Trần
Doãn Nho
Từ trái, hàng đứng: HĐNam, ĐYThảo, Thu Thuyền & Nam;
hàng ngồi: Nguyễn Xuân Thiệp, TDNho, Thận Nhiên.
(Hình: Trần Doãn Nho)
Đọc
thơ Nguyễn Xuân Thiệp trên Văn Học từ những năm 1994, 1995, nhưng đến Tháng Tám,
1998, tôi mới được gặp anh trong buổi ra mắt tập thơ “Tôi Cùng Gió Mùa” ở một
nơi không có vẻ gì là ra mắt sách: nhà Nguyễn Mộng Giác.
Trong
ngôi nhà không mấy rộng của ông chủ bút Văn Học, có cả năm, sáu chục người, bạn
văn và thân hữu, kẻ đứng, người ngồi, ai không có chỗ thì đứng hay ngồi ở ngoài
vườn ngó vô, lắng nghe chị Nguyễn Xuân Thiệp đọc thơ chồng mình. Nghe nói chị
thuộc thơ anh nhiều hơn cả chính anh.
Thơ
Nguyễn Xuân Thiệp là một làn gió mới thổi vào sinh hoạt văn học hải ngoại đầu
thập niên 1990. Kết cấu thơ không cách tân thời thượng, nhưng mới. Phảng phất
không khí cổ điển, nhưng không cũ. Ngôn ngữ nhẹ nhàng, nhưng chứa chan suy gẫm.
Thơ
anh tràn đầy thiên nhiên, sự vật và hoa cỏ. Nhiều gió, nhiều hoa, nhiều mưa,
nhiều chim, nhiều nắng, và nhiều thứ vô cùng quen thuộc của cái thế giới thân
quen chung quanh chúng ta, từ vườn, phố, núi, sông cho đến cây đàn, chiếc võng,
bức tường, hiên nhà, sỏi đá rồi những sói, vịt trời, quạ, cua, cọp, dế, gà, ngựa…Và
tràn trề tấm lòng.
Anh
thổi lòng anh vào chung quanh và nhuốm cả chung quanh vào cõi trăn trở riêng mà
cũng rất chung của anh: trăn trở tình yêu, trăn trở cuộc nhân sinh, trăn trở thế
sự, trăn trở kỷ niệm, và đôi khi, trăn trở đến cả những trăn trở của chính
mình.
Nhắc
đến thơ Nguyễn Xuân Thiệp, người ta thường đề cập bài “Đêm Đốt Lửa Nghe Sư
Đàn,” một trong những bài thơ tù độc đáo nhất trong kho tàng thơ tù sau 1975
hay “Tôi Cùng Gió Mùa,” một bài thơ tràn đầy gió cũng là tựa đề tập thơ.
Riêng
tôi, tôi còn thích một bài khác, đa dạng hơn, lại thấm đẫm chất tùy bút,
thơ mà văn: “Ánh Trăng.” Đây là bài dài
nhất trong “Tôi Cùng Gió Mùa”: 250 câu, làm theo thể bảy chữ, phân thành sáu đoạn,
dài ngắn không đều nhau. Tất nhiên “Ánh Trăng” là nhiều trăng, không những thế,
tràn trề trăng, từ đầu đến cuối: trăng lên, trăng treo, trăng soi, trăng đứng,
trăng đi, trăng trôi… với nhiều hình ảnh trăng rất lạ: vầng hư tưởng, quả bóng
xanh, trăng hư hay trăng bỏ neo và thú vị nhất là… búp trăng.
Trong
thơ anh, trăng vừa như người bạn, người tình, người mẹ, người vợ, vừa như kẻ dẫn
dường, người chia sẻ, người chăm sóc, an ủi. Bất cứ lúc nào, anh cũng có trăng.
Và trăng lúc nào trăng cũng có anh. Có “vầng trăng hư tưởng” xôn xao thời trẻ dại,
có vầng trăng “hong khô ngấn lệ,” “vệt trăng tìm lửa ấm” thời chiến chinh, rồi
trăng “rời châu thổ,” “vầng trăng đứng cuối đường ray gió,” “vầng trăng đi
trong mưa,” “trăng rét căm căm” thời đi tù, và ngày trở về, bắt gặp con trăng
“nằm phủ cỏ khô” rồi “vầng trăng ngọc” soi bóng thời gian ngày đoàn tụ. Trăng
trong “Ánh Trăng” là trăng đời, trăng người. Nó là dòng đời của một đời người
trong cuộc nhiễu nhương: tươi mươi, khúc khuỷu, gập ghềnh, gian lao, hy vọng…
Thuở
nhỏ, trăng, “vầng hư tưởng,” nhưng là sức sống, là niềm vui:
“trăng lên. ồ. một vầng
hư tưởng
tuổi nhỏ. cười nhô mặt
nước xanh
đâu đó. sông lam chừng
trở giấc
rào rào muôn lượn
sáng xô nhanh
gió như chim ngủ
trong tầng lá
phút chốc xôn xao dậy
khắp cành”
Vào
thời chinh chiến, cũng trăng đó xuống trần hong khô lệ, an ủi, chia sẻ những bất
hạnh của những thiếu phụ mất chồng trong cuộc chiến.
“trăng sáng. kìa ai
nơi xóm cỏ
hong khô ngấn lệ thời
gian chưa
dẫu cho thi sử đau
vàng đá
thì cũng qua rồi.
theo gió đưa
trăng chiếu. những ai
sầu góa bụa
khăn sô. cắn giấu
vành môi tươi
Trăng trở thành kẻ cứu
chuộc:
những ai trót sẩy đàn
tan nghé
hãy đứng trông trăng.
sáng lại đời”
Cũng
trăng đó không ngại rừng sâu núi thẳm, không ngại hoang lạnh, điêu tàn, lần mò
đi tìm thăm nấm mồ bằng hữu, tưởng niệm
những oan hồn đã khuất:
“đêm tạnh. hồn nương
bãi sậy dài
lều vắng. vệt trăng
tìm lửa ấm
chồn hoang lang thang
qua mồ gai
bằng hữu đem thân vùi
cát bụi
tiếng tù và. động giấc
bi ai”
“Vệt
trăng tìm lửa ấm,” chao ơi, hình ảnh trăng đẹp và cảm động đến nao lòng!
Cũng
trăng đó, sau cuộc chiến, “rời châu thổ” vì “bão cát xô thế kỷ đổi đời,” và dõi
theo bước chân tủi nhục của những kẻ thua cuộc, bị đi đày.
“vầng trăng đứng cuối
đường ray. gió
những toa tàu. qua.
khuất. lau thưa
thức trong cây. trái
tim sầu úa
như trăng. người của
thuở không nhà
thức trong cây. trái
tim sầu úa
như trăng. người của
thuở không nhà
trăng chiếu. thành
không. hào lũy sụp
còn nghe sắt thép rền
cỏ khâu
tỳ bà. đá dựng. hồn u
khốc
uổng ngọn cờ treo ải
địa đầu”
“Vầng
trăng đứng cuối đường ray. gió” ngóng theo đoàn tàu chở tù. Trăng ở đây là người
mẹ, người vợ bất lực và xót xa nhìn người thân của mình đang ở trên chuyến hành
trình đi vào vô định.
Cũng
nói về chuyến tàu chở tù ra Bắc, ở Tô Thùy Yên, thơ nghe có khác:
“Ta nghe rêm nhói
thân tàn rạc
Các thỏi xương lìa đụng
chỏi nhau
Nghe cả hồn ta bị cán
nghiến
Trên đường lịch sử sắt
tuôn mau.”
Hai
nhà thơ cùng tâm trạng nhưng bày tỏ hai cảm thức khác nhau. Nguyễn Xuân Thiệp
trăn trở, Tô Thùy Yên bi phẫn.
Trong
những tháng ngày tù tội, trăng không bỏ cuộc, vẫn “dõi dõi soi” người tù như vầng
trăng trong chinh phụ ngâm, tưởng như trăng cũng là/trở thành bạn tù của anh.
Chả thế mà trái tim anh luôn luôn đầy trăng. Và trăng luôn luôn ở bên anh:
trăng đội mưa, trăng “theo con đường đất đỏ,” trăng “soi đầm nước rộng,” “trăng
rét căm căm.” Tóm lại, trăng ở tù.
“ôi. những vầng trăng
thời biệt xứ
trôi trong tâm thức.
một dòng khuya
ta nghe nước khỏa bờ
lau dại
có một vầng trăng đi
trong mưa
có một vầng trăng hư
mọc muộn
tóc ai còn vướng cánh
đồng mua
khi trăng theo con đường
đất đỏ
bước cheo leo. khúc
khuỷu. ngựa thồ
ta thấy trăng soi đầm
nước rộng
mùa thu. mùa thu. im
cành trơ
đêm tù. bạn đọc thơ đầu
núi
tưởng chim rừng động
ánh trăng xưa
gió mùa thổi lộng
trên miền bắc
trăng rét căm căm. vệt
sáng mờ.”
Dẫu
thế, trong cảnh đời tan rã, anh vẫn để lòng mình lắng lại, suy gẫm cuộc nhân
sinh. Vì trăng như “một loài chim quý,” không chỉ ở bên ngoài, mà còn “trôi
trong tâm thức” và “soi tâm thức”:
“trăng khuya vằng vặc
soi tâm thức
đêm tịnh. trời trong.
gió lắng sâu
mây từng cụm nhỏ.
trôi. trôi khuất
lũ vịt trời. ô. trăm
ánh sao
trăng khuya. như một
loài chim quý
bay suốt nghìn năm.
hót một lần.”
Cũng
từ đó, trong cuộc hợp tan, chàng ngộ lẽ thịnh suy, lẽ vô thường.
“dưới mái chùa tây.
vang tiếng kệ
vị sư già đã thức.
chuông ngân
âm thanh. như một làn
hương sữa
chảy xuống hồn ta đã
lặng dần
hạt lệ muốn rơi. giờ
đọng lại
trăng. nguyệt cầm ơi.
ngọc mới đông.”
Rồi
cũng có lúc chàng được trở về. Lâu quá, nhưng may, anh vẫn nhận ra chốn cũ, dù
không còn như cũ. Và người gặp lại người, “vỡ giấc chiêm bao”:
“trở về. những bảng
nhà phai số
cánh cổng đong đưa.
gió lọt rào
chợt tiếng người reo
bên giếng nước
ai cười. như vỡ giấc
chiêm bao.”
Trong
nỗi vui đoàn tụ, chàng lại thấy trăng. Không còn “đứng cuối đường rây, gió,”
không còn “trăng đi trong mưa” hay “dầm trong mưa,” không còn “trăng đi theo đường
đất đỏ,” trăng bây giờ trẻ lại, hồi sinh, biến thành… búp: búp trăng.
“phiến lá ngời vàng
óng búp trăng
hương biếc chạm vào
trang sách quý
mở ra thôi. ước cũ
hàng hàng…
dưới trăng. những mảnh
đời han rỉ
sáng lại. ô hoa đã rộ
cành.”
Rốt
cuộc, trăng như một kẻ hành nhân, ròng rã đi vòng suốt cuộc nhân sinh:
“trăng khuất. nhưng
mùa sau lại mọc
loài người ơi. nghe
tiếng võng đưa
lên cao. thấy một vầng
trăng ngọc
xuống thấp. còn trong
giấc ngủ mơ
soi bóng thời gian. hồ
nước tịnh
đông phương này. đêm ủ
mật hoa.”
Từ
đầu chí cuối, dù trong hoàn cảnh nào, niềm vui và nỗi khổ của anh lúc nào cũng
dịu nhẹ, không thê thiết, bi phẫn nhưng ngấm sâu. Lại nhuốm mùi đạo sĩ qua những
hình ảnh những vầng trăng thời cổ điển: quẫy sóng thiên thu, người cưỡi trâu
xanh, tượng nhân sư rống, kẻ sĩ cuồng, màu nam hoa kinh. Rất dễ hiểu: anh đưa
những trăn trở cá nhân lên tầm nhân loại. Trăn trở của anh là trăn trở con người.
Đau khổ, cách này hay cách khác đều là đau khổ, chẳng phải của riêng ai. Như
trăng, nhà thơ đi qua những nẻo đường nhân sinh:
“lòng ta. một ánh
trăng trong suốt
trên những nẻo đường
nhân loại qua
bên bữa ăn xanh người
đạo sĩ
những buồn vui của khắp
mọi nhà.”
Nguyễn
Xuân Thiệp sinh trưởng ở Huế. Trước 1975, sĩ quan quân đội VNCH, làm việc cho
đài phát thanh quân đội. Sau 1975, ở tù cho đến 1982. Năm 1995, định cư ở Hoa Kỳ.
Làm thơ đăng báo từ 1954. Ra hải ngoại, cộng tác với các tạp chí Thế Kỷ 21, Văn
Học, Hợp Lưu, Văn. Chủ biên tạp chí Phố Văn từ 2000-2008. Hiện ở Dallas, Texas,
làm việc cho tuần báo Trẻ.
TRẦN
DOÃN NHO
January 12, 2019
No comments:
Post a Comment