Monday, March 18, 2019

‘VỀ THU XẾP LẠI...’ KỲ II


Đ Hng Ngọc

Tranh thiền Lê Ký Thương

3. Về thu xếp lại… ngày trong nếp ngày

“Về đây đứng ngồi
đường xa quá ngại
để lòng theo chút nắng bên ngoài…” (TCS)

Bây giờ muốn ngủ lúc nào ngủ. Muốn dậy lúc nào dậy. Chỉ khi nào có đi đâu xa mới phải để đồng hồ báo thức mà luôn dậy trước giờ, vói tay tắt đồng hồ reo rồi… ngủ tiếp. Thức dậy nhìn đồng hồ coi thử mấy giờ rồi, nhớ hôm nay sẽ có những việc gì phải làm. Có khi phải ghi trên giấy từ đêm trước. Bây giờ “ mỗi ngày tôi chọn một niềm vui… đường đến anh em, đường đến bạn bè” là đủ. Nếu có đi dạy học, đi nói chuyện ở đâu đó thì phải đúng giờ giấc còn thì cứ theo cái đồng hồ sinh học của mình. Xưa thức khuya dây sớm theo dõi trận đá banh hay. Nay thôi. Ban tổ chức dành cho tôi một sân riêng, có mái che, máy lạnh. Coi được bao lâu thì coi. Muốn thì cho ngưng trận đấu, sớm mai đấu tiếp. Đọc tin tức các đài báo phần lớn cũng chỉ đọc cái tựa là biết đủ rồi. Thì giờ đâu mà dài dòng văn tự. Nếu là một đề tài hay, cần thêm chi tiết thì đọc nhanh, kiểu câu đầu câu cuối, dòng dọc dòng ngang là xong. Bài nào thấm thía lắm mới đọc từng chữ. Dừng lại, nhâm nhi, ngẫm ngợi, rồi đọc tiếp. Cười khà một mình. Thích những bài bình luận sâu sắc, châm biếm nhẹ nhàng. Mấy chục năm nay quen giờ giấc  chính xác, thấy ai trễ giờ thì bực mình do làm ở khoa cấp cứu bệnh viện nhiều năm, chậm trễ một phút có thể chết người. Bây giờ phấn đấu đi trễ cho quen vì đi đúng giờ, đến sớm làm cho người ta ngượng. Thăm hỏi một vài bạn đau ốm. Thư từ cho người này người kia. Nay vắng người này mai vắng người khác. Đến một lúc, thấy vắng cũng như có mặt. Không khác. Vài ba thư mời dự chỗ này chỗ khác. Thử chọn xem nên đi đâu không? Đa số đành từ chối. Ăn uống khó khăn. Mặt mày khó ưa. Ăn nói dễ ghét. Từ chối viết bài cho báo, xuất hiện trên truyền hình, trả lời phỏng vấn này nọ vì biết mình đến lúc nên lánh mặt, nên đi chỗ khác chơi. “Biết đủ dầu không chi cũng đủ/ Nên lui đã có dịp thời lui” (Ưng Bình). Thỉnh thoảng có bài này bài kia viết sai , trích sai… cũng thôi kệ. Nhiều bài không phải của mình, không phải mình viết, người ta cũng gắn tên mình là tác giả, thậm chí kèm cái hình chân dung cho… chắc ăn. Lúc đầu bực mình, đính chánh nọ kia. Sau, thôi, tùy hỷ. Tự dưng rồi người ta cũng biết. Kẻ cố tình làm sai chắc cũng thấy không vui.

Vào phòng tắm nhìn vào gương soi để thấy cái “bổn lai diện mục” của mình. Tức cười. Thấy nó ngày càng nhăn nhúm, da mồi tóc bạc tăng tốc, cứng ngắc, rụng gần sạch. Mỉm một nụ cười… tươi trước gương.  Nấu một bình nước để pha trà, pha café.  Có lúc quên cắm điện. Chờ hoài không thấy nước sôi. À há. Vệ sinh các thứ xong thì… ngồi thiền. Con người vốn khổ vì làm việc với cái đầu nhiều quá, đến nỗi ‘điên cái đầu”.  Khôn hơn chút thì làm việc với trái tim. Nhưng với trái tim cũng vẫn khổ, có khi còn khổ hơn. Có nhà minh triết khuyên nên làm việc với cái… rún. Làm việc với cái rún nghĩa là trở về với hơi thở. Đưa hơi xuống huyệt đan điền. Tôi nghĩ, rún thì đã tốt, nhưng tốt hơn nữa là làm việc với… ruột già, xuống thấp hơn cái rún nữa càng tốt.

Ngồi thiền 30-40 phút là đủ. Lúc đầu chưa quen, còn đau chân đau cẳng, sau quen dần.  Thiền Anapanasati (quán niệm hơi thở) trong kinh Tứ Niệm Xứ. Theo tôi, đó là một phương pháp thiền có cơ sở khoa học, sinh lý học tốt nhất, không sợ “tẩu hỏa nhập ma”. Thiền tập là cách tập sống trong cái chết. “Xả thiền” là giai đoạn tốt nhất để thể dục. Tỉnh rồi phải động chứ. Nhịp điệu mà. Tập tất cả các cơ khớp và mỗi động tác có thể gắn với một tên gọi tùy nghi. Này là từ bi. Này là hỷ xả. Này là tham, này là sân, là si, nghi, kiến, mạn… Này là từ bi, này là trí tuệ, này là bình đẵng, là trực tâm. Học và hành lai rai quấn quít nhau. Sau buổi ngồi thiền và tập thể dục kiểu đó, chừng một tiếng, cơ thể như được sạc pin, sảng khoái hơn. Tắm xong thì tự làm cho mình một ly café- yaourt. Sáng có gì ăn nấy, không ăn cũng được. Ngồi vào máy tính. Ngày càng mất nhiều giờ cho máy tính. Điện thoại smartphone thì ngày càng ngu. Tin mình đợi thì chẳng bao giờ đến. Người mình mong thì chẳng bao giờ gọi. Nhỏ mà không học lớn mò sao ra. Máy tính cứ lò mò, ngày càng chậm chạp. Phải chi như Tô Đông Pha có một nàng Vân, pha mực, rót trà, gõ cho mình cái meo, post cho mình cái bài lên web… thì hay quá!

Là thầy thuốc nhưng tôi rất không ưa thuốc men. Kể cả cho bệnh nhân. Người ta quảng cáo cho cố để bán thuốc. Hù dọa cho cố để bán thuốc. Lâu lâu lại công bố thứ thuốc này thuốc kia phải thu hồi, phải cấm vì gây nhiều tác hại hơn mang lại lợi ích.

Đối với bản thân mình, tôi nghĩ cần ăn uống vừa đủ, vận động vừa đủ, thiền định, giữ tâm hồn thanh thản, an nhiên tự tại, không bị lệ thuộc vào thầy (thầy thuốc, thầy tu, thấy bói, thầy phong thủy…), không bị lệ thuộc vào thuốc, dù là thuốc đông tây nam bắc. Trừ trường hợp có bệnh lý thực sự cần phải can thiệp thì phải tuân thủ. Khi phải mổ cấp cứu… thì đành mổ thôi. Nhưng khi bạn bè đồng nghiệp thương tình cho cả một bụm thuốc để uống hàng ngày thì tôi chọn một vài món, còn thì… liệng hết. Các thứ thuốc tương tác lẫn nhau, gây nhiều rắc rối phiền hà. Thuốc nào cũng đầy phản ứng phụ (side effects). Tội gì biến mình thành con chuột bạch thử hết thuốc này đến thuốc kia!

Ăn không chỉ là ăn. Tôi ăn uống đơn giản, mà con cháu lúc nào cũng kêu khó. Bởi không ăn giống mọi người. Đòi cá khô, rau luộc, bún, nước mắm me. Cá kho mặn thì đem đi chiên. Ăn chay không ra ăn chay. Ăn mặn không ra ăn mặn. Không biết uống rượu. Không hút thuốc lá. Có dịp cùng bè bạn vào bữa tiệc tùng luôn thấy lạc lõng. Mọi người nhìn mình cũng dè chừng. Mình cũng ngượng ngập. Đã vậy, lúc nào cũng đòi… ớt. Cả một bàn tiệc thịnh soạn công phu của gia chủ, có khi chỉ khen món ngon nhất là ớt! Vì thế, dần dần ai cũng tránh mà mình cũng khỏe. Suy dinh dưỡng từ nhỏ. Tản cư, ở rừng ăn uống thiếu thốn đã quen. Khoai, bắp, đậu, mè là món khoái khẩu.  Lúc về thành thì cũng ở trong chùa. Lúc 12 tuổi cân nặng 25kg. Sáng sáng đi học ăn một chén cháo muối. Trưa làm tô bún nước mắm cay xè. Bánh căn bao bụng với nước cá mòi. Xôi là món tuyệt vời nhất vì rẻ tiền mà no lâu. Suốt thời gian ở Saigon đi học, mỗi sáng đều xôi và xôi. Khoái khẩu hơn nữa là cơm cháy, cá khô nướng.

Càng có tuổi, càng ăn đơn giản. Lại thêm bệnh Gout. Hải sản hết dám ăn. Nhiều bạn tưởng tôi ăn chay trường. Không. Tôi không phân biệt chay mặn gì đâu. Có gì ăn ấy. Nhưng không ăn thịt. Chỉ ăn cá, rau. Nhớ thời Phật đi khất thực, cũng cho gì ăn nấy. Thức ăn nào với Phật cũng thành chay tịnh. Vì tâm đã chay. Thấy sợ khi người ta “ăn chay” mà thức ăn có tên rất “mặn”.

Ăn không chỉ là ăn! Ăn làm ra hạnh phúc hay khổ đau. Ăn làm ra người hiền hay kẻ ác. Ăn làm mau già hay làm chậm tiến trình lão hóa. Kẻ thù ta cũng thường vây quanh ta trong bữa ăn bằng lời nói cử chỉ. Nhưng kẻ thù còn đầu độc ta bằng những món ngon. Ngày càng có nhiều món ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh… rất đáng ngại.

Thỉnh thoảng nên tự tay nấu ăn một bữa! Yan can cook, huống chi ta? Bảo đảm bữa ăn đó là một bữa ăn ngon nhất! Đừng ngại. Thiên tài đầu bếp thường là những lúc lỡ tay, chế ra một thứ thức ăn không giống ai, không theo một thứ sách vở nào, công thức nào… Các vua đầu bếp đều là những người dám nghĩ dám làm, dám sai mà không sửa.

Món ăn nào do tôi chế biến đều là món ăn…ngon cả! Kể cả “xà bần” các thứ, tưởng như phải bỏ đi. Đó là những món ăn chưa có tên trong bất cứ thực đơn nào của các khách sạn hạng đầu trên thế giới. Những món đó có tên chung là món…trời ơi, vì ai cũng kêu lên như vậy, nhưng khi ăn thì quả thật là ngon! Các thức ăn đều là thuốc, chẳng qua ta không để ý mà thôi! Thức ăn càng gần với thiên nhiên thì càng tốt. Mỗi ngày tôi tự “khất thực” lấy phần mình, thường thì ăn một mình dễ “chánh niệm” hơn.

Lâm ngữ Đường nói những sinh vật ăn rau cỏ luôn hiền lành như trâu bò, dê, ngựa, nai, cừu… còn những sinh vật ăn thịt luôn hiếu sát như cọp, beo, sư tử, cá sấu… Có một câu nói rất quen: Hãy nói cho tôi biết anh ăn gì, tôi sẽ nói anh là ai. “You become what you eat”.!

Giả Bình Ao viết một bức thư cho bạn để từ chối đi ăn cỗ. Xin trích một đoạn như sau: “…Muốn ăn cỗ thì ngồi với người quen sẽ ăn ngon, thích thì ăn nhìều, không thích thì ăn ít, có thể nấc, có thể đánh rắm, có thể nói đùa, chửi bậy… Ăn với người lạ mà làm thế đựơc ư? Người biết thì có thể thông cảm mình lười nhác tản mạn đã quen, người không biết sẽ cho mình lếu láo không tôn trọng họ…! Trên mâm cỗ, chúc rượu ai trước ai sau cũng không được lộn xộn, không được sót người nào, mà mình đâu nhớ được vị nào làm lớn làm nhỏ… Mình lại không hay cười mà trên mâm cỗ đương nhiên phải cười, cái cười ấy dễ trở thành nhếch mép, cười ruồi, đâm ra tẻ nhạt bầu không khí… Mình ngần này tuổi đầu rồi, tùy tiện ở ngoài đã quen, ở nhà càng quen, bảo mình khúm na khúm núm, ân cần chiều chuộng như gái làm tiền thì khó mà học nổi trong chốc lát. Cho nên hãy tha thứ cho mình, miễn cho mình nhé…!”. (Tản Văn, Giả Bình Ao, Vũ Công Hoan dịch)…

Phật dạy có 4 “nhóm” thức ăn khác gồm: Đoàn thực, Xúc thực, Tư niệm thực, Thức thực… Thức ăn ta nói ở trên chỉ mới là đoàn thực. Đoàn thực là thức ăn được vo lại thành nắm như nắm xôi, nắm cơm vắt, có thể có đủ bột, đạm, dầu, rau… để nuôi thân. Khi ăn một nắm cơm như thế, ta thấy cả “ngũ uẩn” trong đó. Lấy ngũ uẩn nuôi cái ngũ uẩn thân ta là vậy. Còn Xúc thực, Tư niệm thực, Thức thực là những thức ăn của tâm hồn. Những loại này không cẩn thận thì nó quấy ta, khó mà an lạc được. Chỉ cần bấm một cái nút, chúng đã sanh ào ạt…


Khi còn trẻ, ta thấy cái “ăn” là quan trọng, khi về già mới biết cái “chuyện lớn” kia còn quan trọng hơn! Lâm Ngữ Đường bảo: “Hạnh phúc ư? Rất đơn giản. Nó nằm ở ruột già! Ruột già mà điều hòa thì ta hạnh phúc, còn không thì ta khổ sở. Chỉ có vậy thôi!” (Sống đẹp, bản dịch Nguyễn Hiến Lê).

Bón là một cực hình đối với người có tuổi. Khi bị bón, ta trở nên cau có, quạu quọ, khó chịu… Chuyện kể ở một nhà kia, chuột nhiều vô kể và phá phách quá lắm, chịu không nổi. Nuôi mèo, đặt bẫy chẳng ăn thua! Thế rồi có người bày bắt lấy một con chuột to, khâu đít nó lại, rồi thả nó ra. Mới đầu chẳng có chuyện gì xảy ra nhưng chỉ ba hôm sau, con chuột bị khâu đít bắt đầu cắn phá lung tung. Chúng cứ lựa các con chuột… nhởn nhơ, vui vẻ… thấy ghét mà cắn, cắn cho bõ ghét! Thế là từ đó không còn một con chuột nào dám lai vãng nữa!

Thần kinh chịu trách nhiệm chuyện lớn này là “thần kinh thẹn”. Do đó, nếu cứ “thẹn” hoài thì sẽ thành bón kinh niên thôi. Khổ nỗi, thời đại toàn cầu hóa bây giờ người ta toàn lo chuyện hội họp, thương thảo, tranh luận căng thẳng, dễ “vượt qua” chuyện lớn lúc nào không hay!

Ta thấy ở những nơi văn minh, lịch sự – những tòa cao ốc lớn, nhà hàng, khách sạn 5 sao – bao giờ hệ thống toilet cũng đặt ngay ở cửa ra vào, sạch đẹp, thơm tho, có tiếng nhạc dìu dịu, êm nhẹ, đầy quyến rũ…

Tóm lại,  chuyện không nhỏ. Nên mới gọi là “Đại”. Còn tôi thì sao? Nói chung vẫn cứ nhăn nhó, quạu quọ và cau có…!

Càng già có vẻ càng cần ngủ nhiều như pin cũ cần sạc lâu hơn. Lại cần phải sạc nhiều lần  nên ngoài ngủ tối còn phải ngủ trưa, ngủ… tùy hỷ nữa! Pin cũ lại dễ chai. Nên nhiều khi không dễ mà ngủ. Ngủ đầy đủ thấy sảng khoái, thảnh thơi, trí nhớ tốt. Ngủ thiếu như hết pin, cà khịa. cà giựt. Tắm nước ấm kích thích thần kinh, gây cảm giác dễ ngủ và bóng tối giúp tuyến tùng tiết melatonine, kích thích tố giúp dễ ngủ.  Một chỗ quen thuộc. Yên tĩnh. Mặc thoáng mát. Ăn nhẹ dễ tiêu. Hồi nhỏ, tối tối ra giếng múc nước gàu mo dội ào ào, nay thì thôi, đừng dại. Dỗ giấc ngủ tốt nhất là dõi theo hơi thở. Hơi thở trung tính và sẵn có.

Khi nào buồn ngủ thì đi ngủ ngay. Không ráng. Ráng thì không dễ dỗ lại. “Cơ tắc xan hề không tắc miên” (Trần Nhân Tông): đói đến thì ăn mệt ngủ liền chắc là vậy. Tiếng mình hay. Buồn ngủ. Chưa buồn thì kệ nó, việc gì phải ngủ.  Cơ thể sẽ biết cách ngủ bù, việc gì mình phải lo cho nó! Vui khó ngủ. Vui là kích thích, hào hứng, rộn rã, thở gấp, tim đập nhanh, huyết áp căng. Buồn, mọi thứ xìu xuống, giảm kích thích, thở chậm lại, tim đập chậm và huyết áp cũng giảm.

Có thể nói cơ thể ta gồm 2 phần, thân xác và thân hơi! “Nghệ thuật” ngủ là làm sao tách “thân xác” ra khỏi “thân hơi”. Dỗ giấc ngủ dễ là tách thân xác ra khỏi thân hơi. Tức là buông xả toàn bộ thân xác, rả nó ra, cho nó xẹp xuống, hết căng, xì cho nó xẹp lép, tay chân trong tư thế không gò ép, dễ chịu là được. Khi thân xác xẹp lép, lửng lờ như vậy rồi, thì chú ý “dõi theo” thân hơi. Thân hơi nó trung tính, nó tự động, nó cóc cần thân xác hỗ trợ. Nó phình xẹp theo ý nó, không cần phải điều khiển nó, không cần phải điều hòa gì cả. Vậy là ta rơi vào… giấc ngủ lúc nào không hay.


Mấy năm nay tôi không còn trực tiếp khám bệnh, đã “rửa tay gác kiếm”, chỉ thỉnh thoảng tư vấn hoặc tham vấn cho mấy cas đặc biệt. Chẳng bao lâu nữa, tôi nghĩ mình cũng sẽ như người bắn cung thiện xạ nọ không còn biết cây cung, mũi tên là cái chi chi! Ưu tiên bây giờ là đi đây đi đó theo lời mời “nói chuyện sức khỏe” (health talk) cho bà con. Mỗi buổi đi nói chuyện như vậy, với tôi, là một cơ hội để giao lưu và học hỏi. Ở trường cũng vậy. Từ bỏ làm chủ nhiệm bộ môn. Dạy ít dần. Dạy, chủ yếu cũng kể chuyện “đời xưa” cho sinh viên nghe, không dạy kiến thức, kỹ năng mà dạy về thái độ, về mối quan hệ thầy thuốc bệnh nhân, về y nghiệp, y đức. Đó là cách tôi “chọn ưu tiên” và “tối ưu hóa” việc của mình ở tuổi già này.

Thỉnh thoảng dạo cảnh chùa. Lang thang đây đó. Tán gẫu với bạn bè ở các quán café vắng vẻ, nơi bờ ao, bờ hồ, dòng nước… để có chút thiên nhiên…

Định làm gì trong ngày thì ghi ra đi, vì chút xíu sẽ quên. Do vậy, mỗi góc, mỗi nơi trong nhà có xấp giấy nhỏ, có cây viết sẵn chờ đó.

Bây giờ tôi cũng trở thành chuyên gia dự báo thời tiết lúc nào không hay. Một trận động đất ở Indo, ở Nhật, một cơn bão sắp ập vào Philippines, vào Caribee tôi biết trước khi TV lên tiếng. Mới hôm nọ, đùng cái, chóng mặt, xây xẩm, nôn mửa… tăng huyết áp. Không cần học hành y khoa nhiều ai cũng biết đó là một cơn choáng, stroke, mức độ thế nào chưa biết. May mà chỉ là một cơn thoáng thiếu máu não, do một số mạch máu li ti nào đó ở não đã bị nghẽn, tắc.  Từ đó sẽ dẫn dần dần tới tình trạng nặng hơn. Già có cái mốc. Trước đó mấy ngày, già ngon. Qua cái mốc, eo sèo, suy sụp. Đứa cháu nội nói “Ông Nội lì quá, kêu đi Bệnh viện không đi”. Một ngưòi không phải là thầy thuốc, sẽ phải tìm ngay đến bác sĩ. Còn ta? Trăm chẩn đoán hiện ra trước mắt. Ngàn câu hỏi đặt ra. Dù sao cũng phải đi khám tim mạch. Phải rà toàn bộ. Rồi phải khám não nữa chứ. Chắc là một thứ microemboli rồi đó thôi. Tuổi này thì các cơ quan “đầu não” bắt đầu sinh sự! Sắp hết thời hạn sử dụng rồi. Siêu âm tim. Điện tâm đồ. Xquang tim phổi, xét nghiệm máu, sinh hóa… các thứ. Lâu nay cứ hẹn mãi, ngần ngại mãi. Có thực sự cần thiết không. Bói ra ma quét nhà ra rác! Nhưng thôi, lần này đành phải bói, phải quét thôi. Đến bác sĩ thế nào cũng tìm ra cho mình một cái bệnh gì đó để lo âu và để sống khổ đau với nó. Họ sẽ bắt mình làm đủ thứ xét nghiệm và dựa trên những con số này nọ để phán mình phải thế này phải thế khác.

Nhưng bệnh cũng có cái hay của nó chứ. Nó làm cho ta nhớ lại mình. Đã đành biết bệnh tật gắn vào mình từ trong trứng nước, thậm chí trước đó nữa, ở nơi ông bà cha mẹ mình từ ngàn xưa qua các gen di truyền nhiều thế hệ, nhưng cứ mỗi lần bệnh tật, với tôi, trở thành một cái giật mình. Mà cũng lạ, đường đường là một người thầy thuốc, học hành đàng hoàng, ra trường hơn nửa thế kỷ, nghề nghiệp chín chắn, nổi tiếng là người thầy thuốc “mát tay”, luôn quan tâm chăm lo giúp đỡ cho người khác khi có ai nhờ đến, cả bệnh thân lẫn bệnh tâm, vậy mà, với mình, tôi quên tôi tuốt. May thay, nhờ có bệnh nhắc. Mà không phải là bệnh nhẹ. Bệnh nhẹ không đủ nhắc tôi đâu. Một chuyến té gục trong cầu tiêu mê man vì xuất huyết tiêu hóa. Nhắc đó. Phá cửa, chở vào bệnh viện truyền máu. Một chuyến nhức đầu nôn mửa, cườm mắt muốn nổ, từ cườm khô sang cườm ướt. Nhắc đó. Mổ cấp cứu. Thiên hạ mổ mắt xong về. Tôi mổ sanh biến chứng. Các bạn giúp đỡ, lo lắng, đo tới đo lui, mắt bị nhiễm trùng thứ phát, tưởng tiêu, nhưng còn dùng được chút xíu. Thôi, kệ nó. Lần khác nữa, chuyến tai biến mạch máu não, đục sọ 2 lỗ, dẫn lưu. Nhắc đó. Những ngày nằm viện, tỉnh lại, tôi viết bài thơ cám ơn: Cám ơn cơn bệnh ngặt nghèo, quật ta kịp lúc!… Sức khỏe của người già chủ yếu đưa vấn đề “tâm thần” lên hàng đầu: làm sao phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng tốt nhất về tâm thần (mental), rồi mới đến xã hội (social) và thể chất (physical), bởi thể chất đã tới hồi rệu rã, yếu tố chính sẽ chỉ là vấn đề tâm thần vậy.

Cái thiếu lớn nhất của người già là thiếu bạn. “trời cao đất rộng, một mình tôi đi/ đời như vô tận, một mình tôi về… với tôi”. Từ ngày về hưu, bạn bè rơi rụng dần. Rơi rụng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Lâu lâu, dòm lại cái cuốn sổ danh mục ghi điện thoại (sau này ghi thẳng vào trong điện thoại) đã thấy có nhiều địa chỉ chẳng biết làm sao liên lạc được nữa. Muốn xóa mà ngâp ngừng rồi không nỡ.

Cảm ơn internet. Nhờ có internet mà nối kết được cả thế giới vào trong lòng bàn tay. Cảm ơn cả những ký hiệu diễn cảm bằng những hình ảnh gì đó là nụ cười là nước mắt là yêu thương là hờn giận…cả những từ lạ như hihi haha huhu trên tin nhắn, trên email! Riết rồi không cần nói chẳng cần nghe, chỉ xài mấy cái ký hiệu là đủ rồi vậy.

4. Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi…

“Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người…”
(TCS)

Đúng như Carl Rogers nói, càng già càng dễ xúc động. Già không phải là khô khan cằn cỗi chi đâu! Tôi thấy mình càng già càng dễ xúc động. Cảm xúc rất mạnh. Mít ướt. Cảm xúc không bị bào mòn đi hay cùn nhụt đi, chai lì đi như vẫn tưởng.

Tôi chảy nước mắt dễ dàng trước một hoàn cảnh cảm động, ngay cả trong phim ảnh mà tôi biết là diễn xuất. Coi đi coi lại một phim cũ, đến chỗ cảm động đó tôi vẫn cứ không cầm được nước mắt. Nó tự động trào ra, ngoài sự kiểm soát của tôi. Chuyện không có gì cũng khóc được. Cũng chừng đó chuyện mà tới đoạn đó, biết là giả, là kịch, là phim mà nước mắt vẫn cứ chảy ra, cầm không được. Có khi khóc nức nở. Nhiều khi không can đảm coi tiếp. Chờ qua cơn, nguôi dần mới coi, rồi lại khóc. Cái gì làm mình trở nên “mít ướt” lạ lùng mà hồi nhỏ, lúc trẻ không đến nỗi vậy?

Đọc chuyện anh em nhà họ Điền định chặt cái cây cổ thụ trong vườn để chia nhau thì bất ngờ thấy cây đã chết, chuyện tình bạn của Lưu Bình Dương Lễ… và những chuyện khác trong Quốc văn Giáo khoa thư cũng lại làm tôi rơm rớm nước mắt. Có khi nghe một bài hát cũ, tôi thấy mình xúc động. Bài hát có thể bạn trẻ gọi là nhạc sến. Sến chảy nước là vậy chăng?  Có khi nhớ đến một người bạn từ tuổi nào xa, tôi cũng thấy lòng mềm nhũn.  Mít ướt quá rồi đó.  Tôi phải vội vàng nghĩ đến một điều gì khác để đánh trống lãng, để lừa gạt mình. “Bất thủ ư tướng, như như bất động” ư? Còn lâu!

Cái tính dễ xúc cảm như vậy là một thứ stress, thường xuyên, liên tục, thật không hay cho sức khỏe. Nhưng biết làm sao được?

Có phải “con tinh yêu thương vô tình chợt gọi” rồi chăng? “Lại thấy trong ta hình bóng con người” rồi chăng? Để rồi tự dằn vặt mình “Ta là ai mà còn khi giấu lệ? Ta là ai mà còn trần gian thế?” chăng.

Nghĩa là không thể rời xa. Nghĩa là không thể “thôi chia ly từ đây”. Cửa động đầu non đường lối cũ. Ngàn năm thơ thẩn ánh trăng chơi ư (Tản Đà). Vì sao mà “yêu quá đời này” mặc cho “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”.

Thiệt ra chẳng “vô tình” đâu. Có tạo tác đó. Có nghiệp báo đó. Chỉ có con tinh mới biết yêu thương đó mà. Con người thì mịt mù cát bụi. Loay hoay với điên đảo mộng tưởng. Con tinh mới đứng bên ngoài. Nhìn rõ. Và yêu thương. Những A-tu-la, những Ba-la-sat mới biết yêu thương.

Nghiên cứu cho thấy có vẻ như càng già người ta càng yêu nhiều hơn, yêu vội hơn và càng yêu thì càng “sống khỏe sống vui” hơn! Khi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội” thì mới thấy còn có bao nhiêu thời gian để yêu thương và được yêu thương? Dĩ nhiên, tình yêu bấy giờ có thể chỉ là một mối tình lãng mạn, hoặc một mối tình “ngỡ đã quên đi/ bỗng về quá rộn ràng”… để rồi “như bờ xa nước cạn/ đã chìm vào cơn mơ”. Tình yêu lãng mạn có ý nghĩa rất lớn ở người có tuổi. Như “nuôi sống” họ bằng tình yêu. Hình như họ chỉ giữ được chút kích thích tố vừa đủ để “lãng mạn” cho cuộc đời đẹp ra, đáng sống hơn, sức khỏe cũng tốt hơn vì nó làm cho tim đập nhanh hơn, tuần hoàn não tốt hơn, trí tuệ minh mẫn hơn, hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn, ít bệnh vặt hơn và nếu có bệnh thì rất mau lành!  Thứ “romantic relationships” này là những “hỗ trợ xã hội” tuyệt vời nhất, xúc chạm, thân mật, gần gũi càng già càng thấy cần hơn, nhất là khi người ta cảm thấy cô đơn hay đau khổ vì một lý do nào đó cần chia sẻ. Người phối ngẫu lúc đó cũng đã trở thành một người bạn thiết. Tuổi trẻ, tình yêu gần gũi với tình dục, nhưng tuổi già, tình yêu trở nên đằm thắm, tình yêu của từ bi hỷ xả, của bè bạn, cùng sến già nam và sến già nữ cho nhau! Một “hồng nhan tri kỷ” tuyệt vời như nàng Vân của Tô Đông Pha? Để ông Tô riêng một thú thanh tao? Nguyễn tướng công mà còn phải “gato” đến vậy! “Tao ở nhà tao tao nhớ  mi/ Nhớ mi nên phải bước chân đi/ Không đi mi bảo rằng không đến/ Đến thì mi hỏi đến làm chi/ Làm chi tao có làm chi được/ Làm được tao làm đã lắm khi…” (NCT).

Không có cách nào khác. Phải “về thu thu xếp lại” thôi. Không muốn cũng không được. Nó đã chuyển lượng thành chất rồi! Đã khác rồi, “cát bụi tuyệt vời” đã chuyển thành “cát bụi mệt nhoài” rồi. Dĩ nhiên cốt lõi vẫn là cát bụi. Cái nhánh nhóc tuyệt vời và mệt nhoài kia mới cần phải thu xếp. Mệt nhoài mà tưởng tuyệt vời thì nguy to! Thu xếp lại là gom phân thân các nơi về một mối, thành hạt cát sông Hằng, nơi có tám vạn bốn ngàn sông Hằng mà mỗi hạt cát là một vũ trụ. Gom các phân thân lại, gom những món hóa thân ứng thân gì gì đó lại, ta sẽ nhìn ra ta, để thấy cái không-ta. Không phải của ta, không phải là ta, và xa thêm chút nữa, không phải là tự ngã của ta.

Không có tự ngã của ta nên ta mới thong dong và tự do tuyệt đối, ta có thể hoán chuyển, bay nhảy luân hồi khắp nẽo tùy chọn lựa, khổ đau hay hạnh phúc, thiên đường hay điạ ngục, niềm vui hay nỗi buồn. Ta trách nhiệm với chính mình. Không ai can thiệp vào được đâu! Cho nên mới bảo “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Cho nên mới bảo “Ta là đường đi, là lẽ thật, là sự sống…”. Chớ còn ai vào đó nữa. Cái chân không mà thành diệu hữu, cũng chẳng vui sao? Không phải của ta vì việc gì phải tham, phải tom góp, phải giữ “của”? Không phải là ta thì việc gì phải sân hận, phải giận hờn, phải oán trách? Không phải là tự ngã của ta thì việc gì phải lo âu, phải sợ hãi? Nó là nó thôi. Nó ở ngoài ta. Nó đùa vui chút thôi mà ta phiền muộn, sợ hãi lo âu chẳng phải làm cho nó càng khoái chí chọc ghẹo ta thêm ư? Khi biết ra ngôi nhà ta được kết tập bởi những cột kèo, vôi vữa các thứ, Phật cười bảo thôi nhé, đừng hòng mà bày đặt nữa nhé. Ta biết tỏng cả rồi. Từ đó, Ngài có nụ cười từ bi rất dễ thương.

Điều chỉnh mình theo dòng nước buông trôi về biển cả. Chuyện sau đó có bốc hơi thành mây thành mưa, hẹn hò từ muôn kiếp trước không thì không biết vì còn nghiệp còn duyên. Nó vậy đó. Nó trôi. Ta bềnh bồng trôi theo. Nhưng bây giờ nó gia tốc, nó ào ạt, không lửng lơ như ngày xưa còn bé nữa! Ta phải điều chỉnh thôi. Điều chỉnh để trôi cho nó êm xuôi thôi. Không cần quằn quại, không cần khổ đau. Ở tuổi này như đã qua một con dốc, đường trơn tuột, không còn cái hăm hở hì hục leo trèo nhảy nhót ganh đua, nhìn “thế sự” nhẹ hẫng đi và không mấy quan tâm nữa. “Mặc ai hỏi mặc ai không hỏi tới/ Gẫm chuyện đời mà ngắm kẻ trọc thanh” (NCT). Những người nhìn xa trông rộng, đã có thể chuẩn bị thu xếp từ lâu để không bị ngỡ ngàng, đột ngột, sững sờ. Chẳng hạn người ta sẽ phải chọn lựa ưu tiên.  Gom không hết được phân thân tản mạn mệt mỏi thập phương cùng lúc thì gom từ từ. Chọn thế mạnh, chọn thứ mình thuần thục nhất và ưa thích nhất. Lực bất tòng tâm rồi. Sức khỏe đã cạn dần, đã hỏng hóc chỗ này chỗ khác. Có thứ có sẵn phụ tùng thay thế được, có thứ chịu thua. Mắt đã có thể mua thêm kính, đổi kính, thay thủy tinh thể nhân tạo, tai kém có thể mang trợ thính, chân kém có thể kèm cái ba-toong! Nhưng những cục máu đông li ti từ những xơ vữa trong động mạch làm tắc nghẽn rải rác mấy cái mao mạch ở não thì đành chịu. Trí nhớ sẽ giảm dần, quên trước quên sau. Chuyện cần nhớ thì quên, chuyện cần quên thì nhớ. Bước đi lửng thửng, lệt bệt như chân đã mọc dài ra, trong khi lưng thì còm xuống cho gần với đất hơn chút, hơn chút nữa.  Chọn cái gì phù hợp nhất với tâm lý và thể chất mình. Những ưu tiên này rồi cũng phải thay đổi theo thời gian, theo sức khỏe. Khi đã chọn ưu tiên rồi thì cố gắng hoàn thiện với kỹ năng, kiến thức tốt nhất có thể, như vậy sẽ duy trì được niềm vui, cái đó gọi là “tối ưu hóa”. Chẳng hạn không còn chơi được tennis nữa thì chơi bóng bàn, chơi cờ tướng, đánh đàn, làm thơ… Và dĩ nhiên, luôn tìm kiếm một sự “bù đắp” để những ngày tháng lặng trôi này không buồn tẻ.   Như chàng Tư mã Giang Châu ngày ngày vẫn nắn mấy trái bầu xanh trên giàn mà nghĩ tới một nậm rượu ngon cùng bè bạn của Nguyễn Tuân ngày nào!
ĐỖ HỒNG NGỌC
(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment