Đỗ Hồng Ngọc
Sách của Đỗ Hồng Ngọc
5. Người đã đến và người sẽ về bên kia núi
“Từng câu nói là từng cánh buồm giong cuối trời.
Còn lại tiếng cười khóc giữa đời..”
(TCS).
Người ta đã đúc kết: “Năm năm / Sáu tháng / Bảy ngày”,
nghĩa là ở tuổi 50, nên có kế hoạch năm;
đến tuổi 60 thì chỉ nên làm kế hoạch tháng; còn đến 70 thì tốt nhất nên có kế
hoạch… ngày! Cho nên “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui! Chọn những bông hoa và những
nụ cười!” (TCS) là phải quá! Vấn đề là ở chỗ chọn lựa. Thiên đàng Địa ngục hai
bên… Một cụ già trên trăm tuổi được nhà báo hỏi bí quyết sống lâu, sống khỏe,
ông nói có gì đâu, mỗi sáng, thức dậy, tôi tự hỏi hôm nay mình nên ở thiên đàng
hay địa ngục đây… rồi tôi chọn thiên đàng.
Có những vùng khí hậu lạ. Một ngày mà có đủ cả bốn
mùa: xuân hạ thu đông! Còn muốn gì hơn? Ở cái tuổi này, không phải chỉ cần có kế
hoạch ngày mà nhiều khi còn phải có kế hoạch giờ! Sáng khác, trưa khác, chiều
khác, tối khác rồi. Làm được gì thì làm ngay. Lát sau mọi thứ sẽ khác. Cần có
phương án hai, phương án ba. Cẩm nang để sẵn trong các túi gấm, đến đâu giở ra
đến đó!
Từ trứng và tinh trùng, ta hình thành một cái phôi phải
nhìn dưới kính hiển vi mới thấy. Rồi rất nhanh, trở thành một thai nhi loi ngoi
trong vũng nước ối, trong bụng mẹ. Không thở. Không ăn. Không ngủ. Dĩ nhiên có
đái và ỉa khi các bộ phận thải chất bả này hình thành và hoạt động. Thế rồi
chín tháng mười ngày ta bung ra ngoài cứ y như cánh hoa phải xòe nở đúng thời
đúng tiết vậy. Việc đầu tiên là… thở. Thở mà không xong thì tiêu đời! Bác sĩ sẽ
xịt alcool hoặc đét vào đít cho ta khóc thét lên. Khóc càng to càng tốt. Khóc
to có nghĩa là thở mạnh. Mệt mỏi rồi nhé! Từ đó đã phải lệ thuộc vào cái gì đó
bên ngoài. Rồi phải bú nữa trời ạ. Bú mẹ còn đỡ, cứ vùi đầu mà nút, chả cần ai
chỉ dạy! Nhưng nhiều khi phải níu lấy cái bình bú cứng ngắc, ai đó nhét vào miệng
vì không có sữa mẹ. Cứ thế mà chùn chụt để nuôi thân. Rồi biết lật, biết ngồi,
biết bò, biết đứng chựng, biết đi, biết chạy nhảy, leo trèo… Rồi biết nói năng,
suy nghĩ. Nhớ, tiếc, giận hờn, giành giựt, đấu đá, ghen tuông, ích kỷ, thất
tình lục dục đủ thứ không lúc nào ngưng. Và dĩ nhiên vẫn thở và vẫn ăn. Rồi nam
tu nữ nhũ. Rồi chọn lựa. Rồi giao cấu. Rồi đẻ ra một lô một lốc chẳng biết từ
đâu ra.
Đến một hôm, ta từ hùng hục chạy, ta… lững thững đi, rồi
chập chững đứng, vật vựa, nghiêng ngã, rồi ngồi một chỗ, mắt lờ đờ nhìn xa xôi,
rồi lòm còm, bò lê, bò lết… Từ chùn chụt, ngấu nghiến, ừng ực, dô dô 100%… ta bỏ
ăn bỏ uống, thấy cái gì cũng rệu rạo, nhóp nhép vì xệu xạo răng cỏ. Rồi thở
cũng cà giật, cà hước… Ta trở lại cái hồi thai nhi trong bụng mẹ, bây giờ là mẹ
Như Lai, một vòng khép kín. Thì ra, ta đã từ đó mà đến để rồi loay hoay một
vòng về lại chốn xưa. Cứ y như đàn cá hồi, cứ bốn năm lại “hồi” về chốn cũ, đẻ
xong rồi chết, sau khi đã làm xong nhiệm vụ truyền giống. Con thiêu thân thì
nhào vào ánh lửa. Con bọ ngựa thì giao cấu xong thì chết ngay trên bụng con
cái, làm thức ăn cho con… Con bọ hung hùng hục chui vào đống phân, giành giựt đấu
đá để vo tròn một cục phân mang về cho bọ hung cái nuôi con. Cá ếch nhái bò sát
chim đều vậy. Cây cỏ cũng vậy. Hoa nở chẳng những đẹp mà còn thơm, lôi kéo lũ
bướm ong dập dìu lui tới để mang phấn đi muôn phương.
Nhìn suốt cuộc hành trình đó, có cái gì tức cười, vừa
tàn nhẫn vừa thương tâm. Cái hiện hữu chỉ là thị hiện, trình hiện chút chơi vậy
thôi. Nó giả. Nó tạm. Vậy mà sao ta cứ tưởng thiệt mới đáng thương làm sao.
Gieo rắc và sinh sôi. Cứ vậy. Như Lai thọ lượng. Như Lai thần lực. Cứ vậy. Người
tỏ ngộ tủm tỉm cười, vui vẻ chui vào tháp báu, gặp Như Lai Đa Bảo của mình ngồi
đó, tay bắt mặt mừng. Schopenhauer nói cô con gái liếc mắt đưa tình, tìm kiếm
chàng trai râu hùm hàm én mày ngài, oai vũ là để trao thân vì chắc hẳn sẽ là giống
tốt; chàng trai thì tìm giai nhân chân dài, đáy thắt lưng ong, ngực nở, mông to
để mắn đẻ. Lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống là vậy. Con người thông mình hiện
đại làm phiền Như Lai hết sức, vì chỉ muốn tìm vui mà quên nhiệm vụ thiêng
liêng!
Đất (Nitrogen) nước (Hydrogen) gió (Oxygen) lửa
(Carbon) cùng 62 nguyên tố đồng chì sắt kẽm được vo cục lại, nắn nót, thêm thắt,
vẽ bày, hà hơi tiếp sức rồi thảy vào Ta-bà nhộn nhạo theo một cái duyên, cái
nghiệp nào đó. Mãi mới nhận ra “bổn lai vô nhất vật”. À há, nó là không, nó là
chân không diệu hữu. Nó bày trò, vờ vịt, vớ vẩn, giỡn chơi thôi. Không muốn ngộ
rồi cũng ngộ. Không muốn giác rồi cũng giác.
Sanh bệnh lão tử hay sanh lão bệnh tử thì cũng vậy. Lập
trình nó vậy rồi. Nhưng « tử » dễ nghe hơn « chết ». Chết khó nghe và thấy sợ.
Tại sao sợ ? Không biết. Tại vì không biết cho nên sợ. Nhưng lạ, cũng là chết
mà có nhiều từ khác nhau để gọi. Vua chết gọi là « băng hà ». Sư chết gọi là «
viên tịch ». Phật chết gọi là nhập Niết bàn. Lính chết gọi là hy sinh… Dân chết
có khi gọi là « mất » là « qua đời » là « lìa trần » v.v…
Người ta sợ chết mà không sợ sanh. Vì sanh có biết đâu
mà sợ. Nhưng có phải tự nhiên mà sanh ra không? Nếu ba mẹ ta mà không “duyên” với
nhau thì có ta không? Nếu ông bà nội ông bà ngoại mà không “duyên” với nhau thì
có ta không? Vậy ta từ đâu ra? Có phải chỉ tinh cha huyết mẹ là đủ hay còn cần
phải có một điều kiện nào khác? Có cái gì khác đó chui vào, can thiệp vào để có
ta chứ? Cái đó gọi là “thức tái sanh” ư? Là “nghiệp” dẫn dắt ư? Chính điều nầy
làm ta thấy có trách nhiệm sống, vì sống cũng chỉ là một giai đoạn tạm thời của
một hiện tượng tạm thời. Ta có trách nhiệm hơn. Ta có tự do hơn. Để tự chọn lựa.
Một cặp thai song sanh sợ hãi khi sắp tới ngày sanh,
muốn ở lại trong thiên đàng lòng mẹ càng lâu càng tốt. Hai cái thai tranh cãi
quyết liệt không ai chịu ra đời trước, vì không biết chuyện gì chờ đón họ ngoài
kia. Cuối cùng dù dằn co thế nào thì cũng có một cái thai chui ra trước. Hóa
ra… đời vui quá! Người ta đón chào rôm rả. Thai kia thấy thế cũng vội vả ra
theo. Rồi oa oa chào đời. Rồi hít thở, rồi bú mớm. Rồi lớn như thổi, rồi yêu
thương, rồi ganh tỵ, hờn ghen, đấu đá, giành giật… rồi cuối cùng cả hai cùng một
lần nữa lại bị kéo ra… khỏi cuộc đời. Cũng lại quyết liệt tranh cãi không chịu,
cũng lo lắng, sợ hãi, đòi ở lại càng lâu càng tốt…
Một cái vòng luẩn quẩn. Sanh bệnh lão tử. Tử rồi lại
sanh. Quanh đi quẩn lại có chừng ấy. Một vòng tròn khép kín? Khép kín mà không
y chang? Mỗi lần tái sinh lại mỗi khác?
Đời sống sinh vật thay đổi từng sát na, không bao giờ
đứng yên một chỗ, lẽ nào tái sinh lại y chang như cũ? Có điều những nguyên liệu
cứ hủy, tan rã rồi lắp ráp lại nên một hình tướng mới. Cho nên mới bảo nó chỉ
là “giả tướng” tạm bợ vậy thôi. Thấy “như thật” là thấy cái thực tướng vô tướng
đó. Thỉnh thoảng ta gặp một ai đó thấy như đã quen từ lâu, như đã có hẹn hò từ
muôn kiếp trước… thì cũng đừng có ngạc nhiên!
Kinh A Hàm kể: Khi tuổi đức Phật đã lớn, một hôm Ngài
đi khất thực trong thành Xá Vệ trở về thọ trai xong, sau đó cảm thấy trong người
hơi lạnh, nên ra ngoài hương thất ngồi phơi nắng. Ngài vén y để lộ làn da lưng
nhăn nheo. Tôn giả A Nan từ xa thấy vậy, mới đến xoa lưng cho đức Phật, than:
“Ôi! Da dẻ của Thế Tôn không còn láng mịn như thuở xưa nữa, lưng đã hơi khòm rồi.
Ôi! Còn đâu những gì của thời trai tráng”. Phật bảo: “Đúng vậy A Nan! Cái già
có sẵn trong cái trẻ, cái chết nằm trong cái sống, thân của Ta rồi đây sẽ hoại
diệt, một lúc nào đó không tránh khỏi”.
Cho nên cái “Tri kiến” Phật, cái thấy biết của Phật là
thấy biết Như Lai. Nó vậy đó là nó vậy đó. Nó Như thị. Như Lai Đa Bảo từ trong
tháp báu tức mộ tối bước ra, tay bắt mặt mừng, ôm chầm lấy người anh em xa cách
bấy nay là Phật Thích Ca đó thôi. Rồi kẻ trước người sau, chúng ta đều cùng vào
tháp báu gặp Đa Bảo Như Lai của mình để chuyện trò thân mật, tay bắt mặt mừng!
Phật khuyên ai làm bạn với Thần chết thì Thần chết
không… khó dễ họ. Còn ai sợ hãi trốn chạy Thần chết thì Thần chết sẽ rượt theo.
Nhưng bằng cách nào làm bạn đây?
Nhiều con đường lắm. Thiền chẳng hạn, là một. Ở trong
thiền, trong một trạng thái an nhiên, không có ngã, là đã sống trong cái chết,
làm quen với cái chết.
Niệm nam mô A Di Đà Phật chẳng hạn. Nam mô là nhớ,
nghĩ. A Di Đà Phật là vị Phật ở Tây phương cực lạc để đón rước ta về chốn ấy, từ
biệt chốn “cực khổ” Ta-bà này! Nhưng phải sao mới được tiếp dẫn chớ? Phải giới
định huệ, phải tín hạnh nguyện chớ. Cho nên một người đi đứng nằm ngồi đều nhớ,
nghĩ A Di Đà chính là một người đang làm quen với cái chết, luôn nhắc nhở mình
sẽ chết, đang chết hay nói cách khác, đang sống trong cái chết. Biết sắp chết,
sẽ chết, đang chết mà còn khổ được ư? Cũng vậy, một người mang thánh giá trên cổ
là để luôn nhắc nhở mình về cái chết của chính mình. Khi sắp gây gỗ, sắp đánh
nhau, bỗng dưng nhớ lại cây thánh giá đang mang, cũng như nhớ tới Phật A Di Đà
đang đợi hẳn là… thôi chứ! Và cái thôi chứ, thôi kệ đó đã làm hạ hỏa, đã giải
stress rất hiệu nghiệm. Tức khắc ta quay về. Tức khắc ta buông xả.
Milarepa nói: “Vì sợ chết tôi đi vào trong núi, liên tục
trầm tư về tính chất bất định của giờ chết. Bỗng bắt gặp thành trì bất tử vô tận
của tâm bản nhiên. Bây giờ tất cả nỗi sợ hãi đều tan biến, và trong sanh tử mở
cái thấy trí tuệ vô sanh”.
Trong cái vô niệm, vô sanh đó, không có chỗ cho thần
chết bày trò hù dọa. Bởi vì họ đã là bạn của nhau. Cái tâm bản nhiên đó không
có chỗ cho ai hù dọa ai. Nó trống vắng. Lặng lẽ Thanh tịnh. Nó bất sanh cho nên
nó bất diệt. Chẳng nhơ chẳng sạch. Chẳng thêm chẳng bớt.
Khi thấy được “ngũ uẩn giai không” thì người thợ làm
nhà kia bỏ đi. Rui kèo cột vẫn cứ là rui kèo cột, nhưng thôi, huề cả làng, chẳng
ai còn hù dọa được ai.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma nói nếu ta luôn nghĩ tưởng về cái
chết và sự vô thường, thì sẽ bắt đầu làm cho cuộc đời có ý nghĩa. Sự tỉnh giác
về cái chết và lẽ vô thường có thể có những lợi lạc to lớn.
Nhiều người tránh đề cập cái chết. Vì vậy khi nó xảy tới
thì họ bị bất ngờ và hoàn toàn không sẵn sàng.
Không có sự khác biệt giữa cái chết của một vị vua, bỏ
lại đằng sau vương quốc của mình, và cái chết của một người ăn mày, bỏ lại cây
gậy.
Rồi cùng mà mỉm cười. Nụ cười của Phật. Của Bayon. Của
La Joconde. Của ta.
6. Đôi khi thấy trên lá khô một dòng suối…
“Đôi khi bước qua phố xưa lòng tôi nhớ
Đôi khi thấy trăm vết thương rồi như đá ngây ngô…”
(TCS)
Simone de Beauvoir nói mẹ của bà đã ngoài chín chục,
đã biết trước sau gì cũng chết, nhưng khi bà chết thì ai nấy đều kinh ngạc, bất
ngờ. Simone de Beauvoir nói lạ, cái chết lúc nào cũng là một tai nạn, đều mang
yếu tố bất ngờ!
Ở xứ mình, có những gia đình hai ông bà ngoài 60 đã
mua sẵn hòm ván, xây sẵn kim tĩnh. Có người thỉnh thoảng còn vào nằm trong hòm
ván đặt sẵn trong nhà như một cách làm quen. Có cụ bà xây kim tĩnh hai ông bà
ngay trước cạnh cửa chính ngôi nhà của họ, khi ông mất, chôn một bên và còn một
bên dành cho bà. Có cả khung để hình sẵn. Họ coi cái chết là chuyện dĩ nhiên
nên họ sống rất hạnh phúc. Mỗi ngày sống đều có ý nghĩa!
Cho nên một trong những cách quán của thiền là quán
xác chết của chính mình, làm quen với nó. Chính Đức Phật cũng có một thời gian
ra ngủ ở bãi tha ma. Con người đang chết từng ngày, từng phút giây mà không nhận
biết. TCS nói: “dưới vành nôi là từng nấm mộ”. Sanh ra thì nằm nôi, chết thì lật
úp cái nôi xuống, thành nấm mộ, có thế thôi. Vậy nguyên tắc là làm quen với cái
chết ngay khi sống. Tập chết hằng ngày, ý thức cái chết hằng ngày của chính
mình. Có lẽ nhờ thế mà bớt hung hăng, bớt tham lam, sân hận, giành giựt, đấu
đá! Hình ảnh “nhập niết bàn” của Phật là một hình ảnh rất đẹp, thường được đúc
tượng ở khắp nơi. Tôi thấy trên một ngọn đồi ở cung điện hoàng gia Campuchia có
một bức tượng Phật ngồi thiền, trước mặt là một tượng Phật nằm, tức nhập Niết
bàn. Ta cũng nên chánh niệm như vậy. Cái đó gọi là “niệm tử”. Còn cư sĩ Duy Ma
Cật thì bảo “Tử ma” là một trong các “thị giả” thân thiết của ông, nghĩa là lúc
nào cũng bên cạnh ông, giúp đỡ ông mọi lúc mọi nơi, ân cần, chu đáo.
Thiên nhiên hẳn đã tính toán kỹ, làm giảm nhẹ nỗi đau
khi có một người già sắp chết. Người già đó phải rất… chướng, rất kỳ cục, để ai
cũng ghét, cũng muốn họ sớm “vắng” đi cho rảnh! Nếu là một cặp vợ chồng thì về
già thường hay gây gỗ, để chán nhau. Sẽ rất có ích khi một người chết trước đi
thì người còn lại đỡ buồn đau chăng?
Thiên nhiên cũng tử tế, sắp đặt cho về già thì mắt mờ
tai kém, đầu óc lú lẫn… Hạnh phúc sẽ đến từ từ với những hiệu ứng của những sự
kiện này. Bớt sắc sảo, bớt nghe những lời khó nghe, bớt thấy những điều không
nên thấy và nhờ lú lẫn mà biết quên lãng, trở nên dễ thương, buồn cười dưới mắt
người trẻ. Một người già mãi sáng suốt luôn làm cho người trẻ khó chịu.
Phật có một thời gian sống trong nghĩa địa, nghiền ngẫm
về cái chết, cho nên cái chết không xa lạ với Phật, không làm Phật sợ hãi. Phật
dạy quán bất tịnh, quán nghĩa địa để tập làm quen, cứ y như những người thầy
thuốc chăm sóc bệnh nhân thì không còn sợ bệnh, sợ máu me, đàm mủ… nhờ tiếp xúc
bệnh nhân hằng ngày. Tuyệt vời là các ông vua Việt Nam, ông nào cũng xây sẵn
cho mình một cái lăng… ngay khi mình còn sống. Vậy là vua đã làm quen với cái
chết từ lúc còn đầy uy quyền tối thượng trong tay. Đã vậy còn chiều chiều dẫn
các cung tần mỹ nữ ra lăng ngắm sen nở, xem ca kịch, như ở một xứ thần tiên.
Chính ở đó là lúc vượt qua bờ bên kia của bao nhiêu phiền luỵ. Tôi chắc mỗi lần
ra lăng… chơi, vị vua nào cũng thấy mình được giải thoát, sung sướng, an lạc, hạnh
phúc so với lúc ngồi trên ngai vàng, trị vì thiên hạ.
Các nhà tâm lý học ngày nay nhận định cái chết trong
thế giới hiện đại thường kéo dài sự đau khổ vô ích với kỹ thuật y khoa cầu kỳ tốn
kém và cách ly với gia đình người thân, cộng đồng, trong khi đa số bệnh nhân
thích được chết an bình tại nhà, trên giường mình xung quanh là những người
thân. Dĩ nhiên đây là kết quả nghiên cứu ở phương Tây còn bên ta, may mắn đa số
vẫn còn được chết ở nhà, thậm chí bệnh viện thường cho phép «hấp hối xin về » để
tránh tỷ lệ tử vong cao trong bệnh viện.
Chết là một tất yếu, không thể tránh được, không nên
che đậy, cấm kỵ. Sống thì không biết chắc, nhưng chết thì biết chắc. Tây Tạng
có một cuốn sánh nổi tiếng: Tử Thư. (Tạng thư sống chết, Ni sư Trí Hải dịch).
Sách viết về sự chết. Mỗi người nên nghiền ngẫm cuốn này từ lúc hãy còn trẻ thì
tốt hơn. Hình như thiên nhiên cũng có bày đặt một « kế hoạch » gì đó, khiến những
người quá già thường thay đổi tánh nết, « chướng » không chịu được, hành hạ con
cháu quá lắm, chắc có mục đích là làm sao cho khi mình chết thì con cháu… mừng,
mình giải thoát mà con cháu cũng được… giải thoát. Đặc biệt cái sống già quá cỡ
sẽ giúp con cháu sợ già, muốn chết sớm hơn, lúc hãy còn hiểu biết, còn hạnh
phúc. Họ sẽ nhận rõ điều Phật dạy : Chư hành vô thường/ Thị sinh diệt pháp/
Sinh diệt diệt dĩ/ Tịch diệt vi lạc!
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện khi bị lao phổi nặng ở Pháp,
thời kỳ chưa có thuốc chữa, đã phải cắt bỏ một lá phổi bên phải, rồi lại phải cắt
thêm một phần ba lá phổi trái sau 7 đợt mổ lồng ngực. Các bác sĩ lúc đó nói ông
chỉ có thể sống nhiều lắm là hai năm nữa thôi, thế mà bác sĩ Nguyễn Khắc Viện
đã sống thêm đến 50 năm, làm được bao nhiêu việc, cho đến 85 tuổi. Lúc gần giã
từ cõi đời ông viết di chúc yêu cầu các đồng nghiệp đừng làm hồi sức cấp cứu gì
cả, cứ để cho ông được chết tự nhiên! Nhiều nhà sư biết rõ ngày giờ của cái chết
chính mình, họ báo trước và thanh thản ngồi thiền, chuyển từ cảnh giới này sang
một cảnh giới khác. Vậy thì có cần phải can thiệp y tế không? Tùy trường hợp. Ở
một người trẻ, nhắm rằng có thể cứu sống được thì y tế sẽ cố gắng để cứu, “còn
nước còn tát”, nhưng với một người đã quá già, đã nhiều bệnh mạn tính từ lâu,
biết không thể cứu vãn gì mà vẫn làm những thao tác hồi sinh cấp cứu chỉ làm khổ
đau thêm thân xác họ. Những thủ thuật hồi sinh như thở máy, xoa bóp tim, chích
adrenaline vào tim… đều không mang lại lợi ích gì trừ làm cho gia đình bớt “khổ
đau”!
Ngày xưa người già thường chết ở nhà, xung quanh là
người thân, nhẹ nhàng coi như “sống gởi thác về”. Bây giờ nhiều người già chết
cô đơn ở bệnh viện nhờ kỹ thuật cao, dây nhợ đầy người, hô hấp nhân tạo đủ trò
kéo dài cái chết lâm sàng nhiều ngày có khi nhiều tháng, có trường hợp năm này
qua năm khác!
Sanh lão bệnh tử, hoặc sanh bệnh lão tử gì cũng được,
nhưng chắc chắn có “tử”! Phật nói ai làm quen, kết bạn với Thần Chết thì không
thấy mình chết. Thầy thuốc giỏi có thể thảo luận với bệnh nhân về ngày cuối
cùng của mình càng sớm thì bệnh nhân càng thanh thản. Không chỉ thầy thuốc, đây
là lúc có thể có những vị lo về tâm linh kề cận, hướng dẫn đâu đó đàng hoàng tử
tế. Người chết sẽ nhẹ nhàng yên tâm mà ra đi!
Một số lớn bác sĩ ngại, không tiện thảo luận chuyện
này với bệnh nhân giai đoạn cuối, nhất là các bệnh mạn tính, bệnh nan y không
còn khả năng điềutrị, hồi phục. Bàn bạc sớm sẽ có ích cho cả gia đình và cả người
bệnh, người già.
Có trường hợp cần điều trị giảm nhẹ (palliative care),
giúp người bệnh bớt đau đớn trong giai đoạn cuối. Có thể phải sử dụng thuốc chống
đau, thuốc ngủ…; đặc biệt hỗ trợ về cảm
xúc tứ các chuyên viên tham vấn tâm lý và hỗ trợ về tâm linh nếu có một tôn
giáo nào đó, hoặc chọn lựa một tôn giáo nào đó.
Nguyên tắc là làm sao đảm bảo chất lượng cuộc sống và nhân phẩm trong thời
gian cuối cùng này.
Gần đây, do tuổi thọ ngày càng cao, nhiều nước có người
già sống trên 120 tuổi, cô độc, tàn phế,
nhưng “khoa học” vẫn không để họ ra đi yên ổn, ráng giữ lại và sử dụng máy móc
chăm sóc như máy đút ăn, máy xoa bóp… Họ sống không còn ý nghĩa, thậm chí không
còn trí nhớ, chỉ còn cái tứ đại mà không có ngũ uẩn, vậy mà vẫn cứ lây lất cái
gọi là sống. Có trường hợp chết trong nhà nhiều tháng hàng xóm mới hay như gần
đây có mấy vụ xảy ra ở Nhật. Cho nên, người già, để có một cái chết “tốt”, một
cái chết đầy “chất lượng” (Có chất lượng cuộc sống hẳn phải có chết lượng cuộc
chết chứ phải không?) cần lên kế hoạch cho cái chết đương nhiên sẽ gặp của mình
càng sớm càng tốt. Các “chuyên gia” về lãnh vực này khuyên: Ta nên nghĩ xem ta
chết cách nào cho tốt? Ta muốn gì khi chết? Ai sẽ thực hiện điều này? Phải chắc
chắn người đó hiểu ý ta, làm theo ý ta. Nếu bệnh nhiều, hỏi bác sĩ… còn sống được
bao lâu để chuẩn bị? “Hộ tử” phải được chuẩn bị tốt như “hộ sinh” chứ. Biết trước
khoảng sống còn, khả năng chữa trị. Giai
đoạn cuối chỉ là giảm thiểu đau đớn, tránh những thứ điều trị gây hại!
BS Collins nói phải bắt đầu bàn chuyện “hộ tử” ngay từ
bây giờ đi, dù bạn 25 hay 95.
Không có bạn thiết nào gần gũi luôn luôn gắn bó với ta
như là cái chết. Nó gắn với ta từ trong gene. Nó gắn với ta như một cặp song
sanh thai, không tách ra được. Nó cũng chẳng bao giờ hù dọa ta, chẳng bao giờ
mè nheo đòi hỏi gì ta. Thiệt ra nó gắn bó, thân cận, gần gũi, ấp ủ, âu yếm ta từng
phút từng giây. Lỗi không phải ở nó. Lỗi ở ta. Khi ta sanh ra thì nó mới theo
ta. Nếu ta không sanh ra thì không có nó theo. Nó không ở ngoài ta. Nó chẳng hề
đến với ta. Nó sẵn có trong ta. Vì có sanh nên có tử, có sống nên có chết. Tuy
tên gọi cái chết có khác nhau tùy văn hóa, nhưng tất cả cái chết đều giống nhau
y hệt. Cũng là ngưng thở, hết thở. Trả hơi thở về cho không khí, thứ hơi thở đã
mượn tạm xài từ hồi sanh ra. Chỉ mượn tạm mà không nhớ, không biết. Cũng là tan rã. Cát bụi lại hoàn cát bụi. Tứ
đại đất nước gió lửa lại hoàn đất nước gió lửa. Cái gì cũng mượn tạm mà không
nhớ không biết. Nên Phật dạy phải luôn nhớ cái chết. Người anh em song sinh
thai trong thai này luôn là bạn thiết, cùng đắt díu nhau cùng chia sẻ lúc buồn
lúc vui suốt cả cuộc đời giả tạm này. Giả nó không thật, vì nó “hư vọng”. Tạm
vì nó vô thường, thay đổi từng phút giây, từng sát na.
Nhưng sống mà chỉ đợi chờ chết thì… ? Thì càng vui sống
chớ sao. Sống mà biết mình sắp chết, mình sẽ chết thì càng phải sống có ý
nghĩa, có hạnh phúc. Những ai tưởng mình không bao giờ chết thì vất vả trăm chiều.
Họ vất vả vì lo giành dân chiếm đất, nhất thống giang hồ, muôn năm trường trị
và đi tìm thuốc trường sinh bất tử… Cuối cùng thì họ cũng ngủm!
Còn người biết mình sẽ chết thì sống hạnh phức trong từng
phút giây. Thậm chí họ tập chết từng ngày. Làm bạn với Thần chết. Bạn của Thần
chết thì Thần chết không nỡ làm phiền đâu. Họ đã chuẩn bị cả rồi. Khi nào « dưới
vực sâu lời mời đã dậy » thì vác ba lô lên đường thôi, ủa mà cũng chẳng cần
ba-lô nữa.
Giải thoát sanh tử không phải là không còn sanh tử nữa
mà chỉ là không còn phải sợ hãi cái sự chết đang đến dần nữa. Cái sanh dù gì
thì cũng đã lỡ rồi, lỡ sanh ra rồi, dù muốn hay không muốn, ta cũng lỡ… chào đời,
lỡ lang thang một kiếp nhân sinh rồi nên vấn đề còn lại là tử. Nhưng sanh ta
không sợ cớ sao tử lại sợ? Bởi vì ta ham sống. Ham sống sao cứ kêu than sống là
khổ? Khổ mà không muốn thoát là sao?
Có cách nào để người ta luôn nhớ đến cái chết để được
sống hạnh phúc hơn không?
Có đó. Cứ ngồi yên đó. Lắng nghe hơi thở của mình. Thở
vào… thở ra. Một hơi thở là một cuộc sống. Thở ra rồi thở vào. Lại một cuộc sống
mới. Thì ra…. sống và chết là một chu kỳ hình sin. Cái gọi là sống, cái gọi là
chết. Gọi vậy thôi chớ không phải vậy. Có thể đảo ngược lại. Nhìn kỹ thì thấy
cái chết mới là cái sống. Thở vào như sóng. Thở ra như nước. Sóng là nước. Nước
là sóng. Tùy duyên. Bày đặt vui thôi mà!
Không có hơi thở nào của hôm qua. Không có hơi thở của
ngày mai. Hơi thở chỉ có hôm nay. Ở đây và bây giờ. Cho nên biết thở là biết sống
ở đây và bây giờ.
Người nào luôn nhớ cái chết thì sống hạnh phúc.
ĐỖ HỒNG NGỌC,
Saigon 2.2019
(Còn tiếp)
No comments:
Post a Comment