài” thì lỗi tại
ta. Ta có thể làm cho cát bụi trở nên “thú vị” được lắm chứ! Cứ như người làm gốm
sứ, cát bụi mệt nhoài là bởi thứ cát bụi làm kiểu công nghiệp, hàng loạt, giống
nhau như đúc, dù cố vẽ vời chi đó trên gốm cũng vô ích. Cát bụi tuyệt vời là thứ
cát bụi rất riêng tư. Nó tùy màu đất. Nó tùy độ lửa. Tùy chất liệu điểm tô
không thể tính toán trước. Nó tạo ra vô vàn sự khác biệt. Như người họa sư chới
với, kinh ngạc khi nhặt từ lò nung ra một thứ phẩm vật trời cho, tươm bao sắc
màu pha trộn quái dị, chảy theo một dòng chảy không thể lường trước…
Phải, chính cái “phần hồn” kia – cái thức – đã được lưu chuyển từ một kiếp nào xa đó, chằng
chịt quấn quít với bao thứ duyên sinh, từ không mà có, từ có mà không, vừa chân
không vừa diệu hữu, đã khiến cát bụi tuyệt vời kia một hôm trở nên cát bụi mệt
nhoài nọ, với thất tình lục dục, hỉ nộ ái ố… để rồi nhận ra “trăm năm vô biên
chưa từng hội ngộ/ chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà…”(TCS).
Nói không được. Bất khả thuyết. Không từ đâu đến/ chẳng
đi về đâu. Nó Như Lai. Khi cát bụi và hơi hướm kia không chịu nhau nữa, giận
nhau, cãi nhau, hục hặc, chí chóe, đòi tách nhau ra thì đủ thứ chuyện trên đời
sẽ sinh sôi. Cuối cùng thì đến một lúc, cát bụi trở về cát bụi, hơi hướm trờ về
hơi hướm… Rã ra. Tan ra. Không thương tiếc. Có một chu kỳ, có một nhịp điệu
chăng? Không biết.
Banki, thiền sư Nhật bản, tác giả Tâm bất sinh (bản dịch
Ni sư Trí Hải) nói ngay lúc sống người ta nên thuờng xuyên nghĩ về cái chết.
Đúng vậy, bởi vì cái sống không tách rời cái chết. Cũng như thở vào không thể
tách rời thở ra. Nó là một chu trình khép kín.
Có sinh ắt có tử, có tử ắt có sinh. Hơi vào có hơi ra
và ngược lại. Cho nên người đạt đạo họ tỉnh queo, nôm na là họ… giác ngộ. Họ chẳng
cần phải bối rối. Họ biết nó phải vậy. Như Thị.
Chu trình “khép kín” đó bắt đầu tăng tốc ở lứa 65-75
tuổi. Tăng tốc khô héo, tăng tốc nhăn nheo. Sự
tăng tốc của lứa tuổi này cũng làm ta há hốc, muốn kêu lên kinh ngạc…
như ở tuổi dậy thì, tuổi mới lớn. Cái vòng đời nó diễn biến tuyệt vời đến vậy,
liên tục đổi thay đến vậy thì có gì đáng phàn nàn đâu! Nhiều bạn cùng lứa than
với tôi sao thế này sao thế khác, tôi thường chỉ nói “Ai biểu già chi?” rồi cười
xòa với nhau mà không khỏi có chút … ngậm ngùi.
Anh chàng Alexis Zorba nói: “Cũng phải chăm nom đến
thân thể nữa chứ, hãy thương nó một chút. Cho nó ăn với. Cho nó nghỉ với. Đó là con lừa kéo xe của ta, nếu không cho nó
ăn, nó nghỉ, nó sẽ bỏ rơi mình ngang xương giữa đường cho mà coi” (Nikos
Kazantzaki). Từ ngày biết thương “con lừa” của mình hơn, tử tế với nó hơn, thì
có vẻ tôi… cũng khác tôi xưa. Tôi biết cho con lừa của mình ăn khi đói, không
ép nó ăn lúc đang no, không cần phải cười cười nói nói trong lúc ăn. Món gì
khoái khẩu thì ăn, chay mặn gì cũng tốt. Cá khô, mắm ruốc gì cũng được, miễn là
đừng nhiều muối quá, đừng nhiều mỡ quá!
Mỗi người có đồng hồ sinh học của riêng mình. Không ai
giống ai. Như vân tay, như mống mắt vậy. Cho nên không cần bắt chước. Chỉ cần lắng
nghe mình. Phương pháp này, phương pháp nọ của người này người kia bày vẽ chẳng
qua cũng chỉ để tham khảo. Nắm lấy nguyên tắc chung thôi, rồi áp dụng vào hoàn
cảnh riêng cụ thể của mình, tính cách mình, sinh lý mình. Phương pháp nào có sự
ép buộc cứng ngắc thì phải cảnh giác!
Thời tôi học y khoa được học tế bào thần kinh không thể
sinh sản, mất là mất luôn, hư hỏng thì không thể tự sửa được, không như tế bào ở
các mô khác. Ngày nay người ta biết có khoảng 100 tỷ neuron thần kinh và 100
nghìn tỷ kết nối giữa chúng, nhưng thật ra não bộ còn rất nhiều điều bí ẩn chưa
thể biết hết. Khoa học ngày nay tiến bộ, cho thấy tế bào thần kinh chẳng những
rất nhu nhuyến (plasticity), có khả năng tự thích nghi, tự điều chỉnh mà còn có
thể sinh sản tế bào mới (neurogenesis). Chúng có thể kết nối tự bên trong, hoán
chuyển vị trí… chứ không phải tập trung từng khu vực cứng ngắc như ngày xưa đã
tưởng. Khả năng thay đổi và thích nghi này của não không bị mất đi, tuy khi có
tuổi thì các khả năng nhận thức, ngôn ngữ, trí nhớ, suy luận cũng kém đi theo
tiến trình chung. Nghiên cứu gần đây cho thấy ở tuổi 80 não bộ vẫn còn tiếp tục
tạo nên những con đường mới nối kết bên trong nên vẫn phát triển được.
Bây giờ thời đại cái gì cũng “thông minh” đáng ngại.
Không lâu nữa, chắc con người sẽ có đủ “tam minh lục thông” chăng? Tam minh là
Túc mạng minh (biết rõ kiếp trước của mình), thiên nhãn minh (biết rõ… kiếp sau
của mình), lậu tận minh (dứt tất cả lậu hoặc); lục thông gồm thiên nhãn thông,
thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông,…
Từ ngày có trang web riêng mình
(www.dohongngoc.com/web/) do một bạn trẻ giúp cho, tôi bận bịu với nó nhiều
hơn. Rồi nhờ nó mà tôi lần mò học cách post bài, đưa hình ảnh, chỉnh sửa tùm
lum… Nó giúp tôi như quên ngày tháng, quên đi những buổi mai buổi chiều buổi
trưa buổi tối… Nhưng cũng nhờ nó, tôi mở
rộng việc học hỏi, mở rộng giao lưu, thấy quả đất chỉ còn là một hòn bi xanh
trong lòng bàn tay… Và chiếc điện thoại thông minh cũng giúp mình nhiều việc,
dù thực tế nhiều lúc thấy nó thiệt là… ngu!
Mắt kém, đọc mỏi, tôi bắt đầu ít đọc báo, ít xem TV –
ngày trước, mỗi ngày ngốn chục tờ báo là thường! Nay chỉ đọc lướt qua cái tựa
là xong. Thời đại cần cái gì, gõ gõ vài cái có người đưa tới tận nhà! Hy vọng
không lâu nữa, họ gởi các thứ qua mạng, bấm nút in ba chiều, muốn gì cũng có…
Nghe nói người ta đã có thể “fax” một con người từ nơi này sang nơi khác… giúp
ta không phải đợi chờ lâu! Máy móc, kỹ thuật, phương tiện nghe nhìn ngày càng
chiếm ngụ trong ta, “thay mãi đời ta”…
2. Tôi chợt nhìn ra tôi
“Có nụ hồng ngày xưa rớt lại
Bên cạnh đời tôi đây
Có chút tình thoảng như gió vội…”
(TCS)
“Chợt” là vì bất ngờ. Nhưng không phải bất ngờ vì tôi
thấy tôi. Mà bất ngờ vì tôi chợt “nhìn ra” tôi. “Nhìn ra” khác với thấy. Nhìn
ra là “quán”. Quán Tự Tại Bồ-tát hành
thâm Bát Nhã chiếu kiến ngũ uẩn giai không… . Quán là thấy rõ (chiếu kiến). Tôi
bấy giờ không còn là tôi bây giờ. Tôi bấy giờ là tứ đại, là ngũ uẩn. Và nếu
quán một cách sâu sắc hơn, có thể thảng thốt kêu lên: “Bổn lai vô nhất vật”! (Lục
tổ Huệ Năng).
Có lần Phật hỏi Duy-ma-cật: Ông quán Như Lai thế nào?
Duy-ma-cật đáp: Thì như quán pháp thân của Phật và của chính tôi thôi. Có gì
khác nhau đâu!
Nhìn thì có thể thấy khác. Bởi nhìn thì qua mắt, nhãn
căn. Quán thì không nhìn bằng mắt. Mà nhìn bằng cả năm thứ con mắt (ngũ nhãn) gồm
nhục nhãn (mắt thịt), thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn. Thú vị, khi quán thì cả Như Lai, Phật và Tôi…
đều là một, không khác. Đó là đã thấy pháp thân, thật tướng vô tướng.
Tôi thường tự hỏi tôi khác gì tôi xưa. Xưa ở đây là trước
cái hồi tôi bị tai biến mạch máu não phải mổ sọ não cách đây cũng vài chục năm
rồi. Câu trả lời là khác. Khác quá đi chứ. Trước hết tôi bây giờ già hơn tôi
xưa, già thấy rõ, già tốc hành chớ không phải già lai rai như trước.
Nhiều hôm nhìn vào gương soi, tôi thấy mình như một quả
táo để lâu ngày, héo dần, teo tóp, nhăn nheo. Nhưng có cái gì đó như cứng cỏi
hơn, tuy quắt queo mà chỉ bay hơi nước, bay cái láng mượt, nuột nà của quả táo
căng phồng, ngây thơ, tràn đầy thuở nào. Bây giờ thì co cụm lại, co rúm lại,
gom tụ lại vào trong cái hột, cái lõi. Tôi thường tủm tỉm cười, cảm thấy khoái
khi gặp môt người bạn trẻ, nghĩa là nhỏ hơn tôi chừng mươi, mươi lăm tuổi, lâu
ngày không gặp nhìn tôi kinh ngạc, há hốc, như định kêu lên cái gì đó rồi thôi.
Tôi hiểu và dĩ nhiên tôi cũng nhìn người bạn, cũng định kêu lên một cái gì đó,
nhưng rồi cũng thôi. Thì ra cả tôi, cả người bạn trẻ đều cùng đã thay đổi, đã
già đi mà không hay! Và như Nguyên Sa nói, người ta chỉ có thể đo tuổi mình qua
ánh mắt cố nhân!
Tôi biết vòng đời của con người có ba giai đoạn đổi
thay rất nhanh. Đó là thai nhi trong bụng mẹ, tuổi dậy thì và tuổi già. Khi trứng
thụ tinh thì chỉ hình thành một tế bào, phải soi dưới kính hiển vi mới thấy; đến
3 tháng tuổi, thai nhi cũng mới bằng ngón tay út, vậy mà 6 tháng đã dài hơn ba
mươi lăm phân và nặng trên một ký; đến lúc chào đời thì đã dài hơn nửa thước, nặng
hơn ba ký rồi. Lớn nhanh như thổi!
Bé sinh ra lớn lên từng ngày, mỗi ngày mỗi khác, nhưng
phải đến tuổi dậy thì mới có sự tăng trưởng và phát triển đột ngột. Chừng vài
ba tháng không gặp, khi gặp lại cô bé mười ba, cậu trai mười bảy kia ta đã hết
hồn, há hốc, kinh ngạc. Nó không chỉ cao lớn mà còn trỗ mã, xinh đẹp, đầy đặn,
căng tròn như quả táo muốn tươm mật. Gái thì yểu điệu thục nữ, tóc mượt lưng
ong. Trai thì vạm vỡ, hiên ngang, râu hùm hàm én… Rồi đến cái tuổi gió heo may,
dìu dịu, nhạt nhòa nhưng vẫn là tuổi năng nổ, hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả nhất
để rồi chuyển sang tuổi già, tạm coi là sau tuổi 65, một chu trình “khép kín”
đã lại bắt đầu: tăng tốc khô héo, tăng tốc nhăn nheo, tăng tốc ngược chiều đủ
làm hết hồn, làm há hốc, muốn kêu lên kinh ngạc…
Nó diễn biến tuyệt vời đến vậy, liên tục đổi thay đến
vậy thì có gì đáng phàn nàn đâu, có gì mà không thể tủm tỉm cười một mình đâu.
Cho nên nếu tôi có gì khác tôi xưa thì chính ở chỗ tôi có phần… khoái cái sự
già nua tăng tốc đó của mình, tôi hồi hộp dõi theo nó, tôi cảm thấy nó…hợp lý,
nói chung là… cũng dễ thương quá đó chớ!
Ở tuổi 70 chưa thấy già đâu. Thậm chí đến 72, 73 vẫn
còn thấy trẻ chán. Những năm tháng đó, khi đến những buổi giao lưu, trò chuyện
(Talk) ở đâu người ta cũng nói tôi trông trẻ quá, chừng 60 là cùng. Không phải
an ủi đâu. Tôi cũng… thấy vậy. Tóc vẫn đen nhánh, da căng mượt, trí tuệ sáng
láng. Thấy có lửa. Thấy thèm muốn. Rồi sau đó, bỗng dưng mọi thứ như trôi tuột,
tứ đại đất nước gió lửa gì gì đó coi bộ ai muốn về chỗ nấy, ngũ uẩn sắc thọ tưởng
hành thức gì gì đó coi bộ cũng không còn muốn bó trong một bó (uẩn) như xưa nữa
mà xục xịch lỏng lẻo dần ra, mỗi thứ cứ muốn tách ra riêng, trở về chốn cũ của
nó. Thì ra tôi chỉ là cái được cho “mượn tạm”, “xài đỡ” một thời gian.
Bỗng lầm lì. Hình như ngó vào bên trong nhiều hơn ngó
ra bên ngoài. Có vẻ như đang lắng nghe một cái gì đó. Cái mà Trịnh gọi là “tôi
đang lắng nghe… im lặng đời mình”, hay lắng nghe “lời mời đã dậy”… Các hormone bắt đầu cạn dần, cạn dần. Mọi thứ
đã “lập trình” đâu đó từ trước. Tùy mỗi người. Không phải cứ muốn mà được. Điều
quan trọng người ta phải chấp nhận mình là. Nghe tin người nọ người kia tự nhiên
mà quên hết, tự nhiên mà không nhớ mình là ai, không nhớ ai là ai. Chụp ảnh não
bộ thì thấy teo, teo ở một nơi nào đó, làm mất trí nhớ dần. Thật đáng sợ và
cũng đáng tức cười. Tự nhiên mà nhớ rồi tự nhiên mà quên. Có người phải tu tập
khó khăn lắm mới buông bỏ được, mới quên được, có người tự nhiên mà quên tuốt tất
cả mọi sự đời, chẳng cần phải tu! Hôm qua, nghe tin người bạn cùng tuổi, cách
đây 60 năm vào cùng trường cùng lớp với mình tự dưng quên cả tên vợ con, quên cả
đường đi quanh nhà. Anh vốn là một nhà toán học, mà bây giờ không biết cả hai với
hai là bốn. Một bạn khác, vốn là một nhà quản lý có tiếng ở một bệnh viện lớn
ngày xưa mà nay cũng không nhớ nổi tên mình! Một người bạn hứa cùng đi chơi, giờ
chót xin lỗi vì không mặc được quần vì thấp khớp… Quên chìa khóa, quên mắt kiếng, quên điện thoại,
quên số nhà, không biết đường về… thì thường xuyên rồi. Con đường mòn của ký ức
đã trục trặc, vấy bẩn hay vì những nguyên nhân gì khác không biết. Quên ngày tháng, quên nơi chốn. Nói điều gì
xong quên ngay. Hỏi đi hỏi lại mãi. Ăn mặc luộm thuộm. Thích đi lang thang. Rồi
đến lúc không thể tự săn sóc cho mình được nữa, phải hoàn toàn lệ thuộc. Nghĩa
là người ta cứ từ từ trở lại tuổi nằm nôi, từ biết đi biết chạy đến đứng chựng,
biết bò biết lật rồi… Giận hờn, trách móc, lo âu, trầm cảm, còn thêm nhiều thứ
bệnh ập tới không thương tiếc. Rồi té ngã, loét da, táo bón, tiêu tiểu không kiểm
soát… Già ấy là lúc cạn, lúc teo, lúc héo. Thích nghi không dễ. Biết để mà
thương, mà chấp nhận mình.
Nhiều khi, sáng dậy, nhìn vào gương soi tôi lại thấy tức
cười. Tôi đó sao? Nhăn dần từng nét ngộ nghĩnh trên mắt trên da. Đôi khi muốn lấy
viết vẽ nguệch ngoặc gương mặt thay đổi từng ngày của mình, từng ngày nhưng rất
nhanh, thấy rõ chứ không như ngày xưa, nhiều năm mới nhận ra nét đổi thay. Tôi
tức cười nhìn mình. Nó nhìn tôi cũng cười. Ngộ nghỉnh. Cười mà ráng. Không ráng
thì nó trỉu nặng. Mấy tế bào của cơ mặt hình như sinh tật làm biếng, xệ xuống
cho khỏe.
Tôi thường tự hỏi, tôi bây giờ khác gì tôi xưa? Khác
nhiều chứ. Tôi tập xả hơi. Tôi tập xì hơi. Nhiều khi thử xả cho tận kiệt xem
sao. Tôi thử bịt mũi từng tế bào, coi nó ra sao? Tôi thử thả trôi nó coi nó ra
sao. Tôi tách thân xác ra khỏi thân hơi coi nó ra sao. Trần Nhân Tông nói có
lý: thân thể y như cái túi da. Là bác sĩ, tôi còn biết túi da đó đựng những gì
nữa! Không chỉ thấy là xương là thịt, là mỡ gì đó đâu, tôi còn thấy đến tận những
chất liệu Carbone (C), Hydrogen (H), Nitrogen (N), Oxygen (O) và chừng 60 món
vô cơ khác từ sắt đồng chì kẽm mangan, vôi vữa… các thứ câu kết ra sao, thay đổi
ra sao, hùng hục, huỳnh huỵch với những phản ứng hóa học ra sao.
Tôi ăn cũng khác mà ngủ cũng khác xưa. Bây giờ tôi thấy
ngủ cũng chỉ là cách cho cơ thể nghỉ ngơi, giảm tiêu hao năng lượng, cho tế bào
não sạc pin, phục hồi, tế bào cơ thư giản. Nếu có cách nào khác làm cho tế bào
cơ thư giản, hết co cơ, tế bào não hết sinh sự, kiếm chuyện, thì tôi cứ để cho
thân thể tự dàn xếp. Cơ thể tự biết cách thu xếp. Nó biết xì hơi, xả hơi. Thường
thì nhờ vậy, tôi ngủ lúc nào không hay. Kệ nó. Nó muốn thức dậy giờ nào thì cứ
cho nó dậy, ngủ tiếp thì ngủ. Mỗi ngày cũng mất 7-8 giờ cho chuyện ngủ nghỉ
này. Pin đủ, đầu óc sáng suốt, trí nhớ tốt, nhạy hơn hẳn. Trưa cũng cần sạc pin
chút xíu.
Lâu nay tôi hoang phí năng lượng vào những chuyện không
đâu, cho nên cơ thể căng cứng, rả rời,
lúc nào phổi cũng phải bơm hơi cho kịp, tế bào cũng phải quần quật hì hục sản xụất
năng lượng. Bây giờ tôi chủ trương thở vừa đủ xài. Xài ít thì thở ít. Bộ não có
chút xíu, có 2% thể trọng mà họat động cực kỳ mạnh mẽ, tiêu thụ đến 25% khối lượng
Oxy đưa vào cơ thể. Nếu có cách nào làm cho não nghỉ ngơi thì giảm được sự mệt
nhọc. Còn khi có tranh chấp, căng thẳng thì … cơ sẽ căng cứng, cứ y như những
con thú rừng, sẵn sàng tư thế chiến đấu
hoặc bỏ chạy (stress). Toàn bộ cơ mà căng thẳng vậy, nhu cầu năng lượng
tăng gấp… 4 lần!
Ghi tiếp “Nhật ký rời”: Chỉ còn mấy ngày nữa, đã đầy
tám chục (tuổi ta). Phải nhanh chóng ghi lại vài điều kẻo quên.Thứ nhất, ở tuổi
này tôi thấy tay mình ngày càng run. Làm cái gì mà cẩn thận thì đổ vỡ. Làm cái
gì không tính trước thì được. Tùy cơ ứng biến thì tốt. Tay run đến nỗi viết
cũng khó mà vẽ chơi cũng khó. Tôi phải vẽ kiểu “tốc họa”, vẽ như chớp, theo một
cảm xúc bất chợt, không toan tính thì tốt. Ai bắt chước được cái run?
“Già khú” là giai đoạn một, thêm một bước nữa thì gọi
là “già khú… đế”. Khú, Từ điển tiếng Việt bảo là “để thâm lại và có mùi hôi”,
thí dụ dưa khú, tức là một thứ dưa để lâu quá, sắp hư. “Khú đế” là “vua” của
khú đó chăng?
Sai lầm lớn khi ta nghĩ rằng già sẽ đến từ từ. Cứ từ từ
mà thích nghi. Không đâu. Già nó xồng xộc trên trời rơi xuống, dưới đất vọt
lên. Không những xồng xộc nó còn gia tốc, tàn bạo như cơn sóng vỗ vào bờ đá, vội
vã để mau chóng nhập vào dòng nước cuồn cuộn đuổi theo sau. Nó mạnh mẽ và tàn
nhẫn, tung tóe, tan tác, lắng chìm, không một chút xót thương. Nó lãnh đạm bởi
nhiệm vụ nó phải thế. Nó thú vị bởi nó không phân biệt. Giàu nghèo sang hèn, da
trắng da đen… Còn ta, ta chần chờ, làm ngơ… Đi đâu mà vội… Không đâu! Một hôm
già bỗng chuyển hệ sang già…khú, rồi khú đế đột ngột làm đảo lộn mọi thứ tính
toan. Bây giờ tôi thấy mình lạc lõng, ở đâu cũng lạc lõng. Với lứa trẻ, mình lạc
lõng đã đành mà với lứa trung niên mình cũng bị… loại sớm. Bạn già cũng rơi rụng
đâu mất dần.
Một người bạn điêu khắc gia có tiếng nắn tôi cái tượng
chân dung. Anh không nói trước. Một hôm, kêu lên nhà café chơi. Tôi đến. Anh
mang tượng ra, bảo, ngồi yên chút cho anh retouch lại. Lúc đó mới biết. Tôi
nhìn anh hý hoáy gọt gọt giũa giũa… thấy ngộ, bèn cũng hý hoáy vẽ anh với bộ râu đặc biệt. Anh không biết là
tôi đang vẽ anh. Xong đâu đó, trao tặng anh. Anh ngạc nhiên, vui lắm. Tượng sau
đó tôi mang về giấu kỹ. Mười lăm năm trôi qua từ ngày đó. Tình cờ nhìn lại tượng,
tôi giật mình: râu tóc đã bạc phơ. Nhăn nhúm đã tràn đầy!
Lạ thiệt!
ĐỖ HỒNG NGỌC
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment