Monday, March 18, 2019

HỌA SĨ VÕ ĐÌNH VÀ CUỘC TRIỂN LÃM BÊN KIA BỜ TỬ SINH


Phan Tấn Hải

                                                                      Họa sĩ Võ Đình

Trong tương lai gần, nhà thơ Đỗ Quý Toàn sẽ tổ chức một cuộc triển lãm tại hội trường nhật báo Người Việt dài hai ngày – trong đó, sẽ trưng bày toàn bộ tranh của họa sĩ Võ Đình (1933-2009) để lại và đang được gìn giữ bởi người vợ cuối đời là chị Trần Lai Hồng.

Nhà văn Lê Thị Huệ từ San Jose đã cho biết như trên; khi được tin, tôi đã xin tới thăm chị Trần Lai Hồng tại nhà người anh của chị ở Huntington Beach, California. Chị Trần Lai Hồng nói chuyện và đi đứng còn chậm, vì vừa mới hồi phục từ một trận đột quỵ khi còn ở Florida, và sau đó đã dọn nhà từ Florida về Quận Cam, nơi nhà người anh ruột.
Nơi phòng khách giữa căn nhà Huntington Beach của người anh của họa sĩ vẽ lụa Trần Lai Hồng còn để nguyên kiện nhiều gói hàng gửi qua phi cơ, trong đó là những họa phẩm của họa sĩ Võ Đình, chỉ mới mở ra một vài tấm tranh. Như thế, ước lượng khoảng 30 tác phẩm hội họa của họa sĩ Võ Đình. Chị Trần Lai Hồng cho biết, bản thân chị cũng học vẽ từ họa sĩ Võ Đình, và chị cũng ưa vẽ mặt trăng như anh… Trong dịp này, chị cũng sẽ triển lãm một số tranh chị vẽ, trong đó người xem có thể nhìn thấy ảnh hưởng của phong thái Võ Đình.
Trong khi ngồi đối diện với chị Trần Lai Hồng, nghe chị nói với giọng Huế của nhiều thập niên về trước, trong một buổi chiều nắng tháng 3/2019, nhìn mái tóc nhiều màu trắng của chị, tôi nhớ tới một chi tiết rất tiền định do nhà văn Lê Thị Huệ kể lại trên trang Gio-o về những ngày đầu tình nhân của họa sĩ Võ Đình và chị Trần Lai Hồng, theo lời chị họ Trần, “Chị kể là hai người có tò te tí ngọ lúc Lai Hồng 13 tuổi và Võ Đình 15 tuổi, trước khi Võ Đình sang Paris du học…”
Nghĩa là, cô Lai Hồng và cậu Võ Đình chưa tới tuổi thành niên đã “tò te tí ngọ” -- chữ nhà văn Lê Thị Huệ dùng lạ quá, tôi không hiểu cụ thể bốn chữ này, có thể chỉ mới nắm tay, hay chỉ mới vuốt tóc, hay chỉ mới hôn môi? Trời ạ, mối tình bí hiểm tới mức không thể dùng chữ đơn giản để nói. 

Bà quả phụ Trần Lai Hồng và tấm tranh của Võ Đình,
một cây cổ thụ rất trừu tượng

Nhà văn Lê Thị Huệ viết trong bài “Ba Vòng Trong Vườn Mộng Của Võ Đình Và Lai Hồng” trên gio-o tháng 7/2007, kể lại như sau:
Cuộc tình của ông và LaiHồng là cuộc tình tái hồi Kim Trọng và Thúy Kiều. Lúc trẻ hai người yêu nhau nhưng không thành. Khi già hai người đã qua bao nhiêu cuộc hôn nhân. Họ tìm về với nhau cuối đời. LaiHồng bỏ Seatle. Võ Đình bỏ Maryland. Hai người đi xây tổ ấm ở Florida.
Bên trong nhà sơn màu trắng. Sách quý. Phòng thiền. Phòng vẽ. Phòng ngủ có cửa kính nhìn ra cây bàng, cây xoài, cây mai, cây hoè.
Võ Đình hay gọi: "Hồng ơi"...”(ngưng trích)
Và bây giờ, họa sĩ Võ Đình đã lìa đời… để nơi này còn chị Trần Lai Hồng. Và sắp tới sẽ là một cuộc triển lãm rất là xúc động, có thể hiểu là cuộc triển lãm cuối cùng của họa sĩ Võ Đình.

Trong khi nói chuyện với chị Trần Lai Hồng, tôi nhớ lại một cảm xúc có từ nhiều thập niên trước, hồi tôi còn ở Virginia và thỉnh thoảng gặp họa sĩ Võ Đình, rằng tôi vẫn nhìn họa sĩ họ Võ như một ngọn núi, nghĩa là khi ngước nhìn lên, tôi cũng chỉ mới thấy một phần, một phía.

Một họa sĩ tài hoa, một nhà văn thơ mộng, một dịch giả uyên bác, một nhà thơ đầy những thắc mắc về sinh tử kiếp người... Đó là Võ Đình, một nghệ sĩ đa tài dị thường.
Chúng ta cứ ngỡ như các tài năng như thế chỉ có  trong tiểu thuyết, nhưng không, những người như thế vẫn từng hiện ra trong đời này. Cuộc đời của họ rất thực, và qua những cơ duyên, nhiều người chúng ta đã từng gặp, từng quen biết, từng nói chuyện thơ văn với họ. Võ Đình là một tài năng dị thường như thế, vẫn đi đứng nói cười trong cõi thế gian này, đôi khi bộc khởi những gì như tham sân si, nhưng thâm tâm vẫn hướng vọng về một cõi rất mực thanh bình và rất mực trong sáng.
Võ Đình nổi tiếng trọn đời như một họa sĩ, trong khi thơ của ông rất mực thơ mộng lại ít được nhắc tới, và chính trong thơ cũng đã hiển lộ rất nhiều cảm xúc trong hồn ông. Đó cũng là những dòng thơ xuất sắc rất hiếm gặp.
Thí dụ, khi chúng ta biết rằng họa sĩ Võ Đình ưa vẽ mực trên giấy hay mực trên các tấm panel, chúng ta sẽ thấy khác hơn, khi đọc kỹ bài thơ nhan đề "Dấu đen":
Dấu đen trên tuyết một mình
Ngõ xa lưng dặm, dáng hình bao la
Chim kêu một tiếng sa đòa
Tai còn âm vọng, nét nhoà mực đi
.
Tương tự, nếu chúng ta biết rằng ông khi còn là một thanh niên mới lớn tại Huế, khi chưa rời Việt Nam để du học, đã có một mối tình đơn sơ với một cô nữ sinh 13 tuổi -về sau, cô Trần Lai Hồng nổi tiếng là nhà thiết kế áo dài và vẽ lụa- bài thơ nhan đề "Thu" có thể mang nhiều ẩn ngữ khi gợi tới những mái ngói nội thành Huế và áo tím nữ sinh Đồng Khánh, và màu hồng trong ký ức: 
Uy nghi mái ngói dáng vàng thu
Tùng quan đà khép cánh mây ngàn
Bỗng dưng áo tím em đi tới
Má đỏ ta thờ nét nữ tu

Và rồi chúng ta sẽ ngậm ngùi khi nhìn thấy thời gian vô thường trôi qua, trong bài thơ nhan đề "Nàng Thu Phong" - trích:
Ngày đêm mây trắng ngủ trên ghềnh
Trời thở dài, đất cũng làm thinh
Lá rừng phong, lá không bay nữa
Lá rụng tơi bời, lối tử sinh.

Thơ mộng, lãng đãng. Tuy nhiên, Võ Đình không đơn giản và cũng không dễ tính, cả trong hội họa và văn chương.
Họa sĩ Trương Vũ, một người bạn thân của Võ Đình, trong bài "Tiếng Sóng" viết nhân kỷ niệm 7 năm ngày mất của họa sĩ Võ Đình (31/5/2009 – 31/5/2016), ghi nhận, trích:
"Võ Đình sinh năm 1933, tại Huế, rời quê hương rất sớm, vào lúc 17 tuổi, và sống luôn ở Pháp, rồi ở Mỹ. Anh chỉ về thăm Việt Nam vài lần, mỗi lần trong thời hạn rất ngắn. Rất giống hoàn cảnh của lớp trẻ Việt Nam thuộc thế hệ một rưỡi hay thứ hai của cộng đồng Việt hiện nay.
Văn của Võ Đình không dễ đọc, tranh của Võ Đình không dễ xem. Bởi luôn hàm chứa những phức tạp của đời sống, những độ sâu trong suy tưởng, và những rung động của con người. Đọc văn anh, xem tranh anh, hay ngồi nói chuyện với anh, chúng ta rất dễ thấy nơi con người thoạt nhìn có vẻ bình dị, ảnh hưởng sâu đậm của ba nền văn hoá Việt, Pháp, Mỹ, và biểu lộ những ảnh hưởng đó một cách tự nhiên, không mặc cảm, khi khen như khi chê. Anh thích nhìn con người hay xã hội trên khía cạnh văn hóa, và nhìn sự vật, cây cỏ ở cái đẹp mà tạo hóa mang lại, dù đó chỉ là một con nhái bén hay những thứ “rau cỏ hèn mọn”.
Anh đề cao tính sáng tạo, rất dị ứng với những cách nhìn hời hợt, những cách nhìn theo thói quen, những cách lặp đi lặp lại mà anh cho là phát sinh từ sự lười biếng trong suy nghĩ..." (ngưng trích)

Họa sĩ Đinh Cường trong bài "Kỷ niệm cùng Võ Đình" đăng trên VOA ngày 26/05/2010 ghi nhận về người nghệ sĩ họ Võ, với kỷ niệm ban đầu gặp nhau, trích:
"Kỷ niệm đầu tiên với anh là Tết Giáp Dần, 1974 anh về nước sau trên hai mươi năm xa cách. Ôn (thân sinh anh) đưa anh ra thăm chúng tôi ở ngôi nhà phía sau trường Cao đẳng Mỹ Thuật Huế, tôi đang dạy ở đó, và vì nhà tôi dạy cùng trường Nữ trung học Thành Nội với chị Võ thị Nga, em gái anh …Sau đó nhân mấy ngày Tết tôi rủ Trịnh công Sơn cùng ghé thăm anh, uống cùng nhau ly rượu mừng xuân, tình anh em văn nghệ thân thiết nhau rất đỗi tự nhiên. Anh có kể lại trong Trời Đất: “Năm 1974, sau trên hai thập niên lưu lạc, từ Huế sang Paris, từ New York sang San Francisco, tôi lại quay về Huế. Chỉ hai hôm sau Tết Giáp Dần, hai chàng trẻ đến thăm: Đinh Cường và Trịnh công Sơn. ĐC hỏi tôi có đem tranh về không. Tôi nói không. ĐC đề nghị tôi vẽ ngay một số tranh: Anh sắp có triển lãm, nếu tôi cùng trưng bày với anh càng vui. Tôi vẽ 14 bức tranh mực xạ trên giấy, đặt tên từ Huế I đến Huế XIV. Cuộc triển lãm diễn ra ở một phòng lớn của đại học Văn Khoa Huế. Sau đó chúng tôi “họp mặt” ở nhà Trịnh công Sơn. Và lần đầu tiên tôi gặp Lê thành Nhơn …Trước đó tôi từng gặp Lê thành Nhơn. Gặp tác phẩm, không gặp người. Sau buổi nói chuyện ở trường Mỹ Thuật, tôi cùng nhiều người bước ra sân. Không nhớ ai đã chỉ cho tôi xem tượng Phan bội Châu. Ở Huế, người ta gọi là cụ Phan, hay cụ Phan sào Nam. Cả bức tượng là một cái đầu người. Một cái đầu vĩ đại …Tôi sinh ở Huế, lớn lên ở Huế, từng nghe không biết bao nhiêu chuyện khí khái về “ông già Bến Ngự”.
Đêm ấy tôi đã được gặp tác giả chân dung cụ Phan. Và nhớ mãi.” Tôi cũng nhớ mãi anh đã vẽ tặng tôi bức “Tổ Chim Trên Bờ Biển” với lời ghi Tưởng niệm Phan sào Nam tiên sinh..."(ngưng trích)

Nhà bình luận văn học Nguyễn Mạnh Trinh trong bài viết "Tưởng niệm nghệ sĩ Võ Ðình" trên VOA ngày 04/06/2013 đã ghi nhận về người họa sĩ tài danh, trích:
"Với Võ Đình nhà văn, cái cảm nhận đầu tiên từ những bài viết của ông là một không gian lãng đãng của một khí hậu văn chương tạo cảm giác man mác, có hiện thực và mơ mộng. Ông đi nhiều, sống ở nhiều nơi, nhiều đất nước nên kinh nghiệm đời phong phú đã thành vốn liếng để ông sử dụng trong thơ văn và hội họa. Truyện ngắn của ông, là những mảnh phác họa đời sống và hơn nữa, lẩn khuất những phần nội tâm sâu kín.
Phần đông những bài viết của Võ Đình ở thể đoản văn, gọi là tùy bút cũng đúng mà gọi là tản văn hoặc tiểu luận cũng không sai. Ông thường nhấn mạnh đến hai thể loại. Truyện và chuyện. Truyện là những sự kiện đã qua được viết ra có bố cục lớp lang và có cả những hư cấu nữa. Còn chuyện là nghĩa từ chuyện trò, chuyện vãn, là những chuyện bàn bạc về những đề tài có khi là từ cuộc sống, có khi là từ văn chương.
Dù là truyện hay chuyện, tất cả những đoản văn của Võ Đình đều phát xuất từ những kinh nghiệm riêng của những năm ăn nằm với nghệ thuật với sách vở. Thêm nữa, là tình quê hương của một người xa xứ quá lâu, nồng đượm trong từng câu văn từng nét bút."(ngưng trích)

Trong tình cảm riêng và với lòng kính trọng vô bờ đối với một nghệ sĩ tài danh, tôi đã viết trong bài "Để Nhớ Một Ngọn Núi — Họa Sĩ Võ Đình" đăng trên Gio-o năm 2018 với những suy nghĩ riêng tư, trích:
"Nhưng hình ảnh của Võ Đình khác hơn và là cái gì độc đáo, dị thường hơn. Nghĩa là, không đời thường. Ngay cả khi nói chuyện với anh Võ Đình, tôi vẫn thấy như dường anh đang đứng lơ lửng trên núi tuyết.
Thử nhắm mắt lại, hình dung về anh, tôi nhận ra trong trí tôi các hình ảnh gắn liền với Võ Đình: kính trắng, đôi mắt sáng đăm chiêu, tay cầm tẩu thuốc, những khoảng trời tuyết trắng, những rặng cây xanh. Và đặc biệt, là hoa sen và mặt trăng. Hoa sen thì dễ hiểu, vì Võ Đình có quan tâm nhiều về Phật giáo. Nhưng còn mặt trăng? Kể cả khi gặp anh ban ngày, giữa trưa, tự nhiên tôi vẫn nghĩ tới mặt trăng. Có thể vì Võ Đình thường vẽ trăng? Có lẽ, nhưng không hẳn. Bởi vì trong nhiều bức tranh trừu tượng, Võ Đình có khi vẽ như là mặt trời đang rọi sáng rất phức tạp...
...Nhìn kỹ, Võ Đình vẫn rất là trừu tượng Paris cho dù anh vẽ hoa sen và trăng. Và cho dù anh vẽ, hay viết, Võ Đình vẫn là một  chiếc ghe chở trăng, nơi mũi ghe là một khắc họa hoa sen để hướng về một nơi bình an bên bờ kia. Đối với tôi, họa sĩ Võ Đình là một ngọn núi để tôi ngước nhìn lên. Tôi đã khâm phục nét vẽ thơ mộng dị thường của anh, đã khâm phục trình độ tiếng Anh tuyệt vời của anh. Và tự biết mình, tôi vẫn luôn luôn nhìn anh Võ Đình như một ngọn núi. Nơi đó, một thời tôi có cơ duyên quen anh – một ngọn núi."(ngưng trích)

Trần Lai Hồng và tấm tranh của bà,
hình một mặt trăng như một ước mơ hạnh phúc.

Nhưng tuyệt vời sắc bén là nhận định của nhà phê bình văn học Thụy Khuê qua bài "Võ Đình, thân xác như một chất liệu nghệ thuật" như dường nhìn thấu suốt tim gan họa sĩ họ Võ, trích:
"Trải vách quế gió vàng hiu hắt
Võ Đình đi đi, lại lại, bứt rứt, bực bội, tìm cách "vẽ" Ôn Như Hầu, nhưng câu thơ hắc búa của Gia Thiều cứ trơ ra như một "ảo giác" không thể "vẽ" được. Võ xoay ngang, chém dọc, bổ đôi, chẻ ba lời thơ, bước vào trong, chạy ra ngoài, mắt nhìn trời, tay vạch đất... Chịu! Lầu bầu oán trách ông già "ôn dịch" cắc cớ trớ trêu! Ngang tàng kiêu bạc đến như "ta" mà không thể "vẽ" được cái quái thai "trải vách quế gió vàng hiu hắt", bèn khấu đầu bái sư phụ một lạy. Võ chịu.
Chịu không vẽ được thơ Hầu, nhưng Võ ngộ được hai điều: thơ và họa.
Khi thơ đã đạt đỉnh thượng thừa thì không vẽ được và khi vẽ đã đạt đến tuyệt nét thì không bút nào tả được. Vậy nên, nếu muốn đi từ thơ sang họa, Võ phải tìm cách khác: giao hoan. Và từ nay, mỗi tác phẩm của Võ, khi đạt, thường là cuộc giao hoan tuyệt vời giữa thơ và họa..." (ngưng trích)

Khoảng vài tuần lễ tới, là tròn 10 năm họa sĩ Võ Đình từ trần: Võ Đình qua đời tại nhà ở West Palm Beach, Florida, ngày 31 tháng 5, 2009
Sau đây là tiểu sử Võ Đình, do nhà báo Phan Thanh Tâm viết trong những ngày đầu tháng 6/2009, khi được tin họa sĩ tài hoa này ra đi.
Nhà văn/Họa sĩ Võ Đình, tên thật Võ Đình Mai, Pháp danh: Nguyên Chân. Theo trang nhà Gio-O, nhà văn họa sĩ Võ Đình sinh năm Qúi Dậu, 1933, tại Huế. Chánh quán huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Những năm 50 du học ở Lyon và Paris. Năm 1961, triển lãm hoạ phấm đầu đời ở New York City. Từ đó hơn 40 cuộc triển lãm cá nhân và vô số cuộc triển lãm tập thể ở Âu Châu, Á châu, Gia Nã Đại, và Hoa Kỳ.
Năm 1970, hai văn phẩm đầu tiên được xuất bản: The Jade Song (Chelsea House, New York) và The Toad Is the Emperor Uncle's (Doubleday&Co,. New York). Tất cả, hơn 40 tác phẩm: sáng tác, dịch thuật, minh họa. Công trình văn học nghệ thuật của Võ Đình được ghi nhận trong Nhân Vật Việt Nam (Sài gòn, 1974). Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại, 1975 -1995 (Đại Nam, California, 1995), và những ấn bản hàng năm của Who's Who In American Art, Contemporary Authors, Prinworld, The New York Art Review... Năm 1975: Christopher Award, New York. Năm 1984: Literature Program Fellowship tu National Endowmentfor the Arts, Wahington, D.C.; Năm 1992: Bằng hữu bốn phương bày tranh và sách Võ Đình ở Montreal, Canada. Năm 2000: triển lãm ở Pháp, kỷ niệm 50 năm về trước đặt chân -dến Paris. Năm 2002:tác phẩm mới nhất, Huyệt Tuyết (Văn Nghệ, California, 2002).
Nhà văn mất đi để lại vợ Bà Quả phụ Võ Đình Mai, khuê danh Trần thị Lai Hồng. Ông, đã qua đời vì bệnh Progressive Supranuclear  Palay, một bệnh rất hiếm khiến ăn uống, nói năng, đi đứng trở nên yếu, dù trí óc vẫn còn sáng suốt .
PTH

No comments:

Post a Comment