Hồ
Đình Nghiêm
Nhà văn Mai Thảo
Trong
một số báo Văn cũ có in lại bài thơ của Thanh Tâm Tuyền mà tôi yêu thích. Tựa
đề là “Bài Nhớ Thi Sĩ”, ở dưới ghi hàng chữ: Nhớ già Ung (Guiseppe Ungaretti)
gửi Mai Thảo.
Bài
thơ hay. Khó giải thích sự cảm nhận và cũng không nên lạm bàn quanh co. Tác giả
“Thơ Ở Đâu Xa” đã gặp gỡ vị thi sĩ người Ý kia chưa, đó chẳng phải là điều đáng
thắc mắc. Tôi nhìn chữ “Gửi M.T”, mường tượng ra hình ảnh một ông già khác,
chắc cũng không kém phần đặc biệt so với già Ung?
Cả
hai ông già, kẻ phương Tây người phương Đông, tôi đều chưa có cơ may gặp gỡ,
mặc dù ông già thứ hai, một ông đông-phương-bất-bại dựng lại được “bàn viết lữ
thứ” ở bến bờ Cali, thì nghe như có thứ gì thật gần gũi, thật thân quen… Thật
thiếu sót nếu chẳng hề một lần được đối mặt.
“Rượu,
Chưa Đủ” là nhan truyện ngắn của nhà văn Dương Nghiễm Mậu tôi đọc lại khi ngồi
trên xe lửa đi từ Montréal vượt biên giang hồ vặt lần đầu sang Virginia. Rượu,
Chưa Đủ, theo như Mai Thảo kể, (in trong cuốn “Chân Dung Mười Lăm Nhà Văn Nhà
Thơ Việt Nam”. Nxb Văn Khoa,Cali. Hoa Kỳ. 1985) là những trang bản thảo của một
người viết trẻ bị vất vào đáy sọt rác ở một toà soạn báo bạn, ông nhặt về đăng
trên tờ Sáng Tạo số đang làm, không sửa một dấu phẩy và là người sớm nhìn ra ở
đấy cái lấp lánh sáng của một hạt ngọc.
“Rượu,
Chưa Đủ” quá ngắn so với đoạn đường dài. Tuy nhiên, những nhân vật trong truyện
đã ùa ra, giúp tôi giết đi cái khoảng trống mãi lắc lư, lấp đầy một nửa đoạn
thiết lộ luôn lầm bầm thứ điệp khúc tẻ nhạt; nửa còn lại là hình bóng hư thực
của Mai Thảo cứ chực khuấy động trong trí khi muốn nhắm mắt dỗ một giấc ngủ
không hề tới giữa chuyến đi vội vã sớm nghe ra sự mỏi mệt.
Cảnh
sắc bên ngoài cửa sổ con tàu luân phiên khiêu vũ, đổi thay bao phông màn trôi
đi, trôi đi. Những cụm rừng mùa thu vàng rực màu lá như đám cháy phực lửa giữa
khoảng không. Những vách núi dựng đứng mà đá xanh tuồng như biết khóc, trơn
láng, ẩm ướt với quyến luyến sương mỏng dùng dằng. Những mặt hồ thoáng rộng bày
ra một đường chỉ bạc hàn gắn, khâu liền với chân trời hút thẳm. Những bầy chim
di bay về đâu mà vẽ lên trời xanh một nét cọ đen, run rẩy… Tất cả, với tôi, đều
dẫn tới cuối một tâm thức: Lạc lõng, quạnh quẽ, lẻ loi. Những trang viết đều
đặn hằng tháng nằm trong mục Sổ Tay của tạp chí Văn cũng tựa thế. Chủ nhiệm Mai
Thảo đã vun quén, đã ghi nhận, đã ngăn phên dậu cho vùng đất ấy thành ra một
lãnh thổ riêng. Có tứ thời bát tiết, có năm châu bốn bể, có chuyện người chuyện
ta, có sum họp có lìa xa… Và tựu trung, cái bề trái nằm ẩn mặt sau những dòng
chữ giàu có chất thơ kia luôn dẫn người đọc vượt qua dấu chấm cuối cùng để chạm
mặt với phân vân, buồn nhẹ, tịch lặng, êm rơi. Là bức tường in vào đó cái bóng
gầy như một ý thơ của chính Mai Thảo dàn dựng.
Hai
ba người mặc đồng phục xanh xám đi băng qua các toa tàu nối kết. Dáng dấp to
lớn, dềnh dàng. Và đôi mắt họ dừng tới đâu thì dường như gửi theo chút tra vấn.
Tôi đưa cho họ xem tấm căn cước bọc nhựa của một thằng công dân Canadien.
-
Toa đi tới đâu?
-
Washington DC.
-
Làm chi ở đó? Lâu, mau?
-
Khoảng độ hai ba hôm. Moa đi thăm một người anh.
-
Cảm ơn. Chúc một ngày lành.
Chỉ
thế thôi, lấy lệ. Chẳng có gì phải dông dài. Đối đáp cho đỡ buồn ngủ. Mai Thảo
chính là sân ga cuối, là trạm dừng sau chót, là “một người anh tôi muốn thăm”
như câu nói tiếng Pháp vừa trình bày với nhân viên kiểm soát biên giới Gia Nã
Đại- Hoa Kỳ.
Buổi
tối, tại tư gia bác sĩ Phó Ngọc Văn (người từng gửi thơ, giọng khinh bạc lẫn
hào sảng đăng trên tờ Văn Học ở Cali.) nhà nằm uy nghi trên “đồi gió” đắc địa
đã bày sẵn một tiệc rượu linh đình nhằm đón chào bằng hữu phương xa. Tôi không
là tửu đồ, nhưng bàn tiệc ê hề sóng sánh đêm hôm ấy khó làm người ta cưỡng
chống một cơn say. Say với những khuôn mặt bao vị từng cầm viết, chỉ mới đọc
thơ văn họ mà chưa từng được chen vai thích cánh chung ghế bàn. Mệt mỏi, bụi
đường xin trút bỏ ngoài bậc thềm. Bước vào, trăm ngọn nến lung linh soi tỏ,
lòng mềm ra với muôn tiếng cười rộn ràng vây quanh. Khi nghe gia chủ hô hoán,
một ông già gầy còm da xếp nếp tay nắm cốc rượu lững thững đến gần. Dáng cao,
khật khưỡng: “Ối dà, cái thằng nhà quê bên xứ lạnh cũng vừa sang tới?” Khuôn
mặt không biểu hiện rõ điều gì khi nói. Ngăm đen, thiếu linh hoạt, là một đầu
tàu va vấp gió bụi mãi chạy trên đường rầy chưa hề gián đoạn, ngơi nghỉ. Giang
hồ và phong sương. Trán cao, tóc thưa, miệng móm, răng rụng mất đã nhiều và
chẳng ai chửi thề nghe sướng tai cho bằng. “Đừng gọi tao là nhà văn lớn. Lớn
cái đếch gì?”. Trong toàn thể lời nói khô khan, riêng mình “đếch” là chữ có hồn
nhất, được kéo dài ra, lên giọng cao, đếch chẳng đùa đâu nhé.
Đó
là phút ban sơ tôi gặp mặt Mai Thảo. Và quả thật, tối đó tôi là thằng nhà quê
chóng say hơn ai hết. Tiệc rượu tàn, người vẫn thường đăng lắm truyện ngắn của
tôi trên Văn tục bản ở hải ngoại vẫn còn ngồi yên bên những chiếc ghế trống. Cổ
rụt xuống trên vai gầy, ly rượu chẳng bao giờ vơi được bao phủ bằng những ngón
dài, tài hoa. Đôi bàn tay cầm viết không mỏi mệt đã tạo dựng được trên dưới sáu
mươi (60) tác phẩm (ông rất ghét dùng chữ “tác phẩm”). Ông ngồi lặng trên ghế,
chính nhân dáng kia cũng tự tạo quanh ông một hình khối, nổi bật sự cô đơn bủa
vây.
o0o
-
Cuối cùng rồi anh cũng sang thăm xứ nhà quê nầy.
-
Tôi sang nhiều lần rồi chứ. Bọn chúng nó dắt cho đi xem những kỳ quan. Ừ, thì
cũng có đẹp đấy, nhưng mà rượu đâu, hãy mang ra đi chứ. Kỳ quan với thắng cảnh
thì cũng nằm ở một chừng mực nào đấy thôi. Nhìn ngó làm cái đếch gì!
Montréal
đang giao mùa. Thu như thu ở Virginia năm nào đã rời đi. Chúng tôi cùng bước
vào một quán ăn chịu khó đóng cửa ngủ muộn để tránh gió se lạnh vừa vụt tràn
qua, khởi đầu cho một mùa đông có tiếng là khắc khe, hung bạo. Bước đi của nó
chậm rãi nên khi ghé ngang đã dây dưa trì nán những năm (5) tháng. Nó đang tới
để khiến chúng tôi co ro bước lên một tửu quán người Tàu di dân đã ba đời. Củi
lửa reo cùng khói bốc cao từ một chảo dầu chiên xào thức ăn vùng nhiệt đới thơm
nồng chào đón. Trong đầu tôi hiện lên một nhản rượu: Ông già chống gậy. Chẳng
hiểu tại sao? Người viết nên “Sống Chỉ Một Lần” đang là một ông già, nhưng bước
đi vững chãi đó mãi mãi từ chối một cây gậy cầm tay.
-
Cậu nhớ viết cho Văn giai phẩm Xuân một cái truyện ngắn.
-
Dạ vâng.
-
Cậu đã ra được cuốn nào chưa? Một thằng nhà văn đừng bao giờ coi nặng chuyện
phải in cho kỳ được một vài cuốn sách. Có thì tốt bằng không thì cũng chả sao.
Mình sống với văn chương bằng cả tấm lòng, chỉ chừng ấy là đủ.
Tôi
nghe, tôi cúi đầu. Như từng im lặng đón nhận lời phát biểu của ông: Thằng nhà
văn nên thu mình trong bóng tối, sân khấu đèn màu nhẩy múa, chỗ ấy vốn dành
riêng cho bọn Hùng Cường Mai Lệ Huyền.
Phạm
Nhuận gọi mấy món. Anh bồi bàn nghiêng mình một bên lễ phép thưa gửi “tài lũ”.
-
Tài lũ cái đếch gì. Nó làm như bố người ta không bằng. Anh nên ăn thức này, anh
ngủ một tị cho khoẻ. Ối giời! Sợ, sợ lắm!
Mọi
người cùng cười. Cười luôn đi trước tâm sự. Cởi mở xong mới đụng tới được những
hàn huyên thân tình. Và Mai Thảo là một người khó tính, ít ăn ít nói trước đám
đông xô bồ. Thảng hoặc nge tâm sự, riêng tư: Ban đầu là Hồ Dzếnh, người từng
khuyên chớ dẫm chân vào con đường văn chương. Tôi không nghe, trái lại còn hăm
hở nữa. Kết quả cái sự giấn liều kia là một quyết định đúng đắn.
Ai
cũng ngầm hiểu, ông và nhóm Sáng Tạo đã đưa văn học Việt Nam bước ra một khung
trời mới, cách ly khỏi ảnh hưởng của Tự Lực văn đoàn. Gần bên Mai Thảo như tiếp
cận một cuốn sách dầy nặng nhiều chương hồi. Giở số trang 1976 là bắt gặp một
đoạn văn đầy mưa bão, u ám. Lật vội qua trang sau là chuỗi ngày lưu đày, trốn
chạy trên chính quê hương mình. Giở lui thì bắt gặp thời bất toàn của “Đêm Giã
Từ Hà Nội”. Giở tới thì nhìn ra “Hồng Kông Ở Dưới Chân”. Từ 1994 là bước qua
chương tương lai, ở đó khẳng định một điều: “Lưu vong là lưu vong mãi. Đã mang
phận phải ra đi thì nên đi luôn, chẳng muốn về. Không về là vì tâm chẳng muốn
về. Thế thôi”.
Mọi
người cùng ăn, ông thì không. Lại lập luận: “Cái bao tử nó không đòi hỏi thì cứ
để mặc nó, tôn trọng nó. Và đã thành thói quen. Cái uống thì lại khác…” Ông
cười, nhếch mép rồi “vô” một ly khác. Thuốc lá Winston đốt lên điếu mới mặc dù
nằm trên đĩa gạt tàn hẳn còn nửa điếu cháy dở. Ông từng nửa đùa nửa thật cùng
tôi: “Thành phố cậu ở xem ra văn minh hơn bọn nhà quê bên Cali. Anh làm cái
đếch gì mà cấm người ta hút thuốc? Nhà quê bỏ mẹ!”. Khói thuốc mơ màng, giọng
trầm, khàn đục: “Điều tôi mãi tiếc, hối hận thì đúng hơn, là chưa được uống rượu
với ông Tản Đà”.
Ông
già Mai Thảo ở chơi với bọn “nhà quê” được một tuần. Đón có Luân Hoán, đưa tiễn
có Phạm Nhuận. Trời mưa lai rai, gió cuồng thảng hoặc những đêm hàn huyên muộn
trễ việc lên giường. Một tuần có khi nghe ông nói tiếng Pháp lưu loát, có khi
nghe chậm rãi tiếng mẹ đẻ, giọng Hà Nội chuẩn mực rót xuống bàn rượu những tâm
sự đắng lòng. Không nghe ông trách cứ một ai, chẳng nghe ông ca ngợi người nào.
Ông quan niệm: Cứ mặc xác chúng nó. Hơi đâu!
Một
tuần, có khi thấy phong độ, lại lắm lúc nhìn ra cơ thể ấy đang đến hồi suy
nhược, mệt mề, thôi linh hoạt. Tạp chí Văn mỗi khi một đi xuống, điều đó có
phải do bởi tuổi già, một mình chăm sóc? Không, chẳng phải thế. Lỗi ở bọn trẻ
đi sau, lỗi ở tôi khi đóng góp bài vở. Có lần ông nói: “Thế hệ cậu không có
được sự may mắn. Thời ấy, sinh viên học sinh vẫn kẹp trong sách vở những cuốn
“Để Tưởng Nhớ Mùi Hương”, “Mười Đêm Ngà Ngọc”… Bọn tôi sống hẳn với văn chương,
chí thú viết truyện không hở tay”.
May
mắn? Bất hạnh? Quả có thế. Chẳng có gì kỳ cục hơn là khi ta ném một hòn sỏi
xuống hồ, quăng mạnh tay, rớt, chìm, mất tăm tích; mà mặt nước kia vẫn tịch
lặng chẳng hề xao động cho sóng đồng tâm nhăn gợn, loang ra.
Ông
Mai Thảo về lại Cali. Nhớ lời ông, tôi ngồi viết truyện ngắn cho Văn giai phẩm
Xuân với cõi lòng trống vắng. Đây cũng là điều kỳ quái khác. Nói kiểu Mai Thảo:
Xuân cái đếch gì khi ngoài kia là một trời băng tuyết lấp đầy chôn lạnh! Cái ô
vuông cửa sổ trông tựa một tờ giấy trắng. Để nó sạch tinh khôi hay vấy bẩn vào,
cào cấu những hàng chữ không thật lòng, run yếu? Ừ, viết thì viết. Một lời đã
hứa thì cố gắng giữ tròn. Chữ thoát ra, dẫu không hay nhưng nó ký gửi theo một
tâm thành, chẳng dối gạt.
Chuông
điện thoại reo:
-
Đang làm gì thế?
-
Đang bóp trán.
-
Viết lách đấy à?
-
Phải.
-
Ngồi vọc bàn máy đánh chữ sướng hay ngồi nhậu cùng anh em sướng?
-
Còn phải hỏi.
-
Thay áo quần đi. Ta lái xe đến đón liền khi.
Tôi
không phải là tửu đồ. Điều đó đã có lắm người “thị thực chữ ký”. Nhưng mà chén
chú chén anh thì vẫn thích hơn là đầu óc đã quên khuấy hình dáng cây mai chi
chít hoa vàng nở đầy cành lá mà cố mường tượng lấy được rồi vẽ rắn thêm chân
những bánh chưng pháo đỏ ông đồ lì xì mừng tuổi tống cựu nghinh tân.
Ông
Mai Thảo đi rồi, bàn rượu có vẻ trầm mặc, như thiếu một thức gì. Bạn hãy để mặc
tôi, đừng thắc mắc, hãy uống những gì bạn thích. Cordon bleu, X.O… Thế thì trà
đá chanh đường chăng? (chữ của Khánh Trường). Không, đâu mà tệ thế, cho tôi xin
một ly Martell. Tôi muốn bắt chước thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, uống trôi chất cay
này để nhớ già Mai Thảo.
Rượu,
chưa đủ. Nhớ Mai Thảo là nhớ câu thơ của Bùi Giáng mà ông ca ngợi: “Xin chào
nhau giữa con đường, mùa Xuân phía trước miên trường phía sau”. Là mỗi khi nhận
báo Văn qua bưu điện, vẫn bất di bất dịch hàng chữ viết tay quen thuộc ngoài
phong bì vàng. Cầm lên, trong trí hiện ra một đám mây; nhiều màu, rực rỡ, bay
giạt qua bầu trời nhỏ bé của văn chương Việt Nam. Mây che nắng, mây tạo mưa rồi
trôi tới một phương trời rộng. Một đám mây cô quạnh, thong dong, bềnh bồng, lạc
loài trên vùng đất viễn xứ.
Tôi
không là tửu đồ. Đã đành. Nhưng rượu, biết uống mấy cho vừa, cho nguôi ngoai,
cho chìm quên, hở ông nhà văn không thích được gọi là lớn?
HỒ ĐÌNH NGHIÊM
Hợp Lưu số 16, tháng
4 & 5, năm 1994. Chủ đề “Mai Thảo 50 năm hệ luỵ với văn chương”.
Đánh máy lại, có
chỉnh sửa. Tháng 3, 2019. Và thêm chú thích: Vì sức khoẻ sa sút, năm 1996 Mai
Thảo chuyển giao tạp chí Văn cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng chăm lo. Mai Thảo
sinh năm 1927 tại Nam Định và mất năm 1998 ở California.
No comments:
Post a Comment